Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

20170705. BÀI VIẾT VỀ 'TỰ DIỄN BIẾN'-'TỰ CHUYỂN HÓA' CỦA VŨ NGỌC HOÀNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
VỀ 'TỰ DIỄN BIẾN', 'TỰ CHUYỂN HÓA'

VŨ NGỌC HOÀNG/ TG/ VST/BVN 4-7-2017

Kết quả hình ảnh cho vũ ngọc hoàng

Một số năm gần đây, nhiều văn bản của Trung ương, và gần nhất là nghị quyết TW 4 khóa XII, khi nói về vấn đề suy thoái của một bộ phận cán bộ đảng viên, đã nhấn mạnh cụm từ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng còn các cách hiểu không giống nhau. Đó là lý do khiến tôi muốn tiếp cận vấn đề này, mong góp vài ý kiến để bạn đọc tham khảo.
“Tự” là tự mình, do mình, chứ không phải do ai bắt mình phải thế. Tự mình thì mình phải chịu trách nhiệm chứ không đổ lỗi cho ai, tức là loại trừ nguyên nhân kẻ khác phá ta. Phá là việc của họ, còn tự diễn biến, tự chuyển hóa là việc của chính ta, tự ta, do ta. Nhưng “tự diễn biến” muốn nói ở đây là “tự” của ai? Theo tôi, không phải là của nhân dân. Nhân dân không có “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trách nhiệm trực tiếp trong việc này nếu để xảy ra sẽ thuộc về nhà nước và đảng cầm quyền, chứ không phải do nhân dân.
Trước đây ít năm ta hay nói về việc phải cảnh giác các âm mưu của thế lực thù địch và cơ hội chính trị tác động lôi kéo nhân dân theo hướng “diễn biến hòa bình” nhằm thay đổi chế độ chính trị. Nhưng đó là nói về “diễn biến hòa bình”. Còn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tôi hiểu là nói về hệ thống chính trị, trước nhất là cán bộ của hệ thống chính trị ấy. Mà cán bộ không có chức vụ quan trọng thì dù cá nhân người ấy có thay đổi cũng không dễ gì chuyển hóa được ai. Đáng lo và đáng đề phòng nhiều, chính là cán bộ có chức quyền, nhất là cấp chiến lược.
Thế giới và cuộc sống quanh ta không đứng yên, không cố định, không bất biến, mà ngược lại nó phải vận động, biến đổi liên tục, không ngừng. Vận động là phương thức tồn tại của mọi sự vật và hiện tượng. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Tự diễn biến, tự chuyển hóa cũng là một sự vận động, do vậy, nó cũng là tất yếu khách quan. Ba mươi năm qua, Đảng CSVN đã chủ trương đổi mới. Hiện tại cũng đang chủ trương phải tiếp tục đổi mới, mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn. Chủ trương đó là đúng, rất đúng, không có gì phải bàn cãi. Trong quá trình thực hiện đổi mới, ta đã độc lập tư duy, tự mình nghĩ ra việc này, việc khác và cũng tự mình tổ chức thực hiện để thay đổi. Tự là đúng, là chủ động, không bị động. Đó là tự đổi mới. Bản thân việc tự đổi mới cũng là tự diễn biến, tự chuyển hóa đó thôi. Cho nên, việc tự diễn biến, tự chuyển hóa cũng là đương nhiên, tất yếu, và không hàm ý là xấu hay tốt. Để nói nó tốt hay xấu thì phải xem thử nó diễn biến theo hướng nào. Hướng nào đó sẽ là tốt, là cần thiết. Hướng nào đó sẽ là xấu, là nguy hại, phải ngăn ngừa. Và cũng có hướng không tốt, không xấu, đó là trạng thái tạm thời. Trong một số văn bản chính thống, cụm từ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thường viết trong ngoặc kép. Tôi nghĩ thế là đúng, hàm ý muốn chỉ ra một xu hướng không lành mạnh, một xu hướng xấu, phải đề phòng, phải ngăn ngừa, chứ không phải là tự diễn biến, tự chuyển hóa một cách bình thường.
Như đoạn trên đã nói, biến đổi không ngừng là một tất yếu, là yêu cầu nội tại, tự nó, của sự vật, và xã hội. Trong thời kỳ quá độ, sự biến đổi như vậy càng nhiều hơn.  Mọi việc không thể đứng yên. Nếu không tốt thì sẽ xấu. Vì vậy, cần phải tốt, để không bị xấu. Muốn có sự biến đổi theo hướng tốt, không bị rơi vào xu hướng xấu thì phải liên tục dẫn dắt và tác động theo hướng tốt. Tích cực đổi mới, kể cả thường xuyên và căn bản, theo đúng hướng, có cơ sở khoa học-khách quan, là cách tốt nhất để không rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo hướng xấu. Cuộc sống biến đổi liên tục, không đổi mới thì tất yếu sẽ tha hóa. Sự bảo thủ và trì trệ giam cầm cuộc sống, kìm hãm nó, trong khi cuộc sống nhất thiết không chịu đứng yên, phải vùng vẫy để thoát ra, vậy là mâu thuẩn và xung đột, mà rồi trước sau gì cũng phải mở lối đi cho cuộc sống tiến lên. Tốt nhất là nên chủ động đổi mới sớm, không để bị động. Không thể khác được. Không chống lại quy luật được. Trong lịch sử, mọi triều đại đã phải đi qua, chỉ có sự thật bướng bỉnh thì còn ở lại. Không nhận thức rõ điều đó, mà cứ bảo thủ, không chịu đổi mới, không đủ nhạy bén để chủ động thúc đẩy theo hướng đi đúng thì đến một lúc nhất định sẽ phải trả giá đắt. Thậm chí là đổ vỡ.
Thế nào là tự diễn biến, tự chuyển hóa theo hướng tốt?Đó là sự vận động tự nhiên, theo đúng quy luật khách quan, với sự lành mạnh về động cơ, với các quyết định có đủ cơ sở khoa học, đem lại lợi ích chính đáng, hiệu quả, bình đẳng cho từng con người và cho cả cộng đồng xã hội. Mấy năm trước cũng có một số ý kiến cho rằng có những người tuy có “lợi ích nhóm” nhưng họ có khả năng đổi mới thì nên giao cho họ làm, tham nhũng đủ rồi thì không tham nhũng nữa, còn tốt hơn là không “lợi ích nhóm” nhưng bảo thủ trì trệ? Tôi đã có lần viết và trả lời phỏng vấn là coi chừng “gởi trứng cho ác”. Đó là một kiểu suy nghĩ không trên nền tảng của văn hóa. Chẳng thể nào có thể dẫn dắt xã hội đi theo hướng tốt bằng những động cơ xấu, cá nhân chủ nghĩa và bè phái vụ lợi. Đạo đức là cái gốc. Đó là ý kiến của Bác Hồ, và cũng là tư duy khoa học. Đạo đức là cái cốt lõi của văn hóa. Văn hóa là những gì thuộc về con người, là dấu vết của con người “in” trong tự nhiên, là tính người, chất người, là chữ “Người” viết hoa. Không có đạo đức thì mất tính người, mất chất người. Không thể trao gởi cơ đồ, sự nghiệp của dân tộc và đất nước vào tay những con người vô đạo đức. Đừng nghe họ lập luận kiểu mị dân. Mặt khác, chỉ có động cơ tốt chưa chắc thúc đẩy được xã hội theo hướng tốt. Nếu như chủ quan, bảo thủ, bất chấp khoa học, không đủ nhạy bén và thông minh để nhìn ra lẽ đúng thì cũng có thể sai lầm, dẫn xã hội đi theo hướng xấu, thậm chí là đến bờ vực của sụp đổ, dù không cố tình như vậy. Trong trường hợp đó, vẫn là có lỗi, thậm chí là có tội với nhân dân, dù có thể không phải động cơ xấu, mà chỉ là do không đủ trí tuệ, năng lực và lòng dũng cảm.
Thế nào là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo hướng xấu? Nguyên nhân tại đâu và ngăn ngừa cách nào? Để nói sự diễn biến và chuyển hóa ấy là xấu hay tốt thì phải căn cứ vào kết quả, hậu quả do nó gây ra. Thực tiễn là cơ sở để kiểm nghiệm chân lý. Tốt xấu là khách quan. Các ý muốn chủ quan bảo thủ, duy ý chí không phải là căn cứ để khẳng định tốt xấu, dù cho nó đã được ghi trong nhiều văn bản. Kết quả thực tế và cơ sở khoa học mới là căn cứ để đánh giá. Nhưng đối với một sự vật hay hiện tượng đang diễn biến, đang chuyển hóa thì chưa có kết quả thực tế cuối cùng để đánh giá là tốt hay xấu, mà đợi cho đến khi có kết quả cuối cùng thì quá lâu hoặc phải trả giá quá đắt, vì vậy, đối với các trường hợp ấy, căn cứ chủ yếu, và trong nhiều trường hợp là căn cứ duy nhất, để đánh giá tốt xấu, đó là các cơ sở khoa học và tư duy lô-gic. Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, một người nào đó, chỉ một mình, ngồi trong phòng làm thí nghiệm, vẫn có thể tìm ra được chân lý. Còn trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, sự tiếp cận chân lý chủ yếu phải bằng tranh luận, đối thoại bình đẳng, thông qua các hội thảo, các diễn đàn khoa học và thông qua thực chứng (nếu có thể). Nói vậy để thấy rằng, để đánh giá sự diễn biến và chuyển hóa cần phải có cách tiếp cận mở, chứ không phải áp đặt bằng ý chí chủ quan. Đối với xã hội VN hiện tại, xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đáng lo nhất không phải là từ ý nghĩ, tư tưởng mà là do hành động, từ hành động. Tất nhiên, phần lớn hành động của con người đều gắn với những suy nghĩ, tư tưởng; các quan điểm sai trái nếu lan rộng cũng dẫn đến “tự diễn biến”. Nhưng cái “tự diễn biến” nguy hiểm nhất chính là hành động trên thực tế, chứ không phải lời nói. Đối với luật pháp tiến bộ thì suy nghĩ không cấu thành tội phạm. Suy nghĩ, tư tưởng của con người là cái tự do. Xã hội không thể không có tự do về tư tưởng. Chỉ có chế độ toàn trị mới quản lý, giám sát tư tưởng của con người. Mà toàn trị là thứ chống lại tự do - giá trị thiêng liêng đối với cuộc sống của con người. Toàn trị không phải là chế độ dân chủ và tiến bộ, mà là một chế độ lạc hậu, xa lạ và trái ngược với CNXH. CNXH phải là dân chủ và tự do, chứ không phải là toàn trị. Nếu cứ bám theo hướng của chế độ toàn trị thì thực chất đó là sự chệch hướng khỏi mục tiêu XHCN, rời bỏ CNXH. Phải đề phòng nhiều lúc cái “phi XHCN” lại nhân danh CNXH. Cần phải có tư duy sắc bén trước những vấn đề như vậy. Không nhầm lẫn cái nó nhân danh với bản chất thực của chính nó.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nguy hiểm nhất chính là sự thoái hóa về chính trị do “lợi ích nhóm” gây nên. Ban đầu, các “nhóm lợi ích” nói chung, không phải đã có mục đích xấu về chính trị, mà chỉ là do lòng tham quá lớn, nặng chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia, dân tộc. Từ đó, đồng tiền làm tha hóa họ về đạo đức. Đạo đức là giá trị lõi của văn hóa. Đạo đức hỏng tức là nền tảng văn hóa hỏng. Mặt khác, đạo đức của cán bộ hỏng thì dẫn đến chất lượng của hệ thống chính trị giảm và niềm tin của mọi người đối với Đảng và Nhà nước không còn. Khi chất lượng của hệ thống chính trị suy giảm nghiêm trọng và niềm tin của nhân dân không còn tức là nền tảng chính trị đổ vỡ và do đó, chế độ chính trị không còn chỗ dựa để tồn tại. Về bản chất thì các “nhóm lợi ích” mâu thuẫn với nhau, không thống nhất được, do luôn có xung đột lợi ích. Tuy nhiên, có những thời điểm, khi lãnh đạo Đảng và Nhà nước quyết liệt thực thi pháp luật về chống tham nhũng thì, do sự mất còn về “lợi ích” cá nhân và sinh mạng chính trị, các “nhóm lợi ích” có thể sẽ thỏa hiệp và liên kết với nhau để đối phó và bằng mọi cách nhằm chống lại các cơ quan lãnh đạo. Kể cả việc họ sử dụng một bộ phận truyền thông để tác động thông tin nhằm làm cho dư luận lẫn lộn “trắng-đen”, “phải-trái”, kể cả họ xuyên tạc ý nghĩa và mục đích của cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Đảng và Nhà nước phát động và lãnh đạo. Họ xuyên tạc rằng, đây là “nhóm này đánh nhóm kia”, nhằm tác động tư tưởng gây khó cho việc thực hiện chủ trương chống tham nhũng và bảo vệ cho “nhóm lợi ích”. Khi cần và nếu có thể được thì họ cũng sẵn sàng thay đổi lãnh đạo để bảo vệ cho quyền lợi bất chính của họ. Đây không phải là sự đổi mới trong sáng vì lợi ích chung và hầu hết sự thay đổi như thế sẽ hình thành chế độ độc tài, thối nát, do “maphia-lợi ích nhóm” chi phối. Như vậy, quá trình đó bắt đầu là chuyện kinh tế, tiếp theo là văn hóa và cuối cùng thành chuyện chính trị. Nếu giới hạn vấn đề ở mức thấp hơn, chỉ có tham nhũng và “nhóm lợi ích”, đương nhiên đã gắn với cán bộ có chức quyền, và dừng lại ở đó, không đi xa hơn về chính trị, thì bản thân việc phá hỏng niềm tin cũng đã là chính trị rồi.
Tự diễn biến, tự chuyển hóa là một sự thay đổi, tự thay đổi, mà chủ yếu muốn nói ở đây là đối với lĩnh vực chính trị, có thể theo hướng tốt, hoặc theo hướng xấu. Tốt xấu là so với cái gì, căn cứ vào cái gì để nói tốt hay xấu? Thường thì mọi người vẫn hay lấy ý muốn chủ quan của mình để làm căn cứ. Phương pháp tiếp cận đó chưa phải là khoa học. Những ý muốn chủ quan, giáo điều, bảo thủ, không đủ cơ sở khoa học, thì chưa phải là căn cứ khoa học, cùng lắm thì đó cũng mới là ý kiến tư biện có lô-gich. Nếu diễn biến và chuyển hóa theo hướng tốt thì chẳng có gì đáng phải lo ngại. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đáng lo là sự thay đổi của chế độ chính trị theo hướng xấu, nói cách khác đó là một sự thoái hóa nghiêm trọng về chính trị. Thế nào là sự thoái hóa về chính trị? Trước tiên thử xem thế nào là một nền chính trị tốt? Đó phải là một nền chính trị chân chính, dân chủ và tự do, dân là chủ, do nhân dân làm chủ, nhà nước là công cụ bảo vệ và phục vụ nhân dân, bảo đảm đầy đủ các quyền con người và quyền dân chủ,  con người được thật sự tự do về tư tưởng, về ngôn luận và các quyền tự do khác trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chính trị ổn định và tác động tích cực cho kinh tế phát triển, văn hóa lành mạnh và nhân văn, mọi người hạnh phúc. Nếu tự diễn biến, tự chuyển hóa theo hướng tạo ra một nền chính trị tốt như vừa nói thì chẳng có gì đáng ngại, mà là cần thiết, là mong muốn, kể cả phải thúc đẩy nữa. Đó mới là XHCN chân chính. Còn nếu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo hướng xấu, xa rời mục tiêu một nền chính trị tốt, để hình thành một nền chính trị không chân chính, giả hiệu và mị dân, mất dân chủ, nhân dân không được làm chủ, không có tự do, không được nhà nước bảo vệ và phục vụ, mà là đối tượng bị cai trị, bị ức hiếp, tham nhũng và “lợi ích nhóm” tràn lan, các “nhóm lợi ích” thâu tóm kinh tế và chính trị, xã hội bị phân hóa giàu-nghèo bất hợp lý và gây nên mất ổn định, gia tăng sự bất bình và mâu thuẫn xã hội, cuộc sống của nhân dân không có hạnh phúc, thì cái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” kiểu ấy chúng ta không cần, phải ngăn chặn, phải phòng chống. Xa rời mục tiêu của một nền chính trị tốt để chuyển theo hướng một nền chính trị xấu, đấy chính là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần phê phán và đề phòng; cũng chính là sự chệch hướng, xa rời mục tiêu XHCN chân chính và khoa học. Tôi muốn dùng chữ “chân chính” và “khoa học” để phân biệt với “CNXH” giả hiệu và ngộ nhận, ảo tưởng. Điều đó là rất đáng lưu ý, bởi vì, như tôi hiểu, trong tư duy cũ, từ Liên-xô và Trung Quốc đã tác động vào Việt Nam ta, cách hiểu, cách nghĩ về CNXH có nhiều điều không đúng khoa học, không đúng theo cách tư duy của K.Marx, đến nay qua đổi mới ta đã điều chỉnh khá nhiều, nhưng vẫn còn không ít vấn đề cần phải đổi mới nữa, một cách căn bản (sẽ bàn sau, trong các chuyên đề khác).
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo hướng xấu do cái gì gây nên? Có ý kiến muốn nhấn mạnh nguyên nhân do sai lầm về nhận thức. Có nguyên nhân ấy thật! Nhưng nếu đó là nhận thức của một người bình thường thì tác động không nhiều, vì họ không có quyền lực để áp đặt, và vì nhận thức của cộng đồng xã hội có tư duy không dễ bị mê hoặc, lừa phỉnh. Cái đáng lo là nhận thức của lãnh đạo, của những người có quyền lực, có thể áp đặt tư duy của mình lên cộng đồng. Như vậy, cái chính ở đây là lãnh đạo phải lo giữ mình, chứ không phải bận tâm nhiều về việc các cá nhân nào đó nói ý kiến khác lãnh đạo. Nói đi rồi cũng phải nói lại để góp cho cái nhìn toàn diện hơn. Một người nào đó nói khác ý kiến lãnh đạo thì lãnh đạo hoàn toàn có quyền phản biện và tranh luận để làm rõ chân lý. Đó là sự phản biện khoa học, rất cần thiết. Chứ tại sao không? Tại sao người khác thì được nói ý kiến phản biện của mình còn nhà lãnh đạo thì không được? Nếu vậy thì mất dân chủ ngược. Thật là không công bằng khi thấy một nhà lãnh đạo nào đó có ý kiến phản biện lại, tranh luận lại thì cho rằng ông ấy mất dân chủ, ông ấy áp đặt. Chỉ có điều là, đối với khoa học, thì phải khách quan và bình đẳng, lãnh đạo hay người bình thường đều bình đẳng như nhau, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng ý kiến khác mình, không ai áp đặt cho ai, không được quy chụp nhau, đó là  thái độ khoa học và ứng xử có văn hóa, biết khoan dung và rộng mở, tôn trọng sự đa dạng trong văn hóa và trong tư duy. Đó là con đường tiếp cận chân lý, con đường phát triển nhân tố con người – cái lõi quan trọng nhất đối với mọi sự phát triển, cũng như đối với những cuộc “cách mạng” xã hội sâu sắc bậc nhất. Xã hội ta rất cần những người lãnh đạo sẵn sàng đối thoại, tranh luận với mọi người. Với cách đó, các ý kiến đúng của đôi bên sẽ được lan tỏa và góp phần hoàn thiện tư duy lẫn nhau, cho cả cộng đồng. Nếu lãnh đạo có nhiều ý kiến đúng thì sự lan tỏa sẽ lớn và rất cần cho xã hội. Nếu lãnh đạo có ý kiến sai hoặc chưa đúng thì sẽ sớm được điều chỉnh, cũng là có lợi, vừa lợi cho việc chung, vừa lợi cho chính các lãnh đạo ấy. Mặt khác cũng là tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền dân chủ, dễ đánh giá và lựa chọn những người lãnh đạo.
Như phần trước của bài viết đã nói, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đáng lo nhất thuộc về nguyên nhân do “lợi ích nhóm” gây nên. Nó không phải từ lời nói, mà từ việc làm, từ hành động. Nó phá vỡ các nền tảng, các trật tự. Các “nhóm lợi ích” có thể vẫn nói những lời, hô to những khẩu hiệu tưởng như “quan điểm lập trường” vô cùng vững vàng. Nhưng họ làm khác. Nói kiểu này nhưng làm kiểu khác, nói một đường làm một nẻo. Đó cũng là cách hoặc do bị ngộ nhận, hoặc là “đánh lạc hướng” mà những người “ngây thơ” dễ bị lầm tưởng, mất cảnh giác. Lâu nay, khi nói đến chuyện đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì các nhà tuyên truyền thường tập trung vào những người có ý kiến khác với lãnh đạo, khác với văn bản, nghị quyết, nhất là về quan điểm, chứ ít người nhấn mạnh về “lợi ích nhóm” và nạn tham nhũng – cái đang hàng ngày hàng giờ làm sụp đổ lòng tin, tức là sụp đổ nền tảng chính trị.
Các nhà tuyên truyền thì cho rằng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là đấu tranh về quan điểm (chứ không phải hành động?). Nói quan điểm là để ngăn chặn hành động sai, mục đích chính là vậy, chứ nếu không cần quan tâm đến hành động thì lời nói chỉ là chuyện “gió bay”. Quan điểm cũng là quan trọng, quan điểm sai cũng cần phải “đấu tranh”, nhưng hành động mới là quan trọng hơn, quan trọng nhất. Khi buộc phải dùng từ “đấu tranh” về quan điểm như các văn bản chính thống đã nêu, tôi muốn viết chữ ấy trong ngoặc kép là nhằm tránh sai lầm về phương pháp mà lâu nay ta vẫn gặp. Nó là sự thuyết phục lẫn nhau chứ không phải là sự áp đặt và quy chụp, càng không được dùng biện pháp hành chính để đối phó. Trong các quan điểm khác với lãnh đạo ấy có nhiều động cơ khác nhau mà phải phân tích rất kỹ và ứng xử phù hợp mới có hiệu quả thiết thực, nếu không, đôi khi lợi bất cập hại. Có người có động cơ xấu, chống cộng cực đoan, muốn chống phá, muốn gây mất ổn định tư tưởng để dẫn đến mất ổn định chính trị, thì đúng là phải đấu tranh vạch rõ cái sai để cho mọi người cùng hiểu. Mà ngay cả đối với loại này vẫn phải có cách trình bày rõ cơ sở khoa học của vấn đề một cách thuyết phục, chứ không phải “đao to búa lớn” mà có kết quả. Trường hợp khác, đối với những người do cách hiểu, do nhận thức thì càng cần phải làm rõ cơ sở khoa học để thuyết phục nhau bằng chân lý. Chưa thuyết phục được thì thuyết phục nữa. Không đủ sức thuyết phục thì yếu kém của người nói, chứ đừng đổ lỗi cho người nghe. Trường hợp khác nữa là những ý kiến mới, khác với quan điểm đã có, khác với lãnh đạo, nhưng đúng, có cơ sở khoa học, cần được khuyến khích, trân trọng và lắng nghe một cách cầu thị, tiếp thu để hoàn thiện hoặc điều chỉnh đường lối. Đó chính là sự phản biện xã hội đối với các chủ trương đường lối mà chúng ta rất cần, trong một xã hội dân chủ. Lắng nghe những ý kiến khác ấy – đó chính là dân chủ và khoa học. Mà dân chủ và khoa học thì vừa là mục tiêu vừa là động lực. Nếu không có những ý kiến khác ấy thì xã hội sẽ một chiều, không còn sự đa dạng văn hóa, mất sức đề kháng và mất sức sống, giống như thế giới tự nhiên sẽ tàn lụi dần khi bị triệt tiêu tính đa dạng sinh học. Đừng chủ quan nghĩ rằng, mọi cái đã nêu ra đều đúng và đúng mãi. Nghĩ vậy là không duy vật, cũng chẳng biện chứng. Nói thì duy vật và biện chứng mà làm thì duy tâm và siêu hình. Thỉnh thoảng tôi thấy có bài viết hoặc nói nhân danh bảo vệ Đảng và bảo vệ chế độ, nhưng toàn đi “trên mây”, tung hô ca ngợi thành tích một chiều và cường điệu, hô vang các khẩu hiệu. Kiểu ấy chẳng những không thuyết phục được ai mà còn làm người ta chán, thậm chí nguy hiểm hơn nữa là vô tình “đẩy” đến sụp đổ khi mà tình thế đang đứng trước một bờ vực. Nếu người làm tuyên truyền không đủ trí tuệ và tầm văn hóa thì rất dễ đẩy tất cả mọi người có ý kiến khác về phía đối lập, làm cho đảng và nhà nước bị cô lập, giảm uy tín về trí tuệ và văn hóa, gây nên sự xơ cứng và thụ động cho hệ thống chính trị và cho cả xã hội, trong khi rất cần sự năng động, chủ động và liên tục khai hóa văn minh. Công tác tư tưởng, xét cho đến cùng, chỉ có lợi và đáng làm khi nó là công việc khai phá văn minh, nâng đỡ cái tốt và cái đẹp, chống lại sự kìm hảm lạc hậu, cái xấu và cái ác, chứ không phải là “cảnh sát tư tưởng”, làm cho một tập thể đảng và tầng lớp trí thức bị thụ động, từ đó mà lan ra làm cho một dân tộc phải thụ động. Nói gọn lại là phải khai phá văn minh, chứ không được ngu dân. Còn đối với những người hàm hồ, chưởi đổng, ngôn ngữ “chợ búa” hoặc cố tình xuyên tạc, nói xấu người khác và nói xấu các tổ chức, thì có lẽ cũng chẳng đáng ngại lắm. Tự họ đang tích cực hạ thấp và vô hiệu hóa chính họ đó thôi, kể cả đối mặt với pháp luật nữa nếu như họ vu cáo. Với trình độ dân trí của ngày nay thì nói chung cán bộ và nhân dân sẽ không khó khăn lắm để hiểu đâu là chính đâu là tà.
Chuyện tự diễn biến, tự chuyển hóa, lần này xin được góp một số ý kiến như vậy.
Quảng Nam tháng 6. 2017
V.N.H.
Nguồn: http://www.viet-studies.net/kinhte/VuNgocHoang_TuDienBienChuyenHoa.html. Những câu in đậm là do Viet-studies.

CẢM NHẬN VỀ BÀI VIẾT CỦA ÔNG VŨ NGỌC HOÀNG VỀ 'TỰ DIỄN BIẾN', 'TỰ CHUYỂN HÓA'

TÔ VĂN TRƯỜNG/ KYDUYEN BLOG 28-6-2017

Theo thiển nghĩ của người viết bài này, trước hết phải nói rằng cụm từ  “tự diễn biến, tự chuyển hóa” bản thân nó chẳng hề mang ý xấu, ý tiêu cực nào cả! Cũng như dạo chiến tranh và sau chiến tranh hễ cứ nói đến hai từ ” lãng mạn” trong văn học nghệ thuật là nhiều vị lại giẫy nẩy lên và bắt mọi người phải ngoắc thêm vào sau hai từ nữa là “cách mạng” cho…yên tâm. Thế cái lãng mạn trong “Truyện Kiều”, trong “Tây Tiến” thì gọi là lãng mạn gì nhỉ?
Nội dung cốt lõi bài của ông Vũ Ngọc Hoàng là bàn về khái niệm “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Ông đã rẩt sâu sắc trong tư duy, khi trao đổi về vấn đề này với cách tiếp cận khoa học, mạch lạc, dễ hiểu! Từ đó, đã chỉ ra rằng trong mọi nguyên nhân của sự thay đổi  thì nguyên nhân chủ quan, nội tại là quyết định.
Liên Xô và khối XHCN tan rã sụp đổ chủ yếu là do “tự diễn biến, tự chuyển hóa” đấy chứ! Có xe tăng, đại bác nào của Mỹ và NATO khai hỏa đâu! Mà nếu Mỹ, NATO dùng vũ lực thì chưa chắc Liên Xô và khối Đông Âu đã sụp đổ nhanh như thé, có khi Mỹ và NATO còn bươu đầu sứt trán ấy chứ!
Ý của ông Vũ Ngọc Hoàng còn sâu sắc ở chỗ này: Chính Đảng và Nhà nước Việt Nam đã buộc phải “ diễn biến và chuyển hóa” khi đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, tức là buộc phải “đổi mới”! Rõ ràng quá trình ” diễn biến và chuyển hóa” là tự nhiên như một quy luật khách quan, tốt hay xấu là tùy thuộc kết quả và góc tham chiếu mà thôi. Điều hấp dẫn và thú vị khi đọc các bài viét của ông, hầu như chỉ đề cập đến những vấn đề cơ bản, phổ thông, nhưng duới một góc nhìn mới, sắc sảo, mạnh dạn, thẳng thắn hơn và có gì đó rất khác với nhiều người ở cương vị và lĩnh vực tương đương.
Tuy nhiên, là người đã từng giữ ngôi vị thứ hai (Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương Đảng) , ông Vũ Ngọc Hoàng vẫn tỏ ra điềm tĩnh không để cho ngòi bút của mình trượt đi theo cảm xúc. Bởi thế, đọc các bài viết của ông, người đọc cảm nhận rất rõ sự thông tuệ mà bình dân, tự tin mà khiêm nhường của tác giả. Đó chính là bản lĩnh của một người đã từng đứng ở tâm điểm của những dòng xoáy các trào lưu tư tưởng chính trị.
Sống trong dân, trong tổ chức, nhiều đảng viên cùng chung suy nghĩ chưa thấy ai phát hiện ra hiện tượng, hay cụm từ “Tự diễn biến, tự chuyển hóa”  mà chỉ được biết nó trở thành một chủ trương hành động chính trị xã hội, khi đọc các văn bản của Đảng.
Nhiều người có chung nhận định, cách diễn giải hình thù cụ thể của “Tự diễn biến và tự chuyển hóa “, nếu không phân tích làm rõ một cách biện chứng, thuyết phục thì rất nguy hiểm bởi vì :
  • Chỉ là cái mũ người (nhóm) này chụp cho người (hay nhóm) kia trong cuộc đấu đá nội bộ.
  • Cái thuật ngữ này chỉ là “nhát ma” những người hay “sợ ma”!
  • Nếu Đảng tự diễn biến, tự chuyển hóa để khắc phục những yếu kém đang cản trở sự phát triển xã hội, để phục vụ nhân dân thực chất hơn, tốt hơn thì lại có ý nghĩa tích cực, là cái mà người dân mong đợi.
  1. Nhận xét chung:
  • Bài viết về “Từ diễn biến-tự chuyển hóa” 6/2017 của ông Vũ Ngọc Hoàng khá dài 4.550 từ. Các nội dung trong bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng được phân tích thuyết phục: (1) Sự sụp đổ nhà nước XHCN Liên Xô và các nước Đông Âu là không tránh khỏi bởi lý luận khô cứng khuyết tật và mô hình nhà nước, hệ thống quản trị thiếu khoa học; (2) Quản trị quốc gia lấy vũ trang (Quân đội, Công an) làm công cụ chính thì đó là biểu hiện của chế độ độc tài toàn trị. Đó là những bài học và luận cứ thực tiễn chúng ta cần tiếp thu.
  • Phương pháp diễn đạt phân tích, phản biện vấn đề có tính logic cao trong khuôn khổ lý luận mang tính thực tiễn và xã hội học (chưa phải lý luận triết học) diễn ra trong một chế độ nhà nước do Đảng cộng sản cầm quyền có nền kinh tế, luật pháp,… kiểu XHCN (giống như tổ chức nhà nước và luật pháp ở Liên Xô, các nước XHCN Đông Âu trước đây, Trung Quốc, Cu Ba).
  • Vì vậy bài viết của tác giả mang tính phản ánh/tổng kết đánh giá một số nguyên nhân của những thực trạng bất cập trong tư tưởng, tồn tại về phát triển kinh tế xã hội, một số hướng giải quyết khắc phục dựa trên các Nghị quyết của Trung ương Đảng CSVN.
  • Đây là nội dung và cách hành văn của một giáo trình có nhiều ý kiến tham luận hay, luận giải thích hợp (không cực đoan) về hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cho công tác tuyên huấn và bồi dưỡng chính trị cho cán bộ đảng cơ sở trong khuôn khổ thực hiện nghị quyết TW Đảng và ý tưởng sử dụng công cụ chống tự diễn biến, tự chuyển hóa nhằm hạn chế tình trạng tham nhũng tràn lan, bộ máy nhà nước các cấp hoạt động thiếu hiệu quả của TBT Nguyễn Phú Trọng.
  1. Thảo luận:
  • Lịch sử phát triển xã hội loài người đến nay đã cho thấy rằng, bộ máy quyền lực nhà nước được thiết lập và thực hiện dựa trên những ý tưởng và luận điểm triết học của các triết gia chứ không phải của bộ máy quyền lực. Tranh luận triết học với trình độ các nhà triết học VN với thế giới chắc là việc khó nên không bình luận ở đây. (Nếu các cố triết gia Trần Đức Thảo và Nguyễn Mạnh Tường còn sống, may ra còn có diễn đàn tranh luận về triết học…).
  • Thực trạng của xã hội VN chúng ta hiện nay, mọi cơ chế tổ chức và pháp luật đều do bộ máy quyền lực nhà nước thiết lập, nên hình như có điều gì đó về triết học là thiếu tính khoa học để kiểm soát và điều chỉnh xã hội theo hướng tiến bộ và phát triển. Khi một chủ trương được Đảng cầm quyền coi là phương châm, ở một Nhà nước một Đảng, thì tất cả những ý kiến trái chiều cho dù xuất xứ là những người được coi từ xưa là chính thống, cũng  dễ bị “chụp mũ”  cho là phản nghịch, không khác lắm với Galileo dám nói là quả đất quay, trái với Giáo Hội La Mã, suýt nữa bị hỏa thiêu. Do đó, những dẫn chứng về sự bất cập thực tế và nguyên nhân gây bất ổn trong bộ máy quyền lực trong bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng phù hợp với trình độ của cán bộ và nhân dân, rất đáng được trân trọng.
  • Chủ trương về đất đai mà chúng ta biết, nghe thì hay, vì nói đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước quản lý, nhưng trong thực tế, thiếu những cơ sở khoa học cho việc thực hiện pháp lý dài hạn vì Nhà nước là cán bộ quản lý với một hoặc hai nhiệm kỳ, sau đó, có thể tiếp tục làm cố vấn. Người cán bộ đó cũng là một con người, cũng có những nguyện vọng tầm thường của một con người khi không được kiềm chế, kiểm soát, rất khó tránh khỏi móc nối với các tổ chức trong hoặc ngoài Chính phủ, các nhóm lợi ích được hình thành, và trong thực tế đang chi phối đời sống của chúng ta. Ở môi trường Việt nam, một nước Á châu, chủ trương đó rất dễ được lãnh đạo chấp nhận, và đã chấp nhận rồi, chống lại là một việc rất khó khăn và phức tạp.
  • Chủ trương chính sách “khoán 10” trong nông nghiệp cũng là một hiện tượng tự diễn biến tích cực phù hợp trong một thời điểm để khắc phục sai lầm của mô hình sản xuất tập thể gọi là Hợp tác xã, chứ không phải một luận cứ khoa học cho phát triển nông nghiệp tiên tiến lâu dài. Cho đến nay, VN vẫn là một nước nông nghiệp, vậy mà nông dân không phải là người chủ thực sự trên mảnh đất của mình, thì khó mà xây dựng được nền kinh tế thị trường, theo định hướng XHCN. Tương tự như vậy trong lĩnh vực công nghiệp, sự thất bại của các doanh nghiệp Nhà Nước, theo văn kiện của Đảng lãnh đạo, vốn được coi là chủ đạo theo định hướng XHCN, điển hình là hai doanh nghiệp hút nhiều vốn nhất là Vinashin và Vinalines, đã là minh chứng của lập luận lúc đầu nghe cũng có vẻ thuyết phục, nhưng thực tế lại khác 180 độ.
  • Cũng như hiện tượng Tự diễn biến, tự chuyển hóa,… “lợi ích nhóm” và nhiều hiện tượng khác trong xã hội cũng có cả nghĩa tích cực và tiêu cực, không phải phạm trù triết học nào cả, nó sinh ra và cùng tồn tại với xã hội phụ thuộc vào thể chế quản lý nhà nước mà nó tốt hay xấu. Phương pháp quản trị nhà nước mạnh và khách quan thì nó yếu, ngược lại quản trị nhà nước yếu thì nó phát triển mạnh theo hướng tiêu cực lúc đầu là lợi dụng quyền lực nhà nước sau đó là thủ tiêu nhà nước.
  • Như vậy, vấn đề là lựa chọn mô hình (từ phân tích tổng hợp thành tựu của thế giới về các thể chế nhà nước văn minh hiện đại) và hoàn thiện thể chế đáp ứng được ngày càng cao đòi hỏi về sự bình đẳng, quyền lợi dân tộc và người dân. Tiếp theo là xây dựng nền tư pháp thực thi nghiêm chỉnh Hiến pháp của nhà nước theo thể chế đó. Đó chính là cơ sở khoa học mà ông Vũ Ngọc Hoàng coi là điểm tựa để phân xử tranh luận đúng sai của các giải pháp và hiện tượng được tác giả phân tích đề xuất.
  • Việc lựa chọn xây dựng mô hình nhà nước và pháp luật cần có một tầng lớp trí thức tinh hoa mà Việt Nam chưa có (ngay cả khoa học tự nhiên và kỹ thuật-công nghệ, mặc dù có một số nhà Khoa học VN nổi tiếng nhưng chúng ta cũng chưa có tầng lớp trí thức này). Nếu đào tạo nghiêm chỉnh cũng phải mất nhiều chục năm may ra mới có, nên tốt nhất là vừa đào tạo vừa thuê các trí thức từ các nước có nền khoa học và quản lý nhà nước tiên tiến, như các nước công nghiệp mới phát triển đã thực hiện.
  1. Lời kết
Shakespeare nhà viết kịch nổi tiếng trên thế giới người Anh ở thế kỷ 16 (thời kỳ phục hưng) đã để cho nhân vật Hamlet có câu nói bất hủ cho đến tận ngày nay :”To be or not to be” có nghĩa là “tồn tại hay không tồn tại”. Nhiều người dân Việt Nam vẫn còn nhớ thời kỳ cuối thập niên 80, nhất là khi khối Đông Âu suy yếu và tan rã, trước các yêu cầu bức xúc của cuộc sống, để tồn tại, Đảng và Nhà nước ta đã tự cứu mình bằng cách tiến hành đường lối Đổi mới, tạo ra các bước đột phá đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng, trì trệ. Vậy, đây có phải là “tự diền biến, tự chuyển hóa “ mà lá cờ đầu chính là Tổng bí thư Trường Chinh cho viết lại toàn bộ Văn kiện đại hội Đảng lần thứ VI?
Bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng hoàn toàn mang tính xây dựng và không hề cực đoan.  Ngẫm suy, quan điểm của chúng ta là “năng nhặt chặt bị”, đừng bỏ phí bất kể điều gì tốt đẹp trong xã hội vẫn còn rất nhiều nhiễu nhương.
“Gieo trăm gặt một thế cũng là
Được bao nhiêu cũng là được cả
Một thời khô héo một thời hoa”.
(Thơ Việt Phương)
Nổi bật nhất bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng chính là những nội dung cơ bản Đảng cộng sản VN có đủ khả năng kế thừa, định hướng, triển khai nếu muốn đất nước VN phát triển, biết nhận thức và tiếp thu khoa học khách quan về lý luận và quản trị nhà nước. Còn cứ đổ tội cho hiện tượng này nọ, cải cách vụn vặt, ngẫu hứng sẽ chỉ tốn thời gian công sức, và làm mất cơ hội phát triển.
Trước đây không lâu, lãnh đạo của VN không đánh giá cao doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa. Ngày nay,  lại coi đó là một lực lượng quan trọng, phải chăng chúng ta đã buộc phải đổi hướng, nhưng không nói ra?
Còn cái gì nữa mà chúng ta sẽ buộc phải nói ra? Sự thay đổi dù không nói ra này có phải là Đổi mới tư duy không? Đổi mới tư duy có gì khác với tự diễn biến, tự chuyển hóa? Nếu ta hiểu mấy thuật ngữ này theo nghĩa tiêu cực, nghĩa là thụt lùi, thì ta không nói theo Triết học  nữa. Vậy thì ta không Đổi mới, cứ làm như cũ chăng, thì  nguy cơ “cái gì đến ắt sẽ đến” nếu ta không biết nhìn lại mình cho rõ hơn và không biết vượt lên chính mình.

BÀN THÊM VỀ BÀI VIẾT 'TỰ DIỄN BIẾN'-'TỰ CHUYỂN HÓA' CỦA ÔNG VŨ NGỌC HOÀNG

Một trong số rất hiếm hoi những người có trí lự mà vẫn yêu đảng, yêu chế độ nồng nàn là anh Vũ Ngọc Hoàng. Thật đáng trọng. Tôi trọng những người như anh và sổ toẹt vào đám giả cầy (cả hai chiều) mồm miệng leo lẻo cnxh này nọ, thực chất họ chỉ biết lợi lộc của họ thôi, đ... biết gì đâu.
VỀ “TỰ DIỄN BIẾN, TỰ CHUYỂN HOÁ” là một bài viết hay, đáng đọc. Các ông bà “có lý luận” trong đảng nên đọc bài này, nếu muốn cứu đảng cứu chế độ.
Trong đó anh Vũ Ngọc Hoàng đưa ra một khái niệm "cnxh giả hiệu" rất đáng quan tâm. Nói rằng có cnxh giả hiệu tức là có cnxh thật. Có đúng có cnxh thật không? Theo tôi là có. Bởi nó nằm trong quy luật phát triển của nhân loại, hết tư bản thì lên cnxh thôi chứ chạy đi đâu được. Nhưng cnxh thật đó không thể có được nhờ đảng cộng sản tự thân đổi mới để cải tạo cnxh giả hiệu thành cnxh thật được đâu anh Hoàng ạ. Bởi vì làm thế là đốt cháy giai đoạn, trái qui luật.
Cnxh thật này (tức cnxh theo đúng tiêu chí của Mác, không phải tiêu chí của Lê Nin hay Stalin) phải do các nước tư bản hiện đại tiên tiến “tự chuyển hoá”, “tự diễn biến” mà thành. Hà Lan, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Úc, Đức, Anh… đang đi theo hướng đó (Mỹ thì còn lâu nhé!). Tôi đồ rằng trong vòng vài chục năm tới sẽ có hơn chục nước nữa xây dựng cnxh thật theo hướng này. Sang thế kỷ 22 trở đi, tất cả các nước tư bản tiên tiến hiện nay sẽ dần dần chuyển đổi thành cnxh thật; một nửa thế giới sẽ sống trong cnxh mà chúng ta mơ ước đó anh. Đảng cs sẽ không có vai trò gì trong cuộc chuyển đổi vĩ đại này đâu, anh đừng mơ mộng hão.
Chúng ta muốn có cnxh thật thì trước hết phải xây dựng một nước tư bản hiện đại tiên tiến, đó là con đương duy nhất đúng và duy nhất ngắn, thưa anh.
Nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Nói thật đi anh, anh nói được mà.
Kính anh
Nguyễn Quang Lập
(100% không có lý luận
)
Nếu phân tích kỹ bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng thì sẽ thấy, ý tưởng mà bạn Nguyễn Quang Lập muốn đề xuất với tác giả thật ra cũng đã nằm trọn trong những điều tác giả định gửi gắm. Trong đoạn sau đây, ông Hoàng nêu lên hai vế: một vế ông đối lập dứt khoát chế độ toàn trị với tư tưởng tự do dân chủ, vế khác ông xác nhận chế độ toàn trị “hoàn toàn xa lạ và trái ngược với CNXH”. Mà CNXH theo ông lại là một thành quả của dân chủ và tự do: “Đối với luật pháp tiến bộ thì suy nghĩ không cấu thành tội phạm. Suy nghĩ, tư tưởng của con người là cái tự do. Xã hội không thể không có tự do về tư tưởng. Chỉ có chế độ toàn trị mới quản lý, giám sát tư tưởng của con người. Mà toàn trị là thứ chống lại tự do - giá trị thiêng liêng đối với cuộc sống của con người. Toàn trị không phải là chế độ dân chủ và tiến bộ, mà là một chế độ lạc hậu, xa lạ và trái ngược với CNXH. CNXH phải là dân chủ và tự do, chứ không phải là toàn trị. Nếu cứ bám theo hướng của chế độ toàn trị thì thực chất đó là sự chệch hướng khỏi mục tiêu XHCN, rời bỏ CNXH. Phải đề phòng nhiều lúc cái “phi XHCN” lại nhân danh CNXH. Cần phải có tư duy sắc bén trước những vấn đề như vậy. Không nhầm lẫn cái nó nhân danh với bản chất thực của chính nó”.
Thử hỏi, trên thế giới trước đến nay, loại mô hình chế độ toàn trị vẫn tuyên xưng rằng mình “giương ngọn cờ xây dựng CNXH”, thậm chí đến lúc chủ nghĩa xã hội đã đồng loạt sụp đổ mà vẫn còn ra sức “xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”, là thứ mô hình nào? Nếu chẳng phải là cái mô hình đảng cộng sản nắm quyền cai trị một cách tuyệt đối, toàn diện – đã từng có ở nước Nga từ 1917 đến 1990, và hiện vẫn đang tồn tại ở Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Triều Tiên... – thì còn gì vào đấy nữa? Các loại mô hình toàn trị khác có thứ mô hình nào mà lại dám vỗ ngực tự xưng chính nó sẽ đưa dân chúng đến thiên đường XHCN đâu. Vậy thì luận giải của ông Vũ Ngọc Hoàng trước sau cũng đồng quy ở một điểm giống hệt với Nguyễn Quang Lập, nào có khác gì nhau: “CNXH thật” không bao giờ sản sinh từ bàn tay chèo lái của đảng cộng sản được cả, dù đảng ấy có tự thân đổi mới mấy đi nữa, bởi một lẽ giản đơn là nếu đảng cộng sản vẫn còn thì cơ chế toàn trị vẫn còn, mà như trên đã thấy, toàn trị theo ông Vũ Ngọc Hoàng chính là khắc tinh của CNXH. Nghĩa là con đường mà đảng cộng sản dẫn dắt dân chúng không hề lấp ló một chút ánh sáng nào ở phía trước, dẫu là đi đến muôn đời chứ không phải đến cuối thế kỷ này.
Là người được nếm “trái đắng” CNXH giả cầy trong suốt mấy chục năm qua, cho đến tận bạc đầu rồi mà vẫn cứ phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, thiết tưởng chúng ta phải nhạy bén hơn ai hết với những hệ luận mà ông Hoàng thốt lên từ chính con tim của mình: “Phải đề phòng nhiều lúc cái “phi XHCN” lại nhân danh CNXH”, cũng như lời cảnh báo thâm thúy của ông: “Không nhầm lẫn cái nó nhân danh với bản chất thực của chính nó”. Đúng! Mỗi chúng ta hôm nay chẳng phải đang cố gắng chỉ tên vạch mặt cái bản chất “phi XHCN” từng làm khổ chúng ta – và vài ba thế hệ trước chúng ta – gần suốt cả một đời đấy là gì. Nếu có muốn chỉnh sửa chút ít gì vào đây thì theo chúng tôi có lẽ là ở cấp độ của sự đánh giá: Không phải là “nhiều lúc” nữa mà là hầu như mọi lúc mọi nơi cái “phi XHCN” được một lũ người ngu dốt vận hành, cứ nghênh ngang trơ tráo mà phá hoại dần mọi nền tảng vốn được xây dựng vững bền trên đất nước Việt Nam, khiến cho không chỉ kinh tế kiệt quệ mà môi trường xã hội, cho đến đạo đức, văn hóa... tức là cốt cách dân tộc cũng suy tàn. Hiểm họa của cái “phi XHCN” do chế độ toàn trị gây nên quả là ghê gớm vậy!
Bauxite Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét