Thứ Tư, 4 tháng 4, 2018

20180404. BÌNH LUẬN VỀ TRƯỜNG HỢP HỒ SƠ XÉT GS CỦA BÀ NGUYỄN THỊ KIM TIẾN

ĐIỂM BÁO MẠNG
  
TRƯỜNG HỢP ỨNG VIÊN GIÁO SƯ NGUYỄN THỊ KIM TIẾN DƯỚI GÓC NHÌN PHÁP LUẬT

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 3-4-2018

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ sáng 2/4/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo Chính phủ kết quả rà soát 94 hồ sơ của các ứng viên giáo sư và phó giáo sư đề nghị công nhận năm 2017 bị để lại vì nhiều lý do.
Theo đó, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, kiểm tra từng trường hợp một cách độc lập.
Kết quả, có 53 ứng viên đủ điều kiện, 41 ứng viên không đủ điều kiện, trong đó một số ứng viên tự xin rút hồ sơ.
Việc rà soát này do Tổ công tác của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Một thành viên Tổ công tác của Thủ tướng - ông Trần Đình Thiên - cho rằng:
Phải thành lập một nhóm chuyên gia thực sự độc lập để rà soát lại tất cả. Nếu không làm như vậy, dư luận có thể vẫn hoài nghi, bức xúc". [1]
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát, kiểm tra 94 hồ sơ của các ứng viên giáo sư và phó giáo sư đề nghị công nhận năm 2017. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)
Người viết đồng tình với quan điểm của ông Trần Đình Thiên, nhưng sau đó được biết việc rà soát vẫn được tiến hành bởi một cơ quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Có một vấn đề cần được trao đổi trên tinh thần khách quan, thượng tôn pháp luật.
Việc rà soát hồ sơ 94 ứng viên giáo sư, phó giáo sư còn lại liệu có tuân thủ nghiêm chỉnh định hướng xây dựng một Chính phủ kiến tạo, công khai, minh bạch; hay cân nhắc kỹ các yếu tố trong đó có việc ứng xử với giới tri thức sao cho tôn trọng và phù hợp?
Như phản ảnh cúa báo chí, phần lớn những hồ sơ phải rà soát chưa có minh chứng về giờ giảng (hợp đồng giảng dạy, bản thanh lý hợp đồng, thanh toán tiền công…). 
Ngoài ra, có người, môn giảng dạy ghi trong hợp đồng không giống môn ghi trong thanh lý hợp đồng. Phần lớn trường hợp phải rà soát là giảng viên thỉnh giảng.

41 ứng viên không đạt chuẩn hồ sơ Phó Giáo sư, Giáo sư

Báo Laodong.vn đưa tin: “Theo nguồn tin riêng của Lao Động, trong những hồ sơ bị để lại này có 10 hồ sơ của ngành y tế, gồm hồ sơ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và nhiều quan chức ngành Y khác”. [2]
Báo Thanhnien.vn trích dẫn ý kiến của Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước:
Tổ công tác của Thanh tra Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ làm việc trên hồ sơ xem có đủ các tiêu chuẩn không chứ không đánh giá về chất lượng khoa học của hồ sơ”. [3]
Về tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg (Quyết định 174) và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg (Quyết định 20) “Sửa đổi, bổ sung một số điều của "Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư" ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ”.
Hợp nhất các Quyết định 174 và Quyết định 20 chính là cơ sở pháp lý cho việc công nhận đạt hoặc không đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Xin không bàn về các tiêu chuẩn giờ giảng, công trình khoa học hay bài báo quốc tế bởi đây là những quy định cứng, được định lượng và quy đổi thành các con số cụ thể.
Người viết không nghĩ áp lực dư luận sẽ có ý nghĩa nào đó trong quyết định rà soát lần 2 này, song đó chỉ là ý kiến chủ quan, có thể có người không nghĩ như vậy?
Dẫu sao thì việc quá tả hay quá hữu trong việc xem xét các trường hợp đạt hoặc không đạt chuẩn (trong đó có bà Nguyễn Thị Kim Tiến) đều là không nên.
Đây không phải là chuyện quan phải xử nặng hơn dân mà là phải thượng tôn pháp luật.
Tường thuật các ý kiến khiếu nại ứng viên Nguyễn Thị Kim Tiến, báo điện tử Vov.vn viết:
Đơn khiếu nại đề cập một số việc liên quan quản lý của bà Tiến như cho cán bộ nghỉ hưu, thuốc có vấn đề và các vấn đề chung trong ngành…”. [4]
Có hai điều nên làm rõ qua ý kiến khiếu nại:
Thứ nhất: Khiếu nại liên quan đến cấp Bộ trưởng thì trách nhiệm xem xét phải là Thanh tra Chính phủ chứ không phải Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nếu Thanh tra Chính phủ khẳng định bà Tiến có sai phạm thì cần công bố kết quả thanh tra, nếu chưa (hoặc không) có kết luận của Thanh tra Chính phủ thì Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo có đủ thẩm quyền xem xét trường hợp bà Tiến?
Thứ hai: Như tường thuật của Vov.vn: “Trong việc phong giáo sư, đây là những vấn đề “mềm” khi thuộc về đạo đức, quản lý.
Còn lại, các vấn đề thuộc phần “cứng” như giảng dạy, nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng Kim Tiến đều thừa tiêu chuẩn”. [4]

Chi tiết danh sách 95 ứng viên phải rà soát lần 2 chuẩn giáo sư, phó giáo sư

Vấn đề mà người viết muốn đề cập ở đây là các “tiêu chuẩn mềm” được vận dụng xem xét như thế nào?.
Cần nhấn mạnh các “tiêu chuẩn” ở đây phải tuân thủ pháp luật tức là Quyết định 174 và Quyết định 20.
Nếu ý kiến của “tổ công tác” của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo có gì đó chưa phù hợp với hai Nghị quyết nêu trên thì Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước có cần xem xét lại?
Tìm hiểu 7 tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư liệt kê tại điều 8 Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg (trong Quyết định 20 điều này giữ nguyên) thấy chỉ có khoản 2 là không liên quan đến học thuật:
Trung thực, khách quan và hợp tác với đồng nghiệp trong hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, công nghệ”.
Các thành viên Hội đồng ngành Y đã chứng minh bà Tiến đạt 6 trên 7 tiêu chuẩn chức danh giáo sư, riêng tiêu chuẩn thứ 2 còn chưa được làm sáng tỏ và phải chăng đó chính là nút thắt “mềm” được vận dụng?
Ngoài điều gọi là “mềm” nêu trên, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước và Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo còn dựa vào những tiêu chuẩn nào trong 7 tiêu chuẩn (ghi trong Quyết định 174) để khẳng định hồ sơ của bà Tiến còn phải xem xét tiếp?
Nhiều ý kiến cho rằng những người làm công tác quản lý cần tập trung năng lực hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên yêu cầu một nhà khoa học, một nhà giáo khi chuyển sang làm quản lý bỏ nghiên cứu, bỏ giảng dạy cũng là một đòi hỏi không thỏa đáng bởi sau khi kết thúc nhiệm kỳ, nếu vẫn còn trong độ tuổi lao động người ta lại trở về với chuyên môn của mình.
Có thể có những quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật đã không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung, chẳng hạn Quyết định 174 và Quyết định 20 đang được xem xét sửa đổi.
Tuy nhiên một khi quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành và vẫn còn hiệu lực thì trong mọi trường hợp công dân và cơ quan thực thi pháp luật buộc phải tuân thủ mặc dù có thể xảy ra trường hợp lợi cho người này, thiệt cho người khác.
Điều quan trọng nhất là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không có sự phân biệt người đó là bộ trưởng hay dân thường.
Tâm lý không hài lòng với quan chức trong dân chúng là một thực tế nhưng không thể vì sợ dư luận mà đánh mất sự trung thực.
Nhận xét về các giáo sư, phó giáo sư được phong, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói:
Bạn bè ta, anh em ta nhiều người là giáo sư, phó giáo sư, nhưng có nhiều người thực sự ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời”. [5]
Người viết muốn phân tích một chút về quy định trong Nghị quyết 20 với mục đích giúp bạn đọc (và có thể là một vài vị lãnh đạo) có cái nhìn toàn diện hơn, công bằng hơn trước một số ý kiến về trường hợp Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Xin trích dẫn toàn bộ điều 16, Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg:
Điều 16. Đối tượng được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư
1. Đối tượng được bổ nhiệm chức danh giáo sư:
a) Những người đã được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư;
b) Nhà giáo đã được bổ nhiệm làm giáo sư tại cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài đang tham gia giảng dạy từ trình độ đại học trở lên tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.
2. Đối tượng được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư:
a) Những người đã được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư:
b) Nhà giáo đã được bổ nhiệm làm giáo sư hoặc phó giáo sư tại cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài đang tham gia giảng dạy từ trình độ đại học trở lên tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam”. [6]
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Mục b, khoản 1 điều 16 nêu trên cho thấy “nhà giáo đã được bổ nhiệm làm giáo sư tại cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài đang tham gia giảng dạy từ trình độ đại học trở lên tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam” đương nhiên được bổ nhiệm chức danh giáo sư mà không cần xét thêm các tiêu chuẩn khác về công trình hay bài báo quốc tế miễn là người đó có “tham gia giảng dạy từ trình độ đại học trở lên tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam”.
Liên quan đến quy định này, Báo Laodong.vn viết: “Tháng 10/2013, bà Tiến lần đầu được Đại học Oxford trao chức danh Giáo sư thỉnh giảng nhiệm kỳ 3 năm.
Khi đó, bà là người Việt Nam đầu tiên được nhận chức danh này từ ngôi trường nổi tiếng thế giới.
Lần thứ hai, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến được Đại sứ quán Vương quốc Anh trao chức danh Giáo sư thỉnh giảng của Đại học Oxford là ngày 10/3/2017, trong giai đoạn từ 2016-2021”.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến còn được trao huân chương Bắc đẩu bội tinh của Cộng hòa Pháp.
Người có trách nhiệm trong vụ việc, Giáo sư Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Y tế, nguyên Giám đốc Học viện Quân y cho rằng:
Hai yếu tố quốc tế này không được xét điểm trực tiếp cộng vào hồ sơ của bà Tiến”.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa tiêu chuẩn giáo sư

Giáo sư Phạm Gia Khánh không sai khi cho rằng người được bổ nhiệm làm giáo sư tại cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài không được cộng điểm trong hồ sơ song ông đã nhầm lẫn khi cho rằng việc đó “chỉ làm tăng uy tín cho Bộ trưởng”.
Theo những gì được ghi trong Quyết định 20, đó thực sự là một tiêu chuẩn để được bổ nhiệm chức danh giáo sư.
Vấn đề là ở chỗ Tổ công tác của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo có quan tâm đến chi tiết này khi rà soát hồ sơ của bà Tiến? Có xem quy định tại Quyết định 20 là bắt buộc phải thực hiện?
Liệu có tồn tại một quy định nào đó, rằng chức danh “Giáo sư thỉnh giảng” của đại học Oxford Anh quốc không phải là “Giáo sư” theo quy định tại mục b khoản 1 điều 16 Quyết định 20?
Người viết không biết chính xác những tiêu chuẩn còn bị thiếu của bà Tiến, nếu không phải vì các yếu tố học thuật mà là các “yếu tố mềm” thì cơ quan có trách nhiệm có nên công khai giải thích cho đương sự và cũng là để dư luận đồng cảm?
Hy vọng rằng những phân tích trên đây được cơ quan có trách nhiệm đón nhận với tinh thần thượng tôn pháp luật.
Nói ra điều này, người viết không hề sợ sẽ có người cho rằng “người ta ủng hộ quan chứ mấy ai ủng hộ dân”!
Còn một điều người dân cũng mong mỏi là cơ quan chức năng sẽ công bố công khai 41 người sau rà soát vẫn không đủ chuẩn là vì lý do gì?
Có phải đó chỉ là những nhầm lẫn mang tính kỹ thuật hay còn có sự không trung thực trong kê khai hồ sơ?
Mặt khác tất cả thành viên ba hội đồng chức danh (cơ sở, liên ngành và nhà nước) để lọt 41 ứng viên này phải chịu trách nhiệm thế nào trước pháp luật và công luận?
Và bao giờ thì chức danh giáo sư, phó giáo sư không còn là vầng hào quang che lấp những khiếm khuyết trí tuệ của không ít người nấp sau nó?
Tài liệu tham khảo:
[6]http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=158573

BỊ XÓA CẤP TỔNG CỤC, BỘ CÔNG AN THẤT THẾ NẶNG NỀ TRƯỚC BỘ QUỐC PHÒNG ?
PHẠM CHÍ DŨNG/ Cali Today/ BVN 3-4-2018


Vietnam - Cali Today news - 2018 quả là một năm “thay máu” đối với ngành công an đang nổ ra nhiều vụ bê bối và phải chịu quá nhiều tai tiếng.


Đầu tháng Tư năm 2018, một nghị quyết của Bộ Chính trị - cơ quan tối cao của đảng cầm quyền ở Việt Nam - được ban hành về “một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Theo đó, bộ máy này sẽ giảm triệt để tầng nấc trung gian trong lực lượng mà cao nhất là sẽ không còn cấp tổng cục nữa.

Nghị quyết trên dựa trên cơ sở đề án cùng tên (Đề án 106) của Đảng ủy Công an Trung ương. Như vậy, đây là quyết định cuối cùng của Tổng bí thư Trọng về bộ máy và rất có thể về cả một danh sách dài nhân sự chủ chốt của ngành công an, sẽ được triển khai ngay sau Hội nghị trung ương 7 – có thể diễn ra ngay trong tháng Tư năm 2018 thay vì vào tháng Năm như dự kiến.

Cấp tổng cục ở Bộ Công an hình thành từ năm 1980. Sau khi lên đến tám tổng cục năm 2009, Bộ Công an thu gọn còn sáu tổng cục vào năm 2014. Ngoài ra còn có hai bộ tư lệnh riêng cho cảnh sát cơ động và cảnh vệ – cũng tương đương tổng cục. Trong mỗi đơn vị cấp tổng cục lại có nhiều cục. Dưới các cục là rất nhiều phòng.

Chi tiết đáng chú ý là bản nghị quyết của Bộ Chính trị đã không chấp nhận dự thảo có cả phương án giữ lại hai đầu mối nòng cốt là Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục An ninh, mà là “bỏ hết” 6 tổng cục hiện thời, không những thế còn hạ cấp hai bộ tư lệnh. Về bộ máy, từ 126 đơn vị cấp cục và tương đương sẽ giải thể, sáp nhập chỉ còn khoảng 60, tức giảm hơn phân nửa.




Trong khi giao Đảng ủy Công an trung ương xây dựng Đề án 106 về “cải tổ” ngành công an, ông Nguyễn Phú Trọng lại không đả động gì đến bộ máy hiện hữu của Bộ Quốc phòng.  Ảnh: QĐND

Từ cuối năm 2017, đã lan tỏa tin tức về khả năng ông Nguyễn Phú Trọng đang tính đến khả năng “cải tổ” Bộ Công an Việt Nam. Theo đó, một đề án về sắp xếp lại bộ này đã được chuẩn bị, nhiều tổng cục vốn tồn tại như một cấp trung gian sẽ bị hủy bỏ vai trò của chúng, kéo theo ghế và bổng lộc của nhiều quan chức công an sẽ không còn nữa.

Sau tết nguyên đán năm 2018, thông tin về đề án “cải tổ Bộ Công an” càng hiện ra rõ hơn cùng lộ trình cụ thể là đề án này có thể được hoàn tất trước Hội nghị trung ương 7, để hội nghị này sẽ “chốt” kế hoạch sắp xếp lại Bộ Công an và kế hoạch nhân sự đi kèm, kể cả những nhân sự cao cấp nhất của Bộ Công an.
Vào đầu năm 2018, hai vụ liên tiếp bắt sĩ quan cao cấp của Bộ Công An – Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ (tức đại gia Vũ “Nhôm”) và Thiếu Tướng Nguyễn Thanh Hóa – cho thấy đòn “chống tham nhũng” của Tổng Bí thư Trọng đã giáng thẳng vào cơ quan bộ vẫn được xem là “bất khả xâm phạm” này.
Bộ Công an – một tổ chức quyền lực hoặc siêu quyền lực – nhưng đang có tướng công an bị bắt và được Tổng Bí thư Trọng chủ trương công khai cho báo chí và dư luận theo cách “vạch áo cho người xem lưng”, rất có thể sẽ bị ông Trọng tiến hành “thay máu” trong thời gian tới.

Cũng xuất hiện ngày càng dày hơn những đồn đoán và tin tức chưa kiểm chứng về một vài lãnh đạo cao cấp của Bộ Công an sẽ phải “ra đi” trước hay trong Hội nghị trung ương 7. Cơ sở của tin tức này trở nên có chân đứng hơn khi đồng thời xảy ra ba vụ Phan Văn Anh Vũ, Nguyễn Thanh Hóa và AVG mà ít nhất sẽ liên quan đến trách nhiệm quản lý cán bộ và ký tá của lãnh đạo Bộ Công an.

Dù vẫn còn giữ vai trò “thanh kiếm và lá chắn bảo vệ đảng”, nhưng Bộ Công an đã lộ ra những dấu hiệu bị giảm sút nghiêm trọng đặc quyền “bất khả xâm phạm”, nếu so sánh thực trạng của cơ quan này với Bộ Quốc phòng và Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo).
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng của tướng Ngô Xuân Lịch có vẻ ít được “nhắc nhở” hơn.

Một vấn đề đáng chú ý và mổ xẻ là trong khi giao Đảng ủy Công an trung ương xây dựng Đề án 106 về “cải tổ” ngành công an, ông Nguyễn Phú Trọng lại không đả động gì đến bộ máy hiện hữu của Bộ Quốc phòng.


Do đó trong tương lai gần có thể xảy ra một sự bất xứng rất lớn giữa hai bộ máy “thanh kiếm và lá chắn bảo vệ đảng” trên: trong khi Bộ Công an mất toàn bộ cấp tổng cục thì Bộ Quốc phòng vẫn được giữ nguyên Tổng cục Chính trị, Tổng cục Tình báo, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.


Vào cuối tháng Ba năm 2018, Bộ Quốc phòng bất ngờ chủ động thông tin về “Út trọc” – một sỹ quan cấp thượng tá quân đội và cũng được xem là một đại gia như Vũ “Nhôm”.


Về quan điểm, Bộ Quốc phòng sẽ là cơ quan đi đầu trong việc xử lý tất cả những vụ việc tiêu cực trong nội bộ sớm nhất và cương quyết nhất, chứ không có du di” – Cục trưởng Cục Tuyên huấn Nguyễn Văn Đức trả lời báo chí một cách mạnh bạo và rất tự tin. Biểu cảm trả lời như vậy là khác hẳn cách nói đều đều buồn ngủ và cực kỳ dè dặt của Đại tá Đức trong các cuộc họp báo trước đó.



Ý chí “Bộ Quốc phòng sẽ là cơ quan đi đầu” trên đã thêm một lần nữa phác ra bức tranh vai trò của Bộ Quốc phòng bên cạnh tổng bí thư đang được nâng lên đáng kể, ngược chiều với cảnh tượng sa sút và bị thất sủng của Bộ Công an.

P.C.D

Tác giả gửi Bauxite Việt Nam


TRẦN THÀNH/ BVN 3-4-2018

(VNTB) Việc báo chí đưa tin ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố xóa nợ của Việt Nam đối với Cuba, nếu đúng, thì vẫn không có giá trị thi hành. Lý do: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không được pháp luật trao bất kỳ quyền hạn gì về vấn đề liên quan trực tiếp đến ngân sách quốc gia.


Cho đến nay, theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19 tháng 01 năm 2011) cùng các văn bản liên quan, thì:



(1) Tổng Bí thư chịu trách nhiệm cao nhất trước Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chịu trách nhiệm trước toàn đảng và toàn dân về sự lãnh đạo trên mọi lĩnh vực công tác.



(2) Tổng Bí thư chủ trì công việc thường nhật của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường vu Quân ủy Trung ương.



(3) Tổng Bí thư Chỉ đạo tổ chức, quán triệt triển khai thực hiện sơ kết, tổng kết các nghị quyết, quy chế thông báo của Đại hội Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng.



(4) Tổng Bí thư thi hành thẩm tra việc tuân thủ Điều lệ Đảng, cương lĩnh chính trị, nghị quyết Đại hội Đảng,... trong các tổ chức cơ quan của Đảng.



(5) Tổng Bí thư kiêm nhiệm chức vụ Bí thư Quân ủy Trung ương, trực tiếp chỉ đạo những vấn đề về quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt của Trung ương.



(6) Tổng Bí thư kiêm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.



(7) Tổng Bí thư thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ký các chiến lược, nghị quyết, quyết định, kết luận, quy chế, quy định, thông báo, thông cáo, tuyên bố, lời kêu gọi, báo cáo, thông tri, hướng dẫn, chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; ký các văn bản trong lĩnh vực công tác tổ chức cán bộ, ký các Quyết định chuẩn y chức danh theo quy định Điều lệ Đảng, quyết định điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, nghỉ hưu đối với cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương Đảng quản lý.



(8) Tổng Bí thư có thể thảo luận với Ban Chấp hành Trung ương thành lập, giải thể các cơ quan trực thuộc Trung ương Đảng quản lý.



(9) Thực hiện vai trò dân chủ trong Đảng, Tổng Bí thư là người chịu trách nhiệm giám sát, thẩm tra tuyệt đối trong toàn Đảng.



Như vậy, ngay cả trong trường hợp Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng ngân sách của Đảng để cho Cuba vay qua hình thức viện trợ hoàn lại, thì ông Nguyễn Phú Trọng cũng không được trao quyền tùy nghi sử dụng khoản tiền này, mà nó chịu sự quản lý của Luật Ngân sách Nhà nước. Ông Nguyễn Phú Trọng phải có tờ trình gửi Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc xóa nợ viện trợ cho Cuba.



Việc đơn phương tuyên bố xóa nợ với Cuba trong chuyến thăm ngoại giao vào cuối tháng 3-2018 trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, sẽ không có giá trị thi hành. Thậm chí, nếu thực sự thượng tôn pháp luật, việc tuyên bố xóa nợ này của ông Tổng Bí thư mang dấu hiệu vi phạm Luật Ngân sách Nhà nước, Điều 18.1 về “Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực ngân sách nhà nước”, là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc thiếu trách nhiệm làm thiệt hại đến nguồn thu ngân sách nhà nước”.



Sở dĩ có thể nói là ông Nguyễn Phú Trọng đã lạm quyền, vì như báo chí tường thuật: “Ông Raul Castro chân thành tri ân những tình cảm tốt đẹp mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba; bày tỏ cảm ơn việc Việt Nam quyết định xóa nợ Chính phủ cho Cuba” [http://bit.ly/2pVi6XH]. “Nợ Chính phủ”, thì ngay cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn xóa nợ, cũng phải được sự phê chuẩn của Quốc hội bằng một văn bản minh bạch gọi là Nghị quyết xóa nợ.



Nói thêm, Nga cũng từng tuyên bố xóa nợ cho Cuba với những ràng buộc được công khai cho dân chúng – những người đóng thuế, biết: Mùa hè năm 2014, Chính phủ Nga đã thực hiện một bước đi chưa từng có tiền lệ là xóa 90% trong tổng số nợ là 35,3 tỷ USD của Cuba.



Chính phủ Cuba cam kết sẽ bù đắp một phần những “tổn thất” đó bằng cách thực hiện các dự án chung trong lĩnh vực năng lượng, vận tải và y tế. Các nhà nghiên cứu chính trị khẳng định đấy là những khoản nợ “cực kỳ khó đòi” và việc (phải) xóa nợ (cho Cuba) là không thể tránh khỏi.



Theo thỏa thuận, khoản nợ 3,5 tỷ còn lại sẽ được chính quyền Cuba thanh toán bằng các lần chuyển khoản từng nửa năm một trong 10 năm tiếp theo. Tuy nhiên, như Tổng thống Nga V.Putin khi trả lời phỏng vấn của Hãng thông tấn Cuba Prensa Latina đã nói, thì: “số tiền 3,5 tỷ đó sẽ được sử dụng ngay trên lãnh thổ Cuba cho những dự án đầu tư có ý nghĩa”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân danh Chính phủ Việt Nam để xóa nợ cho Cuba, nhưng không thông báo là nợ cụ thể bao nhiêu, xóa như thế nào và đánh đổi những vấn đề gì trong chuyện xóa nợ ấy.


Căn cứ vào Điều 4, Hiến pháp 2013 và Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, việc Tổng Bí thư tuyên bố “xóa nợ Chính phủ cho Cuba” là một tuyên bố vô hiệu vì trái thẩm quyền, không có giá trị thực hiện, kể cả khi viện dẫn thỏa thuận về các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.


Nôm na, với tuyên bố “xóa nợ Chính phủ cho Cuba”, ông Tổng Bí thư đã vi phạm về chính điều khoản mà ông từng đưa ra là không “tham vọng quyền lực” tại Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.


T.T.


BAO GIỜ BẦU CHỌN CẢNH SÁT TRƯỞNG ?

Bảo Trung Nguyên /BVN 3-4-2018

Nếu ai đã từng đến Mỹ trong dịp bầu cử sẽ thấy chức danh cảnh sát trưởng địa phương cũng được bầu chọn bởi người dân. Người được bầu chọn không nhất thiết phải là một nhà làm luật hoặc một cảnh sát lâu năm, đó có thể là bất kỳ ai với chương trình hành động có ích cho cộng đồng địa phương trong việc giảm tỷ lệ tội phạm, tăng trị an...


Bộ máy cảnh sát địa phương của Mỹ mà đứng đầu là cảnh sát trưởng chỉ có phạm vi pháp lý tại địa phương họ phụ trách, cụ thể là thành phố và tiểu bang. Vượt ra khỏi ranh giới tiểu bang đã có lực lượng cảnh sát liên bang trực thuộc Bộ Tư pháp. Do đó, người cảnh sát trưởn, và rộng hơn là toàn bộ lực lượng cảnh sát không phải là lực lượng quân sự, được trang bị vũ khí nhưng do dân bầu lên nên họ chỉ được coi là lực lượng bán quân sự. Một người bạn từng làm cảnh sát của tôi nói sẽ rất vất vả làm báo cáo nếu nổ súng. Nhiều cơ quan liên quan sẽ đến điều tra xem việc nổ súng của nhân viên cảnh sát đó có hợp luật không. Người nhân viên (không phải chiến sĩ) cảnh sát đơn giản là một người hoạt động trong lĩnh vực công, như bất kỳ một nhân viên địa chính hay thuế vụ, với nhiệm vụ là giữ gìn trị an xã hội. Không có tá, không có tướng trong lực lượng cảnh sát. Cấp bậc đó chỉ dành cho quân đội.



Hôm qua, thông tin cải tổ Bộ Công An dường như ít được quan tâm bằng vụ ly hôn - kể khổ của vợ chồng ông bà chủ Trung Nguyên. Khác với việc ly hôn và thiền định mang tính cá nhân, cuộc cải tổ lần này với Bộ Công An là một thay đổi hết sức sâu rộng đối với sự vận hành của xã hội chúng ta đang sống. Chưa có chỉ dấu nào cho thấy bộ máy công an sẽ giảm bớt quyền lực nhưng đã thấy việc tinh giản những Tổng Cục của Bộ này ít ra sẽ bớt đi quyền lực của những ông tướng với các văn bản đóng dấu mật. Có những văn bản đó mà những vụ việc như Vũ “nhôm” hay AVG khi vỡ lở người ta mới thấy một bọn tay trái cướp trắng của công, tay phải bịt miệng dư luận như thế nào?

Có hai điều tôi quan tâm trong lần cải tổ này. Việc thứ nhất đó là trả ngành Chữa cháy về với vị trí hoàn toàn dân sự như đúng với nhiệm vụ của ngành này. Hình ảnh người nhân viên chữa cháy đi duyệt binh mà cầm súng AK vừa kỳ khôi vừa không đúng với chức năng của họ. Việc thứ hai là trao lại việc trị an địa phương cho các cảnh sát trưởng được người dân bầu lên, hoặc do ông Thị trưởng (cũng do dân bầu lên) chỉ định với chương trình phòng chống tội phạm được công khai cho mọi cử tri lựa chọn. Cả hai điều trên đều chưa thấy
Bao giờ chúng ta sẽ được bầu chọn ra cảnh sát trưởng cho chính cộng đồng của mình? Và, khi nào người nhân viên cảnh sát ý thức được rằng họ chỉ là một nhân viên phục vụ trong lực lượng công ích chứ chẳng phải “chiến sĩ” để “đấu tranh” với ai
Việc cải tổ lần này đối với Bộ Công an dường như chỉ nhằm vào mục đích tinh giản và, phần nào mong muốn, làm trong sạch bộ máy. Chưa hoặc chắc sẽ không thể nào thấy việc dân sự hoá lực lượng công ích này khi đâu đó vẫn cứ treo câu khẩu hiệu “Công an Nhân dân còn Đảng còn mình”.




B.T.N

FB Trung Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét