Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2020

20200621. NGHĨ VỀ HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN TRUNG ƯƠNG VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN TRUNG ƯƠNG VIỆT NAM CẠN KIỆT VỀ THỰC TIỄN VÀ LÝ LUẬN
THUẬN ĐẠO/ TD 15-6-2020
Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bao lâu, có mấy chặng đường cần tiếp ...
Gần đây, phát biểu của Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú “về những điểm mới trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng”, về “Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bao lâu, có mấy chặng đường cần tiếp tục làm rõ”; “thời kỳ quá độ là thế nào – là vấn đề rất vướng, chưa rõ, lâu nay chưa làm được, và cần tiếp tục nghiên cứu”; rồi các phát biểu gần đây của các quan chức hàng đầu của Nhà nước Việt Nam, tôi ngày càng thấy rõ là quan chức các cấp từ trung ương đến địa phương, từ các cơ quan đảng cho đến chính quyền và đoàn thể Việt Nam đang rất lúng túng về mặt lý luận.
Họ không thể giải thích được thực tế đang diễn ra ở Việt Nam và trên thế giới bằng các lý luận của chính mình, các lý luận mà dựa vào đó để họ “cai trị” dân tộc Việt Nam hiện nay. Tại sao?
Tôi là một người từng là cán bộ thuộc hàng cao cấp của đảng CSVN, tôi đã thấy vấn đề này từ khá lâu, nhất là khi tham gia học lớp cao cấp lý luận chính trị (LLCT) của trường đảng, Học viện Chính trị Hồ Chí Minh. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin chia sẻ với bạn đọc về thực trạng các lớp cao cấp lý luận chính trị hiện nay để mọi người hiểu hơn về lý luận chính trị đã được dạy và học thế nào và tại sao đã tạo ra đám quan chức như thế.
Chương trình học LLCT là chương trình được thiết kế hoàn toàn cứng, không được phép bổ sung, thay đổi gì, thống nhất trong toàn hệ thống đào tạo của đảng CSVN, với nội dung chính là Chủ nghĩa Mác Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Với nền tảng về Triết học rất phiến diện (chỉ Mác Lê nin), nhưng mọi người nghĩ rằng, mình được trang bị một cách toàn diện về triết học của thế giới với những nhà triết học cổ đại, đương đại và hiện đại.
Người dạy và người học giống như những con ngựa bị che mắt, chỉ còn biết nhìn về phía mà người ta cho phép nhìn để đi con đường mà người điều khiển ngựa mong muốn. Giảng viên đa phần có trình độ Tiến sĩ (theo chuẩn của Việt Nam), họ cũng được học như vậy và nay họ chỉ có việc là “nhai lại” mớ kiến thức mà họ được học.
Giảng viên nào có kiến thức khác hơn qua tự tìm hiểu thì có hai cách, hoặc là họ bị đào thải ra khỏi hệ thống với nhiều đặc quyền, đặc lợi (phần này thì rất ít) nếu họ phát biểu đúng với lương tâm và kiến thức thực sự mà họ có, hoặc là họ biết nhưng họ phải tìm cách giấu các kiến thức đó, thỉnh thoảng trong lúc giảng bài, họ nói ra vài ý “có tính phản động đó”, nhưng hoàn toàn sợ sệt vì sợ bị báo cáo lên “cấp trên” bởi các giảng viên khác hoặc là các học viên; khi họ nói sự thật thì hầu hết học viên rất thích thú vì đó là thực tế đang diễn ra xung quanh mọi người, nhưng sau đó họ không nói thêm gì nữa và để cho học viên tự suy nghĩ, và hoàn toàn không được phép thảo luận gì về việc này.
Còn học viên khi học thì chỉ có một cách là nói lại, viết lại một cách hoàn toàn giống với những gì có trong các tài liệu được phát (nếu nói khác hoặc viết khác thì bị hỏng. Mặt khác, mỗi môn học họ lại đóng phí “luyện thi” cho giáo viên chủ nhiệm để “chung chi” trong hệ thống và đảm bảo ai cũng có điểm cao, vượt qua các kỳ kiểm tra và ra trường với bằng cấp, chứng chỉ “đỏ”). Mà học viên là những ai? Đó là những người đang có vị trí khá cao, với thu nhập khá cao, sẽ được bổ nhiệm vào các vị trí cao cấp trong hệ thống nhà nước, từ đảng cho tới chính quyền và các đoàn thể.
Do vậy, họ không hề dại dột để nói khác với ý của đảng được. Vì với con đường “quan lộ” như vậy thì bổng lộc và đặc quyền đặc lợi mà nhà nước CSVN đang đưa ra trước mắt họ vô cùng hấp dẫn, họ không dễ gì từ bỏ. Người học có biết thực tiễn đang diễn ra thế nào không? Chắc chắn là họ biết, họ có muốn giải quyết không? Chắc chắn là trong thâm tâm họ muốn, nhưng vì quyền lợi cá nhân, họ phớt lờ tất cả.
Với cách học, cách thi và cách tổ chức lớp như vậy thì thực tiễn cuộc sống không bao giờ được đưa ra thảo luận, do vậy, thực tiễn đã không bao giờ được bày ra để được giải quyết rốt ráo.
Từ đây, “nguồn” của lý luận (lãnh đạo nhà nước CSVN xem các nguồn thông tin trên mạng xã hội là “thế lực thù đich”, “chống phá cách mạng”…cho nên, họ cũng không được phép tiếp cận và sử dụng nguồn này), giống như ngọn nguồn của sông, suối không được khai thông thì cuối cùng các dòng sông cũng khô cạn, lý luận ngày càng xa rời cuộc sống và không thể lý giải được cuộc sống đang vận hành thế nào.
Mặt khác, với lý luận như vậy, với khả năng của Hội đồng Lý luận Trung ương như vậy, thì lãnh đạo nhà nước CSVN chắc chắn không thấy được thực tế đang diễn ra thế nào, vì vậy họ như những kẻ “ngáo đá” với những phát biểu “trên trời”, “trên mây”.
Người dân Việt Nam tiếp tục phải gồng mình nuôi bộ máy khổng lồ như vậy qua tiền thuế mà mình đã làm ra, lẽ ra phải quay trở lại phục vụ cho cuộc sống của người dân tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Nhưng…
Và cũng vì vậy, mâu thuẫn xã hội không được giải quyết mà ngày càng tích tụ, cho đến lúc nó bùng nổ và gây ra bao khổ ải tiếp theo cho người dân Việt, những người đã phải chịu đựng gần một thế kỷ qua với mong muốn cuộc sống tốt đẹp hơn, một nhà nước tốt đẹp hơn.
Người dân Việt nam đang bị “phản bội” lại với những gì mà họ đã mong muốn và đấu tranh trong những năm chiến tranh đã qua!
CHUYỆN VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN
NGUYỄN THÔNG/ TD 16-6-2020
Mới mấy hôm trước, trên báo chí tivi đài phát thanh mậu dịch ồn lên phát biểu của ông Phùng Hữu Phú. Ông này tôi biết sơ sơ, hơn tôi mấy tuổi, hồi chúng tôi nhập học khoa văn trường Tổng hợp Hà Nội năm 1972, thì ông đã là giáo viên khoa sử kế bên.
Thỉnh thoảng nhìn thấy anh giáo trẻ khoa sử đi trong sân trường khu Mễ Trì, dưới gốc nhãn, đường ven hố bom ra nhà ăn. Trông cũng có nét rắn rỏi phương phi dù khi ấy đa phần thầy cô giáo và sinh viên đều xanh xao gầy guộc. Có lần còn thấy ông chơi trong đội bóng chuyền của khoa sử, anh Trị đen (khóa 15 sử) bảo trình độ khoa học của anh giáo trẻ ấy cũng tương đương khả năng đánh bóng chuyền. Khoa sử là nơi cung cấp cho bộ máy cai trị khá nhiều quan chức cấp cao, cỡ ủy viên trung ương có khi đếm mỏi mồm, mà ông Phú chỉ là một trong đám đông đó. Bên văn ít hơn, nhưng lại có nhà vua hiện tại, vốn là sinh viên khóa 8. Quý hồ tinh, bất quý hồ đa, hì hì.
Giá như người khác nói, chả ai hơi đâu để ý. Nhưng đây là ông Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên trung ương, đương kim Phó chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận trung ương. Ổng thừa nhận “quá trình lên chủ nghĩa xã hội dài bao lâu, có mấy chặng đường… vẫn là vấn đề rất vướng, chưa được làm rõ, lâu nay chưa xác định được”. Ối cha mẹ ôi, suốt từ năm 1930, lui tí nữa thì năm 1945, lui thêm tí nữa từ 1954, lại lùi tí nữa từ năm 1975, các vị bao thế hệ cộng sản, cứ miệt mài thúc ép dân tộc, nhân dân, đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhưng bây giờ lại bảo chưa biết nó dài thế nào, bao lâu mới tới, thế có bỏ mẹ không. Đời người chỉ sống một lần, thế các vị định dùng bao nhiêu thế hệ để lót đường tiến tới cái bánh vẽ ấy, hở?
Thà cứ nói toẹt như nhà vua khoa văn khóa 8, rằng chả biết trăm năm nữa đã tới chưa (ai muốn biết vua nói câu này lúc nào, xin tra khảo đồng chí Gu gồ). Khổ, không biết cái thứ chủ nghĩa xã hội ấy nó đầu cua tai nheo thế nào mà cứ hùng hục đâm đầu vào, kiên định tiến lên, đi theo, đến chịu các ngài. Chủ nghĩa xã hội còn mờ mịt như vậy, thì chủ nghĩa cộng sản phải xa lắc tít tắp trời mây, giống như đường chân trời vậy, cứ tưởng tới nơi nhưng hóa ra nó vẫn đang lấp ló đằng xa tít.
Hồi các thể chế chính trị trên thế giới còn chia làm hai phe kình địch, lứa 5X chúng tôi ở miền Bắc luôn được nghe từ đài báo nhà nước, từ cán bộ tuyên truyền rằng chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại, còn chủ nghĩa tư bản đang tự đào mồ chôn, bên bờ huyệt, đang giãy chết. Cứ nghe mãi những điều ấy rồi cũng thành niềm tin mặc dù chẳng biết chủ nghĩa cộng sản lẫn chủ nghĩa tư bản mặt mũi ngang dọc như thế nào. Cái mùa xuân mà họ nói thì quá xa xôi, chưa biết bao giờ mới theo chim én về, còn tư bản khi nào chết cũng chả biết. Mọi thứ đều rất mơ hồ, chỉ có nghèo đói, chiến tranh, xung đột là có thực, phải chứng kiến hằng ngày.
Phải thừa nhận người cộng sản, dù ở Liên Xô, Trung Quốc hay Việt Nam, rất giỏi tuyên truyền. Họ nắm được quyền lực, độc quyền quyền lực, rất mạnh tay thực hiện chuyên chính vô sản, huy động hết tất cả cung bậc của bộ máy tuyên truyền, lại cộng thêm mị dân siêu hạng, nên có những thứ họ tưởng tượng ra tuy chỉ là bánh vẽ nhưng phần đông dân chúng cũng tin là thực. Dường như bất cứ điều gì họ chủ trương, nêu ra, họ (người cộng sản) đều cho là chân lý. Chẳng hạn họ luôn đề cao chủ nghĩa duy vật, chống lại mọi quan điểm duy tâm; đề cao tập thể, chống tôn phò cá nhân… nhưng trên thực tế thì ngược lại. Chính họ duy tâm siêu hạng, tôn thờ cá nhân, sùng bái cá nhân siêu hạng.
Trước hết, có thể thấy rõ sự kiêu ngạo cộng sản lộ rõ ở những từ ngữ, khẩu hiệu mà họ thường dùng. Hằng ngày luôn bắt gặp trên sách báo, trong những bản tin đài phát thanh, trên cửa miệng của cán bộ tuyên truyền, trên những bức tường khắp vùng thành thị lẫn nông thôn những từ: muôn năm, mãi mãi, vô địch, đời đời bền vững, sống mãi, bách chiến bách thắng, bất diệt…, tất cả đều hàm chứa sự duy ý chí, phản lại quy luật cuộc sống.
Đi đâu cũng gặp những câu khẩu hiệu dạng: Chủ nghĩa Mác-Lê nin bách chiến cách thắng vô địch muôn năm, đảng lao động VN quang vinh muôn năm (giờ đây câu này gần như hiện diện 100% trên sân khấu tại các hội trường cơ quan đơn vị, chỉ khác tí ti là thay chữ lao động bằng chữ cộng sản), đảng là người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng, chủ tịch… sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta, tình hữu nghị Việt-Xô (Việt-Trung) đời đời bền vững, tinh thần cách mạng tháng Tám bất diệt…
Hồi mấy chục năm trước, tôi ra Bắc vào Nam đi xe lửa qua chỗ nhà máy xi măng Bỉm Sơn (do Liên Xô giúp xây dựng) thấy trên nóc nhà máy câu khẩu hiệu đúc bằng bê tông to vật vã “Tình hữu nghị Việt – Xô đời đời bền vững”, sau nó mất đi lúc nào không biết. Là người duy vật, lẽ ra họ phải hiểu hơn ai hết, rằng chẳng có cái gì tồn tại mãi mãi, vững bền muôn thuở, chẳng có gì hoàn hảo không tì vết. Mặt trời còn có lỗ đen, ngọc họ Hòa còn bị mẻ, nói chi con người, xã hội loài người. Thế nhưng họ cứ thích nói ngược.
Người cộng sản là những họa sĩ tài ba. Họ rất giỏi vẽ những bức tranh tưởng tượng lãng mạn đầy màu sắc sặc sỡ, rực rỡ, thoát ly hẳn hiện thực. Họ coi lãng mạn là phẩm chất không thể thiếu trong tư duy của người làm cách mạng.
Tuy nhiên, phải là lãng mạn cách mạng. Ngay trong văn học, hồi những năm 50 – 70 ở miền Bắc, thậm chí tới tận bây giờ, họ chia văn chương ra thành từng dòng: cách mạng, hiện thực, lãng mạn. Nếu chỉ lãng mạn thì họ ghét cay ghét đắng, gọi đó là thứ sản phẩm đồi trụy, không tưởng, sướt mướt… của đầu óc tiểu tư sản. Những Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ, Nguyễn Tuân… dù hay cũng bị vứt vào sọt rác. Với họ, lãng mạn cách mạng mới đúng đường lối, mới hợp quy luật phát triển xã hội, kiểu như “Phương đông màu trắng chuyển sang hồng/Bóng tối đêm tàn quét sạch không”, “Ngày mai bao lớp đời dơ/Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay”, “Này này đế quốc biết hay chăng/Ngươi đã già nua ta trẻ măng”, v.v..
Sự sùng bái cá nhân của người cộng sản dường như một phần được hình thành từ sự kiêu ngạo. Với họ, cứ là lãnh tụ thì sẽ là thần thánh, là đỉnh cao chói lọi, sáng như vầng thái dương, đẹp hơn cả mùa xuân. Mỗi lời nói của lãnh tụ chả khác gì châu ngọc, gấm thêu. Mỗi điều viết ra đều là trước tác. Những Lênin, Mao Trạch Đông, Stalin, Kim Nhật Thành, Castro, Ceaucescu, và cả cụ Hồ (mà họ tô vẽ chứ bản thân cụ không hẳn thế), đều được ca tụng cực kỳ mẫu mực, đẹp đẽ.
(CÒN TIẾP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét