Thứ Ba, 7 tháng 5, 2019

20190507. BÀN VỀ NGUYÊN NHÂN VIỆT NAM TỤT HẬU

ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐẤT NƯỚC TÔI-CHIM ƯNG HAY BÒ SÁT ?

XUÂN DƯƠNG / GDVN 6-5-2019

Ảnh đăng trên kienthuc.net.vn
Có một câu nói nổi tiếng được nhiều người biết đến:
“Những đỉnh cao muôn trượng chỉ có chim ưng và loài bò sát là vươn tới được”.
Để đạt đỉnh cao khiến thế giới phải ngưỡng mộ, Việt Nam chọn chim ưng hay bò sát?
Các nhà khoa học gọi loài bò sát (kỳ đà) khổng lồ trên các đảo Komodo, Rinca, Flores, Gili Motang và Padar thuộc Indonesia là Rồng Komodo.
Gọi là “rồng” nhưng loài vật này chỉ bò trên mặt đất, không phải loài rồng mà giới vua chúa châu Á chọn làm biểu tượng vương quyền, càng không phải loại “rồng mới nổi” mà thế giới gán cho hai quốc gia Singapore, Hàn Quốc và hai vùng lãnh thổ Hồng Kông, Đài Loan thuộc khu vực châu Á.
Việt Nam đang muốn là con rồng thứ năm nhưng xem ra có quá nhiều khác biệt nếu lựa chọn con đường thành “rồng” như Singapore, Hàn Quốc.
Có người nhấn mạnh đến khác biệt về thể chế chính trị, số khác nói về tài nguyên thiên nhiên hoặc vị trí địa lý,…
Người viết cho rằng khác biệt lớn nhất không nằm ở thể chế chính trị.
Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nhật là bốn quốc gia hàng đầu thế giới về quy mô kinh tế, quân sự nhưng thể chế chính trị lại không giống nhau.
Mỹ là nhà nước cộng hòa, Trung Quốc theo mô hình xã hội chủ nghĩa, Anh và Nhật là các quốc gia theo thể chế quân chủ lập hiến.
Yếu tố chi phối từ mục tiêu đến phương pháp là đội ngũ lãnh đạo, những người nắm trong tay quyền hoạch định chính sách và những người thực thi công vụ.
Tại Việt Nam, phần lớn những người ấy lại là sản phẩm của một nền giáo dục chứa đựng rất nhiều ung nhọt nhưng không mấy khi được minh bạch. 
Sự khác biệt về chất lượng giáo dục thể hiện ở trình độ văn hóa, đạo đức và phương cách xử lý công việc của cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Nếu phải nói rõ hơn nữa thì đó là chất lượng giáo dục bậc đại học bởi bậc phổ thông chưa đào tạo ra cán bộ lãnh đạo.
Tham gia đào tạo ra cán bộ lãnh đạo có hai khối trường, khối trường chuyên môn và khối trường chính trị mà quyết định lại là các trường chính trị.
Báo Tienphong.vn trong bài “Tệ mua quan, bán chức” viết:
Báo cáo của các cơ quan Nhà nước đã thừa nhận có hiện tượng “chạy” chức, “chạy” quyền, “chạy” tội, “chạy” dự án, “chạy” bằng cấp, “chạy” khen thưởng và kể cả chạy tuổi nữa”. [1]
Không ít cán bộ, không loại trừ một số thuộc diện trung ương quản lý tiến thân bằng con đường “mua quan, bán chức”, để có thể “mua quan” việc đầu tiên họ buộc phải làm là mua bằng cấp.
Có người mua bằng thật chất lượng giả, có người mua cả bằng giả.
Bài viết “Tư duy lý luận chính trị của cán bộ lãnh đạo và quản lý ở Việt Nam hiện nay” đăng trên Tạp chí khoa học xã hội Việt Nam trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam viết:
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý cần phải có trình độ tư duy lý luận chính trị cao.
Điều đó thể hiện ở sự hiểu biết sâu sắc về thực tiễn và sự giải quyết đúng đắn những nhiệm vụ chính trị được giao.
Tuy nhiên, trình độ tư duy lý luận chính trị của nhiều người còn thấp kém…”. [2]
Bài báo cho biết: “Đến tháng 6/2017, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp tỉnh có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị trở lên tại tỉnh Đắk Lắk là 95,58%.
Các địa phương khác trong cả nước, hầu hết cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp cũng có trình độ cơ bản về lý luận chính trị như ở Đắk Lắk”.
Cũng tại tỉnh Đắk Lắk, thông tin truyền thông đăng tải như sau:
Kỷ luật Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lăk; lãnh đạo huyện Krông Pắk” (Baochinhphu.vn 13/04/2018)
Xem xét kỷ luật nguyên Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đắk Lắk”, (Daidoanket.vn12/09/2018)
Đắk Lắk kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng hàng loạt đảng viên” (Vtc.vn 02/04/2019)
Kỷ luật nhiều lãnh đạo Cty Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk” (Laodong.vn 07/12/2018)
Đắk Lắk: Hàng loạt cán bộ biên phòng dính kỷ luật” (vanhoadoanhnghiepvn.vn)
…….
Không thể không chú ý từ ngữ mà Tạp chí khoa học xã hội Việt Nam sử dụng: “trình độ tư duy lý luận chính trị của nhiều người còn thấp kém” trong khi “nhiều người” ở đây đã được mặc định ở phần đầu đoạn văn, tức là“đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý”.
Trình độ tư duy và lý luận chính trị của nhiều người còn “thấp kém” chứ không phải là yếu nhưng họ lại là lãnh đạo, quản lý, thậm chí còn là lãnh đạo chủ chốt?
Một khi phải “chạy chức, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng,…” thì về mặt nhân cách người ta không thể đứng thẳng như con người chân chính mà chỉ có thể bò như loài bò sát.
Tự biến mình thành “bò sát” để leo cao đương nhiên không thể xếp chung với những người liêm chính, nhưng lỗi chủ yếu lại thuộc về người/cơ quan bồi dưỡng, đào tạo, giới thiệu và bổ nhiệm, nói chính xác là những cơ sở giáo dục đã cấp văn bằng, chứng chỉ cho họ.
Có phải vì trình độ yếu kém, vì giáo dục đại học trong nước không cập nhật kịp tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới nên cán bộ, công chức Việt Nam luôn chọn hình thức ra nước ngoài “học tập kinh nghiệm” hoặc “trao đổi chuyên môn”,…?
Báo Nld.com.vn đăng tải kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc cử cán bộ đi nước ngoài giai đoạn 2012-2016 như sau: 
Trong vòng 5 năm, các đơn vị (bộ, ngành, địa phương - NV) đã cử hơn 17.500 đoàn, gần 53.000 lượt cán bộ đi nước ngoài với tổng kinh phí trên 1.200 tỉ đồng.
Thành phần tham gia là người chuẩn bị nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu”. [3]
Báo Tienphong.vn viết:
Thanh tra Chính phủ cũng từng có kết luận thanh tra về việc này, đồng thời chỉ ra “nhiều đoàn có thành phần là những người chuẩn bị nghỉ hưu cho đi nước ngoài mang tính “tri ân”, mời thành phần là người của đơn vị khác không phù hợp nội dung chuyến đi...”.
Sau khi có kết luận trên, chính TTCP cũng đã cử nhiều cán bộ thuộc diện sắp nghỉ hưu đi nước ngoài công cán”. [4]
Người viết cho rằng nếu quả thật việc cử cán bộ ra nước ngoài công tác chỉ nhằm mục đích “tri ân” thì đúng là “hồng phúc” của dân tộc bởi thế có nghĩa là trình độ của cán bộ nước Việt không kém gì thế giới, chẳng việc gì phải học tập người nào!!!
Điều đáng sợ là không ít cán bộ lãnh đạo lựa chọn cách “bay” ra nước ngoài “học tập, khảo sát” song lại chọn cách “bò” để tiến thân hoặc xử lý công việc.
Cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng năm 2014 tham gia tới 23 đoàn đi nước ngoài, năm 2015 tham gia 22 đoàn.
Riêng năm 2015, tổng số thời gian ông Hoàng ở nước ngoài là 163 ngày, chiếm hơn nửa thời gian làm việc trong năm. [6]
Kết quả là 12 dự án của Bộ Công thương có nguy cơ thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng.
Lối sống “bò” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức có thể kiểm chứng bằng tốc độ rùa bò tại không ít dự án kinh tế, kỹ thuật hay công trình trọng điểm mà họ chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc liên đới.
Chỉ một đoạn đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông  dài 13,1 km được khởi công vào ngày giải phóng thủ đô 10/10/2011 đến nay đã 9 năm vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.
Vốn đầu tư sau nhiều lần điều chỉnh đã lên khoảng 892 triệu USD, quy ra tiền Việt là xấp xỉ 20.000 tỷ đồng.
Trong khi đó tại tỉnh Quảng Ninh, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long và tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài khoảng 60 km với mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng của doanh nghiệp chỉ trong vòng 2 năm đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên được biết đến với rất nhiều bài báo, chẳng hạn: “Dự án 8.100 tỷ 10 năm hoang tàn, 'chim đầu đàn' gãy cánh”. [5]
“Gãy cánh” thì đương nhiên không thể bay, điều đáng suy ngẫm nằm ở chỗ “Chim đầu đàn” bị gãy cánh thì “cả đàn” sẽ thế nào, bay hay bò?
Với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiều người có “tư duy thấp kém”, sống theo kiểu “bò sát” thì liệu đất nước có thể thành chim ưng?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/te-mua-quan-ban-chuc-47396.tpo
[2]http://tapchikhxh.vass.gov.vn/tu-duy-ly-luan-chinh-tri-cua-can-bo-lanh-dao-va-quan-ly-o-viet-nam-hien-nay-n50276.html
[3] https://nld.com.vn/noi-thang/noi-thang-can-bo-thanh-tra-chinh-phu-nhu-the-noi-ai-nghe-20190409085804526.htm
[4]https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nhieu-noi-cu-can-bo-sap-nghi-huu-di-nuoc-ngoai-nhu-mot-su-ban-on-1397990.tpo
[5] https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/gang-thep-thai-nguyen-nang-no-du-an-8-100-ty-dong-509409.html
[6] https://tuoitre.vn/cuu-bo-truong-vu-huy-hoang-mot-nam-o-nuoc-ngoai-163-ngay-20180628081309638.htm
Xuân Dương
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

ĐIỀU GÌ NÍU GIỮ MÔ HÌNH XÔ VIẾT TRONG QUẢN TRỊ QUỐC GIA ?

HẢI LỘC / TVN 6-5-2019

Nhân đọc bài viết gồm 3 phần “Việt Nam đã đụng trần để kích thích tư duy, sáng tạo cho phát triển đất nước”, “Việt Nam ở vào tình thế bây giờ hoặc không bao giờ” và “Nhà nước không bao cấp và không tạo rủi ro cho doanh nghiệp” của tác giả Nguyễn Đình Cung và bài “Tụt hậu vòng 2, chúng ta có dám nhìn nhận để vươn lên” của tác giả Nguyễn Quang Thái đăng trên Diễn đàn Vì Việt Nam hùng cường của Tuần Việt Nam/ VietNamNet, tôi muốn bày tỏ sự đồng tình và nhất trí cao với các tác giả.
Đồng thời, tôi cũng muốn nói rõ hơn, bổ sung một số khía cạnh mà tôi cho là quan trọng để góp tiếng nói với hai tác giả. Nhiều vấn đề quan trọng đó tôi ta đã nêu trong các bài viết trước (xem các link kèm trong bài). Bài viết này sẽ tập trung vào việc đổi mới thể chế ở nước ta “vẫn chủ yếu cải biến trong mô hình Xô Viết trước đây hay mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa kiểu cũ” mà tác giả Nguyễn Đình Cung nêu ra.
Tụt hậu xa hơn về kinh tế
Trước hết, tôi muốn nêu lại tình trạng tụt hậu của đất nước. Tác giả Nguyễn Đình Cung viết rất đúng, rất chi tiết về “GDP ngày càng suy giảm”. Tuy nhiên, để chứng minh cho nhận định của mình, tác giả mới chủ yếu dừng lại ở tốc độ tăng GDP tăng trưởng thấp (tính bằng phần trăm), nên chưa thấy hết thực trạng nền kinh tế của nước ta.
Còn trong bài của mình, bằng các số liệu cụ thể (tính bằng số tuyệt đối) tác giả Nguyễn Quang Thái khẳng định “chúng ta đã bị tụt hậu và tụt hậu xa hơn trên một số lĩnh vực quan trọng khi tình hình thế giới biến chuyển nhanh”.
Người viết đồng tình với hai tác giả và chỉ bổ sung một ý nhỏ: Mong văn kiện Đại hội XIII tới đây cần nói rõ ràng rằng, Việt Nam đã và đang bị tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chứ không còn là “nguy cơ” như Đảng đã cảnh báo cách đây ¼ thế kỷ và hệ lụy là chúng ta bị thua thiệt trong cuộc cạnh tranh kinh tế đang diễn ra chóng mặt hiện nay.
Trên cơ sở đó, cần tìm cho kỳ được nguyên nhân đích thực để đưa ra các giải pháp phù hợp nhất nhằm nhanh chóng đưa đất nước vượt qua tụt hậu trước khi vươn lên tầm cao hơn.
Một vài quy ước
Trước khi đi vào phần chính, tôi muốn nêu một vài quy ước. Thực chất của đổi mới thể chế là đổi mới đường lối, chính sách phát triển đất nước và đường lối, chính sách quản trị quốc gia. Hiểu đổi mới thể chế theo nghĩa đó thì các nguyên nhân cản trở phát triển đất nước, đẩy đất nước tụt hậu về kinh tế xa hơn so với thế giới và các nước trong khu vực mà hai tác giả đã nêu ra trong các bài viết của mình là khá rõ ở lĩnh vực nào!


Điều gì níu giữ mô hình Xô Viết trong quản trị quốc gia?
Đổi mới chính trị “không đồng bộ” và “không đi liền với đổi mới kinh tế” gây ra lực cản đối với đổi mới kinh tế đã được nhắc đến nhiều trong các văn kiện chính thức. Ảnh: Lê Anh Dũng
Cách đây 30 năm, trong “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000” tại Đại hội VII, Đảng đã thừa nhận: “Thực trạng nêu trên (khủng hoảng kinh tế - xã hội – người viết chú thích) chủ yếu …là do chúng ta đã phạm sai lầm chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan … trong cơ chế quản lý kinh tế. Những sai lầm đó cùng với sự trì trệ trong công tác tổ chức, cán bộ đã kìm hãm lực lượng sản xuất và triệt tiêu nhiều động lực phát triển”.
Gần đây nhất, tại Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII cũng nêu: “Đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế; năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ".
Cần quan niệm “nhà nước pháp quyền”; “kinh tế thị trường”; “dân chủ”; …là những phạm trù kinh tế, xã hội khách quan, mang giá trị phổ quát được con người vận dụng làm “công cụ” trong quá trình điều hành phát triển đất nước. Đó chắc chắn không phải là “mục tiêu” như một số người lầm tưởng. Trong đời thường những người thông minh bao giờ cũng thay đổi “công cụ” nhanh nhất có thể mỗi khi thấy “công cụ” đang sử dụng không còn thích hợp. Nhờ đó họ về đích sớm.
Vài điều bổ sung 
Tôi đánh giá rất cao việc hai tác giả Nguyễn Đình Cung và Nguyễn Quang Thái không dừng lại việc nêu nguyên nhân yếu kém, tụt hậu là do thể chế chưa được đổi mới một cách chung chung, mà đã bắt đầu đi thẳng vào nguyên nhân cốt lõi là do chậm chạp, không rõ ràng trong đổi mới thể chế chính trị. Chẳng hạn, tác giả Nguyễn Quang Thái nói thẳng trong bài viết của mình: “lý do cơ bản của tình trạng này (tụt hậu) bắt nguồn từ tư duy phát triển, chọn sai mô hình phát triển, thậm chí mô hình đó lạc điệu so thế giới.”
Tôi cũng đồng tình với nội dung do tác giả Nguyễn Đình Cung nêu trong bài viết về “những hòn đá tảng” đã, đang và sẽ còn gây nên sự chậm chạp đối với sự phát triển đất nước. Tôi chỉ bổ sung thêm một vài “hòn đá tảng” nữa, đó là sự xuống cấp "rất nghiêm trọng" của lĩnh vực văn hóa, xã hội và môi trường sinh thái.
Để khôi phục, cho dù là một phần nhỏ vấn nạn về văn hóa, xã hội cũng như các thảm họa môi trường sinh thái do chính chúng ta gây ra thì phải cần một nguồn lực khổng lồ, trong khi nguồn lực tích lũy được lại đang còn rất bé, nguồn lực mới thì chưa nhìn thấy đâu.
Mô hình Xô Viết trong quản trị quốc gia
Tác giả Nguyễn Đình Cung viết, đổi mới thể chế ở nước ta “vẫn chủ yếu cải biến trong mô hình Xô Viết trước đây hay mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa kiểu cũ”. Và tác giả Nguyễn Quang Thái bổ sung: “chọn sai mô hình phát triển, thậm chí mô hình đó lạc điệu so thế giới”.
Theo tôi, điều các tác giả vừa “xới” ra trên đây chính là nguyên nhân cốt lõi gây ra sự yếu kém, sự tụt hậu trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.
Thứ nhất, mô hình Xô Viết một thời gian rất dài được xem “nguyên lý” mà mọi nước tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác-Lênin phải tuân thủ, như “Tuyên bố Moscova 1957” khẳng định.
Đảng ta xem đó là “cương lĩnh của chúng ta” nên đã tiến hành “thủ tiêu chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa và kiến lập chế độ sở hữu công cộng về những tư liệu sản xuất cơ bản”; “cải tạo dần dần nền nông nghiệp theo chủ nghĩa xã hội”; “phát triển nền kinh tế quốc dân một cách có kế hoạch, hướng vào xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản…”.
Thứ hai, trong 30 năm qua, đúng là chúng ta có “cải biến” mô hình Xô Viết và áp dụng nó vào cuộc sống, mà nhờ đó chúng ta mới có bước phát triển kinh tế - xã hội như ngày nay. Tuy nhiên, đáng lẽ phải cải cách thì chúng ta mới “cải biến”. Và ngay việc “cải biến” chúng ta vẫn còn ngập ngừng, nhiều lúc đi thụt lùi.
Điều quan trọng hơn, theo tôi, số lượng những vấn đề được “cải biến” vẫn còn ít. Vì vậy, cũng có thể nói, đổi mới thể chế ở nước ta chủ yếu vẫn còn lặp lại mô hình Xô-Viết. Xin nhắc lại vài thí dụ:
Hiến pháp Liên Xô năm 1977 ghi: “Đảng Cộng sản Liên Xô là lực lượng lãnh đạo và dẫn dắt xã hội Xô Viết”. Điều rất đáng bàn ở Liên Xô không hề có văn bản pháp lý nào quy định “lãnh đạo” và “dẫn dắt” xã hội là thế nào? Hệ lụy là ở Liên Xô và nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác ở Đông Âu trước đây đã từng tồn tại một hệ thống quản trị quốc gia mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là hệ thống “Hai chính quyền Nhà nước song song tồn tại trong một đất nước thống nhất”.
Hệ thống chính quyền Đảng theo mô hình Liên Xô là hệ thống cơ quan lãnh đạo Đảng có đầy đủ các cấp, tổ chức chằng chịt theo chiều dọc lẫn chiều ngang, theo cả 3 nhánh quyền lực là lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Hệ thống chính quyền thứ hai là hệ thống chính quyền Nhà nước. Tuy được dân bầu và hình thành theo hệ thống pháp quy, nhưng đây chỉ là hệ thống chính quyền nhà nước thực hiện các nghị quyết hay chủ trương của đảng như tác giả đã phân tích trong bài Đổi mới quản trị quốc gia để Việt Nam thịnh vượng.
Còn ở Việt Nam, Đại hội lần thứ VII của Đảng cách đây 30 năm đã chỉ ra: “sai lầm chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan”. Tôi cho rằng việc ghi thêm các cụm từ “xã hội chủ nghĩa” vào các phạm trù kinh tế, chính trị, xã hội khách quan, thông thường, phổ biến trên toàn thế giới, mà tác giả Nguyễn Quang Thái hàm ý là “lạc điệu so thế giới”, là chúng ta chưa khắc phục được những sai lầm mà Đại hội Đảng lần VII đã chỉ ra chứ chưa nói đến việc tiếp tục lún sâu hơn vào các sai lầm đó.
Việc ghi thêm các cụm từ đó là làm sai lệch nội dung vốn có của các phạm trù kinh tế, xã hội khách quan, gây nhiều khó khăn, cản trở trong vận dụng nó làm công cụ trong quản lý kinh tế, xã hội.
Ví dụ thứ nhất: “Kinh tế thị trường” là một phạm trù kinh tế khách quan, nhưng chúng ta lại thêm  cụm từ “xã hội chủ nghĩa”, gây nên cuộc tranh luận 30 năm chưa dứt và cản trở trong vận dụng phạm trù kinh tế khách quan rất quan trọng này vào cuộc sống.
Xin nhắc lại nguyên nhân số 1 gây ra các yếu kém trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015 mà Nghị quyết Đại hội XII chỉ rõ: “Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa […], chưa đủ rõ và còn khác nhau. Vì vây, việc xây dựng thể chế, luật pháp, chiến lược, quy hoạch, cơ chế chính sách và trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội nhiều mặt còn lúng túng […], chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển”.
Ví dụ thứ hai, là phạm trù “Nhà nước pháp quyền” của chúng ta cũng xuất phát từ công thức có trong các văn bản chính thức của Liên Xô. Liên Xô cũng chưa hề có văn bản chính thức nào giải thích sự khác nhau giữa “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” và “Nhà nước pháp quyền” với tư cách là phạm trù xã hội khách quan ở chỗ nào.
Hệ lụy là ở Liên Xô người ta vận dụng một cách tùy tiện trong xử lý các vấn đề liên quan đến tư pháp. Câu nói cửa miệng của người dân Liên Xô lúc đó là: “Tòa án xử theo luật và theo chỉ đạo của bí thư”.
Ở nước ta việc xử án chỗ này, chỗ kia cũng không khác… dù Điều 103, Hiến pháp 2013 ghi: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm” và Điều 3, Quy định số 47 về những điều đảng viên không được làm ghi: “Viết bài, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử”.
Các phạm trù kinh tế, xã hội khách quan đang được diễn giải, áp dụng méo mó để lại nhiều hệ lụy không chỉ trong kinh tế mà trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Một vài kiến nghị
Đồng cảm với cách đặt vấn đề của tác giả Nguyễn Đình Cung: Việt Nam ở vào tình thế “bây giờ hoặc không bao giờ”, tôi muốn bổ sung vài kiến nghị đối với Đại hội XIII: Văn kiện Đại hội XIII cần tìm cho được nguyên nhân cốt lõi gây ra sự yếu kém, tụt hậu trong phát triển kinh tế - xã hội chứ không chỉ dừng lại ở những nguyên nhân yếu kém có tính chất trung gian.
Như trên đã nêu, người viết cho rằng nguyên nhân cốt lõi gây ra yếu kém, tụt hậu trong phát triển kinh tế - xã hội trong 3 thập kỷ qua là do chúng ta chưa thoát khỏi mô hình Xô Viết trong quản trị quốc gia. Nhận sai lầm để sửa như Đại hội VII đã từng làm chỉ đem lại điều tốt lành cho dân, cho nước và cho cả Đảng nữa.
Để khắc phục nguyên nhân nêu trên, tôi cho rằng Đại hội XIII cần có Nghị quyết về cải cách sự lãnh đạo của Đảng. Xin có vài kiến nghị cụ thể.
Thứ nhất, Đại hội XIII cần có Nghị quyết xây dựng luật về đảng. Đây là việc làm bình thường và cần thiết, hoàn toàn giống như Luật Tổ chức Quốc hội; Luật về Chủ tịch nước và Luật Tổ chức Chính phủ.
Sau khi có Luật, chính quyền Đảng sẽ hóa thân vào chính quyền Nhà nước, nên Đảng vẫn giữ được quyền lãnh đạo Nhà và xã hội. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ chung của cả thế giới, tức sau khi một đảng chính trị nào đó thắng cử, Ban lãnh đạo đảng ấy bao giờ cũng nhân danh nhà nước để để thực thi các chức năng quản trị quốc gia.
Khi có Luật về Đảng, quyền lực Nhà nước sẽ được kiểm soát bằng pháp luật, được nhốt vào “lồng” cơ chế, chính sách như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nhắc tới và ai trong chúng ta cũng mong muốn.
Đương nhiên khi đó, bộ máy quản trị quốc gia sẽ được thu hẹp lại, sẽ giảm được đóng góp của nhân dân để nuôi bộ máy nhưng điều cực kỳ quan trọng là việc quản lý đất nước sẽ đạt hiệu quả cao hơn rất nhiều lần so với hiện nay.
Thứ hai, người viết kiến nghị Đại hội XIII nên có thêm một Nghị quyết nữa về điều chỉnh, sửa ngay những vấn đề liên quan đến quản trị quốc gia. Xin nói rõ hơn một chút về điều này.
Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học định nghĩa từ “lãnh đạo” là “đề ra chủ trương, đường lối và tổ chức, động viên thực hiện”. Đảng chỉ cần thực hiện đúng việc “lãnh đạo” theo định nghĩa trên thì chúng ta đã có thể khắc phục được vấn nạn kéo dài rất nhiều năm nay.
Đó là sự chồng chéo, lẫn lộn chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm và cách làm việc của Đảng và Nhà nước như nhiều Nghị quyết của Đảng đã nhắc tới mà đến nay chưa khắc phục được. Khi đó vô số việc cụ thể có thể được triển khai nhanh như quyết định đầu tư một công trình cụ thể; tăng vốn đầu tư cho một công trình xây dựng cụ thể; quyết định chọn nhà thầu cho việc đầu tư một công trình cụ thể; ký một Hiệp định kinh tế cụ thể với bên ngoài; ban hành một văn bản pháp quy; thông qua kế hoạch và phân bổ ngân sách hàng năm;…
Làm như vậy, chúng ta có thể tiết kiệm được thời gian, tránh bỏ lở cơ hội và đồng thời, minh bạch hóa được trách nhiệm pháp lý và vật chất của những người ban hành các quyết định.
Đổi mới chính trị “không đồng bộ” và “không đi liền với đổi mới kinh tế” gây ra lực cản đối với đổi mới kinh tế đã được nhắc đến nhiều trong các văn kiện chính thức, ví dụ Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII, chứ chưa kể trên báo chí, nhiều năm qua.
Chỉ hy vọng tại Đại hội XIII tới đây cần nêu những giải pháp cấp bách nhằm khắc phục nguyên nhân  tụt hậu, cản trở đất nước ta tới hùng cường.
Bài viết đã quá dài, tôi xin phép tạm dừng ở đây.
Hải Lộc
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét