Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

20160627. XUNG QUANH VỤ SU-32MK2 GẶP NẠN

ĐIỂM BÁO MẠNG
SỰ MẤT TÍCH CỦA CHIẾN ĐẤU CƠ TỐI TÂN SU-32MK2 VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐÁNG BÀN
NGUYỄN TƯỜNG TÂM/DLB / BVN 26-6-2016
clip_image001
Phát hiện vật nghi là áo phao của phi công Su-30MK2 bị mất tích (Ảnh: Báo Giao thông)
(Danlambao) - Là một sĩ quan bộ binh tác chiến của Quân đội Miền Nam cách nay gần 50 năm, và cũng đã từng làm công tác tham mưu ở Trung tâm Hành quân (TOC: Tactical Operations Center) của Sư đoàn Việt Nam lẫn Sư đoàn Hoa Kỳ (sĩ quan liên lạc hành quân (liaison officer) tại Sư đoàn 5 Cơ giới Hoa Kỳ-5th Mechanized Infantry Division) tôi xin có nhận xét về một số vấn đề thiếu sót của Không quân Việt Nam hiện nay qua việc tìm kiếm và tiếp cứu hai phi cơ mất tích trong 2 ngày 14 và 16 tháng 6, 2016 hầu mong góp ý để Không quân Việt Nam cải thiện tăng cường khả năng chiến đấu để bảo vệ hữu hiệu vùng biển và vùng trời của Tổ quốc.
Phi công chiến đấu của bất cứ quân đội nước nào khi kéo ghế thoát hiểm thì sẽ được kèm theo "túi mưu sinh thoát hiểm", thường được gắn dưới ghế thoát hiểm; trong đó đựng những thứ tối cần thiết để người phi công có thể hoặc tự tìm đường về phòng tuyến bạn, hoặc liên lạc với đơn vị bạn để được cấp cứu. Trung tướng 'anh hùng' Phạm Tuân của không quân Bắc Việt cũng xác định như vậy. Toàn thể phi công chiến đấu của Không quân Miền Nam và đồng minh Hoa Kỳ trước 1975 cũng được trang bị như vậy. Và vì thế, mỗi khi bị trúng đạn phòng không, hoặc khi bị trục trặc kỹ thuật, người phi công khi đáp xuống đất trong vùng quân bạn, sẽ được cấp cứu gần như ngay tức khắc. Được như vậy là vì, ngoài những khí tài khác, người phi công lâm nạn được trang bị máy vô tuyến và súng phóng trái sáng (flare); và đơn vị cấp cứu có máy xác định tọa độ; đó là ba điều kiện cơ bản để cấp cứu một phi công lâm nạn. Một khi sóng liên lạc được kết nối, đơn vị cấp cứu có thể xác định tọa độ của phi công lâm nạn ngay tức khắc. Đó là nói về thời điểm cách nay trên dưới 50 năm trong cuộc chiến tranh Việt Nam, chứ đừng nói là thời bây giờ với máy định vị tọa độ (GPS) cầm tay được phổ biến tới cả dân thường. Vả lại, thời nay ai cũng biết, một khi mình dùng điện thoại di động thì ngay lập tức, nếu cần, cơ quan điều tra có thể biết ngay vị trí của người sử dụng chiếc điện thoại đó. Do đó những tay trùm tội phạm hay khủng bố như Bin Laden đã tuyệt đối không dùng điện thoại di động để tránh bị phát hiện.
Một điều thông thường của mọi cuộc hành quân là ngay khi bắt đầu hành quân (hành quân thật hay thực tập) thì đơn vị cấp cứu đã phải được hình thành và ở tình trạng chờ đợi thi hành nhiệm vụ (stand by). Và ngay sau khi xác định được vị trí của phi công lâm nạn thì đơn vị cấp cứu được trực thăng vận tới địa điểm, lâu hay mau tùy khoảng cách. Nhưng một khi đơn vị cấp cứu đã tới bãi đáp, và với tất cả cản trở và nguy hiểm trong lòng địch thì cuộc cấp cứu cũng sẽ hoàn tất trong không tới 7 phút. Đó là cuộc cấp cứu Đại úy phi công chiến đấu Hoa Kỳ bị bắn hạ ngày 2 tháng 6, 1995, tức cách nay đã 21 năm. Viên phi công này phải nhảy dù rơi ở hậu phương địch trong cuộc chiến tại Bosnia. Ngay khi chạm đất, anh ta lập tức kéo theo túi cấp cứu dưới gầm ghế thoát hiểm và chạy trốn. Trong 4 ngày đầu tiên anh ta giữ "im lặng vô tuyến" vì bài học mưu sinh thoát hiểm dạy rằng hầu hết các phi công lâm nạn sau phòng tuyến địch bị bắt là vì liên lạc quá sớm với đơn vị hành quân. Vì thế mãi 4 ngày sau anh ta mới mở máy phát sóng để báo cho biết vị trí của anh ta. Để hạn chế pin, anh ta chỉ phát sóng từng quãng thời gian ngắn một. Các phi công bay hành quân trên vùng này đều bắt được làn sóng mà họ nghĩ là có thể của Đại úy O'Grady. Mãi 2 ngày sau, sau khi thấy địa điểm đủ an toàn để kêu cấp cứu, anh ta mới nói chuyện với phi công bạn. Lúc đó là sau nửa đêm mùng 8 tháng 6, tức 6 ngày sau khi lâm nạn, Đại úy O'Grady mới dám nói chuyện với một phi công chiến đấu lái F-16 khác bay ngang vùng trời. Sau khi xác nhận chắc chắn đó là Đại úy phi công lâm nạn trước đó 6 ngày, Bộ tư lệnh hành quân quyết định thi hành kế hoạch cấp cứu ngay tức khắc.
Khởi đầu vào lúc 4:40 sáng, Tướng tư lệnh lực lượng hành quân triệu tập đơn vị thủy quân lục chiến đi cấp cứu. 51 thủy quân lục chiến được chở trên hai trực thăng vũ trang đổ bộ. Hai trực thăng này được hộ tống bởi hai trực thăng vũ trang chiến đấu (không phải loại đổ quân) và hai phản lực chiến đấu cơ. Cả sáu chiếc phi cơ đi cấp cứu này được hỗ trợ bởi hàng chục phi cơ trang bị đủ loại khí tài trong đó có các phi cơ trang bị máy móc tác chiến điện tử và phi cơ trang bị radar (electronic warfare planes & a NATO AWACS radar plane). Ngoài ra còn có cả trực thăng vũ trang đổ bộ chuẩn bị thay thế 2 trực thăng vũ trang chở đơn vị đổ bộ cấp cứu trong trường hợp hai trực thăng này trúng đạn không hoàn thành được nhiệm vụ. Chưa đầy 2 tiếng sau (lúc 6:35 sáng), theo các tín hiệu cấp báo (signal beacon) của Đại úy O'Grady, các trực thăng cấp cứu đã tới hiện trường. Phi công trực thăng cấp cứu nhìn thấy khói sáng vàng tỏa lên từ chùm cây gần một cánh đồng cỏ lởm chởm đá (a rocky pasture) nơi Đại úy O'Grady đã bắn trái sáng. Chiếc trực thăng cấp cứu thứ nhất hạ cánh và 20 thủy quân lục chiến nhảy ra tạo vòng vây an toàn (a defensive perimeter). Khi chiếc trực thăng thứ nhì vừa hạ cánh thì một bóng người cầm súng lục chạy tới, đó là Đại úy O'Grady trước đó bị mất tích. Khi cánh cửa hông của trực thăng vừa mở, Đại úy O'Grady đã được kéo lên trước khi toán 20 thủy quân lục chiến trên chiếc trực thăng này mặc dù đã chuẩn bị rời phi cơ nhưng chưa kịp hành động. Họ được lệnh trở lại chỗ ngồi. Và số thủy quân lục chiến đang làm hàng rào phòng thủ dưới đất cũng được lệnh trở lại trực thăng của họ. Sau khi lẹ làng đếm đủ quân số, hai chiếc trực thăng cấp cứu cất cánh. Tổng cộng họ chỉ ở dưới đất không quá 7 phút. Có hỏa lực của đối phương bắn theo trực thăng nhưng không ai bị thương. Vào lúc 7:15 sáng giờ địa phương, tức là chỉ 30 phút sau khi bốc được phi công lâm nạn, toán cấp cứu báo cáo đã bay ra tới biển an toàn để trở về hạm đội đang chờ ngoài khơi (1).
Từ một cuộc cấp cứu phi công tác chiến Hoa Kỳ bị rớt máy bay vào năm 1995, cách nay 21 năm, chúng ta quay trở lại cuộc cấp cứu hai phi công phản lực của chúng ta bị rơi máy bay trong thời bình, trên lãnh thổ của mình, và không xa bộ tư lệnh hành quân (37 km). Cuộc cấp cứu diễn ra trong hơn 30 tiếng đồng hồ, từ 7 giờ 13 phút sáng ngày 14 tháng 6 là lúc máy bay mất liên lạc, đến 13 giờ 30 trưa ngày hôm sau là lúc mang được Thiếu tá phi công Cường sống sót về lại đất liền. Được biết máy bay Sukhoi Su-30MK2 là phiên bản nâng cấp của Su-30 do Nga sản xuất. Việt Nam đã thực hiện 3 hợp đồng mua máy bay chiến đấu đa năng Su-30 MK2, với số lượng 32 chiếc. Theo giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia Úc nghiên cứu về quốc phòng thì nhìn chung công nghệ máy bay của Nga được cho là tốt cũng tương tự như máy bay F16 của Mỹ. Với một phản lực cơ chiến đấu tối tân như thế người phi công cũng phải được trang bị những khí tài tối tân tương tự. Nhưng tại sao Thiếu tá Cường không được trang bị máy vô tuyến cá nhân? Vì thế trong suốt thời gian bị rơi, Thiếu tá Cường không liên lạc được với bộ chỉ huy hành quân. Không một ai từng là quân nhân có thể hiểu được điều này. Một buồn cười nữa là ngay sau khi được thuyền ngư dân cứu sống, Thiếu tá Cường liền mượn điện thoại di động của ngư dân để liên lạc về gia đình. Báo chí thuật lời của ngư dân Lệ, người cứu phi công Cường, như sau "Lên được thuyền, anh ấy nói cảm ơn tôi rồi nói "tôi sống rồi". Tôi lấy quần áo mới cho anh rồi đưa sữa, sâm để anh ấy ăn nhưng anh liền mượn điện thoại tôi để gọi về cho vợ con, về gia đình báo tin mình còn sống".
Và một buồn cười kế tiếp là Bộ chỉ huy hành quân chỉ được biết tin Thiếu tá Cường đã được ngư dân cứu sống nhờ gia đình Thiếu tá Cường thông báo. Có một bộ chỉ huy hành quân nào hoạt động như vậy không?
clip_image002
Khu vực tìm thấy Thiếu tá Cường cách khoảng 28 hải lý về phía Đông Bắc đảo Mắt.
Rồi điều buồn cười nữa là sau khi biết tin ngư dân đã cứu sống thiếu tá Cường thì đơn vị hành quân vẫn không liên lạc được với ngư dân để tìm vị trí con thuyền! Khi liên lạc điện thoại được với thuyền ngư dân rồi, đơn vị cấp cứu vẫn không xác định được vị trí con thuyền mà phải nhờ ngư dân trên thuyền cho biết vị trí con con thuyền. Báo chí thuật, "Ngư dân Dậu cho báo chí biết, "Chia sẻ về những khó khăn trong công việc liên lạc, xác định vị trí của thuyền cứu được anh Cường cho các lực lượng chức năng trên bờ biết, ông Dậu cho biết: “Lúc đó đang ở giữa biển, sóng liên lạc chập chờn, đặc biệt máy điện thoại của ai cũng hết pin nên công tác liên lạc gặp rất nhiều khó khăn. Rất may, sau một thời gian cố gắng liên lạc qua bộ đàm, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tiếp cận được thuyền và đưa chúng tôi lên bờ an toàn”. "Trời đất ơi, để xác định vị trí của người sử dụng điện thoại di động thì phải có máy móc rất phổ biến trong kỹ nghệ công nghệ cao hiện nay chứ sao lại bảo người bị nạn xác định vị trí? Cuối cùng, đơn vị tiếp cứu bảo ngư dân neo thuyền tại chỗ chờ tàu của đơn vị tiếp cứu.
Một chuyện khác có thể gọi là "tiếu lâm" hết chỗ nói khi Thiếu tá Cường thấy được thuyền đánh cá, đã dùng một "que diêm" để bật sáng cầu cứu. Báo chí thuật lời ngư dân, "Nhìn ra xa, ông Lệ thấy một bóng đen, sau đó là những tiếng gọi "thuyền ơi, thuyền ơi, cứu với". "Tôi lấy đèn pin ra soi, thấy ánh sáng như lửa của que diêm phát ra từ phía bóng đen". Dĩ nhiên từ "que diêm" là do ngư dân mô tả, nhưng quân đội cho biết Thiếu tá Cường được cấp phát 10 trái sáng và đã bắn 9 trái bị hỏng, trái cuối cùng thì cũng không khá gì, chỉ lóe sáng bằng một que diêm. Làm sao mà phi công của một phi cơ chiến đấu tối tân loại hạng nhất thế giới mà lại được trang bị loại trái sáng cấp cứu yếu kém như vậy?
Lại chuyện buồn cười nữa, như tôi đã viết, thông thường trước khi hành quân phải có sẵn đơn vị cấp cứu, trong đó có trực thăng cấp cứu để khi phát hiện quân nhân lâm nạn thì phái trực thăng tới bốc về chứ sao lại không có trực thăng mà phải dùng tàu ra đón Thiếu tá Cường, khiến cho việc mang Thiếu tá Cường vào bờ, thay vì chỉ mất không quá nửa tiếng với tốc độ của trực thăng so với khoảng cách vớt được phi công Cường là không quá 60 km, lại phải mất tới 9 tiếng rưỡi sau khi Thiếu tá Cường được ngư dân cứu (4 giờ sáng Thiếu tá Cường được ngư dân cứu vớt nhưng mãi tới 13 giờ 30 mới được tàu cấp cứu đưa vào đất liền.) May là Thiếu tá Cường chỉ bị xây xước nhẹ. Nếu bị thương nặng e Thiếu tá Cường không qua khỏi với cung cách cấp cứu hành quân kiểu này.
Một câu hỏi khác cũng cần đặt ra là với lộ trình bay huấn luyện đã biết, thời gian bay đã biết, và vùng hoạt động của phi cơ quá nhỏ (bề dài không tới 60 km từ bờ), tại sao ngay lúc đầu đơn vị không dùng phi cơ quan sát ra tìm kiếm mà lại dùng tàu có tầm nhìn rất hạn chế so với tầm nhìn từ trên không của phi cơ quan sát và tốc độ cũng quá chậm so với phi cơ? Phi cơ quan sát là loại phi cơ nhỏ thông dụng gồm chỉ một phi công và một quan sát viên ngồi phía sau dùng ống nhòm quan sát phía dưới. Trong chiến tranh Việt Nam, phi cơ này luôn luôn được dùng (hàng ngày) để quan sát viên quan sát mục tiêu dưới đất chỉ điểm cho phi cơ chiến đấu oanh tạc hay pháo binh bắn vào mục tiêu đối phương. Nếu dùng phi cơ quan sát ngay từ đầu thì nhiều phần trăm chắc chắn sẽ tìm thấy phi công lâm nạn chỉ sau vài tiếng đồng hồ chứ không mất gần 24 tiếng như thực tế.
Một câu hỏi khác cũng cần nêu lên là tại sao ngay sau khi tai nạn xảy ra, tòa Đại sứ Hoa Kỳ đã đề nghị giúp tìm kiếm mà Việt Nam không chấp nhận? Việc tìm kiếm này hoàn toàn là vấn đề nhân đạo, không có tích cách bí mật quốc phòng gì cả. Ai cũng biết, với phương tiện kỹ thuật hiện đại, nếu Hoa kỳ giúp sức thì việc tìm kiếm phi công mất tích sẽ mau chóng hơn nhiều. Ít ra là người dân thường cũng biết rằng Hoa Kỳ mà tìm kiếm thì họ sẽ dùng không ảnh chụp từ vệ tinh, chưa kể nhiều máy móc tối tân khác mà chúng ta không biết. Nhưng trong khi từ chối sự giúp sức của Hoa Kỳ thì Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh lại yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ. Hành động này càng khiến người dân thắc mắc.
Một câu hỏi khác là tại sao Không quân Việt Nam lại đưa chiếc Casa-212 bay đi tìm kiếm hai phi cơ mất tích trong khi phi cơ này chỉ là phi cơ vận tải loại nhỏ, không phải là loại phi cơ tìm kiếm hay cấp cứu người bị nạn (CASA Cargolifters: xin xem đường link kèm phía dưới) (2).
Và câu hỏi cuối cùng là tại sao bay đi tìm kiếm hai chiếc máy bay mất tích lại phải cử phi hành đoàn có tới 9 người? Ngoài phi công và quan sát viên thì 7 người còn lại trong phi hành đoàn làm công tác gì? Rõ ràng người dân có quyền nghi ngờ là 7 người còn lại tham gia đoàn cấp cứu chỉ vì tò mò đi chơi vì họ không có nhiệm vụ gì cả. Nếu như vậy thì là một hành động hết sức vô nguyên tắc trong quân đội và sự mất mát của họ là một thiệt hại vô ích cho quân đội và cho cá nhân họ. Liệu sự thiệt mạng của 7 người ngày có được coi là một sự hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ hay không?
Những vấn đề nêu trên thuộc 4 loại vấn đề, trong nhiều loại vấn đề khác, của tiêu lệnh hành quân là: 1- Chỉ huy & tham mưu; 2 - Trang bị & tiếp liệu; 3 - Thông tin & liên lạc và 4 - Tìm kiếm & cấp cứu & tản thương. Tôi biết chắc chắn quân đội miền Bắc đã thực hiện tốt 4 loại vấn đề này trong mọi cuộc hành quân trước kia. Không hiểu tại sao Không quân Việt Nam ngày nay lại có những thiếu sót trầm trong như vậy. Nếu không sớm cải tiến thì không thể đảm đương được nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc chống ngoại xâm đang nhòm ngó đất nước ta.
25.6.2016
N.T.T.
HÃY TÌM MẪU SỐ CHUNG TƯỞNG CHỪNG TRÁI NGƯỢC NHAU VỀ CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI LÍNH HIỆN NAY
LÃ YÊN/ BVN 26-5-2016
1. Vụ máy bay Su30 rơi: Vài điều suy nghĩ về việc "đặc cách"
Lã Yên
Tác giả gửi tới Dân luận
Năm ngoái tôi có hai người bạn mất vì bệnh, một làm công an, hàm tá, một làm giáo viên dạy học, cả hai mới ngoài bốn mươi tuổi và đều để lại cho đời vợ trẻ, con thơ, mẹ già. Gia đình người bạn làm công an con cái được nhà nước trợ cấp nuôi dưỡng đến khi 18 tuổi, các chi phí trị bệnh tuy tốn kém nhưng được nhà nước đài thọ, ngoài ra còn có một khoản tiền hưởng theo chế độ nên cuộc sống gia đình không gặp khó khăn. Trong khi đó gia đình người bạn giáo viên thì hoàn toàn ngược lại. Người vợ trẻ ngoài nuôi hai đứa con nhỏ còn phải lo món nợ vay trị bệnh cho chồng trước đó.
Nói về câu chuyện này, để cho chúng ta thấy rằng, những người làm trong lực lượng vũ trang có chế độ đãi ngộ rất cao, xứng đáng với tính chất công việc của họ chứ đừng lầm tưởng rằng họ phải sống nghèo khổ như báo chí viết. Cái thời một gạch hai sao không bằng một sào tăng sản đã qua, giờ đây muốn có một công việc trong lực lượng này không dễ, nói thẳng ra chạy tiền mới vào được.
Cho nên khi báo nhà nước viết về gia cảnh phi công Trần Quang Khải, nào là lương thấp, nhà cấp 4, ước mơ xây bố mẹ căn nhà, vợ chưa có việc làm ổn định, hành trang anh để lại... tôi không tin đó là sự thật vì tôi quá rõ những người phục vụ trong lực lượng vũ trang, hàm tá trở lên không ai nghèo, khổ cả. Nếu không tin mọi người tự tìm hiểu sẽ biết. Cho nên đây chỉ là chiêu trò lợi dụng cảm xúc để báo chí định hướng dư luận, những kẻ viết bài thừa hiểu chuyện nhưng vẫn cố nhỏ giọt nước mắt dối trá. Chính vì vậy nên khi đọc những dòng chia sẻ cảm xúc của ca sĩ Cao Thái Sơn tôi không bất ngờ: "Cái Tết vừa rồi cũng là cái tết cuối cùng anh em mình và cả gia đình ăn lẩu uống rượu vang đỏ trên nhà anh ở quận 4 đó, anh còn khoe mua thêm căn nhà nữa" (http://vietq.vn 18/06/2016). Nhà ai ở quận 4 (Sài Gòn)? mua thêm có nghĩa là trước đó đã có nhà?
Còn việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và ban ngành liên quan tuyển dụng đặc cách vợ phi công Trần Quang Khải vào ngành giáo dục, cụ thể dạy ở trường Dương Văn An. Rõ ràng đây là việc làm cảm tính, không phân biệt chuyện công tư, và quan trọng là không dựa vào điều luật nào cả. Việc này ban đầu tưởng hay nhưng hóa dở, nó sẽ khiến nhiều người không phục, không công bằng, nó giống như một sự ban ơn, sẽ tạo một tiền lệ không tốt. Một câu hỏi được đặt ra là, vậy người thân của những phi công hi sinh trên chiếc Casa có được đặc cách gì không? Rồi những người lính khác hi sinh trong khi làm nhiệm vụ sẽ thế nào? Hay như những ngư dân "cột mốc sống bảo vệ chủ quyền" bị bắn chết trên biển ai tiếc thương họ? ai vinh danh họ? ai trợ giúp gia đình họ?
Cô giáo Trần Thị Mỹ Hà - Tổ trưởng tổ văn trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đang trở thành nạn nhân của báo chí nhà nước khi đưa ra quan điểm: "Giống cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học, Ku Tây không thích điều này". Lợi dụng tâm lý cảm xúc số đông, báo chí nhà nước lại tiếp tục định hướng dư luận, mở ra cuộc đấu tố giống như trường hợp nhà báo Mai Phan Lợi. Không lẽ việc thích hay không thích một ai, một chính sách, một quyết định cũng bị xem là có tội?
Cách đây hơn một năm, hai chiếc máy bay Su22 bị rơi ở Bình Thuận trong lúc huấn luyện, hai phi công thiệt mạng, nhưng đâu thấy báo chí viết nhiều như thế này, cũng không ai viết về gia cảnh của hai phi công, cũng không ai làm thơ, cũng không có đặc cách, hay tặng nhà, nhận con nuôi. Hai phi công trở về quê mẹ trên hai túi xách không phủ cờ.
Đối với đất nước sự cống hiến nào không vinh quang, câu chuyện của vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Nụ (Đông Anh - Hà Nội), người từng được mệnh danh là cô gái vàng của thể thao Việt Nam. Một tuổi trẻ cống hiến, mang vinh quang về cho đất nước. Nhưng cuộc sống hiện tại của cô ra sao. Sẽ không ai cầm được nước mắt khi biết về cuộc sống hiện tại của cô, bị chấn thương, không có tiền mổ, tại nơi làm việc bị phân biệt đối xử, với mọi người nơi cô làm việc, cô như không tồn tại. Ngậm ngùi, chua chát cô phải thốt lên rằng: "Tôi đã có một tuổi trẻ không nên có, phải không?" (Thanhnien.vn 8/3/2016)
Đồng ý rằng, mọi sự hi sinh vì đất nước đều đáng trân trọng, Tổ quốc sẽ ghi công. Nhà nước cũng đã có những chính sách đối với sự hi sinh đó. Một nhà nước pháp quyền thì công tư phải phân minh, vậy nên không cần thiết phải ưu tiên, hay đặc cách này nọ. Từ trước tới nay việc cộng điểm cho gia đình có công với cách mạng khi thi đại học, ưu tiên con em trong ngành khi xin việc, dựa vào ký lịch để xét đề bạt... đã gây biết bao hệ lụy cho xã hội. Có lẽ đã đến lúc nên bỏ những quy định này.
L.Y.
Nguồn: ttps://www.danluan.org/tin-tuc/20160624/vu-may-bay-su30-roi-vai-dieu-suy-nghi-ve-viec-dac-cach
2. Cái chết của các anh đã giải phóng cho tiếng khóc
Đỗ Minh Tuấn
Niềm tin vào các binh chủng hiện đại có thể chống cự và tiêu diệt ảo vọng ngông cuồng của bọn Tàu Cộng bỗng vụt tắt. Một sự thất vọng bao trùm lên trái tim, khối óc của tất cả người Việt yêu nước. Vụ 2 máy bay rơi làm lộ ra những lỗ hổng chết người của quân lực KQVN nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung. Sự mất mát này có làm cho lãnh đạo đcs,các nhà quân sự VN tỉnh ngộ và sáng mắt ra không?
Nguyễn Hữu Hùng
Thật xúc động khi đọc tin tức về việc các chiến sỹ không quân vẫn mạnh mẽ ngồi trên máy bay lao ra canh giữ biển sau hai vụ máy bay bị rơi. Lính dường như chẳng bao giờ hèn, chỉ các cấp chỉ huy mới nhiều tính toán, trong đó có những tính toán chiến lược vì nước vì dân nhưng cũng không loại trừ những tính toán vì bản thân và phe nhóm, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc vừa doạ dẫm vừa mua chuộc hôm nay.
Vấn đề chiến tranh nhân dân và chiến tranh hiện đại xử lý ra sao trong bối cảnh thời đại và tương quan lực lượng lúc này, khi mà cấu trúc thể chế quan văn luôn đặt trên quan võ? Ngày xưa, Hồ Chí Minh là lãnh đạo tối cao nhưng đồng thời cũng là nhà chiến lược quân sự tài ba, cùng BCT và Tổng tư lệnh vạch cách đánh trên bản đồ, sa bàn trong từng chiến dịch. Võ Nguyên Giáp vì nhớ đến lời dặn của Hồ Chí Minh mà kéo pháo ra, đổi cách đánh và vì thế chiến thắng ở ĐBP.
Bây giờ Việt Nam không có người lãnh đạo tối cao giỏi về quân sự như thời trước. Vì thế, trong ứng xử dễ bị nhu nhược, trong dùng người dễ bị sai vị trí, trong hành động dễ bị đắn đo, chần chừ, thoả hiệp, thiếu quyết đoán. Đó là điều đáng lo lắng nhất. Còn nhân dân và những người lính thì muôn đời vẫn mạnh mẽ và sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc. Nhưng các cụ nói rồi, dao sắc không gọt được chuôi.
Đỗ Minh Tuấn
Có một số người nhìn vấn đề máy bay rơi và các chiến sỹ hy sinh bằng trái tim lạnh tanh máu cá. Họ bảo họ chẳng thương xót gì, vì là quân đội cộng sản có tiêu chuẩn nọ kia, rồi chết lãng xẹt, bao nhiêu người bị tai nạn giao thông, bị chết các kiểu hàng ngày và bao nhiêu ngư dân chết vì Tàu sao không thấy mọi người làm thơ thương xót, v.v. Tôi ghê sợ thứ văn hoá chính trị của những người Việt này, những người nhìn vào túi người chết để đếm tiền của họ và so bì, tỵ nạnh. Phép tính lạnh lùng vô cảm lạnh tanh máu cá và đầy thù hận kiểu đó chỉ là phép tính cộng trừ của học sinh tiểu học, không hiểu được bội số của những sự cố có tầm biểu tượng.
Những ngư dân dù số phận thế nào vẫn chưa cho đáp số về sự tuyệt vọng của một dân tộc, vì trước khi có vụ hai máy bay rơi dường như còn một ẩn số nào đó của đường lối ứng xử đúng đắn khôn ngoan với TQ mà nhân dân chưa biết. Cho nên, dù ngư dân chết bao nhiêu, cái mệnh đề "Hãy cứ tin vào Đảng và Nhà nước" vẫn âm thầm sống trong sâu thẳm trái tim cùng với bao nhiêu bất lực và hy vọng. Đến khi lá bài lật ngửa, hai máy bay hiện đại hùng dũng lao đi (để minh chứng cho niềm tin mặc định từ chủ quyền, sức mạnh, sự khôn ngoan trong ứng xử và thân phận đong đưa tạm thời của dân tộc)... bị mất tích, bị rơi, nghi bị bắn, và những cái chết bất ngờ, tức tưởi, v.v. thì những tia hy vọng và tin tưởng trong thẳm sâu của hàng triệu con tim kiên nhẫn đợi chờ bị tắt phụt. Và tiếng khóc bật ra một cách tự nhiên vì nó đã bị nén lại, bị xua đuổi, bị ngờ vực từ nhiều năm tháng.
Cái chết của các chiến sỹ đã tháo khoán, giải phóng cho tiếng khóc, nỗi đau của mỗi người yêu nước. Hàng triệu người khóc thương những người lính hy sinh, nhưng không chỉ khóc cho những con người cụ thể đó. Không, họ khóc thương cho tương lai dân tộc, khóc thương cho số phận chính mình, khóc để đưa tang cho một niềm tin và một niềm hy vọng đã lặn tắt sau những cái chết đầy tính biểu tượng cho thân phận con người và dân tộc Việt Nam.
Đ.M.T.
SUY NGHĨ QUANH CHUYỆN ƯU ĐÃI VỚI GIA ĐÌNH LIỆT SĨ TRẦN QUANG KHẢI
MẠC VĂN TRANG/ BVN 25-6-2016

Trong lúc gia đình liệt sĩ Khải đau đớn, tang gia bối rối, tập trung hết tình cảm, sức lực vào lo đám tang, thì mọi sự thông cảm, giúp đỡ hay thực hiện chính sách [nên làm] sao cho tế nhị, không làm xáo động tâm trạng tang gia… Nếu ông Chủ tịch Hà Nội quan tâm, thì đến thăm viếng, chia buồn và nói riêng, hoặc để lại dòng chữ cho vợ liệt sĩ, rằng xin chị an lòng, sẽ sắp xếp chị vào làm giáo viên Hà Nội… Việc gì ông phải tuyên bố rùm beng, đưa vào trường Chu Văn An, rồi cho báo đài đưa tin ầm ĩ? Người ta có quyền nghĩ, ông lợi dụng việc này để quảng cáo cho ông là chính!Đối với gia đình liệt sĩ, dù sự ưu đãi của Nhà nước và xã hội bao nhiêu cũng không bù đắp được nỗi đau thương mất mát. Nhưng cách thực hiện chính sách sao cho hợp tình, hợp lý là điều cần chú ý.
Khó coi nhất là cái ông doanh nhân nào đó, trong lúc nhà người tang gia [đang] bối rối, mà mời cả gia đình người ta ra hội trường, với đủ các ban ngành để ông quảng cáo, trao căn hộ … đang còn xây! Rồi quay phim, chụp ảnh đưa tùm lum lên tivi, báo đài khắp nơi. Người thực sự có tấm lòng với nhau, ai lại làm như thế? Người ta nghĩ, ông chỉ lợi dụng để quảng cáo cho ông!
Đức Phật nói, bố thí cũng có mười mấy động cơ lệch lạc, chỉ có một động cơ duy nhất đúng là sự thấu cảm, thương người như thể thương thân, với lòng từ bi… Cứ từ từ, tế nhị, sao phải vội vã, sỗ sàng thế!
Chính việc ông Chung tuyên bố “đặc cách” mời vợ liệt sĩ Khải về dạy ở trường trọng điểm Hà Nội, Chu Văn An, nên cô giáo Hà ở trường Trần Nhân Tông mới nêu ý kiến không tán thành. Vì một giáo viện dạy trường chất lượng cao phải được tuyển chọn là người có năng lực đáp ứng, sao ông Chủ tịch dám tự quyết định cảm tính như vậy. Ông là Chủ tịch, giải quyết mọi việc công đều phải theo đúng các quy định của pháp luật; ưu tiên, chính sách cũng phải theo pháp luật chứ! (Nếu chuyện riêng của cá nhân ông thì muốn sao tùy ý).
Rồi cái ông Tùng, Hiệu trưởng kiêm Bí thư chi bộ trường THPT Trần Nhân Tông, của cô giáo Hà, sao cũng phải hùng hổ, vội vã, hấp tấp đến thế: “Chi bộ nhà trường đã tổ chức họp khẩn, tại đây cô Trần Thị Mỹ Hà có đọc bản tường trình sự việc và lấy ý kiến của tập thể. Sau khi phân tích hành vi, dựa trên những quy định của Đảng, chi bộ thống nhất mức phạt đối với cô Hà là cảnh cáo” (Infonet 23/6/2016).
Vợ liệt sĩ Khải đọc tin này sẽ thấy tâm trạng thế nào? Riêng ông Tùng chắc được trên ghi nhận thành tích rất mẫn cán, và thành chuyện lạ: Họp kỷ luật nội bộ Chi bộ cũng được tung hê trên các báo đài (?). Như thế là cô giáo Hà bị cảnh cáo trước toàn dân, chứ không phải trong nội bộ đảng nữa.
clip_image001
Ông hiệu trưởng Tùng kiêm Bí thư chi bộ chỉ đạo kỷ luật cô giáo Hà được lên mặt báo
Việc thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ cũng phải theo đúng Luật; phải nhìn trong bối cảnh chung sao cho công bằng, hợp lý, hợp tình. Nhân chuyện tuyên truyền đặc biệt, quan tâm ưu đãi với liệt sĩ Khải thì rồi đối với 9 liệt sĩ tử nạn trong chiếc máy bay CASA, có ưu ái được đều khắp như vậy không?
Rồi chạnh lòng nhớ đến hàng ngàn liệt sĩ hy sinh trên mặt trận chống Trung Cộng xâm lược 1979, đặc biệt là trên mặt trận huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, giai đoạn từ 1983-1989, đến nay vẫn chưa được tìm kiếm hài cốt. Mà cái Đền xây để vọng thờ vong linh các anh, Nhà nước cũng không xây, để các đồng đội cũ và nhân dân quyên góp, chắt chiu xây dựng nên nơi tưởng nhớ những người con dũng cảm, chống Trung cộng xâm lăng đến viên đạn cuối cùng, vì nước quên thân.
clip_image003
Đền thờ các liệt sĩ hy sinh tại Vị Xuyên, do các đồng đội cũ của các liệt sĩ và người dân góp công, của xây dựng, sắp xong...
Rồi những ngư dân là “Cột mốc sống của chủ quyền quốc gia” trên biển, bị Trung Cộng giết hại, tức tưởi trở về, được nhà nước tuyên dương, thực hiện chính sách thế nào?
Về phía chính quyền, khi muốn dùng một việc này để tuyên truyền, thì cũng phải nghĩ đến các trường hợp khác sao cho thỏa đáng.
Còn tấm lòng của nhân dân bao giờ cũng công bằng với bất kỳ người con nào của đất nước này hy sinh vì Tổ quốc.
clip_image005
Cựu chiến binh nâng nắm đất thấm máu xương đồng đội.
24/6/2016
M.V.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét