Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

20170731. TÌNH HÌNH NHÀ NƯỚC NỢ XÂY DỰNG CƠ BẢN

ĐIỂM BÁO MẠNG
NHÀ NƯỚC VẪN NỢ XÂY DỰNG CƠ BẢN TRÀN LAN

TƯ GIANG/ TBKTSG 31-7-2017

Tại nhiều dự án thủy điện, doanh nghiệp tham gia xây dựng bị giữ lại số tiền rất lớn, trong đó thủy điện Lai Châu có giá trị giữ lại hiện nay gần 400 tỉ đồng. Ảnh: evn.com.vn
TBKTSG) - Trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 16-6-2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, theo Luật Đầu tư công, sau năm 2014, các bộ, ngành trung ương, địa phương không được làm phát sinh nợ đọng cơ bản, và nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự.
Những con số khác nhau
Ông Dũng cho biết, từ ngày 31-12-2014 trở về trước, tổng số nợ xây dựng cơ bản khoảng 11.000 tỉ đồng và Chính phủ đã bố trí đủ vốn để xử lý hết nợ đọng đó.
Như vậy, kể từ ngày 1-1-2015, về nguyên tắc, tất cả các khoản đầu tư của trung ương không còn nợ xây dựng cơ bản. “Chúng tôi không có số liệu nào liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản của các bộ, ngành và địa phương. Nếu địa phương nào đang còn nợ đọng xây dựng cơ bản, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và phải tự xử lý, còn phần nợ trung ương đã được bố trí đủ”, ông Dũng khẳng định.
Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như quy định của pháp luật. Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, theo một báo cáo về nợ đọng xây dựng cơ bản, còn 1.111 dự án (hoàn thành từ năm 2005-2014) tồn đọng quyết toán do không đủ hồ sơ quyết toán nên đề nghị hướng dẫn biện pháp xử lý. Báo cáo mà ông Hải dẫn không đề cập đến số nợ cụ thể. Tuy nhiên, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố cuối tuần trước cho biết, số nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách trung ương và trái phiếu chính phủ đến hết kế hoạch năm 2015 chưa bố trí nguồn thanh toán là gần 14.044 tỉ đồng.
Ngoài ra, 30/48 địa phương được kiểm toán phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới hơn 7.227 tỉ đồng, các cơ quan trung ương hơn 107 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết ngày 31-12-2015 so với tổng chi đầu tư phát triển năm 2015 của một số địa phương còn lớn. Chẳng hạn, với tỉnh Hà Nam là 786%; Ninh Bình 232%; Bạc Liêu 152%; Hải Phòng 118%. Thậm chí, một số địa phương chưa xây dựng phương án, kế hoạch và lộ trình xử lý nợ đọng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Việc Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói ai làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản sau ngày 1-1-2015 sẽ bị xử lý hình sự là nói... theo luật. Nhưng luật sẽ xử lý những ai đây?
Những con số trên còn lâu mới đúng với thực trạng của các doanh nghiệp xây dựng đang rơi vào cảnh khóc dở mếu dở. Ông Dương Văn Cận, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho biết theo ước tính của hiệp hội này, con số nợ đọng xây dựng cơ bản phải lên đến 30.000-40.000 tỉ đồng. Có những dự án, gói thầu kéo dài tới 10-12 năm. Có gói thầu của một doanh nghiệp nhỏ, chỉ thi công trong ba năm, nhưng khoản nợ đã lên tới cả trăm tỉ đồng, chiếm 10% giá gói thầu, mặc dù dự án đã quyết toán nhưng nhà thầu vẫn chưa được thanh toán.
Doanh nghiệp chết đứng
Hơn ai hết, các doanh nghiệp xây dựng là người chịu trận.
Tổng công ty Sông Đà phản ánh, nhiều dự án mà doanh nghiệp này tham gia xây dựng bị giữ lại số tiền rất lớn. Chẳng hạn, với dự án thủy điện Sơn La, có những giai đoạn giá trị giữ lại khoảng 400 tỉ đồng; thủy điện Lai Châu giá trị giữ lại hiện nay gần 400 tỉ đồng; thủy điện Hủa Na khoảng 80 tỉ đồng. Thủy điện Sơn La khánh thành từ cuối năm 2012, thủy điện Lai Châu khánh thành cuối năm 2016 đến nay vẫn chưa được phê duyệt quyết toán vốn đầu tư. Đặc biệt, dự án đường Hồ Chí Minh khởi công năm 2000, nghiệm thu hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng năm 2006, đến năm 2013 được Bộ Tài chính phê duyệt quyết toán nhưng đến nay nhà thầu này vẫn chưa được chủ đầu tư thanh toán một vài khoản.
“Công nợ của nhà thầu thi công cũng rất lớn dẫn đến thiếu hụt vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh”, doanh nghiệp này phản ánh trong một hội nghị của Bộ Tài chính về tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản gần đây.
Trong khi đó, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) phản ánh nợ đọng xây dựng của doanh nghiệp này đến 31-12-2014 lên tới 2.346 tỉ đồng, giảm xuống còn 1.182 tỉ đồng vào cuối năm 2015 và 1.185 tỉ đồng vào cuối năm 2016. “Số nợ đọng xây dựng cơ bản đã có xu hướng giảm song vẫn là một con số khá lớn. Nó không chỉ khiến doanh nghiệp trở nên khó khăn mà còn khiến nợ xấu không giải quyết được”, báo cáo của Vinaconex cho biết.
Một báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (Quốc hội) vào tháng 3-2016 cho biết, đến thời điểm 31-12-2014, nợ đọng xây dựng cơ bản và vốn ứng trước nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ lên đến gần 86.996 tỉ đồng. Đáng tiếc, đó là bản báo cáo cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội trước, và không được làm rõ thêm. Việc Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói ai làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản sau ngày 1-1-2015 sẽ bị xử lý hình sự là nói... theo luật. Nhưng luật sẽ xử lý những ai đây?

Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

20170730. VỀ 'CHỦ NGHĨA XÉT LẠI' Ở VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
VÌ LỊCH SỬ VÀ CÔNG LÝ, CHÚNG TÔI LÊN TIẾNG

LÊ MINH NGHĨA/ BVN 28-7-2017

HoangMinhChinh150.jpg
Ông Hoàng Minh Chính
Chúng tôi, những nạn nhân còn sống và thân nhân những nạn nhân đã qua đời trong một vụ án không được xét xử cách nay vừa tròn 50 năm được gọi tắt là "Vụ án Xét lại chống Đảng", một lần nữa phải lên tiếng vì sự thật và công lý, vì lương tâm và nghĩa vụ, vì một đất nước thượng tôn pháp luật.
BỐI CẢNH LỊCH SỬ.
Năm 1956, tại Đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô, Bí thư thứ nhất Nikita Khrushev đã đọc báo cáo quan trọng về chống tệ sùng bái cá nhân Stalin và chủ trương "cùng tồn tại trong hoà bình" giữa hai hệ thống cộng sản và tư bản. Đường lối mới đã được hầu hết các đoàn đại biểu tán đồng tại Đại hội các đảng cộng sản và công nhân quốc tế họp tại Moskva với 81 thành viên tham dự năm 1960.
Đoàn đại biểu Đảng Lao động (Cộng sản) Việt Nam (viết tắt theo tên mới ĐCSVN) do Chủ tịch Đảng Hồ Chí Minh cùng với Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và các ủy viên Bộ Chính trị Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh tham dự đã ký vào bản Tuyên bố chung Hội nghị trên. Đường lối mới này đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kịch liệt lên án, gọi là "Chủ nghĩa xét lại hiện đại".
Sự thay đổi trong nhận định về quan hệ quốc tế đã phân hoá nội bộ một số đảng cộng sản. Trong ĐCSVN cũng xuất hiện hai luồng quan điểm khác nhau. Một bên ủng hộ "cùng tồn tại trong hoà bình", phản đối sự rập khuôn đường lối giáo điều tả khuynh của ĐCSTQ, mở rộng dân chủ trong đảng cũng như trong xã hội, chủ trương hòa bình thống nhất đất nước, phát triển kinh tế đa thành phần.
Bên kia, theo đường lối của ĐCSTQ, chủ trương chống "chủ nghĩa xét lại hiện đại", duy trì xã hội chuyên chính phi dân chủ, đẩy mạnh cải cách xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ hoàn toàn cơ chế kinh tế thị trường, kiên định chủ trương thống nhất đất nước bằng bạo lực.
Cuộc đấu tranh trong nội bộ diễn ra âm thầm nhưng căng thẳng đã kết thúc bằng nghị quyết của Hội nghị Trung ương 9 ĐCSVN họp năm 1963, đi ngược lại Tuyên bố chung Maskva 1960 đã được đoàn đại biểu Việt Nam long trọng ký kết. Nghị quyết 9 (phần đối ngoại), về thực chất là bản sao đường lối của ĐCSTQ đã khởi đầu cho cuộc trấn áp những đảng viên bất đồng chính kiến bị chụp mũ "chủ nghĩa xét lại hiện đại". Cần lưu ý là Chủ tịch Hồ Chí Minh không tham gia biểu quyết nghị quyết này.
Toàn văn Nghị quyết 9 được giữ trong tình trạng tuyệt mật, nhưng nội dung tinh thần được phổ biến cho các đảng viên và trí thức. Vì có quá nhiều tranh cãi nội bộ nên Đảng tuyên bố cho phép bảo lưu ý kiến khác biệt. Thái độ cởi mở này chỉ là biện pháp để phát hiện những người không tán thành.
Nhiều ý kiến bất đồng được biểu lộ công khai như những bài viết của các ông Hoàng Minh Chính - Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin, ông Trần Minh Việt, Phó Bí thư Thành ủy kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội. Những tâm thư của nhiều đảng viên lão thành gửi đến Bộ Chính trị, phản đối đường lối đối ngoại thân Trung Quốc, tranh luận về đường lối giải phóng miền Nam bằng bạo lực, nóng vội trong cải tạo kinh tế xã hội chủ nghĩa và tất cả các ý kiến phát biểu trái chiều tại các cuộc học tập đều được thu thập để rồi trấn áp khốc liệt vào cuối năm 1967.
DIỄN BIẾN SỰ KIỆN
ĐCSVN gọi tắt vụ án này là "Vụ Xét lại chống Đảng" diễn ra năm 1967, nhưng đến tháng 3 năm 1971 mới báo cáo Bộ Chính trị, tháng 1 năm 1972 mới đưa ra Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 20 (khóa III). Theo ông Nguyễn Trung Thành (Vụ trưởng Vụ Bảo vệ đảng thuộc Ban Tổ chức Trung ương) là người trực tiếp thi hành thì Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Lê Đức Thọ nhân danh Bộ Chính trị chỉ đạo việc bắt giữ và giam cầm.
Chiến dịch khủng bố đã bắt đầu vào ngày 27 tháng 7 năm 1967 và kéo dài bằng các cuộc bắt bớ, giam cầm, quản chế nhiều năm các cán bộ trung cao cấp mà không hề xét xử hay tuyên án.
Những người bị giam cầm nhiều năm gồm có:
- Hoàng Minh Chính, Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam, Tổng thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Viện trưởng Viện Triết học.
- Đặng Kim Giang, Thiếu tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần quân đội, Thứ trưởng Bộ Nông trường.
- Vũ Đình Huỳnh, Bí thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vụ trưởng Vụ Lễ tân - Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng Ban thanh tra Chính phủ .
- Lê Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục 2 (Cục Tình báo quân đội).
- Lê Minh Nghĩa, Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng.
- Đỗ Đức Kiên, Đại tá, Cục trưởng Cục Tác chiến.
- Hoàng Thế Dũng, Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân.
- Đinh Chân, nhà báo, Báo Quân đội Nhân dân.
- Nguyễn Kiến Giang, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Bình, Phó giám đốc Nhà xuất bản Sự Thật.
- Trần Minh Việt, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, Vụ trưởng Vụ Tài vụ - Bộ Công nghiệp nhẹ.
- Phạm Viết, Phó tổng biên tập Báo Thời Mới (sau sáp nhập vào tờ Thủ đô Hà Nội thành tờ Hà Nội Mới).
- Nguyễn Thị Ngọc Lan, giảng viên tiếng Anh, Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, vợ ông Phạm Viết.
- Phạm Kỳ Vân, Phó tổng biên tập Tạp chí Học tập.
- Trần Thư, Tổng thư ký Báo Quân đội Nhân dân.
- Hồng Sĩ, Trung tá Công an, đặc trách công tác phản gián, Hải Phòng.
- Trần Châu, nhà báo, Việt Nam Thông tấn xã.
- Lưu Động nhà báo, Trưởng ban Nông nghiệp - Báo Nhân Dân.
- Vũ Thư Hiên, nhà báo, báo Ảnh Việt Nam (con trai cả ông Vũ Đình Huỳnh, không đảng).
- Huy Vân, đạo diễn điện ảnh.
- Phan Thế Vấn, bác sĩ, nguyên cán bộ nội thành Hà Nội.
- Vũ Huy Cương biên kịch điện ảnh (không đảng).
- Nguyễn Gia Lộc, cán bộ nghiên cứu, Viện Triết học.
- Phùng Văn Mỹ, cán bộ nghiên cứu, Viện Triết học.
- Bùi Ngọc Tấn, nhà báo (không đảng).
Và nhiều người khác không phải đảng viên cũng bị ĐCSVN trấn áp với nhiều mức độ khác nhau.
Những cán bộ cấp cao không bị bắt nhưng bị khai trừ Đảng là:
- Ung Văn Khiêm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
- Bùi Công Trừng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước.
- Nguyễn Văn Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
- Lê Liêm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa.
- Minh Tranh, Phó giám đốc Nhà xuất bản Sự Thật.
Một số người đang học tập, công tác ở Liên Xô đã ở lại tỵ nạn như:
- Lê Vinh Quốc, Đại tá, Chính ủy Sư đoàn 308.
- Nguyễn Minh Cần, Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội.
- Đỗ Văn Doãn, Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân.
Nhiều người không bị bắt giam đã bị đày ải, trù dập như các ông:
- Minh Tranh, Phó giám đốc Nhà xuất bản Sự Thật,
- Các nhà báo Đặng Đình Cẩn, Mai Hiến, Trần Đĩnh, Mai Luân… và rất nhiều người khác nữa.
Trong cuộc trấn áp được mở rộng, bất kỳ người nào có quan điểm ít nhiều khác với đường lối của Đảng, đều bị quy kết là "xét lại" và bị trừng phạt với những mức độ khác nhau.
Sự trừng phạt nặng nề còn tiếp diễn vào cuối thập niên 90 đối với ông Nguyễn Trung Thành, người trực tiếp thụ lý vụ này khi ông cùng ông Lê Hồng Hà (Chánh văn phòng Bộ Công an) viết kiến nghị đề nghị Bộ Chính trị xem xét giải oan cho các nạn nhân.
NHỮNG NĂM THÁNG TÙ ĐẦY OAN ỨC VÀ HỆ LỤY
Người được coi là "đầu vụ" là ông Hoàng Minh Chính. Ông bị quy tội vì đã gửi cho Hội nghị Trung ương hai bản kiến nghị, bản thứ nhất phê phán Bộ Chính trị đã từ bỏ nguyên tắc đồng thuận với bản Tuyên bố Moskva 1960, bản thứ hai phê phán đường lối quốc tế sai trái của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lần đầu, ông bị bắt tù 6 năm rồi quản chế tại gia. Lần thứ hai ông bị bắt giam từ năm 1981 đến 1987. Lần thứ ba từ năm 1995 đến 1996. Tổng cộng ông bị 12 năm tù giam và 8 năm quản chế. Là một sĩ quan thương binh, trong thời gian đó, ông phải chịu nhục hình và những hành vi xúc phạm nhân phẩm.
Các ông Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh bị quy là hai người trong "ba kẻ đầu vụ". Cả hai cùng với ông Trần Minh Việt… bị giam 6 năm và chịu thêm 3 năm lưu đầy biệt xứ, ở những địa phương khác nhau. Khi bị bắt, họ bị giam tại xà-lim Hỏa Lò, bị cùm chân và trong phòng giam không có ánh sáng. Nơi giam cầm các ông trong nhiều năm đều là các khu biệt giam, không được giao tiếp với bất kỳ ai.
Ông Đặng Kim Giang cũng bị bắt lần thứ hai năm 1981, trên đường đi đến khu biệt giam ở Nam Định thì lên cơn nhồi máu cơ tim, phải đưa thẳng vào bệnh viện công an và bị giam giữ tại đây cho đến khi bệnh tình nguy kịch, trả về nhà một thời gian thì mất.
Người bị giam lâu thứ hai là ông Vũ Thư Hiên, với 9 năm giam liên tục trong các nhà tù và trại tập trung, có những năm bị giam chung với tù hình sự.
Ông Phạm Viết, năm 1967 đang nghỉ công tác dài hạn để điều trị bệnh tim thì bị bắt, giam vào xà-lim Hỏa Lò. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, vợ ông Viết, người từng bị bắt 3 lần khi hoạt động nội thành Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp, là người phụ nữ duy nhất trong vụ này đã bị tù 2 năm rưỡi vì tội không giao nộp bản luận văn phó tiến sĩ "Về chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam" của ông Trần Minh Việt viết tại Trường đảng Liên Xô. Bản này lúc đó bị vu cho là "bản cương lĩnh chính trị của tổ chức chống Đảng".
Thương tâm nhất trong vụ này là ông Phạm Kỳ Vân, Phó tổng biên tập Tạp chí Học tập. Ông Kỳ Vân bị bắt khi đang điều trị sơ gan cổ chướng, bệnh tình trở nên trầm trọng, ông được tha về để chết. Vợ ông bị chết đuối, con gái đi Thanh niên xung phong hy sinh trên đường Trường Sơn, con gái khác chết khi sinh nở. Người con trai út tuyệt vọng treo cổ tự vẫn. Cả gia đình không một người nào còn sống.
Còn rất nhiều người khác bị trấn áp theo nhiều cách khác nhau mà chúng tôi không thể kể ra hết: bị quản thúc với những cấm đoán ngặt nghèo, bị đưa đi cải tạo lao động, bị tước quyền công dân, tước bỏ các chính sách đãi ngộ. Họ bị đuổi khỏi cơ quan, đơn vị công tác và còn bị cấm làm cả những nghề kiếm sống thông thường như sửa chữa máy thu thanh, làm việc trong các cơ sở in ấn, sửa chữa đồng hồ, kể cả chữa xe đạp hay cắt tóc.
Ban Tổ chức Trung ương còn có chủ trương phân biệt đối xử với con em, gia đình những người bị đàn áp: không được kết nạp vào đảng, không được đề bạt lên vị trí quản lý, không được học các trường đại học được coi là quan trọng, ngoài các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thư viện…, không được cử đi công tác, học tập nước ngoài, không được phân công về công tác tại Hà Nội và làm việc tại các bộ ngành trung ương, cơ quan quan trọng.
Hàng trăm lá đơn khiếu oan, về thực chất là những thư tố cáo đã được gửi tới các cơ quan công quyền cao nhất của Nhà nước và Đảng Cộng sản trong suốt 50 năm qua, yêu cầu xét xử trước một phiên tòa công minh, đòi công khai vụ việc trước dư luận, bồi thường cho những thiệt hại về vật chất, tổn thương về tinh thần, phục hồi danh dự cho các nạn nhân… Tất cả những đòi hỏi chính đáng ấy chỉ được trả lời bằng sự im lặng.
NHẬN ĐỊNH CỦA NHỮNG NẠN NHÂN CÒN SỐNG VÀ THẾ HỆ KẾ TIẾP
50 năm đã trôi qua kể từ khi những nạn nhân đầu tiên của vụ "Xét lại chống Đảng" bị bắt ngày 27 tháng 7 năm 1967. Các ông Dương Bạch Mai, Ung Văn Khiêm, Bùi Công Trừng, Lê Liêm, Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang và nhiều người khác đã qua đời, mang theo đau thương và uất hận. Những người gây ra tấn thảm kịch lớn nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam - Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn, Trường Chinh… - cũng đã chết.
Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã tan rã. Trung Quốc và Việt Nam tuy danh xưng là xã hội chủ nghĩa nhưng trong thực tế đang đương đầu với các thách thức của giai đoạn tư bản bán khai, trước mọi tệ nạn như hối mại quyền thế, tham nhũng, lạm dụng luật pháp, chênh lệch giàu nghèo, vi phạm quyền dân chủ… chưa từng có.
Vụ "Xét lại chống Đảng" cũng như nhiều vụ án oan đã xảy ra trong quá khứ như: Cải cách ruộng đất, Nhân văn - Giai phẩm, Cải tạo tư bản tư doanh, Hợp tác hóa, tập trung cải tạo những người tham gia quân lực và chính quyền Việt Nam Cộng hòa… chưa được các thế hệ cầm quyền kế tiếp chính thức sửa sai và nghiễm nhiên cho rằng việc xử lý trước đây là đúng.
50 năm là một thời gian quá dài cho những oan ức và bất công. Khi sự kiện này xảy ra, những người cầm quyền hiện nay còn quá trẻ, thậm chí có người còn chưa ra đời, hiển nhiên không phải là thủ phạm nhưng họ không thể phủi tay cho rằng mình không có trách nhiệm giải quyết những vụ việc xảy ra trong quá khứ. Là chính quyền kế thừa, họ phải có trách nhiệm với những việc còn tồn tại theo đúng pháp luật, sòng phẳng với lịch sử. Đó là điều phải làm nếu họ còn có ý muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền và lấy lại niềm tin của nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Mỹ, phu nhân ông Đặng Kim Giang, bà Lê Hồng Ngọc, phu nhân ông Hoàng Minh Chính, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, phu nhân ông Phạm Viết, người phụ nữ duy nhất bị tù trong vụ này, ông Vũ Thư Hiên, ông Phan Thế Vấn và nhiều nhân chứng khác còn sống trong vụ này hiện đều đã ở tuổi gần đất xa trời. Những nhân chứng cuối cùng rồi cũng sẽ không còn, nhưng ký ức về vụ trấn áp sẽ còn sống mãi với thời gian.
Lịch sử không thể bị tẩy xoá.
Con cháu những nạn nhân đó dù chỉ là những đứa trẻ khi cha anh bị bắt, chẳng biết "xét lại" là gì, nhưng cũng nếm đủ những khổ cực của cuộc trấn áp tàn bạo nhắm vào thành viên gia đình những người không chịu cúi đầu. Đến nay, họ cũng đã về già nhưng mãi mãi không thể nào quên được những năm tháng đau thương ấy.
Cho tới nay, chúng tôi vẫn còn như thấy trước mắt hình ảnh tướng Đặng Kim Giang, chỉ huy hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ, nằm trong chiếc quan tài hở hoác dưới ngôi nhà tranh dột nát ở ngõ Chùa Liên Phái. Bà vợ ông vừa khóc vừa giã gạch non trộn với cơm nếp, trát kín những kẽ hở của chiếc quan tài ấy.
Chúng tôi không thể quên hình ảnh ông Vũ Đình Huỳnh, nguyên Bí thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thành viên Việt Nam Cách mạng Đồng chí hội từ năm 1925, trước khi ĐCSVN ra đời, bị công an dùng dây thừng trói giật cánh khuỷu khi còng sắt bập vào cổ tay ứa máu mà không vừa. Khi đó ông đã về hưu được vài năm.
Chúng tôi không thể quên nấm mồ của ông Phạm Viết nằm cô quạnh trên sườn đồi heo hút ở cạnh nhà tù Phú Sơn - Thái Nguyên. Ông là người sỹ quan thương binh đã chiến đấu nhiều năm quên mình trong nội thành Hà Nội. Ở tuổi 44, ông lìa đời mà không được có một người thân bên cạnh dù vợ con đã khẩn thiết yêu cầu được chăm sóc ông những ngày cuối đời.
Chúng tôi mãi mãi không thể quên những gì đã thấy, đã biết, đã ghi nhớ.
Và nhân đây chúng tôi cũng muốn gửi tới rất nhiều người đã đồng cảm và giúp đỡ chúng tôi trong suốt nửa thế kỷ qua lời cảm ơn chân thành. Sự chia sẻ trong tình người dù âm thầm hay công khai đã giúp chúng tôi có thêm nghị lực sống.
Bản lên tiếng này cũng là một nén hương muộn cho những nạn nhân đã khuất. Nhưng máu thịt của họ, tinh thần của họ vẫn còn đây, trong chúng tôi.
Chúng tôi cũng gửi bản lên tiếng này tới các vị đứng đầu Đảng và Nhà nước để nói rằng những thế hệ nối tiếp của các nạn nhân trong "Vụ Xét lại chống Đảng" sẽ còn tiếp tục lên tiếng cho tới khi vụ này được công khai trước toàn dân, cho tới khi lẽ công bằng được lập lại cho những nạn nhân còn sống và đã khuất.
Trước sau, lịch sử sẽ phán xét một cách công bằng.
Hà Nội, ngày 27-7-2017
Dưới đây là danh sách những nạn nhân còn sống và gia đình cũng như thân nhân các nạn nhân đã khuất cùng ký tên vào bản lên tiếng này. Danh sách này còn kéo dài do không có điều kiện liên hệ trực tiếp.
- Bà Nguyễn Thị Mỹ, phu nhân ông Đặng Kim Giang và gia đình.
- Bà Lê Hồng Ngọc, phu nhân ông Hoàng Minh Chính và gia đình.
- Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, phu nhân ông Phạm Viết và gia đình.
- Bà Đinh Thị Bích Đào, phu nhân ông Phùng Văn Mỹ và gia đình.
- Bà Nguyễn Thị Oanh, phu nhân ông Lưu Động (tên thật là Nguyễn Xuân Canh) và gia đình.
- Ông Vũ Thư Hiên, con trai ông Vũ Đình Huỳnh và gia đình.
- Ông Phan Thế Vấn và gia đình.
- Ông Trần Đĩnh và gia đình.
- Ông Trần Việt Trung, con trai ông Trần Châu và gia đình.
- Bà Minh Sơn, con gái ông Trần Minh Việt và gia đình.
- Nguyễn Thị Giáng Hương, con gái ông Trần Thư và gia đình.
Nơi gửi :
Gửi tới mọi người Việt Nam và các ông, bà:
- Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam;
- Ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam;
- Ông Nguyến Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam.

'AI BƯNG BÍT THÔNG TIN LÀ LẠC HẬU NHẤT'

TRẦN XUÂN BÁCH/ BVN 28-7-2017

Kết quả hình ảnh cho trần xuân bách 1984
Đó là khẳng định của ông Trần Xuân Bách (1924 - 2006) trong một bài nói chuyện chỉ ít lâu trước khi ông bị Hội nghị Trung ương VIII (khóa VI) của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra vào tháng 3-1990 phê phán gay gắt và thi hành kỉ luật, đưa ra khỏi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương.
BVN đăng lại bài nói chuyện kể trên với mong muốn phụ giúp bạn đọc hiểu thêvề Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bauxite Việt Nam
Chủ nghĩa xã hội thế giới đang đứng trước những thử thách lớn
Một điểm rất thống nhất của toàn xã hội, toàn thể nhân dân hiện nay là trăn trở với tình hình trên thế giới và trong nước, muốn đưa dân tộc ta tiến lên. Trong Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu ta bình chân như vại trước tình hình hiện nay là thiếu trách nhiệm.
Chủ nghĩa xã hội trên thế giới đang đứng trước những thử thách lớn và những triển vọng lớn. Do từ những thử thách của thời đại và những triển vọng lớn cũng là do thời đại. Tất cả các dân tộc đều trong hoàn cảnh bức xúc, cả chủ nghĩa tư bản, cả chủ nghĩa xã hội, cả loài người đều như vậy. Có hai lí do của sự bức xúc:
- Chỉ còn 10 năm nữa là bước sang thế kỉ XXI, dân tộc nào bị tụt hậu vào giữa thế kỉ XXI là nguy hiểm vô cùng, vì đây là thời đại của cách mạng khoa học kĩ thuật, của bùng nổ thông tin và giao lưu quốc tế. Xử lí vấn đề này không thể một nhóm, một người nào làm được. Cả dân tộc phải chuẩn bị và làm công việc này.
- Diễn biến chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa đang căng thẳng, phức tạp và dây chuyền. Vì sao có tính dây chuyền? Vì ta ở trong thời đại thông tin, không thể bưng bít thông tin được. Ai bưng bít thông tin là lạc hậu nhất. Phải cung cấp thông tin đầy đủ để người ta lựa chọn. Không thể nghĩ rằng ở châu Âu thì sôi sục còn châu Á thì ổn định. Không thể chủ quan cho mình là ổn định. Tất cả các nước xã hội chủ nghĩa đều nằm trong sự vận động để tiến lên, đều có những mâu thuẫn lớn, đều phải phá vỡ sức đè nén của những cái cũ, không anh nào có thể yên trí mình ổn định được. Có khi tuần này còn huênh hoang, tuần sau đã bị đảo lộn.
Tình hình chung hiện nay là biểu hiện của tư duy khoa học đang lấn át tư duy giáo điều, tư duy khoa học đang thay thế tư duy giáo điều. Lịch sử đang thay đổi mạnh. Mác trao cho chúng ta vũ khí biện chứng duy vật và biện chứng lịch sử chứ không phải trao ta Kinh Thánh! Việc vận dụng những nguyên lí của chủ nghĩa cộng sản phải căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử đương thời như Mác nói. Mác sống thời chủ nghĩa tư bản cổ điển, ngày nay là chủ nghĩa tư bản hiện đại, có nhiều cái khác với thời Mác. Ngay thời Lê-nin, khi đề ra chính sách kinh tế mới (NEP) cũng đã đổi khác với những dự báo của Mác rồi. Phải có tư duy khoa học. Tụng từng câu "Kinh Thánh" trong sách Mác, không bảo vệ được chủ nghĩa Mác đâu. Ngay cả về chủ nghĩa xã hội, hiện nay đang có những cuộc tranh luận để hiểu nó thế nào cho đúng. Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là đi tới một xã hội, trong đó sự phát triển toàn diện của mọi người là điều kiện cho sự phát triển toàn diện của xã hội như Mác và Ăng-ghen nói trong "Tuyên ngôn Cộng sản". Còn cụ thể như thế nào thì ta phải tìm. Trong Hội nghị Trung ương lần thứ VII, có thảo luận một vấn đề thú vị: Ban Văn hoá Tư tưởng đề nghị nêu những thuộc tính của chủ nghĩa xã hội, nhưng bị bác bỏ.
Ta phải nhận lỗi trước Mác vì đã làm méo mó chủ nghĩa Mác
Cho đến nay, ta thấy có nhiều kiểu chủ nghĩa xã hội: chủ nghĩa xã hội kiểu Sta-lin, chủ nghĩa xã hội kiểu Mao Trạch Đông, chủ nghĩa xã hội kiểu Pôn Pốt. Bây giờ đang có nhiều ý kiến khác nhau về chủ nghĩa xã hội. Những dòng ý kiến khác nhau là quá trình trưởng thành, không sợ gì cả. Ở Liên Xô, người ta đang tranh luận Liên Xô ở vào thời kì nào của chủ nghĩa xã hội, và khái niệm chủ nghĩa xã hội phát triển bị bác bỏ vì nó được dùng để che đậy cho tình trạng trì trệ. Ta phải nhận lỗi trước Mác vì đã làm méo mó chủ nghĩa Mác. Ta đã chọn một mô hình, mà mô hình đó là sự lai ghép chủ nghĩa xã hội phương Tây với chủ nghĩa xã hội phương Đông. Bây giờ ta phải gỡ ra khỏi hai thứ giáo điều ấy.
Phải tiếp tục hoàn thiện tư duy khoa học của Đại hội VI
Vấn đề của mọi vấn đề hiện nay là tư duy khoa học. Đại hội VI đã khởi động theo hướng này và phải tiếp tục hoàn thiện thêm. Đại hội VI đúc kết 4 bài học có tính lí luận, tuy mới ở dạng sơ chế: lấy dân làm gốc, nắm vững quy luật khách quan, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, Đảng phải ngang tầm nhiệm vụ lịch sử. Bản thân Đảng phải trở thành trí tuệ tiên phong của cả dân tộc, muốn thế phải có lí luận tiên phong. Những gì đang diễn ra ở thế giới chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan, là sự phát triển tiến bộ, là thời kì thai nghén chủ nghĩa xã hội đích thực (dân chủ, khoa học, nhân đạo, hiện đại).
Hai xu thế chủ yếu chuyển sang kinh tế hàng hóa và dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa, đó cũng là hai cái mà Đại hội VI khởi động.
Dân chủ không phải là ban ơn
Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ hay dân chủ mở rộng. Đó là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát, do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia. Thực chất của dân chủ hóa là khơi động trí tuệ của toàn dân tộc để tháo gỡ khó khăn và đưa đất nước đi lên kịp thời đại. Từ hai vấn đề đó, xảy ra một vấn đề quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là thế nào? Có nước tự cho mình không cần đổi mới, đã bị bục vỡ. Có nước coi đổi mới kinh tế phải làm nhanh còn đổi mới chính trị thì chầm chậm cũng bục chuyện. Có nước chỉ đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị, đã bục to. Có nước làm cả hai, nhưng không nhịp nhàng, gặp khó khăn. Hai lĩnh vực này phải nhịp nhàng, không chân trước chân sau, không tấp tểnh đi một chân. Từ nay đến hết thế kỉ XX, chủ nghĩa xã hội thế giới sẽ hoàn thiện và trưởng thành một bước lớn. Trong quá trình biến động này, mất đi cái gì? Mất chủ nghĩa xã hội kiểu quan liêu, hành chính - bao cấp, mất tư duy giáo điều. Và như thế là đúng lí luận của Mác, là phủ định của phủ định. Đây là thời kì thai nghén chủ nghĩa xã hội đích thực. Phải có bà đỡ là dân chủ xã hội chủ nghĩa. Có bà đỡ khéo tay, có bà đỡ vụng tay, nhưng phải có bà đỡ.
Cần phải khách quan, bình tĩnh và đổi mới.
Ở Trung Quốc, Giang Trạch Dân đọc diễn văn coi là đã giải quyết được cơ bản vấn đề ăn no mặc ấm. Tôi rất nghi ngờ điều đó. Giang lại nêu lên độc lập tự chủ, tự lực cánh sinh, kế hoạch hóa tập trung và tư tưởng Mao Trạch Đông. Cuộc cải cách của Trung Quốc như vậy là đi theo chu kì vòng tròn, không phải theo đường xoáy trôn ốc. Sau vụ đàn áp Thiên An Môn, Trung Quốc không tuyên truyền về cải tổ ở Liên Xô nữa. Ở Liên Xô, Goóc-ba-chốp coi cải tổ là cuộc cách mạng với các thành phần và các nhân tố khác nhau, đan xen nhau, thống nhất với nhau và độ dài của cải tổ có thể là hàng chục năm. Đồng chí Goóc-ba-chốp nêu lên 3 vấn đề chính của cải tổ là dân chủ hóa, hạch toán kinh tế và cải tổ Đảng. Cải tổ để có chủ nghĩa xã hội nhiều hơn. Đặt vấn đề như vậy là đúng chứ không sai. Kinh tế Liên Xô năm 1989 phát triển chậm nhưng theo Rư-giơ-cốp, mặc dù căng thẳng song không thể quay lại con đường cũ vì đó là ngõ cụt. Năm 1989 là năm khó khăn nhất của Liên Xô nhưng rồi sẽ trở lại bình thường. Liên Xô rất thận trọng trong vấn đề xử lí giá và tỉ giá vì đây là một nước rất lớn.
Trước cuộc khủng hoảng ở các nước xã hội chủ nghĩa, cần phải khách quan, bình tĩnh và phải đánh giá theo quan niệm đổi mới. Sau Hội nghị VII của Trung ương, chúng tôi đã rút kinh nghiệm. Ngày 25-11-1989, Bộ Chính trị chúng tôi đã họp và đánh giá tình hình các nước Đông Âu theo quan điểm đổi mới. Cuộc khủng hoảng ở các nước đó diễn ra trong bối cảnh khoa học kĩ thuật và giao lưu quốc tế phát triển mạnh, ý thức độc lập và dân chủ tăng nhanh và thông tin bùng nổ. Tập thể Bộ Chính trị phân định có hai loại mâu thuẫn cần chú trọng: mâu thuẫn nội tại tích tụ lâu ngày của chủ nghĩa xã hội và mâu thuẫn giữa hai hệ thống. Nguyên nhân khủng hoảng là lãnh đạo sai lầm, vi phạm dân chủ, duy ý chí, bảo thủ trì trệ, đổi mới lệch lạc, đội ngũ đảng viên cán bộ thoái hóa, hư hỏng. Trong khi đó thì chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động triệt để lợi dụng. Bọn đế quốc ngay từ khi chủ nghĩa cộng sản ra đời đã kịch liệt chống lại và luôn nói tới cái chết của chủ nghĩa cộng sản, không có gì mới.
Thái độ của Đảng ta là rút kinh nghiệm Hội nghị VII, cần tránh cả hai thái độ hốt hoảng (cho chủ nghĩa xã hội đang có nguy cơ mất ở Đông Âu) và chủ quan (cho mình chẳng có vấn đề gì lớn, vẫn giả định).
Phải thực hiện dân chủ từ trên xuống dưới.
Bộ Chính trị quyết định phải tiếp tục đổi mới, phải thực hiện dân chủ mạnh mẽ trong Đảng, từ trên xuống dưới, từ Bộ Chính trị trở đi. Cần quán triệt và thực hiện nghị quyết Đại hội VI, Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về công tác đối ngoại và Nghị quyết Trung ương VI về cơ cấu kinh tế.
Không thể dùng quyền lực thay cho năng lực
Vấn đề năng lực của Đảng nổi lên hàng đầu trong lúc này. Không thể dùng quyền lực thay cho năng lực. Thời đại nào có trí tuệ của thời đại ấy. Đảng phải có năng lực trí tuệ. Xã hội ta đã chớm vui vì sức ép lạm phát và thị trường có giảm đi nhưng lòng dân vẫn còn chưa yên. Dân đang đòi hỏi dân chủ hóa, đòi hỏi công bằng xã hội, đòi hỏi cán bộ, đảng viên và Đảng phải vươn lên vị trí tiên phong. Đảng phải kết tinh truyền thống dân tộc và trí tuệ thời đại, không như thế thì không giữ được vai trò lãnh đạo. Đừng đổ lỗi cho cải tổ, đổi mới, cải cách. Đổi mới là cái gương để ta soi. Nếu mặt bị nhơ chỉ rửa mặt chứ không phải là đập vỡ gương. Vấn đề đặt ra lúc này là phải đổi mới đồng bộ, tổng thể, cả cơ chế kinh tế lẫn cơ chế chính trị. Hai vấn đề chủ yếu của cơ chế kinh tế là vấn đề sở hữu và vấn đề thị trường (luận đề: kế hoạch nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên thị trường). Hai vấn đề chính của cơ chế chính trị là: quản lí nhà nước và quản lí kinh doanh, vai trò lãnh đạo của Đảng và quyền lực của nhân dân (luận đề: Đảng nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên xã hội).

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

20170729. QUANH SỰ THUA LỖ THẤT THOÁT CỦA CÁC DỰ ÁN NHÀ NƯỚC

ĐIỂM BÁO MẠNG
CÒN BAO NHIÊU DỰ ÁN THẤT THOÁT, THUA LỖ LỚN TRỞ THÀNH GÁNH NẶNG CHO ĐẤT NƯỚC ?

NGỌC QUANG/ GDVN /BVN 29-7-2017

Nhà máy đạm Ninh Bình là một trong nhiều dự án thua lỗ, trở thành gánh nặng của ngành Công Thương. ảnh: Báo thanh tra.
(GDVN 23/7/2017) - Vấn đề này được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và đặt ra khi thảo luận về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư kí Quốc hội cho biết trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung cụ thể sau đây:
- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (dự kiến giao Uỷ ban Kinh tế giúp chủ trì về nội dung);
- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lí, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội (dự kiến giao Uỷ ban Tài chính, Ngân sách giúp chủ trì về nội dung);
- Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (dự kiến giao Uỷ ban Quốc phòng và An ninh giúp chủ trì về nội dung);
- Việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi (dự kiến giao Hội đồng Dân tộc giúp chủ trì giúp về nội dung).
Thảo luận về việc lựa chọn các chương trình giám sát, Phó chủ tịch Quốc hội - ông Phùng Quốc Hiển cho biết 2 trong 4 nội dung là giám sát cổ phần hóa và giám sát trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài, đã thực hiện giám sát rồi. Vì thế nên cân nhắc giám sát ở tầm rộng hơn. Ông Hiển đề nghị tập trung vào lĩnh vực rất quan trọng là giám sát việc sử dụng vốn ODA, vì đã bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém trong quản lí. Về giám sát cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, theo ông Phùng Quốc Hiển, lựa chọn như vậy chỉ gói gọn trong một nhánh, do đó cần phải mở rộng hơn: giám sát việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trong đó có cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, có cả doanh nghiệp cổ phần, như vậy sẽ giúp cho hoạt động đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Ông Hiển cũng đề nghị giám sát việc thực hiện chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Cho ý kiến về nội dung này, ông Hồ Đức Phớc - Tổng kiểm toán Nhà nước đề nghị tiến hành giám sát với các dự án BOT vì có sử dụng vốn ODA và đã xuất hiện những vấn đề nổi cộm. Nếu tiến hành giám sát những dự án này sẽ có lợi cho dân nhiều hơn. Cũng theo ông Hồ Đức Phớc, vấn đề nổi lên trong thời gian vừa qua là thất thoát đầu tư công, vì vậy đây là mảng cần được quan tâm. "Hiện đã công bố 12 dự án thua lỗ lớn, nhưng chưa biết thực chất còn bao nhiêu dự án xảy ra thua lỗ?" - ông Phớc nói.
Đồng quan điểm với ông Hồ Đức Phớc, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cũng đề nghị đưa vào chương trình giám sát những dự án đã thua lỗ và có nguy cơ thất thoát, thua lỗ - đây là một trong những nội dung mà dư luận hết sức quan tâm thời gian qua. Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đề nghị cân nhắc lại nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lí, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Theo bà Khánh, đây là nội dung rất quan trọng, nhưng để thực hiện giám sát được thì phải ấn định thời gian cụ thể, trong khi tờ trình không nêu rõ thời điểm và thời hạn giám sát.
"Quốc hội vừa thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn 2 triệu tỉ đồng, trong đó có phần vốn trái phiếu, vốn vay nước ngoài đầu tư xây dựng (ODA), việc phân bổ chưa hoàn tất, tiền chưa phân bổ thì giám sát cái gì?" - bà Khánh đặt vấn đề.
Nữ đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng nội dung này nên lùi thời gian thực hiện để đảm bảo thực hiện giám sát có hiệu quả.
N.Q

CHẾT VÌ NGU VÀ THAM LÀ CÁI CHẾT TỨC TƯỞI NHẤT

TÔ VĂN TRƯỜNG/ BVN 28-7-2017

Có lẽ viết, nói và nghệ thuật ngôn từ thì Việt Nam ta là cường quốc số 1 trên thế giới. Cũng chẳng biết từ bao giờ và từ đâu mà các cụm từ có tiếp đầu ngữ "an ninh" xuất hiện và được sử dụng nhiều đến thế? Nhưng phải công nhận chính những cụm từ ấy, tiêu biểu như "an ninh năng lượng" đã "giải vây", tạo lối thoát và đường rút cho nhiều chủ trương, chương trình, dự án... khi gặp bế tắc, thua lỗ. Suy cho cùng thì "giải vây" trong nhiều trường hợp cũng chính là "giải ngân" cho những khoản chi vô tội vạ của các nhóm lợi ích mà thôi.
Trong bài báo mới đây - "Lại bàn về giá điện ở Việt Nam" - tôi đã viết "những giải pháp cải cách chính ngành điện nhằm hạ giá thành, giảm hao tổn, cải tiến công nghệ, tạo khung pháp lí cho cạnh tranh lành mạnh"... ngẫm suy có thể áp dụng cho bất kì ngành kinh tế nào của Việt Nam.
Doanh nghiệp nhà nước phần lớn làm ăn thua lỗ
Hầu hết các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước hoặc dùng vốn nhà nước (như các công trình giao thông...) đều lỗ nặng hoặc suất đầu tư cao vọt (như 1 km đường đắt gấp mấy lần công trình cùng loại ở các nước khác). Kiểu làm ăn này đâu chỉ ở ngành năng lượng và giao thông mà ở hầu hết các ngành mà doanh nghiệp nhà nước mưu chiếm lĩnh đỉnh cao, nhưng thua lỗ kéo dài.
Doanh nghiệp nhà nước sử dụng phần lớn tài sản của kinh tế nội địa và cả tài nguyên quan trọng nhất của quốc gia, nhất là hầm mỏ, không dành cho dân - dù dân là chủ. Cứ tưởng kinh tế công hữu sẽ có CNXH... nên cố làm bằng mọi giá. Cuối cùng, lại ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế. Ngay Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân cũng cố nèo hợp tác xã và kinh tế nhà nước cùng là... nền tảng. Toàn say sưa với câu chữ cho tròn, "sáo rỗng" mà không đi vào thực chất. Nguồn gốc là ở chỗ kinh doanh mà nếu lỗ, đều do nhà nước chịu (tức là dân chịu) thì tránh sao khỏi tính toán sai, làm ẩu, thậm chí như vậy mới dễ kiếm lợi riêng.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng đang rộ lên thông tin "2 tỉ USD bù lỗ cho Lọc dầu Nghi Sơn" làm tôi lại trạnh lòng nghĩ đến Singapore. Họ chủ yếu nhập dầu thô về tinh luyện rồi xuất khẩu thành phẩm kiếm lời, trị giá hàng mấy chục tỉ USD mỗi năm, tạo ra khoảng 5% GDP, thuộc hàng 1 trong 3 trung tâm lọc dầu lớn nhất thế giới. Còn Việt Nam dùng dầu thô của chính mình để tinh luyện, được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế, chưa đáp ứng nổi 100% nhu cầu xăng dầu trong nước, thế mà ngay cả chuyên gia WB cũng thấy lạ: hết Dung Quất rồi Nghi Sơn lại có vấn đề về tài chính, bù lỗ triền miên, càng đẩy đất nước lún sâu vào nguy cơ "vỡ trận tài chính".
Ngẫm suy, người dân có quyền đặt câu hỏi vì sao Nhà nước phải bỏ ra hàng núi tiền (cũng là tiền thuế của dân) xây nhà máy lọc dầu để chịu lỗ lại tác động xấu đến môi trường, thay vào đó cứ nhập xăng dầu như trước mà dùng, để số tiền đó đầu tư cách nào khác cho sinh lời, thì có lợi hơn cho đất nước không?
Việt Nam không cần làm nhà máy lọc dầu
Ngay từ đầu những năm 1990, nhiều chuyên gia ngành dầu khí đã khuyên cáo chưa nên xây dựng nhà máy lọc dầu nhưng lãnh đạo cấp cao chỉ đạo phải bảo đảm tự chủ an ninh năng lượng, lỗ cũng phải làm! Ngẫm suy, tư duy bảo đảm an ninh năng lượng ở thời điểm trước 2000 dù có ấu trĩ nhưng có lẽ khi ấy các nhà quản lí các cấp vẫn còn "trong sáng". Bây giờ thì chắc chẳng ai nói đến "an ninh" gì nữa, chỉ cần làm mọi cách để lôi kéo được dự án khủng, vay được nhiều tiền cho "chi tiêu" trước mắt, tội vạ con cháu chịu.
Theo tôi hiểu, các điểm chính, chưa nên xây dựng nhà máy lọc dầu ở Việt Nam là:
1. Ở thời điểm năm 1990, các nhà máy lọc dầu ở Singapore có tổng công suất bảo đảm cung cấp đủ nguồn xăng dầu cần thiết cho Việt Nam kể cả tính đến tương lai sau 2010, đồng thời tất cả các nhà máy owe Sing đều đã hết thời gian khấu hao, do đó giá bán sản phẩm có thể linh động điều chỉnh mà vẫn có lãi.
2. Singapore nằm ở vị trí đắc địa về trung chuyển, lại có cảng nước sâu. Nó cũng nằm ở vị trí quan trọng trong khu vực có mỏ dầu: lớn nhất là Indonesia, sau đó là Malaysia, Brunei.
3. Thuế lợi tức ở Singapore thấp nhất thế giới - khoảng 17%, chỉ cao hơn Hong Kong một chút là 16,5%, trong khi ở Mỹ là 35%, ở châu Âu còn cao hơn. Thái Lan là 30%, Việt Nam 32-50% (cho hoạt động dầu khí). Thuế cá nhân ở Việt Nam cho người nước ngoài là 20% nhưng cho người trong nước là 35%. Thuế ở Singapore thấp hơn nhiều.
Về giảm giá dầu thô, theo nguyên tắc không ảnh hưởng gì đến Dung Quất. Giá giảm thì giá đầu vào của Dung Quất cũng giảm. Dung Quất chỉ cần cộng thêm phí dịch vụ gia công dầu thô thành xăng. Dung Quất lỗ vì phí dịch vụ gia công và phí chuyên chở từ nơi có dầu thô tới nhà máy lọc dầu và từ Dung Quất đến người tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cao.
4. Kịch bản lạc quan nhất cho trường hợp nhà máy lọc dầu ở Việt Nam sử dụng toàn nguyên liệu dầu thô của Việt Nam thì IRR là 7%, tức là nhà máy hết khấu hao sau 15 năm. Trong khi chúng ta đang "mơ" giá sản phẩm ổn định suốt 15 năm để bảo đảm hòa vốn thì các nhà máy ở Singapore ung dung bán được đồng nào là đút túi đồng ấy.
Thực tế trường hợp sử dụng toàn nguyên liệu dầu thô của Việt Nam chỉ được vài năm đầu cho nhà máy lọc dầu vì nguồn dầu của Việt Nam không đủ nhiều, chưa kể mấy năm nay tính ra bán dầu thô còn có lãi hơn, Chính phủ đang cần tiền. Đấy là chưa kể "kịch bản lạc quan" không thể xảy ra ở Việt Nam với cung cách quản lí "định hướng XHCN". Ngay cả kịch bản giá dầu đang từ 100 đô/thùng rớt xuống 40 đô/thùng (thậm chí dưới 40 đô) thì thời điểm cuối năm 1990 không nhà kinh tế nào trên thế giới có thể tưởng tượng được.
5. Trong khi đó, từ giữa năm 1990 (khi PVN bắt đầu nghiên cứu khả thi cho dự án Lọc dầu Dung Quất) đến năm 2004 (dự án bắt đầu giai đoạn thiết kế tổng thể) giá thành thiết bị công nghệ lọc dầu tăng gần gấp đôi, vị trí đặt nhà máy không thích hợp. Sai từ tổng thể xác định các tiêu chí ban đầu, thế nên không lỗ mới là lạ.
Chính vì thế mà Dung Quất và Nghi Sơn không có tương lai. Làm sao có thể cạnh tranh với Singapore và Malaysia. Ngay hiện nay, Singapore đã bắt đầu gặp khó vì phải cạnh tranh với Malaysia, dù thuế lợi nhuận của Malaysia là 25% cao hơn Singgapore. Malaysia có dầu, lại có giá lao động và mọi thứ rẻ hơn.
6. Tư duy bảo đảm an ninh năng lượng chứng tỏ ở thời điểm 1990-2000 lãnh đạo Việt Nam vẫn chưa hiểu muốn phát triển thì phải tham gia toàn cầu hóa và các hiệp định kinh tế đa phương (năm 2007 Việt Nam mới gia nhập WTO). Bây giờ thì lại mua điện của Trung Quốc, nhập thiết bị, công nghệ nhiệt điện thế hệ cũ từ Trung Quốc, chắc tin ông bạn "16 chữ vàng" giúp Việt Nam ổn định an ninh năng lượng.
Dân gian có câu: "Ngu thì chết chứ bệnh tật gì đâu!". Quá đúng! Việt Nam bấn loạn về đại vấn đề nợ công, nợ xấu vì không biết tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tức là thấy thiên hạ có gì thì Việt Nam cũng phải có nấy, mà không tính đến quy luật của nền kinh tế thị trường là cạnh tranh về giá cả, chất lượng, mẫu mã, sự phục vụ…
Lời kết
Nghĩ lại, nếu không bỏ ra hàng núi tiền để đầu tư, bất chấp rủi ro thì lấy đâu ra tiền bỏ vào cái "túi tham nhũng không đáy"!  Định hướng lớn của chúng ta sai từ lâu rồi và ngày càng lún sâu vào cái sai đó mà không muốn rút ra.  Nguyên nhân của cái ngu này là tham!
Lọc dầu Dung Quất do Việt Nam tự đầu tư, được ưu đãi nhiều vì là dự án lọc dầu đầu tiên, lỗ thì đổ cho chúng ta chưa có kinh nghiệm. Lọc dầu Nghi Sơn, ta đã có kinh nghiệm hơn, liên doanh với Kuwait, Nhật Bản để lợi dụng vốn và kinh nghiệm của họ nhưng rồi vẫn kêu lỗ, mà là ta lỗ do "bạn" quá khôn, chỗ nào khó nhằn thì đẩy sang chủ nhà, chứ chắc chắn là "bạn" đời nào chịu lỗ.
Tôi vẫn nhớ câu Thánh Anthony trả lời một người mù: "Trí tuệ mẫn tiệp như ngài có phải chịu khổ điều gì không?`. Ngài chỉ thọ 36 tuổi, nhưng xem ra, câu trả lời của vị Thánh nổi tiếng của Thiên chúa giáo vẫn còn linh nghiệm đến muôn đời "Khổ nhất là khi ta định hướng sai".
Dầu nhiều, chẳng thấy giầu đâu?
Đường sai, hướng lạc khoét sâu cái nghèo.
Khéo múa mép, vụng tay chèo
"Quất – Sơn"* dùng chuột bắt mèo mới hay?
* Dung Quất và Nghi Sơn là 2 nhà máy lọc dầu làm ăn thua lỗ.
T.V.T

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

20170728. NHẬN DIỆN NHÓM LỢI ÍCH 'BÁN NƯỚC HẠI DÂN'

ĐIỂM BÁO MẠNG
NHẬN DIỆN NHÓM LỢI ÍCH 'BÁN NƯỚC HẠI DÂN'

XUÂN DƯƠNG/ GDVN/BVN 28-7-2017

Ông Chu Xuân Phàm (phải) đại diện Formosa từng nổi tiếng với câu hỏi "chọn thép hay chọn tôm cá?" (Ảnh: Vietnamnet.vn).

(GDVN) - Những kẻ đang làm cho đất nước “đội sổ”, khiến lòng dân không yên có phải là những kẻ "bán nước, hại dân"?

Khái niệm “bán nước” đề cập trong bài viết này không liên quan đến quán nước vỉa hè, đến những xe téc chở nước ngọt bán cho đồng bào vùng khô hạn Đồng bằng sông Cửu Long hay cư dân Hà Nội khi đường ống nước sinh hoạt sông Đà vỡ 18 lần.
“Bán nước” nói ở đây liên quan chủ quyền quốc gia, đến khả năng đất nước có đủ lực lượng và sức mạnh quốc phòng khi buộc phải chiến đấu chống ngoại xâm, đến một xã hội mà người dân giàu có, hạnh phúc vẫn được sống trong an bình chứ không phải nghèo mà an bình.
Từ xưa đến nay, quan niệm phổ biến cho rằng “bán nước” là hành động cấu kết, tiếp tay cho các thế lực ngoại bang nhằm mưu lợi cho bản thân, dòng tộc, phe nhóm… gây thiệt hại tới chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc, nói theo ngôn ngữ dân gian là “rước voi về giày mả tổ”.
Hiểu như thế đúng nhưng chưa đủ. 
Những hành động làm băng hoại đạo đức xã hội, biến Nhà nước thành công cụ trấn áp nhân dân, phá hoại khối đoàn kết toàn dân; gây thiệt hại kinh tế… không đơn thuần chỉ là hại dân, hại nước.
Đó chính là hành động "bán nước, hại dân" bởi chúng làm suy yếu khối đoàn kết dân tộc, suy yếu lực lượng vũ trang, khiến đất nước lệ thuộc vào nước ngoài về kinh tế, quân sự, bị đồng hóa về văn hóa…
Những kẻ đang hàng ngày đem tiền thuế của dân mua đồ phế thải từ nước ngoài, biến đất nước thành bãi rác công nghiệp;
Đổ hàng nghìn tỷ tiền mồ hôi, nước mắt của dân vào các công trình để rồi bỏ hoang;… làm cho đất nước nghèo đi, khiến đứa bé vừa chào đời đã trở thành con nợ, khiến tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm tràn lan, tệ nạn xã hội hoành hành;
Khiến người dân suy giảm niềm tin vào thể chế, vào đội ngũ cán bộ, không thể gọi với cái tên nào khác ngoài cụm từ “bán nước, hại dân”. 
Theo nghĩa đó, những cá nhân ở Cục Trồng trọt - Bộ Nông Nghiệp dung túng cho 11 đơn vị cấp chứng nhận bừa bãi hàng nghìn sản phẩm phân bón vô cơ và hữu cơ trên địa bàn cả nước, gây thiệt hại không thể đo lường hết nền cho nông nghiệp và nông dân chính là hành động "bán nước, hại dân".
Theo nghĩa đó, những công bộc ở Tổng cục Thủy Sản - Bộ Nông Nghiệp, bán giấy chứng nhận cho 668 sản phẩm dùng cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản, 140 sản phẩm thức ăn thủy sản không qua kiểm định chất lượng khiến thế giới cảnh giác với sản phẩm thủy sản Việt Nam, khiến người Việt phải ăn thực phẩm độc hại chính là "bán nước, hại dân".
Không phải chỉ có thế, những kẻ tiếp tay cho người nước ngoài thuê đất thuê rừng tại các địa bàn chiến lược, tạo điều kiện cho họ đầu độc cả đất, cả biển, cả trời khiến người dân phải rời bỏ nơi sinh sống (Tienphong.vn 22/7/2016); những cá nhân đang tiếp tay cho người Trung Quốc bôi xấu lịch sử đất nước và con người Việt Nam ngay trên quê hương mình chính là "bán nước, hại dân".
Còn những ai tiếp tay cho việc phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới đối với Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) hay danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho cựu Bí thư Thừa Thiên - Huế Hồ Xuân Mãn nên gọi họ là gì?
Đâu phải cứ cầu xin ngoại bang đem quân vào giày xéo quê hương, “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn; Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” mới là kẻ bán nước?
Theo thông tin mà Tuoitre.vn cung cấp, tháng 1/2016 đã có đoàn Thanh tra của Tổng cục Môi trường về Formosa, Hà Tĩnh làm việc.
Không biết có phải dựa vào kết luận của Thanh tra Môi trường mà ba tháng sauFormosa đã “tự tin” xả độc ra biển, tự tin tuyên bố làm đúng quy trình, khiến biển nhiều chỗ không còn cá, ngư dân nhiều nơi không thể ra khơi, cuộc sống không ít người chỉ còn trông vào nguồn cứu trợ
Nếu không có sự chống lưng (hay dựa hơi) từ đâu đó thì nhân vật cỏn con như Chu Xuân Phàm có dám mạnh miệng rao giảng người Việt cần phải “chọn thép hay chọn tôm cá”?
Đoàn Thanh tra của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn không thể vào thanh tra khu công nghiệp Vũng Áng (trong đó có doanh nghiệp thép Formosa) vì đây là khu công nghiệp “có yếu tố nước ngoài” (Vietnamnet.vn 21/4/2016).
Ai và vì sao phải tạo nên một vùng đất như một vương quốc cho người nước ngoài trong lòng Hà Tĩnh đến nỗi Thanh tra cấp Bộ của Việt Nam cũng không thể vào kiểm tra?
Đất đai, tài nguyên biển ở Vũng Áng có phải thuộc chủ quyền của Việt Nam khi cơ quan chức năng Nhà nước lại không thể vào giám sát?
Phải gọi những người ban hành chính sách thu hút đầu tư kiểu Vũng Áng là gì?
Bà dân biểu Trần Thị Quốc Khánh tại diễn đàn Quốc hội đã dùng cụm từ “há miệng mắc quai” để nói về cách thức xử lý vi phạm tại một vài công trình ở Hà Nội.
Báo chí dựa vào đó đánh giá về đoàn Thanh tra của Tổng cục Môi trường như sau: 
Đoàn thanh tra như thế có còn mặt mũi nào để gặp người dân miền Trung, để tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội miền Trung không?
Và trong những ngày qua, trước hậu quả biển chết, dân trắng tay, mất nghề, tấn hoàng du lịch biển, có ai trong số họ áy náy với cái "quái" của mình không?
Và tới lúc nào thì tên tuổi và hành vi thiếu trách nhiệm của họ mới đưa ra ánh sáng?”. [1]
Những quan Thanh tra Môi trường ấy không biết có những ai sinh ra, lớn lên ở miền Trung?
Điều chắc chắn là có những người quê cha đất tổ ở đó, khi mà có nơi “biển chết, dân trắng tay, mất nghề, tan hoang du lịch biển” thì ngậm miệng không thốt nổi một lời, họ không muốn hay không dám thăm hỏi, động viên người dân quê mình? 
Chỉ khi đích thân chủ tịch Quốc hội lên tiếng thì người ta mới đưa ra đủ thứ lý lẽ biện minh cho sự “đúng quy trình” của mình? 
Tiếc rằng có một quy trình mà chẳng người nào dám viện dẫn, thậm chí còn cố tình bưng bít, đó là “Quy trình ban hành các quy trình”! 
Có ý kiến cho rằng “nhóm lợi ích tư bản thân hữu” là nhóm lợi ích nguy hiểm nhất vì nó có thể làm đất nước phát triển “chệch hướng”.
Chệch hướng hay đúng hướng sẽ thúc đẩy hoặc kìm hãm tiến trình phát triển xã hội cần có thời gian kiểm chứng, chưa thể khẳng định từ lúc này.
Tuy nhiên có một nhóm lợi ích được hình thành từ mọi thành phần xã hội, từ những công chức bình thường đến quan chức cao cấp, từ thành viên các “nhóm lợi ích chính sách”, “nhóm lợi ích kinh tế”, “nhóm lợi ích tư bản thân hữu”… 
Họ đang từng ngày, từng giờ làm người dân mất niềm tin, làm dân tộc còi cọc về thể lực, làm văn hóa xã hội suy đồi…
Điều nguy hiểm là chúng gây tổn thất khủng khiếp về kinh tế, khiến chúng ta phải đắn đo từng đồng khi cần mua vũ khí trang bị cho các lực lượng vũ trang. 
Một đất nước 90 triệu dân với rừng vàng, biển bạc nhưng máy bay, xe tăng, tên lửa, tàu chiến… chưa sản xuất được, đều phải mua của nước ngoài với số lượng hạn chế, vậy thì khả năng phòng thủ trước họa xâm lăng hiện hữu từ biên giới đến hải đảo sẽ tăng hay giảm?
Thế giới ngày nay, cuộc chiến đang dần được “tự động hóa” với máy bay không người lái, tàu ngầm không người lái, với robot chiến đấu… chúng ta không thể chiến thắng ngoại xâm chỉ với tinh thần yêu nước và những vũ khí cổ điển sản xuất từ thế kỷ trước. 
Một nền quốc phòng trang bị kém liệu có đủ sức răn đe mộng bành trướng, bá quyền của những cái đầu nóng?
Làm yếu khả năng bảo vệ Tổ quốc chính là tạo điều kiện cho bọn xâm lược đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ.
Những kẻ đang làm cho đất nước “đội sổ”, khiến lòng dân không yên có phải là những kẻ "bán nước, hại dân?"
Vậy, liệu đã đủ bằng chứng để kết luận, rằng đã hình thành “nhóm lợi ích … bán nước, hại dân”?
Nếu không gọi họ là “bán nước, hại dân” thì phải gọi họ bằng tên gì?
Để bảo vệ Tổ quốc, để đoàn kết toàn dân, để xây dựng một thể chế chính trị “do dân và vì dân” cần tiêu diệt những kẻ bán nước, hại dân đó!


Tài liệu tham khảo:

[1]http://infonet.vn/shop-tin-247-nghi-ngo-ha-mieng-mac-quai-post204491.info

[2]http://congan.com.vn/vu-an/mot-can-bo-22-thang-dang-ky-14-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat-trong-noi-o-thanh-pho_22988.html
Xuân Dương