Thứ Năm, 16 tháng 5, 2019

20190516. CÓ NÊN ĐƯA QUY ĐỊNH CẤM NỊNH SẾP VÀO LUẬT ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
TÍNH TOÁN ĐƯA QUY ĐỊNH CẤM NỊNH CẤP TRÊN VÀO LUẬT CÁN BỘ CÔNG CHỨC
TRINH PHÚC/ GDVN 10-5-2019
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ ngày 9/5, báo chí quan tâm về đề án công vụ và hành vi thế nào là “nịnh bợ” cấp trên vì mục đích không trong sáng? Việc luật hóa quy định này được thực hiện ra sao?
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, Bộ Nội vụ được giao làm đề án và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, đồng thời nắm bắt tinh thần văn hóa công vụ một số nước.

Quang cảnh buổi họp báo ngày 9/5 (ảnh Trinh Phúc).
Trong đề án đã đưa ra kế hoạch rất chặt chẽ, từ mục đích, yêu cầu, đến phân công nội dung cho các bộ, ngành. Qua việc tổ chức các cuộc hội thảo, xem việc áp dụng văn hóa công vụ ở phạm vi nào, nội dung ra sao.
Theo ông Thừa: “Lúc đầu ý tưởng chỉ nằm trong khối nhà nước, nhưng bên Đảng nói cần nhân rộng ra, vì đạo đức công vụ là yêu cầu quyết định.
Chúng ta đã có đề án văn hóa công sở, giờ có thêm văn hóa công vụ.
Như vậy sẽ đánh giá hết sức toàn diện cán bộ công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Sau khi thống nhất đã đề nghị áp dụng toàn diện trong hệ thống chính trị hiện nay”.
Cũng theo ông Thừa, cũng có một số ý kiến nói phải đưa vào luật. Ban soạn thảo cũng đang tính đưa vào, tuy nhiên vấn đề này vẫn đang được cấp có thẩm quyền xem xét.
Theo đó trong tháng 5 này, khi bàn về việc sửa Luật Cán bộ công chức và Luật viên chức, Quốc hội sẽ cho ý kiến việc này.
Trinh Phúc
KHI LÃNH ĐẠO 'NGỚ NGẨN' HAY NHỮNG NGƯỜI CÔNG SẢN VUI TÍNH 
AN VIÊN/ VNTB/ BVN 12-5-2019
Những quan chức Cộng sản dường như rất vui tính, sự vui tính của họ thể hiện rõ nét qua việc đề xuất các luật lệ trong công tác quản lý. Từ ngực lép không được lái xe, trạm thu giá, sinh viên ngành sư phạm bán dâm 4 lần sẽ bị đuổi học,… cho đến luật hóa nịnh bợ sếp. Tất cả những luật lệ, hoặc do các quan chức Cộng sản nghĩ trong phòng lạnh để sử dụng hết thời gian công vụ, hoặc là một cách hình thức để thể hiện tinh thần “phòng – chống tham nhũng”.
Image result for Khi lãnh đạo "ngớ ngẩn" hay những người cộng sản vui tính
Bộ Nội vụ đang xây dựng một số ý kiến và tính toán để đưa vào một số điều của Đề án văn hoá công vụ vào các dự án Luật công chức viên chức, Luật viên chức, trong đó luật hóa quy định không nịnh bợ cấp trên.
Một bạn đọc trên báo TTO đã phản hồi: Nịnh bợ là một phạm trù cảm tính!. Và vì là “cảm tính” nên khó có thể thực hiện được, vì không có quy chuẩn nào để do và xác định hành vi đó. Thậm chí, càng khó xác định mức độ của nịnh bợ thế nào để có thể áp dụng chế tài tương tự.
Những quan chức Cộng sản dường như rất vui tính, sự vui tính của họ thể hiện rõ nét qua việc đề xuất các luật lệ trong công tác quản lý. Từ ngực lép không được lái xe, trạm thu giá, sinh viên ngành sư phạm bán dâm 4 lần sẽ bị đuổi học,… cho đến luật hóa nịnh bợ sếp. Tất cả những luật lệ, hoặc do các quan chức Cộng sản nghĩ trong phòng lạnh để sử dụng hết thời gian công vụ, hoặc là một cách hình thức để thể hiện tinh thần “phòng – chống tham nhũng”.
Tuy nhiên, công khai hóa tài sản, hoặc chế tài mạnh những hành vi tham nhũng vặt trong bộ phận công quyền lại chưa bao giờ được chú tâm thực hiện, để rồi cho đến hiện nay, theo xếp hạng bởi Tổ chức Minh bạch thế giới, Việt Nam vẫn đứng cuối cùng của bảng xếp hạng.
“30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về”, mà ông Nguyễn Xuân Phúc thời còn làm Phó Thủ tướng từng lên tiếng có khi ít nằm trong bộ máy lãnh đạo, và cũng không ít trong số đó có thẩm quyền đề xuất – ký ban hành văn bản luật. Nếu nói chính xác, thì chính những người đề xuất hay ký ban hành văn bản luật có tính chất “ngờ nghệch” nêu trên là những đối tượng ăn cắp giờ công kinh khủng nhất. Và những đối tượng này, vẫn chiễm chệ ngồi trên ghế lãnh đạo như là một sự cơ cấu, sắp đặt đầy thuộc chất của cơ chế nhà nước hiện tại.
Từ câu chuyện luật hóa “không nịnh bợ cấp trên”, nghĩ ngay đến quan điểm của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, khi ông cho rằng, “Thế hệ sau ít người tài hơn thế hệ trước”. Trong một bài báo vào ngày 8/5, của tác giả Quốc Phong trên Vietnamnet.vn, lý giải vì sao thế hệ này lãnh đạo lại tồi tệ đến thế. Tác giả cho biết: Người giỏi bị thui chột, mất niềm tin vào sự công chính, trong khi người không đủ năng lực nhưng thừa tiền, thừa quan hệ lại ung dung vào đại học, ra trường lại “chạy” vào chỗ ngon, chạy để được làm lãnh đạo.
Chính xác là sự “công chính”, mà một trong những yếu tố hình thành “công chính” là lắng nghe lương tâm và thực hành đạo đức chính đáng. Đó là không nhúng tay vào tiêu cực, không hòa lẫn tiêu cực để đạt được các địa vị trong xã hội. Bởi nếu “nhúng chàm” thì chính những cá nhân đó khi lên chức “sếp” sẽ tiếp tục lan truyền giá trị phản công chính. Đó là lý do vì sao, rất hiếm những quan chức Cộng sản hiện nay được người dân coi trọng, thậm chí, một số người từng được coi trọng như nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Bùi Quang Vinh, người từng gây nức lòng dư luận bằng quan điểm “Đất nước này cần sự minh bạch, đất nước này cần không có tham nhũng”, lại là người dính líu đến câu chuyện Mobifone mua 95% cổ phần của AVG – gây thất thoát ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng Việt Nam.
Tại đầu cầu TP. HCM, ông Tất Thành Cang - nguyên Phó bí thư Thành ủy, người vừa bị kỷ luật, cách hết các chức vụ quan trọng rồi lại được phân công giữ chức vụ mới đã khiến cử tri bức xúc. Mới đây, việc ông Tất Thành Cang tiếp tục đăng đàn trong kỳ họp thứ 13 của HDND TP.HCM khóa IX khiến dư luận phẫn nộ. Nó biểu hiện rõ nét, quy trình ra đi của một quan chức hiện nay cực kỳ khó khăn, mặc dù, quan chức đó không đủ trình độ lẫn đạo đức, có những sai phạm cực kỳ nghiêm trọng, gây phẫn nộ trong người dân.
Chính sự thiếu “công chính” trong đội ngũ quan chức nhà nước, rộng ra là cơ chế hiện nay, nên rất khó để thuyết phục được người dân rằng, sự đốc thúc hay sức nóng của chiến dịch “đốt lò” có thể làm thay đổi thể chế theo hướng tốt lên. Mà người dân nhận ra rằng, chính những đề xuất luật hóa cấm nịnh bợ lãnh đạo hay đốt lò nếu làm tốt thì đó cũng chỉ làm cho tham nhũng tạm thời lắng xuống trước khi bùng phát trở lại, còn không, thì cũng chỉ là những hành động mang tính tạm thời, xoa dịu dư luận hoặc là một cách “đốt thời gian công vụ, nhiệm kỳ” của các lãnh đạo.
Kết cục, hiện thực xã hội – kinh tế - văn hóa của nhà nước hiện thời là sự đảo lộn gần như các giá trị của xã hội, từ “kinh doanh lỗ theo kế hoạch”, “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đạo văn nhưng tuyên bố đạo đức”, “lãnh đạo phòng chống đánh bạc lại đánh bạc”… Và cũng chính vì vậy, dân gian len lỏi câu tụng rằng, “Ba Sàm nói chuyện chính thống, chính thống bàn chuyện ba sàm”. Và hiện tượng mang tính bản chất này sẽ tiếp tục duy trì cho đến khi nào, có một sự thay máu về bản chất cơ chế, nơi mà sự công chính được vực dậy, đặt đúng vị trí. Nơi mà những lãnh đạo với đề xuất ngớ ngẩn, thiếu nhân cách, năng lực và đạo đức phải phải bị cách chức và chịu chế tài pháp luật. Nơi những con người tài hoa, có năng lực và đạo đức công chính không còn phải tiếp tục ngồi tù.
A.V.
VNTB gửi BVN
NỊNH BỢ SẾP CÓ MUÔN HÌNH VẠN TRẠNG
ĐỖ THƠM / GDVN 14-5-2019
Bộ Nội vụ đang xem xét đưa một số điều của Đề án văn hóa công vụ vào dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chức và dự án Luật viên chức.
Trong đó có quy định, cán bộ công chức, viên chức "không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng".
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận một số ý kiến từ Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp.

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp. Ảnh: giaoduc.net.vn
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn phân tích, từ “nịnh bợ” là một từ định tính, mà từ định tính là tối kỵ đưa vào văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Tiến sĩ Sơn, các từ ngữ đưa vào văn bản quy phạm pháp luật tính định lượng phải tương đối cụ thể. Để làm sao quy định đó phải xử lý được hành vi mà hành vi thì phải được mô tả.
“Quy định đối với cán bộ công chức viên chức là để có hành lang pháp lý xử lý các vi phạm. Nếu dùng từ “nịnh bợ” thì chả ai biết là thế nào cả.
Nịnh bợ cấp trên là hiện tượng có thật trong bộ máy công quyền hiện nay. Tuy nhiên hành vi này rất khó để định nghĩa, phân biệt và lượng hóa.
Nếu đưa những từ kiểu như “nịnh bợ”, “lấy lòng không trong sáng”…vào Luật như thế rất khó có cơ sở căn cứ để xác định hành vi vi phạm và không có căn cứ cơ sở để “định tội và lượng hình”.
Hành vi nào thì được quy vào "nịnh bợ", hành vi nào thì không, nói thật là không đơn giản”, Tiến sĩ Sơn nêu quan điểm.
Theo vị nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, các từ này chỉ nên dùng nói ngoài xã hội, để nói chuyện trong đời sống.
Còn đã là văn bản quy phạm pháp luật thì phải nói rõ được hành vi đó là hành vi gì để giúp xác định được lỗi, vi phạm, xác định được mức vi phạm xử lý.
“Thực tế, tôi cũng rất buồn gì thời gian vừa qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật sai quá nhiều, hoặc đưa những từ rất mơ hồ, bỏ qua nguyên tắc cơ bản của xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Văn bản quy phạm pháp luật phải cân nhắc từng chữ một. Từ hiểu một nghĩa, chính xác, cụ thể không thể suy diễn được.
Đừng quên nguyên tắc cơ bản đó trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”, Tiến sĩ Sơn nhấn mạnh.
Ông cho rằng, nhiều vụ việc gây bất bình dư luận của một số cán bộ lãnh đạo các địa phương được báo chí giật tít như “nâng đỡ không trong sáng”…thì báo chí, người dân có thể dùng chứ nếu đặt chuẩn hành vi để luật hóa thì lại không khả thi, tùy tiện trong áp dụng luật.
Thế nào là “lấy lòng không trong sáng”, nó rất khó để lượng hóa cụ thể, chính xác được khi việc hiểu nó còn mỗi người hiểu một kiểu tùy bối cảnh.
“Nếu chỉ đặt ra trong luật mà không quy được cụ thể hành vi thì sẽ xử lý không được hoặc mỗi người hiểu, áp dụng luật một kiểu.
Điều đó sẽ rất nguy hiểm”, Tiến sĩ Sơn nhấn mạnh.
Trước đó vào tháng 1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Đề án văn hóa công vụ, trong đó có quy định với đồng nghiệp, công chức, viên chức phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ công vụ, không bè phái, gây mất đoàn kết cơ quan.
Các công chức, viên chức giữ vị trí lãnh đạo quản lý không được duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, phải tôn trọng, lắng nghe cấp dưới, và gương mẫu trong giao tiếp.
Đặc biệt trong ứng xử với lãnh đạo cấp trên, công chức, viên chức phải tuân thủ chỉ đạo, điều hành, phân công công việc, không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng.
Đỗ Thơm


CẤM NỊNH BỢ SẾP, VẬY CÓ ĐƯỢC NỊNH VỢ, CON CẤP TRÊN KHÔNG ?
ĐỖ THƠM/ GDVN 16-5-2019
Bộ Nội vụ đang xem xét đưa một số điều của Đề án văn hóa công vụ vào dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chức và dự án Luật viên chức.
Trong đó có quy định, cán bộ công chức, viên chức "không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng".
Dù mới chỉ ở giai đoạn xem xét nghiên cứu đưa vào luật nhưng vấn đề trên đã thu hút rất nhiều sự quan tâm, băn khoăn của dư luận.
Bởi thế nào là nịnh bợ, ranh giới giữa khen và nịnh bợ, lấy lòng không trong sáng là rất mong manh. Cấp dưới không nịnh sếp mà nịnh vợ, con sếp thì sao?

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Vietnamnet
Đặc biệt nếu luật hóa, cấp dưới nịnh bợ cấp trên liệu người được nịnh bợ có sẵn lòng tố cáo vi phạm? Rất nhiều tình huống đặt ra từ ý tưởng luật hóa việc cấm nịnh bợ cấp trên.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nếu luật hóa được quy định cấm nịnh bợ, lấy lòng không trong sáng cấp trên thì quá tốt.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cũng thẳng thắn cho rằng: “Đã là quy định trong luật thì phải nghiên cứu thật kỹ để chế tài đặt ra phải thực thi được.
Nếu không, đưa vào luật quy định nhưng lúc thực thi lại kêu “khó quá không thực thi được” thì lại thành nhờn luật.
Nguy hiểm hơn nữa là nếu quy định không rõ ràng dễ thành tạo điều kiện cho những người cố tình bao che cho người vi phạm trước dư luận và công chúng. Lúc đó dễ thành phản tác dụng”, Tiến sĩ Chức nói.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh, tôi hoan nghênh ý tưởng này nhưng nó mới và quá khó khi việc định rõ hành vi thế nào là nịnh bợ, lấy lòng không trong sáng không hề đơn giản nên quá trình làm phải rất cân nhắc.
Đã quy định vào luật thì phải thực thi được, luật mà hiểu thế nào cũng được, thực thi kiểu tùy ý thì lại gây khó khăn thêm”.
Tiến sĩ Chức phân tích thêm, Chính phủ đã có đề án văn hóa công vụ. Các Bộ ngành có thể dựa vào đó để cụ thể hóa, hướng dẫn chi tiết thành các quy tắc ứng xử ở đơn vị mình.
Việc “nịnh bợ” cấp trên thuộc phạm trù văn hóa ứng xử.
Trong thực tế, các hành vi cấm nịnh bợ cấp trên phải được soi rõ cụ thể qua lời nói, hành động, qua việc ủng hộ chủ trương, ý kiến, cách thức làm ăn của cấp trên ra sao.
Nếu không minh bạch được các hành vi đó thì rất khó có căn cứ để “định tội, lượng hình”.
“Theo tôi, việc ủng hộ đó phải trên cơ sở hiểu biết, đồng tình với chủ trương đúng đắn. Cấp dưới mà thấy sai không ý kiến, thấy sai vẫn ca ngợi đó là nịnh bợ. Nó phải rõ ràng.
Rồi xét đến trong sinh hoạt, quà cáp, tiền bạc…nịnh bợ cấp trên phải được cụ thể bằng hành vi, hành động, lời nói như thế nào thì xếp vào "nịnh bợ" cấp trên.
Nếu chúng ta luận rõ được thì mới đưa vào luật, nhưng điều này không hề dễ”, Tiến sĩ Chức nhận định.
Theo ông, văn hóa công vụ được Chính phủ, Bộ Nội vụ quan tâm là tốt.
“Xét đến cùng, thực ra cán bộ hỏng chính là ở gốc văn hóa.
Văn hóa nịnh bợ cấp trên làm cho cấp trên không nhìn thấy được khuyết điểm của họ.
Nịnh bợ cấp trên làm cho cấp trên ra các quyết định sai trái mà không biết.
Tuy nhiên, bây giờ muốn quy định cho hết theo kiểu liệt kê các hành vi nịnh bợ, từ thái độ, ứng xử, lời nói, chuyện quà cáp, biếu xén thực tế là rất khó.
Quan trọng nhất là cần phải đào tạo giáo dục công chức, viên chức đủ năng lực, đủ tự tin tự trọng.
Lãnh đạo đủ tâm đủ tầm thì những kẻ nịnh bợ, không có năng lực cũng khó có đất sống”, Tiến sĩ Chức đưa ra nhận định.
Đỗ Thơm
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét