Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016

20160606. THỦ PHẠM VŨNG ÁNG LÀ AI ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
TỘI PHẠM VŨNG ÁNG LÀ AI ?
BÙI QUANG VƠM/BS/BVB 5-6-2016
Ngư dân Quảng Bình xuống đường biểu tình cuối tháng 4/2016,
 đòi chính phủ công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt. Ảnh: Facebook

Cho dù đến tận bây giờ, nguyên nhân cá chết xuất phát từ vùng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh, vẫn chưa được nhà nước Việt Nam công bố, thậm chí có ý định không bao giờ công bố qua việc mượn lời chuyên gia Nhật Bản lấp lửng rằng, “có thể phải cần một năm”.
Nhưng trước áp lực của xã hội, ngày hôm qua, 02/06/2016, trong cuộc họp báo của Chính phủ, bộ trưởng Truyền Thông Trương Minh Tuấn nói “Về nguyên nhân cá chết chưa thể công bố, các nhà khoa học nỗ lực tìm ra nguyên nhân và đã sớm tìm ra nguyên nhân. Nhưng việc điều tra cá chết là nhiệm vụ của nhiều cơ quan nên còn nhiều ý kiến khác nhau vì thế cần phải rốt ráo xác định nguyên nhân. Các cơ quan phải điều tra đầy đủ các bằng chứng pháp lý về môi trường xem các tổ chức, cá nhân có vi phạm không. Quan điểm của Chính phủ là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh. Cho nên, cần phải có thời gian kỹ lưỡng để có kết luận xác thực”.
Theo cách trả lời có phần ỡm ờ này, thì người ta “mười phần đã đoán ra được chín”. Chẳng có gì là khó hiểu. Vì kết luận khoa học xác định nguyên nhân cá chết đã có ngay từ ngày 20/04/2016, theo Giáo sư Tiến Sĩ Giáo sư Nguyễn Tác An, nguyên viện trưởng Viện Hải Dương Học Nha Trang “Ở Vũng Áng sau khi xảy ra sự cố như thế thì (các) nhà khoa học đã ra rất nhiều phương án để tiến hành và những phương án đều thu được những kết quả. Theo tôi nghĩ có cái gì đó mà người ta không muốn nói. Chứ tìm cả năm cũng vậy vì người ta đã biết nguyên nhân rồi. Như thế thôi, không được ai phát biểu hết: chỉ Tổng Cục Môi Trường và Bộ Tài nguyên – Môi trường mới được phát biểu, ai muốn phát biểu cũng không được. Người ta đã nói như vậy rồi thì thôi!”
Dư luận của cả xã hội, cả tập thể các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế không thể nói ra, nhưng thừa biết không ai khác ngoài nhà máy thép Formosa. Dẫu Chính phủ kết luận là ai, thì người ta vẫn tin rằng chỉ có nhà máy thép. Nếu thủ phạm Chính phủ nói không phải là Formosa thì dứt khoát có chuyện khuất tất được che đậy phía sau.
Chỉ có những kẻ ngớ ngẩn mới che đậy một sự thật hiển nhiên như vậy.
Bất chấp thủ đọan nhả tin từ từ của chính phủ Việt Nam, bất chấp phía sau chứa đựng âm mưu hay mục đích gì, bất chấp kết quả công bố thế nào, thủ phạm là ai, điều mà tất cả chúng ta, tất cả dân chúng, tất cả những người làm khoa học hay không làm khoa học, cả trong nước và cả trên thế giới đều nhất trí một điều là cần phải đóng cửa nhà máy thép Formosa. Vì nó còn nằm đấy thì còn xả thải và nguy cơ cá chết, dân chết và nguy cơ huỷ hoại môi trường sống của con cháu muôn đời vẫn còn nguyên đấy.
Nguyên nhân gây ra nạn cá chết không cần phải có các nhà khoa học nghiên cứu để kết luận. Truy ra nguyên nhân, để truy ra thủ phạm. Đó là việc của công lý, xử đúng người đúng tội. Nhưng vấn đề không chỉ đơn thuần nằm ở việc xử ai. Mục đích chính là bảo vệ môi trường và đời sống của con người.
Không cần biết có phải chính do nhà máy thép Vũng Áng xả thải không qua xử lý hay không, điều chúng ta đã không còn tranh cãi là sản xuất thép là một loại sản xuất gây ra độc hại, huỷ hoại môi trường. Và đặt nhà máý thép tại vị trí nhạy cảm này là hoàn toàn sai.
Vậy giải pháp cho nó rõ ràng là:
1- Bắt buộc nhà máy thép phải xử ký triệt để đúng quy định của pháp luật Việt Nam và quy chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường.
2- Sửa lại luật về quy trình và chế độ giám sát xử lý trước xả thải ra biển.
3- Đóng cửa từng bước và tiến tới đóng cửa hoàn toàn nhà máy thép tại Vũng Áng.
4- Xác minh thông tin tàu đánh cá Trung quốc thả những thùng chứa hoá chất độc, được đục thủng trước cho thoát ra từ từ, tại vùng biển ngoài khơi Vũng Áng, tiến hành trục vớt và nạo rửa đáy biển nếu có.
5- Xử lý tẩy rửa vùng biển khu vực xả thải của nhà máy thép Formosa ngay. Thủ phạm là Trung Quốc phía sau người Đài Loan, không có gì phải che giấu.
Vậy tại sao có sự ra đời và tồn tại của nhà máy này?
– Theo tất cả các phân tích khoa học, cả về mặt kinh tế, thảm họa môi trường lẫn an ninh quốc phòng, việc tồn tại một nhà máy thép tại thời điểm chính “Bắc Kinh hiện đã ra lệnh cấm các dự án mới trong lĩnh vực sản xuất thép, ximăng, nhôm điện phân, kính và đóng tàu cho tới năm 2017”. Sản lượng thép từ lâu đã vượt qua nhu cầu thị trường.“Đường Sơn, được xem như là “kinh đô” của ngành luyện thép, nay chỉ còn là cái bóng của chính họ với những nhà kho bị bỏ trống và bàn ghế bỏ không”.
“Các chuyên gia môi trường nhận định, nếu tất cả các dự án thép được cấp phép và triển khai đúng cam kết thì đến năm 2020, ngành thép sẽ thải ra 174 triệu tấn CO2 và lúc đó, riêng ngành thép sẽ “giáng” lên đầu mỗi người dân Việt Nam thêm 1,5 tấn khí CO2”.
Và chính Formosa “Năm 2009, Formosa “vinh dự” nhận giải “Hành tinh đen” – do Ethecon, tổ chức bảo vệ môi trường Đức dành cho những cá nhân/tổ chức “đóng góp” vào việc phá hủy môi trường”.
Vậy ai là người ký duyệt cho Formosa thực hiện đầu tư?
Trong thư ngỏ gửi Bộ trưởng tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà, ngày 01/05/2016, Tiến sĩ Tô Văn Trường cũng nêu ra câu hỏi vì sao lại phải kêu gọi đầu tư nhà máy thép. Ông nhắc lại chi tiết vào “ngày 15 tháng giêng năm 2008, Formosa mới có thư trình thủ tướng về dự án thép thì ngay ngày hôm sau 16 tháng giêng, vị quan chức đứng đầu của Hà Tĩnh lúc bấy giờ là ông Võ Kim Cự bí thư kiêm chủ tịch HĐND Hà Tĩnh có thư trình xin Thủ tướng ‘cho phép’, mặc dù Formosa không hề gửi thư đó cho ông Cự”.
Tại sao ngày 15/01/2008, Formosa có thư trình thủ tướng xin đầu tư dự án, thì ngày 16/01/2008 đích thân bí thư chủ tịch Hà Tĩnh Võ Kim Cự làm tờ trình xin Thủ tướng cho phépFormosa đầu tư. Võ Kim Cự tiên tri trước ý định đầu tư của Formosa?
“Thủ tướng Chính phủ có ý kiến tại Văn bản số 323/TTg-QHQT ngày 4/3/2008 với nội dung: đồng ý chủ trương cho Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa (Đài Loan) lập Dự án đầu tư nhà máy liên hợp thép tại Khu kinh tế Vũng Áng và Dự án cảng nước sâu Sơn Dương, tỉnh Hà Tĩnh”.
Ngay trong ngày 4/03/2008, Hoàng Trung Hải ký công văn 323/Ttg đồng ý cho tập đoàn Formosa lập Dự án Nhà máy thép Vũng Áng.
Ba tháng sau, ngày 6/06/2088, Hoàng Trung Hải ký tiếp công văn 869/Ttg thực hiện Dự án đầu tư khu liên hợp Gang thép và cảng sâu Sơn Dương tại Vũng Áng. Trên cơ sở công văn này, ngày 21/5/2008, Công ty Formosa có đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư; ngày 12/6/2008 Ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu số 282023000001 cho Công ty với thời hạn hoạt động của dự án là 70 năm.
Chưa bao giờ một Dự án có tổng vốn đầu tư 22 tỷ đôla, chiếm dụng 3,300ha đất, di dời hàng nghìn hộ dân, mà từ ngày trình tờ xin tới ngày lập luận chứng Dự án, trình duyệt Dự án tổng thể, lập và trình duyệt Dự án chi tiết, cấp giấy phép đầu tư, chỉ có thời gian 4 tháng, trong khi thông thường không thể dưới ba năm.
Tháng 1/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định cấp cho Formosa 300 tỷ đồng từ ngân sách, xây nhà ở cho công nhân người Trung quốc.
Thủ tướng Dũng dự lễ động thổ nhà máy thép Vũng Áng, ngày 02/12/2012, 17/09/2015 khánh thành tổ máy số 1 nhà máy nhiệt điện Vũng Áng.
Như vậy, chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người quyết định và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự có mặt của công ty thép Formosa tại Vũng Áng.
Tại sao. Vì không đủ trình độ. Vì tiền. Hay vì một thế lực nào khác.
Ông Nguyễn Gia Kiểng, chủ tịch Tập Hợp dân chủ đa nguyên nhận định đã có sự câu kết bất chính giữa chế độ cộng sản và các thế lực tài phiệt nước ngoài, ở đây là công tyFormosa”.
Chế độ cộng sản mà ông Kiểng đề cập là bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam mà trực tiếp là ông cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng cũng lưu ý một điều rằng, ban đầu, dự án được phê duyệt trên danh nghĩa là cho tập đoàn Formosa làm chủ đầu tư, nhưng hiện nay, cổ phần của tập đoàn Formosa đã được nhượng lại tới 25% cho tổng công ty thép Trung Quốc, Chine Steel, và lao động của công ty thép Vũng Áng hiện tại gồm10.000/16.000 là người Trung Quốc lục địa.
Phải truy tìm cho ra ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Võ Kim Cự đã nhận của Formosa bao nhiêu tìền, trong số tiền đó có bao nhiêu xuất phát từ Trung Quốc cộng sản. Số tiền này tuồn sang Quỹ đầu tư của cô Nguyễn Thanh Phượng bằng con đường nào. Phải truy tố bằng được ông Dũng ra Toà. Trước một thảm hoạ cho quốc gia như vậy, trước một nguy cơ tiêu diệt nguồn sống của hàng triệu người, có hàng nghìn bà con đang đói và nguy cơ chết vì nhiễm độc, không thể để cho Dũng có quyền thoát tội. Hãy xem, trong khi dân đói, cá chết, ông Dũng đi thăm chùa Thiên Hưng tại Bình Định và nghe Đàm Vĩnh Hưng hát “Thành phố buồn” tại Sài Gòn. Phải là loại người như thế nào mới có thể nhẫn tâm như vậy.
Có liên hệ gì giữa Trung Nam Hải và cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng không? Chắc chắn an ninh chính trị của đảng đã có câu trả lời. Ông Võ Kim Cự đã buộc phải thôi chức bí thư Hà Tĩnh trước khi có đại hội đảng, tháng 10/2015. Ông Dũng bị buộc phải bàn giao cho ông Phúc trước tháng tư năm 2016.
Có gì liên hệ gì giữa vụ cá chết tại Vũng Áng với chuyến thăm của Tổng thống OBAMA không.
Cẩn tắc vô áy náy, tốt nhất là nên rà soát lại tất cả những dự án do ông Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt, và tiến hành kiểm tra, loại bỏ các yếu tố Trung Quốc ra khỏi các dự án đó.
Bùi Quang Vơm/(Ba Sàm)
CHỜ PHẢN BIỆN NGUYÊN NHÂN: NGUY CƠ 'CHÌM XUỒNG' LÀ RẤT LỚN!
LÊ DUNG/ SBTN / BVB 5-6-2016
Họp báo của chính quyền CSVN về
 “công bố việc chưa công bố nguyên nhân cá chết”. Ảnh: internet

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng là nhân vật phát ngôn như thế vào ngày 2/6/2016. Ông Dũng giải thích thêm lý do chưa công bố nguyên nhân cá chết vì Thủ tướng yêu cầu có phản biện độc lập để đảm bảo tính khách quan. Còn Bộ trưởng Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn thì hứa hẹn “sẽ cố gắng công bố trong tháng 6”.Phải đến 2 tháng sau khi nổ ra vụ cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung, Chính phủ mới tổ chức họp để “công bố việc chưa công bố nguyên nhân cá chết”.
Mặc dù phía chính quyền CSVN báo cáo có hơn 30 cơ quan bộ ngành và địa phương đã vào cuộc, thu thập chứng cứ, xác minh và tìm ra nguyên nhân cá chết, đặc biệt mời hàng trăm nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng tham gia để thu thập dữ liệu, chứng cứ và điều tra nguyên nhân…, nhưng một dấu hỏi lớn đang được đặt ra là vào thời điểm mời các nhà khoa học, giới quan chức chính quyền CSVN cũng nói là mời để phản biện, vậy chẳng lẽ sau khi có phản biện khoa học lại cần thêm phản biện? Vậy sẽ cần thêm bao nhiêu thời gian để “phản biện”?
Trong khi đó, chất độc trong lòng biển đã có quá đủ thời gian để phi tang. Sau một tháng kể từ lúc cá chết, Kỹ sư Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội đúc - luyện kim đã bức bối: "Tôi nghĩ rằng để một thời gian dài như thế mà chỉ phân tích nước, thì một người bình thường cũng có thể nghĩ rằng là nó không thể chính xác được đâu… Cả thời gian dài gần một tháng như thế thì nó hòa tan ra, nồng độ nó khác đi rồi”.
Còn một số chuyên gia khẳng định rằng không cần phải một tháng mà chỉ cần 10 ngày là chất độc sẽ tan trong lòng biển. Để sau một tháng, e rằng có thực hiện một cuộc lấy mẫu thí nghiệm độc tố cũng không có hy vọng gì. Chất độc đã có đủ thời gian tự nhiên để biến mất.
 Nhưng vào thời điểm sau 1 tháng ấy, Bộ Khoa học và Công nghệ, trong khi nhẩn nha mời chuyên gia tư vấn nước ngoài kiểm tra độc tố, đã đưa ra một kết luận sơ bộ khác là “nước biển miền Trung an toàn”.
 Nhưng “an toàn” như thế nào thì thực tế đã chứng minh ngay sau đó. Từ sau kết luận trên của Bộ Khoa học và Công nghệ, các bãi biển miền Trung hầu như vắng bóng khách du lịch, các nhà hàng quán nhậu dọc bờ biển trở thành chùa Bà Đanh, cá biển quá khó để tiêu thụ. Gần đây đã xảy ra hiện tượng người dân bị ngộ độc suýt chết khi ăn cá biển nhưng báo chí nhà nước không dám đăng tin… 
Bất chấp phong trào biểu tình môi trường đã bị chính quyền cộng sản đàn áp dữ dội, người dân Việt Nam không còn giữ nổi một chút tin cậy nào đối với chính quyền về “sẽ tìm ra nguyên nhân cá chết”. Ngay cả những hứa hẹn “xả áp suất” của giới lãnh đạo chính quyền sẽ cứu trợ 15kg gạo cho mỗi đầu dân và yêu cầu các ngân hàng thương mại cho dân vay tiền cũng được nhiều người phản ánh là “nhăng cuội”. 
Nếu nhìn lại thái độ “vào cuộc” quá chậm chạp của các bộ ngành chuyên môn sau khi vụ “cá chết Formosa” xảy ra, lối công bố nguyên nhân đổ vấy cho “thủy triều đỏ” chẳng có cơ sở nào của Thứ trưởng tài nguyên môi trường Võ Tuấn Nhân,chuyến đi đầy bất thường của Tổng bí thư Trọng “kiểm tra tiến độ công trình Formosa” ngay vào thời điểm cá chết trắng biển miền Trung đã hàm chứa ý đồ “câu giờ”…, hy vọng để chính quyền  công bố nguyên nhân xác đáng về vụ cá chết hàng loạt sẽ gần như chìm xuồng.
Thay vào đó, rất có thể phía chính quyền CSVN sẽ cố gắng lôi ra vài cái tên quan chức bậc trung nào đấy để bắt trở thành “Lê Lai cứu chúa”. Rồi sau đó mọi thứ sẽ chìm vào quên lãng, còn người dân miền Trung vẫn nguyên nỗi cơ cực bế tắc…
Lê Dung/(SBTN)
KHI THÔNG TIN MẬP MỜ, NHÂN DÂN SẼ HOANG MANG VÀ CUỘC SỐNG SẼ NHUỘM MẦU CHẾT CHÓC
NGUYỄN ANH TUẤN/ BVN 4-6-2016

1. Cá chết: 'càng công bố chậm càng bất lợi'

clip_image002
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn cho rằng càng chậm công bố nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt thì càng bất lợi cho chính quyền.
Càng trì hoãn công bố nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt, thì người dân sẽ càng 'uất ức' và chính quyền càng bất lợi, một nhà hoạt động xã hội từ Việt Nam nói với BBC vào thời điểm gần tròn hai tháng xảy ra vụ thảm họa ô nhiễm nghiêm trọng.
Bình luận về ý kiến của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam về nguyên nhân vụ cá chết tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ hôm 02/6/2016, ông Nguyễn Anh Tuấn, một nhà hoạt động xã hội dân sự Việt Nam, người vừa có một tháng tới huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, miền Trung Việt Nam để điều tra độc lập, nói:
"Tôi thấy rằng, kể từ khi ông Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Võ Văn Tuấn trả lời một phóng viên của VTV, khi chị phóng viên này nhắc đến chuyện kim loại nặng, ông bảo rằng hỏi như thế là gây tổn hại đến lợi ích quốc gia, thì tôi đoán rằng có thể có một sự thật nào đó rất là lớn.
Thời gian càng kéo dài như thế này, người khổ nhất vẫn là người dân và những uất ức này nó vẫn cứ dồn nén lại dần, thì có thể nó còn gây ra những hệ lụy còn nghiêm trọng hơn. Do đó trước sau gì, tôi nghĩ họ cũng phải công bố nguyên nhân nào đó - Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn
"Nó có thể gây ra những ảnh hưởng, những biến động lớn và như vậy họ (chính quyền) kiên quyết, họ giữ đến cùng, dĩ nhiên là thời gian không đứng về phía họ.
"Thời gian càng kéo dài như thế này, người khổ nhất vẫn là người dân và những uất ức này nó vẫn cứ dồn nén lại dần, thì có thể nó còn gây ra những hệ lụy còn nghiêm trọng hơn. Do đó trước sau gì, tôi nghĩ họ cũng phải công bố nguyên nhân nào đó".
'Chưa có ngay niềm tin'
Theo nhà hoạt động, ngay cả khi chính quyền ngưng 'trì hoãn' và công bố nguyên nhân, thì có thể người dân chưa 'có ngay một niềm tin', ông Nguyễn Anh Tuấn nói:
"Tuy nhiên với cách làm của họ như hiện nay tôi nghĩ sẽ rất là khó để họ (người dân) có thể có một niềm tin ngay khi mà họ (chính quyền) công bố kết quả, bởi vì những chuyện đã qua, những chuyện cấm tin nhắn, những từ khóa nhạy cảm, ví dụ như là chặn Facebook, rồi chuyện như là chỉ đạo không cho báo chí về thực địa để khai thác những hướng thông tin liên quan tới thảm họa, dần nó xói mòn niềm tin trong công chúng.
"Cho nên tôi nghĩ là ngay cả khi bây giờ người ta công bố nguyên nhân thì cũng khó có thể thuyết phục được người dân cho lắm và thêm nữa ngay trong lý do mà họ đưa ra để trì hoãn việc công bố, thì tôi thấy nó cũng không ổn.
clip_image004
Người dân Việt Nam phản đối vụ ô nhiễm làm cá chết hàng loạt.
"Tức là nếu như anh cần sự phản biện, nếu như anh nghĩ rằng mỗi bộ ngành có những hướng phân tích khác nhau, thì vì sao anh không đưa hết tất cả những thông tin đó, buổi phản biện đó, anh tổ chức những buổi phản biện công khai, để cho báo chí vào dự, để cho mỗi bộ được trình bày quan điểm của họ, những hướng phân tích của họ?
"Tất cả mọi thứ công khai lên, dưới ánh sáng của sự công khai minh bạch thì nó mới có thể có niềm tin, còn bây giờ anh bảo rằng có nhiều quan điểm khác nhau cần phản biện, mà anh không công khai tất cả những quan điểm đó ra, thì tôi nghĩ đó chỉ là một cách nói để câu giờ, để kéo dài thời gian".
Trì hoãn, câu giờ?
clip_image005
Ảnh: Nguyễn Trọng Tạo, với tiêu đề Tặng MC Phan Anh và MC Tạ Bích Loan
Theo nhà hoạt động, người vừa công bố hàng loạt clips mà ông và nhóm điều tra độc lập đã thực hiện khi phỏng vấn người dân ở huyện Kỳ Anh trong một tháng, thì chính quyền vẫn đang muốn 'trì hoãn, câu giờ' hay là 'kéo dài thời gian', ông Nguyễn Anh Tuấn nói tiếp:
Vụ cá chết là một sự cố môi trường nghiêm trọng. Dư luận quan tâm là hoàn toàn chính đáng. Chính phủ cầu thị lắng nghe ý kiến và có trách nhiệm minh bạch thông tin - Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn
"Mà thực sự từ lúc cá chết đến bây giờ, mọi hành động đều có ý nghĩa là kéo dài thời gian. Khi mà họ càng dùng những cụm từ như là quyết liệt, thì cuối cùng mục đích cũng chỉ là trì hoãn càng lâu càng tốt thôi", nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn nói với BBC.
Hôm thứ Năm, truyền thông Việt Nam đưa tin về cuộc họp báo của Chính phủ, trong đó có nội dung trả lời câu hỏi của truyền thông Việt Nam về vụ cá chết hàng loạt, báo Tuổi trẻ Online ngày 02/6 tường thuật:
"Về nguyên nhân cá chết chưa thể công bố, Bộ trưởng Thông tin - truyền thông Trương Minh Tuấn nói rõ thêm: các nhà khoa học nỗ lực tìm ra nguyên nhân và đã sớm tìm ra nguyên nhân. Nhưng việc điều tra cá chết là nhiệm vụ của nhiều cơ quan nên còn nhiều ý kiến khác nhau vì thế cần phải rốt ráo xác dịnh nguyên nhân.
"Các cơ quan phải điều tra đầy đủ các bằng chứng pháp lý về môi trường xem các tổ chức, cá nhân có vi phạm không. Quan điểm của Chính phủ là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh. Cho nên, cần phải có thời gian kỹ lưỡng để có kết luận xác thực.
“Vụ cá chết là một sự cố môi trường nghiêm trọng. Dư luận quan tâm là hoàn toàn chính đáng. Chính phủ cầu thị lắng nghe ý kiến và có trách nhiệm minh bạch thông tin”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn được tờ báo mạng trích lời, nói.

2. "Chúng tôi mong ngóng từng ngày tin tức từ chính quyền”

Chau Doan
clip_image007
Ông Hồ Hữu Sìa, 67, (bên phải), Quảng Bình nói cả đời ông làm ngư dân chưa bao giờ ông nhìn thấy hiện tượng lạ đến vậy. Nhà ông cách mép biển chừng một trăm mét. - "Từ cửa nhìn ra, những con cá to cứ nhao lên bờ, đớp đớp như thể chúng muốn trốn chạy khỏi nước biển", ông nói. "Phải là người lớn lên cùng với biển cả thì mới hiểu được cảm giác của ngư dân chúng tôi những ngày ấy. Tôi cảm thấy một nỗi sợ chạy khắp người mình".
Trước đấy mấy ngày ông Sìa nhìn thấy một dòng chảy màu hồng hồng, khác hẳn với màu nước thường ngày. Những con cá ấy ít khi bắt được vì là loài cá sống ở dưới tầng sâu dưới đáy biển.
Những ngày đầu, người dân gom những con cá to ấy để bán cho thương lái. Theo ông Sìa thì chỉ người có tiền và quan chức mới thường ăn loại cá "ngon" này.
Sau khi có hiện tượng cá chết, ông Sìa vẫn đi tắm biển. Gia đình ông nấu những con cá nhỏ hơn để ăn. Tới ngày thứ ba thì ông Sìa cảm thấy từ ruột tới cổ họng của mình như có lửa. Tuy nhiên, điều lạ là da ông không bị ngứa ngáy, nổi mẩn như nhiều người khác.
Ông Sìa bảo xương cá nấu xong, thường trắng giờ thành đen sì, cả đời chưa bao giờ ông nhìn thấy điều ấy. Những con mực, trông ngoài bình thường nhưng nội tạng đã bị hoại tử.
Hồ Thị Đào, 32 tuổi (bên trái), là con gái ông Sìa. Cô cũng ăn cá nhưng bị nhiễm độc nặng hơn. Nôn mửa, tiêu chảy nhiều, phải nhập viện để tiếp nước. 
Đào cho một cô bạn hai con cá bằng bàn tay để hấp cơm. Một con được ăn, con còn lại vẫn để trong nồi cơm. Sáng hôm sau, con cá ấy tự nát ra. Cô bạn của Đào cũng phải đi cấp cứu.
Bà Hương, 63 tuổi, một người cùng làng nói:
"Chúng tôi mong ngóng từng ngày tin tức từ chính quyền, chậm ngày nào là đời sống ngư dân chúng tôi khổ ngày ấy. Cuộc sống của chúng tôi phụ thuộc vào biển, giờ biển thể này, chúng tôi sống bằng gì? Nhiều ngày, chúng tôi chỉ biết nhìn ra biển mà khóc!"
Từ ngày biển có vấn đề, mỗi ngư dân từ lúc xảy ra cá chết được ủng hộ duy nhất một lần 50,000 Đ và 7 kg gạo. Người dân đi tàu trung được đánh cá trở lại nhưng đánh cá về không dám ăn. Trong làng này số thuyền cỡ trung chỉ chiếm 30%. Cá đánh về chỉ người già như vợ chồng bà Hương ăn. Ba người con trai, con dâu và các cháu không dám ăn mặc dù rất thèm. Kể cả những con mực tươi nguyên cũng không dám. Có thương lái mua nhưng giá chỉ bằng 45 % trước kia.
Tầu nhỏ để câu mực thì nằm bất động, được phủ bạt che nắng. Bởi mực gần bờ không còn để đánh. Trên biển, những bẫy mực đóng bằng gỗ bày la liệt, phơi nắng. 
Bà Hương không biết thương lái sẽ đổ hàng ở đâu. Câu hỏi được nêu ra với nhiều người khác nhưng họ đều lắc đầu. Hỏi sao không hỏi thương lái, họ bảo có hỏi nhưng thương lái không trả lời.
Vậy câu hỏi đặt ra là số lượng cá đấy được tiêu thụ ở đâu nếu không phải là làm mắm? Cơ quan nào sẽ kiểm định độ nhiễm độc của lượng cá này? 
Đây là câu hỏi cứ ám ảnh tôi suốt và tôi nghĩ nó cũng sẽ ám ảnh tất cả chúng ta. Giờ đây những thứ gần gũi được dùng hàng ngày như nước mắm cũng là một mối lo.
Tôi nghĩ chính quyền nên có một chiến dịch truyền thông thật tốt để yên lòng người dân. Thay vì bưng bít thông tin, chính quyền nên cho người dân biết điều gì đang xảy ra.
Và sự chậm trễ này càng khẳng định Formosa là thủ phạm. Nếu là nguồn ô nhiễm sinh ra từ tự nhiên thì chính quyền sẽ không dại gì mà có thái độ mập mờ như hiện nay.
Khi thông tin mập mờ, người dân sẽ hoang mang và cuộc sống sẽ nhuốm màu chết chóc.
Người dân có quyền được biết điều gì đang diễn ra. Chính quyền không nên độc quyền về thông tin như hiện nay. Có thể cá đánh được đã an toàn, nhưng khi thông tin mập mờ, thương lái sẽ tận dụng điều này để hạ giá, bắt chẹt người dân.
C.D.
Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10154175992878965&set=a.10150708808583965.425780.704543964&type=3&theater

CÁ CHẾT: NHÌN TỪ GÓC ĐỘ KHÁC
NGUYỄN VĂN PHÚ/ TBKTSG  4-6-2016
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã đến cảng cá Cửa Tùng đánh giá tình hình thiệt hại của ngư dân hôm 29-4. Ảnh: www.chinhphu.vn
(TBKTSG Online)- Mọi sự chú ý dường như cứ tập trung vào nguyên nhân cá chết ở nhiều tỉnh ven biển miền Trung. Mà đúng là biết nguyên nhân lúc đó mới khắc phục được hậu quả một cách lâu dài; chưa biết nguyên nhân cũng khó quy kết trách nhiệm; nguyên nhân thì phải được củng cố bằng chứng cứ khoa học và chứng cứ pháp lý.
Do đó chúng ta có thể thông cảm được với sự cẩn trọng của đại diện Chính phủ khi khẳng định các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân cá chết ở các tỉnh miền Trung nhưng lại không nói ra đó là nguyên nhân gì, có thể vì chưa có chứng cứ pháp lý làm cơ sở ràng buộc trách nhiệm.
Thế nhưng trong sự cố cá chết có ba, bốn vấn đề tách biệt, trong đó tìm và công bố nguyên nhân chỉ là một.
Ngay cả thông tin đã công bố “các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân cá chết” cũng có thể bổ sung nhiều chi tiết có tác dụng trấn an người dân, lôi cuốn họ cùng vào cuộc chứ không phải chỉ ngồi chờ. Đó là các thông tin các nhà khoa học đã làm gì, ở thời điểm nào, lấy mẫu như thế nào, những khó khăn gặp phải, những nỗ lực chung của hàng trăm con người, những tranh luận về chứng cớ… Có thể ai đó nghĩ người dân bình thường biết chuyện chuyên môn làm gì! Đó là do họ không hiểu thông tin đầy đủ sẽ lấp đầy khoảng trống, không cho thông tin nhiễu, thông tin sai chen vào.
Ba bốn vấn đề tách biệt nói trên là gì? Đó là thực tế, cá chết làm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của người dân địa phương và là nỗi lo của người dân cả nước.
Vấn đề quan trọng, vì thế, là tìm cách hạn chế tác động tiêu cực lên đời sống ngư dân, lên lòng tin của người dân không biết đã tiêu thụ hải sản được chưa, lên hoạt động du lịch ở các địa phương bị ảnh hưởng, lên cả những ngành sản xuất mang tính lâu dài như sản xuất nước mắm, muối… Sự tê liệt về góc độ cung cấp thông tin chỉ vì chưa thể nói nguyên nhân cá chết làm mọi nỗ lực khắc phục tác động tiêu cực này bị ảnh hưởng.
Lẽ ra Chính quyền phải có những thông tin cập nhật khác (không nhất thiết phải là nguyên nhân cá chết) thường xuyên, đầy đủ, xem cá còn chết hay đã hết; liên tục công bố kiểm nghiệm chất lượng nước biển, chất lượng hải sản đánh bắt trong vùng để khi thì đưa ra khuyến cáo khi thì bảo đảm sự an toàn cho sản phẩm không bị ảnh hưởng. Phải khoanh vùng sản xuất, cấp giấy chứng nhận cho vùng chắc chắn an toàn, hỗ trợ các nơi phải ngưng vì chưa bảo đảm các điều kiện đặt ra…
Phải có những chiến dịch quảng bá cho các đoàn tàu đánh bắt xa bờ, không liên quan đến các vùng có cá chết, thậm chí huy động các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp thường tham gia “xã hội hóa” để hỗ trợ việc tiêu thụ cho ngư dân.
Bây giờ nói qua chuyện Formosa.
Nếu Formosa đặt ống xả ngầm là sai như phát biểu của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thì nay phải công bố kết luận khắc phục. Hay, theo thông tin từ cơ quan thuế Hà Tĩnh mà các báo đã đăng tải trong tuần trước, cứ kiểm tra thuế, hải quan ở Formosa là phát hiện sai phạm như vậy không lẽ chỉ truy thu thuế rồi thôi.
Tại sao trước mắt không tập trung bắt doanh nghiệp này khắc phục sai sót ngay. Ví dụ đường ống xả thải làm sai quy định thì dễ nhất là bắt ngưng sản xuất, dù mới sản xuất thử nghiệm để làm lại. Bắt Formosa ngưng toàn bộ hoạt động, liên quan đến xả thải hay súc rửa đường ống có dùng hóa chất cũng là cách để kiểm tra lại môi trường nước biển ở khu vực này, xem có thay đổi so với trước, từ đó có thể quay ngược trở lại với các hành vi xả thải trước đây.
Có lẽ trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng cũng rà soát quy trình xả thải của các doanh nghiệp khác trong khu Vũng Áng, tại sao không công bố kịp thời các nỗ lực này, kiểm tra việc tuân thủ đến đâu thì công khai đến đó, nhờ vậy người dân cũng có điều kiện để giám sát xem thử có đúng vậy không.
Sai phạm đã khẳng định của Formosa có vai trò của các quan chức địa phương, ít ra là sự thiếu vắng tinh thần trách nhiệm trong vai trò quản lý của mình. Thế thì tại sao chưa có những biện pháp ban đầu để lập lại kỷ cương, làm bài học cho cán bộ các nơi khác, các địa phương cũng có những nhà máy phải xả thải như thế.
Báo chí khi cạnh tranh trong nỗ lực đưa tin chính xác, khách quan trung thực đến với người dân sẽ buộc tờ nào muốn giật gân, câu khách bằng thông tin sai hay thổi phồng phải chịu trách nhiệm và bị báo khác vạch trần ngay lập tức. Một khi báo chí có thông tin đầy đủ, mạng xã hội lúc đó sẽ không còn đất cho những đồn đoán, suy diễn hay “thuyết âm mưu”. Và chính mạng xã hội cũng sẽ vạch trần các bài báo mang tính câu view như chúng ta đã thấy.
Phải thấy sự cố cá chết là một cơ hội – cơ hội nâng cao nhận thức của cán bộ địa phương về các vấn đề môi trường mà có thể trước đó họ bỏ qua, cơ hội soát xét lại các quy định về bảo vệ môi trường, các dự án có rủi ro gây ô nhiễm môi trường mà trước đây do cạnh tranh giữa các địa phương, có nơi đã dễ dàng bỏ qua để cấp phép. Vấn đề càng nóng hổi thì ý thức đó càng cao; để nó nguội lạnh thì tinh thần trách nhiệm có nguy cơ nguội lạnh theo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét