Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

20170718. BÀN VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ XỬ LÝ DNNN THUA LỖ

ĐIỂM BÁO MẠNG
LỐI ĐI NÀO ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN ?

pv TÂY SƠN/ KTSG 17-7-2017




Kinh tế tư nhân cần một môi trường kinh doanh bình đẳng để phát triển. Ảnh: NGUYỄN NAM

LTS: Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa ban hành nghị quyết “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trong bối cảnh thực tế hiện nay, nên phát triển kinh tế tư nhân theo hướng nào, với những giải pháp nào? Mô hình của nước/vùng lãnh thổ nào có thể là bài học, kể cả thành công và thất bại, cho nước ta? TBKTSG trao đổi với luật sư Nguyễn Tiến Lập (*).
TBKTSG: Nhiều năm nay, theo cách phân loại của Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế ngoài nhà nước có tỷ trọng đóng góp cao nhất trong GDP. Tuy nhiên, đáng chú ý là trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước, các hộ kinh tế cá thể (kinh tế cá thể) có tỷ trọng đóng góp cao nhất chứ không phải các doanh nghiệp tư nhân (kinh tế tư nhân). Trong bối cảnh thực tế này, chúng ta nên phát triển kinh tế tư nhân (theo nghĩa rộng là kinh tế ngoài nhà nước) theo hướng nào và vì sao, theo ông?
- Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Trong một bài báo trước đây trên TBKTSG tôi đã nêu quan điểm kinh tế tư nhân là bản thân nền kinh tế bởi nó là hiện tượng tự nhiên, trong khi kinh tế nhà nước là một “sản phẩm nhân tạo”. Nói như thế có nghĩa rằng nếu kinh tế nhà nước cần phải có chính sách mới phát triển được thì với kinh tế tư nhân, để phát triển, chỉ cần có tự do, trong đó quan trọng nhất là tự do kinh tế.
Chúng ta cũng không nên phân loại thành kinh tế cá thể và kinh tế tư nhân vì về bản chất nó là một, tức không thuộc sở hữu công hay được điều hành bởi Nhà nước. Sự khác nhau ở đây chỉ là quy mô, hình thức tổ chức pháp lý và trình độ hay cách thức quản trị. Trước đây, các nước từng phân biệt rất rõ giữa kinh tế trong nước và đầu tư nước ngoài bởi e ngại sự xâm lăng về kinh tế dẫn đến mất chủ quyền chính trị. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, quan niệm ấy đã thay đổi. Vấn đề không còn là ai, người trong nước hay người nước ngoài sở hữu các doanh nghiệp nữa một khi đã có sự tự do dịch chuyển xuyên biên giới cả về đầu tư, tài chính và lao động. Điều quan trọng trong khía cạnh này là các cá nhân nào, người Việt Nam hay người nước ngoài có tay nghề cao, trình độ quản lý giỏi và sở hữu các sáng chế và công nghệ. Đồng thời, một khi chúng ta đã có một nền kinh tế tư nhân, tức một nền kinh tế đích thực rồi thì theo tôi ở tầm chính sách vĩ mô chỉ còn ba câu chuyện đáng quan tâm và cần bàn thôi. Đó là khuyến khích tạo việc làm, tăng hàm lượng sáng tạo - ứng dụng công nghệ cao trong các sản phẩm và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường gây ra từ các hoạt động kinh tế.
TBKTSG: Nghị quyết mới định hướng“khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu”. Định hướng này có giống định hướng tại Hàn Quốc nhiều thập niên trước: hình thành các chaebol? Theo ông, chúng ta có thể học được gì từ bài học thành công và thất bại của Hàn Quốc?
- Ở khía cạnh mô hình phát triển, tôi thấy có nhiều nét giống với con đường Hàn Quốc, vốn là một sự sao chép mô hình Nhật Bản, thay cho lối đi độc đáo của Đài Loan.
Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, bức xúc với việc thoát nghèo và đuổi kịp thế giới, Chính phủ của Tổng thống Park Chung-hee đã đề ra chính sách phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn được gọi là Chaebol. Bản chất là nhà nước hỗ trợ tín dụng giá rẻ và hàng loạt cơ chế ưu đãi khác cho các doanh nghiệp tư nhân để phát triển các dự án công nghiệp lớn, mở rộng cả trong nước và quốc tế với trình độ công nghệ và quản trị tiên tiến. Kết quả là chúng ta nhìn thấy sự “thần kỳ Hàn Quốc” như ngày hôm nay với một nền kinh tế hiện đại, đa phần tập trung trong tay các ông chủ lớn và các tập đoàn lớn.
Trong khi đó, Đài Loan cũng là một nền kinh tế có trình độ phát triển không kém, nhưng khá thầm lặng bởi chủ yếu dựa trên sự hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều chuyên gia khi phân tích cho rằng mô hình Hàn Quốc chứa đựng nhiều rủi ro hơn, như sự sáng tạo của các cơ cấu tổ chức lớn sẽ sớm đi đến giới hạn do ít tính nhân bản hay sự phình to về quyền lực kinh tế của các tập đoàn kinh doanh sẽ dẫn đến thao túng chính trị, làm cho cả chính trị, kinh tế và xã hội mất ổn định...
Riêng tôi cho rằng vấn đề là sự lựa chọn, đặt các mục tiêu kinh tế hay xã hội lên trên: lấy các chỉ số GDP, đầu tư, công nghiệp và tài chính hay chỉ số về phát triển con người làm mục tiêu? Các mô hình và con đường phát triển mà nhân loại đã đi qua luôn sẵn có và đa dạng, tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi quốc gia phải đưa ra lựa chọn về mục tiêu cho riêng mình.

TBKTSG: Nói gì thì nói, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập, việc hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh đủ sức cạnh tranh toàn cầu vẫn là điều cần thiết, thưa ông? Vấn đề là quá trình hình thành nó như thế nào…?
- Tôi quan niệm năng lực cạnh tranh của một quốc gia là hệ quả của một quá trình nỗ lực phấn đấu chứ không phải là mục tiêu hay kết quả đầu ra của một chính sách cụ thể nào đó. Nhiều người lo ngại rằng chúng ta thiếu các doanh nghiệp hay sản phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng hay chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng điều đó không đúng nếu nhìn nhận các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, vốn đang là lực lượng xuất khẩu hùng hậu, cũng là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân Việt Nam.
Năng lực cạnh tranh thực sự bao giờ cũng đến từ các khả năng của từng con người cụ thể và nó chỉ có thể được tạo ra từ một nền giáo dục và đào tạo tốt. Sau đó, hãy làm sao để Việt Nam trở thành nơi đáng sống, đáng làm việc và kinh doanh cho tất cả mọi người. Chỉ cần làm được hai điều ấy thôi, tôi tin rằng các dòng vốn đầu tư, dòng công nghệ và dòng năng lực quản trị sẽ tự chảy đến theo chính các hiệp định về tự do thương mại mà chúng ta đã ký kết, thay cho việc duy nhất chảy đến là các luồng hàng hóa đủ loại, có giá trị thách thức và hủy hoại hơn là đóng góp và kiến tạo như hiện nay.
Một ví dụ trực quan là sự xoay hướng của chính nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Mới chỉ lo sợ các nơi khác trên thế giới hấp dẫn hơn để đầu tư và kinh doanh, qua đó sẽ tạo ra các dòng chảy đi nhiều hơn là chảy về cho nền kinh tế mà chính sách của Mỹ đã phải thay đổi. Phải chăng đó chính là nét độc đáo của thời đại và là tính ưu việt của toàn cầu hóa, là yếu tố đang tạo ra những cơ hội lớn nhất mà chúng ta chưa bao giờ được hưởng?
Một chính sách tốt trong điều kiện hiện nay, theo tôi là một chính sách mang đến các quyền và cơ hội thay vì các lợi ích cụ thể. “Quyền” sẽ dành cho tất cả mọi người và “cơ hội” sẽ dành cho những ai có năng lực. “Quyền” sẽ được bảo vệ bằng hệ thống tư pháp còn “cơ hội” sẽ do thị trường quyết định.
TBKTSG: Trong nghị quyết này, để phòng những quan hệ không lành mạnh giữa các doanh nghiệp của tư nhân và cơ quan quản lý nhà nước, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách, hình thành “lợi ích nhóm”, gây hậu quả xấu về kinh tế - xã hội, Đảng đặt vấn đề phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính. Theo ông, giải pháp nào để phòng, chống các hiện tượng tiêu cực trên? Nếu chúng ta hình thành được các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân cũng sẽ góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước thì thực tế mới này có đặt ra những thách thức mới trong việc nhận diện, phòng, chống chủ nghĩa “tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm” hay không?
- Lợi ích nhóm như là một đặc trưng của chủ nghĩa tư bản thân hữu đã được giới học giả quốc tế định nghĩa từ lâu, chứng tỏ nó là một hiện tượng tự nhiên và phổ biến ở nhiều quốc gia, không riêng Việt Nam. Trong trường hợp có sự hỗn hợp, đan xen về sở hữu và quản trị giữa Nhà nước và tư nhân trong các doanh nghiệp hay từng dự án kinh tế đơn lẻ thì vấn đề trên còn phức tạp hơn nữa, thậm chí tới mức khó kiểm soát nổi. Vấn đề, do đó, là cách thức ứng phó với tình trạng đó như thế nào, một khi có sự quyết tâm thực sự của bộ máy chính quyền.
Mỗi nước đã và đang có những sự lựa chọn khác nhau. Ở nước ta, đó là việc ban hành và thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Ở nhiều nước khác, đó là thực thi dân chủ, pháp quyền thông qua đó bảo đảm độc lập tư pháp và tăng cường quyền giám sát của người dân. Còn riêng Singapore thì có phương pháp độc đáo hơn, đó là bảo đảm mức thu nhập rất cao và có tính cạnh tranh với khu vực tư nhân của các quan chức chính phủ, đi kèm với xây dựng các giá trị về danh dự và tự trọng trong hoạt động công vụ. Tuy nhiên, dường như có một điểm cốt yếu chung của mọi cuộc chiến chống chủ nghĩa tư bản thân hữu và “lợi ích nhóm”, đó là phải tìm được nơi bắt đầu, dù đó là một cá nhân, như chính bản thân ông Lý Quang Diệu ở Singapore, hay một thiết chế cụ thể, chẳng hạn là một cơ quan chống tham nhũng có vị trí độc lập, sự trong sạch và quyền lực tối thượng ở nhiều quốc gia khác.
Nếu không có được điểm xuất phát đó, mọi cuộc chiến khởi đầu bằng sự vào cuộc đồng thời của cả một hệ thống vốn chính là bộ phận cấu thành của các “quan hệ thân hữu”, sẽ rốt cuộc chỉ là các khẩu hiệu mà thôi. Nói như vậy nhưng tôi vẫn tin rằng, nếu chúng ta quyết tâm xây dựng một nền kinh tế tư nhân đúng nghĩa lấy cạnh tranh tự do và công bằng làm nền tảng, thì trong đó chủ nghĩa tư bản thân hữu và “nhóm lợi ích” như một vấn nạn sẽ giảm bớt đi rất nhiều
TBKTSG: Nghị quyết xác định cần “bảo đảm các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân phù hợp với cơ chế thị trường và thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh của kinh tế tư nhân; không biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân thành bao cấp, phục vụ “lợi ích nhóm” dưới mọi hình thức”. Theo ông, để điều này có thể thành hiện thực, cần phải làm gì?
- Chúng ta cần làm rõ việc thực thi các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân từ góc độ đối tượng hưởng lợi. Nếu cả nền kinh tế hưởng lợi thì không có gì đáng e ngại về các tác động phụ tiêu cực có thể có của nó, chẳng hạn như giảm thuế, giảm chi tiêu thường xuyên cho hoạt động của bộ máy nhà nước để có tiền dành cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, bảo đảm độc lập tư pháp và cơ chế thực thi hợp đồng hay phòng, chống tham nhũng tốt... Tuy nhiên, trong trường hợp chỉ giới hạn các chính sách khuyến khích vào sự ban phát các ưu đãi cụ thể cho các đối tượng nhất định, như là các loại doanh nghiệp, các lĩnh vực hay nhóm dự án kinh tế nào đó thì sẽ rất khó tránh việc xuất hiện các “quan hệ thân hữu” và “nhóm lợi ích”. Đơn giản bởi đó sẽ là sự “xin-cho”.
Tôi thấy người ta vẫn nói đến việc xây dựng các thiết chế để tăng cường giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhưng thường hay quên rằng không có thiết chế nào cao hơn con người, vốn là chủ thể vừa tạo ra và vừa vận hành thiết chế. Con người lại hành động theo niềm tin và nỗi sợ, mà một khi cả hai nhân tố đó đều đã suy giảm hay mờ nhạt cả thì việc xây dựng các thiết chế kia phỏng có ích gì?
Cho nên, một chính sách tốt trong điều kiện hiện nay, theo tôi là một chính sách mang đến các quyền và cơ hội thay vì các lợi ích cụ thể. “Quyền” sẽ dành cho tất cả mọi người và “cơ hội” sẽ dành cho những ai có năng lực. “Quyền” sẽ được bảo vệ bằng hệ thống tư pháp còn “cơ hội” sẽ do thị trường quyết định. Nói một cách khác, một chính sách dù chứa đựng các ý định tốt đến đâu cũng sẽ không nên được ban hành nếu một khi người xây dựng nó không lường trước và phòng ngừa được các tác động phụ tiêu cực như được đề cập trong nghị quyết của Đảng nói trên.
(*) Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên VIAC

BẾ TẮC GIẢI QUYẾT DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

PHẠM CHÍ DŨNG/ ĐV/ BVB/BVN 18-7-2017

clip_image002

Cho tới nay Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc dường như vẫn nguyên trạng thế bế tắc trong mục tiêu giải quyết hàng loạt doanh nghiệp nhà nước làm ăn lỗ lã, cận kề phá sản. Nhưng nguy hiểm nhất là đang bắt ngân sách phải còng lưng trả nợ thay cho núi vay trong quá khứ.
Con nợ Đạm Ninh Bình là một ví dụ…

Nợ doanh nghiệp nhà nước

Hãy đối chiếu giữa khối doanh nghiệp nhà nước và khối doanh nghiệp tư nhân. Khối doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 2/3 tổng tài sản, 60% nguồn vốn tín dụng, 70% nguồn vốn ODA và được ưu đãi rất lớn về khả năng tiếp cận tín dụng và những điều kiện về chính sách, nhưng lại hoạt động quá tệ. Ít nhất 30% doanh nghiệp nhà nước bị lỗ và khối này chỉ đóng góp được khoảng 1/3 tổng sản phẩm xã hội.
Gần như ngược lại, khối doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm 1/3 tài sản, chẳng mấy được ưu đãi về tín dụng và chỉ có thể “hớt cặn” vốn ODA, lại còn bị phân biệt đối xử đủ đường, nhưng lại tạo ra đến 2/3 tổng sản phẩm xã hội.
Nội dung đáng chú ý nhất của Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) (vừa được “thống nhất cao” hồi tháng Năm) là không chấp nhận đưa các khoản vay nợ nước ngoài của tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vào khái niệm nợ công quốc gia. Trong khi đó, loại nợ này lại là một trong năm định nghĩa về nợ công của cơ quan thống kê của Liên Hiệp Quốc.
Nhưng tại sao luật về nợ công của Việt Nam lại như cố tình không gộp cả phần nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước?
Theo một phân tích của Tiến sĩ Vũ Quang Việt vào đầu năm 2017 ngay trên một tờ báo nhà nước là Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nợ của 3,200 doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là 4.9 triệu tỷ đồng ($231 tỷ), gấp nhiều lần con số 1.5 triệu tỷ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là $324 tỷ, bằng 158% GDP.
Như vậy, cộng cả nợ Chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là $431 tỷ, bằng 210% GDP.
Trước đây và đặc biệt dưới thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc Chính phủ bảo lãnh cho tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vay vốn của nước ngoài diễn ra tràn lan và vô tội vạ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, có ít nhất 30% số doanh nghiệp nhà nước luôn phải đối mặt với nguy cơ phá sản.
Còn sang thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vấn đề bảo lãnh vay nợ nước ngoài cho doanh nghiệp nhà nước gần như đã bị Chính phủ đóng lại bởi vì số nợ công tăng vượt mặt. Theo tinh thần mới nhất mà Thủ tướng Phúc họp với ngành tài chính và các ngành khác, nếu doanh nghiệp nhà nước không trả được nợ vay nước ngoài thì sẽ phải tự phá sản chứ không thể trông đợi vào sự cứu giúp của Chính phủ.
“Phán quyết” mới nhất của Chính phủ là cơ quan này sẽ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay nợ nước ngoài chỉ đúng $1 tỷ trong năm 2017, giảm mạnh so với mức bảo lãnh $2.5 tỷ trong năm 2015 và $1.5 tỷ trong năm 2016.

Giải pháp SCIC?

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được thành lập vào năm 2005, tức cách đây đến 11 năm. Vào lúc thành lập, SCIC đã được giới chức quản trị và báo chí nhà nước tung hô như một cơ quan sẽ giúp cho bộ máy quản trị tinh gọn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
Tuy nhiên, khoảng thời gian tồn tại hàng chục năm qua của SCIC cũng trùng với thời gian diễn ra phong trào tham nhũng ghê gớm nhất ở Việt Nam, tồn tại dưới “triều đại Nguyễn Tấn Dũng”. Cho đến những năm gần đây, rất nhiều dư luận xã hội đã cho rằng SCIC đã không làm gì khác ngoài việc lấy vốn nhà nước đi gửi ngân hàng để lấy lãi hoặc chỉ bỏ tiền vào những vụ việc mang màu sắc “trục lợi chính sách”. Trong khi đó, vốn nhà nước ở nhiều tập đoàn, tổng công ty vẫn đều đặn thất thoát (Vinashin, Vinalines…).
Vào tháng Chín, 2016, Bộ Tài chính cho biết là từ năm 2014 đến năm 2015, SCIC đã triển khai bán vốn thành công tại 12 doanh nghiệp niêm yết theo phương thức bán thỏa thuận ngoài hệ thống Sở Giao dịch Chứng khoán, sàn Upcom với giá bán nằm ngoài biên độ giá giao dịch của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng. Kết quả, giá trị vốn đầu tư SCIC hạch toán trên sổ sách kế toán là 211,499 tỷ đồng, giá trị bán vốn thu về là 757,904 tỷ đồng, chêch lệch bán vốn là hơn 565,215 tỷ đồng, chênh lệch giữa giá trị thu về so với giá trị tính theo mức giá trần của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng là 371,236 tỷ đồng.
Như vậy, SCIC đã bán vốn nhà nước được khoảng $25 tỷ trong hai năm qua. Năm 2014 lại là năm mà tình hình thu ngân sách bắt đầu khó trầm trọng, giá dầu thô quốc tế giảm mạnh, đồng thời nguồn vay ODA quốc tế cũng giảm mạnh, trong lúc Chính phủ phải “căng mình” để trả nợ (nợ quốc tế phải trả trong năm 2015 lên đến $20 tỷ).
Câu hỏi đặt ra là con số $25 tỷ mà SCIC đã bán được chi dùng cho cái gì?
Nhiều khả năng con số trên được chi trả cho đội ngũ công chức viên chức lên đến gần ba triệu người, còn lại để chi “đầu tư phát triển” (trong đó không ít công trình trụ sở hành chính và tượng đài ngàn tỷ), và trả nợ nước ngoài.
Với kết quả quá sức hạn chế như vậy của SCIC, liệu một “siêu ủy ban quản lý vốn nhà nước” – đang được Chính phủ và các bộ ngành dự tính cho thay thế SCIC – sẽ làm được gì, hay lại chỉ mang đến một tầng nấc trung gian mới?

Phá sản

Từ vài năm qua, đã xuất hiện một ít doanh nghiệp nhà nước bị phá sản, tuy chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với doanh nghiệp tư nhân.
Nhưng năm 2017 và những năm tiếp theo sẽ khác hẳn. Doanh nghiệp nhà nước sẽ “đồng hành” với tình trạng khốn khó của doanh nghiệp tư nhân.
Không khó để dự đoán rằng một khi Chính phủ gần như phủi tay trước nhiều món nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, ngay trong hai năm 2017 và 2018 sẽ xuất hiện những cái tên doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải phá sản, thậm chí còn phải đối mặt với vòng lao lý.
Và sẽ ập đến cả một phong trào “bắt doanh nghiệp nhà nước,” đi đôi với chiến dịch “bắt ngân hàng” đã, đang và sẽ gây náo loạn…

Bán và bán

Trong bối cảnh ngân sách năm 2016 vẫn tiếp tục bội chi đến 5.4% GDP và các nguồn thu từ trong nước lẫn từ quốc tế vẫn tiếp tục eo hẹp nhanh chóng, đời Thủ tướng Phúc đã chẳng thể làm gì khác hơn thời gian cuối đời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là bán đi những gì sẵn có.
Một trong những nguồn sẵn có vẫn còn có thể bán được là phần vốn nhà nước nằm trong các doanh nghiệp.
Vào đầu tháng Năm, Bộ Tài Chính – cơ quan mà vào giai đoạn cuối đời Thủ tướng Dũng đã mang chức trách chuyên đi vay nợ để cứu vãn ngân sách, sau này chính thức có thêm chức năng mới là “bán vốn nhà nước” – đã kiến nghị Thủ tướng Phúc quyết định phương án bán tiếp cổ phần Vinamilk.
Đồng thời, Chính phủ cũng đã lên kế hoạch bán vốn tại Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power). Thậm chí, Chính phủ còn để ngỏ phương án có thể bán tới 49% vốn tại PV Power.
PV Power là một trong ba nhà cung cấp điện lớn nhất cùng với Tập đoàn Điện lực (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV). Dự trù, việc bán cổ phần có thể giúp nhà nước thu về $700 triệu, và số tiền thu được sẽ “sử dụng làm nguồn vốn đầu tư cho các dự án năng lượng khác” – theo thông tin từ phía Chính phủ. Tuy nhiên nhiều người thừa hiểu rằng một nền ngân sách “thủng túi” chỉ có thể sống sót nếu được “tiếp máu” bằng tiền bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Cần nhắc lại, thời điểm cuối năm 2015 đã chứng kiến Thủ tướng Dũng quyết định bán cổ phần tại hàng chục doanh nghiệp nhà nước, kể cả “con bò sữa” như Vinamilk để “bù đắp khó khăn ngân sách,” trong bối cảnh “ngân sách trung ương chỉ còn 45,000 tỷ đồng mà không biết chi cho cái gì”.
Cuộc “cách mạng bán tháo vốn nhà nước” lại diễn ra ngay vào đầu năm 2016, để đến giữa năm phía Chính phủ “xông xênh” bước ra trước Quốc hội với món tiền bán vốn được 10,000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chừng đó vẫn là quá ít so với túi thủng ngân sách.
Đến tháng Tám, 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo tiếp tục bán vốn tại hàng loạt doanh nghiệp khủng như Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và bán cổ phần của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại 10 doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh, Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam, Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong, Công ty Cổ phần FPT, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT…
Trong khi kế hoạch bán đường, bán cảng, bán sân bay… mà Thủ tướng Dũng chỉ đạo các bộ ngành “nghiên cứu thực hiện” từ năm 2015 vẫn chưa đâu vào đâu, đơn giản là vì chưa có ai mua, thì việc Thủ tướng Phúc rút tiền từ cổ phần nhà nước trong các doanh nghiệp lớn là chóng vánh và thuận lợi nhất.
Một chuyên gia ngành tài chính ước tính, nếu bán hết vốn nhà nước tại 10 công ty thuộc SCIC cùng Habeco, Sabeco, Nhà nước có thể thu được tới $7 tỷ (khoảng 150,000 tỷ đồng).
Con số 150,000 tỷ đồng trên, bằng khoảng 13% chi ngân sách năm 2016, là một số tiền lớn và đáng kể trong bối cảnh Đảng không biết lấy tiền đâu để chi xài sau những vụ suýt nữa vỡ nợ của các Thành ủy Cà Mau và Tỉnh Ủy Bạc Liêu vào cuối năm 2015, để sang năm 2016 còn nghe nói Đảng đã phải dùng đến “quỹ đen” (một loại quỹ dự phòng trong Đảng) và đang phải tìm cách “nhất thể hóa” giữa một số cơ quan Đảng với cơ quan chính quyền để tiết giảm nguồn chi ngân sách.
Song 150,000 tỷ đồng cũng chỉ đủ để chi ngân sách khoảng 1.5 tháng. Hoặc chỉ có thể bù đắp được gần 2/3 của khoản bội chi ngân sách năm 2016 có thể lên đến 254,000 tỷ đồng.
Nhưng sau khi bán sạch những cổ phần ngon ăn và màu mỡ nhất tại các doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam còn gì để bán vào những năm tới?
P.C.D.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét