Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

20191128. QUỐC HỘI VIỆT NAM CHỈ NGHE DÂN

ĐIỂM BÁO MẠNG

QUỐC HỘI VIỆT NAM LÀ QUỐC HỘI DÂN CHỦ, CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN

CHIẾN THẮNG/ QĐND 26-11-2019

Cứ đến dịp Quốc hội họp, đâu đó lại xuất hiện một vài giọng điệu đả kích, cho rằng: "Quốc hội Việt Nam chỉ quyết định theo chỉ đạo của Đảng, là cơ quan thảo luận cho vui và chỉ mang tính hình thức".
Những giọng điệu này hoàn toàn lạc lõng trước sự tín nhiệm ngày càng cao của cử tri, nhân dân dành cho Quốc hội Việt Nam-một cơ quan liên tục tự đổi mới, cải tiến cách thức làm việc nhằm tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả làm việc và thể hiện đúng ý chí, nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước.
Được giới thiệu, chưa chắc trúng cử
Được giới thiệu, chưa chắc trúng cử là một trong những lập luận của những người đả kích cho rằng "các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội đều được tiến hành trên cơ sở Đảng cử, dân bầu nên không có tự do ứng cử", rồi "khi bầu cử thì vận động, ép buộc bầu người này, người kia, như thế là không dân chủ".
Theo Hiến pháp cũng như quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, mọi công dân Việt Nam nếu thấy mình đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân đều có quyền tự ứng cử.
Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế cũng có quyền giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân.
Quốc hội Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Việc tổ chức 3 vòng hiệp thương để chốt danh sách người ứng cử cũng là chuyện bình thường và nước nào cũng có cách làm tương tự để rà soát người đáp ứng đủ tiêu chuẩn ứng cử.
Công việc này ở mỗi nước được giao các cơ quan khác nhau đảm nhiệm, tùy theo đặc điểm, tình hình.
Tại Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc là tổ chức mang tính đại diện rộng rãi của các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị và các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc…
Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc là tổ chức phù hợp nhất tiến hành các vòng hiệp thương nhằm xác định được danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và đáp ứng được tính cơ cấu, đại diện theo vùng, miền, địa phương, dân tộc, giới tính, độ tuổi, giai tầng, trong đó có cả người được giới thiệu và người tự ứng cử.
Người được giới thiệu hay người tự ứng cử có thể là đảng viên, có thể là người ngoài Đảng nếu có đủ điều kiện và theo đúng các quy định của pháp luật.
Thực tế qua các kỳ bầu cử cho thấy, rất nhiều người tự ứng cử đã giành được sự tín nhiệm của cử tri nơi cư trú hoặc nơi công tác, học tập nên vượt qua vòng hiệp thương thứ hai; có đủ tiêu chuẩn và tín nhiệm vượt qua vòng bỏ phiếu hiệp thương thứ ba để có tên trên danh sách phiếu bầu; được cử tri nơi bầu cử tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân.
Ví dụ đại biểu Quốc hội Phạm Quang Dũng (đoàn Nam Định) và đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đều là những người tự ứng cử. 
Cùng với đó, cũng có rất nhiều người được các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế giới thiệu (trong đó có người là đảng viên, có người không phải là đảng viên), dù vượt qua các vòng hiệp thương nhưng không đạt được tỷ lệ phiếu bầu ở nơi ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân.
Ví dụ, tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, có 15 đại biểu thuộc diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu nhưng không trúng cử để trở thành đại biểu Quốc hội.
Việc vận động bầu cử là việc làm bình thường ở các nước, Việt Nam không là ngoại lệ. Cáo buộc “ép buộc” bầu người này, bầu người kia được đưa ra một cách vu vơ, thiếu dẫn chứng cụ thể thì rất khó thuyết phục.
Thực tế, nếu có hành vi ép buộc người khác bầu cử, hành vi đó đương nhiên vi phạm Điều 95 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, nhẹ thì bị xử lý hành chính, nặng thì bị xử lý hình sự. Bất kỳ ai nhận thấy mình bị mua chuộc, ép buộc khi bỏ phiếu đều có thể khiếu nại, tố cáo để làm rõ và xử lý.
Như vậy, về mặt pháp luật, quyền tự do ứng cử, tự do bầu cử của công dân Việt Nam được Hiến định và được pháp luật quy định rất rõ ràng, được tôn trọng và bảo vệ.
Về mặt thực tiễn, dù người tự ứng cử hay người được giới thiệu, dù là đảng viên hay người ngoài Đảng, ứng cử viên nào được cử tri tín nhiệm thì mới được cử tri bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân.
Ngược lại, ứng cử viên nào không đủ tín nhiệm với cử tri thì đều không được bầu, không cứ đó là ứng cử viên tự do hay ứng cử viên được giới thiệu.
Quốc hội Việt Nam không “thảo luận cho vui”
Lập luận thứ hai mà những người đả kích Quốc hội Việt Nam đưa ra là "Quốc hội Việt Nam chỉ thảo luận, thông qua những nội dung theo quyết định của Đảng, việc thảo luận chỉ để “cho vui”, mang tính hình thức".
Luận điệu cũ rích này khó có thể thuyết phục được những người quan tâm, theo dõi hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Thực tế, các nội dung được Quốc hội thảo luận đều thuộc phạm vi chức năng, quyền hạn của Quốc hội theo Hiến pháp và pháp luật.
Không phủ nhận, những vấn đề quan trọng mà Quốc hội bàn thảo đều có dấu ấn lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Điều này là bình thường, bởi theo Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Tuy nhiên, cũng theo Hiến pháp, Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình.
Mọi hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam đều hướng tới nhân dân, vì nhân dân. Bởi vậy, việc Quốc hội Việt Nam thảo luận về những vấn đề do Đảng lãnh đạo là đúng Hiến pháp, hướng tới nhân dân, vì nhân dân, đáp ứng đúng nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Mọi vấn đề đưa ra nghị trường đều được Quốc hội thảo luận, tranh luận một cách dân chủ, thẳng thắn.
Những nội dung không thuộc bí mật quốc gia đều được công bố công khai, minh bạch cả về tài liệu lẫn các ý kiến thảo luận.
Thậm chí, những phiên họp liên quan tới các vấn đề lớn của đất nước, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm đều được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân theo dõi, giám sát.
Mỗi vấn đề được Quốc hội thảo luận đều có những ý kiến đồng tình, ý kiến phản bác.
Tất cả ý kiến dù đồng tình hay phản bác đều được trân trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ và Quốc hội chỉ quyết định theo đa số.
Tính dân chủ thể hiện rất rõ ở tỷ lệ thông qua các dự án luật, dự thảo nghị quyết, thậm chí là quyết định công tác nhân sự, tuyệt đại đa số đều không đạt tỷ lệ ủng hộ tuyệt đối, bởi không đại biểu nào bị ép buộc phải nhấn nút biểu quyết đồng ý nếu bản thân chưa nhất trí.
Nếu ai theo dõi hoạt động của Quốc hội thường xuyên sẽ thấy, có những nội dung được Quốc hội thông qua chỉ với khoảng 70% đại biểu Quốc hội nhấn nút đồng ý, trong khi tỷ lệ đại biểu Quốc hội khóa XIV là người ngoài Đảng chiếm 4,2% tổng số đại biểu Quốc hội.
Như vậy, trong số những đại biểu nhấn nút không đồng ý, chắc chắn có đại biểu là đảng viên.
Do đó, không thể có chuyện đại biểu Quốc hội là đảng viên đều phải nhấn nút biểu quyết đồng ý theo “chỉ đạo”.
Thực tế cũng có những nội dung sau khi thảo luận, tranh luận đã bị Quốc hội bác bỏ, chẳng hạn việc Quốc hội chưa đồng ý thành lập Tòa án Nhân dân khu vực, Viện Kiểm sát Nhân dân khu vực khi thông qua các luật tổ chức liên quan tới hai ngành này. Hay nổi bật hơn là việc Quốc hội bác bỏ chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc vào năm 2010. 
Gần đây nhất, tại Kỳ họp thứ tám, cơ quan soạn thảo đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ.
Tuy nhiên, sau khi các đại biểu Quốc hội nhận được ý kiến của cử tri đã thảo luận rất sôi nổi về vấn đề này. Có đại biểu đồng ý, có đại biểu không đồng ý. Kết quả biểu quyết cho thấy, đa số đại biểu Quốc hội không nhất trí mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ. 
Đó là những minh chứng rõ ràng nhất để khẳng định: Quốc hội Việt Nam không “thảo luận cho vui” mà thảo luận, tranh luận một cách thực sự, mang tính dân chủ cao, quyết định theo đa số, theo ý nguyện của cử tri và nhân dân.
Bởi vậy, những luận điệu cũ rích nhằm đả kích, làm giảm sút niềm tin, sự tín nhiệm của cử tri, nhân dân với Quốc hội chẳng thể làm thay đổi được thực tế: Quốc hội Việt Nam thực sự là Quốc hội dân chủ, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; cử tri, nhân dân đã, đang và vẫn sẽ luôn tin cậy, dành sự tín nhiệm cao cho Quốc hội cũng như dành sự quan tâm rất lớn tới các hoạt động của Quốc hội…
CHIẾN THẮNG
NTB.Bài này viết có chút tiến bộ về phương pháp thuyết phục vì có đưa dẫn chứng sự việc và con số cụ thể. Song không phải tất cả sự thật đều được nêu thì vẫn chưa phải là sự thật. Báo Giáo dục Việt nam ngày 26-11-2019 đã đăng lại bài này với tiêu đề : Quốc hội Việt Nam là của dân, do dân, vì dân và chỉ nghe dân. Báo GD VN   sửa lại tiêu đề  với mục đích gì thì không rõ, nhưng tác giả CT  có bảo đảm Quốc hội Việt Nam 'chỉ nghe dân'  không? Có lẽ phải đọc tiếp những ý kiến của các nhà báo dưới đây.
CÓ HAY KHÔNG HIỆN TƯỢNG LOBY, ĐẶT HÀNG ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ?
HOÀNG THÀNH/ DV 26-11-2019
(Dân Việt) Tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, phóng viên báo chí phản ánh việc có ý kiến cử tri băn khoăn về biểu hiện “lobby”, “đặt hàng” đại biểu Quốc hội. 
Cụ thể, trong một số phiên thảo luận ở Quốc hội có những đại biểu liên tục phát biểu về một vấn đề, có những đại biểu phát biểu trùng lặp về cùng vấn đề. Tại nhiệm kỳ trước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã cảnh báo về tình trạng đại biểu đọc bài phát biểu của người khác.


 co hay khong hien tuong “lobby”, "dat hang" dai bieu quoc hoi? hinh anh 1
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời tại buổi họp báo chiều nay (Ảnh QH)
Trả lời câu hỏi trên, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng nếu nói vấn đề “đặt hàng” đại biểu Quốc hội thì rất khó. “Nếu có phần mềm nào đó phân tích được thì tốt”, ông Phúc nói. 
Theo Tổng thư ký Quốc hội, quyền của đại biểu Quốc hội là có thể thuê chuyên gia nghiên cứu bài phát biểu trước hội trường và họ được cấp kinh phí cho việc này. 
Riêng về việc trùng lặp, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng “có thể đại biểu Quốc hội cùng nghiên cứu một vấn đề”.
“Có đại biểu nói trùng rồi thì xin rút, nhưng có đại biểu đã đăng ký, và biết có cử tri theo dõi nên họ phát biểu là bình thường. Theo tôi cái đó không đặt vấn đề nặng nề quá”, Tổng thư ký Quốc hội nói.
Tiếp tục đặt vấn đề, phóng viên dẫn chứng một đại biểu Quốc hội khoá XIII đã từng phát hiện có 4 bài phát biểu của đại biểu Quốc hội có những đoạn giống nhau, thậm chí sai giống nhau.
Hoặc cử tri phản ánh có đại biểu tập trung quá nhiều vào một dự án hay chính sách, có thể có lợi cho bộ ngành hay địa phương nào đó. Việc này sẽ tác động đến quyết định của Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, quá trình đại biểu Quốc hội làm việc với bộ ngành thì chắc chắc có trao đổi, nhưng “không vì thế mà làm xoay chuyển, làm lệch chủ trương đúng đắn”. "Nếu vấn đề đại biểu đặt ra là đúng thì rất tốt, còn không thì Quốc hội sẽ xem xét thấu đáo", ông Phúc nhấn mạnh.


ĐẶC KHU KHÔNG MANG TÊN ĐẶC KHU DÀNH CHO NGƯỜI TRUNG QUỐC

NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 27-11-2019

1. Chiều ngày 25/11/2019 trong khi hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam đang dán mắt vào màn hình TV, say sưa với những bàn thắng của các tuyển thủ Việt Nam ghi vào lưới thủ môn Brunei, thì trong phòng lạnh Diên Hồng 404 trên tổng số 446 ĐBQH đã bỏ phiếu thông qua Quy định miễn thị thực cho người nước ngoài tới các khu kinh tế đặc biệt trên biển. “Đó là những khu kinh tế ven biển đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt, cách biệt với đất liền… Quy định này được giải thích là có liên quan đến nội dung về “đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt” (gọi tắt là đặc khu kinh tế). “Nội dung này đã được Quốc hội thống nhất trong phiên biểu quyết thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chiều 25/11”.
Trong hình ảnh có thể có: 8 người, mọi người đang ngồi, bàn và trong nhà
Hăm hở nhấn nút… bán đặc khu cho giặc – Chú thích của BVN
“Cụ thể, đây là quy định tại Khoản 7 Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 12 luật hiện hành về trường hợp miễn thị thực cho người nước ngoài đến Việt Nam”.
“Theo đó, ngoài những trường hợp đang áp dụng, luật này mở rộng diện miễn thị thực với những người nước ngoài khi “vào khu kinh tế ven biển do Chính phủ quyết định khi đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam” ( Dantri.com.vn, 25/11/2019).
2. Có bao nhiêu khách nước ngoài đến Vân Đồn mà không đến lục địa Việt Nam ngoài người Trung Quốc?
3. Như vậy, với quy định này người Trung Quốc sẽ tự do ra vào Vân Đồn và Phú Quốc mà không phải xin thị thực.
Vân Đồn và Phú Quốc nghiễm nhiên biến thành đặc khu cho người Trung Quốc mà không cần phải thông qua luật đặc khu.
Đặc khu mà không cần có luật Đặc khu – Chú thích của BVN
4. Các nhóm lợi ích cuối cùng đã đạt được lợi ích của mình bất chấp phải thí đi lợi ích của Tổ Quốc.
5. Nhưng Quốc hội này cũng không tồn tại được bao lâu nữa. Sẽ có một Quốc hội khác, đến lượt mình, sẽ hủy bỏ Quy định vô cùng bất lợi cho Tổ Quốc mà Quốc hội hôm nay (25/11/2019) đã thông qua. 404 ĐBQH bỏ phiếu thuận hôm nay (25/11/2019) không bao giờ tiên lượng được tai họa từ lá phiếu của họ mang lại (con số 404 là điềm gở mà cả người Tàu lẫn người Nhật đều không ưa thích). Đến lúc sám hối thì đã quá muộn!
Những chiếc thòng lọng đang treo lửng lơ dành cho mọi lá phiếu bán nước của Quốc hội này – Chú thích của BVN
N.N.C.



500 ÔNG BÀ NGHỊ, 39 'THÙNG NHÂN' VÀ 60 KÍ LÔ MET ĐƯỜNG CAO TỐC CHO 13 TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG SAU HƠN 40 NĂM

QUÁCH HẠO NHIÊN/ BVN 27-11-2019

9 “thùng nhân” và 2 triệu mỗi phút, 1 tỷ 1 một ngày
Theo tính toán của các chuyên gia, chi phí trung bình cho mỗi phút họp Quốc hội ở Việt Nam là 2 triệu đồng, tương đương 1 tỷ một ngày[1]. Nếu tính từ ngày khai mạc (21/10/2019) đến nay thì kỳ họp Quốc hội thứ 8, khóa XIV năm nay đã tiêu của dân hơn 30 tỷ đồng. Trong vai trò người nắm quyền lực tuyệt đối ở đất nước này, đại biểu Quốc hội kiêm Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đương nhiên cũng tham dự. Điều đó cũng có nghĩa đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú trọng cũng góp phần vào công cuộc tiêu tiền của dân trong hơn tháng qua. Nhưng tiêu tiền của dân trong những dịp họp hội như thế nói cho cùng là chuyện đương nhiên, quốc gia nào cũng vậy. Vấn đề đáng nói ở đây là tiêu tiền của dân như thế nhưng có giúp ích gì cho dân hay không? Hay nói khác đi, người dân đóng thuế để nuôi các đại biểu, các ông bà nghị nhưng các ông bà nghị có xứng đáng với niềm tin; với những đồng tiền mồ hôi, nước mắt thậm chí là máu của người dân đã đổ ra hay không?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã từng nhiều lần phát biểu và nhấn mạnh, đất nước và dân tộc Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ như hôm nay”. Phải nói thật là, cho đến hôm nay tôi mới thật sự thấm thía về lời phát biểu này. Thấm thía vì lẽ theo tôi, Việt Nam là một dân tộc hào phóng và bao dung nhất nhì thế giới nên mới có chuyện hơn 90 triệu người (trong đó có 39 người vừa bỏ mạng trong thùng container vì vượt biên trái phép sang Anh) sẵn sàng bỏ ra 1 tỷ một ngày cho gần 500 ông bà nghị “chém gió” ở Hội trường Diên Hồng trong ròng rã một tháng hơn. Đặc biệt, phải là một dân tộc rất giỏi chịu đựng nếu không muốn nói là đớn hèn, mê muội mới kiên nhẫn ngồi trước cái ti vi để xem và nghe một số ông bà nghị trong tư cách lãnh đạo các bộ, ban, ngành đọc và trả lời chất vấn chẳng khác gì các em học sinh phổ thông hay sinh viên đại học thảo luận trên lớp trong thời đại cờ mờ bốn chấm không (CM 4.0).
Và riêng tôi lại càng thấm thía và ngạc nhiên hơn nữa khi biết rằng đại biểu Quốc hội kiêm Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến giờ này vẫn không có một lời nào chia sẻ hay cảm ơn nào dành cho 39 đồng bào tôi (đa phần xuất thân ở vùng “đất học”, “địa linh nhân kiệt” Nghệ – Tĩnh) đã bỏ mạng nơi xứ người. Không những vậy, các thuộc cấp của ông trên mặt trận tuyên truyền sau thời gian đầu “nắm tình hình” đã bắt đầu những cuộc phản công khi không ngần ngại mỉa mai, phê phán những con người xấu số kia vì tham giàu mà vượt biên trái phép làm ảnh hưởng đến quốc gia, quốc thể…
Than ôi, làm người ai mà không tham! Nhưng người dân vì xuất phát điểm đói nghèo nên nếu họ tham âu cũng là lẽ thường trong cuộc sống của những người trần tục. Hơn nữa, họ cũng đã phải trả giá cho lòng tham ấy bằng chính sinh mạng của mình rồi. Nên dù không bênh vực nhưng với tôi những người dân xấu số kia dẫu sao vẫn đẹp hơn rất nhiều so với những kẻ miệng thì rao giảng “tất cả vì hạnh phúc nhân dân” nhưng lại “ăn không chừa một thứ gì của dân”.
Từ bao giờ ở xứ sở này nếu quan mà tham thì bảo rằng đó chỉ là những trường hợp cá biệt còn người dân tham thì bảo “có chết cũng đáng đời”. Nói thế mà không sợ cái lưỡi nó tụt mất hay sao? Đồng ý rằng, xét trong từng sự việc cụ thể cũng nên đổ thừa, quy hết mọi chuyện xấu xa tệ hại là do chế độ. Nhưng vấn đề là anh đã và đang nắm trọn quyền lãnh đạo duy nhất và tuyệt đối ở đất nước này nên nhất định cũng cần phải biện chứng và sòng phẳng với nhau. Nói khác đi, lâu nay anh cho rằng tất cả mọi thành tựu, hay cái cơ đồ của dân tộc được như hôm nay là do sự tài tình và sáng suốt của anh vậy thì nhất định anh cũng không nên ngụy biện hay trốn tránh, thoái thác trách nhiệm trước bất kỳ một sự cố nào xảy ra với thần dân mà anh đang dẫn dắt và cai trị hơn mấy chục năm qua. Không thể có chuyện thành tựu, thành công vượt bậc thì anh nhận hết cho riêng mình còn khi có biến cố, sự cố không hay thì anh phủi tay hay tệ hơn là đổ thừa cho các thế lực thù địch chống phá.
Ở một phương diện khác, khi anh phê phán những con người xấu số kia là “tham lam” và “nhận thức kém” (dù biết rủi ro mà vẫn chấp nhận đánh cược mạng sống của mình) thì liệu anh có vô can không? Vì nói cho cùng cái “nhận thức kém” kia của người dân ngoài nguyên nhân thuộc về “căn tính” của dân tộc này thì còn là cái hệ quả tất yếu từ công cuộc “cải tạo” và “xây dựng con người mới XHCN” do chính anh thực hiện suốt mấy mươi năm qua! Dân nào thì quan nấy và quan nào thì dân nấy! Khi anh lên án người dân như vậy chắc gì anh đã đẹp và nhận thức tốt hơn hơn họ? Mỗi ngày anh đều học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng anh vẫn tham ô, tham nhũng đó thôi. Và cũng vì anh quá tham lam và dối trá nên đất nước này mới sản sinh ra thêm một “người đốt lò vĩ đại” để anh tiếp tục tung hô ca ngợi còn gì!?
13 tỉnh miền Tây, 40 năm thống nhất và 60 kí lô mét đường cao tốc
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hay còn gọi là miền Tây Nam Bộ là vùng đất màu mỡ, trù phú bậc nhất cả nước. Thế nhưng đây cũng là khu vực thiệt thòi nhất, ít được quan tâm đầu tư nhất vì thế đời sống người dân nơi đây cũng thuộc hàng thấp nhất, nghèo nhất (cả về tinh thần lẫn vật chất). Nhắc đến ĐBSCL hiện nay người ta chỉ nhớ đến hai điểm nổi bật làm nên “thương hiệu” của cả nước trong sự mai mỉa đó là: anh “Hai lúa” và “gái miền Tây” (nếu không lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc cũng đi bán bia ôm). Gần đây, ĐBSCL còn được chú ý với nguy cơ sẽ bị nhấn chìm do biến đổi khí hậu (nước biển dâng) trong vài mươi năm tới…
Có một sự thật là cái nghịch lý “đất giàu nhưng dân nghèo” hay nói đúng hơn là sự bất công và vô lý này ở ĐBSCL đã tồn tại hơn 40 năm qua kể từ ngày nước nhà thống nhất 1975. Có thể nói, ngoài tâm lý ỷ lại của cả người dân nơi đây thì nhận thức và thái độ kỳ thị, phân biệt vùng miền đến mức tham lam của những người nắm quyền điều hành lãnh đạo cao nhất của đất nước này từ bấy đến nay đang giết dần giết mòn ĐBSCL. Hay nói khác đi, vùng đất trù phú, giàu tiềm năng này sau 40 năm thống nhất đất nước đang đối mặt với nguy cơ hiện hữu chưa kịp phát triển đã lụn bại, lụi tàn. Hơn 40 năm thống nhất nhưng 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ chỉ được những người có trách nhiệm cao nhất của đất nước đầu tư đúng 60 km đường cao tốc 9TP HCM – Trung Lương) và 4 cây cầu: Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Vàm Cống… đã nói lên tất cả. Phải chăng đây cũng là lý do mà trong một buổi họp với lãnh đạo chính quyền TP HCM mới đây để bàn về việc phát triển du lịch của vùng ĐBSCL, ông Lê Tiến Châu – chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã cay đắng thốt lên rằng: “Không có 13 tỉnh thành cùng kêu thì chưa chắc có đường cao tốc sắp tới (đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận). Phải kêu, thậm chí phải khóc Trung ương mới nghe!”[2]
Trong khi đó, mặc dù đã có rất nhiều tuyến đường sắt và cao tốc nhưng người ta vẫn lập dự án, “nhờ cậy” Bắc Kinh tư vấn và tài trợ với tổng số vốn 100.000 tỷ cho tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Chưa bàn đến những rủi ro và bẫy nợ, bẫy an ninh chính trị do liên quan đến người “bạn vàng” của Đảng (vì đã có quá nhiều bài học cay đắng trước đó tiêu biểu là dự án Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa giải quyết xong) việc Chính phủ của ông Phúc đang xúc tiến để trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương này cho thấy nhận thức của ông trong vấn đề lựa chọn thứ tự ưu tiên để đầu tư và phát triển kinh tế các vùng miền hiện nay như thế nào. Hai năm trước ông Phúc đã ký Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL và chính ông cũng vừa phát biểu và nhấn mạnh rằng phải “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”[3], thế nhưng với những gì đang xảy ra thì đã tự chứng minh tất cả: ĐBSCL tiếp tục bị gạt ra rìa!
Trong tinh thần hòa hợp và đại đoàn kết dân tộc thì đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển ĐBSCL cũng là đầu tư và phát triển cho đất nước. Khi ông Phúc nói “khai thông mọi nguồn lực…” chẳng lẽ lại không bao hàm việc “khai thông” về cơ sở hạ tầng cho khu vực ĐBSCL hay sao? Trong tư cách người đứng đầu Chính phủ cũng là đại biểu Quốc hội, lãnh đạo cấp cao của Trung ương lẽ nào ông Phúc không nghe thấy “tiếng khóc” của lãnh đạo và người dân 13 tỉnh khu vực ĐBSCL? Lẽ nào cái nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL mà ông đặt bút ký sau hai năm đã chính thức trở thành tấm giấy lộn không hơn không kém?
Người dân ĐBSCL hiện đang đối diện với rất nhiều vấn nạn. Những cánh đồng “cò bay thẳng cánh” với bạt ngàn cá tôm hay bốn mùa cây trái đang ngày một mất dần và xấu đi. ĐBSCL hôm nay mỗi ngày đều chứng kiến từng đoàn người dìu dắt nhau để “đi Bình Dương bán nước tương” vì đất đai nơi quê nhà đã ngày một trở nên khó sống, khó ở. Đại biểu Quốc hội kiêm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vốn nổi tiếng với thông điệp ”Chính phủ kiến tạo và phục vụ” nhưng trong bối cảnh hiện nay lại chọn tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng là thứ tự ưu tiên để đầu tư thay vì cho ĐBSCL (sau hơn 40 năm không có 1 mét đường sắt nào) thì có phải là nói một đằng làm một nẻo trước những cử tri vùng ĐBSCL hay không? Nói và làm như vậy thì làm sao dân tin và ủng hộ? Người dân miền Tây tuy so với người dân các vùng miền khác tuy có chút quê mùa, thô kệch nhưng họ cũng biết thế nào là “kiến ngãi bất vi vô dõng dã, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”. Mấy mươi năm qua mặc dù bị phân biệt đối xử và nhất là bị coi là ngu dốt nhất cả nước nhưng chính những con người bị xem là ngu dốt ấy chứ không phải ai khác đã nai lưng ra cày cấy để nuôi sống cả cái nước này; và khi cần thì tất cả lại xúm vào mang họ ra làm niềm tự hào như một tiếng thơm để khoe với bè bạn thế giới trong sự ảo tưởng và giả trá: VN là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu!
Chỉ bấy nhiêu đó thôi thiết nghĩ nếu đàng hoàng và tử tế thì cả nước này phải biết cảm ơn và cúi đâu xin lỗi những người dân quê mùa, ít học nơi đây vì sự hiền hòa và bao dung, độ lượng của họ! Nếu không thì như cách nói quê mùa, chơn chất và bộc trực họ sẽ nói: “làm người ai làm vậy” hoặc không thì “chơi vậy giang hồ coi ra cái ôn dịch gì?”
Thay lời kết
Sau hơn 1 tháng họp Quốc hội và cũng với ngần ấy thời gian 39 người Việt từ khi được phát hiện đã chết trong thùng container ở Anh vẫn chưa chuyển hết về Việt Nam. Cái chết nào của con người cũng đau đớn. Những người dân Nghệ – Tĩnh chết trong thùng container hay các cô gái miền Tây bị những người chồng Đài Loan, Hàn Quốc sát hạ hoặc tự tử đều như nhau cả.
Cho nên dù có biện minh thế nào thì chắc chắn gần 500 ông bà nghị đang ngồi họp ở Hội trường Diên Hồng cũng phải đối diện với sự thật (nếu không bây giờ thì lịch sử và cháu con đời sau cũng sẽ phán xét) rằng: nếu bảo rằng Việt Nam hôm nay là quốc gia hạnh phúc, quốc gia đáng sống nhưng người dân dù nghèo hay giàu, xuất thân từ vùng “đất học” (Nghệ – Tĩnh) hay thất học (ĐBSCL) cũng có xu hướng từ bỏ cái “thiên đường XHCN” này để tìm đến xứ sở của “bọn dân chủ giả hiệu”- cái bọn tư bản chỉ biết bóc lột và giãy hoài mà không chịu chết ở bên kia bờ đại dương? Hay các ông bà luôn miệng bảo xã hội, chế độ mình ưu việt hơn các nước khác trăm ngàn lần thì tại sao thần dân, đồng bào mình lại chấp nhận đánh cược cả sinh mạng để ra đi như thế? Và ngay chính trong số các ông bà cũng đã và đang tìm mọi cách để con cái mình sang tị nạn giáo dục ở các nước tư bản giãy chết kia; hay tìm mọi cách để có những tấm thẻ xanh chờ ngày “hạ cánh an toàn” để dứt áo ra đi khỏi dãy đất hình chữ S này.
Những điều trên không chỉ là những sự thật vì nó đã và đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta và bạn bè thế giới mà nó còn là sự thật, là câu hỏi của lương tâm và lương tri – đặc biệt là đối với các ông bà nghị, các vị lãnh đạo cao nhất ở đất nước này nếu các vị cho rằng mỗi lời nói và việc làm của mình thật sự “vì hạnh phúc của nhân dân”. Nên nhớ rằng, không khí mát mẻ trong lành ở Hội trường Diên Hồng có được là nhờ tiền thuế của 90 triệu con dân nước Việt khắp nơi trên thế giới trong đó có 39 “thùng nhân” đã bỏ mạng ở Anh quốc và tất cả người dân nghèo khó tay lấm chân bùn ở “vùng trũng” ĐBSCL góp vào.
Vậy nên, xin các ông bà nghị hãy một lần nghiêm túc quay lại để nhìn lại chính mình, nhìn lại để “đừng lớn lối khi dân lành ốm đói, vẫn còng làm cho thắng lưng ăn”[4].
CT, 27/11/2019
Q.H.N.
_______
Chú thích nguồn tham khảo:

[4] ”Nhìn từ xa… Tổ quốc” – Thơ Nguyễn Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét