Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2019

20190511. NGHĨ VỀ TINH HOA ĐẤT VIỆT HIỆN NAY

ĐIỂM BÁO MẠNG

VÌ SAO THẾ HỆ CÁN BỘ SAU ÍT NGƯỜI TÀI HƠN TRƯỚC ?

QUỐC PHONG / TVN 8-5-2019

Vì sao thế hệ cán bộ sau ít người tài hơn trước?
Vì sao thế hệ cán bộ sau ít người tài hơn thế hệ trước?
Tuần Việt Nam/ Báo VietNamNet mới đây đăng bài viết ‘Thế hệ sau ít người tài hơn thế hệ trước’ của nhà nghiên cứu, phê bình văn học Vương Trí Nhàn.  Ông cho rằng: “Người ta cứ nói xã hội nhiều khủng hoảng nhưng với tôi khủng hoảng lớn nhất là con người. Thế hệ sau ít người tài hơn thế hệ trước...”
Y kiến này rất đáng suy ngẫm chỉ trên khía cạnh chất lượng cán bộ trong năm, sáu thập kỷ qua. 
Phải nói rằng người tài thuộc nhiều lĩnh vực là rất nhiều. Vấn đề là số lãnh đạo yếu kém, vô cảm trước những người dân gặp khốn khó thì không ít và phẩm chất, lý tưởng cách mạng nơi họ không còn như thế hệ cán bộ ngày xưa. Ngày trước, đã là người lãnh đạo thì lý tưởng cách mạng, khát vọng phấn đấu, mong muốn được cống hiến luôn được đặt lên trên hết. 
Chúng ta hẳn cũng biết, bằng cấp của các thế hệ lãnh đạo đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều không hẳn là cao. Trong số đó, có người còn chưa học tú tài hoặc chỉ đến cấp tú tài hay cao đẳng. Cả Bộ Chính trị các khoá 2, 3 tìm mỏi mắt cũng không có ai tốt nghiệp đại học, chứ chưa nói tới học vị tiến sĩ. 
Nhưng các lãnh đạo tiền bối ấy lại có một nền tảng chính trị, văn hoá, quân sự... hết sức vững chãi mà các thế hệ sau có lẽ rất khó bì nổi. Họ coi việc tự học là nhiệm vụ bắt buộc để có đủ kiến thức lãnh đạo khi Đảng tin tưởng phân công. 
Như trường hợp đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một ví dụ điển hình. Ông không chỉ là nhà quân sự tài năng mà còn là nhà chính trị xuất sắc nhờ chịu học từ chính anh em cấp dưới. Là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông mời từng nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, hoạ sĩ... có trình độ, kiến thức và uy tín đến cơ quan giảng giải cho ông nghe về từng lĩnh vực văn nghệ. Vì thế, giới văn nghệ sĩ rất nể trọng ông. 
Theo tôi biết, thế hệ lãnh đạo ngày ấy viết báo, viết sách thực thụ, bằng tư duy, công sức của mình chứ không nhờ người khác chấp bút còn mình đứng tên. Các trợ lý, thư ký giúp việc có muốn tự thay, thêm vào bài viết của các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng... một dấu chấm, dấu phảy cũng không hề đơn giản bởi những tư duy, suy tưởng ấy đã nằm trong đầu các ông trên nền tảng một “phông” kiến thức đồ sộ. 
Ngày nay, số cán bộ có trình độ học vấn thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư ngày càng đông đảo. Không chỉ ở các cấp trong Trung ương, các bộ, ngành, tỉnh thành mà ngay cấp cơ sở, có khi chỉ một trưởng phòng chuyên môn cấp huyện mà cũng đã là thạc sĩ, tiến sĩ. Nghe ra thì rất đáng mừng, nhưng thực tế lại có những điều không đơn giản vậy. 
Như mới đây, báo chí xới lại chuyện của hơn năm trước về một vị quan chức phụ trách lĩnh vực tài nguyên môi trường thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông xưng “mày, tao”, chửi dân như hát, thách thức dân như dân chợ búa. Chẳng biết vị này có bằng tiến sỹ học hành thâm sâu đến đâu nhưng hành xử dưới mức trung bình như vậy. 
Rồi trường hợp Trịnh Xuân Thanh. Sau khi trốn ra nước ngoài hòng thoát tù tội, ông ta buộc phải trở về. Đơn xin đầu thú ông ta viết tại cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khiến người ta khó tin nổi một cán bộ lãnh đạo tỉnh, là nguồn để quy hoạch làm thứ trưởng bộ Công thương mà viết một văn bản ngắn ngủi cũng đầy lỗi chính tả! 
Tôi không nghĩ trong số cán bộ lãnh đạo của hệ thống nước nhà có nhiều người tương tự như thế, nhưng những trường hợp nêu trên, đáng buồn, lại không phải là hy hữu. 
Dường như, xưa kia, cán bộ, lãnh đạo của chúng ta thường tự học để nâng cao kiến thức, qua đó theo kịp với thời cuộc. Không như một số vị bây giờ học để lấy bằng cấp cho sang, cho oai, muốn đi học thêm và rất thích đi học, bởi qua đó sẽ có được cái mác danh giá về học hàm, học vị, chờ có thời cơ là lấy nó ra để cân, đong, đo, đếm so đo với đồng nghiệp, rồi mong cất nhắc ghế này, ghế nọ. 
Vì đâu nên nỗi? Nếu căn nguyên xuất phát từ cái nôi giáo dục của chúng ta chưa ổn thì đó là cái gì? Ở đây tôi chỉ xin đề cập sơ qua câu chuyện đầu vào đại học nóng ran những tháng ngày qua. 
Scandal chạy điểm kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 bị phát hiện đã cho thấy khâu tuyển sinh có những lỗ hổng đáng sợ vượt ngoài tưởng tượng. Nếu vụ việc tiếp tục được mở rộng điều tra thêm các tỉnh khác, e rằng sẽ còn không ít sai phạm tương tự “lộ sáng”. 
Như vậy thì sẽ tệ hại vô cùng nếu nghĩ sâu xa đến giang sơn xã tắc. Người giỏi bị thui chột, mất niềm tin vào sự công chính, trong khi người không đủ năng lực nhưng thừa tiền, thừa quan hệ lại ung dung vào đại học, ra trường lại “chạy” vào chỗ ngon, chạy để được làm lãnh đạo. 
Bi kịch của đất nước nhiều khi cũng xuất phát từ đây. Đó là người giỏi thì không có chỗ làm trong nhà nước, buộc phải ra đi, không muốn trở về Tổ quốc bởi sợ phải làm tớ cho thằng dốt, sợ phải làm việc trong một môi trường không lành mạnh, nặng về phe phái, bè cánh. 
Trong khi thế giới người ta đã chuyển từ việc tuyển dụng dựa vào bằng cấp sang nhân lực sở hữu kỹ năng cụ thể, vào thực lực, thì ở ta bệnh sính bằng cấp, sính danh vẫn trầm kha. Tất yếu nhiều người sẽ chỉ lo “chạy” cho có tấm bằng chứ học thật thì lại thờ ơ. 
Đó chỉ là lát cắt nhỏ bé trong vô vàn vấn đề của ngành giáo dục mà nhiều người cho rằng đã cần gióng lên hồi chuông, cần cải tổ lại thật căn cơ, trả lại sự trung thực. Có như vậy tương lai nước nhà mới có được nguồn nhân lực, cán bộ tốt, đủ sức đảm đương lãnh đạo, quản lý đất nước, phục vụ bộ máy chính trị, người tài mới không vắng bóng vì đã tìm “bến đỗ” phương xa.
Còn nếu không, nguy cơ suy vong cũng sẽ đến từ chính nền giáo dục nước nhà. 
Quốc Phong
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

TẦNG LỚP TINH HOA ĐẤT VIỆT ĐANG Ở ĐÂU ?

TRƯƠNG QUANG ĐỆ/ viet-studies 7-5-2019

Ở Phương Tây, khi trật tự thế giới bất ổn, kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu; khi trong nước bất công xã hội nghiêm trọng vô phương cứu chữa, người ta thường nghĩ rằng đó là do SỰ VẮNG BÓNG CỦA CHÚA. Ở nước ta hiện nay, khi nạn gian lận đểm thi tràn lan, khi nạn chạy chức chạy quyền xẩy ra nhiều mơi, nhiều cấp, khi các tệ nạn cờ bạc, xâm hại tình dục được phát hiện ngay trong giới quan chức cao cấp….ta đành phải nghĩ đến SỰ VẮNG BÓNG CỦA GIỚI TINH HOA.
Mọi người thấy ngay việc gian lận điểm thi cũng như việc chạy chức chạy quyền sẽ đưa một thế hệ yếu kém năng lực, yếu kém phẩm chất vào những vị trí then chốt trong thượng tầng kiến trúc xã hội, sẽ làm mục ruỗng thượng tầng và làm cho ngôi nhà trí tuệ của đất nước sụp đổ. Sự nghiệp thiêng liêng của đất nước sẽ không còn được giới tinh hoa đảm trách nữa mà sẽ rơi vào tay một số kẻ vừa bất tài vừa dối trá.
Trong lịch sử cũng có xẩy ra việc nâng điểm thi. Trường hợp nâng điểm thi có thể công khai như có lần trò QPH thí sinh tự do thi thành chung ở trường Bưởi những năm đầu thế kỷ 20. Cậu đạt điểm cao hầu hết các môn, trừ môn Hán văn bị 0 điểm.  Cậu chỉ biết viết tên họ mình mà thôi, không làm thêm được gì. Ban giám khảo thấy cần chiếu cố trường hợp đặc biệt này nên đề nghị giám khảo môn Hán văn cho cậu ¼ điểm. Thế là cậu không những đỗ mà được xếp vào loại đỗ cao. Cậu QPH sau này cố sức học chữ Hán và trở thành một học giả uyên thâm vừa Nho học vừa Tây học. Có trường hợp phụ huynh chạy xin cho con được nâng ½ điểm để thoát khỏi bị loại, thế thôi. Còn trường hợp như các tỉnh phía Bắc hiện nay nâng 0 điểm thành 9 điểm, nâng 1,5 điểm thành 9,2 điểm  là hành vi lưu manh hạ đẳng; những em học sinh được nâng điểm không mặc cản gì mà còn “thơn thớt nói cười” như em thủ khoa dỏm ngành Ngữ văn thuộc một  Đại học ở Hà Nội vừa qua thì đúng là hiểm họa cho đạo đức, dân trí và đời sống văn hóa nói chung của dân tộc.
Nhưng giới tinh hoa (élite-cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp) là gì? Những người ưu tú, tức là những người thuộc lớp tinh hoa, có những phẩm chất gì? Những điều này cần được phân tích không những về mặt khoa học mà cả về mặt trải nghiệm xã hội qua các giai đoạn lịch sử nữa. Các tự điển bách khoa định nghĩa ngắn gọn: “Giới tinh hoa bao gồm những phần tử ưu tú nhất của một cộng đồng”. Xã hội loài người từ xưa đến nay, từ các chế độ vua chúa anh minh hay tàn bạo đến các chế độ cộng hòa hay quân chủ lập hiến đều do những phần tử thuộc giới tinh hoa nắm quyền. Nếu họ không trực tiếp nắm quyền hành pháp, lập pháp hay tư pháp thì ảnh hưởng của họ, lối sống của họ, cách ứng xử của họ sẽ dẫn đường cho dân chúng.
Tiêu chuẩn đạo đức của giới tinh hoa làm hành lang an toàn cho mọi hoạt động xã hội. Tầng lớp tinh hoa được hình thành tự nhiên từ nhiều bộ phận dân chúng. Trước hết đó là những gia tộc dòng dõi tồn tại đời này sang đời khác với truyền thống gia tộc khá bền vững. Tiếng tăm các gia tộc ấy được lưu truyền rộng rãi khắp nơi và qua nhiều thế hệ. Một gia tộc danh tiếng là một kho lưu trữ văn hóa từ đời các cụ kỵ ngày trước đến những đứa trẻ hiện thời.
Người Việt ai cũng biết các dòng họ nổi tiếng trong lịch sử như dòng Ngô Gia xứ Bắc với các khuôn mặt Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Sỹ và các tác giả “Hoàng Lê nhất thống chí”; gia tộc họ Nguyễn Tiên Điền với Nguyễn Du, Nguyễn Nghiễm; dòng Phan Huy với Phan Huy Chú, Phan Huy Ích ở Hà Tĩnh, các dòng Nguyễn Khoa, Tôn Thất ở cố đô Huế vv. Những cá thể không thuộc dòng họ nào quan trọng cũng có thể tham gia tầng lớp tinh hoa nếu có trình độ học vấn nào đó.
Trước cách mạng, học ban tú tài là thuộc “tầng lớp trên” rồi. Sinh viên thì đương nhiên được coi là thuộc tầng lớp tinh hoa. Các danh hiệu “con nhà nòi”, học sinh, sinh viên, nhà giáo, văn sỹ, thầy thuốc…được coi như căn cước hay giấy thông hành để đi lại, giao tiếp. Người dân bình thường lấy giới tinh hoa làm chuẩn mực, làm mục tiêu phấn đấu. Đối với giới tinh hoa, người dân có lòng tin cậy gần như tuyệt đối. Và do đó một sự ngưỡng mộ tự nhiên. Giới tinh hoa thường được đặt ra ngoài những vụ việc như trộm cắp, lừa đảo, ăn nói thô tục, võ biền, bạo lực. Cách ứng xử như vậy vẫn còn thấy hồi đầu Hà nội được tiếp quản từ quân viễn chinh Pháp. Một hôm tôi cùng một anh bạn đi thuê xe đạp để đi chơi ra ngoại thành Hà Nội. Ông chủ tiệm hỏi chúng tôi giấy tờ về nhân thân. Chúng tôi đinh quay về nhà lấy giấy tờ thì ông chủ nói: “Các cậu là sinh viên phải không?”. “Dạ phải”, chúng tôi trả lời. Ông chủ vui vẻ nói tiếp: “Thôi không cần giấy tờ gì, các cậu chọn xe đi!”. Thế đó, đã là sinh viên thì chiếm được lòng tin của mọi người. Đi loanh quanh xem ngoại thành Hà Nội hết buổi chiều, khi về đến nhà trọ thì trời đã tối. Chủ nhà, một bác thợ may vui tính, hiền lành mở cửa và trước một nhóm đông người đang chơi tổ tôm ngước nhìn chúng tôi với vẽ sợ hãi, cảnh giác, bác giới thiệu: Bà con yên tâm, các cậu đây là sinh viên, không có gì phải ngại cả”. Vậy đó, giới tinh hoa không có thói quen tố giác người khác. Sau này hành vi đó bị quy là tiểu tư sản.
Thời trẻ tôi đã đã trải qua những tình huống bị qui là tiểu tư sản. Không biết nói tục: tiểu tư sản. Cám ơn, xin lỗi: tiểu tư sản. Nhường đường khi đi xe: tiểu tư sản. Lịch sự với phụ nữ: tiểu tư sản…Danh sách còn dài dặc. Thế thì “tiểu tư sản” là cái gì mà tệ hại như vậy? Phải ngược dòng lịch sử mới thấu hiểu được. Nguyên lý thuyết giai cấp của Mao chia dân chúng thành ba thành phần: cơ bản, đối kháng và trung gian. Công nhân, bần cố nông và trung nông lớp dưới thuộc thành phần cơ bản; phú nông, địa chủ, tư sản thuộc thành phần đối kháng; những bọ phận dân chúng còn lại : trung nông lớp trên, tiểu thương, tiểu chủ, trí thức, người làm nghề tự do như thầy lang, thầy giáo, nhà tu hành…làm thành tầng lớp trung gian, hay còn có tên là tầng lớp tiểu tư sản. Thành phần này không phải là đối tượng cách mang, đối tượng đấu tranh giai cấp nhưng họ giao động, khi thì thuộc về ta, khi thì theo đối kháng. Những thành phần tư hữu này, theo lí luận kinh điển, hàng ngày hàng giờ biến thành tư sản. Tóm lại họ chỉ là bạn đường có điều kiện, lâu dài hay tùy giai đoạn của cách mạng.
Ngày trước, giới tinh hoa trong nước cũng như ngoài nước có điểm chung là sự trung thực, coi trọng danh giá một cách nghiêm ngặt. Phần lớn quan thời phong kiến hay quan chức cỡ to thời Pháp thuộc sắp đặt tương lai cho con cái chỉ dựa trên thực chất, tức là năng lực thật sự mà ít khi nghĩ đến việc chạy chọt hay gian lận.
Trong thời gian làm việc ở nước ngoài tôi có dịp được một vị quan chức nhà nước cỡ khá to mời ăn tối tại gia đình. Vị quan chức là một nhà trí thức lớn, danh tiếng ra khỏi biên giới quốc gia. Cô con gái của ông, tên là Mariana, chừng 25 tuổi rất dễ mến, hiếu khách, tiếp chuyện tôi chân tình và đặt nhiều câu hỏi về tình hình Việt Nam. Tôi nghĩ bụng cô này chắc phải làm gì quan trọng với vị thế “con nhà nòi”. Hôm sau trên đường đi dạo buổi chiều tôi tạt vào một quán nhỏ bên đường bán các loại kem và nước giải khát. Tôi ngạc nhiên thấy Mariana đang liền tay phục vụ khách hàng. Nhân mấy phút vắng khách tôi hỏi Mariana để biết cô thâm nhập thực tế cho vui hay làm nghề này thực sự. Cô cho biết tuy con nhà trí thức lớn nhưng cô học hành khó khăn, ít năng khiếu nên khi ra đời cô chọn nghề bán hàng cho tiện. Bố mẹ cô cũng không có ý kiến gì. Cô Mariana chỉ là nhân viên bán hàng nhưng trong mắt khách hàng hay dân chúng gần đó, cô vẫn là “người lớp trên”, trong khi ông chủ, một thương gia Li-Băng tự coi mình thuộc đẳng cấp thấp hơn. Rõ ràng nếu bố của Mariana không thuộc tầng lớp tinh hoa thì ông sẽ chạy dễ như chơi cho con gái chân gì đó ở một Bộ hay một Viện nghiên cứu khoa học.
Ở Miền Bắc những năm 60-70 thế kỷ trước có một vị Bộ Trưởng Đại học và Trung học chuyên nghiệp bị đánh giá là tiểu tư sản, có lập trường giai cấp yếu kém.   Đó là vì ông chủ trương mọi nghiên cứu sinh trước khi được gửi đi nước ngoài  phải qua một kỳ sát hạch “minimum”, tức là kiểm tra kiến thức chuyên ngành đại học cơ bản. Phải qua được kỳ sát hạch mới được gửi đi học tiếp nước ngoài để làm luận văn trên đại học. Trong một thời gian dài chủ trương đó của ông Bộ Trưởng tiểu tư sản làm mất lòng giới quan chức kiên định lập trường giai cấp. Họ tung dư luận rằng Ông Bộ Trưởng tiểu tư sản chỉ biết nâng đỡ các thành phần không cơ bản mà lơ là hay dìm đi cơ hội cho con em cơ bản. Họ tự hỏi đất nước sẽ ra sao khi rơi vào tay con em các thành phần không cơ bản đó. Từ ngày đất nước thống nhất, ông Bộ Trưởng tiểu tư sản về hưu, kế đó việc du học được tự do không còn qui hoạch nữa nên giới kiên định giai cấp thở phào nhẹ nhõm.
Việc Bộ GDĐT mấy năm qua chủ trương thi cử nghiêm chỉnh nhằm đưa mọi hoạt động vào khuôn khổ nhà nước pháp quyền cũng là một chủ trương tiểu tư sản. Nếu thi cử nghiêm túc ở mọi cấp thì con em thành phần cơ bản, hiện nay được hiểu là con em cán bộ tầm cỡ, sẽ ra sao? Vì vậy hậu duệ của giới kiên định giai cấp ngày trước, trong phạm vi một số tỉnh phía Bắc, ắt phải nghĩ đến việc nâng điểm thi cho con em cơ bản, tức là con em của họ.Về mặt khoa học mà nói, đây là qui trình tự nhiên trong một xã hội còn kỳ thị hoặc cố sức loại trừ giới tinh hoa.
Buồn thay, tầng lớp tinh hoa đất Việt, hiện giờ các người đang ở đâu?
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 2-5-19

BẢY CÁCH PHÁT HIỆN NHÀ BÁO QUỐC TẾ RỞM

NGUYỄN HÙNG/ VOA 9-5-2019

Hình trích xuất từ một bài báo đã bị xóa trên trang của Hội Nhà Báo, với chú thích nguyên thủy: "Chủ tịch Hiệp hội đối ngoại châu Âu – Tiến sĩ Pavel Janasek trao bằng Tiến sĩ danh dự chuyên ngành “Ngôn ngữ học” cho Nhà báo Quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn - Ảnh: Marie Leova"

Hình trích xuất từ một bài báo đã bị xóa trên trang của Hội Nhà Báo, với chú thích nguyên thủy: "Chủ tịch Hiệp hội đối ngoại châu Âu – Tiến sĩ Pavel Janasek trao bằng Tiến sĩ danh dự chuyên ngành “Ngôn ngữ học” cho Nhà báo Quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn - Ảnh: Marie Leova"
Cả tuần nay làng báo Việt Nam dậy sóng với chuyện hàng ngàn học sinh trung học ở Nghệ An và cả các lãnh đạo báo chí, kiểm sát và giáo dục bị “lừa” bởi một người tự xưng là nhà báo quốc tế.
Chữ lừa trên đây được để trong ngoặc kép vì chả chắc gì những người có mặt tại buổi tri ân của ông Lê Hoàng Anh Tuấn như phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, tổng biên tập Tạp chí Người Làm báo hay viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An… đã bị lừa thật.
Ông Tuấn tự nhận là tổng biên tập Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế và cũng còn là tiến sỹ danh dự được Vương quốc Anh công nhận. Ông về trường Trung học Phổ thông Nghi Lộc 3 để cảm ơn trường cũ và chia sẻ với các học sinh hiện tại của trường.
Ngoài trường trung học phổ thông này, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đã từng mời ông Lê Hoàng Anh Tuấn tham gia giảng dạy vì các nhãn mác ông tự dán cho bản thân.
Vậy có cách nào để nhận biết một nhà báo quốc tế rởm không? Thực ra có rất nhiều cách và chỉ cần trình độ trung học là đã có thể kiểm tra được rồi.
1. Nhà báo quốc tế ấy có thạo tiếng mẹ đẻ không? Thứ nhất hãy xem nguyên văn băng rôn mà chính ông Tuấn được cho là tự thiết kế và mang về trường Trung học Phổ thông Nghi Lộc 3 trong đó phần giới thiệu nhân vật ghi ‘NHÀ BÁO QUỐC TẾ. THẠC SĨ LUẬT HỌC. LÊ HOÀNG ANH TUẤN, TIẾN SĨ’. Tiếp theo đó là ‘TIẾN SĨ DANH DỰ TỪ VƯƠNG QUỐC ANH’ và ‘TỔNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ CHỐNG THAM NHŨNG & HỢP TÁC QUỐC TẾ. Chỉ nhìn cách sử dụng mấy dấu chấm, dấu phẩy cùng với việc sắp xếp thứ tự chức danh là đã thấy nhà báo này tiếng Việt cũng chẳng thạo.
Trước khi về trường cũ, mà sau người ta tra ra không thấy có học sinh nào là Lê Hoàng Anh Tuấn cả, nhà báo quốc tế đã xuất hiện tại một sự kiện khác trong đó ông chém gió về cách mạng 4.0. Ông nói: “Chúng ta phải làm gì với Cách mạng Công nghiệp 4.0? Đó chính là, chúng ta phải thách thức nó, phải gây chiến với nó. Tại sao? Là bởi vì, một cá nhân, một tập thể, một quốc gia muốn phát triển bền vững thì không thể thiếu sự thành công trong đối nội và đối ngoại, đối ngoại là cánh tay nối dài của đối nội, mà chính sách của đối ngoại chính là gây chiến, là thách thức, để thách thức được thì phải có "thế" và "lực". Đọc hiểu chết liền thế này mà cũng có trang mạng đăng và những người khác không chịu khó Google tên ông mà đọc để hiểu sự thông thái của nhà báo quốc tế thì thật lạ. Tôi cũng có gửi email cho nhà báo quốc tế theo địa chỉ trên danh thiếp – eagle@eafer.eu từ hôm 7/5 và giờ vẫn đợi hồi âm.
2. Trình độ tiếng Anh của nhà báo quốc tế thế nào? Một bài báo mà nay có vẻ đã bị xoá trên trang nguoilambao.vn nhưng vẫn được thế giới mạng lưu giữ cho biết ông Tuấn thông thạo tiếng Anh, Séc, Slovakia, Ba Lan. Bài báo được đăng nhân dịp ông Tuấn được giải thưởng báo chí tại châu Âu trích lời nhà báo quốc tế nói: “Và từ trái tim, tôi xin cảm ơn “sự cố tồi tệ” của quá khứ, bởi “pain past is pleasure”, tạm dịch là “sự đau đớn của quá khứ thì hiện tại là hạnh phúc”. Tôi sống ở Anh gần 20 năm nay chưa bao giờ nghe thấy người ta nói tiếng Anh như thế. Và khả năng dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt thế này thì có lẽ người Việt cũng không hiểu nhà báo muốn nói gì. Bài báo cũng từng được một trang mạng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đăng tải nhưng nay cũng đã bị gỡ bỏ. Tìm tên nhà báo xem có sản phẩm báo chí nào bằng tiếng Anh không thì kết quả là không có bài nào cả.
3. Địa chỉ email của nhà báo có đáng tin không? Thứ nhất địa chỉ eagle@eafer.eu nghe rất kỳ. Eagle tiếng Anh là con đại bàng còn eafer là viết tắt của European Association for External Relations, tức Hiệp hội đối ngoại châu Âu. Thường những người làm cho các công ty nước ngoài thường có địa chỉ email là tên.họ@têncôngty.co.tênnướcviếttắt, chẳng hạn khi tôi còn làm cho BBC email của tôi là hung.nguyen@bbc.co.uk.
4. Nhà báo quốc tế có trang web nào không? Vào trang eafer.eu chỉ thấy vỏn vẹn 15 dòng ngắn ngủi giới thiệu Hiệp hội đối ngoại châu Âu, không thấy ảnh hay bất cứ tài liệu nào khác.
5. Hiệp hội đối ngoại châu Âu có thật không? Nghe tên hiệp hội người ta cứ nghĩ đó là một tổ chức đối ngoại của Liên minh châu Âu EU nhưng thực ra không phải vậy. Trang web eafer.eu của hội mới được đăng ký ngày 23/10/2017 bởi một người có email pavel@janasek.eu và có địa chỉ ở Praha. Trang web được đặt tại máy chủ ở Cộng hoà Séc. Hiệp hội tự nhận xuất bản Tạp chí Chống tham nhũng & Hợp tác quốc tế. Rồi chính người có email đăng ký trên, ông Pavel Janasek lại là người đứng tên trao cái gọi là “giải thưởng báo chí” cho ông Tuấn hồi tháng 8/2018. Như vậy ông Chủ tịch Hiệp hội đứng ra xuất bản tạp chí kia lại trao giải cho ông tổng biên tập tạp chí nhà trồng được. Thật là màn hề mà chỉ có những ai ngớ ngẩn mới có thể tin được.
6. Tạp chí của nhà báo quốc tế có thật không? Thời buổi này cái gì thuộc về lĩnh vực xuất bản mà Google không ra thì khó có của thật. Cái gì không có trên mạng xã hội cũng khó có thật. Và một tạp chí quốc tế không có nổi một trang web là đáng ngờ. Trong thời buổi thông tin số mà lãng phí ba cơ hội để người ta tìm đọc mình – trang mạng riêng, công cụ tìm kiếm, và mạng xã hội – thì không đáng gọi là tạp chí quốc tế. Tôi có tìm ra duy nhất hình ảnh của tạp chí trên một trang mạng của Cộng hoà Séc. Trang này cũng nói tạp chí đã xuất bản được 13 số. Tôi đã email đề nghị được xem hình chụp vài trang của tạp chí và đang đợi họ trả lời.
7. Bằng Tiến sĩ danh dự của nhà báo quốc tế có thật không? Đọc bài đã bị xoá trên trang của Hội Nhà báo nhưng vẫn còn bản sao đã có thể thấy màn lừa đảo quen thuộc lại được lặp lại. Người ta lại thấy người thay mặt Đại học Leeds của Anh trao bằng chính là ông Pavel Janasek. Chỉ cần vào trang web của Đại học Leeds là thấy danh sách 15 người được trao bằng Tiến sỹ danh dự trong năm 2018, đứng đầu là cây piano tài ba người Trung Quốc Lang Lang. Trường cũng có danh sách tất cả những người đã từng được trao bằng danh dự từ năm 1904. Tôi tìm xem kể từ khi tôi sang Anh năm 2000 đã có người Việt nào trong danh sách chưa và kết quả là chưa có ai.
Mọi sự đã rõ ràng thế mà ông nhà báo quốc tế vẫn còn tiếp tục nói đã gửi hồ sơ tới tổ chức quốc tế để họ gửi công hàm sang Việt Nam làm rõ trắng đen. Khi được phóng viên Tiền Phong hỏi đó là tổ chức nào, ông Tuấn trả lời: “Đó là Chủ tịch Hiệp hội đối ngoại châu Âu -cơ quan chủ quản của Tạp chí chống tham nhũng và hợp tác quốc tế mà tôi đang phụ trách, có chỉ số ISSN quốc tế, trung tâm tại Pháp cấp, có giấy phép xuất bản của Bộ văn hóa Cộng hòa Séc.”
Mong nhà báo quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn nghĩ ra trò gì mới hơn được không? Trò chủ tịch rởm của hiệp hội rởm mới chưa đầy hai năm tuổi đó nhàm quá rồi.

Nguyễn Hùng

Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

ĐÔI LỜI VỚI GIÁO SƯ TƯƠNG LAI

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 10-5-2019

Tôi đã đọc gần hết các bài Mênh mông thế sự… của GS Tương Lai. Tôi cảm phục tinh thần, trí tuệ và tình cảm của ông. Mênh mông thế sự… là những bài có nội dung sâu sắc và thời sự, có lập luận chặt chẽ, có dẫn chứng hấp dẫn, chúng rất có giá trị đối với những người thích nghiên cứu, sưu tầm. Tuy vậy các bài thường quá dài đối với số đông bạn đọc hiện nay. Nên chăng mỗi bài dài đem chia thành 2 phần, nội dung chính và bổ sung.
Nội dung chính trình bày cô đọng, cho mọi bạn đọc. Phần bổ sung được tách rời, kèm theo, dành cho những ai cần mở mang và hoàn thiện kiến thức. Tôi nghĩ, làm được như thế, sức lan tỏa của bài viết sẽ tăng lên nhiều.
Riêng trong bài MM thế sự…số 66 (Liệu có nhất thiết phải cái quan rồi mới luận định không nhỉ), tôi có đọc được một câu, muốn trao đổi vói GS và các bạn quan tâm. Đó là câu GS trích của Camus, ngụ ý đến tình hình của xã hội VN hiện nay: “Thời kỳ trí tuệ tự hạ mình đến mức chỉ để phục vụ cho thù hận và áp bức …”
Đọc xong câu trên tôi dừng lại để suy nghĩ. Thoạt đầu tôi thấy đúng, hay. Nhưng nghĩ kỹ thấy không phải như vậy. Không biết Camus viết ra câu ấy trong hoàn cảnh nào, nhưng xã hội VN hiện nay tệ hại hơn nhiều. Với VN dưới sự toàn trị của ĐCSVN thì không có chuyện “Trí tuệ tự hạ mình…”, mà chỉ có thể là: “Trí tuệ bị ép buộc phải hạ mình…”. Nhưng cũng không hẳn như vậy.
Trí tuệ hay Tinh hoa VN hiện có 2 loại: của dân và của Đảng.
Trí tuệ của dân do khí thiêng sông núi sinh ra. Trước và sau năm 1945, Đảng đã giương cao khẩu hiệu “Vì Độc lập” mà thu hút được nhiều trí tuệ như vậy. Nhưng rồi vì “Chuyên chính vô sản” mà Đảng đã xem trí tuệ của dân như “thế lực thù địch”. Một số bị tù đày, hủy hoại, số khác ra nước ngoài, số còn lại ẩn thân chờ thời. Với trí tuệ chân chính của dân thì ĐCS chỉ có thể đàn áp mà không thể nào ép buộc hạ mình.
Trí tuệ của Đảng là thứ rất đáng nghi ngờ. Brzezinski, trong sách “Thất bại lớn” nhận xét rằng, lãnh đạo Cộng sản có đặc điểm là kém trí tuệ nên trước sau chế độ cũng sẽ sụp đổ. Tuy lãnh đạo kém trí tuệ, nhưng ở Liên Xô trước đây, ở Trung Quốc và Triều Tiên hiện nay có chính sách đặc biệt ưu đãi những nhà khoa học đầu ngành nên khoa học của họ có một số mặt phát triển ở mức cao, đặc biệt là về khoa học phục vụ quân sự. Còn ở VN, không có cách làm như vậy. Các trí thức bắt buộc phải trung thảnh với Đảng, với học thuyết Mác Lê. Thế thì Đảng lấy đâu ra người tài giỏi, lấy đâu ra tinh hoa thực chất để xây dựng đội ngũ.
Như vậy, ĐCSVN thực chất không có trí tuệ đúng nghĩa, thế thì lấy đâu ra “Trí tuệ tự hạ mình…”. Có chăng là “trí tuệ dỏm cúa Đảng bị buộc phải hạ mình đến mức chỉ để phục vụ cho thù hận và áp bức …”.
Vài điều mạo muội do suy nghĩ phản biện mà thành. Mong GS Tương Lai và các bạn quan tâm, nếu có ý kiến phản bác xin gửi đến: ndcong37@gmail.com  hoặc gọi 0389 578 620.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét