Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

20160610. BÌNH LUẬN VỀ PHÁT BIỂU CỦA BÀ TÔN NỮ THỊ NINH

ĐIỂM BÁO MẠNG
THÓI QUEN 'QUA MẶT' NHÂN DÂN HAY 'HỘI CHỨNG MỸ TRONG LÒNG VIỆT NAM'?
NGUYỄN TRỌNG BÌNH/ Viet-studies 9/6/2016
1. Cách đây mấy năm, trong phiên tòa xét xử kẻ phạm tội giết người, khi HĐXX mời gia đình nạn nhân phát biểu thì Mẹ nạn nhân – một cụ già tuổi gần 80 đã đứng lên run rẩy nói với HĐXX như sau“Tôi mới làm giỗ cho con tôi mấy bữa trước. Đằng nào con tôi cũng chết rồi, bị cáo còn vợ và 3 đứa con nhỏ, mong tòa cho cậu ấy con đường sống”. Nhờ câu nói của này bà mà kẻ sát nhân đã được HĐXX giảm cho án tử.
Đây là chuyện có thật mà báo chí nước nhà đã từng đưa tin. Những ai muốn xác nhận điều tôi vừa nói thì cứ nhờ google trợ giúp.
Mọi so sánh đều khập khiễng, tôi biết thế, tuy vậy, trong cuộc sống để vấn đề nào đó sáng tỏ hơn, chúng ta không thể không so sánh. Vậy nên chúng ta thử so sánh câu nói của cụ bà gần 80 tuổi trên với hai lần phát ngôn chính thức trước công luận của bà Tôn Nữ Thị Ninh liên quan đến chuyện Bob Kerrey và FUV xem sao?
Trước hết, cả hai lần phát ngôn chính thức của mình liên quan đến tội ác của Bob Kerrey cách nay mấy mươi năm, bà Ninh đều nhấn mạnh đây là quan điểm của riêng bà. Tương tự như vậy, cụ bà gần 80 tuổi trong câu chuyện vừa kể ở trên cũng phát biểu với tư cách cá nhân. Thế nhưng tại sao đều là quan điểm cá nhân nhưng ý kiến của cụ bà 80 thì người ta dễ dàng đồng tình (ít nhất HĐXX đã thống nhất giảm án cho kẻ sát nhân) còn ý kiến của bà Ninh lại dấy lên những tranh luận trái chiều?
Theo tôi, so với bà Ninh, cụ bà 80 phát biểu với tư cách của một người hoàn toàn trong cuộc. Nghĩa là hơn ai hết, chỉ có bà mới thấu hiểu nỗi đau tột cùng và có quyền nói tha thứ hay không tha thứ cho kẻ đã sát hại con mình. Bà Ninh thì khác, bà vừa là người trong cuộc vừa là kẻ ngoài cuộc. Không những vậy, bà Ninh lại là người làm chính trị, là cán bộ ngoại giao đại diện cho một bên trong cuộc chiến xảy ra cách nay mấy mươi năm. Nói cách khác, bà cụ 80 hoàn toàn “chính danh” khi nói lời tha thứ cho kẻ phạm tội còn bà Ninh chỉ là “nhân danh”, “mượn danh” để nói. Nhìn rộng ra, việc nhân danh này không chỉ riêng bà Ninh mà đa phần những người làm chính trị ở Việt Nam trước đó và bây giờ đều thế.
Có thể nói, từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, những người này mỗi khi bàn về vấn đề liên quan đến chiến tranh có dính đến yếu tố Mỹ hầu như chưa bao giờ hỏi hay tham khảo ý kiến của đại bộ phận nhân dân một cách nghiêm túc. Những phạm trù như thắng - thua, bạn - thù, căm hờn - tha thứ... tất tần tật đều do họ tự quyết và áp đặt xuống dân chúng. Đây là điều mà cố nhà văn Trang Thế Hy đã lên tiếng, nói thẳng trong truyện ngắn“Vết thương thứ mười ba” sáng tác năm 1988:
“Muốn biết chiến tranh là cái gì, người cần hỏi ý kiến, người cung cấp định nghĩa về chiến tranh chính xác nhất không phải là các nguyên thủ quốc gia, các chính khách lẻo mép và các vị thống chế tư lịnh không bị bom đạn làm trầy một miếng da nào”. Hay cụ thể hơn, theo Trang Thế Hy muốn biết bản chất thật của các cuộc chiến tranh hãy đi hỏi “những người phụ nữ đã đẻ con cho thiên hạ đem đi nướng, hỏi những bà mẹ sau chiến tranh đi hết nghĩa trang này đến nghĩa trang khác tìm nấm mộ đề tên con mình mà không gặp...”.
Chiến tranh vốn là sai lầm của các bên trong quá khứ nhưng bàn về nó trong sự đắc thắng, ngạo nghễ kiểu“thắng làm vua, thua làm giặc” thì lại càng sai lầm hơn. Nói cách khác, chính cách tuyên truyền một chiều của những người thuộc “bên thắng cuộc” đã góp phần làm nên vấn đề mà nói như cựu đại sứ Hoa Kỳ, Lê Văn Bàng là:“Hội chứng Mỹ” trong lòng Việt Nam” hiện nay:
“Chúng ta đã từng giúp rất nhiều để người Mỹ thoát khỏi “hội chứng chiến tranh Việt Nam” trong người Mỹ, nhưng bản thân chúng ta lại chưa thoát được “hội chứng Mỹ”(...) Sự hận thù của không ít người Việt sau chiến tranh còn nặng nề lắm”.[1]
Từ đây, trở lại vấn đề, có thể thấy hai lần phát ngôn của bà Ninh đều ít nhiều cho thấy cái “hội chứng Mỹ”vẫn còn ám ảnh tâm trí bà và không dễ gì để rứt nó ra. Lẽ ra, ở chỗ này bà Ninh và những người cùng quan điểm với bà trước hết phải tham khảo ý kiến của đại đa số nhân dân Việt Nam (hoặc ít nhất là người dân ở Thạnh Phong, Bến Tre năm nào). Nếu chưa hỏi nhưng lại nhân danh họ, lôi họ vào cuộc rồi bám vào đó để phản đối Bob Kerreylàm chủ tịch FUV là đang “qua mặt” và không tôn trọng nhân dân. Nguy hại hơn nữa, quan điểm của bà Ninh đã vô tình đẩy vấn đề đi quá xa; nhất là đã khơi lại vết thương vừa ráo mủ của những người trong cuộc từ cả hai phía. Bằng chứng là, từ những phát ngôn của bà, giờ đây có không ít người bắt đầu lục tung lại quá khứ với mục đích tố cáo tội ác của nhau trong cuộc chiến năm nào.
Việc bà Ninh trăn trở, lo lắng về chuyện các thế hệ con cháu không khéo vì cuộc vui hôm nay mà quên đi quá khứ đau thương của dân tộc hôm qua là điều hoàn toàn chính đáng và đáng trân trọng. Nhưng e là trong khi bày tỏ nỗi trăn trở này bằng việc “chọn” Bob Kerrey và FUV làm “bia” là một sai lầm về phương pháp và thời điểm. Hay ít ra, bà đã thiếu công tâm khi phán xét tội lỗi trong quá khứ của Bob Kerrey đặt trong mối tương quan với những người “đồng chí” láng giềng “4 tốt”, “16 chữ vàng” mà hơn ai hết bà là người không thể không biết về tội ác của họ gây ra cho đồng bào ta năm 1979.
2. Ở một phương diện khác, quan điểm và suy nghĩ của bà Ninh làm tôi nhớ lại chuyện “Sự tích chim Bìm Bịp”trong kho tàng truyện dân gian người Việt. Đại khái, câu chuyện có thể tóm tắt như sau:
Một nhà sư nọ tu hành đã nhiều kiếp nhưng chưa thành chính quả. Vì vậy, ông quyết tìm đến Phật Tổ để hỏi xem mình đã phạm sai lầm chỗ nào để mà khắc phục. Trên đường đi ông gặp một tên cướp, thoạt đầu khi tên cướp định giết ông nhưng khi nghe ông xin tha mạng và giảng giải mọi điều tên cướp đã thức tỉnh. Tên cướp chẳng những tha mạng cho sư mà còn lấy dao rạch bụng mình moi ra cả bộ lòng với ước nguyện nhờ nhà sư mang đến Phật tổ để bày tỏ sự sám hối tội lỗi trước đây của mình. Nhà sư cầm bộ lòng của tên cướp tiếp tục lên đường nhưng chỉ một hai ngày sau đó sư đã vứt đi vì bộ lòng đã bắt đầu phân hủy và hôi thối. Rồi sư cũng đến trước cửa Phật. Trong khi ông chưa kịp thưa gửi lời nào thì Phật tổ trên chánh điện đã hỏi ông “trên đường đi có ai gửi gì cho ta không?”. Thoáng giật mình nhưng sau đó nhà sư đã phải nói ra sự thật. Khi ấy Phật tổ mới nói rằng “ngươi muốn thành chính quả thì trở lại tìm món quà mà tên cướp đã dâng lên cho ta”
Mọi người hẳn cũng đã biết ý nghĩa của câu chuyện mang màu sắc triết lý Phật giáo mà tôi vừa kể. Tên cướp dù đã gây nhiều tội ác nhưng thành tâm sám hối nên đã được Phật tổ chứng giám cho thành chính quả. Còn nhà sư sau đó đã chết đi và biến thành con chim Bìm Bịp suốt ngày lùng sục trong các bụi rậm để tìm bộ lòng của tên cướp mà ông đã không đủ kiên nhẫn và quẳng đi trước đó. Chỉ một suy nghĩ sai lầm nên mọi công sức tu hành trong nhiều kiếp trước đó đã tan thành mây khói. 
Câu chuyện trên giúp chúng ta hiểu thêm, trong cuộc sống mọi chuyện đều có thể xảy ra. Nhất là sự thành tâm sám hối của con người về tội lỗi trong quá khứ là điều có thật. Con người ta chỉ càng đẹp thêm hơn nếu biết và dám tin vào những sự thật như vậy. Cho nên, có lẽ nào Bob Kerrey đã trở lại, đã xin lỗi, đã sám hối, đã phục thiện,... nhưng bà Ninh và một số người lại từ chối không cho ông ta cơ hội? Tha thứ cho tội lỗi của kẻ thù là điều rất khó. Tôi hiểu bà Ninh muốn bày tỏ quan điểm này để cảnh giác những kẻ muốn “té nước theo mưa”, miệng nói lời tha thứ nhưng đầu lại chưa sẵn sàng cho điều ấy. Nhưng nếu đã xác định như vậy thì thà là nói “tao không bao giờ tha thứ cho mày” để đối phương biết mà sám hối nhiều hơn chứ không nên chơi trò “mèo vờn chuột”: “có thể tha thứ nhưng đồng thời không tán thành việc Bob Kerrey giữ vị trí lãnh đạo một trường ĐH tại Việt Nam”.
3. Công tâm mà nói, ở phương diện nào đó bà Ninh là người rất đáng khâm phục khi đã dám nói ra hết những suy nghĩ của mình cũng như quyết liệt bảo vệ quan điểm của bản thân với những lập luận rõ ràng, văn hóa tranh luận từ tốn. Tuy vậy, theo tôi, có lẽ do cái “hội chứng Mỹ” còn nặng nề nên bà không thể thuyết phục được phần đông dân chúng Việt hôm nay. Hay ít ra là với cá nhân tôi khi đọc bức thư ngỏ bà“gửi người Việt Nam và các bạn Mỹ” có đoạn như sau:
“ Tôi ngạc nhiên về những tình cảm cảm thông sâu sắc dành đặc biệt cho sự khổ tâm của Bob Kerrey với “những lời thốt ra từ gan ruột”, ca ngợi ông “rất can đảm khi quyết định nhận cương vị hiện nay”! Trong khi đó, tôi nhớ đến lời của một người ở Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, nơi đang trưng bày chứng tích về vụ thảm sát ở Thạnh Phong, thương xót cho các nạn nhân chưa hề được người có tội trở về thắp cho họ một nén hương. Người đó không thể tưởng tượng cảnh hàng trăm hàng ngàn sinh viên Việt Nam Đại học Fulbright sẽ gọi ông Bob Kerreymột cách tôn kính là “Thầy” theo phong tục Á Đông và đặc biệt ở Việt Nam. Và tôi lại nghĩ, đến một ngày nào đó, ảnh của ông Bob Kerrey sẽ được treo tại ĐH Fulbright ở vị trí trang trọng nhất dành cho các vị sáng lập của Trường!”
Trước hết, nếu bà đã đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh để tìm hiểu và biết được đầy đủ sự việc về tội lỗi của Bob Kerrey trong quá khứ thì sao còn bận tâm lo lắng chuyện cháu con sẽ quên đi lịch sử cha ông?
Ngoài ra, không hiểu sao bà lại lo lắng về chuyện hàng ngàn sinh viên Việt trong tương lai sẽ gọi Bob Kerrey là “Thầy” và một ngày nào đó “ảnh của ông Bob Kerrey sẽ được treo tại ĐH Fulbright ở vị trí trang trọng nhất dành cho các vị sáng lập của Trường? Thiển nghĩ, nếu điều đó thực sự có xảy đến thì có gì quá đáng hay không đúng? Có sự nhầm lẫn nào không khi bà Ninh mang cả truyền thống văn hóa Việt ra để biện minh cho sự lo lắng rất vô lý của mình? Nhất là đã tùy tiện thu hẹp phạm vi và ý nghĩa của chữ “Thầy” trong tiếng Việt mà bà đã biết: “một chữ cũng Thầy, nửa chữ cũng Thầy”? Tôi nghĩ, đôi khi trong nhiều trường hợp, hãy nên biết nói lời cảm ơn kẻ thù vì nhờ họ mà ta mới biết ta anh hùng, cao thượng, bao dung...Hơn nữa, bà Ninh cũng không thể sống mãi để mà ngăn chặn những suy nghĩ, nhận thức của giới trẻ Việt Nam trong vài mươi năm tới. Đây là điều chắc chắn và không thể khác.
   4. Người Việt có câu, “đầu xuôi, đuôi lọt”. FUV ra đời hôm nay là kết quả của nỗ lực hàn gắn và làm bạn của cả hai phía Việt - Mỹ sau thời gian dài thù địch. Điều này là không phải bàn cãi. Cho nên, thiển nghĩ không một cá nhân nào được quyền dùng ảnh hưởng (nhất là hưởng chính trị) hay nhân danh bất cứ điều gì để cản trở sự phát triển của FUV trong tương lai. Mọi chuyện có lẽ nên dừng lại tại đây. Bob Kerrey cần được tin tưởng, ủng hộ để ông ấy có cơ hội thay đổi “biểu tượng về quá khứ đen tối” (như Bà Ninh đã dẫn lại ý kiến của ai đó) của mình trên mảnh đất này; bà Tôn Nữ Thị Ninh cũng không đáng bị nhiều người xông vào công kích và thóa mạ cá nhân. Có như vậy mới chứng minh được sự chân thành từ cả hai phía Việt - Mỹ cũng như quan hệ của những người trong nước với nhau: “từ đây người biết yêu người”. Tóm lại là, động cơ gì cũng được nhưng không nên tiếp tục lẫn lộn, nhầm lẫn bạn – thù, hoặc không thì lại “khôn nhà dại chợ”!
Hơn nữa, hiện nay, chuyện tập đoàn chính trị Tập Cận Bình đã và đang âm mưu xâm chiếm Hoàng, Trường Sa của cha ông mới là vấn đề quan trọng nhất. Chuyện cá chết ở miền Trung gần hai tháng trôi qua nhưng chưa biết nguyên nhân nữa! Ai dám để cho Tạ Bích Loan đưa lên chương trình“60 phút mở” trên VTV và bàn cho ra lẽ thì mới “ngon”!?

------------
Chú thích nguồn tham khảo:

Cần Thơ, 9/6/2016
NTB
KÍNH GỬI BÀ TÔN NỮ THỊ NINH
LƯU VĂN VƯỢNG/ BVN 10-6-2016
Xin minh định. Tôi chỉ muốn trao đổi với bà về chủ đề nên hay không bổ nhiệm Bob Kerry làm Chủ tịch điều hành trường Đại học Fulbright Việt Nam.
Thưa bà, tôi cũng cũng giống như bà không tán thành kiểu khép những người phản đối việc bổ nhiệm Bob Kerrey là bảo thủ không hướng về tương lai, “không ủng hộ hòa giải”. Nhưng khi nghe bà nói “Lẽ nào nước Mỹ không còn ai ngoài Bob Kerrey?” hay viện dẫn những lời tuyên bố của PGS. Jonathan London và Tiến sĩ Mark Ashwill để chứng minh lập luận của bà là đúng thì xem ra cũng quá khiên cưỡng, chưa thuyết phục tôi lắm như bà đã giải thích trong lá thư gửi cho người Việt này. Tại sao lại như vậy? Xin thưa rằng khi Tiến sĩ Mark Ashwill nói:“Việc bổ nhiệm Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Đại học Fulbright Việt Nam, tôi chỉ dùng một từ thôi, là một nỗi hổ thẹn (disgrace). Và việc ông ta [Bob Kerrey] nhận cương vị này cũng là một nỗi hổ thẹn không kém”. Vâng! Đó là suy nghĩ riêng của TS Mark Ashwill. Nếu mình đã đưa ra lời bình phẩm đó là một về một cá nhân rồi thì hãy để cho cá nhân đó giải thích xem lời bình phẩm đó có thuyết phục hay không? Và đây, ông Bob Kerry đã nói “Lời xin lỗi với nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ là đủ và không thể thay đổi những gì tôi đã gây ra, mà chỉ có thể bù đắp phần nào bằng hành động”. Bob Kerrey ít ra cũng đã nói lời xin lỗi thành lời dù lương tâm ông đến nay vẫn còn cắn rứt. Hành động của Bob Kerrey đã và đang làm là những việc thiết thực để chuộc lại lỗi lầm của mình. Bob Kerrey không chỉ nói nhưng làm, làm âm thầm từ bao lâu nay. Nếu bà ở vị thế như Bob Kerrey tháng 2 năm 1969 thì tôi tin rằng bà cũng sẽ mang theo quá khứ nặng nề cũng như Bob Kerrey mà thôi! Mang theo nhưng có hành động sửa sai lỗi lầm hay không lại là chuyện khác.
Có một điều lạ lùng ở đây là bà đã đặt trọng tâm quá nhiều trong thư gửi về tài chánh hoặc quỹ điều hành của nhà trường, hay là lý luận với chữ nghĩa một cách bác học và trừu tượng (ngôn ngữ ngoại giao). Với suy nghĩ và hiểu biết hạn hẹp của tôi thì người Mỹ họ rất thực dụng và không quan trọng tiểu tiết. Việc bổ nhiệm Bob Kerrey ở phía Mỹ, ít nhất họ cũng đã nhìn thấy ông ta đã làm được những gì, đóng góp ra sao trước khi quyết định bổ nhiệm. Nói một cách đơn giản, đây cũng là một kế hoạch đào tạo lâu dài mang tính bền vững cho tương lai. Do đó có những nguyên tắc cơ bản cần thiết đòi hỏi để Điều hành và Quản trị cho một trường Đại học phi lợi nhuận là: ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, người giữ cương vị Chủ tịch ít nhất phải có khả năng giỏi “lobby” để vận động đóng góp tài chánh và nhân lực cho sự điều hành và quản trị được suôn sẻ. Người ta thường gọi là vận động hành lang. Về phía chính quyền Mỹ, có thể một phần vì lợi ích quốc gia và thực tế họ muốn quên đi quá khứ, muốn trở thành người bạn, giúp Việt Nam phát triển mọi mặt ở tương lai, nhất là về một nền giáo dục đang bị trì trệ và lỗi thời. Chắc chắn Chính phủ Mỹ và ban lãnh đạo Đại học Fulbright sẽ có quyết định đúng đắn, phù hợp. Bởi vì chỉ tiêu của nhà trường mỗi năm là sẽ thu nhận từ khoảng 6.000-10.000 sinh viên. Một con số không nhỏ cho chi phí điều hành phi lợi nhuận Đại học Fulbright Việt Nam. Nếu thấy sai hoặc bị phản ứng đúng, họ sẽ xem lại.
Cũng xin nói thêm ở đây đôi chút về Tiến sĩ Mark Ashwill, Giám đốc điều hành CEO của Capstone Việt Nam. Công việc của Capstone Vietnam là chuyên tư vấn, tổ chức triển lãm và sự kiện giáo dục, du học các cấp học tại Mỹ, Anh, Canada v.v... Không cần nói rõ thì chúng ta cũng hiểu chức năng CEO là gì. Cái gì cũng có giá của nó! Ở nước ngoài có một thành ngữ mà ai cũng phải biết. “Không có việc gì mà làm không công cả”. Đây mới chính là sự khác nhau giữa Lợi nhuận và Phi lợi nhuận. Thương trường và chiến trường cũng chẳng khác nhau là mấy!
Tôi cũng đã từng ngưỡng phục bà là một phụ nữ giỏi, có văn hóa và có tài hùng biện trong công việc ngoại giao. Nhưng ở một góc độ hiểu biết giới hạn của mình, thỉnh thoảng đâu đây tôi vẫn còn đôi chút lăn tăn về những lời phát biểu mang tính “bề trên” của bà khi bà còn làm việc trong ngành ngoại giao. Vì đây là thư bà gửi cho người Việt, mang tính tổng quát và là bàn tròn đối thoại, bạn đọc và người nghe là những cá nhân tham dự. Không ai cấm mình nói lên suy nghĩ của mình. Phản ứng hay bình luận thì cứ việc thoải mái mà nói ra suy nghĩ của mình, cho nên tôi mới gửi đến bà. Đây chính là nét hay và dân chủ đang hình thành mà bản thân tôi đã biết cách dùng để nói lên cảm nghĩ!
Là người tự trọng, người dân Việt sẽ không đánh đổi tất cả để được cái trước mắt là việc học miễn phí mà phải trả giá bằng nỗi đau hay tội ác mà người lính Mỹ đã gây cho dân tộc mình. Tuy nhiên điều này thuộc về phạm trù ý thức hệ. Tôi không muốn bàn luận ở đây vì bàn ra là nó sẽ lan man đến yếu tố chính trị. Thưa bà, cho phép tôi xin được hỏi bà một câu, một câu công tâm thôi. Bà đã thấy, làm và đạt được gì cho dân, cho nước trên con đường chính trị và hoạt động mà bà đã đi qua. Bà là người gốc Huế, là hậu duệ của hoàng tộc nhà Nguyễn. Chắc bà cũng không quên cái Tết Mậu Thân 1968 đâu nhỉ? Cuộc chiến nào cũng tàn nhẫn và là nỗi đau mất mát cho cả hai phía. Nếu đã gọi là thực tâm tha thứ cho nhau thì những vết sẹo chiến tranh tuy vẫn còn đó nhưng chúng ta chỉ nên nhìn về hướng phía trước mà đi tới. Chẳng ai vừa đi vừa quay mặt lại phía sau mà có thể thấy được con đường mình đi. Hơn 40 năm rồi, ý thức hệ của người dân Việt Nam cũng đã khác xưa. Bà và tôi cũng chẳng ai có quyền tha thứ hay không tha thứ, chỉ có những nạn nhân trong cuộc mới có quyền lên tiếng. Hy vọng bà hiểu cho.
Quan trọng trong vấn đề này là chúng ta hãy chờ xem sẽ có bao nhiêu sinh viên nạp đơn để xin học bổng để học tại trường Đại học Fulbright Việt Nam. Nếu số cầu vượt quá số cung thì đây cũng chính là một tín hiệu tốt. Chúc các bạn trẻ hiếu học, có tinh thần cầu tiến nhưng không có điều kiện kinh tế để theo học một trường Đại học ở Mỹ sẽ có cơ hội nhận học bổng theo học ngay tại quê hương và trở thành người hữu ích cho đất nước trong tương lai.
Tha thứ cho nhau hay không chỉ có chính mình mới hiểu lòng mình. Tuy nhiên dù sao tôi cũng cầu chúc bà luôn thâm tâm luôn an lạc, vạn sự kiết tường.
Trọng kính
L.V.V.
__________
Tác giả gửi BVN.
GỬI THỊ NINH
PHẠM TOÀN/ BVN 10-6-2016
-1-
Bà con không phải là thị Ninh bỗng dung đọc thư này xin hãy thông cảm sự giận dữ của tôi khi gọi thị Ninh một cách hách dịch và hoàn toàn không lịch sự, thậm chí quá lịch sự, như lời lẽ những ai đã “phản biện” thị.
Không cáu sao được trước cái giọng hỗn xược của thị khi viết thư ngỏ “gửi người Việt Nam”?
Thị là ai mà dám có giọng đó?
Cụ Hồ và cụ Tôn Đức Thắng cũng chỉ “cùng đồng bào toàn quốc”, “thưa đồng bào cả nước”…
Tôi thừa hiểu tâm lý của thị trước bàn phím, chắc chắn thị đã suy nghĩ kỹ cách xưng hô. Tâm lý của thị là, đối với cái bọn Annam này, mình phải quyết liệt, không thì không có cách gì nhồi vào đầu chúng những điều đơn giản về “bạn và thù”… sao cái bọn này chúng chóng quên vậy!?!
Hè hè, tôi nói quá lên tí chút cho bạn đọc cáu thôi. Chứ cho ăn kẹo thị cũng chẳng dám nghĩ hỗn đến vậy!
Sẽ diễn giải tiếp ra sao và tâm lý thị khi viết thư ngỏ gửi người Việt đó?
– 2 –
Ta sẽ diễn giải tiếp về nguyên nhân của nguyên nhân thị Ninh dám hỗn như vậy khi thị viết thư ngỏ ngày 6 tháng 6 vừa rồi.
Đó là thị Ninh ngỡ rằng người Việt Nam không ai biết về chuyện đề bạt cán bộ – ở ta gọi là “cơ cấu”.
Có lẽ người Việt Nam thời nay chỉ có trẻ nhỏ là chưa nghe câu bình luận đầy minh triết không cần lý sự mà đầy thuyết phục: “mười năm phấn đầu chẳng bằng cơ cấu một đêm”.
Cuối những năm 1990 sang đầu những năm 2000, tôi sinh sống (ở nhờ và ở thuê) trong một căn hộ hạng sang vùng gần Hồ Tây. Chiều chiều tôi thường đi bộ, và do đó đôi khi nhập bọn với nhiều người trong trí nhớ chất đầy chi tiết cho tôi “nghịch”.
Có một anh, kém tôi chừng dăm tuổi, nếu năm nay anh còn sống, chắc cũng bảy mươi tám mươi. Tôi có lần nghịch anh như sau, “này ông P. (tên anh bắt đầu bằng âm Ph.) “ở khu chúng mình đây, nhà nào là nhà tham nhũng?” Bữa đó, anh hỏi lại tôi “anh mệt chưa, đi vòng nữa em chỉ cho”. Và tôi đã được anh chỉ cho nhà của vài ba nhân vật, trong đó có nhà của một người đang chữa để nối liền hai căn biệt thự làm một. Các nhân vật đều được anh gọi là “thằng”.
Vì anh P. làm việc ở cái cơ quan to đùng làm công việc cơ cấu, và anh là người phải chuẩn bị hồ sơ cho các cuộc cơ cấu, nên tôi có lần phải trố mắt vì mình thật sự không dám ngờ sự cơ cấu lắm khi lại đơn giản đến thế! Trên chiếc bàn to đặt hồ sơ, ở bức tường đối diện với bàn hồ sơ là ảnh các nhân vật có thể sắp lên chức, người đi duyệt nghe báo cáo về hồ sơ, sau đó quay lai xem ảnh, rồi nếu “thằng” đó hay “con” đó coi bộ không ưng ý, người “tối cao” kia cầm chiếc gậy trong tay gạt hồ sơ xuống đất, ảnh cũng hạ xuống… Vòng xét duyệt cơ cấu tiếp theo lại diễn ra như trò hề, không mảy may xúc động!
Thị Ninh ơi hỡi thị Ninh. Đừng có mà vênh váo. Thị được cơ cấu chẳng vì tài năng hoặc lập trường cách mệnh kiên định gì đâu, ngay cái đời thị “cờ vàng hai lượt cờ sao hai lần” đừng nghĩ người ta tin tưởng gì đâu! Tôi biết ít nhất ba trường hợp, một giáo sư ở Viện Thông tin Khoa học xã hội, một nhà báo ở báo Độc lập, một anh đánh máy ở Bộ Giáo dục, cả ba anh đều được trao đổi tù binh, và sau khi đã về với quân ta thì đều bị nghi ngờ và đi công trường. Bài học từ “ông” Stalin còn đó, “sao bị bắt mà chúng nó không giết đồng chí?”
Đây chỉ là vì người ta đang cần một gương mặt, thế thôi.
Gương mặt gì?
Liền sau Cách mạng tháng Tám 1945, người ta cần những gương mặt ngây thơ, ảo tưởng, có học, có địa vị trong xã hội cũ, và có nhiều tiền và vàng bạc nữa càng tốt.
Tiếp đó, từ sau năm 1950, người ta cần những gương mặt cũng vẫn còn ngây thơ, còn ảo tưởng, không cần có học lắm, không cần lắm đến địa vị trong xã hội cũ, và có những hy sinh thật sự.
Kế đến giai đoạn thứ ba, từ những năm 1970, những tấm ảnh đặt đối diện với bàn hồ sơ cần thêm chút nhan sắc. Hai người xứng đáng như nhau, chị nào (số phận rơi vào chị nào nhiều hơn anh nào) mặt mũi coi được hơn thì sẽ được cơ cấu.
Thị Ninh rơi vào trường hợp thứ ba này.
Xin thị đừng hão huyền coi mình là kẻ có tài. Thực sự có tài và có tấm lòng, lắm khi lại là tai họa đó, thị cứ ngẫm nghĩ đi, cứ nhìn trước nhìn sau đi, và rồi thị sẽ hiểu.
– 3 –
Tội nghiệp, thị Ninh chậm hiểu. Hoặc ít ra là thị cho mọi người thấy thị chậm hiểu. Thị chỉ là con tốt trên bàn cờ nhân sự. Thị chỉ là kẻ chạy cờ trên sân khấu chính trị.
Mình không thèm lò dò coi thị đã kết thúc cuộc đời “chính khách” dổm của thị ra sao. Vì mình biết thừa thị không hề là chính khách cũng không thể là chính khách.
Cái kiểu “nhà ngoại giao” của thị giỏi lắm là ngoại giao kiểu nửa cũ nửa mới – kiểu nhà ngoại giao được Stefan Zweig mô tả trong Thế giới ngày qua, những người giỏi ngoại ngữ, đi quanh bàn tiệc trò chuyện và dễ dàng chuyển từ tiếng này qua tiếng khác, biết uống rượu và biết gây cười. Gây cười đến mức như nhà ngoại giao Talleyrand biết “cù không cười” càng là nhà ngoại giao giỏi.
Do chỗ bài viết này là phát súng ân huệ, không cốt “đấu tranh” vụ Bob Kerry, nên mình muốn bạn đọc được vui vui, vì thế mình sẽ kể cái chuyện Talleyrand đùa bạn nghe. Trong một bữa tiệc, Talleyrand nói với các mệnh phụ phu nhân “đố các bà giữa hai đùi tôi có cái gì?” Quý bà đỏ mặt nhìn nhau. Talleyrand giải thích “giữa hai đùi tôi có cái chân bàn”. Quý bà hết đỏ mặt, lát sau liền khoe trí tuệ, hỏi lại “đố ông biết giữa hai đùi tôi có cái gì?”, lần này quý bà lại được vui vẻ lần nữa khi nghe câu trả lời “có cái vừa rồi quý bà nghĩ đến ấy”…
Nhà ngoại giao Thị Ninh giỏi lắm cũng chỉ đến tầm một trong hai thứ chân bàn! Bà đại sứ bên cạnh EU tại Bỉ chẳng cần làm gì thì “trăng đến rằm trăng tròn”, khi quan hệ Việt Nam và châu Âu đến thời quả chín thì có cứng như gỗ (chân bàn) rồi cũng thành trái ngọt mềm nhũn. Lúc đó, chính khách bị cơ cấu được cho về vườn cũng vẫn kịp giữ thanh danh chính khách.
Thị Ninh, hãy đừng vênh váo. Hãy biết thân, thị chỉ là hạng “chính khách” giai đoạn tampon, có vậy thôi.
Thị không có tài: thế lực đến vậy mà ậm ạch mãi có mở nổi trường Trí Việt đâu?
Thị cũng không có thế lực thực sự. Cái thế lực con lừa đội lốt sư tử không thể giúp con lừa giấu kín đôi tai – đồng chí Lã Phụng Tiên đã dạy ta như rứa.
Thị không có tâm. Có ai thấy “chính khách” do dân (bầu) nên hành động vì dân và được công nhận là của dân đâu. Có ai nghe thấy thị lên tiếng chống bọn Tàu đã chiếm Hoàng Sa (mà phe cờ vàng của thị đã lên tiếng phản đối), thị có lên án bọn Tàu đã giết chiến sĩ ta ở Gạc Ma (mà nhân dân ta đã tưởng niệm), … thị có bao giờ lên án bọn đầu độc biển của ta, giết hại ngư dân của ta trong đó có những đồng hương của thị?
Tài Lực và Tâm của thị Ninh chỉ ở tầm chọc ngoáy gây rối khi bị rơi vào thế chầu rìa (marginal). Giá mà trường Fulbright thí cho thị chân chạy cờ, chắc chắn thị đã im lặng phục vụ – như thị từng im lặng “sống chung với cờ vàng” nhận chức phó khoa Anh Văn ở Sài Gòn, cũng như đã từng im lặng hơn nữa khi sống chung với lũ…
Ngay cái lời tán tỉnh vuốt đuôi “sẵn sàng gặp lại Bob Kerrey, người cựu chiến binh Mỹ, để trao đổi về những việc góp phần thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt vì lợi ích nhân dân hai nước cũng vô duyên nốt. Đã chửi người ta, đã “vạch mặt” và “đấu tố” người ta, lại giở giọng đoàn kết đại đoàn kết ra. Ai trao cho thị Ninh quyền đại diện để bàn bạc “thúc đẩy quan hệ Mỹ-Việt”? Hay là đã có kẻ muốn phá bĩnh đã giật dây thị Ninh nổ trái bộc… phá đám?
Có mối liên hệ nào giữa việc rút bài của Đinh La Thăng và việc cho đăng Thư gửi người Việt Nam xấc xược của Thị Ninh trên trang Vietnamnet? Hãy coi dư luận xem sao. Mình đã cất công thống kê những comment dưới bài báo đó tính cho đến 5 giờ chiều hôm nay, thì thấy có 710 like những lý lẽ của thị Ninh, bên cạnh đó là 4840 like ý kiến chống lại thị Ninh.
Trong cơn lẩy Kiều toàn cầu, có lẽ nên lẩy thêm một cú. Đối lại với hơn 700 bạn thấy thị Ninh sang suốt, những comment của gần năm ngàn bạn kia hệt như lời cụ Nguyễn Du đã viết, Không văng vào mặt mà mày lại nghe.
P.T.
Tác giả gửi BVN.


VÀI SUY NGHĨ KHI ĐỌC 2 BÀI BÁO
TẠ DUY ANH/ BVN 11-6-2016
Năm 2002, trong đoàn khách tham quan Hoa Kỳ, chúng tôi được đưa đến gặp Bob Kerrey tại văn phòng của ông. Lúc ấy tôi chỉ biết ông từng tham chiến tại Việt Nam, là Thượng nghị sỹ, nhà giáo dục, ứng cử viên chức tổng thống Hoa Kỳ. Ngoài ra tôi không biết gì khác về Bob. Vì thế tôi cứ lấy làm lạ khi nhận ra có nét gì đó giống như sự mặc cảm của ông khi đối diện với đám nhà văn nhà báo “lau nhau” chúng tôi. Rất khó diễn đạt ánh mắt của ông. Khi chúng tôi tặng ông mấy miếng thêu, nói là sản phẩm làm bằng tay của nông dân Việt Nam, thì ông bất ngờ lúng túng, cứ hỏi đi hỏi lại là nó được nông dân làm bằng tay, họ sống ở vùng nào, cứ như chúng tôi nói dối ông.
Thực ra, đấy là cách ông che giấu sự bối rối. Một người từng là ứng cử viên chức tổng thống Mỹ, sao lại có tâm trạng lạ như vậy, trước những kẻ vô danh tiểu tốt là chúng tôi?
Mãi khi về nước, tìm hiểu kỹ lai lịch của ông, tôi mới phần nào hiểu tại sao ông có tâm trạng đó. Cũng như mãi sau tôi mới nhận ra, tại sao những cựu chiến binh đón chúng tôi cứ tốt với chúng tôi một cách không thể hiểu nổi, đôi khi khiến chúng tôi thấy ngại. Hóa ra họ tận dụng mọi cơ hội để sám hối với người Việt, về những gì đã làm trong quá khứ. Tất nhiên không phải ai trong số họ cũng làm như vậy, tôi biết rõ điều này.
Giờ thì Bob là ai, mọi người đều đã rõ. Vì sao có cuộc tranh cãi ầm ỹ về chức vụ hiện nay của ông tại Đại học Fulbright Việt Nam, cũng chẳng cần phải giải thích thêm. Trong bài viết này, thể hiện sự quan tâm đến “vụ việc” Bob Kerrey, tôi chỉ xin nói đôi điều suy nghĩ của mình về bức thư ngỏ của bà Tôn Nữ Thị Ninh và bài trả lời phỏng vấn của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Hai bài này hoàn toàn độc lập, không phải hai tác giả này tranh luận với nhau), cùng đăng trên VietNamNet, một cách ngắn gọn nhất có thể.
Tôi phải nói ngay là tôi thuộc số người ủng hộ ông Thiều, cũng tức là không cùng quan điểm với bà Ninh.
Nhưng ở đây tôi sẽ không bàn đến chuyện ai đúng ai sai. Tôi chỉ muốn nói về cách mà các nhà trí thức đưa ra quan điểm của mình.
Tôi rất không thích cách của bà Tôn Nữ Thị Ninh. Ngay từ tên của bức thư, dường như bà đã ngầm xác định (hoặc nó khiến độc giả sẽ nghĩ như vậy) bà đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Không ai đủ tư cách làm điều đó khi ở vào vị thế chỉ được phép trình bày quan điểm cá nhân của mình. Có thể đây là thói quen nghề nghiệp cũ của bà chăng?
Tôi cũng không thích cách bà vạch vòi về nguồn gốc số tiền 20 triệu USD dùng cho dự án Đại học Fulbright Việt Nam. Mục đích của việc này chỉ nhằm chứng minh Bob Kerrey không có công lao gì trong việc huy động số tiền ấy. Có thể sự thật là như vậy nhưng động cơ của bà là gì? Nếu định nói cho rõ một chuyện, thì những giải thích của bà lại quá rối rắm khiến bạn đọc chẳng hiểu điều gì ẩn khuất trong số tiền ấy. Tôi tin là nhiều người cũng không hiểu rõ giống như tôi. Nhưng cứ cho là tôi chậm hiểu, thì vẫn còn một câu hỏi: Vậy ai (nếu thực sự Bob không có vai trò) đã tác động để số tiền đó (chắc chắn là của Mỹ, dù dưới bất cứ hình thức nào) bò về Fulbright Việt Nam?
Tôi tôn trọng quan điểm cá nhân của tác giả trong bức thư ngỏ, nhưng dứt khoát nó không phải là quan điểm của đa số người Việt như cách thức được trình bày. Ngữ điệu của bức thư như là một lời lên án chính trị nhằm vào ai đó không nghĩ giống mình, hơn là “mỗi người hãy nói hết ra điều mình nghĩ” - như đề nghị của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Tôi phải nói thật tâm trạng của mình là tôi rất thất vọng về thái độ này.
Sự hằn học, đố kị, ngạo mạn, hiếu thắng không bao giờ là văn hóa trao đổi. Vì thế tôi đánh giá cao bài trả lời của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ông nhà thơ này chỉ tha thiết đề nghị mọi người lắng nghe ông, rồi tự mỗi người sẽ đưa ra quyết định chứ ông không hề áp đặt bất cứ quan điểm nào.
Trong số hơn một trăm phản hồi về bức thư ngỏ, có người tỏ ý nghi ngờ bà Ninh từng thất bại trong một dự án giáo dục, giờ không muốn thấy người khác thành công. Tôi cố gắng để không tin vào điều này. Nhưng tôi cứ không cưỡng được ý nghĩ, hình như tác giả ác cảm với Bob Kerrey không phải vì lý do ông ấy từng tham chiến tại Việt Nam. Bà Ninh thừa hiểu rằng, trong chiến tranh, kẻ tội phạm đáng nguyền rủa nhất không phải là người lính trên chiến trường. Nhưng tôi không bình luận về thái độ ấy của bà.
Cuối cùng, liệu có cần phải trình diễn quan điểm chính trị một cách đao to búa lớn thì mới chứng tỏ được mình đang có trách nhiệm với đất nước? Tôi tuyệt đối nghi ngờ sự chân thành, vô tư của những người làm như vậy. Một người cả đời không nói lời nào về thái độ chính trị, không quảng bá tình yêu nước của mình, có thể lại là người yêu nước sâu sắc nhất.
Tiện thể tôi muốn nói thêm vài suy nghĩ cá nhân về vấn đề Bob Kerrey. Qua hai bài viết, của hai nhân vật nổi tiếng mà tôi đều ngưỡng mộ về sự hiểu biết cũng như uy tín xã hội, liên quan đến Bob, thấy rõ là chúng ta còn rất lâu nữa mới không bị chia rẽ bởi quá khứ. Đó cũng là chuyện có thể hiểu được và chẳng ai đáng bị phê phán khi theo hoặc không theo quan điểm của người này, người kia. Vì thế, tôi muốn đưa ra một đề xuất: Hãy để chính tương lai lựa chọn những gì nó thấy tốt nhất cho nó. Ý tôi là, trong câu chuyện chưa có hồi kết này, hãy hỏi những người đang hoặc sắp thành sinh viên, xem ý kiến của họ thế nào? Họ đủ trường thành để trả lời một cách đúng đắn và chịu trách nhiệm về hiểu biết lịch sử của họ. Tôi nảy ra suy nghĩ này sau khi đọc hơn một trăm phản hồi về bài của bà Tôn Nữ Thị Ninh trên VietNamNet. Căn cứ vào cách xưng hô, tôi nhận ra quá nửa trong số các phản hồi là của những người trẻ. Họ chín chắn, hiểu rõ vấn đề và thể hiện văn hóa trao đổi cao một cách đáng kinh ngạc. Chính từ sự nhận biết đó và căn cứ vào quá nửa số phản hồi, càng khiến tôi tin rằng, học vấn, kinh nghiệm sống và sự sáng suốt không phải lúc nào và với ai cũng đồng hành cùng nhau.
Về phần mình, tôi nghĩ thế này: Một đất nước mà để quá khứ quyết định mọi chuyện, là một đất nước đi giật lùi.
T.D.A.
Tác giả gửi BVN.
VÔ CẢM VÀ CỰC ĐOAN SẼ CẢN ĐƯỜNG HÒA GIẢI
NGUYỄN QUANG DY/ viet-studies 10-6-2016
“Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ nhưng chúng ta có thể sắp xếp lại tương lai”. (Dalai Lama)
Bóng ma Việt Nam lại trỗi dậy
Theo một khảo sát của viện Gallup (11/2012) Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia vô cảm nhất thế giới (đứng thứ 13 trong tổng số 150 nước). Đó là một tin buồn (bad news). Người Singapore vô cảm thì còn dễ lý giải và hiểu được, vì một quốc gia phát triển (high-tech) dễ làm con người vô cảm (thiếu high-touch). Việt Nam là một quốc gia chưa phát triển (low-tech) mà con người đã vô cảm thì khó lý giải và đáng lo ngại. Còn đáng lo ngại hơn khi vô cảm cộng với cực đoan (như anh em sinh đôi) sẽ cản đường hòa giải. Vì vô cảm và cực đoan dựa vào sức mạnh cứng và bạo lực, dẫn đến xung đột và tội ác, nên hòa giải đòi hỏi lòng nhân ái và vị tha, thái độ ôn hòa và thiện chí. Chỉ có sự tử tế và đồng cảm, vượt qua chấp và ngã, mới tạo được sức mạnh mềm, để hóa giải hận thù và định kiến, ngăn ngừa bạo lực và tội ác.     
Là một cựu chiến binh đã nếm mùi Chiến tranh Việt Nam và tham gia quá trình hòa giải (đầy nan giải) trong thời hậu chiến, tôi có dịp kết giao với các cựu chiến binh tham gia chiến tranh cũng như hòa giải, góp phần tạo dựng và phát triển FETP. Tuy không ngạc nhiên, nhưng tôi hơi lo ngại khi “bóng ma Việt Nam” (và Thạnh Phong) lại trỗi dậy, làm u ám bầu không khí hòa giải do cuộc tranh cãi gây bất đồng về vai trò của Bob Kerrey, sau Cơn sốt “Obamania” đầy cảm hứng. Tuy tranh cãi có thể cần thiết, nhưng tranh cãi gây chia rẽ lúc này chỉ có lợi cho ông bạn láng giềng phương bắc. Một khi đã không tránh được tranh cãi thì hãy bình tĩnh lắng nghe nhau, tránh thái độ cực đoan cố chấp, để tìm mẫu số chung cho lời giải, và nên đặt vấn đề tranh cãi cụ thể trong một bức tranh rộng lớn hơn (in perspectives).  
Câu chuyện Bob Kerrey và đại học Fulbright
Gần đây, dư luận ồn ào tranh cãi về Bob Kerrey khi được cử làm chủ tịch quỹ tín thác của Đại học Fulbright Vietnam (FUV). Sau một thời gian dài tưởng đã trôi vào quên lãng, quá khứ đau buồn của Bob Kerrey liên quan đến vụ thảm sát phụ nữ và trẻ em tại Thạnh Phong (25/2/1969) lại trỗi dậy như bóng ma ám ảnh Bob Kerrey (và tương lai của FUV). Năm 2001, New York Times và CBS News "60 Minutes" đã điều tra vụ thảm sát Thạnh Phong, để lại một vết đen lớn trong sự nghiệp của Bob Kerrey, nguyên thống đốc bang Nebraska và thượng nghị sỹ đảng Dân chủ. Năm 1992, Bob Kerrey đã ra tranh cử tổng thống, nhưng quyết định rút lui sớm khỏi cuộc đua (primary), trước khi bóng ma Thạnh Phong trỗi dậy. 
Có một sự thật mà chắc nhiều người đều biết là Bob Kerrey đã thành tâm ân hận sám hối và làm nhiều việc có ích để chuộc lỗi lầm. Không thể phủ nhận vai trò và đóng góp quan trọng của Bob Kerrey, cũng như John McCain và John Kerry, trong quá trình hòa giải và bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt. Gần đây, nếu không có ba vị cựu chiến binh này dũng cảm đứng ra “chống lưng” thì chưa chắc Tổng thống Obama đã dám tuyên bố bỏ cấm vận vũ khí hoàn toàn cho Việt Nam, tạo ra một bước ngoặt mới cho quan hệ đối tác chiến lược (trên thực tế) giữa hai nước cựu thù, để đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông. Kinh nghiệm về giáo dục của Bob Kerrey làm chủ tịch “New School University” (2001-2010) và dự án “Đại học Minerva” cũng là một vốn quý (asset) để đóng góp xây dựng FUV theo mô hình mới.  
Nhưng có một sự thật mà chắc nhiều người khó quên là Bob Kerrey có vai trò chính trong vụ thảm sát Thạnh Phong, giết hại 21 thường dân (chủ yếu là phụ nữ và trẻ em) như một tội ác chiến tranh (dù trong hoàn cảnh nào). “Bóng ma Việt Nam” (hay Thạnh Phong) vẫn chưa chết, sẵn sàng trỗi dậy ám ảnh không những Bob Kerery mà còn nhiều người khác. Đừng quên bóng ma Việt Nam đã từng chia rẽ nước Mỹ, đang tiếp tục chia rẽ cộng đồng người Việt, và ám ảnh quan hệ Mỹ-Việt. Vì vậy, cần nhạy cảm với “bóng ma Việt Nam” tránh sa vào tranh cãi gây bất đồng, dễ bị mắc kẹt trong đường hầm không lối thoát (như “catch 22”). Đừng nên cố chấp biến mình thành “tù binh của quá khứ” (prisoners of the past), nhưng cũng đừng chủ quan coi nhẹ bóng ma chiến tranh còn đè nặng lên tâm thức nhiều người. Trong chiến tranh, những người lính (như Bob Kerrey) là nạn nhân của những luật chơi tàn bạo (như “Phoenix program”). Do cực đoan và vô cảm, cả hai phía đã gây ra nhiều tội ác, hận thù.   
Muốn biến hận thù thành lòng nhân ái, phải biến gánh nặng (liability) của quá khứ thành vốn quý (asset) cho tương lai, “biến lưỡi gươm thành lưỡi cầy” (turning swords into ploughshares). Đó chính là sứ mệnh của FUV, đã trải qua gần hai thập kỷ “lên bờ xuống ruộng”, nay mới thành hiện thực, để làm đòn bẩy cho quan hệ hai nước. Vì vậy, sứ mệnh của FUV lớn hơn sự nghiệp của từng con người tham gia xây dựng nó. Bob Kerrey là một sự lựa chọn “táo bạo” vì những lý do thiết thực nói trên, nhưng lại gây tranh cãi (như đã từng gây tranh cãi tại New School). Phải chấp nhận rủi ro và cái giá phải trả cho sự lựa chọn đó. Hoặc là phải tránh ngay từ đầu, hoặc là phải kiên trì theo đuổi đến cùng để từng bước hóa giải gánh nặng của quá khứ bằng nỗ lực phi thường cho tương lai. Rút lui giữa chừng là chấp nhận thất bại.
Chiến tranh đã để lại hậu quả khôn lường cho cả hai bên, không chỉ mất mát to lớn về người và của mà còn để lại những vết thương dai dẳng về tinh thần và tâm thức. Đã bốn thập kỷ trôi qua nhưng bom mìn chưa nổ và chất độc da cam vẫn còn đang khủng bố những người dân vô tội, và người Việt Nam vẫn chưa hòa giải được với nhau, vẫn còn hận thù và định kiến. Người Việt cùng một phía cũng dễ bất đồng và xung khắc với nhau. Trong khi vụ cá chết hàng loạt gần đây tại Miền Trung gây ra thảm họa môi trường và khủng hoảng chính trị, làm phân hóa và xung đột xã hội, thì bộ phim “Terror in Little Saigon” đã khơi lại vết thương cũ thời hậu chiến trong cộng đồng người Việt. Phải chăng cũng là do cực đoan và vô cảm?
Trong khi đó, bộ ba cựu chiến binh như “ba ngự lâm pháo thủ” (John McCain, John Kerry và Bob Kerrey) là biểu tượng của hòa giải, là vốn quý (asset) mà Chiến tranh Việt nam để lại như một “hệ quả không định trước” (unintended consequence). Việc làm của họ đã cổ vũ hàng ngàn cựu chiến binh (của cả hai phía) đóng góp vào quá trình hòa giải và hàn gắn vết thương chiến tranh.  Chuck Searcy (project Renew) vẫn đang lặng lẽ rà phá bom mìn tại Quảng Trị, Wayne Karlin (nhà văn) viết những cuốn truyện cảm động về hòa giải (Wandering Souls: the Journey of the Dead and the Living in Vietnam, Nation Books, 2009)…         
Câu chuyện Obamania và Việt Nam
Cách đây hơn 8 năm, người Mỹ đã lên cơn sốt “Obamania”, đổ xô bầu cho Obama, một chính khách trẻ không có tên tuổi, nhưng đã nhạy cảm nắm bắt được tâm trạng cử tri đang muốn thay đổi. Khẩu hiệu “Change, yes we can” đã tạo ra cơn sốt “Obamania”. Nhưng nếu bây giờ (giả thiết) Obama ra tranh cử lần nữa thì chưa chắc thắng, vì giới trẻ “thiên niên kỷ” (Millenials) đã thất vọng và chán ghét các chính khách “nắm quyền lực” (establishment), đơn giản vì họ cho rằng những chính khách này chẳng quan tâm đến họ và không đem lại gì mới cho nước Mỹ, nên họ đã quay ra bầu cho Donald Trump và Burnie Sanders.  
Khi sang thăm Việt Nam (23-25/6/2016), Obama đã một lần nữa chứng kiến cơn sốt Obamania lặp lại tại Việt Nam, khi thái độ ứng xử thân thiện và bài diễn văn đầy cảm xúc với “sức mạnh mềm” đã chiếm được “trái tim khối óc” (heart and mind) của người Việt đang thất vọng và bất bình vì những gì đang diễn ra và thèm khát sự thay đổi. Nếu Obama lúc này ra tranh cử (tại Viêt Nam) thì chắc chắn sẽ giành được nhiều phiếu. Chuyến thăm Việt Nam chứng tỏ Obama không vô cảm và đã đem lại tầm nhìn mới cho quan hệ Mỹ-Việt. Nếu không khéo thì tranh cãi về Bob Kerrey sẽ tạo ra một sự “hẫng hụt” (như “anti-climax”).   
Tuy chưa thay đổi được bức tranh nhân quyền tại Việt Nam, nhưng Obama đã đem lại hy vọng đổi mới cơ bản và lâu dài tại Việt Nam, nếu hai nước bắt tay hợp tác chiến lược để đối phó với mối đe dọa của Trung Quốc tại Biển Đông. TPP và quan hệ đối tác chiến lược sẽ hậu thuẫn cho thay đổi thể chế và nhân quyền (như đã hóa giải vấn đề MIA trước đây). Muốn hay không, quá trình đổi mới sẽ diễn ra theo quy luật (“đầu xuôi đuôi lọt”).
Câu chuyện Donald Trump và nước Mỹ
Tại sao đa số cử tri Mỹ bỏ phiếu cho Donald Trump, một tỷ phú lỗ mãng có xu hướng bảo thủ cực đoan, trở thành ứng cử viên đảng Cộng Hòa? Không phải vì người Mỹ quá yêu quý ông này mà chủ yếu vì họ quá chán ghét những ông kia, (thuộc “establishment”). Tuy xu hướng cử tri (lòng dân) đã thay đổi, nhưng lãnh đạo đảng Cộng Hòa và các chuyên gia (pundits) vẫn vô cảm và chủ quan coi nhẹ, trong khi đó Donald Trump và những người ủng hộ đã nhạy cảm hơn, nắm bắt được xu hướng cử tri, nên giành được nhiều phiếu hơn.  
Nói cách khác, cử tri Mỹ đã nhiều lần cảnh cáo đảng Cộng Hòa (và cả Dân Chủ) bằng phong trào “chiếm phố Wall” (occupy Wall street) hay phong trào “tiệc trà” (Tea Party), nhưng dường như họ vẫn vô cảm. Khi lãnh đạo đảng Cộng Hòa tìm cách ngăn chặn Donald Trump thì đã quá muộn. Đảng Cộng Hòa thất bại là cái giá phải trả cho thái độ vô cảm đó. Nhưng nếu Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ thì có thể là tai họa. Ông ấy có thể đưa nước Mỹ trượt theo xu hướng “biệt lập” (isolationism), quay lưng lại với TPP và “Pivot”.   
Hillary Clinton là một sự lựa chọn tốt hơn, tuy con đường đến Nhà Trắng còn nhiều trở ngại và góc khuất (như hồ sơ Benghazi và sử dụng email cá nhân). Việc thắng cử (primary) để trở thành ứng cử viên đảng Dân Chủ chưa thể đảm bảo thắng lợi. Muốn đánh bại được Donald Trump, Hillary Clinton phải thay đổi hình ảnh và chiến lược để thuyết phục và giành được phiếu của giới trẻ “thiên niên kỷ” (Millenials). Dù Hillary Clinton có được Tổng thống Obama ủng hộ, thì khả năng thắng cử không hề dễ, chỉ vì bà là… Hillary Clinton!  
Câu chuyện “Terror in Little Saigon”
Chắc nhiều người còn nhớ, khi bộ phim “Terror in Little Saigon” (của Frontline & ProPublica) được PBS công chiếu (12/2015) thì tranh cãi lại nổ ra trong cộng đồng người Việt tại Mỹ liên quan đến vụ giết hại 5 nhà báo gốc Việt bị nghi là do tổ chức “K-9” của “Mặt trận” Hoàng Cơ Minh (tiền thân của đảng Việt Tân) gây ra, để bịt miệng và răn đe những nhà báo đi tìm sự thật về những hoạt động mờ ám của tổ chức này (giai đoạn 1981-1990).
Câu chuyện đau buồn này vẫn chưa kết thúc, vì Nguyễn Thanh Tú (con trai một nhà báo bị giết hại) đang thu thập chứng cứ để khởi kiện, và yêu cầu FBI mở lại cuộc điều tra, với sự ủng hộ của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ). Điều đáng nói là điều tra trước đây của FBI đã bị đình chỉ, không có kết luận. Vì những lý do “nhạy cảm”, chính quyền Mỹ và cộng đồng người Việt đã im lặng (vô cảm) trước cái chết bí ẩn của các nhà báo gốc Việt, vì họ theo đuổi tự do ngôn luận, nên đã bỏ mạng vì khủng bố ngay trên đất Mỹ, như nạn nhân của bạo lực.
Nếu đủ chứng cứ, liệu FBI có mở lại cuộc điều tra một cách khách quan hay không là một phép thử đối với nền dân chủ và luật pháp Mỹ. Điều này có ý nghĩa không chỉ ổn định tâm lý cộng đồng người Việt tại Mỹ, mà còn củng cố lòng tin chiến lược cho quan hệ Việt-Mỹ trong bối cảnh khủng hoảng an ninh (và chiến tranh lạnh mới) tại Biển Đông.  
Câu chuyện cá chết và Formosa
Hơn hai tháng qua, người Việt vẫn đang bị mắc kẹt trong câu chuyện cá chết hàng loạt tại Miền Trung gây thảm họa môi trường và khủng hoảng chính trị, làm bầu không khí bị đầu độc không kém gì nước Biển Đông bị nhiễm độc. Sự bất cập về truyền thông và lúng túng về xử lý khủng hoảng bộc lộ sự yếu kém và bế tắc về giải pháp, làm người dân lo lắng và bức xúc. Họ càng bất bình và phẫn nộ trước thái độ vô cảm của chính quyền đối với thảm cảnh của ngư dân và biện pháp trấn áp bằng bạo lực đối với biểu tình ôn hòa, trong khi không có biện pháp điều tra thích đáng đối với Formosa là nghi phạm chính. Trong bối cảnh thảm họa môi trường lớn đang de dọa cuộc sống của hàng triệu người gây khủng hoảng lòng tin, không thể đòi hỏi dân chúng bình tĩnh ngoan ngoãn ngồi yên chờ chính phủ giải quyết.
Câu chuyện Vũng Áng và Formosa làm bộc lộ không chỉ sự bất cập lớn về chủ trương đầu tư và bảo vệ môi trường, mà còn bất ổn lớn về lòng tin của dân chúng, là chỗ dựa chiến lược cho an ninh quốc gia và “quốc phòng toàn dân”. Điều này ảnh hưởng nhiều đến hình ảnh đất nước và lòng tin của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh quan hệ công chúng tồi, công tác truyền thông cũng kém. Chương trình “đối thoại” (talk show) trên VTV “60 phút mở” (bắt chước chương trình “60 minutes” của CBS News) là một cố gắng cải tiến format có ích, nhưng lại vụng về (như “đấu tố”) nên đổ thêm dầu vào lửa, làm công chúng bất bình “ném đá”. Không chỉ những người làm chương trình vô cảm trước tâm trạng bức xúc của công chúng, mà đa số công chúng cũng cực đoan “ném đá” vùi dập một chương trình mới có ích.
Thay lời kết
Tại sao người dân Hà Nội và Sài Gòn đổ xô ra đường chào đón Obama như người thân (dù Mỹ từng là kẻ thù “nợ máu”), trong khi họ quay lưng lại với Tập Cận Bình như kẻ xa lạ (dù Trung Quốc là bạn vàng “bốn tốt”). Không phải vì họ yêu Mỹ hay ghét Tàu, mà đơn giản vì họ cảm nhận được sức mạnh mềm và dị ứng với sức mạnh cứng. Cũng như người Mỹ, họ chỉ muốn thay đổi cho dễ sống hơn. Vì vậy, hãy tìm cách hóa giải tâm trạng bất an và bức xúc của người dân để khôi phục lòng tin và làm chuyển hóa thái độ vô cảm và cực đoan của chính quyền, một nhân tố cản trở quá trình hòa giải cộng đồng, hội nhập quốc tế và đổi mới thể chế.   
NQD. 10/6/2016

Tác giả gửi cho viet-studiesngày 10-6-16

TÔN NỮ THỊ NINH LÀ AI ?
BÙI QUANG VƠM/ BS/ Viet-studies 14-6-2016
Ngày 15/05/2016, Bộ trưởng Ngoại Giao Mỹ John Kerry đã có chuyến sang thăm và làm việc với phía Việt Nam, chuẩn bị cho chuyến thăm của tổng thống Obama, ngày 22/05/2016.
Ngoài ba nội dung được tập trung quan tâm là việc đối phó với xung đột Biển Đông, việc gỡ bỏ lệnh cấm vận và việc phê chuẩn TPP, có hai nội dung đặc biệt, nhưng báo chí chỉ đưa lướt qua, không kèm bình luận, khiến dư luận không quan tâm. Đó là Hiệp định khung cho chương trình Hoà Bình và Quyết định thành lập Fulbright Việt Nam. Hai nội dung này là kết quả những đàm phán dai dẳng suốt hai mươi năm bình thường hóa quan hệ, được coi là những bước triển khai cụ thể của chương trình phát triển quan hệ hợp tác hai nước, bắt đầu những bước đi thực chất, phản ánh việc gạt bỏ những nghi ngại cuối cùng của Hà Nội đối với Mỹ.
Sau đó một ngày, ngày 16 tháng 5 năm 2016, Trường Đại học Fulbright Việt Nam đã chính thức nhận quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ theo quyết định số 819/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký.
Một ngày sau khi tổng thống Obama tới Hà nội và tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương, sáng 24.5/2016, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã chứng kiến lễ ký kết Hiệp định khung cho chương trình Hoà bình, về việc VN đồng ý cho phép tình nguyện viên Mỹ của Peace Corps dạy tiếng Anh tại TP.Hà Nội và TP.HCMnhư những sứ giả đầu tiên trong Chương trình hòa bình Việt – Mỹ.
Và sáng ngày 25/5/2016, dưới sự chứng kiến của cả John Kerry và Bí thư Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã trao quyết định thành lập Trường ĐH Fulbright VN (FUV) cho Chủ tịch Hội đồng tín thác FUV Bob Kerrey, trường Đại học tư thục Việt Nam đầu tiên được tổ chức theo mô thức độc lập tài chính phi lợi nhuận và độc lập về nội dung giảng dạy theo các chuẩn mực quốc tế cao nhất.
*
Quyết định bổ nhiệm ông Bob Kerrey, nguyên cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, nguyên tác giả của vụ thảm sát Thạnh Phong vào tháng 2-1969, nguyên thượng nghị sỹ bang Nebraska, nguyên hiệu trưởng trường New School, NewYork làm Chủ tịch Hội đồng tín thác FUV đã gây tranh cãi. Ở phía ủng hộ, có cả trăm ý kiến cá nhân, phần lớn là những trí thức có uy tín, như Giáo sư Chu Hảo, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà giáo Phạm Thị Ly, sử gia Dương Trung Quốc, GS Nguyễn Minh Thuyết… còn nếu xem trên Facebook thì có hàng ngàn ý kiến từ nhiều góc nhìn, của rất nhiều tầng lớp quần chúng khác nhau. 
Phía phản đối ông Bob Kerrey ngược lại, chỉ có vài người, là bà Tôn Nữ Thị Ninh và ông nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Ông Thọ sau khi lỡ lời, mặc dù không cải chính, không thấy ông nói gì thêm. Nhưng người ta thấy lạ một điều là sau cái bài viết với giọng khiêu khích, Lẽ nào nước Mỹ không còn ai ngoài Bob Kerrey?, bà Ninh lại phóng tiếp bức “Thư ngỏ gửi người Việt Nam và những người bạn Mỹ”, trong đó người ta bảo là bà bịa ra cái thông tin rằng số tiền 20 triệu đôla tiền vốn ban đầu của FUV “là món tiền chính quyền Sài Gòn nợ chính quyền Hoa Kỳ trước 1975 (?), mà nhà nước CHXHCN Việt Nam thống nhất nhận trả phía Mỹ theo thông lệ quốc tế (?). Nói cách khác, thực chất đây là việc chuyển một món tiền có sẵn – từ mục đích cấp học bổng hàng năm sang mục đích tài trợ ban đầu cho FUV – chứ không phải do Bob Kerrey mới gây quỹ đặc biệt cho FUV”.
BáoVnexpress.net bác bỏ: “Hồi tháng 6/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý chủ trương đầu tư dự án FUV. Tháng 12/2014, Quốc hội Mỹ phê chuẩn thành luật, cho phép chính phủ Mỹ tài trợ khoảng 20 triệu USD cho dự án FUV trong giai đoạn đầu tiên”, còn chính Bob Kerrey thì nói: “Năm ngoái, nỗ lực của chúng tôi đã thành công khi Quốc hội quyết định tài trợ một khoản gần 20 triệu USD để xây dựng FUV, còn phía chính phủ Việt Nam dành cho trường khu đất. ”
Sau khi ông Đinh La Thăng, uỷ viên bộ chính trị, bí thư Sài Gòn, có ý dẹp dư luận bằng ý kiến “vượt lên hận thù chúng ta mạnh mẽ hơn”, đặc biệt là đối diện với sự khiêu khích lộ liễu của bà Ninh, ngày 07/06/2016, tại New York, ông Bob Kerrey đã công bố quyết định không từ chức. Dư luận không còn ai nói tới chuyện chọn hay không chọn. Riêng bà Tôn Nữ Thị Ninh vẫn tiếp tục bị dư luận ném đá, thậm chí không chỉ có đá mà còn cả cà chua thối.
Có lẽ không có gì “dại” hơn những gì bà Tôn Nữ Thị Ninh đã làm. Không ai hiểu tại sao bà công khai và đích danh công kích cá nhân ông Bob Kerrey, và cái khó hiểu nhất là bà lại nhân danh lòng “nhân ái và danh dự trí thức”, cái mà ở chính bà, người ta đã thấy là thiếu nhất.
Người ta đã chứng kiến ở bà một trí thức săn đuổi địa vị và tìm kiếm vinh quang như thế nào. Từ một lưu học sinh của chế độ Việt Nam Cộng Hoà, không biết bằng cách nào, bà được tuyển dụng làm phiên dịch viên cho nguyên bộ trưởng ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình tại hội nghị Paris. Rồi từ một Phó Khoa của Phân khoa Anh ngữ, Đại học Sư phạm Sài Gòn năm 1972, bà lọt vào mắt ông Xuân Thuỷ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Ngoại giao chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Bắc Việt, để rồi sau đó có thể trở thành một đại sứ đặc mệnh toàn quyền của chính phủ Việt Nam XHCN tại Bỉ, bên cạnh Liên Hiệp châu Âu. Với lòng “tự trọng danh dự trí thức”, bà đã có thể chiếm được sự tin cậy của cả hai chế độ đối kháng không đội chung trời của nhau, mà không bị gọi là tráo trở.
Khi tự cho mình quyền nhân danh lòng nhân đạo để nói “Việc ông hối hận về vai trò trong vụ thảm sát Thạnh Phong tôi không thể biết và chỉ có mình ông Kerrey biết. Không thể coi việc giữ vị trí lãnh đạo của đại học nhiều tham vọng như ĐH Fulbright là cách sửa sai cho những hành động trong quá khứ”, bà đã buộc người ta phải hỏi lại bà rằng: nếu thảm sát là một vụ gây ra nhiều cái chết oan uổng cho những người vô tội, thì cho dù không thể phủ nhận tội lỗi của mình, Bob có thể chỉ là kẻ bị lừa. Những thủ lĩnh cộng sản đã đẩy dân ra phía trước để lãnh đạn cho họ, như chính nhà văn Nguyên Ngọc thú nhận “chúng tôi vẫn từng ‘nấp’ trong nhân dân vô tội, để họ có thể cùng chết với chúng tôi” (thực ra ông muốn nói rằng “để họ chết thay cho chúng tôi”), cách mạng vẫn dùng dân như một lá chắn, vừa làm bia đỡ đạn sống cho cách mạng vừa lấy cớ buộc tội đối phương.
Bà không thể im lặng để chối bỏ một sự thật, rằng không có cuộc thảm sát nào lớn hơn cuộc cải cách ruộng đất mà chính quyền cộng sản tiến hành suốt những năm 1954-1956, khiến 172.008 bị giết oan uổng một cách thô bạo. Không có cuộc thảm sát nào lớn hơn là cuộc tổng tấn công mậu thân 1968, chính quyền cộng sản cố tình đẩy 277.000 người vô tội vào một cuộc thử nghiệm đẫm máu, khiến 44.842 chết, 61.267 bị thương, 4.511 mất tích. Và lớn hơn, cuộc chiến tranh hai miền đã khiến người Việt giết lẫn nhau suốt 30 năm làm cho hơn 6 triệu người chết, trong đó hơn 4 triệu dân thường. Ai đã gây ra vụ thảm sát nồi da nấu thịt đó? Người Mỹ không đến để chiếm đất Việt nam. Người Mỹ chỉ đến để chiến đấu cùng với một nửa người Việt vì một “nỗi lo sợ cộng sản” *.
Cá chết trắng một dải bờ biển từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế, đe doạ thảm họa cho hàng triệu con người đói khát vô tội, mất nghề nghiệp, mất nguồn sống, bà và những trí thức như bà đang ở đâu, sao không thấy bà lên giọng “cao thượng” để giúp đỡ những người không có phương tiện gì ngoài tiếng nói, xuống đường ôn hoà chỉ để đòi quyền được biết, quyền được sống trong sạch, vẫn bị chính quyền đàn áp không thương tiếcbất chấp cả phụ nữ và trẻ em. Lịch sử sẽ có lúc quay lại để phán xét.
Khi bà công kích đích danh ông Bob, khích ông Bob từ chức Chủ tịch Hội đồng tín thác vì “danh dự và lòng tự trọng” và khi bà đặt ra câu hỏi “chẳng nhẽ nước Mỹ không còn ai ngoài Bob Kerrey”, hình như bà muốn nhắc mọi người rằng, tại sao không ai thấy sự có mặt của bà, bà thừa sức thay thế ông Bob?.
Bà từng là nhà giáo, từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Bỉ bên cạnh Liên hiệp châu Âu, từng làm trưởng ban đối ngoại Quốc hội, bà từng là chủ tịch hội đồng quản trị dự án Đại học tư thục Trí Việt. Nhưng khi còn chưa đã cơn khát vinh quang thì buộc phải về hưu, bà uất ức, cay đắng: « quy định tuổi nghỉ hưu 55 như hiện nay, chị em chưa kịp cất cánh thì đã phải hạ cánh». Bà đang còn muốn bay.
Năm 2007, nghỉ hưu, bà lập ra dự ań Đại học Trí Việt, với nung nấu trở thành chủ tịch Đại học tư thục đầu tiên của nền giáo dục Việt. Nhưng sự thèm khát vinh quang đã làm cho bạn bè và đồng nghiệp của bà hoảng sợ. Bốn năm vận động, bà không xin được đất, không một cá nhân, một cơ quan tổ chức nào, cả trong nước lẫn quốc tế chịu góp vốn. Bà đành chấp nhận thất bại , buộc phải giải tán hội đồng sáng lập và tuyên bố huỷ bỏ Dự ań. Tuy vậy, “tâm huyết” của bà với nền Đại học Việt vẫn chưa tắt trong con người bà. Bà liếc sang Fulbright với cả sự thèm khát và ganh ghét. Đã có lúc người ta nghĩ đến bà, có một vài người Mỹ bạn quen cũ đã góp lời . Nhưng có vẻ như người Mỹ đã hoảng sợ sau khi nghe lời tuyên bố của bà tại buổi họp báo Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 2004.
« Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi »
Họ hoảng sợ là đúng,vì nếu bà là chủ tịch Đại học thì những quan chức do bà đào tạo ra sẽ chỉ là những quan phụ mẫu, coi dân như con cái trong nhà hết, và nếu chúng hư đốn thì phải đóng cửa lại mà trừng trị. Bà là một đặc trưng của tư tưởng chuyên chế phong kiến, của thứ tư duy kiểu nhân quyền xã hội chủ nghĩa. Bà sẽ là kẻ phá hoại đáng sợ nhất, phản bội lại tư tưởng giáo dục và đào tạo độc lập của Fulbright. BOB và những người bạn của ông, thượng nghị sỹ John McCain, bộ trưởng ngoại giao John Kerry, GSThomas JValelly theo đuổi Dự án từ hơn hai mươi năm đương nhiên không phải để tạo ra những quan lại có tư tưởng nô lệ cho quyền lực, của thèm khát chức vị và hư danh.
Sự thất bại của bà Tôn Nữ Thị Ninh trước dư luận cho thấy một thái độ của trí thức Việt không còn như trước. Những kẻ chuyên kinh doanh lòng trung thành với chế độ và buôn bán lập trường đã không còn che được mắt xã hội, và không còn kiếm lời được nưã.
*
Nhưng nếu sự kiện ra đời của FUV lại chuyển đổi thành sự cãi lộn xung quanh chuyện danh dự hay cao thượng của bà Ninh thì dư luận đã lạc hướng.
Ít ra người ta cũng tự hỏi, những việc này chỉ đơn thuần là động cơ cá nhân bà Ninh hay phía sau bà có thế lực nào.Vietnamnet.vn là tờ báo duy nhất đăng tải cả hai lần, hai bài viết ngược dòng cuả̉ bà Ninh, có phải là tình cờ hay có sự chỉ đạo của ai. Sau vài ngày, bài viết đầu bị xóa, nhưng bài “thư ngỏ” được giữ lại muộn hơn, và hiện cũng chỉ còn trên các báo mạng khác, Vietnamnet.vn cũng đã gỡ nốt.
Từ sau khi tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn phải buộc ra đi sau một loạt phóng sự điều tra đất rừng đầu nguồn dính đến Innov Green Hồng Kông, Vietnamnet.vn hiện nay không khác gì Vnexpress.net, nghĩa là chỉ là cái loa không hồn, không đầu. Nếu sự thật phía sau, là Vietnamnet.vn đã bị điều khiển bởi một bàn tay nào đó, thì hiển nhiên bàn tay đó thân Trung Quốc. Và chuyện bà Ninh chỉ là chuyện phá thối.
Bắt đầu từ quỹ học bổng Fulbright do thượng nghị sỹ, cưụ chiến binh John Kerry vận động. Bước đột phá đầu tiên của nỗ lực này là trong dự luật ngân sách 1991 khi lần đầu tiên 300 ngàn USD để cấp học bổng cho sinh viên VN (Harvard sau đó góp thêm 300 ngàn USD) được đưa vào. Đột phá được thực hiện bởi John Kerry cùng cùng với sự hỗ trợ của các cựu binh như John McCain, Richard Kessler,…
Năm 1992, chương trình học bổng Fulbright, dưới sự dẫn dắt của Thomas Vallely – một cựu binh Việt Nam khác – bắt đầu đi vào hoạt động. Từ số tiền này, những nhóm sinh viên đầu tiên của chương trình Fulbright như Phạm Bình Minh, Nguyễn Thiện Nhân, Cao Đức Phát, …đã được đưa sang Mỹ để học tại những ĐH hàng đầu.
Fulbright trở thành một Dự án Đại học tư thục Việt Nam từ năm 1994 kết quả của sự hợp tác giưã Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh và Trường Kennedy của  Đại học Harvard. Ngân sách do Vụ Giáo dục và văn hoá bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ. Trong thời gian vận động để có giấy phép đầu tư chính thức, dự án có tên là Chương Trình Giảng Dạy Kinh Tế Fulbright, đã hoạt động hơn 12 năm trong lĩnh vực Giáo dục và đào tạo. Hiện đang được điều hành bởi Ô/B Benjamin Haxton Wilkinson, có địa điểm tại địa chỉ: 232/6 Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Dự án là một trong những nội dung được bàn thảo trong các hoạt động chuẩn bị cho việc lý kết Hiệp định đối tác toàn diện Việt Mỹ trong chuyến thăm chính thức của chủ tịch Trương Tấn Sang năm 2013. Dự án tiếp tục được ủng hộ và có những cố gắng rất lớn từ cả hai chính phủ, đặc biệt là bộ ngoại giao hai nước. Những rào cản thiếu sự thông hiểu từ phía chính phủ Việt Nam chính là nguyên tắc độc lập về tài chính, độc lập về nội dung giảng dạy và đào tạo trên nền tảng giáo dục khai phóng. Những môn học chính được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Giáo trình là sự kết hợp với phương pháp giảng dạy theo nhóm giảng viên, không theo giáo trình cố định, soạn sẵn. Tuy nhiên, tất cả những trở ngại đã được vượt qua trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 7/2015, sau khi Quốc hội Mỹ đồng ý tài trợ khoảng 20 triệu đôla, tháng 4/2014.
Giấy phép Đại học Fulbright Việt nam được cấp ngày 16/05/2016.
Quyết định thàng lập Đại học Tư thục phi lợi nhuận Fulbright Việt Nam được trao cho cựu Thượng nghị sỹ BOB Kerrey ngày 25/05/2016 trong chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ Obama, tại TP Hồ Chí Minh. FUV có trụ sở chính tại Khu công nghệ cao TP.HCM với diện tích đất 15 ha, là trường Đại học do Quỹ tín thác sáng kiến ĐH Việt Nam (TUIV) đầu tư bằng 100% vốn nước ngoài.
Theo chương trình FUV sẽ là một trung tâm giáo dục đào tạo đạt chuẩn quốc tế đầu tiên tại khu vực Đông nam Á theo mô hình khai phóng mở còn rất mới đối với thế giới.
Tuy vậy, bên cạnh những hy vọng tràn trề, những người mắc bệnh hoài nghi vẫn mơ hồ một điều gì đấy, hình như không có thật, hay một cái gì quá tốt đẹp đã đến một cách vội vã, vưà như một phép mầu, vưà mong manh dễ vỡ.
Nhất là khi bên cạnh nhhững cái tên Mỹ, như Bob Kerrey, Thomas Vallely…lại cónhững cái tên gây thắc mắc không có lời giải đáp, chẳng hạn như Henry Nguyễn Bảo Hoàng, con rể nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, giữ chức phó chủ tịch hội đồng tín thác, tức là nhân vật thứ hai sau Bob Kerrey, cùng với sự có mặt của Nguyễn Thanh Phượng trong lễ trao quyết định thành lập FUV ngày 25/05/2016, không khỏi gây lo sợ cho dư luận. Sự có mặt của cha con ông Dũng luôn gắn với sự lũng đoạn của âm mưu và lòng tham. Tại sao, một con người, một gia đình thuộc loại vơ bèo vạt tép, không cái gì ăn được mà không ăn, không cái gì có lãi mà không đầu tư, lại không buông tha cả cái trường Đại học tư thục phi lợi nhuận Fulbright? Họ rưả tiền? Họ rót tiền bất chính vào Fulbright để nhân danh từ thiện, khoác lên những đồng tiền nhem nhuốc của họ một thứ danh nghĩa sạch sẽ? Hay họ đã hết thời làm mưa làm gíó, đang đi tìm chỗ trú thân? Dù là gì thì khi Fulbright đi với đi với ma, người ta phải hỏi liệu chiếc áo mà FUV sẽ khoác, có phải là áo giấy? Tiền của Quỹ đầu tư Bản Việt, mà Nguyễn Thanh Phượng là Chủ tịch sẽ từ từ mua hết cổ phần của FUV, và Henry Nguyễn Bảo Hoàng sẽ trở thành Chủ tịch Hội đồng Tín thác. Trường Đại Học Fulbright đổi tên thành Trường Thanh Phượng?!.
Một cái tên khác nưã là Đàm Bích Thuỷ, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn ANZ, có tên trong danh sách Hồ sơ Panama, đang đảm nhiệm chức Hiệu trưởng FUV.
Một nhà buôn tham lam Nguyễn Bảo Hoàng sẽ phụ trách việc gây quỹ, một chủ ngành ngân hàng có tài xoay tiền Đàm Bích Thuỷ làm công việc giáo dục và đào tạo. Khó có thể tiên liệu tương lai của FUV. Nếu ở chỗ nào cũng có mặt mafia và nếu mafia đã trở thành một bộ phận hữu cơ của chế độ, thì một định chế không mafia sẽ tất yếu sụp đổ?
Cùng với việc ký kết Hiệp định TPP, phát triển liên kết Quốc phòng sau dỡ bỏ cấm vận vũ khí,Peace Corps và FUV được xem là hai mũi nhọn đầu tiên, thâm nhập vào môi trường xã hội Việt Nam.
Việc chính thức cho ra đời hai định chế này, một mặt phản ánh những nghi ngại của Hà Nội quan niệm Mỹ như một thể chế chính trị đối kháng, như kẻ thù của chế độ có thể đã được gỡ bỏ, một mặt khác, sự nhượng bộ của chính quyền Hà Nội phản ánh xu hướng chấp nhận một sự chuyển hóa cơ cấu xã hội từ bên trong.
Đây có thể là một giai đoạn chuyển tiếp, một dạng quá độ đầy mâu thuẫn và đầy trở ngại, nhưng chứa đựng những mầm mống thay đổi căn bản?
Quá trình sáp lại gần nhau đầy nghi kị để đạt tới hợp tác toàn diện hôm nay và đang hiện hình một hợp tác đối tác chiến lược có thể trong tương lai không xa cho thấy một vài cảm nhận :
1- Chính quyền Mỹ dù khác về bản chất thể chế chính trị, không còn là đối tượng thù địch. Trong khi vẫn còn là nhân tố nghi ngại cho sự tồn vong của chế độ độc đảng, Mỹ là nhân tố quyết định tới chủ quyền quốc gia, tới phát triển thịnh vượng và văn minh xã hội.
2- Không có phe thân Trung Quốc trong nội bộ Đ̣ảng cộng sản từ sau đại hội XII.
3- Chính sách cân bằng Trung – Mỹ chủ yếu nhằm mục đích tránh một khủng hoảng có tính khủng bố và áp lực xung đột chiến tranh cục bộ đến từ Bắc Kinh, trong khi Hà Nội chưa chuẩn bị kịp các điều kiện đối phó cần thiết, không phải là chính sách vì sự duy trì thân thiện.
4- Hiện trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam chỉ còn hai quan điểm khác nhau, quan điểm tự nguyện cải cách theo hướng dân chủ hoá từng bước; và quan điểm tiếp tục duy trì chế độ độc đảng bằng cách tận dụng mọi cơ hội để tăng trưởng kinh tế.
Quan điểm tự nguyện cải cách ủng hộ hoàn toàn các quyết định ký kết TPP, quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, quyết định ký kết Hiệp định khung cho chương trình Hoà Bình Việt Mỹ, và quyết định thành lập Đại học FUV. Lực lượng này xem các định chế trên như những công cụ giúp xã hội Việt Nam thay đổi dần từng bước từ bên trong.
Ngược lại, quan điểm duy trì chế độ độc đảng tố cáo các định chế trên là công cụ diễn biến hoà bình, là vũ khí của chủ nghĩa tư bản Mỹ nhằm xoá bỏ chế độ cộng sản, tước bỏ thành quả của cách mạng vô sản Việt Nam, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Lực lượng này, đương nhiên là những nhân vật giáo điều, bảo thủ trong đảng, trung thành mù quáng với tư tưởng của chủ nghĩa Mác Lênin. Lực lượng này buộc phải bám víu vào Trung Quốc và không tránh được bị Trung Quốc lợi dụng.
Dù bề ngoài, người ta đang cố sức che đậy những khuyết tật, cố dựng lên một hình hài đồ sộ và màu mè, nhưng không có cách gì che chắn được những đổ vỡ. Cuộc bầu cử quốc hội XIV đã thất bại, một số các cơ cấu của Quốc hội sẽ buộc phải chắp vá. Đảng viên đang bỏ đảng và từ chối sinh hoạt với con số tăng lên từng ngày. Những sạt lở từng mảng không thể chống đỡ đang bắt đầu. Những người còn chút tỉnh táo, khôn ngoan chắc cũng tự tìm ra cách hành xử thích ứng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét