Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

20170801. DỪNG HAY TIẾP TỤC DỰ ÁN MỎ SẮT THẠCH KHÊ ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
1.500 TỶ ĐỔ VÀO MỎ SẮT THẠCH KHÊ: ĐỀ NGHỊ DỪNG NGAY DỰ ÁN
LƯƠNG BẰNG/ VNN 31-7-2017
dự án đắp chiếu,mỏ sắt thạch khê,ô nhiễm môi trường,khai thác khoáng sản
Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã tạm dừng 8 năm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cảnh báo về những rủi ro lớn với dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) và đã có kiến nghị bất ngờ.
Dự án không khả thi
Sau khi Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đề xuất “hồi sinh” lại việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Bộ Công Thương bày tỏ đồng tình. Thế nhưng, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tỏ rõ sự băn khoăn trước nhiều vấn đề. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm “trọng tài”.
Sau nhiều cuộc họp, ghi nhận ý kiến các bên, Bộ KH-ĐT đã có ý kiến gửi Thủ tướng Chính phủ về dự án gây nhiều tranh cãi này.
Cụ thể, Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương cho phép Công ty CP sắt Thạch Khê dừng dự án khai thác sắt Thạch Khê và dừng cả dự án sản xuất phôi thép công suất 2 triệu tấn/năm tại đây. 
Một trong những lý do là, theo Bộ KH-ĐT, năng lực tài chính của Công ty CP Sắt Thạch Khê không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư Tổ hợp dự án theo tiến độ, cho dù tổng mức đầu tư của dự án 3 năm có tơi 2 lần điều chỉnh giảm.
Tháng 12/2014, dự án điều chỉnh phê duyệt có tổng mức đầu tư là hơn 14.500 tỷ. Đến tháng 4/2016 giảm còn hơn 13.000 tỷ, trong đó giai đoạn 1 là hơn 6.600 tỷ. Đến tháng 3/2017, theo đề nghị của Bộ KH-ĐT, Công ty sắt Thạch Khê đã tính toán lại hiệu quả kinh tế dự án và tổng mức đầu tư dự án giảm còn hơn gần 12.200 tỷ.
Thế nhưng, Bộ KH-ĐT cho rằng sau 2 lần điều chỉnh (giảm 2.300 tỷ), dự án vẫn chưa tính hết chi phí liên quan vào tổng mức đầu tư của dự án.
Ngoài ra, theo Bộ KH-ĐT, Dự án điều chỉnh phê duyệt năm 2014 chưa tính đủ chi phí vào tổng mức đầu tư và chưa dự báo giá quặng sắt trong dài hạn nên không đủ cơ sở tính toán hiệu quả dự án.
Trong đó, việc tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Thạch Khê, Bộ KH-ĐT đánh giá mới có Hòa Phát ký thỏa thuận nguyên tắc mua bán quặng sắt Thạch Khê với khối lượng 2017-2021 là 3 triệu tấn/năm, giai đoạn 2022-2027 chưa có cam kết cụ thể. Cho nên phương án tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê trong dài hạn là “chưa chắc chắn”.
Trong khi, Formosa  với  tổng nhu cầu quặng sắt từ 7-14 triệu tấn/năm vẫn chưa có ý định mua quặng sắt mỏ Thạch Khê.
Hơn nữa, còn một số quan ngại về vấn đề môi trường của dự án như cạn kiệt nguồn nước ngầm; xâm nhập mặn; sa mạc hóa; sạt lở bờ moong tầng khai thác, bãi thải; ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong vùng;...
Về môi trường, Bộ KH-ĐT cho rằng nguy cơ sự cố môi trường có thể xảy ra, khó lường hết.

Năm 2016 Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đã đề xuất hồi sinh dự án.
“Việc triển khai dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê hiện nay không được sự đồng thuận của tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hà Tĩnh do còn nhiều băn khoăn về tính khả thi của dự án, hiệu quả kinh tế - xã hội, đầu tư cảng biển vận chuyển quặng sắt, phương án bảo vệ người dân...”, Bộ KH-ĐT cho biết.
Tóm lại, Bộ KH-ĐT cho rằng với những tồn tại, vướng mắc của dự án nêu trên thì việc Công ty sắt Thạch Khê tiếp tục triển khai đầu tư dự án là không khả thi, không đáp ứng được các chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ.
Dừng dự án, hơn 1.500 tỷ sẽ đi về đâu?
Tổng chi phí Công ty CP Sắt Thạch Khê đã đầu tư vào dự án (tính đến tháng 11/2016) là gần 1.600 tỷ đồng. Trong đó lập dự án, thiết kế kỹ thuật là hơn 400 tỷ; địa chất, trắc địa, môi trường và rà bom mìn và 34 tỷ; bóc đất tầng phủ hơn 434 tỷ; mua một số loại xe, máy xúc, máy cẩu hơn 126 tỷ,...
Nói về hệ lụy do dự án tạm dừng từ 2011 đến nay, Bộ KH-ĐT nhìn nhận, nếu dự án tiếp tục tạm dừng, khoản đầu tư này sẽ chậm cơ hội hoàn vốn, đồng thời lãng phí cơ sở vật chất, thiết bị đã đầu tư.
Các hộ dân đã được di chuyển đến khu tái định cư và các hộ dân chưa được giải quyết tái định cư đều bị ảnh hưởng, nguy cơ trở thành điểm nóng về an ninh trật tự, mất niềm tin người dân nếu như địa phương không sớm công bố rõ về quan điểm và hướng triển khai dự án.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, số hộ bị ảnh hưởng là gần 3.000 hộ, không được cấp đất mới, không được tách hộ, 3-4 thế hệ cùng ở trong một nhà.
Đó là chưa kể số tiền đã bỏ ra thuộc Đề án 946 (đề án phát triển bền vững kinh tế xã hội các xã chịu ảnh hưởng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê) với tổng vốn đầu tư gần 1.700 tỷ đồng. Giá trị thực hiện Đề án này ước đạt khoảng hơn 354 tỷ đồng.
Vì thế, cùng với đề xuất dừng dự án, Bộ KH-ĐT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Tổ công tác liên ngành do Bộ KH-ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, tỉnh Hà Tĩnh, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Công ty Sắt Thạch Khê để đánh giá tổng thể và đề xuất phương án xử lý tồn tại về tài chính, đất đai, hoàn thổ, công trình đầu tư dở dang của Đề án 946.
...
Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) ngày 17/5/2007 đã ra mắt với 9 cổ đông sáng lập, vốn điều lệ 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số cổ đông đã không góp vốn đúng cam kết, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch hoạt động của công ty.

Sau đó, Bộ Công Thương đã tiến hành tái cơ cấu lại TIC theo hướng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) giữ cổ phần chi phối, loại bỏ một số cổ đông,... nhưng đến nay, dự án vẫn bất động.
Lương Bằng
BỘ CÔNG THƯƠNG KHÔNG ĐỒNG TÌNH ĐỀ XUẤT DỪNG MỎ THẠCH KHÊ
NGỌC LAN/ TBKTSG 31-7-2017
Khai trường mỏ quặng sắt Thạch Khê, dự án bị Bộ KHĐT đề nghị dừng sau 10 năm đầu tư. Ảnh:TL
(TBKTSG Online) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã có văn bản chính thức gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị việc dừng dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, Bộ Công Thương không đồng tình với đề xuất này vì cho rằng dự án vẫn có hiệu quả.
Tin từ Bộ Công Thương cho biết, hôm 13-7, Bộ KHĐT đã có văn bản số 5739 báo cáo và kiến nghị Thủ tướng xem xét chủ trương dừng dự án trên, báo cáo Bộ Chính trị. Trong trường hợp dừng dự án cho phép thành lập tổ công tác liên ngành do Bộ KHĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, tỉnh Hà Tĩnh, Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV), Công ty cổ phần khai thác mỏ Thạch Khê (TIC) để đánh giá tổng thể và đề xuất phương án xử lý tồn tại về tài chính, đất đai, hoàn thổ, công trình đầu tư dở dang, báo cáo Thủ tướng.
Sau khi nhận được văn bản của Bộ KHĐT, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị các bộ có liên quan, trong đó có Bộ Công Thương có ý kiến với đề nghị từ Bộ KHĐT để Thủ tướng xem xét.
Kiến nghị của Bộ Công Thương cho rằng việc đề xuất dừng dự án là chưa đủ cơ sở về khoa học và thực tiễn. Việc dừng cần được xem xét thận trọng một cách toàn diện, tính đến những hậu quả hệ lụy liên quan đến những thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng mà nhà đầu tư đã bỏ ra 10 năm nay. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp theo chủ trương kiến tạo của Chính phủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh, cũng như của Việt Nam. Bên cạnh đó phải tính đến hiệu quả kinh tế của dự án, phát triển công nghiệp và kinh tế Việt Nam, đóng góp vào tổng sản phẩm nội địa (GDP), giảm nhập siêu, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, cũng như các vấn đề liên quan như an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội và nhiều hệ lụy khác.
Vẫn quan điểm của Bộ Công Thương nhân định: hiệu quả kinh tế của dự án do TIC cập nhật tháng 3-2017 cao hơn so với dự án phê duyệt năm 2014 vì tổng mức đầu tư giảm còn 12.192 tỉ đồng so với 14.517 tỉ đồng trước đây. Các chỉ tiêu sinh lời dự báo cao hơn và thời gian hoàn vốn là 7,5 năm/9,5 năm.
Ngoài ra, dự án chưa tính đến một số nguồn thu lớn khác từ khoáng sản đi kèm (đất sét làm gạch ngói khoảng 80 triệu m3); đá, cát sỏi (khoảng 280 triệu m3) và hàng trăm triệu tấn đá thải mỏ có thể dùng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng cung cấp cho nhu cầu trong nước, góp phần hạn chế việc khai thác cát sỏi lòng sông đang gây nhiều hệ lụy xấu hiện nay. Nguồn nước ngọt thu từ quá trình tháo khô mỏ với khối lượng lớn, qua xử lý sẽ là nguồn cung cấp nước sạch cho sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp trong khu vực, thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của dự án. Vì vậy, dự án có hiệu quả là khả thi.
Ngoài ra, về năng lực tài chính của Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê và tính khả thi trong việc tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Thạch Khê, Bộ Công Thương cho rằng khi dự án được khởi động lại hoàn toàn có thể đáp ứng, Bộ Công Thương đã nêu rõ trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ tháng 2-2017.
Những vấn đề liên quan đến môi trường như hạ thấp mực nước ngầm, sụt lún và sạt lở bờ mỏ trong quá trình khai thác; giải pháp ứng phó với sự cố môi trường; phương án cải tạo phục hồi môi trường, sử dụng đất sau khai thác được các nhà khoa học và dư luận quan tâm đã được làm rõ trong báo cáo thẩm định kinh tế kỹ thuật của Bộ Công Thương và các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng các giải pháp là phù hợp. Tuy nhiên, cũng có đề nghị chủ đầu tư trong quá trình khai thác giai đoạn 1 đến mức -145m, TIC phải tiếp tục có những nghiên cứu bổ sung về địa chất thủy văn và địa chất công trình, cập nhật dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu, động đất, sóng thần để bổ sung giải pháp thiết kế, bảo vệ môi trường cho phù hợp.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cách đây vài tháng đã có văn bản đề xuất dừng dự án này vì không khả thi về kinh tế, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường.
10 năm kể từ ngày dự án bắt đầu đi vào thực hiện đến nay, Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê gặp nhiều khó khăn vì các cổ đông không góp đủ vốn và khai thác cầm chừng.
Mời xem thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét