Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

20170702. QUANH CHỦ ĐỀ QUÂN ĐỘI LÀM KINH TẾ

ĐIỂM BÁO MẠNG
QUÂN ĐỘI LÀM KINH TẾ-NÊN HAY KHÔNG ?
QUỐC PHONG/ DV 1-7-2017

quan doi lam kinh te - nen hay khong? hinh anh 1
Viettel là tập đoàn viễn thông mạnh, hiệu quả trực thuộc quân đội. Ảnh: Viettel

(Dân Việt) Thực ra, quân đội ta làm kinh tế cũng có phần tham khảo từ quân đội Trung Quốc ngay sau khi đất nước ta thống nhất được vài năm.

Trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, vai trò của quân đội tham gia làm kinh tế có thể có sự nhìn nhận khác nhau. Phải thừa nhận rằng, có những thời kỳ, chủ trương này là rất cần thiết bởi nếu không có cách làm đó, chủ yếu là việc tạo ra của cải vật chất như nông sản, thực phẩm thì nhà nước cũng không kham nổi cho toàn quân “ăn no đánh thắng” kẻ thù xâm lược và đó là cái được.
Song, khi đất nước hoà bình đã lâu, phát triển một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mô hình quân đội làm kinh tế xem ra có gì đó bất ổn. Nó rất dễ tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp với nhau. Bên cạnh đó, có những cái là vô hình cũng đã lộ ra, khiến cho cái mất cũng không nhỏ.
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh có sự tham gia của lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Thượng tướng Lê Chiêm cho biết: “Hiện nay, Bộ Quốc phòng có chủ trương là quân đội không làm kinh tế nữa mà tập trung cho xây dựng quân đội vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại để bảo vệ Đảng, nhân dân. Quân đội sẽ không làm kinh tế vì như thế sẽ không thể hiện sức mạnh quân đội. Tất cả các doanh nghiệp quân đội sẽ cổ phần hóa, thoái vốn hết. Cái nào của quốc phòng chỉ để phục vụ cho quốc phòng”.
Theo tôi, đây là một chủ trương đúng mà Quân uỷ Trung ương đã bàn kỹ. Điều này có lẽ cũng xuất phát từ thực tiễn quân đội làm kinh tế nhiều năm gần đây đã bộc lộ những bất cập nhất định. Chủ trương mới này có thể chỉ là vô tình trùng khớp với thời điểm nhạy cảm sân bay Tân Sơn Nhất thiếu chỗ đậu máy bay, tính chuyện đi “ngủ nhờ” ở Cần Thơ làm dân bức xúc chứ không liên quan gì đến chuyện Bộ Quốc phòng cho thuê đất sân bay Tân Sơn Nhất 50 năm để Công ty Him Lam xây dựng sân golf cùng biệt thự, nhà hàng ...khiến dư luận râm ran bàn tán.
Vụ án Thiếu tướng Nguyễn Trường Xuân - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự Hải Phòng cùng nhiều bị cáo là cán bộ chỉ huy các cấp lợi dụng chính sách đổi mới cơ chế quản lý kinh tế phạm tội đầu cơ, buôn lậu, tham ô, cố ý làm trái… đã bị Toà án quân sự cấp cao xét xử ngày 7.9.1987, xử rất nghiêm minh là bài học xương máu của việc quân đội chúng ta làm kinh tế nhưng lại thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, buông lỏng quản lý của nhà nước.
Nhà nước thì tin vào sự quản lý của nội bộ quân đội với những chế tài cần thiết như các cơ quan nhà nước có thể kiểm soát nó, tránh sự tự ý vượt rào rất tai hại.
Ngày ấy, thực ra đây cũng là cách làm mang lại “lợi ích công tư” có lợi đủ bề nhưng rồi cuối cùng thì khiến cho Đảng ta mất cán bộ. Những người vốn rất giỏi làm kinh tế ngày đó và từng được xem là “người hùng” của quân đội bởi họ có tư duy rất mới trong một vấn đề cực mới: quân đội làm kinh tế...
Thời gian gần đây, có một thực tế không thể phủ nhận được, đó là những mô hình doanh nghiệp quân đội làm ăn rất hiệu quả, có tốc độ tăng trưởng đáng nể phục như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBBank )...
Nếu nói những doanh này được hưởng sự ưu đãi từ quân đội, tôi nghĩ cũng chưa đúng hoàn toàn trừ MBBank thì có thể có phần nào (do các đơn vị trong quân đội họ dùng địa chỉ này để giao dịch, xem như điều kiện bắt buộc của các đơn vị thuộc quân đội quản lý)...
Song , dư luận cũng xì xầm bàn tán về một vài doanh nghiệp quân đội làm giàu nhờ cơ chế, nhờ quyền lực, nhờ chuyển đổi giá trị đất đai từ đất quốc phòng sang cho doanh nghiệp quân đội rồi từ doanh nghiệp quân đội lại một lần nữa chuyển sang dân sự...
Dư luận, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân không khỏi lo ngại chuyện doanh nghiệp quân đội với ưu thế của mình dễ có lợi thế nhất định trong kinh doanh.
Sau khi Thượng tướng Lê Chiêm nói về vấn đề này, ông Lê Việt Trường - Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đã bày tỏ, khi ông còn tham gia Quốc hội khoá 13, ông đã từng đi khảo sát tình hình quản lý và sử dụng đất quốc phòng - an ninh trên phạm vi cả nước để chuẩn bị tham gia xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi).
Qua khảo sát, đoàn công tác của ông cũng đã nhìn ra vấn đề. “Cá nhân tôi cũng nêu ý kiến băn khoăn về chuyện đất được giao để sử dụng vào mục đích quốc phòng lại chuyển giao cho các doanh nghiệp của quân đội làm kinh tế. Nếu so sánh với các doanh nghiệp dân sự thì doanh nghiệp dân sự phải đi thuê đất và phải thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước, còn doanh nghiệp quân đội thực hiện nghĩa vụ đó thế nào?” - ông Lê Việt Trường nêu vấn đề.
Ông Trường cho biết: “Qua tìm hiểu trong thời gian khoảng giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, tôi cũng được biết lúc đó việc giao đất quốc phòng cho doanh nghiệp được thí điểm với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (trực thuộc Quân chủng Hải quân) và Viettel, còn các doanh nghiệp khác của quân đội thì không. Nếu như vậy rõ ràng không bình đẳng. Khi đã làm kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì mọi thành phần kinh tế, các doanh nghiệp phải bình đẳng trước pháp luật về quyền lợi và nghĩa vụ.
Việc này nếu được duy trì quá lâu (ưu đãi các doanh nghiệp quân đội) sẽ làm méo mó những nguyên tắc kinh tế, nghĩa là mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh phải bình đẳng trước pháp luật từ việc sử dụng tài nguyên của đất nước, đến nghĩa vụ thuế.

 quan doi lam kinh te - nen hay khong? hinh anh 2
Quân đội diễu binh, diễu hành 70 năm Quốc khánh. Ảnh: Ngọc Thọ

Thực ra, quân đội ta làm kinh tế cũng có phần tham khảo từ quân đội Trung Quốc ngay sau khi đất nước ta thống nhất được vài năm. Những điển hình làm ăn tốt hồi đó có lẽ phải kể đến là các quân khu như Quân khu 3, 7, 9 ... Tuy nhiên, thời kỳ đó, cũng ít có chuyện các doanh nghiệp quân đội phải đấu thầu hay chỉ định thầu nhiều và bất cập như bây giờ.
Cách đây khoảng 20 năm, trong một lần tôi cùng một đoàn nhà báo phía báo Thanh niên Trung Quốc đi thăm Quảng Ninh, họ đã hỏi tôi một chuyện rất tình cờ khiến tôi mới vỡ lẽ thêm.
Trong lúc chờ mua vé qua trạm dọc đường, họ thấy chiếc xe ca biển đỏ đi sát chiếc xe chúng tôi không phải mua vé. Họ hỏi tại sao xe đó không phải mất vé?
Tôi bảo ở Việt Nam, xe biển đỏ là của quân đội cho nên được miễn phí cầu đường. Thấy tôi trả lời vậy, họ hỏi: Nếu quân đội các bạn mà làm kinh tế thì chi phí này sẽ tính toán thế nào? Nếu giả dụ như xe này họ chở cán bộ đi làm ở một doanh nghiệp quân đội thì họ sẽ không mất đồng nào phải chi vào giá thành sản xuất. Và như vậy, quân đội các bạn sẽ không cần cạnh tranh cũng đã chắc thắng các doanh nghiệp kinh doanh cùng lĩnh vực!
Tôi đã suy nghĩ chuyện họ nói mà thấy quả là không ổn. Rất mừng là cả chục năm nay, sự ưu tiên vô lý này đã không còn nữa, thay vào đó, xe quân đội mua vé theo quý, theo năm.
Tôi từng là một người lính làm Tuyên huấn ở Sư đoàn bộ 319, Quân khu 3 những năm chiến tranh (79-80).
Tôi thấy mừng và tự hào khi sau này, đơn vị đó được chuyển đổi thành Tổng Công ty xây dựng 319 và đã từng lớn mạnh nhanh. Nhưng rồi tôi cũng hiểu, vì sao Tổng Công ty này phát triển vượt bậc lại không phải nhờ tài năng của ai mà là nhờ được ưu ái đặc biệt về đất quốc phòng mà bản thân những doanh nghiệp khác trong quân đội dù có mơ cũng không được!
Tôi hiểu vì sao ông Việt Trường lại nói vậy và cảm thấy không ổn nếu quân đội ta còn tiếp tục làm kinh tế, sẽ lợi ít hơn hại.
Còn bên Trung Quốc, khi ông Giang Trạch Dân thay ông Đặng Tiểu Bình làm Chủ tịch Quân ủy, họ cũng đã quyết định thu hẹp dần số lượng các đơn vị vũ trang làm kinh tế.
Năm 2012, khi tiếp quản quyền lực, Chủ tịch Tập Cận Bình lập tức bắt tay vào thực hiện kế hoạch cải tổ quân đội trong đó có quan điểm quân đội có nên làm kinh tế nữa hay không bởi ông đã nhìn thấy từ chủ trương này, quân đội của họ không hề mạnh nếu nhìn vào sức chiến đấu và tệ tham nhũng cũng một phần lộng hành từ đây.
Hơn 50 sĩ quan và cựu sĩ quan cấp cao quân đội Trung Quốc đã bị truy tố vì tham nhũng, bao gồm 2 lãnh đạo, đều cấp Thượng tướng, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương, một động thái chưa từng có tiền lệ. Chính điều này khiến họ lo lắng cho sức mạnh chiến đấu của họ nếu có chiến tranh nổ ra một khi đã nảy sinh tư tưởng thích làm giàu và thể hiện lối sống xa hoa trong sỹ quan.
Chủ tịch Quân uỷ Trung Quốc thành lập một nhóm lãnh đạo nhỏ trong Quân ủy Trung ương để thúc đẩy cải cách quân sự và loại trừ sự tham dự của các cựu tướng lĩnh.
Sau hội nghị cải cách Quân ủy Trung ương vào mùa Thu 2015, ông Tập Cận Bình quyết định cắt giảm 300.000 quân, đương nhiên trong số này có một phần là lực lượng làm kinh tế trong quân đội của họ.
Có thể bằng thực tiễn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương gần đây đã thấy câu chuyện giao quân đội làm kinh tế đang ít nhiều gây ảnh hưởng đến sức mạnh chiến đấu của quân đội ta trong khi bảo vệ Tổ quốc mới là nhiệm vụ tối quan trọng của quân đội.
Bên cạnh đó, chủ trương cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước là hướng đi tất yếu của kinh tế thị trường hiện nay. Vì lẽ đó, nếu đã cổ phần hoá doanh nghiệp thì tất nhiên, quân đội cũng không cần thiết “ôm” làm gì để bộ máy thêm cồng kềnh mà hiệu quả thực tế chưa chắc đã cao nếu thực sự muốn làm ăn lành mạnh.
Để thay lời kết bài này, tôi xin trích lại câu nói của Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trên Dân Việt điện tử: “Những doanh nghiệp của quân đội hoạt động kinh tế bình thường, chẳng hạn như làm xây dựng thì nên cổ phần hóa, thứ hai là cấm quân đội tham gia buôn bán... Đối với những đơn vị quân đội làm kinh tế đơn thuần, cũng không nên cho dùng các phương tiện của quân đội, không đi xe biển số đỏ nữa… Việc này đã và đang được lãnh đạo Bộ Quốc phòng triển khai. Tôi được biết thời gian qua bên quân đội cũng đã thu lại nhiều xe ô tô biển số đỏ của những đơn vị làm kinh tế. Vấn đề nữa là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng dần dần sẽ rút ra khỏi biên chế quân đội. Như vậy các doanh nghiệp quân đội hoạt động kinh tế đơn thuần sẽ không còn lợi thế từ những nguồn lực khác trong hoạt động kinh doanh, đảm bảo sự bình đẳng”.

TẠI SAO TƯỚNG NGÔ XUÂN LỊCH PHẢI XIN LỖI ?

TRẦN VĂN/ Blog VOA/ BVB 1-7-2017

Tướng Ngô Xuân Lịch

Đã có rất nhiều người bảo rằng, sở dĩ Bộ Quốc phòng Việt Nam liên tục vướng vào đủ thứ scandal là vì được phép “làm kinh tế”. Đảng CSVN dung dưỡng cho quân đội nói riêng, lực lượng vũ trang nói chung là vì cần duy trì sự trung thành của lực lượng này đối với mình. Thiếu sự trung thành ấy làm sao có thể duy trì mong muốn “muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ”.

Các tổ chức chính trị đối lập tại Nhật đang đòi bà Tomomi Inanda, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật từ chức vì hôm 27 tháng 6, bà đã lấy tư cách Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Nhật (Self Defense Forces, có thể xem như quân đội Nhật - SDF), kêu gọi dân chúng Nhật bỏ phiếu ủng hộ Đảng Dân chủ Tự do (Liberal Democratic Party – LDP) - đảng đang điều hành chính quyền Nhật, trong cuộc bầu cử vào tháng tới. Những tổ chức chính trị đối lập này lập luận, về nguyên tắc, SDF phải duy trì sự độc lập về chính trị, không thể chấp nhận việc bà Inanda lợi dụng SDF để hỗ trợ cho LDP.
Dẫu bà Inanda đã xin lỗi vì lỡ lời nhưng các tổ chức chính trị đối lập tại Nhật không chấp nhận. Họ mới tiến thêm một bước, đòi ông Shinzo Abe - Thủ tướng Nhật phải nhận trách nhiệm vì đã bổ nhiệm bà Inanda làm Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tư lệnh SDF...
Chuyện đang diễn ra tại Nhật làm người ta liên tưởng đến những chuyện đã và đang diễn ra ở Việt Nam.
***
Từ đầu năm đến nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam dính vào hàng loạt scandal.
Scandal đầu tiên là làm lá chắn cho một số doanh nghiệp liên tục moi cát trong nhiều năm ở những đoạn bờ biển xung yếu để bán cho Singapore, bất chấp sạt lở đang là tai họa nhãn tiền. Dù có những bằng chứng rất rõ ràng là những doanh nghiệp này chỉ “mua đi bán lại” quyền “nạo vét” để hưởng lợi, bán mười - khai một trốn đủ loại thuế nhưng nhờ khoác vỏ “quốc phòng”, đến nay, không có doanh nghiệp nào “mắc nạn”.
Scandal thứ hai là gây ra vụ nổi loạn ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội do thu hồi “đất quốc phòng”.
Thập niên 1960, xã Đồng Tâm từng bị thu hồi 300 héc ta đất vì Bộ Quốc phòng muốn xây dựng tại đó một xạ trường (trường bắn Miếu Môn). Thập niên 1980, xã Đồng Tâm mất thêm khoảng 54 héc ta đất nữa vì Bộ Quốc phòng muốn xây dựng thêm một phi trường quân sự tại Đồng Tâm (phi trường Miếu Môn). Tuy nhiên kế hoạch xây dựng “phi trường Miếu Môn” bất thành. Do thiếu đất canh tác, dân chúng xã Đồng Tâm đã đề nghị Lữ đoàn 28 thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân (phía được giao quản lý 54 héc đất bị thu hồi) cho họ thuê đất để trồng trọt. Từ đó, Lữ đoàn 28 sắm vai trò như địa chủ, chuyên “phát canh, thu tô”.
Theo đề nghị của chính quyền địa phương, năm 2007, Lữ đoàn 28 giao lại cho chính quyền huyện Mỹ Đức 6,78 héc ta trong dự án “phi trường Miếu Môn”, 47,3 héc ta đất còn lại vẫn bị bỏ hoang. Gần đây, Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định đem toàn bộ đất của dự án “phi trường Miếu Môn” giao cho Viettel - một công ty của Bộ Quốc phòng. Dân chúng xã Đồng Tâm nổi loạn vì không chấp nhận chuyện phải giao lại 6,78 héc ta đất mà Lữ đoàn 28 đã trả hồi 2007 thêm một lần nữa.
Sự bất bình âm ỉ suốt sáu năm trước chuyện Bộ Quốc phòng cương quyết giữ 157 héc ta đất ở phi trường Tân Sơn Nhất để cho Công ty Long Biên thuê làm sân golf, bất kể phi trường Tân Sơn Nhất nghẽn cả trên trời lẫn dưới đất đã bùng phát thành scandal thứ tư. Mức độ phẫn nộ của dân chúng Việt Nam trước scandal này mãnh liệt tới mức, một Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phải hứa: “Quân đội sẽ không làm kinh tế nữa”! Trước viễn cảnh sẽ không còn phải nhìn thấy quân xa chở hàng lậu, các doanh trại trở thành kho chứa hàng cấm, Bộ Quốc phòng Việt Nam thôi làm con rối múa may dưới tác động của chủ một số doanh nghiệp, cả báo chí lẫn dân chúng đồng loạt hoan hô.
Tuy nhiên tiếng vỗ tay chưa dứt thì scandal thứ năm bùng lên. Sau khi người sử dụng Internet tại Việt Nam chia sẻ với nhau những tấm ảnh chụp cảnh ba núi đá vôi ven vịnh Hạ Long, vốn bất khả xâm phạm vì thuộc khu vực đã được UNESCO xác định là “di sản thiên nhiên của thế giới” đang bị băm ra để lấy vôi, ngày 28 tháng 6, ông Vũ Văn Hợp, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, to63 chức họp báo để phân biện, ba núi đá vôi đang bị phá nằm trên “đất quốc phòng”, do Lữ đoàn 170 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân CSVN quản lý. Việc phá ba núi đá vôi là nhằm thực hiện một “công trình quốc phòng” đã được Bộ Quốc phòng Việt Nam phê duyệt. Chính quyền tỉnh Quảng Ninh không can dự.
Theo ông Hợp, Bí thư tỉnh Quảng Ninh đã phê bình và yêu cầu Lữ đoàn 170 tạm ngưng phá núi lấy vôi, đồng thời đã đề nghị Bộ Quốc phòng phối hợp giải quyết việc thực hiện “công trình quốc phòng” vừa kể.
Ngay sau scandal thứ năm là scandal thứ sáu, Ủy ban nhân dân quận Tân Bình cấp báo và đề nghị chính quyền thành phố Sài Gòn kiểm tra ngay doanh trại của Sư đoàn 370 Không quân vì sư đoàn này đã lấy đất của phi trường Tân Sơn Nhất giao cho một số doanh nghiệp xây dựng các khu giải trí, dịch vụ mà không hề xin phép. Chính quyền quận Tân Bình giải thích thêm, sở dĩ họ phải cấp báo vì họ không được phép vào “khu vực quân sự” để kiểm tra!
***
Đã có rất nhiều người bảo rằng, sở dĩ Bộ Quốc phòng Việt Nam liên tục vướng vào đủ thứ scandal là vì được phép “làm kinh tế”. Nhiều người khác bảo rằng, quân đội được phép “làm kinh tế” chỉ là một vế trong một mệnh đề lớn hơn. Đó là Đảng CSVN dung dưỡng cho quân đội nói riêng, lực lượng vũ trang nói chung là vì cần duy trì sự trung thành của lực lượng này đối với mình. Thiếu sự trung thành ấy làm sao có thể duy trì mong muốn “muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ”.
Không may cho chúng ta là dù chẳng giống ai nhưng tại Việt Nam, chuyện lực lượng vũ trang (gồm cả quân đội lẫn công an) công khai thề trung thành với Đảng CSVN vẫn còn được xem như đương nhiên. Đem chuyện đó so với thiên hạ, nêu thắc mắc hay đề nghị chỉ chuốc thêm phiền hà. Học thiên hạ, sau một số scandal, dân ta đã từng đòi Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Y tế từ chức nhưng trước những scandal nghiêm trọng hơn (kiểu như sân golf Tân Sơn Nhất, hay chuyện hàng loạt nghi can, bị can thi nhau chết trong trại giam), chưa ai dám đòi Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an từ chức. Chuyện này không lạ và cũng chẳng khó hiểu vì cả hai bộ đã dư cả súng lẫn còng lại đông thuộc hạ.
Hồi đầu tháng 6, khi đến thăm Nhật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức nhờ Nhật bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là “lãnh đạo cấp chiến lược” của Việt Nam. Theo Thông tấn xã Việt Nam thì chuyện bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo của Việt Nam đã chính thức trở thành một trong những thỏa thuận liên quan đến hợp tác Việt – Nhật để “phát triển nguồn nhân lực”. Khi nhờ Nhật bồi dưỡng đã trở thành “chủ trương của Đảng và Nhà nước”, nhân chuyện mới xảy ra tại Nhật với bà Inanda, có thể đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam hướng sang Nhật học một chút những chuyện mà hệ thống trường Đảng chưa dạy, đó là xin lỗi đồng đội, đồng chí, đồng bào vì chưa chu toàn trách nhiệm, để xảy ra nhiều hậu quả nghiêm trọng không?
Bạn nghĩ sao về đề nghị này? Nó có quá đáng đến mức không thể chấp nhận được hay không?
Trân Văn/(Blog VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét