Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

20190505. PHẢN ỨNG VỀ TĂNG GIÁ ĐIỆN CỦA EVN

ĐIỂM BÁO MẠNG
NGÀNH ĐIỆN ĐÃ TRUNG THỰC VỚI DÂN VÀ CHÍNH PHỦ CHƯA ?

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 4-5-2019

Bộ Công Thương chính thức điều chỉnh giá điện bắt đầu từ ngày 20/3/2019, theo đó mỗi số điện (kwh) sẽ tăng gần 144 đồng, lên mức bình quân hơn 1.864 đồng.
Trước khi tăng giá, báo chí dẫn thông tin từ Tập đoàn điện lực quốc gia Việt Nam (EVN) cho biết: “Giá điện bình quân tăng 8,36%”, bằng một vài phép tính đơn giản với số liệu đã công bố, thấy rằng thực tế giá điện tăng 8,3695%.
Con số 0,0095% tưởng là vô cùng bé nhưng tính trên hàng trăm nghìn tỷ đồng thì lại không hề nhỏ.
Vậy vì sao giá điện chỉ giữ ổn định được 4 năm nay lại tăng và mức tăng ấy ảnh hưởng thế nào đến đời sống người dân?
Trước hết cần bàn về quyết định tăng giá điện mà ngành Điện kiến nghị và đã được Bộ Công thương phê duyệt áp dụng từ tháng 20/3/2019.
Thứ nhất, đánh vào số đông để thu lợi nhuận cao nhất
Người buôn bán dẫu có “dốt” tính toán đến mấy thì vẫn biết một nguyên tắc, càng bán được nhiều hàng với giá cao thì lợi nhuận càng nhiều.
Vậy trong nhóm tiêu dùng điện sinh hoạt, nhóm nào sử dụng nhiều điện nhất?
Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho rằng:
Hiện nay, hộ dùng ít điện chiếm số nhiều, hộ dùng nhiều không phải tỉ trọng lớn. Tôi nghĩ cơ chế bậc thang tiếp tục áp dụng đến khi ra thị trường bán lẻ cạnh tranh”. [1]
Điều mà ông Tri tiết lộ không phải là bí mật bởi từ tháng 11/2017, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ dự thảo lần thứ 4 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Theo “Kịch bản 1A” mà Bộ Công thương dự kiến, nếu giảm số bậc thang từ 6 bậc còn 3 bậc thì nhóm cư dân sử dụng từ 51-300 kw chiếm 72,5% tổng số hộ sử dụng điện (14 triệu hộ).
Còn theo “Kịch bản 2A”, chia làm 04 bậc thì nhóm cư dân sử dụng từ 51-400 kw chiếm 77,6%. [2]

Lượng điện sử dụng (Kw)Giá cũ (đồng)Giá mới (đồng)Số tiền tăng thêm (đồng)Tỷ lệ tăng (%)
0-5015491678129108,328
51-10016001734134108,375
101-20018582014156108,396
201-30023402536196108,376
301-40026152834219108,375
401 trở lên27012927226108,367
Bảng 1: Bảng giá điện lũy tiến 6 bậc các năm trước và năm 2019
Dù đề xuất mấy kịch bản song cuối cùng thì EVN vẫn kiến nghị và được chấp nhận biểu giá bán điện sinh hoạt theo 6 bậc – Bảng 1.
Nhìn vào cột Tỷ lệ tăng (%) theo cách làm tròn số tự động đến 2 chữ số thập phân trong Bảng tính Excel thì nhóm cư dân sử dụng từ 51 kw trở lên đều sẽ bị tăng 8,40%.
Nếu tính chi ly thì nhóm hộ sử dụng từ 101 đến 300 kw chiếm từ 60 - 72,5% số hộ sử dụng điện và cũng là nhóm bị tăng nhiều nhất. Nhu cầu sử dụng điện của đa số các hộ gia đình hiện nay đều rơi vào nhóm này, cũng là nhóm có đời sống ổn định ở mức bình thường chứ không phải giàu có.
Vậy nên thật dễ hiểu họ đã bức xúc khi ngành điện thông báo chỉ tăng giá 8,36% mà tiền điện họ phải trả tăng vọt, cũng có thể làm xáo trộn phần nào sinh hoạt của gia đình.
Biểu đồ tỷ lệ tăng giá điện (tính theo %)
Thứ hai, bằng cách làm tròn số, EVN có qua mặt dân và Chính phủ?
EVN công bố giá điện tăng 8,36%, nếu đây là con số chính thức và không làm tròn thì có một vấn đề cần bàn luận. Như tính toán đã nêu, con số thực tế đã tăng là 8,3695%.
Đây là do EVN làm tròn số một cách cơ học hay ngầm chứa những toan tính khác?
Nếu biết rằng 0,0095% của một tỷ đồng là chín triệu rưỡi đồng (9.500.000 đồng).
Tổng doanh thu của EVN năm 2017 ước đạt 293.200 tỷ đồng, năm 2018 ước đạt 340.500 tỷ đồng. Vậy năm 2019 này, 0,0095% của mấy trăm nghìn tỷ sẽ là bao nhiêu?
Tại sao mức tăng không phải là đồng đều cho tất cả các nhóm hộ sử dụng điện mà lại tập trung vào nhóm hộ đông nhất?
Đây là chi tiết rất quan trọng cần phải truy xét, bởi vì những người có kiến thức kinh tế đều nhìn thấy, chẳng lẽ các nhà quản lý cỡ lãnh đạo EVN hay Bộ Công thương lại không nhìn ra?
Thứ ba, tại sao EVN gửi 42.000 tỷ với lãi suất không kỳ hạn và 20.000 tỷ đầu tư ngắn hạn?
Không khó để tìm thấy bảng công bố lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Tại thời điểm ngày 02/05/2019 lãi suất không kỳ hạn thấp nhất là 0,1% (BIDV, Vietinbank, Vietcombank), cao nhất là 1% (SCB, Bắc Á, Nam Á bank) trong khi lãi suất gửi có kỳ hạn thấp nhất (1 tháng) là 4,5% và cao nhất là 8%, bình quân vào khoảng 7,5%.
EVN lý giải cho việc gửi không kỳ hạn là do phải “phục vụ cho công việc thường xuyên và xử lý đột xuất”. [2]
Đây được cho là lý do “chính đáng” và hy vọng những gì xảy ra phía sau không có gì khuất tất? Nhưng để người dân hết băn khoăn thì các cơ quan chức năng phải nhanh chóng vào cuộc tìm hiểu và đưa ra câu trả lời hoàn toàn minh bạch.
Luật Cạnh tranh ban hành ngày 12/6/2018, tại điều 17Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm” liệt kê một số hành vi bị cấm trong đó có:
“Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng”;…
Suy cho cùng EVN là một tập đoàn độc quyền từ khâu sản xuất đến truyền tải và bán điện nhưng khó ai dám nói thẳng, rằng hành vi nâng giá điện của EVN là vi phạm một số điều khoản của Luật Cạnh tranh 2018.
Tuy nhiên nói vòng vo, nói kiểu “Bão bên Tây chết cây nhà nó” thì không thiếu, xin điểm một vài tít báo lý giải nguyên nhân tăng giá điện sinh hoạt:
“Bộ xin đóng dấu mật giá xăng, giá điện: Đã độc quyền lại còn muốn mật? [3]
“Tái cơ cấu EVN: Xóa độc quyền, tạo thị trường cạnh tranh?” [4]
“Còn độc quyền, giá điện chỉ có tăng”. [5]
Sau mỗi kỳ tăng lương thì giá hàng hóa dịch vụ đều rục rịch tăng, tuy nhiên ít ai để ý trước thời hạn tăng lương vài tháng cũng từng xuất hiện biến động giá điện, xăng dầu.
Tăng giá điện EVN thu thêm khoảng 20.000 tỷ đồng, với nhóm cư dân thu nhập thấp và trung bình, họ có biết rằng đó là số tiền chắt bóp trừ vào khẩu phần ăn hàng ngày mỗi gia đình?
Khi các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ triền miên thì cách tốt nhất là cổ phần hóa, cho phép tư nhân cạnh tranh lành mạnh với nhà nước. Đó cũng là giải pháp cần thiết để minh bạch tại EVN.
Tuy nhiên nói EVN chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự độc quyền là không chính xác bởi trên EVN là Bộ Công thương.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://tuoitre.vn/pho-tong-evn-gia-dien-se-tang-gap-doi-neu-giai-tan-evn-20190503074245329.htm
[2]https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/tinh-toan-gia-dien-sinh-hoat-hay-nho-dung-tren-400-so-gia-dien-dat-gap-doi-460025.html
[3]http://www.congdoan.vn/tin-tuc/thoi-su-487/bo-xin-dong-dau-mat-gia-xang-gia-dien-da-doc-quyen-lai-con-muon-mat-378235.tld
[4]https://tuoitre.vn/tai-co-cau-evn-xoa-doc-quyen-tao-thi-truong-canh-tranh-1333905.htm
[5]http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/TT_TINLAPPHAP/View_Detail.aspx?ItemID=458
Xuân Dương
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

EVN HAY CÁI QUÁI THAI CỦA KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN

CHU MỘNG LONG/ BVN 3-5-2019

Lẽ ra các ngài tuyên giáo phải lên tiếng vụ tăng giá điện. Nhưng tất cả đều im lặng, mặc dù hàng ngày họ vẫn rao giảng kinh tế chính trị Marx - Lenin.
Tuyên giáo không lên tiếng thì tôi lên tiếng vậy. Tôi không cần vũ khí nào khác ngoài vũ trang bằng kinh tế luận của Marx mà tôi được học đi học lại không dưới ba lần.
"Nếu gọi giá trị hàng hóa là W, thì ta có công thức: W = c + v + m. Đó chính là những chi phí lao động thực tế của xã hội để sản xuất hàng hóa. Nhưng đối với nhà tư bản, để sản xuất hàng hóa, họ chỉ cần chi phí một lượng tư bản để mua tư liệu sản xuất (c) và mua sức lao động (v). Chi phí đó gọi là chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa, được ký hiệu là k. Theo đó, k = c + v. Nếu dùng k để chỉ chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa thì công thức W = c + v + m sẽ chuyển hoá thành: W = k + m.
Giữa chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa và giá trị hàng hóa có sự khác nhau cả về chất và về lượng.
Về chất, chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa chỉ là sự chi phí về tư bản còn giá trị hàng hóa là sự chi phí thực tế của xã hội để sản xuất ra hàng hóa. Chi phí thực tế là chi phí về lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra hàng hóa.
Về lượng, chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa luôn nhỏ hơn chi phí thực tế, tức là giá trị của hàng hóa, vì rằng W = k + m thì k = W - m. Đối với nhà tư bản, chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa là giới hạn thực tế của lỗ lãi kinh doanh nên họ ra sức "tiết kiệm" chi phí sản xuất này bằng mọi cách". (hết trích)
Hậu quả, "tiết kiệm" của chủ nghĩa tư bản là để gia tăng giá trị thặng dư, Marx nói, một trong những "tiết kiệm" thô bỉ nhất của chủ nghĩa tư bản là bóc lột tiền công của người lao động.
Điều Marx nói không còn đúng với chủ nghĩa tư bản hiện đại. Nhưng nếu sự thô bỉ ấy đúng với chủ nghĩa tư bản hoang dã thì nó còn đúng bội phần so với thứ kinh tế thị trường định hướng XHCN mà ngành điện đang thực thi. Không chỉ bóc lột tiền công lao động của công nhân, ngành điện đang vơ vét cạn kiệt tài nguyên quốc gia, từ rừng, nguồn nước đến than đá trong lòng đất bằng sự ưu đãi tối đa với chi phí thấp nhất. Và quan trọng hơn, trong thế độc quyền, ngành điện đã bóp cổ người nghèo, bóp cổ luôn các doanh nghiệp trong thế phải tiêu thụ điện bằng trò tăng giá cả theo thị trường thế giới mà quên rằng, thị trường thế giới thực hiện giá cả dựa vào đúng nguyên tắc chi phí đầu tư, chi trả tiền công lao động thỏa đáng và nguyên tắc cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng.
Các ngài lãnh đạo đều có bằng lý luận chính trị cao cấp, hiển nhiên không khó hiểu điều tôi nói trên, trừ phi các ngài mua bằng hơn là đi học như một người học tử tế.
Bài viết của tác giả Trần Đình Thu dưới đây cho ta thấy cái quái thai kinh tế của ngành điện được bảo kê bởi Bộ Công thương.

Ngô Thế Bính - Đắt hay rẻ theo tôi cần phải so với thu nhập bình quân của từng nhóm khách hàng. Ngành điện cũng như nhiều ngành hàng độc quyền khác đều có thể áp dụng chính sách giá phân biệt cho các nhóm khách hàng khác nhau, nhưng tổng doanh thu và tổng lợi nhuận cho toàn bộ ngành không đổi và có thể tăng. Nhìn bảng giá điện bạn sẽ chẳng phân tích được gì vì không thể hiện quy mô cũng như cơ cấu (có thể co giãn) của cầu tiêu thụ điện theo các nhóm khách hàng khác nhau. EVN có thể tha hồ móc túi bạn mà vẫn được tiếng là 'bảo đảm chính sách xã hội'. Tóm lại botay.com !

NHỮNG PHÙ PHÉP SO SÁNH GIÁ ĐIỆN ĐÁNH LỪA NHÂN DÂN VÀ DÀN ĐỒNG CA BÁO CHÍ PHỤ HỌA CHO BỘ CÔNG THƯƠNG

TRẦN ĐÌNH THU/ BVN 3-5-2019

Khi chuẩn bị tăng giá điện, ngày 21 tháng 3 năm 2019, Bộ công thương tổ chức một cuộc hội thảo lót đường và thật buồn khi nhiều nhà báo của một số tờ báo tiếp tay cho luận điệu của Bộ công thương cho rằng giá điện Việt Nam thấp nhất thế giới nên việc tăng là hợp lý. Luận điệu này phát ra từ miệng ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Bộ Công thương tại buổi tọa đàm và các nhà báo cứ thế mà đồng ca theo, bất chấp sự thật thế nào.
Sau khi báo đồng ca xong thì có một số facebooker bắt đầu đồng ca trong đó có vài facebooker vốn là những nhà báo có tâm mà tôi luôn tôn trọng họ. Không rõ họ đồng ca vì họ không nhận thấy nguyên nhân hay những lý do nào khác khiến họ viết như cái máy phát của Bộ Công thương?
Giá điện Việt Nam có thực sự thấp như họ nói hay không?
Để phân tích giá điện Việt Nam cao hay thấp trước hết tôi đưa số liệu điện của Việt Nam và một số nước khác.
Theo số liệu trang Vietstock.vn thì năm 2015 điện Việt Nam có giá bán là 7,58 cent/kWh, Mỹ có giá bán là 10,2 cent/kWh.
Và giá điện Trung quốc khi đó là từ 7,5 – 10,7 cent/kWh, Pháp 15,85/cent kWh, Na Uy 16,58/cent kWh…
Đây là so sánh tuyệt đối, nghĩa là không tính đến điều kiện sản xuất. Và Bộ công thương đã lấy sự so sánh giá này để làm cơ sở cho hoạch định việc tăng giá điện.
Việc dùng số liệu so sánh tuyệt đối để làm cơ sở hoạch định chính sách là một cách làm hồ đồ phản khoa học mà lẽ ra phải dùng phép so sánh chi phí để tạo ra một đơn vị điện năng của từng nước.
Như số liệu giá điện Việt Nam thấp hơn Mỹ khoảng 0,7 lần nhưng các chi phí để làm ra 1 kWh điện của Việt Nam thấp hơn của Mỹ hàng chục lần. Chẳng hạn mức lương của kỹ sư điện Việt Nam chỉ cỡ 800 USD/tháng nhưng kỹ sư điện Mỹ lên đến 7 ngàn USD/tháng, kỹ sư tin học lên đến 9.000 USD/tháng.
Chúng ta có thể dẫn chứng nhiều chi phí khác ở Mỹ và Việt Nam để thấy rằng nhìn chung để sản xuất ra cùng 1 kWh điện, các khoản chi ở Việt Nam đều thấp hơn Mỹ nhiều lần, trong khi giá thành điện chỉ thấp hơn 0,7 lần. Vậy thì giá điện Việt Nam cao hay thấp?
Tương tự như thế, giá điện của các nước Pháp hay Na Uy ở trên chỉ cao gấp đôi Việt Nam nhưng các chi phí khác của họ cũng sẽ cao hơn gấp hàng chục lần.
Thế thì giá điện ở Việt Nam phải nói là siêu cao chứ không phải là cao nữa, trong khi Bộ Công thương nói là thấp để đòi tăng giá.
Việc Bộ Công thương chỉ lấy bảng giá điện các nước ra để so sánh mà không lấy chi phí của các nước và chi phí của Việt Nam kèm theo cho thấy một cách làm hồ đồ dối trá.
Ngoài việc các chi phí ở Việt Nam thấp, thì Việt Nam còn có các điều kiện để có thể kéo giá xuống thấp hơn nhiều nữa mới phải vì ngành điện Việt Nam được thừa hưởng những lợi thế nhiều mặt mà tôi xin phân tích dưới đây.
Thứ nhất là Việt Nam đang dùng nhiều điện từ thủy điện với giá thấp. Số liệu cho thấy vào năm 2015, lượng điện từ thủy điện của Việt Nam chiếm đến gần 35% tổng lượng điện tiêu thụ.
Các nhà máy thủy điện lớn ở Việt Nam đa phần được xây dựng từ khá lâu, đến nay có nhiều công trình có thể đã hoàn vốn. Mặt khác các công trình thủy điện Việt Nam thường có các đặc điểm là nguồn vốn được ưu đãi, chi phí bồi thường giải tỏa không cao vì một phần là đất công của nhà nước phần khác nhân dân chấp nhận hy sinh, nên theo tài liệu của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, giá thành điện sản xuất từ thủy điện Việt Nam chỉ bằng 15-20% giá thành từ nhiệt điện.
Song song với nguồn điện thủy điện, thì những năm gần đây Việt Nam sử dụng khoảng 30- 35% nhiệt điện dùng khí đốt từ nguồn khí đốt khai thác tại chỗ của Việt Nam nên có lợi thế rất lớn để giảm giá thành điện.
Về mặt truyền tải điện thì EVN cũng được thừa hưởng hệ thống truyền tải có sẵn từ trước ở 2 miền với hệ thống các đường dây 220 kV, đặc biệt đường dây kết nối Bắc Nam 500 kV được đầu tư bằng sức người sức của của cả nước, không phải tính vào giá thành sản xuất như các nước tư bản.
Về cơ sở vật chất như đất đai nhà xưởng thì EVN cũng được cấp.
Như vậy thì EVN đã làm gì để giá điện Việt Nam cao lên gần bằng giá điện Mỹ mà còn đòi tăng thêm giá?
Nói thẳng ra, EVN, là cái nôi của lãng phí của công, của điều hành quản lý kém, của sử dụng nhân sự con cha cháu ông loại bỏ người có năng lực ra ngoài và nhiều thứ xấu xa khác vì nó hội tụ 2 điều kiện lý tưởng cho thực trạng này, đó là doanh nghiệp nhà nước và là doanh nghiệp kinh doanh độc quyền. Và vì thế nếu phải tăng giá thì chỉ do EVN đã gây ra quá nhiều tốn kém trong quản lý mà thôi.
Câu chuyện điện còn dài nhưng có một điều thế này tôi muốn hỏi ông Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn, khi so sánh thì ông đem đủ giá điện của các nước vào đây làm phù phép để mờ mắt các nhà báo, còn các ông làm phương án giá điện Việt Nam thì các ông lại đóng vào con dấu “mật” vào để chả ai có thể đọc để hiểu đầu cua tai nheo gì hết thì là sao? Các ông chi phí những gì chi thế nào để làm thành giá thành điện sao các ông không công khai cho nhân dân xem mà giấu giấu giếm giếm bằng văn bản mật như thế rồi bảo là giá điện Việt Nam thấp?
Lời cuối tôi dành cho các nhà báo có tâm, xin hãy tìm hiểu tận cùng gốc ngọn để lên tiếng, đừng vô tình biến thành người phát ngôn của Bộ Công thương.
T.Đ.T.
BẢN CHẤT CỦA GIÁ ĐIỆN CỦA EVN
NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 3-5-2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét