Thứ Ba, 21 tháng 6, 2016

20160621. THÁCH THỨC CỦA NGHỀ BÁO THỜI @

ĐIỂM BÁO MẠNG
THÁCH THỨC CỦA NGHỀ BÁO THỜI @
HIỆU MINH/ TVN 21-6-2016
Nhà báo, truyền thông, công nghệ, mạng xã hội
Nghề báo thời @. Ảnh minh họa: infonet.vn
Nếu không chuẩn bị tương lai vì sự thay đổi của công nghệ, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau. Điều này đúng với mọi ngành nghề, kể cả tư duy phát triển và báo chí không phải là một ngoại lệ.
Mùa xuân vừa rồi lên Vị Xuyên, vào một làng hẻo lánh cách thị trấn 30km, tôi thấy một cậu bé người dân tộc ngồi bên bếp lửa nhà sàn, tay cầm một cái smartphone đang duyệt internet nhoay nhoáy. Đối với người cầm bút thì đây là thách thức lớn vì tin tức không còn in trên báo hay trang web dài lê thê. Mà đó là vài dòng ngắn gọn độc giả có thể biết thế giới đang có khủng bố ở Paris hay các mặt hàng đang đổi giá từng giây tại Sài Gòn, một nơi cách xa hàng ngàn km.
Bỗng nhiên mất việc
Với bạn đọc thì nghề báo được các nước phương Tây coi là quyền lực thứ tư sau lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhằm giúp dân chúng quản lý ba nhánh quyền lực trên. Nhưng “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, đó là nghề bấp bênh nhất dù được phủ ánh hào quang bằng mỹ từ.
Cách đây gần 02 năm (tháng 9/2014), tờ báo USA Today hỗn loạn bởi trong một ngày có khoảng 70 phóng viên mất việc do phiên bản in không bán được quảng cáo, thu nhập ít đi, cách giải quyết của tòa soạn là cắt việc.
Anh Scott Bowles, 49 tuổi, chuyên quay phim cho USA Today ở Los Angeles đã 20 năm cũng chung số phận vào sáng đó cùng với Korina Lopez. “Họ báo, chúng tôi để anh đi, anh đã hết việc ở đây và email của anh không thể liên lạc được nữa”, Bowles đau xót kể lại.Chị Korina Lopez đang chuẩn bị nhổ răng ở nha sỹ thì nhận được cuộc điện thoại từ ban quản lý nhân sự. “Họ cho tôi 05 phút để bắt tôi kết thúc công việc đã làm 11 năm. Tôi chỉ có 15 phút để lấy tài liệu trên máy tính trước khi họ cắt tài khoản và email”, Lopez nhớ lại.
Dù rất nhiều người đoán sẽ bị cắt việc nhưng không thể nghĩ kịch bản lại bất ngờ và tàn nhẫn đến thế. USA Today coi những phóng viên như kẻ trộm hàng trong siêu thị.
Sự việc xảy ra tại USA Today không phải là chuyện hiếm trong thế giới truyền thông. Hôm trước còn là quyền lực thứ tư, hôm sau đã gia nhập đội quân… thất nghiệp. Nghề báo luôn bị đe dọa mất việc thường xuyên hơn hẳn các nghề khác, vì một tin chưa được kiểm chứng, một clip nhạy cảm, một lỗi lầm rất con người, hoặc đôi khi người ta cần một vật “tế thần” vì mục đích chính trị.
Mọi việc vẫn ổn nếu tiền bạc vào tòa soạn vẫn tốt, không nhiều tai tiếng, nếu vụ việc không quá lớn. Nhưng túi tiền của ông chủ tòa soạn bỗng nhiên vơi đi, thì một ngày xấu trời, lão ấy lôi tất cả những lỗi lầm trên và đưa thành án- và bạn mất việc.
Hiện Việt Nam có tới 40 triệu tài khoản facebook, cũng ngần ấy người dùng internet trong khi thế giới có khoảng 3,4 tỷ và 1,8 tỷ tài khoản facebook. Một nửa dân số hành tinh sống với tin số và đó là thách thức lớn nhất mà truyền thông đang đối mặt.  
Công nghệ thay đổi truyền thông
Tại nước Mỹ, số người dùng PC không thay đổi từ năm 2010 đến nay chiếm 78% trong số người lớn, nhưng với smartphone thì số này tăng vọt từ 35% năm 2011 đến năm 2015 đã là 68%. Smartphone sẽ chiếm lĩnh thị trường trong những năm sắp tới bởi 3G, 4G, giao diện thân thiện, từ trẻ con tới người già đều dùng một cách dễ dàng.
Thống kê cho thấy, có tới 36% người đọc dùng smartphone để xem tin của Wall Street Journal vì thế tòa báo phải dành một đội ngũ riêng chỉ để phục vụ lớp người trẻ thích đọc tin ngắn và nhanh này.
Như vậy, ngoài chuyện phải đối mặt với công nghệ, truyền thông xã hội, thì việc đưa tin trên thiết bị cầm tay với các tin ngắn, cô đọng vừa đủ trên màn hình bé xíu, cũng là một thách thức khác đối với báo chí.
Tin nóng, giật gân, rồi tin vô giá trở nên vô nghĩa nếu không tới được người đọc mạng do phải cạnh tranh với truyền thông xã hội chạy trên smartphone với những lời ngắn “Hillary đã thắng ở California”, “Trump đã hạ gục đối thủ trên truyền hình” với hàng trăm ngàn share trong chốc lát.
Công nghệ cũng giúp cho các nhà quảng cáo hàng đi thẳng tới người tiêu dùng hơn là qua báo chí. Khi truy cập một facebook của người nổi tiếng, các nhà quảng cáo tìm cách giới thiệu một mặt hàng cho người đọc. Nếu nhấn chuột vì tò mò thì hệ quảng cáo sẽ tiếp tục khêu gợi kể cả giảm giá không ngờ cho tới khi người ta tắc lưỡi “mua thử xem sao”. Sau khi đã mua, hệ thống bỗng nhiên chuyển sang mặt hàng khác. Với cách quảng cáo thông minh đó, báo in, báo mạng khó mà cạnh tranh nổi.
Ông Raiju Narisetti, phó chủ tịch công ty News Corporation, cho rằng, trong tương lai các thách thức đối với truyền thông ngày càng khó hơn, báo in tiếp tục tồn tại dù ai cũng biết sẽ khó mà lãi nhưng in vẫn phải in nên nhiều tòa soạn phải nghiến răng.
Hiện tờ Washington Post vẫn chiếm 40% thị phần báo in địa phương, nếu khoảng 50 tới 70% lợi nhuận kiếm được từ phiên bản in thì số đông phóng viên dành cho công việc này vẫn tiếp tục tồn tại. Khó tưởng tượng một ngày nào đó tờ báo từng hạ gục Tổng thống Nixon trong vụ Watergate phải ngừng bản in vì tiền. Nhưng không còn lợi nhuận thì chủ bút khó mà tiếp tục khi đứng trước nguy cơ phá sản.
Trong thời đại IT thay đổi nhân loại, với mạng xã hội đang tự đưa và thẩm tin, cách kiếm tiền trên mạng ảo cũng khác, mỗi tòa soạn và phóng viên đều đương đầu với những thách thức. Lo các phiên bản khác nhau (in, blog, web, thiết bị cầm tay), sự thay đổi chóng mặt về cách đưa tin và nội dung tin trong thời buổi kinh tế và lợi nhuận hàng đầu, sẵn sàng bị thôi việc, tương lai không rõ ràng mà vẫn phải làm hết mình 24/7 trong khi mảnh đất mầu mỡ là quảng cáo đang mất dần vào tay mạng xã hội.
Người ta nói nhiều về tương lai của xu hướng công nghệ thì truyền thông luôn được nhắc đến nhiều do gắn kết tới công nghệ. Nhà báo đi công tác miền núi, thấy người dân từ già tới trẻ dùng smartphone với giá 50$/cái để đọc tin thì mừng vì IT đã về với núi rừng, nhưng cũng nên hiểu đó là thách thức đối với người cầm bút, cách viết tin phải khác nhiều.
Nếu không chuẩn bị tương lai vì sự thay đổi của công nghệ, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau. Điều này đúng với mọi ngành nghề kể cả tư duy phát triển và báo chí không phải là một ngoại lệ.
Hiệu Minh
 NGƯỜI LÀM BÁO NHỨC NHỐI VỚI 'LỢI ÍCH NHÓM'
PHẠM VŨ / TTO 20-6-2016
Ông Vũ Ngọc Hoàng - Ảnh: Việt Dũng
Ông Vũ Ngọc Hoàng - Ảnh: Việt D
TTO - Báo chí khi ấy không chỉ mang tính thông tin hay dự báo mà mang tính giải pháp, tư vấn, là nguồn tham khảo quan trọng để xây dựng chính sách, điều hành xã hội.
Ngay khi còn ở chức vụ phó ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương, 
TS Vũ Ngọc Hoàng thường xuyên gửi cho Tuổi Trẻ những bài báo, nghiên cứu của ông với những chủ đề nóng bỏng: quyền lực phải là của dân, cần có nghị quyết kiểm soát quyền lực... 
""
Dịp 21-6 này, tuyến bài “Nhận diện và ngăn chặn lợi ích nhóm” đượcTuổi Trẻ tổ chức từ bài viết của ông đã được Hội Nhà báo TP.HCM trao giải nhất nhóm chính luận...
* Nhận được tin bài viết “Nhận diện và ngăn chặn lợi ích nhóm” của mình được trao hai giải báo chí (một giải nhất của Hội Nhà báo TP.HCM và một giải nhất của Hội Nhà báo Việt Nam), theo ông, lựa chọn ấy nói lên điều gì?
- TS Vũ Ngọc Hoàng: Dịp này tôi nhận được ba giấy mời đi nhận giải thưởng báo chí: giải báo chí quốc gia và giải TP.HCM, Đà Nẵng. Vui, chứ không ngạc nhiên lắm bởi trước đó, khi báo đăng bài, tôi có được nghe ý kiến hoan nghênh, tán thành với chủ đề “lợi ích nhóm” của nhiều anh em, bạn bè, đồng nghiệp, kể cả một số tổ chức Đảng ở địa phương và cơ sở.
Theo tôi, hội đồng chấm giải báo chí năm nay, cả TP.HCM và trung ương, lựa chọn bài và chủ đề ấy để trao giải đã thể hiện hai điều: thứ nhất, ở Việt Nam lợi ích nhóm đã trở thành một vấn nạn lớn mà cả xã hội quan tâm, trong đó tất nhiên những người làm báo là những người nhức nhối nhất.
Nhu cầu làm rõ nguyên nhân, đấu tranh với các thế lực để tìm giải pháp ngăn chặn, khắc phục, loại bỏ lợi ích nhóm tiêu cực đã trở thành nhu cầu của từng người dân, của xã hội, đòi hỏi thúc bách với các cấp chính quyền, lãnh đạo.
Thứ hai, tư duy của Hội Nhà báo thoáng hơn trước, trách nhiệm với xã hội, với đất nước được đặt lên trên nhiệm vụ tuyên truyền, không còn coi đó là vấn đề “nhạy cảm” không nên viết lên báo.
Đó là tư duy mới, đúng và cần thiết, cần phải được phát huy. Nghĩ thế tôi rất phấn khởi cho xu thế chung.
* Khi gửi những bài báo mang tính nghiên cứu về tư tưởng, thể chế, chính sách của mình đến báo chí, ông chờ đợi điều gì?
- Đối với việc phân tích những cảnh báo, bình luận các tư tưởng đổi mới và phổ cập đến mọi người thì báo chí đóng vai trò quan trọng nhất.
Ngày nay, trong kỷ nguyên thông tin, với những tiến bộ về kỹ thuật và công nghệ, báo chí hằng ngày chuyển đến công chúng một khối lượng lớn thông tin, làm thay đổi nhận thức, nâng cao tri thức và năng lực, tham gia trực tiếp vào lực lượng sản xuất xã hội, góp phần mạnh mẽ cho công việc đào tạo, chuẩn bị con người. Báo chí rất cần thiết và nên tích cực thúc đẩy công cuộc đổi mới vì sự phát triển của dân tộc và đất nước.
Khi gửi những bài báo mang tính nghiên cứu về tư tưởng, thể chế, chính sách đến báo chí, ngoài việc muốn được đăng kịp thời, tôi còn mong được nhận nhiều thông tin phản hồi từ độc giả và đồng nghiệp, đồng chí.
Tôi coi đó là thước đo cho nghiên cứu của mình, là phương tiện để theo dõi, tìm hiểu nhận thức xã hội. Nhận được những chia sẻ, đồng cảm, tán thành, cùng thảo luận với vấn đề mình đặt ra là điều rất vui, khi đó có thêm nhiều người cùng quan điểm, biết thêm nhiều góc nhìn mới.
Nếu nhận được những phê phán, phản biện, ý kiến gai góc ở phía khác cũng rất có lợi, sẽ buộc mình phải suy nghĩ thêm, phải lật ngược lật xuôi vấn đề để tiếp thu hoàn thiện, củng cố và rèn luyện bản lĩnh, tìm ra những vấn đề mới để tiếp tục nghiên 
cứu và tiếp tục viết.
Thưa ông, điều đó có được đáp ứng khi bài viết này xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ?
- Điều đó được đáp ứng rất tốt trong tuyến bài “Nhận diện và ngăn chặn lợi ích nhóm” đăng trên Tuổi Trẻ.
Ngoài việc đăng rất kịp thời, đúng thời điểm góp ý trước đại hội Đảng, rất nhiều thông tin phản hồi, khen - chê có cả của độc giả, báo còn tổ chức thành tuyến để có thêm nhiều ý kiến về cùng chủ đề của TS Huỳnh Thế Du, TS Phạm Duy Nghĩa, thượng tướng Nguyễn Văn Rinh... mở rộng nhiều chiều, nhấn mạnh và phân tích cụ thể hơn từ những vấn đề lý luận mà tôi đề cập.
Giải pháp cho vấn nạn lợi ích nhóm đã bật ra: minh bạch thông tin, xây dựng cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực, chuyển giao một số chức năng nhà nước cho các tổ chức xã hội, lấy doanh nghiệp tư nhân làm chủ yếu, kiên quyết với những sai lầm, sai phạm... Chính những điều đó đã thuyết phục được người đọc.
* Trong thời đại thông tin, mạng xã hội phát triển như ngày nay, ông chờ đợi được đọc những gì trên tờ báo mỗi sáng?
- Đọc báo, tôi thường chú ý đến những thông tin quan trọng về tình hình trong nước cũng như thế giới. Tôi quan tâm nhiều đến văn hóa, kể cả xây và chống, những thành tựu khoa học công nghệ, những tư duy đổi mới...
Tuy nhiên, thời đại hiện nay, tin tức và thông tin được cập nhật hằng giờ, hằng phút trên mạng và người đọc có thể tự chọn lựa theo quan tâm của mình.
Điều tôi chờ đợi ở những tờ báo như Tuổi Trẻ không chỉ là thông tin mà là những vấn đề được đặt ra từ trong cuộc sống, những thúc đẩy xuất phát từ nhu cầu phát triển.
Và không chỉ ở mức đặt vấn đề hay phân tích nguyên nhân, tôi muốn đọc được những đề xuất, thảo luận để tìm giải pháp ở trên mặt báo.
Những cuộc thảo luận đa chiều, thu thập ý kiến từ nhiều nguồn như các cấp lãnh đạo, các nhà trí thức, chuyên môn, những người dân ở trong cuộc hay có quan tâm đến vấn đề được đặt ra... sẽ cho chúng ta nhiều góc nhìn để tiếp cận sự thật, phân tích, xem xét bản chất cốt lõi và sẽ chỉ ra được những phương án giải quyết thích hợp, những lựa chọn...
Báo chí khi ấy không chỉ mang tính thông tin hay dự báo mà mang tính giải pháp, tư vấn, là nguồn tham khảo quan trọng để xây dựng chính sách, điều hành xã hội.
PHẠM VŨ thực hiện (phamvu@tuoitre.com.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét