Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

20160630. BÀN VỀ THAM NHŨNG QUYỀN LỰC

ĐIỂM BÁO MẠNG
Nói đến tham nhũng phần đông mọi người nghĩ ngay đến tiền - vàng - đô la, những món có thể trao tay nhanh chóng dễ dàng. Chính vì thế mới có người đề nghị từ nay chỉ in tiền có mệnh giá nhỏ, dưới 20.000 đồng như một biện pháp chống tham nhũng!
Tuy nhiên, chính tham nhũng quyền lực mới là một dạng tham nhũng phổ biến nhất, ở nhiều tầng nấc nhất và cũng khó chống nhất.
Trong các vụ việc cha bổ nhiệm con hay nói cho đúng cha tạo điều kiện để con được bổ nhiệm vào những vị trí rồi cũng có quyền lực thì dù cho có đúng quy trình, dù luật pháp chưa lường hết để ngăn chặn thì các vụ việc như thế chính là biểu hiện của sự tham nhũng quyền lực.
Cán bộ nhà nước, ở bất kỳ cương vị nào, cũng được Nhà nước trao cho một số quyền lực để hành xử chức trách Nhà nước giao phó. Bất kỳ ai lạm dụng cái quyền lực đó để tư lợi, sử dụng cái quyền lực đó không cho công việc mà cho chính bản thân mình hay gia đình mình, người đó đang tham nhũng quyền lực.
Và trong thực tế đâu chỉ có chuyện lạm dụng quyền lực một cách trực tiếp, dễ bị phát hiện. Cảnh sát giao thông thổi phạt người vi phạm luật giao thông nhưng bỏ túi vài trăm ngàn chứ không lập biên bản là một dạng tham nhũng quyền lực cò con, dễ bị phát hiện. Phức tạp hơn sẽ có sự đổi chác để quyền lực được ban phát cho một bên nhìn qua thì không hưởng lợi gì nhưng sẽ được đổi lại để từ một nơi khác quyền lực lại ban phát một cách “vô hại”. Hai cái “vô hại” như thế rồi sẽ tự “cân đối” lợi ích cho nhau - từ đó mới đẻ ra nhóm lợi ích!
Chính vì thế con đường cha bổ nhiệm cho con chỉ là một bước trên đại lộ tham nhũng quyền lực gián tiếp; nó có thể đơn giản là số cổ phiếu được chia hay quyền mua cổ phiếu, quyền mua căn hộ, đến phức tạp hơn một chút là dàn xếp học bổng cho con cái đi học ở các trường đắt tiền ở nước ngoài. Từ đó đến có tên trong các danh sách như kiểu hồ sơ Panama đâu có gì là xa.
Tình trạng tham nhũng này ai cũng thấy, ai cũng lên tiếng tỏ rõ quyết tâm muốn dẹp. Giải pháp cũng có nhiều, kể cả chuyện in tiền mệnh giá nhỏ... Nhưng kết quả cụ thể chưa được bao nhiêu trừ một số vụ được phát hiện gần đây.
Con đường đơn giản nhất để chống lại tham nhũng nằm ngay trong khái niệm đưa ra ở đầu bài: quyền lực. Nếu không có quyền lực, người ta không thể tham nhũng và cũng chẳng ai chạy chọt với kẻ không có quyền lực.
Nhưng Nhà nước cũng không thể vận hành nếu không trao quyền cho cán bộ để thay mặt Nhà nước mà hành xử. Vì thế con đường duy nhất là kiểm soát quyền lực - tức là trao quyền lực nhưng quyền lực đó sẽ bị giám sát chặt chẽ từ nhiều phía. Thứ nhất phải loại bỏ hết mọi “ngoại lệ”, tức dùng các biện pháp không có trong hệ thống luật pháp để can thiệp vào sự vận hành của bộ máy công quyền. Hiện nay tính song trùng của bộ máy tạo ra những khe hở mang tính can thiệp như thế và làm vô hiệu hóa các công cụ kiểm soát luật định.
Thứ hai phải hiểu vai trò giám sát của người dân thông qua báo chí không phải là chuyện muốn thì làm, không muốn thì gia giảm. Đó là một cơ chế mà nhân loại đã dày công xây dựng thì phải để nó phát huy tác dụng.
Tính giám sát lẫn nhau của, chẳng hạn, đại biểu Quốc hội chất vấn việc bổ nhiệm sai luật; bên tòa án không màng đến sự can thiệp của ông chủ tịch tỉnh để vẫn xử công minh một ông phó chủ tịch tham ô... phải được tôn trọng. Các chỉ đạo loại như thủ trưởng cơ quan hành chính bảo bên tòa phải xử mạnh tay vào là hỏng cái tính giám sát lẫn nhau đó.
Tinh thần của kiểm soát quyền lực nói cho cùng là sự bắt buộc của một cơ chế, trong đó từ cấp cao nhất tự đặt mình dưới những ràng buộc giúp bản thân mình và bộ máy bên dưới có muốn tham nhũng quyền lực cũng không làm được. Và sự thành công của việc kiểm soát quyền lực phải dựa vào việc xây dựng luật lệ, cơ chế, thể chế để ai nấy dựa vào đó mà hành xử chứ không phải chỉ dựa vào đạo đức của người đứng đầu.
Nguyễn Vạn Phú/(Thời Báo KTSG)
'TIÊU CỰC, THAM NHŨNG TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ SẼ LÀ NGUYÊN NHÂN CỦA MỌI NGUYÊN NHÂN..."
PV PHAN ĐĂNG/ ANTG 29-6-2016
Ông Phạm Thế Duyệt trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng.


Câu chuyện một phó chủ tịch UBND tỉnh gắn biển xanh - biển công vụ vào một chiếc xe Lexus cá nhân đã tạo nên nhiều thông tin không hay trên các diễn đàn báo chí, dư luận những ngày qua. Nhưng có lẽ câu chuyện này chỉ là bề nổi của một vấn đề quan trọng hơn: Bệnh hình thức, xa rời quần chúng của người cán bộ? Và, những lỗ hổng đây đó trong quy trình thiết kế, bổ nhiệm cán bộ trong bộ máy tổ chức của chúng ta?


Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

20160629. BÀN LUẬN VỀ SỰ KIỆN BREXIT

ĐIỂM BÁO MẠNG
TS LÊ ĐĂNG DOANH VÀ TS VÕ TRÍ THÀNH CÙNG MỔ XẺ NHỮNG TÁC ĐỘNG TỪ VIỆC ANH RỜI KHỎI EU
DUYÊN DUYÊN/ MTG 28-6-2016
Câu chuyện nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang nóng lên bởi điều này có tác động lớn đến kinh tế, chính trị của nhiều quốc gia trên thế giới. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh và TS Võ Trí Thành cũng đưa ra nhiều phân tích về hệ lụy từ cuộc chia tay giữa Anh và EU.
TS Võ Trí Thành: Anh "chia tay" EU sẽ kéo theo nhiều hệ lụy
Phân tích về việc tại sao nước Anh lại rời EU, một khối liên minh vốn có một sự gắn kết chính trị và kinh tế chặt chẽ nhất thế giới? TS Võ Trí Thành cho rằng, có nhiều nguyên nhân nhưng tựu chung lại thì cần phải hiểu ngay từ những ngày đầu là thành viên của EU và trong tiến trình thể chế hóa mạnh mẽ, mở rộng EU đã có một bộ phận không nhỏ người Anh, bao gồm cả giới chính khách nghi hoặc, không hài lòng ít nhiều với cách thức liên kết của châu Âu.
"Cụ thể hơn, những điểm không hài lòng được thể hiện ở cách nhìn nhận về việc EU có thực sự đem lại lợi ích cho nước Anh với tư cách là thành viên cùng với chi phí Anh bỏ ra, việc mở rộng thành viên EU. Anh cũng không hài lòng với cách ứng xử của EU trên nhiều vấn đề như cuộc khủng hoảng nợ công, dịch chuyển lao động, người nhập cư…
Ngoài ra, trong chừng mực nhất định, Anh cũng cảm thấy quyền định đoạt đối với mình có thể khó dễ, nên không ngẫu nhiên trong quá trình xây dựng luật lệ châu Âu, như đối với thị trường tài chính Anh có quan điểm, bảo lưu riêng", TS Võ Trí Thành nhận định tại Tọa đàm "Thiên nga đen Brexit và ứng xử của Việt Nam" do Tạp chí điện tử Diễn đàn và Đầu tư tổ chức chiều 28.6.
Theo đó, nhìn nhận khái quát, TS Thành cho rằng, hình ảnh mà nhiều người ví Brexit như cơn địa chấn, trận động đất đối với nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu không phải không có lý vì những tác động tức thời là rất lớn, thể hiện dịch chuyển dòng vốn lớn khỏi Anh, mức độ mất giá sâu của đồng Bảng Anh và phản ứng rất tiêu cực của hàng loạt thị trường chứng khoán trên thế giới.
"Cũng cần hiểu Brexit có tác động nhiều chiều cạnh, không chỉ kinh tế, tài chính, thương mại, mà cả về chính trị, xã hội. Trong tác động nhiều chiều đó, có tác động tức thời, trước mắt, có tác động trong trung, dài hạn.
Tác động cũng không chỉ đối với bản thân nước Anh, mà với không ít kịch bản đưa ra, tác động tiêu cực có thể diễn ra đối với kinh tế của cả khu vực địa lý rộng lớn là châu Âu, những nền kinh tế chủ chốt và cả thế giới", TS Thành nhận định.
Phân tích một cách sâu hơn, TS Võ Trí Thành cho rằng, có ba điều cần nhìn nhận sau sự kiện này. Thứ nhất, đó là bản thân những thay đổi, chuyển động diễn ra ở Anh. Sau Brexit, Scotland nơi đa số người dân phản đối Brexit, có thể đòi độc lập hoặc chí ít muốn ở lại EU. Chưa kể, phản ứng chính sách của nước Anh thời gian tới đây như cải tổ khu vực tài chính nhằm đảm bảo đây vẫn là trung tâm tài chính, đủ lấy lại sự hấp dẫn dòng vốn.  
Thứ hai, đó là các kịch bản mà nước Anh có thể đàm phán với EU. Nhiều người tin rằng những điều khoản liên quan đến tự do hoá thương mại, đầu tư ít chịu áp lực trong đàm phán, song những vấn đề liên quan đến dịch chuyển lao động hay những nguyên tắc gắn với “trò chơi tài chính” có thể sẽ rất khó khăn và căng thẳng. Hiệu ứng domino của Brexit, cùng với chủ nghĩa dân tộc có phần cực đoan và thuần túy, phụ thuộc không nhỏ vào những hệ lụy đối với Anh và cách thức “chia tay” Anh và EU.
Thứ ba, mức độ, phạm vi tác động của Brexit còn rất phụ thuộc vào ứng xử của thế giới đối với vấn đề này, đặc biệt là của các nền kinh tế lớn Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Nếu thiếu sự phối hợp cần thiết, chẳng hạn như của G7, G20… điều này lại có thể càng gây những xáo trộn khó lường về tài chính và dịch chuyển dòng vốn. Đến lượt nó, lại có tác động xấu đến nền kinh tế thực của thế giới. 
"Không phải ngẫu nhiên, những tác động tiêu cực tức thời sau Brexit còn có lý do gắn với kỳ vọng về sự suy thoái, suy giảm kinh tế toàn cầu", TS Thành cho biết.
TS Lê Đăng Doanh: Anh rời EU gây chấn động về tài chính và tiền tệ toàn thế giới!
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc Anh bỏ phiếu rời EU đã gây ra chấn động về chính trị trên toàn thế giới và người ta không đón nhận thông tin này, khi thông tin xuất hiện mọi người đều ngỡ ngàng, bản thân những người lãnh đạo tại EU cũng ngã ngửa.
"Sự kiện gây ra chấn động về mặt tài chính và tiền tệ trên toàn thế giới. Người ta nói đến cuộc “tàn sát” của thị trường chứng khoán trên thế giới. Số liệu cho thấy thị trường mất đi hơn 2.000 tỉ USD, đồng EU, Bảng Anh mất giá và các quỹ, chỉ số thị trường chứng khoán sụt giảm nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, EU đang đứng trước những thách thức mới, những lực lượng muốn li khai trỗi dậy và ước tính có 43 đề nghị sẽ xin ra khỏi Liên minh châu Âu và nổi lên rõ ràng ở Đan Mạch, Pháp, Hà Lan, Ý…", ông Doanh nói.
Bên cạnh đó, chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, ở một số nước khác ít nhiều có lực lượng đề nghị với khẩu hiệu đòi độc lập, nếu như họ không rút ra thì họ cũng sẽ đòi những đặc quyền như nước Anh. Thực tế, trước khi rút ra khỏi EU, Anh đã ký được một thoả thuận về một số đặc quyền.
"Như vậy, Liên minh châu Âu chắc chắn sẽ phải cải cách, không thể làm theo mô hình như bây giờ. Do đó, có thể thấy quá trình toàn cầu hoá, nhất thể hoá đang bị thách thức, sẽ cần phải sửa đổi, thậm chí có ý kiến cho rằng toàn cầu hoá đang đi đến bước ngoặt và rất khó có thể tiếp tục có mô hình như Liên minh châu Âu", TS Doanh nhận định.
Duyên Duyên
ĐẠI SỨ EU: 'CHƯA THỂ ĐOÀN TRƯỚC TÁC ĐỘNG CỦA BREXIT'
ZING 28-6-2016
Dai su EU tai VN: Chua the doan truoc tac dong cua Brexit hinh anh 1
Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) Bruno Angele. Ảnh: Hồng Duy
Trưởng phái đoàn EU tại VN chia sẻ rằng dù tiếc nuối khi Anh rời liên minh, tác động của Brexit không hoàn toàn tiêu cực, đàm phán FTA giữa EU-VN vẫn tiến triển theo đúng lộ trình.
Trong buổi gặp gỡ các phóng viên tại trụ sở Phái đoàn tại Hà Nội chiều 28/6, Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Bruno Angelet bày tỏ sự tiếc nuối trước việc người Anh bỏ phiếu chọn rời EU. Theo ông Angelet, việc phần lớn người dân Anh chọn Brexit không phải sự kiện đột ngột mà đã xảy ra trong thời gian dài với nhiều điểm phức tạp. Nó liên quan tới tầm nhìn của EU về tương lai cũng như quan điểm của một bộ phận người dân với EU.
“Có những cách để người dân Anh không lựa chọn rời EU nhưng sự việc này đã xảy ra. Vì thế, các nhà lãnh đạo EU và Vương quốc Anh cần thảo luận với nhau nhằm tìm ra phương án tốt nhất. Với sự hợp tác của EU và Anh, hai bên sẽ tìm được giải pháp nào đó để hướng về tương lai”, Đại sứ Angelet chia sẻ.

Người Anh chưa nhìn rõ lợi thế

Trước câu hỏi của các phóng viên về lý do người dân Anh bỏ phiếu lựa chọn rời EU, Đại sứ Angelet nhắc tới mối quan hệ Anh – EU đã tồn tại trong nhiều thập niên qua. Những cuộc thảo luận xung quanh tương lai phát triển song phương nhiều lần được tổ chức nhằm tìm ra giải pháp.
“Tôi không có cơ sở để tìm ra nguyên nhân vì sao người Anh rời EU nhưng Liên minh đã thể hiện thiện chí thông qua những thỏa thuận nhiều ưu đãi cho Anh hồi tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, kết quả trưng cầu dân ý cho thấy người dân Anh chưa nhìn rõ những lợi thế mà 27 nước thành viên còn lại của Liên minh đã dành cho họ”, ông Angelet nhấn mạnh.
Theo vị đại sứ, trong gần 10 năm qua, EU đã phải đối mặt với nhiều khủng hoảng. Tuy nhiên, nếu so sánh với 20 năm trước, EU đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực, mở rộng thành viên từ 15 lên 28, xây dựng thành công Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Ngân hàng trung ương châu Âu. Trước khủng hoảng và khó khăn, EU cần đoàn kết thông qua những công cụ nêu trên.
Trước quan điểm cho rằng bất đồng về tình trạng người nhập cư khiến người dân Anh chọn Brexit, Đại sứ Angelet thừa nhận EU có tìm kiếm giải pháp nhưng còn nhiều hạn chế. Nếu đó là lý do người Anh ra đi, các bên hoàn toàn có thể ngồi lại tìm giải pháp có thể chấp nhận được.
Việc Anh rời EU chắc chắn sẽ có những tác động tới các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa các nước với EU. Tuy nhiên, Đại sứ Angelet khẳng định đàm phán FTA giữa EU và Việt Nam vẫn đang tiến triển theo đúng lộ trình mà hai bên đặt ra.Còn quá sớm để đánh giá tác động của Brexit
“Tôi cho rằng còn quá sớm để đưa ra nhận định về EVFTA sau Brexit. Chúng ta cần lắng nghe thêm nguyện vọng của người Anh cũng như kết quả cuộc họp thượng đỉnh mà Ủy ban châu Âu sắp tổ chức”, Đại sứ Angelet nói.
Ở thời điểm hiện tại, FTA Việt Nam – EU đang trong giai đoạn rà soát pháp lý và phiên dịch sang các ngôn ngữ khác nhau. Hiện tại, EU đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương Việt Nam nhằm đảm bảo đàm phán FTA diễn ra theo đúng lộ trình. Theo kỳ vọng, lễ ký kết sẽ diễn ra trong năm tới để hiệp định đi vào thực thi.
Ông Angelet cũng đề cập tới những nhận định tiêu cực đã được đưa ra sau Brexit, gây tác động xấu lên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, tác động chủ yếu của sự kiện này vẫn thuộc về chính trị. Đại sứ Angelet mong muốn những nhận định xấu không gây ra hậu quả tiêu cực. Các bên cần thời gian để làm rõ vấn đề, bao gồm thời điểm Anh quyết định kích hoạt Điều 50 để rời EU.
Nói về dòng đầu tư từ EU vào Việt Nam sau Brexit, Đại sứ Angelet cho rằng mọi tác động vẫn đang ở mức phỏng đoán. Tuy nhiên, EU đứng thứ 3 trong các bên cam kết đầu tư vào Việt Nam trong khi Việt Nam là nước ASEAN xuất khẩu nhiều nhất sang EU. Mối quan hệ thương mại song phương đang phát triển mạnh.
“Cá nhân tôi hy vọng và cam kết thúc đẩy các cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam và kêu gọi thêm các nhà đầu tư mới trong thời gian tới”, Đại sứ Angelet nhấn mạnh.

EU cần cải tổ

Trước việc người dân Anh lựa chọn rời EU, Đại sứ Angelet khẳng định Liên minh cần phải cải tổ để ngăn các quyết định tương tự.
Trong nhiều năm trở lại đây, người dân EU nhận thấy rõ ràng lợi ích trong việc tham gia liên minh. EU cần đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho đòi hỏi của người dân, từ những vấn đề cơ bản nhất như đời sống, phúc lợi tới an ninh, chống khủng bố. Đây là thách thức toàn cầu và không một quốc gia đơn lẻ nào đủ sức tự giải quyết.
“EU phải phối hợp hiệu quả trong hoạt động và cần cải cách để làm yên lòng công dân”, ông Angelet nhấn mạnh.