Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

20191129. THỐNG KÊ VÀ NÓI DỐI

ĐIỂM BÁO MẠNG

THỐNG KÊ VÀ NÓI DỐI

HUỲNH THẾ DU/ TBKTSG  25-11-2019


(TBKTSG) - Câu nói nổi tiếng của nhà văn Mỹ Mark Twain: “Có ba loại nói dối: nói dối, nói dối chết tiệt và thống kê” phản ánh rất đúng tình hình thống kê và phân loại đô thị ở Việt Nam. Nghịch lý thay, chỗ là đô thị trên thực tế thì vẫn đang được xếp là nông thôn; trái lại, nhiều chỗ được xếp hạng đô thị thì không đủ tiêu chuẩn. Kết quả điều tra dân số và nhà ở vừa được công bố cho thấy điều này.
Hai xã Vĩnh Lộc A và B (huyện Bình Chánh) và một phần xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè). Nguồn: Chụp từ Google Map ngày 30-10-2019

Nông thôn hóa thành thị?
Trong 17 đô thị loại I hiện nay, chỉ duy nhất Biên Hòa đạt chỉ tiêu dân số (trên 500.000 người). Còn lại, rất nhiều đô thị phải vài thập niên sau khi được nâng hạng may ra mới đạt chỉ tiêu này và nhiều thành phố không đạt tiêu chuẩn về mật độ. Được nâng hạng đô thị là khao khát của rất nhiều địa phương do căn bệnh thành tích và những lợi lộc liên quan.
Trái lại, khi người dân ùn ùn đổ về TPHCM thì kết quả điều tra và thống kê lại là tiến trình nông thôn hóa thành thị. Tỷ lệ dân số thành thị ở TPHCM đã giảm từ 83,6% năm 1999, xuống 83,3% năm 2009 và 79,2% năm 2019. Hiện vẫn còn hơn 1,8 triệu người được tính là dân số nông thôn.
Rất nhiều nơi ở trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước cao hơn tiêu chuẩn đô thị loại I, nhưng vẫn đang được xếp hạng nông thôn. Tại sao điều này lại xảy ra?
Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 định nghĩa: “Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn”. Tiêu chí xác định đô thị như bảng 1.
Với tỷ trọng nông nghiệp chỉ khoảng 0,8% GRDP, theo định nghĩa và các tiêu chí trên thì gần như toàn bộ TPHCM đã là đô thị. Tuy nhiên, thống kê chính thức thì gần 21% dân số vẫn đang ở nông thôn.
Nguyên nhân là do thống kê xác định dân số thành thị theo định nghĩa: “Dân số thành thị là dân số các đơn vị lãnh thổ được Nhà nước quy định là khu vực thành thị (phường và thị trấn)”. Cứ gọi là xã thì xếp vào dân số nông thôn.
Ba huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Nhà Bè có diện tích 462 ki lô mét vuông, dân số 1,455 triệu người. Diện tích ba huyện này chỉ bằng 36% diện tích của Đà Nẵng, nhưng dân số cao hơn 28%. Mật độ dân số toàn đô thị và mật độ dân số trên đất xây dựng ở mức đô thị đặc biệt.
Tuy nhiên, theo số liệu chính thức, ba huyện này chỉ có 86.000 người ở thành thị (thuộc ba thị trấn), còn lại là nông thôn. Những người đang sống trong rừng cao ốc ở góc đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh thuộc xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè được thống kê là dân số nông thôn.
Vĩnh Lộc A và B (huyện Bình Chánh), mỗi xã có hơn 120.000 người, thấp hơn một chút so với 142.000 người của quận 1; 160.000 người của quận 3 và 180.000 người của quận 2 một chút nhưng vẫn là nông thôn.
“Nông thôn” so với “thành thị”?
Hiện tại, Việt Nam có 17 đô thị loại I trực thuộc tỉnh, gồm: Huế, Vinh, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Thái Nguyên, Nam Định, Việt Trì, Vũng Tàu, Hạ Long, Thanh Hóa, Biên Hòa, Mỹ Tho, Thủ Dầu Một, Bắc Ninh, và Hải Dương. Bảng 2 so sánh “nông thôn” Bình Chánh, Hóc Môn và hai xã Vĩnh Lộc với 17 đô thị này.
Trong 17 đô thị loại I, chỉ duy nhất Biên Hòa đảm bảo chỉ tiêu dân số. Có tám thành phố vừa không đảm bảo chỉ tiêu dân số tối thiểu 500.000 người và mật độ 2.000 người/ki lô mét vuông. Cập nhật đến năm 2019 có Vinh trên 500.000 người, nhưng bao gồm cả người không đăng ký cư trú.
Trái lại, tại “nông thôn” Bình Chánh, dân số đã vượt quá 500.000 từ rất lâu và đến nay đã hơn 705.000 người, với mật độ gần 2.800 người/ki lô mét vuông; và “nông thôn” Hóc Môn hiện cũng đã trên 500.000 người với mật độ dân số gần 5.000 người/ki lô mét vuông.
Chỉ gộp riêng hai xã Vĩnh Lộc A và B với tổng diện tích hơn 37 ki lô mét vuông thì quy mô dân số đã là 246.000 người, cao hơn thành phố xếp thứ 17 trong 102 thành phố và thị xã thuộc các tỉnh ở Việt Nam (trừ năm thành phố trực thuộc trung ương). Nếu tách riêng từng xã thì vị trí dân số mỗi xã trong khoảng 50-55 và mật độ dân số nằm trong nhóm 10.
Bảng 2 còn một con số đáng chú ý nữa là nhiều thành phố đang có tình trạng xuất cư ròng, trong khi vùng “nông thôn” TPHCM có tốc độ tăng dân số gần 5%/năm. Nhiều người đang bỏ đô thị loại I để đến với “nông thôn”. Nghịch lý thay!
Một số thành phố có tốc độ tăng trưởng dân số rất cao như Quảng Ngãi, Thanh Hóa là nhờ mở rộng địa giới hành chính trong khi dân số ở hai tỉnh này xuất cư rất nhiều. Một chiêu thức rất ưa dùng đối với nhiều nơi muốn nâng cấp đô thị là “mượn dân” bằng cách nhập các xã lân cận để mở rộng địa giới và quy mô.
Thống kê và điều tra cho các kết quả như trên thì chất lượng của việc hoạch định và thực thi chính sách như thế nào là có thể đoán được. Do vậy, việc cần làm đối với Việt Nam là làm tốt những thứ căn bản nhất. Nếu Việt Nam bớt bệnh thành tích, bớt nói về những điều to tát mà tập trung làm những thứ cơ bản cho tốt lên thì đường đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh sẽ nhanh và sáng hơn rất nhiều. 



KINH TẾ VIỆT NAM LÚN SÂU VÀO PHỤ THUỘC TRUNG QUỐC

NGUYỄN QUANG THÁI& BÙI TRINH/ TBKTSG 27-11-2019

(TBKTSG) - Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có chung đường biên giới dài 1.281km với Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa hai nước như một sự tất yếu và nếu có chính sách đúng thì có lợi cho sự phát triển của cả hai nước.
Tuy nhiên, trong quan hệ này phía Việt Nam luôn bị thâm hụt thương mại và tình trạng ngày càng trầm trọng, do Việt Nam hầu như không chịu thay đổi gì trong nhiều năm qua, sản xuất luôn phụ thuộc vào nhập khẩu đầu vào.

Đến thời điểm này ý niệm “thoát Trung” về mặt kinh tế của Việt Nam dường như là không hiện thực. Nguồn: Petsourcing.com
So sánh một số chỉ số kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc dựa trên bảng cân đối liên ngành input - output (I/O) của hai nước (bảng 1) cho thấy trong 100 đồng giá trị sản xuất thì Trung Quốc tạo ra được 32 đồng giá trị tăng thêm, trong khi Việt Nam chỉ tạo ra 29 đồng. Tỷ lệ này cho thấy nền sản xuất của Việt Nam không hiệu quả bằng Trung Quốc hoặc là một nền kinh tế gia công “sâu” hơn Trung Quốc.
Tỷ lệ sản phẩm đầu vào là nhập khẩu trong chi phí trung gian của Việt Nam lớn hơn hẳn tỷ lệ này của Trung Quốc (0,29 so với 0,08), nghĩa là Trung Quốc sản xuất ra nhiều sản phẩm hỗ trợ tham gia vào chi phí trung gian trong quá trình sản xuất.
Trong khi Việt Nam, ngoài những sản phẩm đầu vào là dịch vụ, điện nước, hầu như không có bao nhiêu sản phẩm hỗ trợ tham gia vào chi phí trung gian trong quá trình sản xuất của mình. Điều này cho thấy lan tỏa từ cầu cuối cùng đến phía cung của Việt Nam thấp hơn so với lan tỏa đến nhập khẩu.
Bảng 1 còn chỉ ra trong quan hệ thương mại giữa hai nước, ở khía cạnh sản xuất, cũng có sự khác biệt rất rõ và khá lớn. Trong chi phí trung gian của Việt Nam có 8% đầu vào được nhập khẩu từ Trung Quốc, thì Trung Quốc chỉ sử dụng 0,1 % đầu vào là sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.
Điều này phần nào cho thấy mức độ quan trọng tương đối của các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đối với nền sản xuất của Việt Nam là lớn hơn hẳn chiều ngược lại. Sự lệ thuộc này rất đáng được lưu tâm.
Xem xét về hệ số co giãn giữa lao động và vốn của hai quốc gia thông qua bảng cân đối liên ngành của hai nước cho thấy Việt Nam cần một lượng vốn cao hơn Trung Quốc khá nhiều mới tạo ra được tăng trưởng.
Có một nghịch lý là tỷ lệ đầu tư so với tổng giá trị tăng thêm (GVA) của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (22% so với 44%), nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn cao, không kém Trung Quốc bao nhiêu.
Mức tăng trưởng bình quân của Việt Nam giai đoạn 2010-2015 khoảng 6,1% trong khi của Trung Quốc trong giai đoạn này ước tính khoảng 7%. Điều này chỉ có thể lý giải là do năng suất nhân tố tổng hợp (total factor productivity - TFP) của Việt Nam cao hơn Trung Quốc, nhưng đó dường như lại là một nghịch lý. Những nhân tố nào ảnh hưởng tới năng suất nhân tố tổng hợp? Điều này cho thấy phải chăng tăng trưởng của Việt Nam dựa khá nhiều vào khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI)?
Xét về các yếu tố của cầu cuối cùng (Final demand), có thể thấy chi tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình ở Việt Nam chiếm tỷ trọng trong GVA(1) cao hơn Trung Quốc đến 20 điểm phần trăm (56% so với 36%), bù lại chi tiêu dùng cuối cùng chính phủ của Trung Quốc cao hơn Việt Nam 8 điểm phần trăm (14% và 6%).
Tuy nhiên tổng tiêu dùng cuối cùng của Trung Quốc trong GVA vẫn khá thấp so với Việt Nam (50% so với 62%); tỷ trọng xuất khẩu thuần trong GVA của Việt Nam thậm chí còn cao hơn Trung Quốc.
Như vậy, để đạt được tăng trưởng Trung Quốc phần lớn dựa vào vốn. Tỷ trọng đầu tư trong GVA của Trung Quốc là rất cao, khoảng 44% GVA, trong khi tỷ lệ này của Việt Nam chỉ là 22% GVA. Tình hình này nếu diễn ra trong thời gian dài có thể khiến cho nền kinh tế dễ bị tổn thương một khi thu từ sở hữu gặp trục trặc và tiết kiệm (saving) luôn nhỏ hơn đầu tư.
Tính toán các kịch bản khi có sự tổn thương về thương mại giữa hai quốc gia (bảng 2) cho thấy phía Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề hơn Trung Quốc rất nhiều. Bảng 2 đưa ra các giả định khi giảm sút thương mại với Trung Quốc xảy đến, trong điều kiện hiện nay, sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế như thế nào. Trường hợp xấu nhất, GVA/GDP của Việt Nam có thể giảm đến 5,9%.
Điều này cho thấy Việt Nam đã lún rất sâu vào sự phụ thuộc trong quan hệ thương mại với Trung Quốc từ rất nhiều năm nay. Đến thời điểm này ý niệm “thoát Trung” về mặt kinh tế dường như là không hiện thực. Như vậy, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc cơ bản do Việt Nam hầu như không chịu thay đổi gì trong nhiều năm qua, sản xuất luôn phụ thuộc vào nhập khẩu làm đầu vào, đầu vào là sản phẩm của Việt Nam cơ bản là điện, nước, bao bì và các chi phí dịch vụ mà thôi.
(1) GDP = GVA + thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản xuất

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét