Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

20160620- XUNG QUANH VẤN ĐỀ CÁ NHIỄM PHENOL

ĐIỂM BÁO MẠNG
PGS TRẦN HỒNG CÔN 'CHỈ MẶT' THỦ PHẠM THẢI RA PHENOL
pv NGUYỄN HÙNG/ DT  16-6-2016
 30 tấn cá nục vừa được phát hiện có chứa chất phenol

Dân trí Vừa qua các cơ quan chức năng đã phát hiện 30 tấn cá tại một kho lạnh tại tỉnh Quảng Trị được xác định có chứa chất cực độc Phenol. Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Trần Hồng Côn – Khoa hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) khẳng định: Phenol không tự có trong tự nhiên mà chắc chắn được nhân tạo, chủ yếu là trong quá trình luyện cốc hoặc chế biến dầu khí.
 >> Phát hiện chất Phenol cực độc trong cá nục đông lạnh thu mua ngay sau thời điểm cá chết

“Trong quá trình luyện thép thì chắc chắn sẽ phải dùng than cốc. Khi cốc hóa than thì sẽ phải thải phenol ra” – PGS Trần Hồng Côn cho biết.
Cũng theo PGS Côn, phenol là hóa chất độc không được sử dụng trong công nghiệp thực phẩm. Phenol cũng là tên riêng của hợp chất cấu tạo bởi nhóm phenyl liên kết với nhóm hiđroxyl, chất tiêu biểu cho các phenol.
“Phenol là một họ chất hóa học có phenol đơn vòng và phenol đa vòng thơm. Đây đều là những chất độc hại và có những chất người ra nghi ngờ gây ung thư. Nếu trong cá kiểm nghiệm có chất phenol đơn vòng thì tác dụng nguy hiểm cũng như độc tính ít hơn. Đối với Phenol đa vòng thơm rất nguy hiểm cho sức khỏe của con người.
Phenol được dùng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ cụ thể trong ngành công nghiệp phenol là nguyên liệu để điều chế nhựa phenol formaldehyde. Từ phenol người ta tổng hợp ra tơ polyamide” – PGS Côn nói.
30 tấn cá nục vừa được phát hiện có chứa chất phenol
PGS Côn cũng khẳng định, con người hoàn toàn có thể bị nhiễm phenol nếu sử dụng phải các nguồn nước bị ô nhiễm từ các lò luyện cốc, các cơ sở hóa chất, hóa dầu hoặc có thể thông qua chuỗi thức ăn. Khi con cá, con tôm, con ốc… bị nhiễm phenol và con người ăn nó thì cũng sẽ bị nhiễm theo. Phenol cực kỳ dễ hòa tan vào trong các loại thực phẩm, và một khi đã vào được cơ thể thì sẽ rất khó để đẩy ra ngoài.
Theo các chuyên gia, biểu hiện của việc ngộ độc phenol có hai mức độ. Ngộ độc nhẹ thì có triệu chứng rối loạn tiêu hóa (nôn mửa, buồn nôn, ỉa chảy); Rối loạn thần kinh và toàn thân (mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, gầy sút nhanh). Nếu ngộ độc thì sẽ bị rối loạn tiêu hóa; Giãy giụa, co giật, hôn mê; Rối loạn tuần hoàn và hô hấp, sốc nặng…
Như Dân trí đã đưa tin, ngày 10/6, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã có báo cáo gửi UBND tỉnh này kết quả kiểm nghiệm các lô cá tại kho đông lạnh trên địa bàn. Kết quả phân tích, kiểm nghiệm cho thấy 5/6 mẫu các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép. Riêng mẫu cá nục đại diện cho lô hàng thu mua ngay sau thời điểm cá chết đã phát hiện có hàm lượng Phenol 0,037mg/kg là chất cực độc, tuyệt đối cấm, không được phép có trong thực phẩm, dùng trong công nghiệp hóa dẻo.
Nhằm đảm bảo sức khỏe cho mọi người, Sở Y tế Quảng Trị đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành cho phép tiêu thụ 5 lô hàng có kết quả đạt yêu cầu và tiêu hủy 30 tấn cá nục có chứa chất phenol.
Nguyễn Hùng
CÁC CHUYÊN GIA THỐNG NHẤT CHẤT PHENOL TRONG CÁ NỤC KHÔNG NGUY HẠI SỨC KHỎE
PV HỒNG HẢI/ DT 14-6-2016

Dân trí Sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia hóa học, chuyên gia Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các tài liệu quốc tế, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế khẳng định hàm lượng Phenol trong cá nục được phát hiện ở Quảng Trị không nguy hại đến sức khỏe.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trước khi công bố thông tin Cá nục nhiễm 0,037mg/kg Phenol không gây hại sức khoẻ, Cục ATTP đã tham khảo ý kiến và có sự đồng nhất ý kiến của các chuyên gia này.
Viện nghiên cứu ung thư quốc tế, cơ quan quản lý môi trường của Mỹ không xếp Phenol vào nhóm hóa chất gây ung thư ở người. Liều gây chết cho khoảng 50% sinh vật thử nghiệm ở trên loài ngặm nhấm là dùng Phenol ở ngưỡng 300 - 600mg/1kg thể trọng.
Đến nay, Việt Nam chưa áp dụng tiêu chuẩn hàm lượng Phenol trong thực phẩm (Việt Nam tuân theo tiêu chuẩn của Codex). “Không áp dụng tiêu chuẩn hàm lượng Phenol trong thực phẩm, không có nghĩa là thực phẩm không được hiện diện của chất này bởi Phenol hoàn toàn có mặt tự nhiên trong một số loại thực phẩm phổ biến. Theo đó, Phenol có thể tìm thấy trong xúc xích, thịt hun khói, ba chỉ rán, gà rán và một số loại trái cây như cà chua, táo lạc, chuối, cam, ca cao, nho đỏ, một số loại quả có màu sẫm đều sẵn có phenol, với hàm lượng khá cao", ông Phong nói.
Trên thế giới cũng chưa một cơ quan, tổ chức nào quy định mức giới hạn của phenol trong hải sản. Duy chỉ có cơ quan quản lý thực phẩm của Châu Âu có nghiên cứu về lượng ăn vào hàng ngày của cơ thể người qua thực phẩm là 0,00018mg/1kg cân nặng của cơ thể. Như vậy, với mẫu cá nục tại Quảng Trị, phát hiện với hàm lượng 0,037mg/kg, nếu so sánh với ngưỡng mà Cơ quan Quản lý thực phẩm châu Âu nghiên cứu thì một người Việt có cân nặng khoảng 50 - 55kg ngày nào cũng ăn 200gram cá có chứa 0,037mg phenol/kg (tương đương nạp vào cơ thể 0.0074mg phenol) thì vẫn ở dưới ngưỡng này và không có ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm – ĐH Bách khoa Hà Nội, hợp chất phenol rất dễ hoà tan trong nước. Với hàm lượng 0,037mg/kg cá, 1 gia đình 4 người ăn hết 1kg cá có phenol thì chia đều cũng chỉ có 0,009mg ngấm vào cơ thể 1 người. Đây là lượng phenol rất nhỏ, có thể dễ dàng bài tiết qua da, nước tiểu nên không có khả năng gây ngộ độc cho người dân.
Do đó ông khuyên người dân không nên quá hoang mang. Tuy nhiên, để cẩn trọng có thể xử lý phenol bằng cách giã đông cá tự nhiên. Theo đó, khi giã đông, để cá không bị nát, có thể lấy nước đá lạnh ngâm cá rồi tháo nước đi, làm 2-3 lần sẽ khiến phenol giảm nồng độ. Đặc biệt nên vứt bỏ da, các mô xốp như ruột, mang cá vì những mô này dễ nhiễm độc hơn.
Trước đó, Chi Cục An toàn thực phẩm Quảng Trị công bố mẫu kiểm nghiệm cá nục đại diện cho lô hàng thu mua ngay sau thời điểm cá chết đã phát hiện có hàm lượng Phenol 0,037mg/kg. Ngay sau khi có xét nghiệm này, Chi cục An toàn thực phẩm đã báo cáo với Sở Y tế, báo cáo lên UBND tỉnh Quảng trị để xin ý kiến tiêu hủy.
Hiện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã chỉ đạo các viện chuyên môn xét nghiệm thêm các mẫu cá nục từ Quảng Trị gửi ra để có câu trả lời chính xác, thông báo đến người dân.
Hồng Hải
MỘT MÌNH TIẾN SĨ TRẦN HỒNG CÔN CHỐNG LẠI 'CÁC CHUYÊN GIA'
LĐ/ BVB 18-6-2016

H1

PGS -TS Nguyễn Duy Thịnh: “Nếu Cục ATTP nói ăn cá nhiễm Phenol vẫn an toàn thì tôi xin nói là cấp trên luôn đúng”.

Ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế khẳng định các chuyên gia thống nhất hàm lượng Phenol trong cá nục được phát hiện ở Quảng Trị không nguy hại đến sức khỏe, người ăn vào thì dễ dàng thải ra ngoài do bài tiết qua da, nước tiểu.
Trong khi đó, PGS – TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) khẳng định Phenol là một hóa chất độc. Nếu trong cá nục là Phenol đa vòng thơm thì rất nguy hiểm cho con người, có những chất nghi ngờ gây ung thư, và khi đã vào cơ thể người thì rất khó để đẩy ra.
Tôi đề nghị các nhà khoa học, nhà quản lý cần thể hiện trách nhiệm với cộng đồng bằng cách nói một cách chuẩn xác, một lần, to, rõ, không tuy nhiên gì cả rằng lô cá nục gần 30 tấn được cơ quan chuyên môn của ngành Y tế Quảng Trị kiểm nghiệm có chứa chất Phenol là có ăn được không hay phải tiêu hủy?
Các chuyên gia mà ông Cục trưởng nói là những ai vậy? Nếu có vị nào đó vừa tuyên bố ăn được, mà còn nói thêm tôi sẽ vào Quảng Trị để ăn cá đó cho báo đài quay phin chụp ảnh và mặc sức loan tin thì nói thiệt, gia sản của tôi chỉ mỗi cái ôtô bằng một phần mười mấy của anh Thanh Hậu Giang, tôi xin hứa sẽ trao ngay chìa khóa cho anh ăn đó.

PGS -TS Nguyễn Duy Thịnh: “Nếu Cục ATTP nói ăn cá nhiễm Phenol vẫn an toàn thì tôi xin nói là cấp trên luôn đúng”.
Hôm qua tờ CAND loan, có nguồn tin cho biết, số cá nục có chất Phenol ở Quảng Trị được thu mua ngay vào thời điểm cá biển ở miền Trung chết hàng loạt. Sau khi đưa vào bảo quản bằng việc đông lạnh một đêm, sáng hôm sau chủ cơ sở kinh doanh này mở kho kiểm tra, thì tá hỏa phát hiện số cá này bị vữa ra, bốc mùi hôi rất lạ; đồng thời 2 công nhân của cơ sở này ăn 2 con cá trong số cá được thu mua kể trên cũng bị ngộ độc… Tôi đề nghị những người tuyên bố cá nhiễm Phenol ở Quảng Trị không độc, ăn được, không ảnh hưởng tới sức khỏe nên dành thời gian đọc chậm các dòng thông tin trên.

CÁ NHIỄM PHENOL DƯỚI GÓC ĐỘ KHOA HỌC VÀ LUẬT PHÁP

TS NGUYỄN SÍ PHƯƠNG/ BVN 20-6-2016

clip_image002
Cơ quan chức năng kiểm tra lô cá nục suôn 30 tấn bị nhiễm phenol. Ảnh: HƯNG THƠ
Sự kiện 30 tấn cá nục đông lạnh ở Quảng Trị nhiễm phenol 0,037mg/kg, dù đã được cơ quan chức năng tiêu hủy, vẫn sôi sục truyền thông, lo ngại cho sức khoẻ người tiêu dùng nguồn thực phẩm cá hải sản từ Biển Đông khi chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh bảo đảm an toàn. Trong khi, có thông tin cho rằng, “cá nục nhiễm phenol không đáng ngại” khiến người tiêu dùng không biết đâu mà lần.
Mâu thuẫn về khoa học và luật pháp
Về mặt khoa học không còn phải bàn cãi, phenol là hoá chất thuộc lĩnh vực công nghiệp. Về mặt luật pháp, cũng chính vì lý do khoa học trên, nên phenol thuộc danh mục chất cấm trong lĩnh vực thực phẩm (còn độc như thế nào cơ chế tác động ra sao không phải nội dung bàn cãi của người mua, bán, sử dụng, mà là công việc của giới nghiên cứu khoa học).
Từ tiền đề khoa học và luật pháp phổ quát trên, thế giới không đưa ra ngưỡng hàm lượng phenol an toàn trong thực phẩm. Điều đó được hiểu nếu phát hiện có dấu hiệu định tính phenol chứ không cần định lượng bao nhiêu là buộc phải hủy do luật pháp chế tài. Trong khi những hoá chất được pháp luật đưa ra ngưỡng giới hạn, thì chỉ bị hủy khi thực phẩm có hàm lượng hoá chất vượt ngưỡng đó.
Thế nhưng, lo ngại là có thông tin trên truyền thông cho rằng phenol vẫn sử dụng được vì luật pháp các nước "không đưa ra ngưỡng". Lập luận này lấy chủ quan làm thước đo, đặc biệt khi đưa ra kết luận mà không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào: “Với hàm lượng 0,037mg/kg, nếu một gia đình 4 người ăn 1kg thì nồng độ chỉ còn 0,009mg/ngày. Lượng ăn này không nhiều, khi vào cơ thể không đủ tác động ngay, lại bị đào thải một phần nên không đáng ngại”.
Bỏ qua căn cứ khoa học phenol là hoá chất công nghiệp và cơ sở pháp lý cấm dùng trong thực phẩm buộc phải tiêu hủy, việc lấy thước đo “tiền“ ra so sánh “30 tấn cá rất nhiều tiền, có khi cả cơ nghiệp của người dân“, và đưa ra lời khuyên “trường hợp này không nhất thiết phải tiêu huỷ“ là hết sức phản cảm. Trong khi, phát triển kinh tế ở ta cũng như thế giới lấy bảo đảm môi trường, sức khỏe làm thước đo. Nghĩa là môi trường và sức khoẻ được ưu tiên trước kinh tế. Cuộc sống hằng ngày cũng vậy, ở Đức cảnh sát luôn khuyên người dân, khi bị cướp giật trấn lột, không nên chống cự, mà làm theo lệnh của chúng để bảo toàn thân thể, tính mạng. Nghĩa là tiền không là gì so với an toàn thân thể, nhất là tính mạng.
Không tuân thủ quy trình ATVSTP
Nguy hại hơn là có thông tin đưa ra cách để cứu 30 tấn cá nhiễm phenol bằng quy trình tẩy độc, “hợp chất phenol rất dễ hoà tan trong nước, nên có thể xử lý bằng cách rã đông cá tự nhiên. Có thể lấy nước đá lạnh ngâm cá rồi tháo nước đi, làm 2-3 lần sẽ khiến phenol giảm nồng độ. Sau đó kiểm tra lại nồng độ phenol một lần nữa trước khi cấp đông trở lại”. Nếu quả thật luật pháp nước ta cho phép điều đó, thì quy trình vệ sinh thực phẩm ở ta rất lạc hậu, không hoà nhập thế giới. Ở Đức chỉ cần mang thực phẩm đông lạnh ra khỏi tủ lạnh đông tới quầy trả tiền là bắt buộc phải mua không được trả lại hàng (trong khi quần áo mua xong vài ba tháng trả lại là chuyện thường). Lý do thuộc về ngành khoa học hoá vi sinh. Bất cứ thực phẩm đông lạnh nào khi tiếp cận không khí bên ngoài, bề mặt của nó cũng đạt nhiệt độ gọi là nhiệt độ “ơ tắc ti“. Ở nhiệt độ đó, nước cùng lúc ở cả 3 thể nước, rắn, và khí (nhìn tảng nước đá vận chuyển mùa hè, hơi nước bay nghi ngút, bề mặt nước lênh láng chính là ở nhiệt độ ơ tắc ti). Do ở thể khí, nước, nên vi khuẩn dễ xâm nhập và khi bỏ trở lại vào tủ lạnh đông, thực phẩm sẽ chứa luôn vi khuẩn xâm nhập đó dạng ngủ đông. Thời hạn bảo quản ngắn lại, và khi chế biến không bảo đảm an toàn. Nói cách khác, thực phẩm không được phép làm đông lạnh 2 lần, được quy chuẩn trong mọi văn bản luật liên quan ở các nước.
Sự kiện cá hải sản chết bởi nhiễm độc ở ta không phải nằm trong phạm vi hẹp nhỏ, hay chỉ xảy ra trong một vài ngày có thể giải quyết dễ dàng trong phạm vi địa điểm và thời gian đó, mà ở tầm quốc gia, kéo dài 2 tháng nay, nên chỉ có thể giải quyết ở tầm cấp quốc gia, tức tầm cấp ra chủ trương chính sách pháp luật, rất cần được cung cấp đầy đủ căn cứ khoa học luật pháp làm nền tảng trước khi ban hành.
Ở các nước tiên tiến, chừng nào các luật lệ và quy định trên chưa thể ban hành thì chừng đó mọi rủi ro liên quan tới an toàn sức khỏe tính mạng người dân phải được chặn đứng bằng phương pháp khẩn cấp, cấm lưu thông, tiếp xúc, sử dụng.
N. S. P.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét