Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2017

20170715. QUANH VỤ CẤP PHÉP NHẤN CHÌM BÙN THÀI CHO CÁC NHÀ MÁY ĐIỆN VĨNH TÂN, BÌNH THUẬN

ĐIỂM BÁO MẠNG

BỘ TÀI NGUYÊN LÝ GIẢI VIỆC CẤP GIẤY NHẬN CHÌM 1 TRIỆU M3 BÙN THẢI

VNN 29-6-2017
nhiệt điện, môi trường biển, khu bảo tồn Hòn Cau, nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Bộ Tài nguyên và Môi trường
Khu bảo tồn Hòn Cau, tỉnh Bình Thuận
Bộ TN&MT vừa ký giấy phép chấp thuận cho công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân (Bình Thuận).
Tổng diện tích được phép nhận chìm là 30 ha mặt nước biển, nơi nhận chìm có độ sâu không quá 30 m.
Ngoài ra, Bộ TN&MT còn đưa ra hàng loạt các điều kiện như đơn vị giám sát, vận chuyển, quan trắc khác để đảm bảo an toàn về môi trường khi nhận chìm.
Theo Bộ TN&MT, công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển vật liệu nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.


nhiệt điện, môi trường biển, khu bảo tồn Hòn Cau, nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tại Bình Thuận.

Vật, chất đề nghị được cấp giấy phép nhận chìm là cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, đá phong hóa, sét và bùn trầm tích thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, Bộ TN-MT đã thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ cấp giấy phép với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sinh thái, hải dương học; BQL Khu bảo tồn Hòn Cau, UBND tỉnh Bình Thuận và đại diện các bộ, ngành liên quan.
Cùng với việc tổ chức thẩm định hồ sơ, Bộ TN-MT đã có văn bản lấy ý kiến của các bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau xin ý kiến về hồ sơ cấp phép nhận chìm....
Khu vực nhận chìm thuộc vùng biển xã Vĩnh Tân, huyên Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, có diện tích 30 ha, cách Khu bảo tồn Hòn Cau là 8 km.
Thời gian được phép nhận chìm chỉ thực hiện từ tháng 6 đến hết tháng 10 năm 2017.

CẤP PHÉP 'NHẬN CHÌM' BÙN THẢI Ở HÒN CAU: BỘ TN&MT TIN KIỂM SOÁT ĐƯỢC TÌNH HÌNH

VNN 14-7-2017
- Chiều 13/7, ông Phạm Ngọc Sơn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo đã thay mặt Bộ TN-MT báo cáo trước kỳ họp lần 4 HĐND Bình Thuận khóa X về toàn bộ quá trình thẩm định cấp phép “nhận chìm” gần 1 triệu m3 bùn thải do nạo vét xây dựng cảng Vĩnh Tân tại vùng biển cách khu bảo tồn Hòn Cau 8km.
Xả thải hay nhận chìm?
Giải thích về lý do tại sao dùng từ nhấn chìm, ông Sơn cho biết: khái niệm “nhận chìm vật chất” là một khái niệm chính thức đã được quy ước trong Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam là thành viên. 

ô nhiễm môi trường,hòn cau,bùn thải,Bộ TNMT
Khu vực nhận chìm bùn thải cách khu bảo tồn Hòn Cau 8km 

Theo quy định của Luật Tài nguyên Môi trường Biển & Hải đảo (TMMTB&HĐ) của Việt Nam và Công ước của Liên Hiệp Quốc thì nhận chìm là sự trút bỏ có ý thức xuống biển các loại chất thải, chất trơ, chất nạo vét…Trong đó, Luật TNMTB&HĐ đã quy định cụ thể về việc nhận chìm, về vật chất được nhận chìm, trình tự thủ tục và cấp có thẩm quyền cấp phép nhận chìm”.
Ông Sơn cho biết thêm, mặc dù Việt Nam chưa có kinh nghiệm về quản lý nhận chìm, nhưng cơ sở để Bộ TN-MT nghiên cứu xây dựng Luật TNMTB&HĐ quy định cụ thể việc nhận chìm, là căn cứ vào kinh nghiệm của quốc tế và Nghị định thư London 1996. Do vậy những quy định của Luật này đều tương tự như các quy định của quốc tế.
Giải thích vật chất nhận chìm có phải là chất thải hay không, ông Sơn cho biết Luật quy định có trường hợp là chất thải, nhưng cũng có trường hợp không là chất thải. Riêng chất nhận chìm tại Vĩnh Tân không phải là chất thải từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. 
“Đây là chất có từ lâu đời dưới biển, nay vì nhu cầu cho tàu vào chúng ta phải đào nó lên và đem chuyển nó đi chỗ khác. Nó là của biển và chúng ta đưa nó về biển” ông Sơn cho biết.
'Cấp phép đúng pháp luật...'
Trình bày trước HĐND tỉnh Bình Thuận ông Sơn nói: “khi nhận được bộ hồ sơ xin nhận chìm của Công ty TNHH Vĩnh Tân 1, Bộ TN-MT đã hết sức thận trọng trong quá trình xem xét. Mặc dù không có quy định, nhưng Bộ đã thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ cấp phép gồm 22 nhà khoa học, hải dương học, các ngành,… “

ô nhiễm môi trường,hòn cau,bùn thải,Bộ TNMT
Ông Phạm Ngọc Sơn trình bày quan điểm của Bộ TN-MT trước HĐND tỉnh Bình Thuận

Quá trình thẩm định Bộ TN-MT đã bám sát 4 yếu tố theo quy định của Luật: không được là chất chứa phóng xạ, chất độc vượt tiêu chuẩn môi trường; không tác hại ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và nguồn lợi thuỷ sản; không thể lưu giữ trên đất liền hoặc không hiệu quả về KTXH; và thuộc danh mục được phép nhận chìm. Cả 4 yếu tố này qua thẩm định thì đều đáp ứng, nên theo quy định của pháp luật phải cấp phép nhận chìm cho hồ sơ này.
Về khu vực nhận chìm, theo Luật TNMTB&HĐ, khu vực nhận chìm phải đảm bảo Quy hoạch sử dụng biển và Quy hoạch khai thác bền vững vùng tài nguyên vùng bờ. Tuy nhiên 2 luật này Việt Nam chưa có, do vậy Bộ TN-MT đã căn cứ vào Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và đã được phê duyệt từ năm 2014 để làm cơ sở pháp lý cấp phép.
Khó ảnh hưởng Hòn Cau
Trả lời câu hỏi của đại biển Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn luật sư Bình Thuận) về chất nhận chìm cụ thể là gì và giải pháp hạn chế tác động của nó, ông Sơn cho biết, theo hồ sơ của Công ty Vĩnh Tân thì chất nhận chìm có hàm lượng 80% là sạn sỏi cát, chỉ có 2% là bùn và sét, còn lại là là vỏ ốc, sò…nên khả năng phát tán ra môi trường biển khi nhận chìm là rất thấp. Ngoài ra vị trí nhận chìm là vùng sâu hơn rất nhiều so với khu vực Hòn Cau nên việc dịch chuyển vật chất đã nhận chìm ngược lên khu vực Hòn Cau là ít có khả năng xảy ra.

ô nhiễm môi trường,hòn cau,bùn thải,Bộ TNMT
Đại biểu HĐND Nguyễn Toàn Thiện chất vấn tại hội trường  
Căn cứ vào điều kiện thời tiết, thuỷ triều, động lực biển…ở khu vực này, Bộ TN-MT đã tính toán cho phép nhận chìm từ tháng 6 – 10 tức vào mùa gió Tây Nam để hạn chế thấp nhất khả năng phát tán, nếu có thì chỉ phát tán ra biển chứ không đi vào phía Hòn Cau.
Ngoài ra ông Sơn cho biết đã yêu cầu Công ty Vĩnh Tân áp dụng giải pháp: Dùng xà lan mở đáy cách mặt biển 5m vận chuyển chất thải đến khu vực nhận chìm để xả xuống biển nhằm hạn chế sóng, gió bề mặt gây phát tán và dùng lưới chắn quây khu vực nhận chìm để ngăn ngừa phát tán.

ô nhiễm môi trường,hòn cau,bùn thải,Bộ TNMT
Bản đồ khu vực nhận chìm chất bùn thải  

Về vấn đề hậu kiểm trong quá trình thực hiện, ông Sơn thông báo đã chỉ định Viện Hải dương học tiến hành giám sát độc lập tại 13 điểm quan trắc hằng ngày nhằm nắm các thông số trong nước biển khi thi công nhận chìm. “Chỉ cần 1 trong 13 vị trí quan trắc trên nếu phát hiện một số liệu vượt quy chuẩn chất lượng môi trường nước thì phải dừng hoạt động nhận chìm ngay” ông Sơn nói.
Về trách nhiệm giám sát, Bộ TN-MT sẽ thành lập tổ công tác liên ngành cùng với tổ giám sát đặc biệt gồm 29 người của UBND tỉnh Bình Thuận và Viện Hải dương học để phối hợp tiến hành giám sát.
“Chúng tôi quan niệm phát triển kinh tế, không đánh đổi môi trường. Tuy nhiên quá trình thực hiện ít nhiều có tác động, vấn đề là làm sao giảm thiểu thấp nhất trong khuôn khổ theo quy định của pháp luật. Với những giải pháp như vậy chúng tôi tin rằng chúng ta có thể kiểm soát được tình hình. Việc người dân quan tâm đến hoạt động này là rất đúng. Chúng tôi hoan nghênh các đánh giá phản biện của dư luận và các nhà khoa học. Hiện nay chúng tôi đang bàn với Viện Hàn lâm khoa học đánh giá lại một lần nữa các giải pháp về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhận chìm này…”.
Về lâu dài có tiếp tục cho nhận chìm tại khu vực này hay không, ông Sơn đề nghị tỉnh Bình Thuận phải nghiên cứu đánh giá, có thể tìm một vị trí khác. “Hiện nay Vĩnh Tân 2, 3 đã nộp hồ sơ xin nhận chìm 2,4 triệu m3 rồi nhưng có tiếp tục cho hay không thì chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét” ông Sơn cho biết.

SAU VĨNH TÂN 1: NGUY CƠ NGUỒN TÀI NGUYÊN HẢI SẢN BỊ XÓA SỔ

ĐĂNG NGUYỄN /TBKTSG 14-7-2017


(TBKTSG) - Sau khi Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) cấp Giấy phép số 1517/GP-BTNMT cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 “nhận chìm” chất thải xuống biển Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận hôm 23-6, nay đến lượt Tổng công ty Phát điện 3 xác nhận đang xúc tiến thủ tục xin Bộ TNMT “nhận chìm” khoảng 2,4 triệu mét khối “vật, chất” sau nạo vét cảng của ba nhà máy nhiệt điện gồm Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng xuống vùng biển Vĩnh Tân.
Tương lai rồi sẽ còn những “Vĩnh Tân” nào nữa?
Vậy là, sau một thời gian bùng nổ nhiệt điện than với những vấn đề ô nhiễm môi trường trên không, trên cạn và trong lòng đất (không khí, đất, nước ngầm), nay nhiệt điện than tiếp tục “lấn sân” với nguy cơ đe dọa ô nhiễm biển, đe dọa nguồn lợi thủy sản ở biển Đông mà bao nhiêu ngư dân đang gắn liền sinh kế vào đó, đe dọa cả ngành nuôi trồng thủy sản và có thể cả ngành du lịch, nghỉ dưỡng ven biển.
Giới hạn nào đang đặt ra cho môi trường? Giới hạn nào đang đặt ra cho sinh kế lâu dài của người dân?
Một bước lùi về pháp lý
Theo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2005, khoản 4 điều 57 quy định “Nghiêm cấm mọi hình thức đổ chất thải trong vùng biển nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Tiếp đó, Luật Biển năm 2012, khoản 3 điều 35 cũng quy định “tàu, thuyền, tổ chức, cá nhân không được thải, nhận chìm hay chôn lấp các loại chất thải công nghiệp, chất thải hạt nhân hoặc các loại chất thải độc hại khác trong vùng biển Việt Nam”.
Thế nhưng, Luật BVMT năm 2014 (thay thế Luật BVMT năm 2005) đã đưa vào quy định cho phép hoạt động “nhận chìm, đổ thải” trong vùng biển Việt Nam. Tại khoản 3, điều 50 quy định “việc nhận chìm, đổ thải ở biển và hải đảo phải căn cứ vào đặc điểm, tính chất của loại chất thải và phải được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”.
Tiếp đó, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2016 (TNMT), kèm theo Nghị định số 40/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật này có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 đã cụ thể hóa quy định về “nhận chìm ở biển”.
Trên bình diện quốc tế, các quy định về môi trường càng ngày càng chặt chẽ và nghiêm khắc theo tiến trình phát triển của nhân loại. Để kiểm soát ô nhiễm, thế giới từ lâu đã áp dụng cách tiếp cận phòng ngừa như là một phương cách hữu hiệu không chỉ để giảm chi phí xử lý mà còn trực tiếp giảm lãng phí tài nguyên, tiết kiệm nguồn lực.
Đối với việc xả thải xuống biển, Công ước London (1972) và Nghị định thư London (1996) về “phòng ngừa ô nhiễm biển do xả chất thải và các chất khác” (“Prevention of Marine Pollution by Dumping of Wastes and Other Matter”) cũng theo cách tiếp cận đó để khuyến khích các bên liên quan hạn chế đến mức tối thiểu việc xả thải xuống biển và hướng đến cấm hoàn toàn xả thải xuống biển. Cũng cần nói thêm rằng Công ước và Nghị định thư London không dùng thuật ngữ “nhận chìm ở biển” mà gọi thẳng là “xả thải xuống biển” (sea dumping), hay không dùng thuật ngữ “vật, chất” mà gọi thẳng là chất thải (wastes)!
Việc cho phép “nhận chìm ở biển” theo Luật BVMT năm 2014 là một bước lùi pháp lý, đi ngược lại với thông lệ quốc tế trong việc tiếp cận về kiểm soát ô nhiễm.
Như Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Linh Ngọc thừa nhận với báo chí ngày 4-7-2017, đến nay Việt Nam hoàn toàn chưa có quy hoạch tổng thể về các khu vực an toàn ở biển để phục vụ việc cấp phép hoạt động nhận chìm ở biển. Hơn thế nữa, ông Ngọc cũng xác nhận rằng: “Tất nhiên không thể khẳng định là hoàn toàn an toàn... Nếu có vấn đề gì vượt ngưỡng cho phép thì dừng ngay, không cho nạo vét nữa” (Pháp luật TPHCM, ngày 5-7-2017). Vậy là, tờ giấy phép “nhận chìm ở biển” đã được cấp mà nguy cơ tác động như thế nào vẫn còn chưa rõ?
Những chỉ tiêu giám sát môi trường rất lạ
Thông cáo báo chí ngày 28-6-2017 của Bộ TNMT cũng cho biết bốn thông số về chất lượng nước biển được giám sát gồm độ pH, oxy hòa tan (DO), tổng chất rắn lơ lửng (TSS) và độ đục, cùng với độ lắng trầm tích, thông số hệ sinh thái và thông số chất lượng hệ sinh thái. Không rõ thông số hệ sinh thái và thông số chất lượng hệ sinh thái là những thông số gì và có những tiêu chuẩn, quy chuẩn nào để so sánh vì không thấy Bộ TNMT nhắc đến.
Riêng về chất lượng nước biển, cơ sở để so sánh là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển (QCVN 10-MT:2015/BTNMT) với những chỉ tiêu và giới hạn khác nhau cho các vùng biển ven bờ (trong vòng 3 hải lý hay khoảng 5,5 ki lô mét), vùng biển gần bờ (trên 3 hải lý đến 24 hải lý hay khoảng 5,5 ki lô mét đến khoảng 44 ki lô mét) và vùng biển xa bờ (trên 24 hải lý hay khoảng 44 ki lô mét đến giới hạn ngoài của vùng biển Việt Nam).
Theo đó, chỉ có vùng biển ven bờ là có quy định về oxy hòa tan (DO) và tổng chất rắn lơ lửng (TSS), các vùng từ khoảng 5,5 ki lô mét trở ra không quy định các chỉ tiêu này. Ngoài ra, QCVN 10-MT:2015/BTNMT hoàn toàn không quy định về độ đục nhưng lại quy định rất nhiều chỉ tiêu về kim loại nặng và thuốc trừ sâu. Vậy là, những chỉ tiêu chất lượng nước biển DO, TSS và độ đục mà Bộ TNMT quy định giám sát tại khu vực “nhận chìm”, nơi thuộc vùng biển gần bờ (vì xa bờ biển Vĩnh Tân ít nhất 8 ki lô mét) không được quy định trong QCVN 10-MT:2015/BTNMT thì cơ sở nào để so sánh, đánh giá để có thể thực hiện như lời của Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc “nếu có vấn đề gì vượt ngưỡng cho phép thì dừng ngay, không cho nạo vét nữa”?
Ngoài ra, QCVN 10-MT:2015/BTNMT cho vùng biển ven bờ quy định 25 chỉ tiêu, vùng biển gần bờ quy định 16 chỉ tiêu, liệu rằng sự cho phép giám sát có ba chỉ tiêu pH, DO, và TSS (không tính đến độ đục) có đủ để kết luận việc “nhận chìm” là không gây vượt quy chuẩn chất lượng nước biển?
Nguy cơ phá hủy nguồn tài nguyên hải sản
Theo các tác giả Lê Phương - Võ Nguyên trong bài báo Nước trồi - hiện tượng thiên nhiên độc đáo ở vùng biển Bình Thuận, vùng ven biển Nam Trung bộ, mà tập trung mạnh nhất ở khu vực từ vịnh Phan Rang (Ninh Thuận) đến vịnh Phan Rí (Bình Thuận), đã được phát hiện là vùng nước trồi. Hiện tượng nước trồi là nguyên nhân làm cho các chất dinh dưỡng và thực vật phù du xuất hiện nơi bề mặt được tiếp xúc với bức xạ mặt trời, sẽ kích hoạt quá trình quang hợp, tạo điều kiện sinh thái môi trường cực kỳ thuận lợi cho sự phát triển đời sống sinh vật biển: thích hợp sinh vật nổi phù du, sinh vật đáy phát triển số lượng lớn, trứng cá, cá con nhiều, sò lông, điệp... có sản lượng cao.
Còn theo các tác giả Jennings, Kaiser và Reynolds trong bài báo Marine Fisheries Ecology, khoảng 25% cá biển trên toàn cầu được đánh bắt từ 5 vùng nước trồi, chỉ chiếm 5% diện tích mặt biển trên toàn thế giới.
Như vậy, có thể thấy rằng khu vực từ vịnh Phan Rang (Ninh Thuận) đến vịnh Phan Rí (Bình Thuận), trong đó có khu bảo tồn Hòn Cau và vùng biển Vĩnh Tân nằm ở trung tâm của nguồn tài nguyên hải sản rất lớn của Việt Nam. TS. Nguyễn Tác An, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cũng đã khẳng định trên Pháp luật TPHCM ngày 30-6-2017: “vùng biển Vĩnh Tân là vùng biển có vai trò cực kỳ quan trọng bởi là vùng nước trồi, là ngư trường rất lớn của Việt Nam, có giá trị to lớn, lâu dài về môi trường, nhất là đa dạng sinh học”.
Việc cấp phép “nhận chìm” gần 1 triệu mét khối “vật, chất” của nhiệt điện Vĩnh Tân 1, cùng với khả năng sẽ có thêm 2,4 triệu mét khối “vật, chất” của Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng không chỉ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và tàn phá hệ sinh thái biển trong khu vực, mà quan trọng hơn, lượng “vật, chất” này có thể lấp đầy độ dốc của thềm lục địa trong khu vực “nhận chìm”, từ đó xóa bỏ hoàn toàn ưu thế tự nhiên hiếm có để tạo ra hiện tượng nước trồi trong vùng biển Nam Trung bộ này, hậu quả là xóa xổ luôn nguồn tài nguyên hải sản rất lớn ở đây.
Liệu rằng, Bộ TNMT đã tính toán kỹ chưa khi cho hàng triệu tấn chất thải đổ xuống nơi mà bao nhiêu ngư dân đang gắn liền sinh kế vào đó, nơi mà những lợi ích kinh tế thủy sản và du lịch, nghỉ dưỡng ven biển vô cùng to lớn mà chưa ai tính toán hết được?
Chi phí quan trắc, giám sát từ đâu?
Thông cáo báo chí ngày 28-6-2017 của Bộ TNMT cho biết “chương trình quan trắc, giám sát độc lập tại 13 điểm do Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (đơn vị giám sát độc lập) thực hiện với sự tham gia của đại diện Bộ TNMT, các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương để quan trắc, giám sát nguồn gây tác động đến môi trường và đối tượng có thể bị tác động do hoạt động nhận chìm; kịp thời phát hiện và xử lý các tác động tiêu cực đến môi trường”. Vậy, chi phí cho Viện Hải dương học thực hiện việc giám sát độc lập cũng với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương huy động vào việc giám sát được lấy từ nguồn nào? Nếu Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 chi trả thì đó là một sự mâu thuẫn về quyền lợi. Nếu dùng ngân sách để chi trả thì cũng không hợp lý vì trong khi ngân sách còn bao nhiêu khoản phải chi vậy thì tại sao lại cấp phép nhấn chìm để rồi tốn tiền... “chạy theo” giám sát?

CÁI TÁT DÀNH CHO BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

BẠCH HOÀN/BVN 14-7-2017

Một lần nữa, thủ đoạn xảo ngôn, dối trá trắng trợn của một quan chức cấp cao lại bị vạch trần. Đó là trường hợp của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc, khi ông này nói về việc cấp phép xả 1 triệu m3 (chất thải nạo vét luồng vào cảng) cho Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ra biển Bình Thuận, cách khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau chỉ 8 km.
Trên báo Pháp luật TP. HCM, ông Ngọc trả lời phỏng vấn như sau:
"• Như ông nói là Bộ đã khảo sát chi tiết khu vực 30 ha cấp phép cho hoạt động nhận chìm này. Vậy hệ sinh thái biển dưới đó thế nào?
+ Cát thôi.
• Có các hệ sinh thái, sinh vật như cỏ biển, san hô hay khu vực mà sinh vật biển sinh sản?
+ Không có. Nếu có thì không bao giờ chúng tôi cấp phép! Khẳng định với các bạn như vậy! Chúng tôi có trách nhiệm với môi trường, các bạn không nên đặt những câu hỏi kiểu như vậy
".
Thế nhưng, những bức ảnh tôi post dưới đây lại chính là khu vực đáy biển, nơi tiếp nhận chất thải mà ông Nguyễn Linh Ngọc cấp phép.

clip_image002
clip_image004
clip_image006
clip_image008

Giữa lời khẳng định chắc nịch là đáy biển chỉ có "cát thôi", không có san hô và sinh vật biển, với các hình ảnh hết sức trực quan sinh động là đang có san hô, có thảm sinh vật biển sinh sống, được VTC14 thông qua các thợ lặn ghi lại, thì thực sự không còn gì để nói về sự dối trá trơ trẽn của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đây là một cái tát vào mặt loại quan chức như ông Ngọc và cái tát dành cho cả Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Với sự thật không thể chối cãi này, ông Ngọc, nếu còn có lương tri để thức tỉnh thì hãy lập tức rời khỏi cái ghế mà ông đang ngồi. Ông không xứng đáng. Tuyệt đối không! Nếu ông ta vì tham quyền cố vị, vì bổng lộc, hay bất cứ lý do gì mà vẫn cố sống cố chết bám vào cái ghế thứ trưởng, thì những lãnh đạo cấp cao hơn, nếu còn có lương tri, nếu còn nghĩ đến giữ gìn kỷ cương phép nước, đến niềm tin của nhân dân, cần phải cách chức thứ trưởng đối với ông Ngọc. Một kẻ đạo đức như vậy không xứng đáng làm người chứ đừng nói làm quan.
Với sự thật đã được phơi bày này, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải ngay lập tức rút lại giấy phép đổ 1 triệu m3 chất thải xuống biển.
Chính ông Ngọc, người thay mặt ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà ký giấy phép, đã nói nếu có (san hô và sinh vật biển) thì không bao giờ cấp phép. Nay báo chí đã chứng minh dưới đáy biển có san hô, có sinh vật biển, thì việc rút lại tờ giấy kia là đương nhiên. Sự thật đã rành rành, các ông không thể tiếp tục lì lợm được nữa. Bởi như thế chẳng khác nào các ông gián tiếp tuyên bố, làm quan chức là phải mất hết liêm sỉ!?
B.H.
DƯỚI CHÂN ỐNG KHÓI NHIỆT ĐIỆN

TRUNG BẢO/ BVN 14-7-2017

Cả một vùng đất khô cằn bên bờ biển giờ đây sáng bừng mỗi đêm với ánh điện của nhà máy nhiệt điện khổng lồ. Cũng không còn nhiều cảnh đứa trẻ đuổi bầy dê đi giữa sa mạc khô nóng với hàng cây lúp xúp mà thay vào đó là ống khói khổng lồ thải khói dày đặc lên trời cao với bãi xỉ than mênh mông. Một vùng đất đang thay đổi và sự thay đổi ấy tác động trực tiếp đến những con người sống bao đời nơi đây.

clip_image001

Ông Châu Minh Vũ chỉ vào hồ nước lọc của cơ sở nuôi tôm giống của mình than phiền: “Nước đến hồ này là đã được lọc đến lần thứ 5 rồi mà chất bẩn vẫn còn đóng cặn bên dưới. Trước đây nước đến hồ này là đã trong vắt và có thể đưa vào sử dụng cho việc nuôi tôm giống”. Cái “trước đây” mà ông Vũ nhắc tới đó là trước khi có nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 ở vùng Tuy Phong (Bình Thuận).
Ở vùng quê nghèo này, người đàn ông mỗi sáng có tài xế lái BMW đời mới đưa đi ăn sáng bằng bún bò là một hình mẫu thành đạt đối với người dân sống quanh đây. Cuộc sống kinh tế của một ông chủ trại tôm giống có thể cao hơn đa số những người sống quanh ông nhưng nỗi khổ tâm vì môi trường sống thì không khác, thậm chí còn hơn vì những thiệt hại kinh tế do ô nhiễm môi trường. Doanh nghiệp tôm giống Đại Nam của ông Vũ được coi là một trong các cơ sở lớn của vùng đất vốn là trung tâm của nghề sản xuất tôm giống của cả nước.
“Tôi đầu tư mỗi hồ nuôi tôm khoảng 20 triệu nhưng đợt bụi vừa qua làm tôi thiệt hại khoảng 50 hồ tôm giống”, ông Vũ than vãn: “Lượng tôm giống sản xuất cũng sụt giảm 30 – 40% so với trước khi có nhà máy nhiệt điện”.
Không chỉ ảnh hưởng bởi lượng bụi than thải ra khi sản xuất điện, những cơ sở nuôi tôm giống còn khổ sở vì chất lượng nước biển bị ảnh hưởng do lượng nước thải xả ra sau khi sử dụng để làm mát hệ thống của nhà máy nhiệt điện. Ông Trần Hậu Điển, chủ doanh nghiệp cùng tên, từ lâu đã đóng tàu để hằng ngày chạy ra khơi… múc nước biển đem về nuôi tôm.
Theo quy hoạch, sau nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thì sẽ còn 3 nhà máy nhiệt điện với công suất tương đương sẽ được mọc lên trên vùng đất này. Hiện nay, mỗi ngày nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thải ra 4.400 tấn bụi và xỉ than. Bãi thải xỉ than rộng gần 33 hecta hằng ngày phải tưới nước rồi phủ bạt sau sự kiện người dân sống trong khu vực này phản ứng gay gắt hồi tháng 4 nhưng vẫn không ngăn được lớp bụi phủ lên mọi vật trong khu vực.
Hà, 14 tuổi, nhỏ thó như một đứa bé 10 tuổi dẫn chúng tôi đi vào khu vực thải xỉ than của nhà máy, kể: “Nhà con làm nghề biển mà gần năm nay ba con ở nhà vì đi lưới không có cá. Con nghỉ học năm ngoái giờ đi làm phụ bán quán cho người ta mỗi tháng được 2 triệu”. Kiếm được số tiền 2 triệu mỗi tháng như Hà ở lứa tuổi đó và tại vùng đất này, còn được xem là giỏi giang. Bởi, nhiều người xưa nay vốn sống nhờ vùng biển ven bờ giờ đây đành xếp lưới lên bờ ngồi vì không còn cá.
Ông Thọ, 60 tuổi, là một trường hợp như vậy. Đi biển từ khi ngoài 20 tuổi nhưng gần một năm nay ông xếp đống lưới của mình vào một góc sân để “chờ có ai mua thì bán mà chờ hoài đâu có ai mua”. Ngày trước, những tháng đầu năm thường là thời gian những ngư dân ở xóm biển nghèo này kiếm đủ tiền để trang trải cho cả năm, những tháng còn lại tuy không bằng nhưng cũng đắp đổi được.
“Ngày xưa đi ra chừng 2 lý (2 hải lý tương đương 3,6 km – PV) là có cá rồi. Bây giờ tàu chạy 4-5 hải lý mới có mà cá không bằng như hồi trước, tiền dầu thì lỗ hơn. Lúc đó mấy tháng đầu năm cũng kiếm được 60-70 triệu để dành cho cả năm” ông ngư phủ già này nói “Bây giờ tui đi vô làm ở bãi xỉ than của nhà máy, làm từ 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm mỗi tháng lương 6 triệu”.
Ngồi nhà nhỏ của ông Thọ ở sát khu vực nhà máy nhiệt điện, tường bị nứt nhiều chỗ vì “thời gần đây người ta nổ mìn để làm nhà máy mới”. Bà mẹ ông Thọ, mất hồi đầu năm sau những tháng nằm liệt giường, đã từng hoảng hốt la hoảng dù đang bệnh nặng “Con ơi bồng mẹ xuống hầm” khi nghe tiếng nổ mình. Bà cụ tội nghiệp tưởng rằng đó là tiếng bom thời chiến tranh.
Một nhóm ngư phủ trẻ khác đang ngồi nhậu bên hiên nhà vẫy chúng tôi đến ngồi “làm bậy mấy ly” và kể “Tụi tui đánh không có cá mà lặn xuống thì nước bên dưới khoảng 2-3 mét nóng ran, đỏ quạch. Hồi đó vùng này là mỏ tôm hùm giống còn bây giờ dưới rạng san hô chết gần hết rồi huống gì đến tôm hùm”. Đang mùa đánh bắt nhưng những ngư dân này bày ra cái đĩa với mấy khúc cá khô tanh ngòm để uống với mấy chai bia rẻ tiền. “Nhậu cho vui chớ cá tôm đâu nữa mà đi chi cho lỗ tiền dầu”, một người vừa ngà ngà men bia vừa nói.
Không một người dân nào khi trò chuyện với chúng tôi nói rằng họ được hỏi ý kiến trước khi xây dựng nhà máy nhiệt điện. Ai cũng lo lắng khi nhiều nhà máy nhiệt điện nữa sẽ được mọc lên trong tương lai. Thông tin di dời dân nhiều người cũng nghe nhưng vẫn chưa biết cụ thể mình sẽ đi đâu và mức đền bù thế nào. Sau cơn bão bụi, nghe chừng cơn bão mang tên “giải tỏa đền bù” sắp ập xuống cái làng chài nghèo này. Và cơn bão lần này không chỉ phá đi môi trường sống mà còn có thể phá luôn những giềng mối xã hội như nó từng làm ở nhiều vùng quê trên khắp đất nước này.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 phải đầu tư dây chuyền xử lý xỉ than và đưa vào vận hành trước năm 2020. Đây sẽ là câu chuyện nan giải bởi vì xỉ than này là thứ hợp chất rất khó xử lý. Tuy vậy, ông Hồ Trung Phước – Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bình Thuận, đưa cho chúng tôi xem một số mẫu gạch được làm ra từ xỉ than.
“Một doanh nghiệp ở TP. HCM đã nghiên cứu xong cách tái chế xỉ than để làm gạch. Theo yêu cầu của Thủ tướng thì Ban lãnh đạo nhà máy Vĩnh Tân phải chi trả tiền vận chuyển xỉ than đến nơi sản xuất. Nếu vậy thì giá thành một viên gạch thế này còn khoảng 300-400 đồng trong khi gạch thường hiện nay khoảng 1.800 đồng/viên, có thể cạnh tranh được”, ông Phước nói, “Chúng tôi rất khuyến khích và sẵn sàng hỗ trợ đối với các doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng những nhà máy tái chế xỉ than thành vật liệu xây dựng hoặc làm đường”.
Chuyện tương lai là vậy và cũng trong tương lai sẽ còn thêm 3 nhà máy nhiệt điện nữa mọc lên. Làng quê nghèo này sẽ thay đổi mãi mãi. Chưa thể nói sự thay đổi đó mang lại điều gì tốt đẹp cho cộng đồng dân cư nơi đây nhưng điều dễ nhận thấy nhất là môi trường sống bao đời của làng chài này giờ đây đã không còn.
T.B.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét