Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016

20160605. HỘI ĐỒNG DỞM TẠO RA TIẾN SĨ DỞM

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐÀO TẠO TRÊN ĐẠI HỌC: NHỮNG CHUYỆN CƯỜI RA NƯỚC MẮT
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 5-6-2016
Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục
Kính gửi ông Bộ trưởng,
Tôi là Nguyễn Đình Cống, Giáo sư của Trường Đại học Xây dựng, đã nghỉ hưu. Tôi viết thư này nhân dịp ông vừa nhận chức Bộ trưởng không lâu và báo chí gần đây đưa tin về đào tạo quá nhiều Tiến sĩ kém chất lượng. Tôi tham gia khá nhiều công việc trong đào tạo trên đại học, biết không ít chuyện vui buồn, xin kể vài chuyện để cung cấp thông tin, trao đổi về nhận định và góp vài ý kiến nhằm chấn hưng nền giáo dục.
I - Một số chuyện vui buồn
Chuyện vui và thành tích có nhiều, tôi không phủ nhận, hơn nữa ông biết nhiều và biết rõ hơn tôi, nên tôi xin không kể ra. Chỉ xin kể vài chuyện buồn mà tôi biết rõ còn ông chưa biết.
Chuyện 1 - GS TSKH Nguyễn T đã hướng dẫn vài chục NCS làm luận án Tiến sĩ, đã bảo vệ. Trong một lần làm phản biện cho một luận án bảo vệ ở cấp cơ sở, sau khi nghe các ủy viên hội đồng góp nhiều ý kiến về thiếu sót và nhầm lẫn, GS T phát biểu một câu làm tôi và nhiều người lạnh sống lưng: “Luận án tiến sĩ chứ có phải cái gì quan trọng đâu mà các anh đòi hỏi chính xác và chặt chẽ đến vậy”.
Chuyện 2 - Ở một HĐ bảo vệ luận án TS nọ thuộc chuyên ngành mà tôi biết rõ. Trong lúc các phản biện (công khai và kín) khen hết lời thì Chủ tịch HĐ vạch ra chỗ sai, yêu cầu NCS trả lời. Không những NCS mà cả thầy hướng dẫn đã công nhận chỗ sai đó. Tôi theo dõi, nghĩ rằng với sai sót như vậy thì may lắm luận án được đánh giá trung bình, còn không thì phải dừng bảo vệ để NCS về sửa chữa chỗ sai. Không ngờ phần đông các ủy viên cho điểm 9 và 9,5, luận án đạt mức giỏi.
Chuyện 3 - Trong một lần tôi ngồi chơi vui vẻ với 2 GS và một thầy giáo trẻ. Anh bạn trẻ nói: “Em xin lỗi trước, nhưng phải nói Giáo sư các anh là một lũ tội phạm của dân tộc”. Tôi đã công nhận câu nói đó là đúng vì chính những GS thực thụ đào tạo ra các tiến sĩ dỏm bậc 1, đến lượt TS dỏm đó trở thành GS dỏm, đào tạo tiếp TS dỏm bậc 2, Thạc sĩ dỏm, Cử nhân dỏm, và cứ thế mà nối tiếp, đến lúc phần lớn trí thức trên toàn quốc là đồ dỏm. Thế không phải tội phạm của dân tộc là gì.
Chuyện 4 - Một lần ở nhà khách của Trung tâm đào tao thường xuyên tỉnh Q B, thầy giáo P khi nghe giới thiệu tôi là GSTS đã phát biểu: “Cứ mỗi lần được nghe giới thiệu ai là Giáo sư Tiến sĩ tôi cứ nghĩ không biết mình đang gặp một người nên trọng hay nên khinh”.
Chuyện 5 - Giáo sư N, bạn tôi, được mời làm Chủ tịch hội đồng bảo vệ luận án Tiến sĩ của NCS tên T, ông đã từ chối vì theo ông thì luận án không có gì mới, chưa đạt yêu cầu. Người ta đã mời GS khác làm Chủ tịch, cũng luận án ấy thôi, được HĐ đánh giá xuất sắc.
Chuyện 6 - Tôi được mời làm phản biện kín cho một luận án Tiến sĩ. Tuy các tên liên quan đã được cắt bỏ, nhưng là dân trong ngành, qua các thí nghiệm đã làm và các bài báo đã đăng, không những tôi mà nhiều bạn khác biết rõ ai đã là tác giả luận án ấy và người nào hướng dẫn. Tôi nhận xét là phương pháp nghiên cứu và kết quả chưa đủ độ tin cậy, đề nghị bổ sung, có nghĩa là luân án chưa hoàn chỉnh. Thế nhưng ngay sau đó luận án vẫn được bảo vệ với đánh giá xuất sắc.
Chuyện 7 - Tôi thường được đi dạy môn Phương pháp luận NCKH cho một số lớp cao học ngành kỹ thuật xây dựng ở các địa phương. Các lớp này có một số môn phải dùng toán nhiều. Tôi hỏi các học viên: Với các môn toán nhiều và khó như vậy các cậu có hiểu hết không. Đa số trả lời không hiểu gì hết. Tôi nẩy ra ý nghĩ kiểm tra trình độ toán của các Kỹ sư, học viên cao học xem sao. Tôi ra các bài toán từ trình độ tiểu học đến đại học, trong đó có bài cộng trừ phân số, tính diện tích hình thang, tính cạnh tam giác vuông dùng định lý Pythagore... Gần hai phần ba số học viên không làm được những bài toán cấp tiểu học và trung học cơ sở như vậy. Tôi nói, các cậu quên hết toán sơ cấp, thế mà khi thi đầu vào cao học phải thi toán cao cấp, làm sao mà học được, thi được. Câu trả lời: thi được chủ yếu bằng gian lận. Tôi hỏi, quy chế và coi thi nghiêm lắm kia mà, làm sao gian lận được. Trả lời: nghiêm chỉ là hình thức bịp bợm bên ngoài mà thôi.
Tạm kể 7 chuyện. Còn hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn chuyện dở khóc dở cười về đào tạo trên đại học, chắc Bộ trưởng cũng đã nghe nhiều.
II - Một số nhận định
Đã có nhiều người nói và viết về sự xuống cấp của nền giáo dục, về chất lượng quá thấp của nhiều Tiến sĩ, Thạc sĩ. Họ có bằng thật nhưng kiến thức dỏm. Đó là nói về đào tạo trên đại học. Còn dưới nữa thì ngay cả các học sinh phổ thông cũng đã có những phát biểu làm nhiều người lạnh sống lưng. Không biết trước đây Bộ trưởng đã được nghe chưa.
Nếu căn cứ vào quy chế, quy trình đào tạo thì mọi khâu đều rất chặt chẽ, rất nghiêm chỉnh, khó tìm ra sơ hở, nhưng cứ nhìn vào thực tế mới biết các lỗ thủng lớn đến mức nào. Trong một thư gửi Bộ trưởng trước đây về đào tạo tại chức tôi có nhận định: “Thầy trò lừa dối lẫn nhau và cùng với đơn vị đào tạo lừa dối xã hội, càng lừa dối được nhiều, thành tích càng lớn”. Cả thầy, trò, đơn vị đào tạo và cơ quan quản lý đều thi nhau lừa dối, sống được, tồn tại được là nhờ lừa dối. Một số nhà khoa học thời gian đầu không nỡ lừa dối và bị thiệt thòi, họ bảo nhau: “Cả xã hội này sống được nhờ lừa dối, cấp trên càng lừa dối nhiều hơn, vậy chúng ta dại gì mà giữ trung thực để chịu thiệt, thôi thì gặp thời thế thế thời phải thế, lụt thì lút cả làng, cấp trên đang muốn có nhiều người có bằng Tiến sĩ, chúng ta được giao quyền, có nhẹ tay một chút sẽ có lợi cho nhiều bên, thời buổi bây giờ làm được người trung thực là khó”.
Chính vì để làm người trí thức trung thực là quá khó trong một xã hội chịu sự toàn trị với đầy dẫy tham nhũng, mua quan bán tước và xuống cấp đạo đức nên trong thư gửi Quốc hội tôi có nêu ý kiến là: “Cuộc cải cách giáo dục chưa thể thực hiện một cách toàn diện, nếu cứ cố mà làm vội, tiêu tốn nhiều tiền của và công sức thì có khả năng thay những sai lầm này bằng các sai lầm khác mà thôi. Để chấn hưng nền giáo dục, trước mắt chỉ nên chọn làm một vài việc cấp thiết”.
Về những vấn đề của nền Giáo dục tôi đã có thư gửi các Bộ trưởng trước đây, có 3 thư gửi Quốc hội trình bày một số ý kiến và nhận định, một số đề nghị, nhưng tất cả đều không được hồi âm. Viết thư này tôi cũng đã dự kiến rồi nó sẽ rơi tiếp vào im lặng. Thôi thế cũng được, Bộ trưởng không có thời gian đọc thì nhờ thư ký tóm tắt và báo cáo lại. Tôi viết là thấy cần phải viết, lương tâm bảo nên viết.
Trước hết xin Bộ trưởng chớ quá tin vào các quy trình, quy chế. Việc tổ chức thực hiện quan trọng hơn. Quyết định chủ yếu vẫn là con người với 2 phẩm chất cơ bản: Trình độ và trách nhiệm. Trong những người tham gia vào quá trình đào tạo thì những người ở trong các hội đồng đánh giá có vai trò then chốt. Tôi đã tham gia nhiều hội đồng và tạm phân ra 3 loại : 1 - Hội đồng nghiêm chỉnhgồm các ủy viên có đủ trình độ và trách nhiệm cao, sẽ đánh giá tương đối đúng thực chất của luận án theo tiêu chí khoa học, không bị một áp lực nào khác cả. 2 - Hội đồng gà mờ gồm một số ủy viên thiếu một hoặc cả hai phẩm chất cần thiết, đánh giá luận án chủ yếu theo cảm tính, bị chi phối bởi các quan hệ ngoài khoa học. 3 - Hội đồng đểu gồm phần lớn các ủy viên chỉ đánh giá luận án theo quan hệ xã hội, chạy theo thành tích dỏm. Hiện chưa có đánh giá nào về tỷ lệ phần trăm các loại HĐ bảo vệ đồ án ở đại học, bảo vệ luận văn Thạc sĩ và bảo vệ luận án Tiến sĩ của các ngành và các cơ sở đào tạo khác nhau.
III - Một vài đề đạt
Trong gần 60 năm làm việc trong ngành giáo dục và trong vài chục năm suy nghĩ vể các biện pháp chấn hưng nền giáo dục tôi cũng đã đúc rút ra được 7 phương sách quan trọng.
Trong những thư gửi Bộ trưởng và Quốc hội kể trên, tôi đã trình bày, phân tích và đề nghị nhiều vấn đề của nền giáo dục, trong đó có một vài phần thuộc các phương sách. Tôi đoán là Bộ trưởng chưa biết đến các thư đó. Nếu Bộ trưởng muốn xem chỉ cần bảo thư ký gọi điện thoại hoặc gửi Email cho tôi, yêu cầu cung cấp, tôi sẽ xin tuân lệnh ngay lập tức.
Tôi chưa biết được việc Bộ trưởng có muốn nghe toàn bộ 7 phương sách hay không nên không dám trình bày tất cả mà chỉ xin nêu 1 ý kiến thuộc sách số 4: Xiết chặt sự đánh giá.
Về đào tạo sau đại học, tôi đề nghị Bộ trưởng hết sức quan tâm vì tác dụng lan tỏa rộng lớn, vì tầm quan trọng của nó. Hơn nữa so với phổ thông và đại học thì việc đào tạo trên đại học có quy mô hẹp hơn nhiều và đang gây lắm bức xúc.
Chỉ khi có HĐ nghiêm chỉnh, không có HĐ đểu hoặc gà mờ tồn tại thì tự khắc NCS, người hướng dẫn, cơ sở đào tạo cũng tự khắc phải lo đáp ứng yêu cầu cao của HĐ đặt ra, không thể làm qua loa, không thể lừa dối. Lúc đó người không có khả năng không dám làm NCS, người không đủ trình độ không dám nhận hướng dẫn, các cơ sở đào tạo không dám lừa dối và làm liều.
Nhưng làm sao để có được các HĐ nghiêm chỉnh và bằng cách nào kiểm tra, kiểm soát công việc của các HĐ? Nhà nước dùng HĐ để đánh giá công việc của người này người nọ, nhưng sẽ dùng ai, dùng cái gì để đánh giá công việc của HĐ. Tòa án cũng có HĐ, đó là HĐ xét xử. HĐ bảo vệ luận án và HĐ xét xử của tòa án có mục đích khác nhau nhưng phương pháp làm việc gần giống nhau. Tòa án có HĐ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tối cao. Còn các HĐ bảo vệ luận án thì sao. Phải chăng các Giáo sư, các ủy viên HĐ sẽ trở thành tội phạm khi dùng quyền lực của mình để chứng nhận cho ai đó được cấp văn bằng không tương xứng với trình độ, dù xuất phát từ lý do gì. Ngoài ra có cách gì kiểm tra, đánh giá những văn bằng đã được cấp để nếu phát hiện gian dối thì thu lại, việc này gần giống như xét lại và đền bù cho các án oan sai.
Thư không thể viết dài. Trước khi kết thúc tôi xin cầu mong Bộ trưởng giữ được sức khỏe, có nhiều đóng góp xứng đáng để chấn hưng nền giáo dục. Nếu Bộ trưởng muốn biết toàn bộ các kế sách tôi đã nghĩ ra, chỉ cần bảo thư ký thông báo, tôi sẽ xin trình bày.
Vì không tìm được đìa chỉ Email của Bộ trưởng nên tôi đã gửi thư này đến các địa chỉ của Bộ Giáo dục, nhờ chuyển : Toasoan@giaoduc.net.vn;Bogddt@moet.edu.vn.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
NTB- Tôi định viết chủ đề này từ lâu như thể một cách giải mã về  hiện tượng :'Tiến sĩ dởm, Giáo sư dởm' mà xã hội đang bức xúc. GS Nguyễn Đình Cống đưa ra những chuyện tưởng như đang nói ở Trường ĐH MĐC của tôi vậy. Tôi còn gì để viết nữa đây ? Cám ơn giáo sư Cống nhiều.
    Làm nghề gì cũng phải có tính chuyên nghiệp, tức là có đầy đủ các tố chất: đạo đức, kiến thức, kỹ năng để tạo ra những sản phẩm tốt nhất, hiệu quả nhất và ít sai lầm nhất.  Cũng vì thế tôi liên tưởng tới  ý kiến của GS Ngô Bảo Châu trong cuộc tọa đàm : 'Nâng cao tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học' được dăng lại dưới đây:
TỌA ĐÀM VỚI GS NGÔ BẢO CHÂU: NÂNG CAO TÍNH CHUYÊN NGHIỆP TRONG NGHIÊN CƯU KHOA HỌC
VNU PRESS/ 14-4-2014
Chiều 16/12/2013, tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo đã diễn ra buổi tọa đàm cùng Giáo sư Ngô Bảo Châu về chủ đề “Nâng cao tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học”. Đây là chương trình café số 5 do Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN tổ chức.
  1. TS Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc ĐHQGHN đã tới dự và tham gia tọa đàm.Tham dự buổi tọa đàm có các cán bộ quản lí, các nhà khoa học và sinh viên Chương trình đào tạo Nhiệm vụ chiến lược của ĐHQGHN.
Nghiên cứu khoa học – Động lực và Phương thức để nâng cao chất lượng đào tạo
GS.TS Nguyễn Hữu Đức bày tỏ vui mừng trước sự trở lại ĐHQGHN và giao lưu với các nhà khoa học, sinh viên ĐHQGHN của Giáo sư Ngô Bảo Châu. Phó Giám đốc ĐHQGHN cho biết, Câu lạc bộ nhà khoa học ĐHQGHN (viết tắt là VSL) được GS. Ngô Bảo Châu nhận lời mời làm Chủ tịch danh dự và hôm nay là buổi giao lưu đầu tiên của GS. Châu với các thành viên VSL và sinh viên Nhiệm vụ chiến lược ĐHQGHN. Câu chuyện của chương trình Café số 5 xoay quanh chủ đề “Nâng cao tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học”. Phó Giám đốc chia sẻ, hiện tại hoạt động NCKH của Việt Nam nói chung và của ĐHQGHN nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Qua khảo sát các thông số trong thời gian gần đây, chỉ số sáng tạo tri thức của Việt Nam mới xếp thứ 76/141 quốc gia, chỉ số kinh tế tri thức còn xếp đến 106/145 quốc gia. Những xếp hạng này được đánh giá thông qua rất nhiều tham số: thể chế, chất lượng nguồn nhân lực, các sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo và đặc biệt là sự tinh tế của thị trường khoa học công nghệ. Đâu là tham số mấu chốt mà Việt Nam và ĐHQGHN cần quan tâm để tháo gỡ nút thắt và thúc đẩy hoạt động KHCN? Hiện tại, thế giới chia làm 4 nhóm các trường đại học theo xu hướng: nhóm dẫn dắt (leader); nhóm theo sát (follower); nhóm mở rộng (extender) và nhóm khai thác (exploiter). ĐHQGHN chọn theo xu hướng nào?
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh, ĐHQGHN luôn kiên định với định hướng phát triển thành ĐH nghiên cứu. ĐHQGHN xác định NCKH là nền tảng, là động lực của mọi hoạt động. Khi thực hiện tốt NCKH thì đó cũng là phương thức để nâng cao trình độ và chất lượng các giảng viên, nhà khoa học; là phương thức để nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời cung cấp nhiều sản phẩm KH&CN cho cộng đồng và phục vụ xã hội.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức thông tin thêm, các đại học thế giới đã và đang phát triển theo các truyền thống khác nhau như: Các đại học của Anh phát triển theo hướng nhân văn và tự do học thuật rất cao. Các ĐH của Pháp và Nga quan tâm đến phát triển hàn lâm và tinh hoa, trong khi đó các đại học của Đức quan tâm đến nghiên cứu. Các ĐH Mỹ tích hợp truyền thống của Anh và Đức - có tính nhân văn, tự do và nghiên cứu cao. Cùng với hoàn cảnh lịch sử, các đại học của Việt Nam có ảnh hưởng nhiều từ văn hóa đại học Pháp, Nga và văn hóa khoa bảng - đại học gắn liền với huấn luyện, quan tâm bằng cấp, bổ nhiệm. Theo GS Nguyễn Hữu Đức, vượt qua tất cả bất cập trên, chúng ta cần xác định được các yếu tố cơ bản để mọi phát triển đều có tính bền vững. Có lẽ nên phải bắt đầu từ tính chuyên nghiệp trong mọi hoạt động, kể cả hoạt động nghiên cứu khoa học. Tính chuyên nghiệp phải bắt đầu từ các quan niệm, quan điểm và cách xác định hướng đi… Nghiên cứu khoa học nên được quan niệm cũng là một nghề, với đam mê và sứ mệnh cao cả. Khoa học cũng vị nhân sinh, vì cuộc sống của mỗi người và cả nhân loại.
Câu chuyện của Giáo sư Ngô Bảo Châu, các nhà khoa học và sinh viên ĐHQGHN tại  chương trình café số 5xoay quanh sự bài bản và chuyên nghiệp trong NCKH, hướng đi cho nghiên cứu hoa học, nghề NCKH, uy tín NCKH, sản phẩm đầu ra của NCKH,…
Nghiên cứu khoa học với quy trình 10 bước
  1. Ngô Bảo Châu – cựu học sinh của Khối PT chuyên Toán, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN chia sẻ, cuộc đời khoa học của anh được may mắn có môi trường giáo dục tốt, có những người cha, người anh trong khoa học, người thầy dẫn dắt từng bước, làm sai được sửa nên quy trình đã thấm vào máu thịt. GS. Ngô Bảo Châu đã chia sẻ nhiều “bí quyết” để trở thành nhà khoa học, những kinh nghiệp bước đầu để có một lòng tâm huyết nghiên cứu khoa học lâu dài. GS. Ngô Bảo Châu đã đúc kết quy trình NCKH gồm 10 bước và 3 phẩm chất cần có của NCKH.
Thứ nhất, phải xác định được lĩnh vực nghiên cứu, có thể phụ thuộc vào khả năng chuyên môn. Một sinh viên hay người nghiên cứu mới vào nghề phải có người hướng dẫn. Cũng có trường hợp người đó có chuyên môn nhất định trong lĩnh vực khác với lĩnh vực anh ta lựa chọn. Nhưng cả 2 trường hợp đều phải có hành trang: có người hướng dẫn, xác định được hành trang để tự tin chứ không phải đi tay không đến “xứ sở” mới.
“Điểm xuất phát của nghiên cứu bắt đầu bằng câu hỏi. Thành công của nghiên cứu liên quan nhiều đến câu hỏi ban đầu. Để tìm ra câu hỏi đúng thì cần có kinh nghiệm nghiên cứu. Trong môi trường hiện đại, tính chuyên nghiệp cao, sinh viên tự xác định được câu hỏi là việc khó vì chưa có kinh nghiệm thì khó xác định đó có phải vấn đề thời sự không, có trong khả năng giải quyết không. Vấn đề trong khả năng giải quyết thì không còn thời sự, vấn đề thời sự thì nằm ngoài khả năng” GS. Châu đưa ra một nghịch lí các nhà khoa học trẻ hay mắc phải.
  1. Ngô Bảo Châu cũng chia sẻ, cách nhanh nhất để xác định những vấn đề nóng hổi và không tưởng là phải tham gia các hội thảo khoa học. Bản thân GS vẫn thường xuyên tham gia hội thảo, nghe báo cáo của các đồng nghiệp để nắm vững các vấn đề khoa học, xem khoa học đang đi về đâu, xu hướng, vấn đề gì mấp mé mà sinh viên có thể làm được.
Thứ hai, sau phạm vi nghiên cứu, vấn đề, cơ hội, xác định câu hỏi thì những người làm nghiên cứu phải tập hợp tất cả những bài báo, công trình nghiên cứu khoa học để biết chính xác câu hỏi đã được giải quyết đến đâu. Không nên chọn những vấn đề quá khổ, quá khó hoặc không ai quan tâm nữa.
Thứ ba, phải đọc và xác định đâu là bài báo kinh điển, biết được tư tưởng quan trọng nằm ở đó, ai đã từng làm, làm đến đâu, sử dụng kĩ thuật gì. GS. Châu nói, cách đây 20 năm là khó, nhưng với internet hiện nay việc tập hợp thông tin là rất dễ. Tuy nhiên, có 1 việc không thay đổi nhưng đọc được không đơn giản. Lúc này cần môi trường khoa học, bạn bè cùng khám phá đề tài khoa học. Họ phải tự nguyện, phi vụ lợi. Khi tôi muốn nghiên cứu sẽ nói chuyện với các bạn. Các bạn quan tâm thì lập nhóm cùng đọc sách và lập cimenar trình bày lại. Đó là môi trường khoa học gắn kết với nhau.
Khi cập nhật thông tin rồi phải biết hướng giải quyết, thường nằm ngay trong bài báo gần nhất.
Chúng ta sẽ sử dụng phương pháp đương đại nhất, đó là hướng hiện thực nhất, khả thi nhất.
Thứ tư, việc lập kế hoạch không đơn thuần là về chuyên môn, nó còn là về mặt tài chính, phải có đội ngũ làm việc. Bước này mọi chuyện phải minh bạch.
Thứ năm: Giải quyết. Làm khoa học là có rủi ro nhưng trong đầu người làm phải lường trước những khó khăn.
Thứ sáu: Gói lại công việc. Ít khi thực hiện được 100%, đến 1 mức nào đó cần gói ghém lại, làm rõ những việc làm được và chưa làm được. Quan trọng trong đề tài là thực sự bàn về cái gì đó mới. 
Bước này cũng phải chỉ ra những cái chưa làm được. Đó là tiền đề cho khoa học tiếp theo.
Thứ bảy: Viết bài báo khoa học. Kinh nghiệm của GS. Ngô Bảo Châu là chọn 2-3 bài báo cảm thấy chuẩn thì chép tay lại, sẽ hiểu phong cách trình bày bài báo như thế nào.
Thứ tám: Viết xong có thể luân chuyển, gửi bạn bè, đồng nghiệp, xin ý kiến, trình bày ở hội nghị để nhận phản hồi. Sau đó viết lại bài báo.
Thứ chín: Chỉnh sửa bài báo.
Thứ mười: Gửi đến 1 tạp chí. Cần phải chọn tạp chí.
3 phẩm chất quan trọng của nghiên cứu khoa học
  1. Ngô Bảo Châu chia sẻ, phẩm chất cho 1 công trình khoa học cần có là 3 phẩm chất theo thứ tự: Đúng và trung thực, mới và hay. Nhưng quan trọng nhất là đúng và trung thực.
“Hiện nay chúng tôi đang xây dựng tủ sách làm tiêu chuẩn giảng dạy cho người học. Có những cuốn sách kí tên 1 người nhưng hoàn toàn là dịch. Hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, sự gian dối rất dễ dàng bị phát giác. Khi đó các bạn sẽ không còn uy tín trong khoa học nữa, phải mất 10-20 năm để xây dựng lại. Việc mất liêm chính như vậy hoàn toàn không xứng đáng” - GS. Châu nhấn mạnh tính trung thực trong quá trình làm khoa học.
Chia sẻ với các nhà khoa học trẻ và nhiều sinh viên có mặt nghe giao lưu, GS. Ngô Bảo Châu nói rằng, làm khoa học và nghiên cứu khoa học phải xác định tìm cái gì mới, tìm hướng đi mới, không lặp lại. Ở nhiều lĩnh vực, phương pháp nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, kết quả nghiên cứu phải mới.
Với kết quả nghiên cứu mới sẽ được coi trọng nhất, thậm chí nếu trong trường hợp kết quả cũ thì cũng phải xem lại có được phương pháp mới để thuyết phục phương pháp này tới nhiều người khi áp dụng. Để hi vọng với phương pháp mới đó tác giả hoặc người khác có thể làm ra kết quả mới, vì bản thân phương pháp mới không được đánh giá và không được để ý đến, trừ khi chỉ tìm ra được kết quả mới.
  1. Ngô Bảo Châu cũng cho biết, đến giờ khi có nhiều sinh viên vẫn nghĩ khó nhất là tìm đề tài cho mình. Càng khó hơn đối với nhà khoa học trẻ, vì bối cảnh khoa học hiện đại cạnh tranh rất quyết liệt. Bước khó khăn đối với nhà khoa học trẻ là có bước qua được khi làm khoa học tập sự độc lập hay không.
  2. Châu gợi ý: “Ở các Hội thảo, tiếp xúc cá nhân là cơ hội lớn nhất cho các bạn tìm đề tài khoa học thỏa mãn tính thời sự. Những bài diễn giảng, trao đổi bên lề họ sẽ cởi mở hơn nhiều, họ sẵn sàng chia sẻ họ đang làm và mắc những khúc mắc này, kia. Và đây là cơ hội để các bạn trẻ được tham gia vào những công trình lớn”.
Bàn về vấn đề này, GS. Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc ĐHQGHN cho biết, nghiên cứu khoa học có một nghịch lí là kết quả có thể đúng và mới nhưng nội hàm chúng lại mâu thuẫn với nhau, khi đề tài mới thì chưa biết đúng hay sai.
Đừng đánh giá chỉ qua bài báo khoa học
Một nữ sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học băn khoăn hỏi “Thời gian cho công trình nghiên cứu có quan trọng không? Số lượng bài đăng tạp chí rất quan trọng. Nếu em dành cả đời nghiên cứu ý tưởng mà biết nếu có nhiều thời gian sẽ thành hiện thực vậy liệu em có chỗ đứng trong giới khoa học khi lượng bài báo ít ỏi?”
Trầm ngâm, GS. Ngô Bảo Châu đáp lời: “Tôi bị dị ứng trước việc đăng quá nhiều bài nhưng chất lượng không đảm bảo, nhà quản lí chỉ chạy theo chỉ số, máy móc”.
Cảm nhận đồng nghiệp về mình như thế nào dù không số hóa được nhưng đó mới là cái thực chất. Khi đa số đánh giá anh là nhà khoa học nghiêm túc, có ý tưởng mới tức anh nhà khoa học giỏi.
Và tốt nhất nên để đồng nghiệp nước ngoài đánh giá. Nhiều người quan niệm đồng nghiệp nước ngoài họ không hểu trình độ, thực tế Việt Nam nhưng thực ra sai. Họ rất hiểu mình khó khăn thế nào nên nhiều khi không không khắt khe, gay gắt nhiều như trong nước. Vấn đề là anh có dám đưa công trình cho họ đánh giá hay không mà thôi”.
  1. Ngô Bảo Châu khẳng định: “Để có sự đánh giá chính xác, bài báo không quyết định. Không cần phải chạy theo số lượng.
Tuy nhiên giữa 15-20 bài báo không khác nhau mấy nhưng 0 và 1 lại khác. Bạn vẫn phải có bài báo. Khi theo đuổi lâu dài vẫn có mục đích ngắn hạn, vẫn có sản phẩm để họ đánh giá về bạn.
(…) Ở Pháp tôi nghĩ Mỹ thích số lượng bài báo nhưng 7 năm làm việc ở Mỹ thực tế không phải vậy. Suy nghĩ của đồng nghiệp về bạn mới quan trọng và số lượng bài báo nhiều có khi ảnh hưởng ngược lại”.
Về câu hỏi liệu có nên dành cả đời cho một nghiên cứu, GS. Châu đưa lời khuyên, “cần thận trọng. Để làm như vậy đòi hỏi con người có phẩm chất phi phàm, không phải ai cũng có được như vậy. Để có mục đích lâu dài nên có mục đích ngắn hạn. Nếu không bạn sẽ không đủ kinh phí, sức lực theo đuổi cái lâu dài”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét