Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

20180423. QUANH CHỦ ĐỀ 'THUẾ'

ĐIỂM BÁO MẠNG
THUẾ TÀI SẢN:  KHÔNG PHẢI ĐỂ TẬN THU!
PHẠM VĂN ĐẠI/ TBKTSG 23-4-2018
LTS: Dư luận xã hội sau buổi họp báo chuyên đề giới thiệu dự án Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính (hôm 13-4) nhìn chung là phản đối. Vì sao một sắc thuế vốn phổ biến ở các nước, nhưng ở Việt Nam mới chỉ là ý tưởng đề xuất đã bị phản ứng dữ đội? Liệu điều đó có xuất phát từ bản chất của loại thuế này, hay do nguyên nhân đặc thù nào khác? Nếu áp dụng thì nên xác định đối tượng chịu thuế, thuế suất... như thế nào? TBKTSG xin giới thiệu góc nhìn đa chiều của các chuyên gia kinh tế về vấn đề đang được đặc biệt quan tâm này.


Cải cách cơ cấu thuế cần hướng tới việc đa dạng hóa nguồn thu và tối thiểu hóa tác động của thu thuế đến sự vận hành hiệu quả của nền kinh tế thay vì tận thu cho chi tiêu ngân sách. Ảnh: Thành Hoa.
Dự thảo đánh thuế tài sản trong nội dung tờ trình của Bộ Tài chính lên Chính phủ mới đây đã gặp phải sự phản ứng mạnh từ dư luận. Thuế luôn nằm trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ giữa chính quyền và người dân, đặc biệt trong trường hợp của Việt Nam, khi ngân sách nhà nước có được từ thuế được sử dụng thiếu hiệu quả. Tuy nhiên, tách bạch giữa việc ngăn chặn tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách với việc đánh giá tính hợp lý và cần thiết của một sắc thuế là điều nên làm.
Tính khả thi của thuế tài sản
Trên thực tế, thuế tài sản đánh vào sở hữu bất động sản là sắc thuế quan trọng và được áp dụng phổ biến trên thế giới. Ví dụ ở Mỹ, đây là sắc thuế lâu đời nhất và đồng thời duy nhất hiện diện ở cả 50 tiểu bang. Không chỉ tại các quốc gia phát triển, sắc thuế này cũng có mặt ở cả các quốc gia trong khu vực ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia hay kể cả Campuchia. Thái Lan đang trong giai đoạn xem xét để ban hành sắc thuế này. Quốc gia có nhiều đặc điểm kinh tế tương đồng với Việt Nam là Trung Quốc cũng đang có kế hoạch áp dụng vào năm 2019 sau nhiều lần trì hoãn. Việc áp dụng sắc thuế này tại Việt Nam nằm trong xu hướng chung của các nước đang phát triển trong khu vực.
Ưu điểm
Sự hiện diện rộng rãi của loại hình thuế tài sản xuất phát từ những ưu điểm của nó.
Việc áp dụng thuế tài sản bắt buộc phải đi kèm với việc giảm các loại thuế khác, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp, để giảm gánh nặng thuế chung của cả nền kinh tế. Giảm chi tiêu ngân sách chứ không phải tăng thu thuế!
Thứ nhất, thuế tài sản được coi là thân thiện với sự vận hành hiệu quả của nền kinh tế thị trường, gây ra ít méo mó nhất lên hệ thống tín hiệu thị trường. Nếu như các loại thuế đánh vào thu nhập (thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân) sẽ làm giảm động lực của các thực thể trong nền kinh tế (doanh nghiệp, người lao động) hay các loại thuế đánh vào hàng hóa làm giảm tiêu dùng, thuế tài sản tác động ít hơn đến hành vi của các thực thể trong nền kinh tế. Vì nguồn cung đất gần như cố định, cân bằng cung - cầu thị trường sẽ ít bị ảnh hưởng dưới tác động của thuế. Ngược lại, thuế tài sản có tác động tích cực trong việc ngăn chặn đầu cơ và hình thành bong bóng tài sản, thúc đẩy việc sử dụng nguồn tài nguyên đất đai một cách hiệu quả hơn.
Trong một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) xuất bản năm 2009(1), kết quả nghiên cứu định lượng cho thấy thuế tài sản hỗ trợ tăng trưởng tốt nhất, thứ tự tiếp theo là thuế tiêu dùng, thuế thu nhập cá nhân và cuối cùng là thuế thu nhập doanh nghiệp. Kết luận này có thể càng đúng hơn với nền kinh tế có khu vực không chính thức lớn như Việt Nam, khi các loại thuế đánh vào thu nhập và tiêu dùng sẽ làm dịch chuyển nguồn lực sang khu vực phi chính thức, tăng tính không minh bạch của nền kinh tế.
Thứ hai, thuế tài sản mang tính lũy tiến và công bằng. Giá trị tài sản sở hữu có tương quan chặt chẽ đến mức thu nhập thực tế của người sở hữu ở hai giác độ. Một mặt tài sản có giá trị cao sẽ tạo ra nguồn thu nhập cao từ lợi tức tài sản cho người sở hữu, mặt khác người có thu nhập cao sẽ tích lũy tài sản bằng cách sở hữu các tài sản có giá trị. Do đó, thuế tài sản bản chất không phải là loại thuế lũy thoái như các sắc thuế đánh vào tiêu dùng. Nếu được thiết kế phù hợp nó sẽ mang tính lũy kế cao, đảm bảo tính công bằng khi người có thu nhập cao hơn, tích lũy được nhiều tài sản hơn sẽ chịu thuế nhiều hơn. Thuế đánh vào sở hữu bất động sản và các loại tài sản khác cũng đang được nhiều nhà kinh tế cổ xúy như một giải pháp thu hẹp khoảng cách thu nhập đang ngày càng giãn rộng giữa tầng lớp giàu có với mặt bằng chung của xã hội.
Thứ ba, đứng về phía phương diện quản lý, thuế tài sản có ưu điểm ở tính ổn định của nguồn thu, ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố chu kỳ kinh tế như các loại thuế đánh vào thu nhập và hàng hóa tiêu thụ. Khả năng trốn thuế được giảm thiểu khi cơ chế xác định giá trị tài sản theo giá thị trường khá minh bạch, dễ áp dụng. Đồng thời trong trường hợp người nộp thuế chây ỳ, không trả thuế, cơ quan quản lý có cơ chế hiệu quả để thực thi việc thu thuế bằng phát mại tài sản.
Cuối cùng, thuế tài sản có thể được sử dụng như một công cụ quản lý thị trường bất động sản hiệu quả, đặc biệt vấn đề sở hữu bất động sản của người nước ngoài tại Việt Nam. Trong giai đoạn hiện tại của Việt Nam, khi bong bóng bất động sản đang hình thành và mở rộng, việc triển khai sớm thuế đánh vào bất động sản sẽ là một công cụ giúp giảm hoạt động đầu cơ trên thị trường. Một mức thuế suất phù hợp cũng sẽ giúp giảm tình trạng dự án treo, tạo áp lực lên các chủ đầu tư dự án trong việc phát triển các dự án thay vì đơn thuần chiếm giữ nguồn tài nguyên đất đai của xã hội.
Và những nhược điểm
Thuế tài sản cũng như bất kỳ một loại thuế nào cũng có những nhược điểm không mong muốn. Thậm chí thuế tài sản nằm trong số những sắc thuế bị phản đối nhiều nhất, kể cả ở các quốc gia phát triển. Những nghiên cứu định lượng cho thấy lý do đóng vai trò quan trọng tác động đến phản ứng của người nộp thuế là họ phải đóng một khoản thuế trong một lần mỗi năm thay vì trải đều hàng tháng như với thuế thu nhập cá nhân hay trong mỗi lần mua hàng như thuế tiêu dùng. Việc đóng một lần gây hiệu ứng tâm lý lớn hơn và áp lực tài chính cho người nộp thuế.
Ngoài ra, thuế tài sản không dựa vào dòng tiền thu nhập nên có thể gây khó khăn về khả năng thanh khoản của người nộp thuế, đặc biệt là những người có giá trị tài sản lớn nhưng có dòng tiền từ thu nhập thấp, hoặc giảm đột ngột trong một khoảng thời gian. Việc áp dụng thuế tài sản cũng không tuyệt đối loại bỏ được các trường hợp lách luật để tránh nộp thuế. Ví dụ, ngưỡng tài sản bắt đầu chịu thuế là 700 triệu đồng có thể làm gia tăng việc đầu tư vào các sản phẩm bất động sản có giá trị thấp dưới ngưỡng, như đất nền tại các khu vực vùng ven.
Phải đi kèm với việc giảm các loại thuế khác
Việc ban hành sắc thuế đánh trên tài sản có lẽ chỉ là vấn đề thời điểm ở Việt Nam vì điều này nằm trong xu thế chung của các nước trong khu vực. Những lo ngại và phản ứng liên quan đến việc triển khai thực hiện thuế tài sản thực ra không phải nhắm đến bản chất của loại thuế này mà là gánh nặng thuế, phí chung mà khu vực tư nhân đang phải chịu. Mặc dù là một loại thuế có nhiều ưu điểm, việc thu thêm thuế tài sản nếu không đi đôi với việc giảm nguồn thu từ các loại thuế khác, đồng nghĩa với việc gánh nặng thuế của nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng lên, trong khi vốn đã rất cao. Theo số liệu từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), gánh nặng thuế (theo tỷ lệ thu từ thuế/GDP) của Việt Nam ở mức xấp xỉ 18% GDP trong năm 2016, cao nhất và gần gấp rưỡi mức tỷ lệ trung bình của các quốc gia ASEAN.
Cải cách cơ cấu thuế cần hướng tới việc đa dạng hóa nguồn thu và tối thiểu hóa tác động của thu thuế đến sự vận hành hiệu quả của nền kinh tế thay vì tận thu cho chi tiêu ngân sách. Việc áp dụng thuế tài sản bắt buộc phải đi kèm với việc giảm các loại thuế khác, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp, để giảm gánh nặng thuế chung của cả nền kinh tế. Giảm chi tiêu ngân sách chứ không phải tăng thu thuế!
(1) Johansson, Asa, Christopher Heady, Jens Arnold, Bert Brys, and Laura Vartia. "Tax and economic growth." European Economy 1 (2009): 71.

ĐÓNG THUẾ NUÔI NHÀ NƯỚC: TIỀN VỀ NƠI ĐÂU?

TÔ DI/ LUẬT KHOA/ BVN 21-4-2018

Mỗi buổi sáng, tôi uống một ly cà phê giá 30.000 đồng, hoá đơn ghi giá đó đã bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng. Tức là mỗi ngày tôi đều nhờ chủ quán nộp vào ngân sách nhà nước 2.727 đồng, một năm tôi trả gần một triệu đồng tiền thuế chỉ cho riêng việc uống cà phê.
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Luật Thuế tài sản, nếu dự thảo được thông qua thì tôi phải đóng thêm một loại thuế mới. Đã là thuế thì bắt buộc phải đóng, nhưng tôi thật sự lo lắng số tiền mà tôi đóng thuế từ trước đến giờ đã thật sự đi đâu, được sử dụng vào việc gì, đóng thêm một loại thuế mới này thì có được chi tiêu hiệu quả hay không?
Trong bài này, tôi sẽ đi tìm hành trình tiền từ túi tôi đã bay vào ngân sách nhà nước như thế nào.
Thuế – từ đâu, đi đâu và về đâu
Với thu nhập hàng tháng ít hơn 10 triệu đồng thì mỗi năm tôi phải nộp ít nhất hơn một nửa tháng lương vào kho bạc nhà nước cho thuế giá trị gia tăng khi đổ xăng, mua hàng ở siêu thị, đi ăn cùng bạn bè, gia đình và cả kể ly cà phê tôi uống mỗi sáng. Đó là tôi chưa tính việc đóng các loại thuế khác cũng như phí và lệ phí khi sử dụng dịch vụ công.
Theo Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, khoản thu từ thuế và phí và lệ phí chiếm hơn 80% tổng thu ngân sách, trong đó thuế giá trị gia tăng chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 28% tổng thu ngân sách.
Có thu thì phải có chi, vì “ngân sách nhà nước được quản lý thống nhất theo nguyên tắc tập trung dân chủ” theo Luật Ngân sách, quyết định phân chia tiền bạc như thế nào là do chính quyền trung ương toàn quyền quyết định, chính quyền địa phương chỉ biết vâng lời.
Chính phủ sẽ làm báo cáo dự toán ngân sách để xin Quốc hội phê duyệt hằng năm cho các khoản chi bộ máy ở trung ương và địa phương theo nhiều lĩnh vực khác nhau, tức là tiền thuế của tôi đến lúc này được chia cho nhiều cơ quan khác nhau sử dụng.
Trong biểu đồ dưới đây, chi đầu tư và phát triển là chi cho xây dựng cơ bản như đường xá, trường học, bệnh viện, hệ thống thuỷ lợi, v.v và các công trình xây dựng khác. Chi thường xuyên là chi cho việc vận hành bộ máy, tức là phần lớn là trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức làm cho các uỷ ban nhân dân, hội đồng nhân dân, quốc hội, chính phủ, các tổ chức xã hội – chính trị như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, v.v. cho đến các cơ quan vũ trang như công an, quân đội.
Hai biểu đồ trên dựa trên số liệu của báo cáo Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2018 được đăng công khai trang web của Bộ Tài chính. Điều 15 Luật Ngân sách 2015 quy định báo cáo dự toán ngân sách nhà nước hằng năm phải được công khai chậm nhất là năm ngày sau khi chính phủ đã gửi đại biểu Quốc hội và ủy ban nhân dân gửi đại biểu Hội đồng nhân dân.
Xem lại quá trình phê duyệt Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 thì ngày 26/10/2017, Bộ Tài chính công khai dự toán trên website, sáu ngày sau Quốc hội bắt đầu thảo luận, và 13 ngày sau Quốc hội bấm nút thông qua dự toán ngân sách năm 2018.
Như vậy chỉ có 19 ngày để người dân tham gia đóng góp ý kiến. Tổng chi cho bộ máy trung ương, các cơ quan, bộ ngành chiếm đến 79% tổng chi ngân sách. Và phần lớn cả ngân sách trung ương và địa phương được chi cho mục chi thường xuyên, như đã nói ở trên là chủ yếu dùng để trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra phát biểu “gây bão” năm 2013 khi còn ông là phó thủ tướng: “Trong bộ máy có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về”.
Từ năm 2015, Bộ Tài chính đã đăng các bản báo cáo gọi làNgân sách công dân trên website của mình, mô tả các số liệu về ngân sách qua biểu đồ và rút gọn các thông tin để công dân dễ hiểu hơn về ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thông tin trong các báo cáo này là rất vĩ mô, dành cho các nhà kinh tế học là chính, trong khi đó thông tin về ngân sách tại các địa phương rất quan trọng với người dân thì lại không được hình ảnh hoá, văn bản chỉ thuần tuý gồm số liệu.
Một thời “đóng cửa” làm ngân sách
Cùng với Luật Ngân sách năm 2015, Thông tư 343/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết chính quyền trung ương và địa phương về công khai ngân sách.
Tuy chỉ công khai dự toán ngân sách nhà nước trong một thời gian rất ngắn là 19 ngày, sau khi đã gửi cho Hội đồng nhân dân và Quốc hội, nhưng đó là một “nỗ lực cải cách” về công khai ngân sách của Việt Nam. Trước đó, theo Luật Ngân sách 2002 và Thông tư hướng dẫn số 03/2005/TT-BTC thì dự toán ngân sách nhà nước chỉ được công khai sau khi Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định, phê chuẩn; chưa kể việc công khai dự toán có thể bị chậm đến 60 ngày sau khi Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định, phê chuẩn.
Như vậy đã có một khoảng thời gian dài chính quyền “đóng cửa” làm ngân sách, người dân không biết tiền thuế mà họ đóng được chính quyền lên kế hoạch sử dụng vào việc gì.
Mặc dù đã sửa đổi luật và các quy định về công khai ngân sách, tuy nhiên, bức tranh công khai ngân sách ở các tỉnh thành vẫn không mấy sáng sủa trong năm 2017 – năm đầu tiên mà chính quyền trung ương và địa phương phải công khai dự toán ngân sách theo Luật Ngân sách 2015 và Thông tư 343.
Nghiên cứu về Chỉ số Công khai ngân sách năm 2017, do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tiến hành, đã chấm điểm website của 63 tỉnh, thành về mức độ công khai ngân sách. Theo đó, có đến 36 tỉnh, thành không công khai Dự toán ngân sách cấp tỉnh năm 2018 trình Hội đồng nhân dân. Trong các tỉnh, thành công khai dự toán thì có có 9 tỉnh, thành công khai đúng thời hạn, và chỉ có hai tỉnh, thành công khai đầy đủ bảng biểu theo Thông tư 343.
Cần Thơ được chấm điểm cao nhất về công khai Dự toán ngân sách 2018 trên website. Tôi đã tải được dự toán ngân sách 2018 của thành phố và quận Ninh Kiều – quận trung tâm của thành phố – với đầy đủ các bảng biểu theo quy định.
Tiếp theo, tôi đi đến trụ sở ủy ban nhân dân của năm phường trung tâm quận Ninh Kiều (An Cư, An Phú, Tân An, An Lạc, và Xuân Khánh) để kiểm tra việc niêm yết công khai ngân sách được thực hiện như thế nào. Kết quả là có 4/5 phường không niêm yết bất kỳ thông tin nào về công khai ngân sách. Duy nhất phường An Phú có niêm yết, tuy nhiên, đó không phải là dự toán ngân sách năm 2018 mà là về công khai thu chi ngân sách sáu tháng đầu năm 2017 (nhưng đã bị rách) tại trụ sở ủy ban nhân dân phường. Còn thông tin được niêm yết tại nhà văn hoá của phường thì được đặt trong tủ kính và khoá lại.
Vì thế mà tôi chỉ có thể biết ngân sách được phân bổ về quận, còn về phường tôi đang sinh sống thì không có thông tin.
Quyết định về công khai thu chi ngân sách sáu tháng năm 2017 (trái) và quyết định về công khai số liệu quyết toán ngân sách năm 2016 (liền kề) nằm trong tủ kính có khoá của nhà văn hoá phường An Phú, Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Ảnh: Luật Khoa tạp chí.
Việt Nam nằm trong nhóm nước yếu về công khai ngân sách
Một chỉ số khác đánh giá về tình trạng công khai ngân sách ở các quốc gia là Khảo sát Công khai Ngân sách (Open Budget Survey – OBS) của tổ chức Hiệp hội Ngân sách Quốc tế (International Buget Partnership – IBP). Trong khảo sát này, IBP đánh giá mức độ công khai ngân sách dựa trên ba trụ cột: minh bạch, sự tham gia của người dân, và sự giám sát trong toàn bộ tiến trình ngân sách.
Trong nhiều năm, IBP xếp mức độ công khai ngân sách của Việt Nam luôn ở nhóm đứng “bét” bảng. Mặc dù Việt Nam đã sửa đổi các quy định về công khai ngân sách trong Luật Ngân sách 2015, tuy nhiên, chỉ số công khai ngân sách năm 2017 của Việt Nam chỉ đạt 15/100 điểm, thấp hơn 3 điểm so với năm 2015.
Trong sáu nước Đông Nam Á, IBP luôn xếp Việt Nam thấp hơn ít nhất là 20 điểm so với các nước khác như Indonesia, Malaysia, và Philippines. Trong khi mức độ công khai ngân sách của các quốc gia này tăng tương đối đáng kể trong khoảng thời gian từ 2015 – 2017 thì điểm của Việt Nam lại đi xuống rõ rệt.

Từ năm 2006, IBP đã cộng điểm vào tiến trình công khai ngân sách của Việt Nam cho đến năm 2012. Trong khoảng thời gian này, Việt Nam đã công khai 5/8 tài liệu về ngân sách, chỉ số công khai của Việt Nam cũng tăng rõ rệt trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên, điểm của Việt Nam đã chững lại và bắt đầu đi xuống nhẹ sau đó.
Ông Joel Friedman, chuyên gia kinh tế của IBP nói với báo Tiền Phong năm 2014 khi ông sang Việt Nam giải thích về kết quả của chỉ số: “Họ [phía nhà nước Việt Nam] cho biết đáng ra Việt Nam phải nhận được điểm cao hơn. Song chúng tôi nói rằng, điều quan trọng là Việt Nam không công khai chi tiết dự thảo ngân sách và đó là lý do Việt Nam có điểm thấp”.
Việc đề xuất đóng thuế tài sản được Bộ Tài chính dẫn chiếu mộtthông lệ quốc tế là có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản. Tuy nhiên, sẽ là thiếu thuyết phục và mờ ám nếu chính phủ Việt Nam muốn học theo các nước khác về cách đánh thuế nhân dân nhưng lại không muốn học theo cách người ta đã công khai ngân sách như thế nào.
Tài liệu tham khảo:
T.D.

AI NUÔI NHÀ NƯỚC ?

TRẦN ĐỨC NGUYÊN/ SGTT/ BVN 21-4-2018

Thử làm một cuộc thăm dò ở nước ta xem bao nhiêu phần trăm công dân biết rằng Nhà nước do mình nuôi bằng thuế?...
Chúng ta thường thấy các khẩu hiệu tuyên truyền việc đóng thuế, nhưng hầu như chỉ nói về nghĩa vụ (có khi thêm vinh dự) của người dân; hiếm khi thấy khẩu hiệu giúp cho dân hiểu rõ đóng thuế là nuôi Nhà nước - Ảnh: Việt Tuấn.
Đánh thuế trực tiếp để người tiêu dùng cảm nhận được đồng tiền thuế của mình là để nuôi Nhà nước và đáp ứng yêu cầu: “Xây dựng một xã hội dân chủ, trong đó cán bộ, đảng viên và công chức phải thực sự là công bộc của nhân dân” (*).
Trong một dịp đi họp ở Mỹ cách đây trên 10 năm, tôi đến một cửa hàng mua đôi giày da. Sau khi chọn và đi thử một đôi có giá 96 USD, tôi trả tiền bằng tờ bạc 100 USD. Người bán hàng nói còn thiếu, tôi chỉ vào biển ghi giá thì được giải thích là giá này còn phải cộng thêm 10% thuế mà người tiêu dùng đóng cho Nhà nước. Sang Canada, tôi cũng thấy cách tính thuế tương tự đối với hàng hóa và dịch vụ.
Tôi nêu vấn đề với các chuyên gia kinh tế sở tại: Ở Việt Nam, thuế hàng hóa được thu ngay khi hàng xuất xưởng và được gọi là thuế gián thu (thu gián tiếp) vì thu từ doanh nghiệp sản xuất hàng nhưng thực chất tiền thuế ấy đánh vào người tiêu dùng. Thay vì thu rải rác khi có người mua hàng, nay thu gọn một nơi, một lúc khi hàng xuất xưởng chẳng tiện hơn sao?
Người đối thoại với tôi giải thích về cách thu thuế của họ như sau: Trước hết đây là thuế mà người tiêu dùng đóng nên khi nào hàng được tiêu thụ thì mới tính thuế; nếu thu trước từ người sản xuất mà ở khâu bán lẻ, hàng không bán được thì sao? Lẽ thứ hai, chúng tôi muốn người dân biết rõ và luôn luôn nhớ là mình đóng thuế nuôi Nhà nước; thuế thu nhập cá nhân cũng nhắc nhở điều đó, nhưng mỗi tháng hoặc mỗi quý chỉ một lần nộp, còn thuế hàng hóa, dịch vụ thì hầu như ngày nào dân cũng đóng. Chính vì thế nên giá hàng khi niêm yết là giá chưa có thuế hàng hóa để người mua tự tính thêm.
Đối với thuế mà người tiêu dùng phải nộp, cách thu trực tiếp hay thu gián tiếp hợp lý và có lợi hơn, tôi không phải chuyên gia về thuế nên không dám so sánh, song thấy rất ấn tượng về cái lẽ thứ hai mà họ giải thích. Nguồn thu của ngân sách nhà nước là do dân đóng góp dưới nhiều hình thức; viện trợ không hoàn lại của nước ngoài chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ; thu từ tài nguyên cũng là nguồn thu do tài sản thuộc sở hữu toàn dân mang lại; bội chi ngân sách được bù đắp bằng các khoản vay trong và ngoài nước, rút cuộc cũng do dân trả nợ trong các năm sau. Ở nước ta, kinh phí hoạt động của Đảng và các tổ chức chính trị-xã hội cũng dựa vào ngân sách nhà nước toàn bộ hoặc phần lớn, nên có thể nói dân ta nuôi cả hệ thống chính trị.
Cách thu thuế như ở Mỹ và Canada nhằm thường xuyên nhắc nhở người dân hiểu và nhớ rằng mình nuôi Nhà nước là một biện pháp thiết thực tôn trọng người dân, cổ vũ dân chủ. Người dân ý thức rõ là bộ máy nhà nước do dân nuôi nên bộ máy này phải phục vụ dân; người nuôi bộ máy có quyền đòi hỏi các cơ quan công quyền phải thực hiện đúng quy chế công khai, minh bạch và được dân giám sát.
Thử làm một cuộc thăm dò ở nước ta xem bao nhiêu phần trăm công dân biết rằng Nhà nước do mình nuôi bằng thuế? Có thể nói chắc là tỷ lệ không cao. Chúng ta thường thấy các khẩu hiệu treo trên đường phố hoặc viết chữ to ở bảng đầu làng, đầu ngõ tuyên truyền việc đóng thuế, nhưng hầu như chỉ nói về nghĩa vụ (có khi thêm vinh dự) của người dân khi nộp thuế; hiếm khi thấy khẩu hiệu giúp cho dân hiểu rõ đóng thuế là nuôi Nhà nước. Gần đây, một số cửa hàng lớn, khách sạn, nhà hàng, công ty dịch vụ... ghi rõ trong phiếu thu tiền phần giá hàng hóa, dịch vụ và phần thuế mà người tiêu dùng phải nộp. Tuy nhiên đối với đông đảo nhân dân, nhất là ở nông thôn, không mấy người biết rằng khi mua hàng (từ hàng tiêu dùng đến máy móc, vật liệu... sản xuất trong nước và nhập khẩu), người mua đã đóng thuế cho Nhà nước trong giá mua hàng.
Không chỉ người dân thường mà không ít người trong bộ máy công quyền cũng không ý thức được rằng mình được dân nuôi. Ở nước ta mỗi khi người dân có được thành tựu, hoặc được được hưởng một lợi ích nào đó thì thường nói là ơn Đảng, ơn Chính phủ.
Chúng ta biết rằng một chủ trương, chính sách đúng của Đảng và Nhà nước được tổ chức thực hiện tốt thì đem lại lợi ích cho dân. Muốn hoạch định đúng chủ trương, chính sách, phải dựa vào trí tuệ, kinh nghiệm và ý kiến đóng góp của dân. Trong mọi lĩnh vực hoạt động, nhất là về kinh tế, xã hội, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, dù quan trọng đến đâu cũng chỉ vạch hướng, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của dân, không thể trực tiếp tạo ra kết quả cụ thể trong sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần nếu không có sự đồng thuận và tích cực thực hiện của dân.
Như vậy, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách phải do nỗ lực hoạt động của dân. Ngay cả khi Nhà nước đầu tư trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức, doanh nghiệp của Nhà nước để cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho người dân, thì nhà nước cũng sử dụng các nguồn lực của dân để làm việc đó, và trong nhiều trường hợp, chất lượng, hiệu quả lại không bằng người dân tự tổ chức làm.
Về vai trò quyết định của dân đối với sự phát triển của đất nước, mọi người đều công nhận và thường xuyên nhắc tới. Tuy nhiên, trong nhận thức và hành động thực tế có không ít trường hợp điều đó bị lãng quên mà chỉ thấy sự lãnh đạo và quản lý của Đảng, của Nhà nước.
Một ví dụ: báo cáo trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ đầu tháng 5 vừa qua về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2009 có câu mở đầu như sau: “Nhờ sự chỉ đạo tập trung quyết liệt của Chính phủ và sự nố lực của các ngành, các cấp, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong 4 tháng có thấp hơn cùng kỳ năm trước, nhưng đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực”. Như vậy, những cố gắng của dân không được tính đến. Cách suy nghĩ này cũng khá phổ biến trong nhiều cơ quan và cả trên báo chí.
Chúng ta biết rằng khi nền kinh tế đứng trước nguy cơ suy giảm và lạm phát do những yếu kém bên trong và chịu tác động bất lợi của khủng hoảng tài chính - kinh tế trên thế giới, thì dân và doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân,  là người gặp nhiều khó khăn nhất, phải vật lộn rất gay go mới có thể tồn tại và phát triển. Những chính sách và biện pháp tình thế của Chính phủ nếu đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tế thì chỉ có thể làm giảm bớt khó khăn và tạo thêm điều kiện cho việc làm ăn của dân và doanh nghiệp; người dân và doanh nghiệp   phải vận động tự thân là chính. Đây chính là tiềm năng to lớn nhất cho sự phát triển.
Mọi người đều đánh giá nền nông nghiệp và nông dân nước ta trong năm 2008 và đầu năm 2009 đã duy trì tốt đà tăng trưởng, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế, tạo thuận lợi cho các ngành và lĩnh vực hoạt động khác. Trong thành tựu của nông nghiệp, có phần nhờ tác động của các chính sách và đầu tư từ nhiều năm nay của Nhà nước; song nói riêng về các biện pháp kích cầu để vượt qua khó khăn, ngăn chặn suy giảm kinh tế thì đến tháng 4 năm nay Chính phủ mới có chính sách ưu đãi đối với nông dân và việc thực hiện còn phải có thời gian. Vì vậy đối với một số chuyển biến tích cực của nền kinh tế trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nếu chỉ thấy “sự chỉ đạo tập trung kiên quyết của Chính phủ và sự nỗ lực của các ngành, các cấp” thì đó là cách nhìn rất phiến diện vì không đánh giá đúng những cố gắng rất to lớn của dân và doanh nghiệp.
Nhận thức sâu sắc vai trò và tiềm năng to lớn của dân là nền tảng về tư duy để hoạch định chính sách đổi mới và phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân, vì dân.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đã nêu rõ: “Xây dựng một xã hội dân chủ, trong đó cán bộ, đảng viên và công chức phải thực sự là công bộc của nhân dân”. Để thực hiện yêu cầu đó, câu hỏi: “Ai nuôi Nhà nước và cả hệ thống chính trị ở Việt Nam?” cần được mọi người trong bộ máy công quyền cũng như mọi người dân trả lời rõ và ghi nhớ trong lòng.
* Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia 2006, trang 125.
(Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị)
N.Đ.N.
THUẾ-CHUYỆN TẤT NHIÊN, NHƯNG NỘP NUÔI AI, LÀM GÌ?
TRÂN VĂN/ VOA/ BVN 21-4-2018
98% ý kiến trên VNExpress không ủng hộ dự thảo về thuế tài sản của Bộ Tài chính.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký của Quốc hội Việt Nam vừa trấn an dân chúng rằng dự luật về Thuế Tài sản chỉ là ý tưởng của một cơ quan cấp Vụ thuộc Bộ Tài chính chứ Quốc hội Việt Nam chưa có bất kỳ dự tính nào về việc xem xét, thông qua một đạo luật về Thuế tài sản.
Ông Phúc nhấn mạnh, trong chương trình làm luật năm nay và năm tới, từ Quốc hội cho tới Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều không hề có dự tính nào liên quan tới chuyện bắt dân chúng Việt Nam phải nộp thuế cho cả bất động sản lẫn động sản.
Nói cách khác, ý tưởng bắt chủ các bất động sản có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên và chủ các động sản có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên phải đóng thuế - khiến dư luận Việt Nam sôi lên sùng sục suốt tuần vừa qua – hóa ra chỉ là… nghiên cứu rồi đề xuất một cách… không chính thức!
Tổng Thư ký của Quốc hội Việt Nam đã nói thế thì… tạm thời có lẽ sẽ là… như thế. Còn chuyện Tổng Thư ký của Quốc hội không biết hoặc không nhớ, cách nay đúng sáu năm – tháng 4 năm 2012, Bộ Tài chính Việt Nam từng long trọng tuyên bố với “đồng chí, đồng bào cả nước” rằng họ đã chính thức triển khai việc soạn thảo một đạo luật về Thuế Tài sản lại là… chuyện khác. Ý tưởng thu thuế tài sản có đúng là… nghiên cứu của một cơ quan cấp Vụ thuộc Bộ Tài chính như ông Phúc mới trần tình hay là thành tựu của quá trình soạn thảo Luật Tài sản kéo dài suốt sáu năm vừa qua lại là… chuyện khác nữa!
***
Về lý thuyết, thuế là công cụ duy nhất để các quốc gia kiểm soát và điều tiết tất cả các nguồn lực sao cho vừa có thể tồn tại, vừa có thể phát triển không ngừng.
Ở nhiều quốc gia, nộp thuế là nghĩa vụ được xem như đương nhiên, trốn thuế, gian lận thuế không chỉ vi phạm pháp luật mà còn bị xã hội lên án là vô đạo đức.
Với nhiều quốc gia, rõ ràng thuế chính là phương tiện thực hiện giấc mơ “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Thuế chính là nền tảng để một chính phủ có thể mạnh miệng bảo đảm “ai cũng được học hành, ai cũng có cơm ăn, áo mặc” và đủ khả năng chu toàn cam kết, không để ai chết vì nghèo đói, hoặc chết vì bệnh tật mà không có tiền chữa trị. Thuế giúp cho những người tàn tật, những người không may thất bại, tiêu tan sự nghiệp, mất việc làm, già cả,… giữ được phẩm giá nhờ các loại trợ cấp về ăn, ở, sinh hoạt.
Thế thì tại sao dân chúng Việt Nam lại hận thuế, thù phí và mức độ thù hận càng ngày càng trầm trọng?
Có thể vì mỗi cá nhân, mỗi gia đình phải gánh quá nhiều loại phí, loại thuế và mức thu, cũng như tỉ lệ nộp thuế, phí càng ngày càng tăng.
Với phí, lạm thu đã xuất hiện từ đầu thập niên 1990 nhưng dân chúng phải rên siết hơn mười năm, Quốc hội Việt Nam mới ban hành Pháp lệnh về phí, lệ phí (2002) nhằm ngăn chặn lạm thu. Tuy nhiên 12 năm sau (2014) chính Quốc hội Việt Nam thừa nhận, lạm thu vẫn diễn ra tràn lan trong mọi lĩnh vực từ thành thị tới nông thôn. Một thống kê được công bố rộng rãi vào thời điểm đó cho biết, dân chúng phải đóng 375 loại phí và 75 loại lệ phí chính thức, chưa kể các loại phí, lệ phí không chính thức mà chính quyền nhiều địa phương thi nhau tròng vào cổ dân, ví dụ như “phí đường nhựa” ở xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (100.000 đồng/người/năm), “phí đường nghĩa trang” ở thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa(100.000 đồng/người/năm), từng làm nghiêng ngả dư luận vì không tha cả những đứa trẻ mới… mười tháng tuổi lẫn những cụ ông, cụ bà đã cận kề gần đất, xa Trời.
Thuế cũng thế! Các sắc thuế mới mỗi ngày một nhiều và tỉ lệ thu liên tục được điều chỉnh theo hướng càng ngày càng cao. Năm ngoái, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố kết quả một cuộc khảo sát, theo đó, nếu đem các khoản thu từ thuế so với GDP thì Việt Nam xếp thứ ba ở châu Á, chỉ sau Nhật và Trung Quốc. Còn nếu so sánh trong phạm vi Đông Nam Á thì mức thuế mà người Việt phải đóng cao hơn dân chúng các quốc gia trong khu vực khoảng từ 1,5 lần đến ba lần.
Phí nhiều, thuế cao nhưng trẻ con vẫn thất học vì nghèo, người nghèo, người bất hạnh, người già neo đơn vẫn phải “tự thân vận động” cho đến khi kiệt sức, bất động vì phí, vì thuế đã được dồn hết vào những cổng chào hàng tỉ, những tượng đài hàng chục tỉ, những trung tâm hành chính hàng trăm tỉ, những “chủ trương lớn”, “chương trình”, “kế hoạch”, “đại dự án” hàng ngàn tỉ để chứng minh tính ưu việt của “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tất cả các giới, vốn đã lao đao vì kinh tế suy thoái vẫn tiếp tục nghe khuyến khích “thắt lưng, buộc bụng” hơn nữa để nuôi hệ thống chính trị lãnh đạo “toàn diện, tuyệt đối” cả hiện tại lẫn tương lai của mình, nay đã ngốn đến 83% công quỹ.
Các cổng chào, tượng đài, trung tâm hành chính, “chủ trương lớn”, “chương trình”, “kế hoạch”, “đại dự án” dẫu không sinh lợi, làm nợ nần phình to nhưng không có ai bị truy cứu trách nhiệm. Chưa thấy Bộ Chính trị kiểm điểm về chủ trương phát triển các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, dồn toàn bộ nguồn lực quốc gia, kể cả vay mượn khắp nơi để tạo ra những “anh cả” cho “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, giờ, tất cả các “anh cả” đều rơi vào tình trạng thiểu năng... Chưa thấy Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN kiểm điểm về những “chủ trương lớn” như khai thác bauxite ở Tây Nguyên, ngốn hết ba tỷ Mỹ kim, nhưng giờ, chỉ thấy hại và không còn khả năng mơ thấy lợi… Chưa thấy Quốc hội kiểm điểm về việc bỏ phiếu, chi tiền cho những chương trình như “xây dựng nông thôn mới” đã ngốn hết 16.127 tỷ đồng, dẫu tỉ lệ ly nông (bỏ ruộng), ly hương (bỏ xứ tha phương cầu thực) tăng dần đều, giờ, vẫn không thèm giải thích tại sao lại tiếp tục gật đầu chi thêm 193 tỷ nữa để tiếp tục thực hiện chương trình “xây dựng nông thôn mới” đến 2020… Chưa thấy Chính phủ kiểm điểm xem tại sao nước đã nghèo, dân đã mạt, sau hai thập niên “tinh giản biên chế”, bộ máy công quyền vẫn thừa tới 57.000 công chức...
Tổng Bí thư từng khoe: “Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao. Việt Nam có quan hệ với tất cả các nước lớn trên thế giới, tham gia tất cả các tổ chức quốc tế trên thế giới” và “Triển vọng phát triển còn tốt lắm, sắp tới thực hiện một loạt hiệp định kinh tế tự do thế hệ mới nữa thì chúng ta còn có điều kiện phát triển hơn nữa”, giờ, cả đại diện Quốc hội lẫn đại diện Chính phủ cùng thú thật, sở dĩ phải nghĩ đủ cách thu thêm thuế cả từ doanh giới lẫn dân vì 15 FTA mà Việt Nam đã ký, đã triệt tiêu một dòng tiền vốn hết sức quan trọng đối với công khố: Thuế xuất – nhập cảng! Có thể Tổng Bí thư đang bận đốt “lò” nên chưa có giờ tự kiểm và chỉ đạo kiểm điểm.
Thuế vốn cần thiết và quan trọng nhưng đã tới lúc phải hỏi nộp thuế để nuôi ai, làm gì? Giao cho Quốc hội – nơi vốn dĩ thay mặt toàn dân – giám sát điều này dường như không ổn.
T.V.
Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ.


ĐÓNG THUẾ HAY KHÔNG ĐÓNG THUẾ: ĐÓ LÀ VẤN ĐỀ

 VI YÊN/ LUẬT KHOA/ BVN 21-4-2018

Câu nói của Henry David Thoreau trong tiểu luận Bất tuân dân sự. Ảnh: Luật Khoa
“Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”.
Tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đã xướng lên những lời kết tội chế độ thực dân Pháp như thế trong bản Tuyên ngôn Độc lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Có lẽ ông không biết rằng hơn 70 năm sau, người dân Việt Nam lại một lần nữa bị đánh hàng trăm thứ thuế cũng vô lý chẳng khác xưa là bao.
Dự thảo Luật Thuế tài sản đang gây bão dư luận trong suốt mấy ngày gần đây khi nó đề xuất đánh từ thuế nhà, thuế ô tô, cho tới thuế đất – cả đất ở lẫn đất kinh doanh, rồi tận thu cả thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, nếu không kể đến hàng loạt thứ thuế khác mà người dân phải gồng gánh bấy nay.
Điều ấy hẳn không khỏi khiến những người đã thành thiên cổ nay phải bật dậy mà lẩm nhẩm lại mấy câu thơ trong “Mười chính sách của Việt Minh”:
“Có mười chính sách bày ra,
Một là ích nước, hai là lợi dân.
Bao nhiêu thuế ruộng, thuế thân,
Đều đem bỏ hết cho dân khỏi phiền.”
Nhưng ngoài những lời phàn nàn tặc lưỡi thì, với tư cách một công dân, người ta có thể làm được gì khác trước một chính quyền đang đánh lên đầu họ đủ thứ sưu cao thuế nặng?

Tranh hiếm hoạ sưu cao thuế nặng thời Pháp thuộc. Ảnh: Cục Lưu trữ Quốc gia
Từ chối đóng thuế hay là bất tuân dân sự
Triết gia nổi tiếng người Mỹ Henry David Thoreau (1817 – 1862) đã gắn tên tuổi của mình với một phương pháp đấu tranh đặc biệt: bất tuân dân sự.
Nghĩ tới những người hàng xóm bất mãn với các chính sách mà trên thực tế lại vẫn đóng thuế để dung dưỡng cho chính quyền, Thoreau viết: “Họ lại ngồi, tay đút túi và nói rằng họ không biết phải làm gì và không làm gì, […] và họ tiếp tục ngồi đợi, lòng đầy cảm khái; để mặc cho những người khác khắc phục tai họa đó”.
Riêng ông không chịu ngồi yên.
Thoreau thẳng thừng đáp lại chính phủ Mỹ: “Khi chính phủ bảo tôi: ‘Muốn sống thì đưa ví đây’, thì việc gì tôi phải vội vã giao tiền cho nó? Có thể nó đang rất túng bấn và không biết phải làm thế nào, nhưng chuyện đó thì liên quan gì đến tôi. Nó phải tự xoay xở, cũng như tôi vậy thôi. Không cần phải than vãn về chuyện đó”.
Nhưng ông không nói suông.
Nhà triết học hai mươi chín tuổi  – với vóc người gầy guộc thích đeo nơ trên cổ bằng một dáng vẻ coi bộ hiền lành – đã từ chối đóng thuế và chấp nhận bị giam trong nhà tù bang Massachusetts.
Cũng trong chính đêm ấy, vào năm 1846, khi giam mình sau “những bức tường bằng đá cứng dày hai đến ba foot [đơn vị đo lường của Mỹ, mỗi foot tương đương 0,3 mét], với lớp cửa gỗ viền thép dày một foot có giăng tấm lưới sắt đón ánh sáng”, Thoreau đã suy nghiệm để rồi viết nên bài tiểu luận để đời của mình: “Bất tuân dân sự”.
Cụm từ “bất tuân dân sự” ra đời từ đó. Nó được sử dụng để mô tả những hành động bất hợp pháp của người dân trong việc đòi thay đổi luật pháp hoặc chính sách của chính quyền. Từ chối đóng thuế được nhiều người coi là một trong những hành động như vậy.
Tinh thần dân chủ
Thoreau không phải là người đầu tiên từ chối đóng thuế để phản đối chính quyền.
Ngược dòng lịch sử về cách đây hơn 800 năm, ở vùng đồng cỏ Runnymede cạnh con sông Thames ở London, lần đầu tiên một vị vua nước Anh buộc phải đặt bút ký vào một bản tuyên bố hạn chế thẩm quyền của chính mình, mà một trong số đó chính là thẩm quyền đánh thuế.
Suốt hàng chục năm trước đó, vua John chỉ cần triệu tập các lãnh chúa (baron) để tham vấn về việc thu thuế và tài sản trong dân khi thiếu tiền chi cho các chiến dịch quân sự.
Nhưng con giun xéo lắm cũng quằn. Phe quý tộc đã nổi dậy. Họ buộc vua John ký vào bản “các điều khoản của giới lãnh chúa”, mà về sau được gọi với tên “Đại Hiến chương Magna Carta” – như một biểu tượng của tự do, một nguồn cảm hứng cho tinh thần dân chủ.
Mà đâu phải chỉ những vị triết gia như là Thoreau hay những kẻ quyền thế như giới lãnh chúa mới dám ra mặt kháng thuế trước chính phủ quyền uy.
Ở Ấn Độ vào năm 1930, khi chính quyền thực dân Anh độc quyền muối và đánh thuế nặng nề, có một người đàn ông đã đi bộ suốt 400 cây số tới bờ biển để tự lấy muối. Ông chính là Mahatma Gandhi.
Hành động kháng thuế của Gandhi đã thu hút hàng chục ngàn người dân thường cùng tham gia. Họ tự sản xuất muối, phong tỏa hầu hết các hoạt động kinh doanh muối của chính quyền.
Cuộc “Hành trình muối” ở Ấn Độ năm ấy trở thành một ca đấu tranh phi bạo lực điển hình, mà lịch sử bất tuân dân sự ngày nay không thể không nhắc tới.

Tranh minh hoạ phong trào biểu tình kháng thuế ở Trung Kỳ năm 1908. Nguồn: hiec.org.vn
Đâu là mức thuế hợp lý?
Song chuyện kháng thuế không chỉ diễn ra ở những xứ xa xôi như là Anh, Ấn hay Mỹ.
Tháng Ba vừa rồi, tại Đình làng Phiếm Ái, người dân tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm phong trào cự sưu khất thuế ở miền Trung.
Thuật lại về sự kiện này, Huỳnh Thúc Kháng chép rằng:
“Trong một đám giỗ ở làng La Đái thuộc huyện Đại Lộc, một số lý hào và học trò bàn chuyện làm đơn gởi lên tỉnh đòi giảm bớt sưu thuế (9-1908), rồi tập hợp thành đoàn biểu tình, kéo lên tỉnh… Đường phố Hội An chật ních người. Dân biểu tình thay nhau, kẻ ở người về, tiếp tế cơm nước, kiên quyết bám trụ. Đến ngày 12, 13 tháng 3, con số lên khoảng 6.000 người. Từ trung tâm chính trị Hội An, phong trào đã lan nhanh ra các phủ, huyện”.
Sở dĩ gọi “kháng thuế” thay vì “chống thuế” là bởi, trong khi những người chống thuế tin rằng hành vi ép buộc đóng thuế là xâm phạm quyền tư hữu của người dân, thì những người kháng thuế chấp nhận một mức thuế mà họ coi là khả dĩ.
Câu hỏi đặt ra là, thế nào là khả dĩ?
Những người dân Trung Kỳ buổi ấy hẳn không cần phải họp bàn với nhau, suy tính xem mức sưu thuế đánh lên đầu họ đã đủ cao hay chưa. Họ cũng không cần phải nghĩ đến chuyện đâu là mức thuế hợp lý và đâu là phi lý.
Câu hỏi ấy, các nhà tư tưởng hãy còn đang bút chiến với nhau năm này qua năm khác.
Các nhà quyết sách hãy còn đang ngồi lại bàn thương thảo.
Các nhà chính trị hãy còn đang lo ngại rằng, những đế chế và thành bang hùng mạnh nhất trong lịch sử như Ai Cập và La Mã cuối cùng cũng sụp đổ, mà một trong những nguyên nhân chính yếu phải kể đến là do người dân kháng thuế.
Còn chúng ta, với tư cách những công dân mang trong mình tinh thần dân chủ bất chấp chính phủ độc tài, một lần nữa có thể nhắc lại lời tuyên bố của Thoreau: “Tôi không đòi hỏi giải tán chính phủ ngay lập tức, mà đòi hỏi chính phủ phải cải thiện ngay lập tức. Hãy để cho từng người nói rõ họ sẵn sàng tôn trọng một chính phủ như thế nào, và đây sẽ là bước đầu tiên dẫn tới một chính phủ như thế ấy”.
V.Y.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét