Thứ Ba, 14 tháng 6, 2016

20160614. XUNG QUANH HỘI NGHỊ SHANGRI-LA 15

ĐIỂM BÁO MẠNG
            NGUYỄN THANH GIANG/ BVB 12-6-2016
Kể từ năm 2002, diễn đàn Shangri-La được tổ chức hàng năm, năm nay là lần thứ 15. Nó quy tụ quan chức quốc phòng cao cấp từ 30 quốc gia châu Á và Thái Bình Dương để thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực.
Một số quốc gia không nằm trong khu vực nhưng quan tâm chủ đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương cũng tham gia hội nghị lần này như: Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand và Singapore. Năm nay, đoàn Trung Quốc lần đầu tiên có một Đô đốc Hải quân, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa dẫn đầu tham dự Diễn đàn. Đoàn Mỹ cũng hùng hậu không kém khi có mặt cả Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter lẫn Chủ tịch Ủy ban Quân vụ của Thượng viện John McCain.
Đối thoại Shangri-La 15 diễn ra trong bối cảnh tòa trọng tài quốc tế chuẩn bị đưa ra phán quyết được cho là bất lợi cho Trung Quốc trong vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Vì vậy Trung Quốc đã giở nhiều thủ đoạn đối phó.
Nhằm nắn gân Diễn đàn, Bắc Kinh tung tin sắp thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Đáp trả, vào buổi sáng trước khi Đối thoại Shangri-La khai mạc., Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter và người đồng nhiệm Singapore Ng Eng Hen đã có chuyến bay thị sát ngoài Biển Đông trên máy bay do thám P8 của Hoa Kỳ. Người đứng đầu Lầu Năm Góc đồng thời tuyên bố: “Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi lại trên biển, và hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép để tất cả các nước trong khu vực này có thể hành động giống như Mỹ”. 
Trong bài diễn văn quan trọng có tựa đề ‘Mạng lưới an ninh có nguyên tắc ở châu Á-Thái Bình Dương’, ông Carter nhận định: “Đáng tiếc là đang có sự quan ngại ngày càng lớn trong khu vực... về các hoạt động của Trung Quốc trên biển, trong không gian ảo và trên không”.
Ông bộ trưởng nói: “Thực tế tại Biển Đông, Trung Quốc đã có nhiều hành động mở rộng và chưa có tiền lệ, gây quan ngại về dụng ý chiến lược của mình”. Điều này, theo ông,  “đang tách riêng Trung Quốc trong khi cả khu vực cùng hợp nhau lại”. “Nếu tiếp tục các hành động như vậy Trung Quốc sẽ dựng bức Trường thành để tự cô lập mình”.
Một lần nữa người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định “Hoa Kỳ không phải quốc gia có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và không đứng về bên nào”, “Thế nhưng, Hoa Kỳ sẽ cùng các đối tác trong khu vực bảo vệ các nguyên tắc cơ bản như quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không, cũng như giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và phù hợp luật pháp quốc tế”.
Ông nhắn nhủ đối phương: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là quân đội hùng mạnh nhất thế giới và nhà bảo trợ chủ chốt cho an ninh khu vực trong nhiều thập niên tới”.
Đồng thanh tương ứng, đại tướng Petro Pavel, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định liên minh quân sự này sẽ có bước đi cẩn trọng với tuyên bố và động thái của Trung Quốc ở biển Đông “vì chúng tôi không rõ về ý đồ của Trung Quốc”.
Báo Stars and Stripes hôm 6-6-2016 ghi rằng Pháp sẽ nhúng tay vào cuộc cờ Biển Đông. Tại hội nghị an ninh ba ngày ở Singapore, Bộ Trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian kêu gọi các nước Châu Âu gửi tàu chiến tới Biển Đông theo luật biển về tự do hàng hải, và ngăn ngừa cuộc chiến Biển Đông.
Phát biểu tại phiên toàn thể thứ hai của Hội nghị này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết Tokyo lo ngại sâu sắc về những hoạt động cải tạo nhanh chóng và quy mô lớn, cũng như việc xây dựng các tiền đồn được sử dụng vì mục đích quân sự ở một số khu vực trong vùng biển tranh chấp. 
Bộ trưởng Nakatani nhấn mạnh “các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng và củng cố các thay đổi đó như một sự đã rồi sẽ làm chệch hướng đáng kể trật tự biển dựa trên các nguyên tắc của cộng đồng quốc tế”, đồng thời khẳng định các hành động như vậy đặt ra thách thức đối với trật tự toàn cầu dựa trên nguyên tắc hiện nay. 
Theo Bộ trưởng Nakatani, hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ củng cố sự thịnh vượng của cả cộng đồng quốc tế, không chỉ riêng của khu vực, vì vậy “không quốc gia nào là người ngoài cuộc trong vấn đề này”. 
Trong bài phát biểu khai mạc, với tư cách là khách mời đặc biệt, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã trình bày rõ quan điểm của Singapore về vấn đề Biển Đông. Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, tất cả các nước châu Á đều thua thiệt nếu an ninh và ổn định khu vực bị đe dọa bởi các tuyến đường giao thông hàng hải và hàng không chính đều qua Biển Đông.
Đúng như Thủ tướng Lý Hiển Long nhận định “tất cả các nước châu Á đều thua thiệt nếu an ninh và ổn định khu vực bị đe dọa bởi các tuyến đường giao thông hàng hải và hàng không chính đều qua Biển Đông”, và đúng như bộ trưởng Nakatani khẳng định “không quốc gia nào là người ngoài cuộc trong vấn đề này”.
Vậy mà ! , thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – trưởng đoàn Việt Nam tại Đối thoại Shangri – La 15 vẫn cho rằng trong tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc “cái gì giải quyết được song phương thì giải quyết song phương, cái gì cần đa phương và quốc tế hóa thì phải đa phương”.
Song phương hóa việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông vốn là âm mưu của Trung Quốc nhằm chia để trị các nước Đông Nam Á. Thông qua “song phương hóa” Trung Quốc dễ dàng áp đảo nước này, mua chuộc nước kia và gây nghi ngờ, chia rẽ giữa các nước.  
Sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị tới ba nước Brunei, Campuchia và Lào,  Trung Quốc lừa bịp tung dư luận là đã đạt được 'đồng thuận mới' về vấn đề Biển Đông. Rất may, các nước này đã chính thức cải chính làm cho Trung Quốc bẽ mặt.
Sau Đại hội ĐCS Lào vừa qua, dàn lãnh đạo mới được bầu ra rất hữu nghị với ViệtNam. Hàng loạt cán bộ cao cấp của Lào, kể cả Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước dồn dập sang thăm Việt Nam. Nội các Thủ tướng Hunsen cũng có sự thay đổi. Ngoại trưởng trước đây của Campuchia là ông Hor Namhong, người có tiếng ủng hộ Trung Quốc, cũng đã nghỉ hưu và được thay bởi một nhân vật khác được cho là có đầu óc cởi mở và thân phương Tây hơn.
Trung Quốc từ chỗ hống hách đền năn nỉ được đề nghi đàm phán song phương nhưng Philippine vẫn từ chối. Tổng thống mới được bầu của nước này yêu cầu đàm phán đa phương, bao gồm cả Hoa Kỳ Nhật Bản, Australia và các quốc gia tuyên bố chủ quyền khác.
Hậu thuẫn cho chủ trương song phương hóa tranh chấp ở Biển Đông, phải chăng Nguyễn Chí Vịnh muốn đem Biển Đảo của Việt Nam làm con dê tế thần cho Đại Hán. Cho nên những nghi ngờ Nguyễn Chí Vịnh chính là tay chân của tình báo Hoa Nam không phải là không có cơ sở.
Tại cuộc gặp song phương với Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Nguyễn Chí Vịnh vừa ca ngợi các nỗ lực hợp tác chung giữa quân đội hai nước thì ngay sau đó Trung Quốc chơi trò tiểu nhân bẩn thỉu, lén lút tán phát một tập tài liệu mỏng ra sức biện hộ lếu láo rằng Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông là của Trung Quốc. Họ chí trá trâng tráo đến mức hai bản tiếng Anh và tiếng Hoa của tập tài liệu này không giống nhau.
Không biết do bị lung lạc hay thực sự đồng lõa mà ngay từ đầu bài phát biểu trước Diễn đàn, Nguyễn Chí Vịnh đã giải thích “tranh chấp bất đồng” là “do khác biệt về lợi ích, tham vọng, cạnh tranh chiến lược diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, bất chấp luật pháp quốc tế”.
Sao lại lập lờ đánh lận con đen, sao có thể trộn lẫn kẻ cướp với chủ nhà như vậy được. Tập Cận Bình dù cố lừa bịp thiên hạ bằng nhiều bằng cứ ngụy biện xảo trá đến đâu nhưng chính cha ông hắn đã để lại những tang chứng rành rành không sao lấp liếm được. Hàng loạt sử gia Phương Tây đã nghiên cứu và khẳng định tất cả các tài liệu cổ của Trung Quốc từ cổ sử đến các địa đồ cổ, chẳng có cái nào nhắc tới Hoàng Sa, Trường Sa cả. Hàng trăm bản đồ do các nhà hàng hải Phương Tây và do chính các nhà địa lý Trung Quốc đã vẽ đều cho thấy rõ lãnh thổ của Trung Quốc chỉ kéo dài đến đảo Hải Nam mà thôi. Ngày nay Trung Quốc nhảy vào Hoàng Sa, Trường Sa là xâm lược, là đi ăn cướp. Bị xâm lấn, bị ăn cướp, Việt Nam đang cùng các nước Đông Nam Á đấu tranh duổi giặc cướp giành lại toàn vẹn giang sơn của mình. Hoàn toàn không phải vì “do khác biệt về lợi ích, tham vọng, cạnh tranh chiến lược” mà Việt Nam gây ”tranh chấp bất đồng” với Trung Quốc.
Không chỉ hậu thuẫn cho âm mưu “song phương hóa tranh chấp Biển Đông” của Trung Quốc mà Nguyễn Chí Vịnh còn có ý lên án “quốc tế hóa Biển Đông” khi ông ta nói: “Hiện nay Việt Nam và một số nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền còn tồn tại những tranh chấp và khác biệt với Trung Quốc. Ngoài ra, có nhưng hành động đơn phương, áp đặt làm thay đổi hiện trạng và đang có nguy cơ quân sự hóa nhằm tạo ra sức mạnh răn đe làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, an toàn trên không, trên biển và dưới đáy biển, hủy hoại môi trường, cản trở các hoạt động lao động hòa bình trên biển … kéo theo sự can dự của các quốc gia trong và ngoài khu vực”.
Không tập trú vào nhiệm vụ đấu tranh giành lại Biển Đảo đang mất dần vào tay Trung Quốc, Nguyễn Chí Vịnh không chỉ tìm mọi cách khỏa lấp bộ mặt tham tàn của đối tượng chính cần đấu tranh mà còn chủ trương đánh lạc hướng bằng những câu nói rất lạc lõng với bối cảnh Diễn đàn Shangrri – La: “Việt Nam tin mọi tranh chấp có thể giải quyết bằng biện pháp hòa bình dù chế độ xã hội khác nhau và hệ tư tưởng khác nhau”.
Cùng đến dự Diễn đàn Shangri- La 15 không chỉ có nguyễn Chí Vịnh nhưng sao đại diện cho Việt Nam với vai trò trưởng đoàn không phải là thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam hay thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam? Bài viết sau sẽ bàn luận về sự cắt cử khuất tất này và sự liên đới của người cắt cử với Nguyễn Chí Vịnh.
     Hà Nội 9 tháng 6 năm 2016
        Nguyễn Thanh Giang /Tác giả gửi BVB/
(Số nhà 5 ngõ 341 đường Trung Văn
     Quận Nam Từ Liêm – Hà Nội
           Mobi: 084 724 165 )
QUÂN BÀI CHỐI TRONG VÁN 'POKER' Ở BIỂN ĐÔNG
THẢO LINH/ TVN 14-6-2016
Sớm hay muộn, Trung Quốc cũng sẽ tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại khu vực biển sầm uất ở Đông Nam Á. Vậy, các người chơi chủ chốt sẽ bày thế trận nào để phản ứng thái độ ngạo ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông?
Giới quan sát nhất trí rằng sớm hay muộn Trung Quốc sẽ tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại khu vực biển sầm uất ở Đông Nam Á, nơi Bắc Kinh đã đưa ra yêu sách phi lý bao trùm hàng nghìn mẫu đất để xây dựng các đường băng dài, lắp đặt các radar có độ chính xác cao, bố trí máy bay chiến đấu và cả tên lửa tầm xa.
Có hai lập luận để củng cố dự đoán trên. Trước tiên, Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận “cái giá cao”, vì một ADIZ sẽ đem lại lợi ích khổng lồ cho Trung Quốc. Thứ hai là bối cảnh hiện nay cũng làm gia tăng cái giá đối với các đối thủ của Trung Quốc nếu muốn trả đũa. Vì vậy, việc tuyên bố ADIZ chỉ mà còn là vấn đề thời gian, Trung Quốc đang chờ đợi cơ hội để tối đa hóa tỷ lệ chi phí - lợi ích của hành động này
Vậy, phải chăng ADIZ của Trung Quốc tại khu vực này thực sự chỉ là một vấn đề thời gian? Câu trả lời có vẻ là khẳng định, cho tới khi bạn đặt một câu hỏi khác: Liệu các có thể ngăn việc thiết lập ADIZ tại Biển Đông hay không? Một cuộc điều tra với câu hỏi thứ hai cho thấy ADIZ của Trung Quốc tại Biển Đông không phải là một vấn đề thời gian mà là vấn đề phản ứng.Xét ở góc độ trên, ý tưởng ADIZ đặc biệt gây sự chú ý vì phạm vi trả đũa của các đối thủ của Trung Quốc không lớn trong khi một ADIZ có thể phòng tránh hoặc bù đắp cho một số những mất mát giả định của Trung Quốc. Một ý tưởng như vậy càng rõ rệt trong những tháng gần đây vì Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye (Hà Lan) dự kiến ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Không chỉ là ADIZ sẽ bù vào một phần lớn khoảng trống pháp lý có thể nảy sinh khi đường 9 đoạn bị kết luận là phi pháp; một ADIZ còn có thể áp đặt nhiều hạn chế mới hơn là đường 9 đoạn. Bên cạnh đó, một báo cáo mới đây dẫn các nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho biết nước này đang lên kế hoạch thiết lập một ADIZ ở Biển Đông.
Cụ thể hơn, các đối thủ của Trung Quốc đang nắm các quân bài mạnh trong trò chơi này, và một số quân bài trong tay các nước nhỏ có thể đủ sức răn đe Trung Quốc chính thức tuyên bố một ADIZ như vậy.
Các người chơi chủ chốt sẽ phản ứng như thế nào đối với ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông?
Là một nước không có tranh chấp, Mỹ có ít lựa chọn. Tương tự như các hành động chống lại ADIZ của Trung Quốc tại biển Hoa Đông cách đây hai năm, Washington có thể đưa máy bay ném bom và máy bay chiến đấu tới khu vực để thể hiện sự phản đối của mình đối với quyết định của Trung Quốc. Washington cũng có thể triển khai nhiều khí tài quân sự hơn tới khu vực này, tăng hoạt động tuần tra và triển khai tàu và máy bay gần hơn tới các đảo mà Trung Quốc đang nắm giữ. Nhưng ngay cả khi Mỹ có thể tăng gấp ba lần sự hiện diện quân sự so với mức hiện nay gồm 700 cuộc tuần tra/năm, việc này cũng không hề hấn gì so với hàng trăm tàu vũ trang của Trung Quốc đang hiện diện thường xuyên tại khu vực này.
Philippines có ít lựa chọn sau khi đã sử dụng một trong những quân bài mạnh nhất của mình. Manila đã khởi kiện một hành động pháp lý của Trung Quốc ra PCA và đã cho phép Washington sử dụng 5 trong số các căn cứ không quân và mặt đất của mình. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ, Philippines và Mỹ có thể nâng cấp Thỏa thuận hợp tác quốc phòng của mình và tăng thêm 3 căn cứ hải quân. Hai trong số này là căn cứ hải quân Carlito Cunanan tại vịnh Ulugan ở bờ biển phía Tây đảo Palawan và căn cứ hải quân San Miguel tại tỉnh Zambales. Carlito Cunanan là căn cứ hải quân gần nhất với trung tâm quần đảo Trường Sa, San Miguel là căn cứ hải quân gần nhất với bãi cạn Scarborough đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Hai căn cứ này có thể tăng đáng kể các khả năng ứng phó của Hải quân Mỹ với các sự cố tại Biển Đông.
Ttrước sự gây hấn lâu dài của Trung Quốc tại Biển Đông, Việt Nam và các nước xung quanh hoàn toàn có thể bảo vệ chủ quyền lãnh hải hợp pháp bằng việc gây sức ép lớn tới Bắc Kinh nếu đưa người láng giềng của mình ra tòa.Việc Bắc Kinh cho lập ADIZ tại Biển Đông có thể bị xem là “già néo đứt dây”. Bình luận về khả năng Trung Quốc thiết lập ADIZ tại Biển Đông, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh được báo chí dẫn lời rằng “việc này sẽ nguy hiểm hơn cả đường 9 đoạn”.
Philippines, Malaysia và Việt Nam hoàn toàn có thể tuyên bố vùng ADIZ riêng của mình để ngăn chặn các hành động ngạo ngược của Trung Quốc. ADIZ này sẽ tạo cơ sở pháp lý để nước này tiến hành các hành động có thể được hiểu là một cách thực thi chủ quyền trên quần đảo này.
Phân tích thực tế cho thấy ADIZ của Trung Quốc tại Biển Đông không phải là vấn đề thời gian, nó tùy thuộc vào cách các đối thủ của Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào. Trong ván bài poker này, Mỹ, Philippines, Malaysia và Việt Nam đang nắm giữ các quân bài mạnh, dù Trung Quốc cũng có thể đặt cược trước.
Việc áp đặt ADIZ tại quần đảo Hoàng Sa và cho Mỹ tiếp cận định kỳ một số địa điểm chiến lược tại bờ biển miền Trung có thể là những nhân tố thay đổi cuộc chơi. Nếu được “bật đèn xanh”, các nhân tố này có thể răn đe Trung Quốc tuyên bố một ADIZ chính thức tại Biển Đông. Nhưng Bắc Kinh cũng có thể đánh cược rằng láng giềng (hay Mỹ) sẽ nghĩ là không đáng để liều mình như vậy. Trong trường hợp nay, quyết định ở các nước nhỏ có thể làm thay đổi quyết định ở Bắc Kinh./.
BỊ BÁC BỎ, TRUNG QUỐC VẪN BÁM VÍU MỘT MÌNH MỘT 'MẶT TRẬN'
HOÀNG THẮNG/TVN 13-6-2016
Các quan điểm bị nghi ngờ, phản biện và phủ định lại không chỉ là các lập trường pháp lý của TQ, mà còn là cách tiếp cận luật pháp quốc tế trong từng hồ sơ, vấn đề theo cách “không giống ai” mà Bắc Kinh đang cổ súy.    
Các vấn đề pháp lý trong tranh chấp biển Đông và câu hỏi làm thế nào để cùng phát triển một vùng biển đang có tranh chấp thành một khu vực hòa bình, hữu nghị và đem lại lợi ích cho các bên là trọng tâm của hai ngày hội thảo quốc tế “An ninh và phát triển biển: hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm Á - Âu” ở TP Hạ Long tuần qua.  
Thời điểm diễn ra hội thảo gần sự kiện liên quan đến Biển Đông được dư luận quan tâm, trong đó nổi lên những tranh cãi pháp lý liên quan đến việc Philippines đệ đơn lên Tòa trọng tài thường trực (PCA) kiện TQ mà phán quyết dự kiến sẽ có trong thời gian sắp tới, cũng như cách ứng xử của các bên có liên quan (trực tiếp, lẫn gián tiếp). Tương tự như các diễn đàn ngoại giao, học giả diễn ra trong tuần trước đó, những cuộc đấu khẩu giữa Trung Quốc và “phần còn lại của thế giới” là trọng tâm.  
Ngay từ khi vụ kiện khởi động, Bắc Kinh kiên quyết không tham gia, phớt lờ yêu cầu tranh tụng của PCA, và tuyên bố không thừa nhận thẩm quyền xét xử của tòa án quốc tế do Liên hợp quốc bảo trợ này. “Mặt trận pháp lý” được các học giả Trung Quốc khăng khăng bám vào là tuyên bố Tòa trọng tài không có thẩm quyền cũng như những vấn đề “bất hợp lý” trong việc cơ quan tài phán này can thiệp vào “chủ quyền” mà Bắc Kinh tự xem là chính đáng và không tranh cãi của mình.  
Lập trường này được GS Sienho Yee, chuyên gia luật pháp quốc tế của ĐH Vũ Hán nhấn mạnh. Ông Yee cho rằng việc Bắc Kinh từ chối tham gia quá trình thụ lý của Tòa trọng tài là chính đáng. Trong phần trình bày, GS Yee không đưa ra thêm nhiều lập luận mới để giải thích, ngoại trừ dựa vào các quan điểm chính thức của phía Trung Quốc.  
Ngược lại với quan điểm phía Trung Quốc và các học giả của nước này, những luận điểm như Tòa PCA không có thẩm quyền, xâm phạm quyền cùng với lợi ích hợp pháp của Trung Quốc, hay Tòa đã bỏ qua nguyên tắc thượng tôn pháp luật… mà TQ bám vào để cho rằng nước này hoàn toàn có quyền từ chối tham gia PCA đều bị các học giả quốc tế khác bác bỏ. Các quan điểm bị nghi ngờ, phản biện và phủ định lại không chỉ là các lập trường pháp lý của TQ, mà còn là cách tiếp cận luật pháp quốc tế trong từng hồ sơ, vấn đề theo cách “không giống ai” mà Bắc Kinh đang cổ súy.    Trên thực tế, đã có một số nỗ lực lý giải quan điểm của các học giả Trung Quốc về Tòa trọng tài từ một góc nhìn đa chiều hơn, dù vẫn mang tính biện bạch cho các hành động của Trung Quốc. Chẳng hạn, quan điểm của TS. Nong Hong từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc – Hoa Kỳ. Trình bày tham luận tại một hội thảo về biển Đông khác diễn ra tại Mỹ, bà Nong Hong đã đưa ra các “góc nhìn” từ phía Trung Quốc về Luật quốc tế và cách ứng dụng phương thức giải quyết tranh chấp quốc tế.  
Là thành viên Tòa trọng tài, Trưởng khoa Luật pháp châu Âu và quốc tế (Đại học Tự do Bỉ), GS Erik Franck là một trong những học giả bày tỏ ý kiến như vậy. Các vấn đề tranh chấp biển Đông phức tạp và đang lâm vào bế tắc một phần quan trọng là do thiếu vắng đi một cơ chế pháp lý đủ rõ ràng, minh bạch và có tính ràng buộc làm một nền tảng. 
Theo ông Erik Franck, mô hình hội nhập tương đối thành công từ EU đã cho thấy, sự hội nhập khu vực về kinh tế, chính trị hay ngoại giao cần thiết một sự tương thích về khuôn khổ pháp lý và tư duy về thượng tôn pháp luật. Khối ASEAN đang là một tâm điểm hội nhập khu vực với các trụ cột liên kết của mình cần thiết phát triển hội nhập sâu rộng hơn về luật pháp. Qua đó không chỉ thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực, mà còn tạo một tiền để để quản lý và giải quyết các tranh chấp lãnh hải - lãnh thổ một cách hòa bình và theo đúng Luật quốc tế.
Cũng đồng tình về nhu cầu phát triển hội nhập sâu rộng hơn về luật pháp tại khu vực Đông Nam Á, TS Raul C. Pangalangan (Philippines) - thẩm phán Tòa án hình sự quốc tế tại The Hague (Hà Lan) cũng kêu gọi các bên trao đổi kinh nghiệm trong việc sử dụng Công ước luật Biển 1982 để giải quyết các tranh chấp lãnh hải - lãnh thổ. ASEAN với tư cách là một tổ chức quốc tế có thể tham khảo mô hình hay kinh nghiệm của EU về cách thức quản lý tranh chấp hay chia sẻ các vùng chồng lấn, chia sẻ tài nguyên giữa các nước với nhau. Các học giả nhấn mạnh về tầm quan trọng của các cơ quan tòa án quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế.  
Vụ kiện của Philippines về vấn đề Biển Đông và phán quyết của Tòa trọng tài chắc chắn sẽ có những hạn chế hay giới hạn của nó cả từ góc nhìn pháp lý, lẫn các yếu tố chính trị trong việc buộc các bên phải tuân thủ và chấp nhận. Đây cũng có thể là một con đường dài, phức tạp và thủ tục nhiêu khê, nhưng đến nay vẫn là cách thức văn minh nhất của nhân loại để giải quyết một mâu thuẫn giữa các đối tác. Nỗ lực giải quyết tranh chấp theo một cơ chế bằng luật sẽ hình thành các ý chí chính trị giữa các bên để có thể quản lý, và từ từ giải quyết các tranh chấp lãnh hải - lãnh thổ.  
Như trong phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Đại sứ Đặng Đình Quý, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhấn mạnh: "Để giải quyết những vấn đề an ninh, đặc biệt là an ninh biển thì chúng ta cần phải có hai điều: Quyết tâm hợp tác của các quốc gia hay nói cách khác là ý chí chính trị và cơ sở để hợp tác là luật quốc tế. Nếu không có hai điều đó thì không thể làm được”.  
Cả hai điều này vẫn còn đang mờ mịt tại Biển Đông và là một nhiệm vụ khó cho bất kỳ nỗ lực nào muốn tìm kiếm một hướng giải pháp bình đẳng chủ quyền và vấn đề biển ở châu Á. 
Hoàng Thắng
Tin liên quan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét