Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

20170701. QUANH CHỦ TRƯƠNG 'BỎ ĐIỂM SÀN' TUYỂN SINH ĐẠI HỌC

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐẠI HỌC: VÀO CŨNG DỄ , RA CHẲNG KHÓ KHĂN, VẬY CHẤT LƯỢNG Ở ĐÂU?
     
  PHAN TUYẾT/ GDVN 1-7-2017

Hình ảnh thí sinh đăng kí nộp hồ sơ vào trường đại học. (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của các trường đại học, cao đẳng ở nước ta, nhiều ý kiến cho rằng cần phải bỏ quy định về điểm sàn xét tuyển “lẽ ra giáo dục đại học phải siết chặt đầu ra, sàng lọc quá trình đào tạo thì chúng ta lại chỉ chăm chăm quản lý đầu vào”.
Chuyện mở đầu vào, siết chặt đầu ra trong giáo dục đại học đã được nhiều nước phát triển trên thế giới áp dụng. Nhờ đó, chất lượng đào tạo của họ được kiểm soát, sinh viên ra trường có kiến thức, chuyên môn vững vàng.
Nếu giáo dục đại học của chúng ta cũng mở cửa đầu vào và siết chặt đầu ra, liệu có đảm bảo sẽ làm một cách nghiêm túc như một số nước đang làm không, hay chúng ta lại tạo điều kiện cho một số người có cơ hội làm những việc khuất tất để hưởng lợi?
Ở bài viết này, xin được kể một số câu chuyện về giáo dục đại học bên xứ người và ngay chính quê hương mình để người đọc có cái nhìn toàn diện và câu trả lời nên hay không thuộc về mỗi chúng ta. 
Chuyện học đại học nơi xứ người
Người chị họ của tôi vốn tốt nghiệp một trường đại học trong nước nhưng vì theo chồng qua Mỹ sinh sống, muốn có công việc ổn định nên chị phải đăng kí học ở một trường đại học tại Mỹ. 
Do, bằng tốt nghiệp đại học của nước ta không được họ công nhận nên chị phải học lại từ đầu. Chị nói: đăng kí học quá dễ nhưng tốt nghiệp ra trường lại rất khó. Những kỳ thi diễn ra vô cùng nghiêm túc, nếu bản thân không vận động sẽ chẳng có cách nào qua được. 
Qua tìm hiểu, chị thấy có nhiều sinh viên học tới 6, 7 năm nhưng vẫn chưa thể tốt nghiệp vì không qua được các kỳ thi sát hạch, thi kiểm tra, thi tốt nghiệp. Ngược lại, có sinh viên mới chỉ học 3 năm nhưng đã đủ điều kiện ra trường. Bởi vậy, chị phải học ngày, học đêm vì không có cách nào khác. 
Với sự cố gắng, nỗ lực hết mình của bản thân 4 năm sau chị mới cầm được tấm bằng đại học. Chị nói: “so với những năm tháng học đại học ở quê nhà thì 4 năm học bên này công sức phải bỏ ra nhiều gấp hàng chục lần như thế”.
Chuyện học đại học xứ mình
Không ít sinh viên đại học của ta nói rằng: “sướng như học đại học”. Bởi, thích thì lên giảng đường nghe, không thích thì ở nhà đi chơi, đi làm, miễn thi học phần đạt là được rồi”. 
Nghe vậy, một số sinh viên cười và bật mí “có rất nhiều cách như vào phòng thi mở tài liệu quay bài, nhờ các mối quan hệ thân thiết để xin điểm…có trường hợp mua điểm hẳn hoi”.Không ít sinh viên lợi dụng vào điều này mà thỏa sức chơi bời, chuyện ở nhà tự học và nghiên cứu tài liệu bổ sung kiến thức cho mình hầu như không thấy, nhưng, không học sao có kiến thức để thi hết học phần? 
Có em kể và đưa luôn dẫn chứng:
 “Thầy trưởng khoa trong trường em học nổi tiếng ra đề khó. Môn của thầy sinh viên lúc nào cũng trượt hơn một nửa. Thế nhưng, nếu ai biết điều lại rất dễ đỗ”.
“Biết điều” ở đây được mọi người bật mí là có “phong bì” đi trước bảo kê. Một bạn sinh viên trong lớp có lực học khá môn này nên nhất quyết không chịu đóng tiền chung với cả lớp. Cuối cùng, bạn phải thi đến lần thứ hai mới đỗ.
Những ưu điểm của hai hình thức
Thứ nhất: siết chặt đầu vào đại học, học sinh phải miệt mài học tập mới mong thi đỗ vào trường đại học. Như vậy, những em đỗ đại học phần lớn phải có lực học từ khá trở lên. Nhưng đỗ rồi, không ít em lại cho phép mình thả lỏng, nghỉ ngơi, chểnh mảng học hành. 
Bởi thế, khi tốt nghiệp ra trường, kiến thức học và tích lũy bao năm cũng chẳng có nhiều. Đây cũng là nguyên nhân hàng ngàn sinh viên ra trường vừa hổng về kiến thức, vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ.
Thứ hai: bỏ điểm sàn đại học (tức là mở đầu vào nhưng siết chặt đầu ra) thì ai cũng có thể vào được. Chuyện quan trọng bằng cấp vẫn tồn tại trong suy nghĩ nhiều người. Có gia đình sẵn sàng vét đến đồng xu cuối cùng, vay mượn khắp nơi để cho con vào học đại học mà không cần biết sau này các em ra trường sẽ làm gì.
Chỉ cần con học đại học là thấy oai, thấy vui, thấy “nở mày nở mặt” với  xóm làng. Chắc chắn, những năm đầu thực hiện, lượng học sinh đăng kí vào các trường đại học sẽ rất đông. Sẽ có những em ra trường chỉ sau vài năm học nhưng có không ít em 5 -7 năm sau vẫn chưa thể tốt nghiệp. 
Lúc này, những học sinh yếu sẽ có suy nghĩ việc mình vào đại học là đúng hay sai lầm, vào học nhưng không thể tốt nghiệp làm tốn kém bao thời gian, tiền bạc của bản thân và gia đình.
Nếu siết chặt đầu ra đại học thì (phải làm nghiêm túc) buộc các em muốn ra trường phải lăn vào học hỏi, tìm tòi, tích lũy kiến thức, chuyên môn. Bù lại, chúng ta sẽ nâng chất lượng đào tạo, sinh viên ra trường vừa có kiến thức, vừa vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ.
Hình thức nào cũng có những ưu điểm nổi trội, trong các trường đại học của chúng ta, những giảng viên như thầy trưởng khoa vừa nói trên tuy không nhiều nhưng không hoàn toàn là không có. 
Những chuyện như: mua luận văn, đồ án, tiểu luận tốt nghiệp vẫn thường xảy ra hàng năm ở một số trường đại học, nếu những tiêu cực này vẫn tồn tại thì ai có thể dám chắc việc “siết đầu ra” là nghiêm túc, công bằng? 
Sợ rằng tới lúc, vào đại học cũng dễ mà tốt nghiệp đại học cũng chẳng khó khăn gì thì tình trạng “phổ cập đại học” toàn dân như một số người lo sợ còn đáng buồn hơn rất nhiều.
Phan Tuyết
ĐÃ ĐẾN LÚC CHÚNG TA PHẢI MẠNH DẠN BỎ ĐIỂM SÀN
SÔNG TRÀ/ GDVN 29/6/2017
Theo kế hoạch đến năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chính thức bỏ quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, bỏ quy định về điểm sàn đồng nghĩa với việc trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, còn các thí sinh, họ có quyền đăng ký bất kỳ trường nào, ngành nào với mức điểm thi không giới hạn.
Năm vừa rồi, trong dự thảo tuyển sinh vào các trường Đại học, Cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra chủ trương trên và nhận được hai luồng ý kiến trái chiều, một bên phản đối; một bên đồng tình từ dư luận xã hội, trong đó có các nhà quản lý giáo dục bậc Đại học.
Bên phản đối chỉ rõ những hậu quả tiêu cực khôn lường khi bỏ điểm sàn đại học:
Thứ nhất: các trường đại học xếp hạng dưới, khó tuyển sinh ở những năm trước sẽ được “thả cửa” tuyển sinh trong năm học tới. Kéo theo đó, chất lượng nguồn nhân lực sẽ bị giảm sút đáng kể.
Thứ hai: việc học đại học sẽ mất đi ít nhiều những giá trị của nó. Thực tiễn cho thấy, thời gian gần đây, chất lượng đào tạo của các cử nhân tốt nghiệp Đại học ở nước ta rất thấp. Trình độ, tay nghề của người sở hữu tấm bằng không tương ứng với kết quả được ghi trên tấm bằng đó.
Vì vậy, việc các cử nhân ra trường không có việc làm, không làm được việc đang ở mức báo động đỏ. Nếu tiếp tục thả nổi cánh cửa xét tuyển đầu vào như sắp tới, e rằng chất lượng nguồn nhân lực của đại học đào tạo ra sẽ còn xuống thấp hơn nữa. 
Thứ ba: các trường đại học bị phân hóa rõ rệt. Nghĩa là, thí sinh sẽ được chọn các trường đại học lớn, chất lượng. Ở vị trí các trường, việc càng nhiều thí sinh sẽ giúp cho nguồn tài chính thêm dồi dào mà không chịu bất cứ quy định trói buộc nào.
Thứ tư: hầu như các trường cao đẳng, trung cấp sẽ “hết cửa” tuyển sinh vì thí sinh quá dễ dàng để vào được trường đại học nên sẽ không mặn mà tới các trường phía sau.
Cuối cùng: việc bỏ quy định điểm sàn sẽ đi ngược lại với mục tiêu định hướng nguồn nhân lực của xã hội. Khi thí sinh đồng loạt có nhu cầu của một ngành, nghề nào đó thì các trường sẽ mở ra để đáp ứng nhu cầu. Điều này sẽ dẫn tới việc thừa, thiếu nguồn nhân lực cục bộ ở các ngành nghề, ảnh hưởng đáng kể tới các mục tiêu phát triển.
Những người đồng tình, ủng hộ lại đưa ra ý kiến, phân tích, minh chứng cũng rất xác đáng:
Hai năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép các trường có thể tuyển sinh riêng bằng cách xét học bạ trung học phổ thông, nhưng các trường cũng không tuyển được nhiều thí sinh theo phương thức này.  
Năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, song có hơn 100.000 thí sinh trên ngưỡng này không nộp đăng ký xét tuyển, nhiều trường tuyển sinh không đủ chỉ tiêu.
Điều này cho thấy thí sinh ngày nay đã có sự tính toán, lựa chọn trường, không cố gắng vào đại học bằng mọi giá. Vì thế, không phải các trường cứ hạ điểm chuẩn là có thể tuyển đủ chỉ tiêu. Trái lại, việc hạ thấp điểm chuẩn làm cho uy tín của trường bị ảnh hưởng, càng khiến cho thí sinh “quay lưng”.
Mặt khác, khi được trao quyền chủ động, nhiều trường đại học sẽ được tự do đưa ra những chiến lược, kế hoạch để tuyển sinh sao cho phù hợp với đặc thù ngành, nghề mà ngôi trường đó đào tạo.
Điều đó hoàn toàn có lợi cho những sinh viên tương lai và cho chính danh tiếng ngôi trường đó. Bởi, kết quả thi đại học không phải yếu tố duy nhất để đánh giá năng lực của thí sinh cũng như để “đo” xem thí sinh đó liệu có “triển vọng” để theo đuổi ngành nghề mình đã chọn hay không.
Người học đã tốt nghiệp trung học phổ thông là có đủ điều kiện để vào đại học nhưng để được vào thì phải do chính trường đó quy định riêng.
Bởi, mục tiêu của các trường là tuyển đủ chỉ tiêu nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng đầu vào. Theo đó, trường có chất lượng cao sẽ có tiêu chuẩn xét tuyển cao hơn.
Hơn nữa, có thể ở nước ta, chuyện mở cửa đầu vào, siết chặt đầu ra là “mới” nhưng với các nước phát triển trên thế giới, đó lại là định hướng giáo dục đã được áp dụng từ rất lâu.
Là tác giả của bài viết, tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương bỏ điểm sàn Đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2018.
Đây là hướng đi mới ở nước ta, phù hợp với nhiều mô hình đại học trên thế giới, giúp các trường Đại học thoải mái với cơ chế tự chủ theo Luật giáo dục đại học, còn người học có quyền quyết định, lựa chọn bậc học, ngành học của mình.
Đã đến lúc, chúng ta cần xem các trường Đại học như “thị trường” bình đẳng, tự chủ phát triển, cạnh tranh công bằng. Trường nào đào tạo kém, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động thì tự khắc “thua cuộc”, “đóng cửa”.
Các trường Đại học tự cân nhắc khi đặt điều kiện đầu vào của trường cho phù hợp để đảm bảo chất lượng nhằm xây dựng uy tín của trường.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần đặt ra các yêu cầu nghiêm ngặt đối với các trường Đại học về việc công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, báo cáo tình hình sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm, công khai chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia, đồng thời, triển khai mạnh mẽ kế hoạch kiểm định chất lượng.
Việc kiểm soát chất lượng đào tạo, do đó, không chỉ tập trung ở đầu vào mà được thực hiện trong suốt quá trình đào tạo cho đến khi sinh viên tốt nghiệp ra trường. 
Khi bỏ điểm sàn Đại học, chắc chắn trong thời gian đầu (4 - 5 năm) sẽ không tránh khỏi tình trạng ngổn ngang, lộn xộn, vàng - thau lẫn lộn, số cử nhân thất nghiệp nhiều…đó là cái giá phải trả cho việc thay đổi đó.
Nhưng, đây cũng là động lực tạo nên “cuộc cách mạng” làm đổi thay, lột xác về chất lượng đối với các trường Đại học, nhất là các trường yếu kém hay co ro, giậm chân tại chỗ, không chịu làm mới mình.
SÔNG TRÀ
BỎ ĐIỂM SÀN TUYỂN SINH: XU THẾ VÀ NHỮNG HỆ LỤY
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 2-1-2017 
Bỏ điểm sản có phải là "tháo khoán"? (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Trong Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2017, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) không quy định điểm sàn, các trường cao đẳng, đại học (CĐ-ĐH) tự quy định điều kiện tuyển sinh của mình.
Việc quy định điểm sàn có lẽ là sự độc đáo trong công tác tuyển sinh đại học của ngành Giáo dục Việt Nam bởi lẽ tốt nghiệp trung học phổ thông chưa phải là đã đủ điều kiện theo học bậc đại học.

Có ý kiến phân vân, có ý kiến không đồng tình và cũng có những ý kiến đồng tình “già nửa” nghĩa là tán thành chủ trương bỏ điểm sàn song phải có lộ trình vài năm hoặc không bỏ điểm sàn với các trường chưa qua kiểm định,…

Hơn 30 năm trước, người viết từng chứng kiến công tác tuyển sinh tại một đại học thuộc Cộng hòa Séc (Tiệp Khắc cũ).
Học sinh tốt nghiệp phổ thông đăng ký ngành học, trường giao cho khoa tổ chức phỏng vấn, những ai qua vòng phỏng vấn là được nhập học.

Vậy bỏ điểm sàn có phải là “tháo khoán”, có phải là chủ trương nhằm cứu các trường tốp dưới, các trường ngoài công lập đang “thoi thóp”?
Nói theo cách hài hước của một tác giả là việc bỏ điểm sàn giống như quyết định tăng cường “bón cháo và không rút ống thở” với nhóm trường này?

Quan điểm của Bộ GD&ĐT là mở đầu vào (tuyển sinh), quản lý chặt đầu ra (tốt nghiệp). Người viết cho rằng đây là chủ trương đúng, là hướng đi tất yếu của giáo dục phù hợp với thực tế mà các nước tiên tiến đang áp dụng.

Bỏ điểm sàn phù hợp với chủ trương tạo điều kiện cho công dân học tập suốt đời, những người tốt nghiệp THPT sau một thời gian đi làm vẫn có thể tiếp tục đăng ký học bậc đại học mà không quá lo lắng cho kỳ thi tuyển sinh.
Bỏ điểm sàn cũng có thể bớt đi một kỳ thi thứ hai mà các trường phải tự tổ chức - như quyết định của ĐH Quốc gia Hà Nội vừa qua.
Vấn đề là có phải là Bộ Giáo dục & Đào tạo đang “tháo khoán”?
Người viết cho rằng không phải như vậy vì câu chuyện “tháo khoán” đã tồn tại từ lâu rồi.
Để chứng minh cho nhận định này xin lấy số liệu thống kê mà Bộ đã công bố (riêng mảng đại học):

Theo số liệu thống kê mới nhất mà Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ GD&ĐT  công bố trên website Bộ [1], năm học 2015-2016, cả nước có 223 đại học (163 công lập, 60 ngoài công lập). Tổng số sinh viên là 1.753.174 người.
Số sinh viên tuyển mới là 470.044 người. Số giảng viên đại học là 69.591 người trong đó có 550 giáo sư, 3.317 phó giáo sư, 13.598 tiến sĩ, 40.426 thạc sĩ.

Căn cứ vào Thông tư số: 32/2015/TT-BGDĐT ban hành ngày 16/12/2015, hệ số quy đổi học hàm học vị như sau: đại học: 0,5;  thạc sĩ: 1; tiến sĩ: 2; tiến sĩ khoa học, phó giáo sư: 3; giáo sư: 5.

Vì các giáo sư, phó giáo sư đều là tiến sĩ nên số lượng tiến sĩ khi quy đổi sẽ chỉ là 9731 người, số người mới tốt nghiệp đại học, chưa có bằng thạc sĩ hoặc cao hơn là 15.747 người.

Theo quy định khối ngành khi tuyển sinh, số lượng sinh viên/giảng viên tương ứng với các khối ngành như sau: khối ngành I, III, VII là 25, khối ngành IV, V là 20, khối ngành VI là 15 và khối ngành II là 10. 
Nếu lấy bình quân là 20 sinh viên/ giảng viên và hệ số quy đổi theo quy định thì số sinh viên đại học được phép tuyển sẽ là (40426+9731*2+3317*3+550*5+15747*0.5)*20 = 1.609.205 người. 
So với số liệu công bố, số sinh viên tuyển dư là 143.924 người, bằng gần 30% số sinh viên tuyển mới trong năm học (470.044 người).

Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT cho phép quy đổi cả những người có bằng đại học (hệ số 0,5) để làm căn cứ tuyển sinh trong khi điều 77 Luật Giáo dục quy định phải có bằng thạc sĩ trở lên mới được giảng dạy chuyên đề (môn học) tại các đại học.

Nếu không quy đổi số giảng viên “chưa đủ chuẩn” này thì số lượng sinh viên được phép tuyển chỉ là 1.451.780 và khi đó số tuyển dư sẽ là 301.394 người.
Với số lượng sinh viên tuyển thừa nhiều như vậy liệu có nên lo khi bỏ điểm sàn mức độ “tháo khoán” sẽ còn tăng thêm nữa?
Trở lại vấn đề bỏ điểm sàn, dù biết rằng đó là xu thế tất yếu, dù đồng tình với chủ trương của Bộ Giáo dục & Đào tạo, người viết vẫn muốn nhắc lại ý kiến đã nêu trước đây, đó là việc quản lý công tác tuyển sinh của các đại học, đặc biệt là quản lý đội ngũ giảng viên cơ hữu. [2]

Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó đội ngũ giảng viên giữ vai trò quyết định.
Không ít đại học, đặc biệt là trường ngoài công lập thiếu trầm trọng giảng viên cơ hữu, phần lớn là giáo viên thỉnh giảng “đội lốt” cơ hữu.
Có trường hiện nay như Đại học Hùng Vương, Vtc.vn ngày 8/3/2016 đưa tin doanh nhân Đặng Thành Tâm đã “đuổi toàn bộ giảng viên ĐH Hùng Vương”, tại Đại học Lương Thế Vinh phần lớn giảng viên cũng đã bị cho nghỉ việc,…
Nếu Bộ không quản lý chặt chẽ danh sách giảng viên thì tình trạng phản ánh trong bài báo “Tự chủ tuyển sinh: trường lừa, bộ ngơ, thí sinh đừng nhẹ dạ” [3] liệu có được khắc phục?
Bộ trường Phùng Xuân Nhạ dù quyết tâm đến mấy thì cũng không thể trực tiếp kiểm tra các “danh sách ma” mà một số đại học gửi về Bộ.
Các bộ phận giúp việc Bộ trưởng (Vụ Đại học, Cục Nhà giáo, Thanh tra, khảo thí,…) không thể nói là không biết tình trạng này song đều làm ngơ cho các đơn vị vi phạm, nói như tác giả bài báo đã dẫn: “việc Bộ phê duyệt cho họ tự chủ tuyển sinh thực chất là đồng lõa với hành động lừa đảo”.
Khi cơ quan quản lý cao nhất ngành Giáo dục còn chưa thực hiện nghiêm túc chức năng quản lý nhà nước của mình mà hy vọng “mở đầu vào (tuyển sinh), quản lý chặt đầu ra (tốt nghiệp)” liệu có hơi chủ quan?
Trước khi yêu cầu các trường quản “lý chặt đầu ra”, Bộ trưởng có nên “quản lý chặt” chính đội ngũ chuyên viên của mình?
Trước khi “mở đầu vào” cho các trường, Bộ có nên học tập kinh nghiệm “Hà Nội không vội được đâu”, tiếp tục “mở” cho các nhà quản lý thêm một thời gian nữa?
Câu hỏi này có thể làm Bộ trưởng không hài lòng nhưng đành phải nói thật, rằng nếu Bộ trường có yêu cầu, người viết sẵn sàng cung cấp hàng loạt dẫn chứng.
Điều có thể khẳng định là những chuyện “lùm xùm” không phải chỉ liên quan đến các trường mà còn chính tại một số bộ phận thuộc cơ quan Bộ.
Chỉ còn 6 tháng nữa là đến kỳ tuyển sinh 2017, thời gian tuy không nhiều song cũng đủ để Bộ rà soát danh sách giảng viên, lập ngân hàng dữ liệu giảng viên từ đó loại trừ những “danh sách ma” mà các trường đã hoặc sẽ trình Bộ.
Người viết cho rằng quan điểm cần phải qua kiểm định mới cho các trường tuyển sinh là không khả thi bởi số trường ĐH-CĐ đến nay là hơn 400.
Nếu tất cả các Trung tâm Kiểm định đều hoạt động hết “công suất” thì một năm (ước tính) cũng chỉ có thể kiểm định khoảng 40 trường và mất hơn 10 năm mới kiểm định xong.
Việc đơn giản trong tầm tay Bộ nên làm ngay đầu năm 2017 là yêu cầu các trường thực hiện “ba công khai”, trong đó quan trọng nhất là công khai danh sách giảng viên cơ hữu.
Không ít đại học hiện nay để trống mục ba công khai hoặc mập mờ bằng cách chỉ công bố vài số liệu mà không có thông tin cụ thể.
Có thể có đôi chút châm chước về cơ sở vật chất (trường lớp, phòng thí nghiệm,…) nhưng tuyệt đối không thể châm chước về đội ngũ thày/cô giáo.
Thay vì phải qua kiểm định, nếu trường nào không công bố các số liệu “ba công khai” hoặc số liệu không đáp ứng các quy định hiện hành thì kiên quyết tạm dừng tuyển sinh năm 2017.
Người viết đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo Cục Công nghệ Thông tin của Bộ tổng hợp số liệu và công bố danh sách giảng viên các ĐH-CĐ cả nước để những người quan tâm có thể theo dõi.
Sẽ không thiếu người tâm huyết thay Bộ làm việc kiểm tra những số liệu này (nếu các thông tin hình thành một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh).
Khi sự trung thực trong kinh doanh luôn là thứ hàng xa xỉ thì không thể đặt trọn niềm tin vào những người xem đầu tư vào giáo dục cũng chỉ là một cuộc “lướt sóng” kiếm lời.
Nói thế không có nghĩa là các “nhà” không đầu tư (lãnh đạo của một số trường công lập) cũng đủ trung thực để xã hội có thể tin tưởng.
Công việc cần làm tiếp theo là cải tổ bộ máy quản lý tại cơ quan Bộ theo ý kiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng đề cập.
Một số chủ trương mà Bộ trưởng Công Thương đưa ra nhận được sự đồng tình cao của xã hội, đặc biệt là cơ cấu lại các bộ phận và nhân sự.
Người viết có cảm giác Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang tập trung vào những bức xúc của người dân mà các đại biểu Quốc hội đã đề cập như giao quyền tự chủ cho các đại học, dạy thêm - học thêm, sách giáo khoa,… 
Ngay cả những tâm huyết mà Bộ trưởng đang thực hiện liệu sẽ thành công nếu bộ máy giúp việc Bộ trưởng vẫn không có gì thay đổi, vẫn là những con người cũ với “niềm tin mãnh liệt”, rằng chiếc ghế chuyên viên tại cơ quan bộ là không thể thay thế?
Bỏ điểm sàn nếu không kèm theo cơ chế kiểm soát liệu có như câu nói dân gian “thả gà ra đuổi”?
Nếu chưa thể làm toàn bộ hệ thống thì ít nhất Bộ cũng cần công bố cho người dân biết số liệu “đảm bảo chất lượng” của 223 đại học.
Người viết tin rằng chỉ cần một trang tính Excel là quá thừa để lưu trữ dữ liệu của 69.591 giảng viên và Cục Công nghệ Thông tin của Bộ thừa khả năng để làm việc này.
Nghi ngờ các nhà đầu tư hay lãnh đạo các trường là không có cơ sở, nhưng như Các Mác đã nói “lợi nhuận lên đến 300% thì treo cổ họ vẫn sẵn sàng” và cũng nên nhắc lại câu nói “Hỡi nhân loại, ta yêu người nhưng hãy cảnh giác”.
Là công bộc của dân, liệu lãnh đạo Bộ có yên tâm khi các bậc phụ huynh không biết, không được cung cấp các thông tin cần thiết (hoặc thông tin thiếu trung thực) về những trường mà họ đang muốn cho con em nhập học?
Liệu có nên cảnh giác khi không ít người đang tìm đủ chiêu trò để “dối Bộ, lừa dân”?
Ủng hộ chủ trương của Bộ nhưng người viết vẫn mong Bộ “cảnh giác” để không diễn ra tình trạng người dân thất vọng khi con em họ mất bốn năm năm theo học để rồi cầm trong tay tấm bằng thật nhưng chất lượng “dởm”, để rồi không ít cử nhân phải giấu tấm bằng đi khi xin việc.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://www.moet.gov.vn/thong-ke/Pages/thong-ko-giao-duc-dai-hoc.aspx?ItemID=4041
[2] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Nha-giao-lao-thanh-gui-vai-y-kien-toi-Bo-truong-Phung-Xuan-Nha-post168362.gd
[3] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tu-chu-tuyen-sinh-truong-lua-bo-ngo-thi-sinh-dung-nhe-da-post142000.gd
Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét