Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

20160601. THAY ĐỔI CHUẨN GIÁO SƯ

ĐIỂM BÁO MẠNG
THAY ĐỔI CHUẨN GIÁO SƯ: SẼ KHÔNG GÂY SỐC
NGÂN ANH th/ VNN 1-6-2016
Giáo sư, phó giáo sư
Lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2015
 Để hội nhập quốc tế, chất lượng, quy trình xét, công nhận, bổ nhiệm các chức danh GS, PGS và việc phân cấp quản lý sẽ được thay đổi từng bước, được thông báo trước để các ứng viên kịp chuẩn bị và mặc dù có được thay đổi ít nhiều, nhưng về cơ bản vẫn được được giữ ổn định.
GS.TSKH. Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN), cho biết rằng những thay đổi từng bước này sẽ không gây sốc, sẽ không làm thiệt thòi cho các ứng viên và phải được xã hội chấp nhận, ủng hộ. Một Ban Soạn thảo, Trưởng ban là GS. TSKH. Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT kiêm Phó Chủ tịch HĐCDGSNN, với nhiều thành viên, đã được thành lập.
Có lộ trình phân cấp cho cơ sở
Những dự kiến thay đổi từ HĐCDGSNN là gì, thưa ông?
- Những thay đổi sắp tới xuất phát từ chính yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế. Các quy định cũ về GS, PGS, đội ngũ cao nhất của nhà giáo, cần được thay đổi để tăng cường chất lượng khoa học và phù hợp với chuẩn mực, cách làm của khu vực ASEAN và quốc tế.
Một nội dung quan trọng mà trong lần sửa chữa, bổ sung này sẽ được chú ý là xây dựng lộ trình và tiêu chí để từng bước nhưng khẩn trương  phân cấp công việc này cho các cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện, như các nước đã làm.
Mặc dù đã phân cấp, nhưng ở nhiều nước vẫn có một tổ chức quốc gia chịu trách nhiệm bảo đảm mặt bằng chất lượng khoa học so với thế giới. Điều này rất quan trọng và cần thiết trong quá trình hội nhập quốc tế.
Chúng ta phải tuân thủ một nguyên tắc rất quan trọng trong đổi mới và cải cách giáo dục là khi tiếp cận cái mới, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến của thời đại phải từng bước, có lộ trình, có quá trình chuẩn bị công phu, khoa học và phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, không được gây sốc, không được làm thiệt thòi cho những người trong cuộc và phải được xã hội chấp nhận, ủng hộ.
Mọi sự thay đổi từng bước các quy định, tiêu chí phải được thông báo trước để cho các ứng viên GS, PGS kịp chuẩn bị và các thành viên hội đồng giáo sư các cấp, các cơ sở giáo dục đại học phải biết trước, đồng thuận và ủng hộ.
Những thay đổi lần này về việc xét, công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS được tiến hành với sự phối hợp của nhiều bộ, ban, ngành, mà quan trọng nhất là Bộ GD-ĐT. HĐCDGSNN là một trong số các cơ quan phối hợp.
"Sẽ xây dựng lộ trình và tiêu chí để từng bước nhưng khẩn trương  phân cấp việc xét, công nhận, bổ nhiệm các chức danh GS, PGS cho các cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện, như các nước đã làm".
Văn phòng HĐCDGSNN đang nghiên cứu, tổng hợp ý kiến để trình HĐCDGSNN xem xét, quyết định và kiến nghị Ban Soạn thảo xin ý kiến của 31 thành viên HĐCDGSNN, các thành viên của 28 Hội đồng chức danh giáo sư ngành/ liên ngành (HĐCDGSN/LN), các thành viên Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở (HĐCDGSCS) và các cơ sở giáo dục đại học, cả xã hội (qua báo chí hoặc internet) về những nguyên tắc sửa đổi, những nội dung cụ thể và sản phẩm cuối cùng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, đã và đang trực tiếp chỉ đạo để bảo đảm chất lượng khoa học và tiến độ công việc.
Sự “chuyển mình” này liệu có phải là đã muộn không, thưa ông?
- Muộn hay không so với thời điểm nào? Nếu so với yêu cầu hội nhập ASEAN và quốc tế thì có thể nói là hơi muộn. Nhưng muộn còn hơn không.
Trong mọi quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế, ngoại giao thì hội nhập về văn hóa, giáo dục, khoa học và nguồn nhân lực luôn đóng vai trò quan trọng, vì nó tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế. Trong các công cụ hội nhập quốc tế sang thế kỷ XXI thì tiếng Anh, công nghệ thông tin và truyền thông là tiên quyết.
Đối với 2 tiêu chí quan trọng là tiêu chí tính điểm bài báo khoa học và tiêu chí về ngoại ngữ, ông có thể cho biết sẽ thay đổi ra sao?
- Yêu cầu về bài báo khoa học là một trong các tiêu chuẩn chính để nâng cao chất lượng khoa học của ứng viên. 
Yêu cầu về ngoại ngữ, trước hết là tiếng Anh, là một đòi hỏi tự nhiên của thời đại ngày nay. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (và trước đó là Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân) luôn yêu cầu cao về hai tiêu chí này trong quá trình xây dựng và phát triển đội ngũ GS, PGS. Chúng tôi vui mừng vì điều đó.
Hai tiêu chí này sẽ có sự thay đổi, nhưng là thay đổi từng bước, có lộ trình được thông báo trước để ứng viên GS, PGS và xã hội kịp chuẩn bị, không gây sốc.
Giáo sư, phó giáo sư
Lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2015 (Ảnh Văn Chung)
Tham khảo cách làm khoa học của khu vực và thế giới, HĐCDGSNN đang phối hợp với ĐHQGHN, Trường ĐHBKHN và một số cơ sở giáo dục đại học để lập nên một Website về chỉ số trích dẫn của các tạp chí khoa học Việt Nam (Vietnam Citation Index/VCI). Website này sẽ là cơ sở khoa học tin cậy để HĐCDGS các cấp xếp hạng và đánh giá chất lượng khoa học các tạp chí khoa học Việt Nam và các bài báo được đăng ở trong đó. 
Trong tổng số 356 tạp chí khoa học của Việt Nam chỉ có 3 tạp chí nằm trong danh sách ISI, Scopus
Danh mục các tạp chí được tính điểm khi đăng bài có gì khác trước không? Sắp tới, các tạp chí trong nước có thay đổi hay nâng cấp gì không, thưa ông?
- Danh sách các tạp chí khoa học trong nước được HĐCDGS các cấp tính điểm sẽ được xem xét, kiểm tra, rà soát lại thật kỹ lưỡng, điểm số cho các bài báo trong đó cũng sẽ được tính toán chặt chẽ, khoa học và phù hợp với giá trị và chuẩn mực quốc tế.
Vừa qua, HĐCDGSNN và Thường trực các HĐCDGSN/LN đã rà soát danh mục các tạp chí khoa học được tính điểm năm 2016. Thường trực HĐCDGSNN đã đánh giá sơ bộ và có các yêu cầu về chất lượng khoa học ngày càng chặt chẽ.
Theo đó, điều khó khăn và lâu dài nhất vẫn là việc nghiêm túc phấn đấu để nâng cao chất lượng khoa học của các tạp chí khoa học Việt Nam, để sớm có thêm những tạp chí được xếp hạng trong số 10.200 tạp chí ISI hoặc 18.500 tạp chí Scopus trên thế giới.
So với những yêu cầu và chuẩn mực quốc tế thông thường về nội dung, chất lượng khoa học và thể thức, hình thức trình bày, các tạp chí và bài báo khoa học của nước ta còn phải được cải tiến, nâng cao hơn nhiều nữa thì mới có thể ngày càng tiếp cận quốc tế được.
Một điều quan trọng là đề nghị ban biên tập các tạp chí chú trọng yêu cầu phản biện khoa học thật nghiêm túc (người phản biện có thể ở trong hoặc ngoài nước một cách phù hợp) để nâng cao chất lượng khoa học của bài báo. Việc hoàn thiện theo các quy định quốc tế về hình thức đối với các tạp chí thì đơn giản hơn nhiều, có thể làm sớm được.
Trong đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2015, trong số 28 HĐCDGSN/LN chỉ có 3 HĐCDGSN/LN (Vật lý, Toán học và Công nghệ thông tin) có 100% ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS có công bố quốc tế với nhiều bài ISI và Scopus. Ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của 10 HĐCDGSN/LN chưa có công bố quốc tế.
Ngân Anh (thực hiện)Còn về tiêu chí ngoại ngữ, các ông sẽ thay đổi như thế nào để việc sử dụng ngoại ngữ không chỉ là trên giấy và không “gây cười”?
- Chị dùng chữ “gây cười” làm tôi hơi khó hiểu và cũng “buồn cười”. Càng ngày các ứng viên GS, PGS của chúng ta càng thể hiện rõ trình độ ngoại ngữ nói chung và khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh tốt hơn, không có các hiện tượng “gây cười”.
Theo tiêu chí hiện nay, ứng viên GS, PGS phải thành thạo một ngoại ngữ bất kỳ trực tiếp phục vụ chuyên môn và phải giao tiếp được bằng tiếng Anh. Có quy định rõ thế nào là “thành thạo” và “giao tiếp được” và có cơ chế khoa học để kiểm tra, đánh giá.
Nhưng cũng phải nói rằng khả năng “giao tiếp được” bằng tiếng Anh của một số ứng viên GS, PGS, cũng như của học sinh, sinh viên, thanh niên… của nước ta nhìn chung còn hạn chế, trước hết là so với khu vực láng giềng ASEAN.
Nhưng cũng đáng mừng là một số GS, PGS cũ hoặc  mới, trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ hoặc khoa học xã hội và nhân văn có nhiều công bố khoa học quốc tế uy tín cao, giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Họ là những nhà khoa học giỏi, những người tích cực trong quan hệ quốc tế hoặc đi du học về bằng học bổng 322, 911 của Chính phủ Việt Nam và quốc tế.
Ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng, cùng với CNTT/IT-ICT là hai công cụ chiến lược trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay. Từ 15 năm trước Bộ Chính trị đã sáng suốt ban hành Chỉ thị 58 phát triển CNTT và hiện nay nước ta đã đạt được những thành tựu bước đầu rất đáng ghi nhận trong lĩnh vực này. Nhưng tiếng Anh ở Việt Nam hiện nay vẫn đang là “vùng trũng” của ASEAN. Trong tình trạng như vậy, chúng ta sẽ hội nhập và hợp tác như thế nào với ASEAN và quốc tế?
Nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân (nay là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) đã khởi xướng Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 để góp phần đắc lực khắc phục tình trạng này. Ngày 19/5/2015, tôi đã có bức tâm thư ngỏ gửi Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng kiến nghị Bộ Chính trị ra một chỉ thị, một quốc sách về tiếng Anh tương tự như Chỉ thị 58 về CNTT.
Nhân nói về GS, PGS, tôi xin kiến nghị Đảng và Nhà nước rằng, để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhanh chóng và bền vững, để thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo Việt Nam, thì cách tốt nhất, nhanh nhất, tiết kiệm nhất, cụ thể và dễ làm nhất là hãy quốc tế hóa căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo Việt Nam, giữ gìn cốt cách Việt, từ tư duy đến hành động, từ triết lý giáo dục cho đến mọi thiết kế kỹ thuật như chương trình, sách giáo khoa, thi cử, đánh giá, quản lý, phục vụ sản xuất, đóng góp xã hội…
Nói riêng, thế hệ trẻ Việt Nam phải thành thạo hai công cụ chiến lược của thời đại ngày nay đó là CNTT và tiếng Anh.
Bài học này được rút ra từ sự phát triển thần kỳ của các quốc gia “con rồng” như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công (Trung Quốc), Nhật Bản, …
- Xin cảm ơn ông!
ÔNG BOB KERREY NÓI VỀ ĐẠI HỌC FULBRIGHT 
BBC/ 31-5-2016


Image copyright NEILSON BARNARD GETTY IMAGES FOR THE NEW YORK TIMES
Image caption Ông Kerrey nói sẵn sàng rút lui nếu việc tham gia gây bất lợi cho Đại học Fulbright Việt Nam

Chủ tịch Đại học Fulbright ở Việt Nam Bob Kerrey nói ông đã vận động để thành lập trường này từ đầu thập niên 1990 nhưng nay 'sẵn sàng rút lui'.
Trang mạng có tiếng ở Việt Nam, Zing, hôm 30/5 chất vấn việc chọn ông Kerrey, một người họ nói từng "tham gia thảm sát" phụ nữ và trẻ em trong cuộc chiến Việt Nam.
Trong điện thư trả lời Nguyễn Hùng của BBC Tiếng Việt hôm 31/5, ông Kerrey viết:
"Tôi tham gia dự án này từ năm 1991 khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt và chúng tôi phân bổ tiền [từ quỹ] Fulbright Hoa Kỳ để lập trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh mà đứng ra tổ chức là một trung tâm ở [Đại học] Harvard. Chúng tôi tăng cường chương trình đại học theo [khuôn khổ] pháp lý hồi năm 1995 vốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và đã được mở rộng thêm nữa hồi năm 2000 với điều luật mà tôi đồng bảo trợ.
"[Trường] Harvard và New School, lúc đó tôi là lãnh đạo, đã thực hiện hai nghiên cứu cho Bộ Giáo dục của Việt Nam về vấn đề Việt Nam cần làm gì để có một đại học độc lập ưu việt. Đại học Fulbright Việt Nam là kết quả."


Image copyright AP
Image caption Ông Kerrey [không có trong hình] từng là lính đặc nhiệm trong Cuộc chiến Việt Nam và bị thương ở chân tới mức phải giải ngũ

Cựu Thượng Nghị sỹ bang Nebraska cũng nói những người tham gia thành lập trường đã cố gắng để thuyết phục Quốc hội Hoa Kỳ cung cấp ngân khoản để trường có thể hoạt động. Cuối cùng Quốc hội đã đồng ý với điều kiện Việt Nam góp vốn tương ứng mà trong trường hợp này bằng việc cấp đất cho trường ở thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Kerrey nói thêm có nhiều khả năng Quốc hội sẽ cung cấp thêm tiền cho trường và bản thân trường cũng đã bắt đầu những cố gắng riêng để gây quỹ, nhất là quỹ để hỗ trợ tài chính cho sinh viên.
Vị Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam cũng nói ông được Hiệu trưởng Đàm Bích Thủy và những người liên quan đề nghị làm chủ tịch và giải thích thêm:
"Chức danh này, tôi tin là hợp lý khi nói, nó to tát hơn ở Việt Nam so với ở Hoa Kỳ nơi chức danh dành cho người đóng vai trò chính trong việc gây quỹ cho Hiệu trưởng.
"Tôi chắc chắn là có nhiều người đủ khả năng để làm chủ tịch và tôi sẽ vui lòng rút lui nếu tôi thấy vị trí của tôi ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của trường."

'Hành động kinh khủng'

Nói về sự cố trong chiến tranh mà trong đó ông bị cáo buộc chỉ huy nhóm đặc nhiệm gây ra vụ "thảm sát" hơn 10 phụ nữ và trẻ em, ông Kerrey viết cho BBC:
"Hành động của tôi ở Việt Nam là kinh khủng và tôi tin là đã được xem xét kỹ...
"Đó không phải là Mỹ Lai. Tuy nhiên, như phim tài liệu của Ken Burns sẽ sớm được phát cho thấy: Chiến thuật của chúng tôi đã khiến ít nhất một triệu người vô tội thiệt mạng."
Chúng ta phải đối diện quá khứ một cách thành thật ngay cả khi nó gây đau khổ. Nhưng chúng ta không được sống trong quá khứ. Tương lai là tất cả những gì chúng ta có.


Cựu Thượng Nghị sỹ Bob Kerrey

Một phóng sự điều tra trên New York Times cách đây nhiều năm từng dẫn lời cựu sỹ quan quân đội Hoa Kỳ nói trước mùa hè năm 1968 binh lính chỉ được nổ súng khi bị bắn.
Tuy nhiên sau đó họ đã được quân đội cho phép nổ súng khi cảm thấy bị đe dọa.
Ông Kerrey nói thêm: "Chúng ta phải đối diện quá khứ một cách thành thật ngay cả khi nó gây đau khổ. Nhưng chúng ta không được sống trong quá khứ. Tương lai là tất cả những gì chúng ta có."
Trước đó trong điện thư trả lời trang Zing ông cũng viết:
"Tôi đã xin lỗi người Việt về những gì tôi gây ra trong chiến tranh và giờ tôi xin lỗi lại một lần nữa. Một cách chân thành và cùng những nỗi đau của ký ức mãi mãi ám ảnh, tôi xin lỗi những người mà tôi đã gây hại tới...
"Nhưng một lời xin lỗi sẽ luôn là không đủ. Nó giống như món súp cá mà thiếu con cá vậy. Vì thế, tôi cố gắng giúp người Việt mỗi khi có thể. Như đóng góp chấm dứt đạo luật TWEA (coi Việt Nam như nước thù địch), bình thường hoá quan hệ, ủng hộ đàm phán BTA, và đặc biệt là ủng hộ nỗ lực cải thiện hệ thống giáo dục Việt Nam thông qua chương trình Fulbright."

225.000 CỬ NHÂN, THẠC SĨ THẤT NGHIỆP: HẬU QUẢ CỦA MỞ TRƯỜNG Ồ ẠT
HỒNG HẠNH th/ DT 31-5-2016
Dân trí Hiện nay cả nước có 412 trường ĐH,CĐ tính bình quân mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 6,6 trường ĐH,CĐ; cả nước có khoảng 2,2 triệu sinh viên trong tổng dân số 95 triệu dân, cao hơn cả các quốc gia phát triển. Đây là một trong những nguyên nhân khiến số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng tăng.
 >> 3 tháng đầu năm, 225.000 cử nhân thất nghiệp

Vừa qua, hội thảo “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (GIZ) tổ chức, đã thống kê Quý 1/2016 cả nước có 225.000 người có trình độ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Đây là con số báo động mạnh mà nhiều chuyên gia đã phản ánh. Tuy nhiên, tình trạng này có nhiều nguyên nhân, dưới góc độ chuyên gia giáo dục cho chúng ta hiểu rõ hơn về thực trạng nguyên nhân thất nghiệp này.

Nhiều thí sinh cứ học xong lớp 12 là phải thi đại học (ảnh minh họa)

Nhiều thí sinh cứ học xong lớp 12 là phải thi đại học (ảnh minh họa)

Quản lý yếu kém
Theo nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, những năm, qua đào tạo đại học tăng khá mạnh về quy mô, số lượng dẫn đến chất lượng còn nhiều bất cập, dư luận xã hội phê phán nhiều. Theo GS.TS. Hoàng Chí Bảo - chuyên viên cao cấp, chủ tịch hội đồng khoa học phát biểu trong hội nghị cán bộ của một số trường đại học thì “Giáo dục Việt Nam đang suy thoái nghiêm trọng, như mở ồ ạt các trường Đại học, Cao đẳng. Tình trạng thương mại hóa giáo dục; quá tải trong học sinh các cấp học, tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan. Đào tạo dàn trải, thừa thầy thiếu thợ, không đáp ứng nhu cầu công việc trong thực tiễn sản xuất...”
Nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng đào tạo đại học của Việt Nam còn hạn chế, theo các chuyên gia đánh giá: Chưa làm chủ được công nghệ truyền tải, kỹ năng chuyên nghiệp yếu, thiếu tư duy sáng tạo, kỹ năng mềm yếu, chưa thâm nhập được vào công việc, năng suất lao động thấp, quan cách trong phục vụ, thụ động trong công việc... Chất lượng đào tạo kém do nhiều nguyên nhân khác nhau, cụ thể: Năng lực yếu kém của bộ máy tham mưu, quản lý và điều hành giáo dục cấp vĩ mô và vi mô.
Cũng theo nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang, muốn xây dựng nền giáo dục hội nhập thành công trong thời kỳ toàn cầu hoá và kinh tế tri thức đòi hỏi một trình độ chuyên nghiệp cao và một tinh thần trách nhiệm lớn. Trong công tác quản lý vĩ mô giáo dục đã có rất nhiều chương trình, đề án được đầu tư với chi phí lớn, hy vọng mang lại sự đổi mới giáo dục toàn diện, nhưng đem lại kết quả không như mong đợi.
Quản lý tài chính trong toàn ngành yếu kém, thiếu minh bạch, không tạo được niềm tin rằng tăng đầu tư cho giáo dục sẽ tăng chất lượng tương ứng. Ví dụ: Một đề án 6 năm để phát triển giáo dục đại học được đầu tư 115 triệu USD (trong đó vay của World Bank 85 triệu), mới thực hiện được vài năm đã bị WB tạm đình chỉ vì quản lý không hiệu quả... Trình độ chuyên nghiệp của cán bộ trong bộ máy quản lý cấp cao còn hạn chế, trong khi đó tổ chức bộ máy cồng kềnh với nhiều vụ, viện với biên chế lớn, mà năng suất, hiệu quả công việc lại thấp.
Tại các trường đại học cũng lặp lại mô hình đó, sự thiếu chuyên nghiệp cùng với bộ máy quản lý cồng kềnh và sự thiếu trách nhiệm của một số cán bộ là khá phổ biến trong bộ máy điều hành của nhiều trường đại học công hiện nay.
Coi nhẹ chất lượng, chạy theo số lượng
Theo PGS Nguyễn Ngọc Quang, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, tình trạng sa sút của giáo dục đại học có một phần trách nhiệm rất lớn của Đảng ủy, Ban Giám hiệu các trường đại học, đặc biệt các trường công lập.
Các trường chạy theo số lượng đào tạo mà coi nhẹ chất lượng. Trong cơ chế tự chủ tài chính nửa vời như hiện nay đã dẫn tới đa số các trường đại học chạy theo số lượng quy mô đào tạo để có nguồn tài chính bù đắp các khoản chi thường xuyên. Hệ quả là một số trường công đua nhau tuyển giảng viên để tăng số lượng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà coi nhẹ chất lượng giảng dạy, để từ đó có điều kiện tuyển số lượng sinh viên mà không quan tâm tới nhu cầu của xã hội và chất lượng đào tạo, dẫn đến lượng sinh viên tốt nghiệp bị thất nghiệp ngày càng cao.
Hiện nay cả nước có 412 trường đại học, cao đẳng tính bình quân mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 6,6 trường đại học, cao đẳng; cả nước có khoảng 2,2 triệu sinh viên trong tổng dân số 95 triệu dân; cao hơn cả các quốc gia phát triển.
Về chương trình đào tạo Chương trình đào tạo đại học của các trường đại học thường xây dựng chưa được công phu, chưa đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động, chưa xuất phát từ điều kiện thực tiễn của nền kinh tế có nhiều biến động. Thông thường xây dựng chương trình đào tạo còn mang tính chủ quan, chưa thông qua kết quả khảo sát, nghiên cứu của các chuyên gia và doanh nghiệp... Nhiều trường đại học sử dụng chương trình còn sao chép của các trường khác, sau đó cắt bớt tỷ lệ % số tiết theo chủ quan của người xây dựng.
50% sinh viên học đối phó và lười học
Cũng theo nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang, trong nhiều năm qua, số lượng sinh viên đại học chính quy của các trường đại học tăng mạnh, trong khi số lượng giảng viên tăng nhưng chất lượng chưa tương xứng. Có một số giảng viên còn hạn chế về kỹ năng thực tiễn và lĩnh vực học thuật chuyên môn, cũng do nhiều nguyên nhân như khâu tuyển chọn ban đầu chưa kỹ, quá trình đào tạo, sàng lọc ở cấp bộ môn chưa thực sự nghiêm túc.
Về thực trạng của sinh viên hiện nay kỹ năng mềm còn hạn chế, kiến thức cơ bản chưa vững. Do vậy chất lượng của sinh viên có thể chia thành 3 nhóm: Nhóm thứ nhất khoảng 20% là các sinh viên tích cực, chăm chỉ trong học tập và có thái độ nghiêm túc; Nhóm thứ 2 khoảng 30% là các sinh viên học bình thường; Nhóm thứ 3 khoảng 50% là sinh viên học đối phó và lười học.
Thế nhưng kết quả cấp bằng của một số ngành đưa ra con số đáng kinh ngạc, khoảng 70% bằng giỏi, điều này không những phản ánh không thật về chất lượng đào tạo mà còn ảnh hưởng tới uy tín của Nhà trường.
Có một số giảng viên lâu năm khi nói về quan hệ thầy - trò hiện nay như sau: “Cơ chế thị trường làm cho thầy sợ trò”, quan niệm này khi phân tích ra là đúng với một số trường, sợ sinh viên bỏ học, Nhà trường mất thu nhập, do vậy thầy cho điểm cao không đúng kiến thức tích lũy của trò.
Nên chăng xóa bỏ Hội đồng trường?
Trong nghiên cứu của mình, PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang đã đưa ra 3 giải pháp cụ thể: Thứ nhất, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tổ chức và quản lý bộ máy. Để tăng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm với xã hội trong tổ chức đào tạo thì bộ máy quản lý của các trường phải tiếp tục được hoàn thiện, như tinh gọn bộ máy, đồng thời phân công, phân cấp hợp lý giữa các bộ phận tránh chồng chéo. Hiện đại hóa công nghệ thông tin trong các giai đoạn, nhằm giảm số lượng người ở từng mắt xích trong chuỗi công việc.
Đối với Hội đồng trường, thực tế nhiều trường đã thành lập nhưng chưa phát huy đúng chức trách và nhiệm vụ, và còn mang tính hình thức. Nên chăng có thể xóa bỏ để bộ máy bớt cồng kềnh.
Thứ hai, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tài chính Quản lý tài chính đóng vai trò quan trọng trong cơ chế tự chủ tài chính của các trường đại học hiện nay. Đây là vấn đề then chốt nhằm đảm bảo quá trình tự chủ và tự chịu trách nhiệm được thực hiện đầy đủ, khách quan, công bằng và minh bạch. Đây cũng là tiền đề để Nhà trường ổn định và phát triển bền vững.
Thứ ba, các trường tự chủ về kế hoạch, chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên Các trường cần hoàn thiện các quy định, quy trình liên quan đến phân cấp, quản lý đào tạo để tiếp nhận và thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm hoàn toàn trong tổ chức đào tạo.
Giảng viên các trường đại học phải là nhà nghiên cứu khoa học phục vụ cho chuyên môn đào tạo của mình, thường xuyên nghiên cứu cái mới và công khai trên các tạp chí để thảo luận cùng với các độc giả và đồng nghiệp.
Nâng cao chất lượng đào tạo đại học tại các trường đại học trong giai đoạn hiện nay là vấn đề nan giải trong bối cảnh chung của giáo dục đại học Việt Nam. Giải quyết bài toán chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đòi hỏi phải có thời gian, cần phải có những chuyển động tích cực từ các trường đại học trong đó Hiệu trưởng là người đứng đầu phải giải quyết vấn đề này.
Hồng Hạnh (ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét