Thứ Hai, 13 tháng 5, 2019

20190513. ĐỀ XUẤT KỶ LUẬT CÁN BỘ CỦA UBKTTƯ

ĐIỂM BÁO MẠNG

YÊU CẦU XEM XÉT KỶ LUẬT MỘT SỐ LÃNH ĐẠO, NGUYÊN LÃNH ĐẠO NHIỀU CƠ QUAN

UBKTRƯ ĐCSVN/ GDVN 5-5-2019


Từ ngày 24 đến 26/4/2019, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 35. Ảnh: Ubkttw.vn
Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.
Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau:
1. Về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Giao thông Vận tải
- Ban cán sự đảng Bộ Giao thông Vận tải đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
- Nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Đinh La Thăng (đã bị khai trừ ra khỏi Đảng và đang chấp hành hình phạt tù) chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng và Bộ Giao thông Vận tải.
Cá nhân ông Đinh La Thăng vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
- Các Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng gồm: Đồng chí Nguyễn Hồng Trường, đồng chí Nguyễn Văn Công, đồng chí Nguyễn Ngọc Đông và đồng chí Nguyễn Nhật cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
- Đồng chí Vũ Văn Ninh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ có vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
- Đồng chí Phạm Viết Muôn, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ về chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
Vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Giao thông Vận tải và các đồng chí nêu trên đã gây thất thoát lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành Giao thông Vận tải, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm nêu trên có trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải và Văn phòng Chính phủ.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu các tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan.
2. Về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng
- Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng, để một số cán bộ, đảng viên trong Quân chủng bị xử lý hình sự.
- Đồng chí Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trong thời gian giữ cương vị Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân chủng cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy; chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Quân chủng và trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng.
- Đồng chí Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Quân ủy Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Quân chủng chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng.
- Đồng chí Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Quân chủng và trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng.
Vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân và các đồng chí nêu trên đã gây thiệt hại lớn về tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Quân đội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
3. Xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu 9 và đồng chí Đại tá Trương Thanh Nam, Đảng ủy viên, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 8, Quân khu 9
Đồng chí Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy và đồng chí Đại tá Trương Thanh Nam đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng đất tại Sư đoàn 8, để nhiều tổ chức đảng và đảng viên liên quan bị xử lý kỷ luật.
Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Trương Thanh Nam và cảnh cáo đối với đồng chí Nguyễn Hoàng Thủy.
4. Xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Bá Cảnh, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng
Đồng chí Nguyễn Bá Cảnh đã vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Nguyễn Bá Cảnh.
5. Xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì, thành phố Hà Nội và các cá nhân liên quan về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 34 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với đồng chí Hà Xuân Hưng, Bí thư Huyện ủy và đồng chí Bạch Công Tiến, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện; khiển trách đối với đồng chí Nguyễn Văn Hà, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dânhuyện Ba Vì.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.
6. Xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Quang Dũng.
Trong thời gian giữ chức vụ Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, đồng chí Nguyễn Quang Dũng đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giát sát, để xảy ra một số vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai.
Cá nhân đồng chí trực tiếp tham mưu và ký một số tờ trình đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vi phạm quy định pháp luật đất đai và quy hoạch đô thị.
Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với đồng chí Nguyễn Quang Dũng.
7. Cũng trong kỳ họp này, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Ninh Thuận; xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng 04 trường hợp.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU BỘ CHÍNH TRỊ ?

TRÚC GIANG/VNTB/ BVN 9-5-2019

Trong bản tin phát hành vào đầu giờ chiều ngày 05-05-2019 có tên “Thông cáo Báo chí Kỳ họp 35 của UBKT Trung ương” trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Kiểm tra Trung ương [http://bit.ly/2Jj010s] đã được các tòa soạn báo chí sử dụng như một “kết luận điều tra” về các hành vi vi phạm pháp luật của một số quan chức chính phủ đã nghỉ hưu, cùng với vài tướng lĩnh đương quyền.

https://1.bp.blogspot.com/-0vM2TztmuBc/XNACUkUwWrI/AAAAAAAAB2U/lhpmbMrJ0Xgo9AQc2z6XNclcotLYUCYngCLcBGAs/s640/K35_web.jpg
Kỳ họp thứ 35 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. 
Còn trách nhiệm liên đới (hay đồng phạm!), hoặc tắc trách buông lỏng quản lý ở người đứng đầu Bộ Chính trị ra sao, thì không thấy đề cập ở nội dung bản tin của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Tổ chức mật vụ của Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam?
Nhìn thuần giác độ hệ thống văn bản pháp quy nhà nước, đến nay chưa thấy một quy định nào về tổ chức mang tên “Ủy ban Kiểm tra Trung ương”.
Tài liệu cho biết, cơ quan này được thành lập theo Quyết định của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ngày 16-10-1948, ban đầu có tên là Ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960), Ban Kiểm tra Trung ương Đảng được đổi tên thành Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo văn bản có tên “Quyết định số 60-QĐ/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương” do ông Đinh Thế Huynh ký trên cương vị “thay mặt Bộ Chính trị” [http://bit.ly/2Lqvssp], thì đây là cơ quan có quyền hành trên phạm vi rất rộng, gần như bao trùm mọi hoạt động của tất cả các quan chức Chính phủ, tướng lãnh Quân đội, Công an, (kể cả Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư), cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và tổ chức Đảng cấp dưới về việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và về đạo đức, lối sống theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương”. [http://bit.ly/2GTaAUQ].
khi họ được giao nhiệm vụ “kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Điều lệ Đảng; tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng”.
Có lẽ việc hình thành tổ chức này 71 năm về trước, ông Hồ Chí Minh cùng những đồng chí của ông đã áp dụng mô hình của triều đình phong kiến Trung Hoa. Đó là “Xưởng vệ 廠衛”, một danh từ chung dùng để chỉ các cơ quan giám sát được hoàng đế nhà Minh thành lập để giám sát hành vi, cử chỉ của các quan lại thuộc mọi cấp.
Đây chính là các cơ quan an ninh do hoàng đế nhà Minh trực tiếp quản lý, Xưởng vệ được hưởng quyền truy xét, tra khảo phạm nhân không cần thông qua các cấp xét xử thông thường, đây là một đặc điểm tiêu biểu thể hiện bản chất chuyên chế phong kiến của triều đình nhà Minh.
Xưởng vệ bao gồm bốn cơ quan giám sát là Cẩm y vệ được thành lập dưới thời Minh Thái Tổ, Đông xưởng (còn được gọi là Đông hán) được thành lập dưới thời Minh Thành Tổ, Tây xưởng được thành lập dưới thời Minh Hiến Tông và Nội hành xưởng được thành lập dưới thời Minh Vũ Tông. Ngoại trừ Cẩm y vệ do một vị quan quản lý, ba Xưởng đều do Hoàng đế trực tiếp điều hành với sự cố vấn của các hoạn quan.
Việc so sánh như kể trên góp phần lý giải cho thắc mắc là vì sao lâu nay trong tất cả các kết luận về hành vi vi phạm pháp luật từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chưa bao giờ đề cập tới trách nhiệm của người đứng đầu Bộ Chính trị, hay Ban Chấp hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam.
Trách nhiệm của Tổng bí thư Đảng Cộng sản đến đâu trong những sai phạm?
Xét về mặt văn bản của nội bộ Đảng Cộng sản, cho đến nay dường như vị trí Tổng bí thư là ‘bất khả xâm phạm’. Người viết bài này chưa tìm thấy văn bản nào trong hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản đề cập về việc xử trí khi có sai phạm của Tổng bí thư.
Tiêu chuẩn về người đứng đầu Đảng Cộng sản, được quy định rất chung chung thế này: “Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng; là trung tâm đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng. Có trình độ cao về lý luận chính trị, xây dựng Đảng. Có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,… Có bản lĩnh chính trị, năng lực, nghiên cứu, phát hiện, đề xuất, phát triển tư tưởng mới và chiến lược lớn, lâu dài; quyết đoán, quyết liệt để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc.
Có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có năng lực chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm. Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh Bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc Trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định)” (Trích Quy định số 90-QĐ/TW, tiêu chuẩn ch.ức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 04-08-2017).
Nội dung của “Thông cáo Báo chí Kỳ họp 35 của UBKT Trung ương”, đã đề nghị xử lý về dấu hiệu vi phạm pháp luật của các Thứ trưởng đương nhiệm của Bộ Giao thông vận tải: Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật;
Hai quan chức cấp cao đã nghỉ hưu được đề nghị xử trí có ông Vũ Văn Ninh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Phạm Viết Muôn, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;
Các tướng lĩnh quân đội nằm trong danh sách này có Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Quân ủy Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân, Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân; Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu 9 và đồng chí Đại tá Trương Thanh Nam, Đảng ủy viên, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 8, Quân khu 9.
Như vậy, rõ ràng với danh sách nêu trên, ta thấy nếu thực sự Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đúng là nhân vật “Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng. Có trình độ cao về lý luận chính trị, xây dựng Đảng. Có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,…” như chính ông Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Quy định số 90-QĐ/TW, thì chắc chắn sẽ không để các sai phạm (nếu có) xảy ra trong thời gian dài như Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu tại “Thông cáo Báo chí Kỳ họp 35 của UBKT Trung ương”.
T. G.
VNTB gửi BVN

HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 10

HỒNG HÀ/TD/ BVN 12-5-2019

Tổng - Chủ Nguyễn Phú Trọng. Photo Courtesy
Hội nghị Trung ương 9 đã chọn danh sách 247 người, quy hoạch vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026. Sự lựa chọn này được cho là thực hiện theo “quy trình 4 bước” cực kỳ khắt khe.
– Bước 1: Tập thể lãnh đạo (ở địa phương là Ban Thường vụ, ở các Bộ ngành là Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng) tiến hành rà soát, đánh giá từng trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo hướng dẫn. Từ đó, thông qua danh sách dự kiến những người được giới thiệu quy hoạch.
– Bước 2: Hội nghị cán bộ chủ chốt của địa phương, cơ quan cho ý kiến. Có thể giới thiệu người ngoài danh sách chuẩn bị. Sau đó, Hội nghị bỏ phiếu kín, người được chọn phải > 30% phiếu, lấy từ cao xuống cho đủ số lượng.
– Bước 3: Hội nghị lãnh đạo mở rộng xem xét danh sách bước 2, có thể giới thiệu thêm. Chọn người > 50% phiếu; lấy từ cao xuống đủ số lượng được duyệt trước đó.
– Bước 4: Hội nghị tập thể lãnh đạo xem xét danh sách giới thiệu của hội nghị bước 3 và các vấn đề mới nảy sinh.
Danh sách có số dư này, sẽ bầu chọn ra 200 Uỷ viên Trung ương khoá XIII, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 4/2021.
Vào 16/5/2019 sắp đến, Hội nghị Trung ương 10 sẽ khai mạc tại Hà Nội. Đây là Hội nghị quan trọng, đánh dấu sự trở lại của Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng sau một thời gian dài vắng bóng vì bệnh.
Xuất hiện sau hơn một tháng điều trị tại Quân y viện 108, ông Trọng sẽ có bài phát biểu quan trọng trong phiên khai mạc. Hội nghị dự kiến làm việc trong 3 ngày (16/5 - 18/5/2019).
Nội dung:
1. Quy hoach Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho Đại hội khoá XIII.
2. Bỏ phiếu kỷ luật cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị:
Cựu Thủ tướng Vũ Văn Ninh, cựu Thứ trưởng Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Văn Hiến, cựu Chính uỷ QCHQ Trung tướng Nguyễn Văn Tình… mở đường cho việc điều tra mở rộng, khởi tố và bắt giam một số cán bộ cao cấp dính dáng đến các đại án tham nhũng.
3. Một số vấn đề quan trọng khác:
Hội nghị lần này xem xét thông qua danh sách quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư, khoảng 45 người. Vậy những ai sẽ là đề cử xuất sắc được chọn từ 247 ứng viên BCH Trung ương đã nói trên?
Quan điểm của Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng khá rõ ràng. Ông cho rằng, quy hoạch BCT, Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 – 2026 chưa phải là “làm nhân sự” cụ thể cho nhiệm kỳ tới, nhưng là một bước chuẩn bị rất quan trọng, là cơ sở cho công tác nhân sự Ban Chấp hành nhiệm kỳ XIII của Đảng. Vì thế, trong quá trình thực hiện phải hết sức thận trọng, bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng về công tác cán bộ, phải thật sự công tâm, khách quan, tuyệt đối không được thiên vị, cá nhân, không để lọt vào quy hoạch những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có quan điểm lệch lạc, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực.
Lò ông Trọng sẽ đốt đến cuối năm 2020 là chấm dứt. Với vấn đề sức khoẻ, ông Trọng chắc chắn sẽ rút lui khỏi chính trường vào mùa hè năm 2021. Một thế hệ trẻ hơn sẽ đảm nhiệm “tứ trụ” và thăng bằng lại cán cân quyền lực.
Trong một diễn biến khác, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá 14 sẽ nhóm họp. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/5/2019, dự kiến bế mạc vào ngày 13/6/2019.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 19 ngày. Trong đó, Quốc hội làm việc về xây dựng luật trong 9,75 ngày, về giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác trong 7 ngày.
QH sẽ thông qua 6 Luật và xem xét 8 dự án Luật được trình.
Chiều 29/5/2019 tới, Quốc hội sẽ nghe Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).
Tiếp đó, Quốc hội cũng sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Báo cáo thuyết minh và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO.
H.H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét