Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

20180419. CỤC DIỆN THẾ GIỚI ĐÃ THAY ĐỔI ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
PHẢI CHĂNG CỤC DIỆN THẾ GIỚI ĐÃ THAY ĐỔI ?

PHẠM HƯNG QUỐC/ viet-studies 16-4-2018

Kết quả hình ảnh cho tập cận bình

Chúng tôi những người đang cổ súy cho các thiết chế tự do, dân chủ nhân quyền muốn đưa ra những nhận định của riêng mình về sự thay đổi của cục diện thế giới hiện nay để tạo một tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai có chung quan điểm giống chúng tôi. Thế giới đang đối mặt với một sự thay đổi lớn lao theo xu hướng không có lợi cho các thiết chế tự do, dân chủ, nhân quyền.
Rõ ràng rằng sự trỗi dậy của hai cường quốc là Nga và Trung Quốc đã đang và sẽ tạo ra những thách thức trực diện và rất mạnh mẽ cho các thiết chế dân chủ trên toàn thế giới.
  1. Với Trung Quốc
Trung Quốc bốn thập kỷ trở lại đây đã lột xác hoàn toàn: chính tri, quân sự, trình độ khoa hoc kỹ thuật và đặc biệt là tầm ảnh hưởng về kinh tế. Với xu thế này Trung Quốc sẽ sớm thay thế cường quốc kinh tế số một hiện nay là Hoa Kỳ. Tuy Trung Quốc luôn tuyên bố công khai họ là quốc gia Xã hội Chủ nghĩa và do Đảng cộng sản lãnh đạo nhưng thực chất là gì? Thực tế có phải như vậy hay không?
 Dường như phần còn lại của thế giới chưa thực sự quan tâm tìm hiểu kỹ điều này và luôn lười biếng và hời hợt đánh đồng chế độ chính trị của Trung Quốc hiện nay cũng giống như thời Mao Trạch Đông. Nếu không thấu hiểu cặn kẽ và chính xác thì làm sao có thể ganh đua chưa nói tới đối chọi lại được với con hổ này! Các biện pháp cứng và mềm hiện nay của Tổng thống Trump đang và sẽ tác động thế nào với Trung Quốc? có làm chậm lại hay ngược lại, gián tiếp thúc đẩy sự soán ngôi của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ diễn ra mau chóng? Chỉ xin nêu ra hai thí dụ điển hình:
Một là sự kiện Biển Đông.
Thật là chua xót và đau đớn khi phải thừa nhận rằng nhà cầm quyền Trung Quốc đã giành chiến thắng rõ ràng trước phần còn lại của thế giới tại khu vực Biển Đông. Trước năm 1974 điểm cực nam của Trung Quốc mới chỉ là đảo Hải Nam. Biển Đông là vùng biển quốc tế và các vùng nội hải thì thuộc chủ quyền của các nước Đông Nam Á. Đặc biệt hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam đã án ngữ sự bành chướng của Trung Quốc sang vùng biển phía nam. Lợi dụng hoàn cảnh chính trị của khu vực lúc bấy giờ năm 1974 Trung Quốc đã đem quân chiếm Hoàng Sa và năm 1988 chiếm một số hòn đảo tại quần đảo Trường Sa mà hầu như không phải đổ máu. Và cũng rất tiếc là sự chiếm đóng trắng trợn này lại được phần còn lại của thế giới cho qua. Ngược lại một bộ phận không nhỏ của thế giới lại còn hả hê khi nhìn thấy hai quốc gia mang danh cộng sản, Xã hội Chủ nghĩa “anh em” chém giết nhau. Không dừng lại ở đây Trung Quốc đã một mặt dùng tiềm lực kinh tế và kỹ thuật của mình xây dựng và củng cố các đảo thuộc Hoàng Sa và biến những bãi san hô lúc nổi lúc chìm theo thủy triều tại Trường Sa trở thành những căn cứ quân sự thực thụ làm nền tảng sức mạnh cho các tuyên bố chủ quyền ngang ngược của họ về Biển Đông cũng như những hành động quân sự hung hăng đối với các quốc gia Đông Nam Á tại vùng biển này. Phần còn lại của thế giới đã phản ứng rất thụ động, yếu ớt và rất thiếu đoàn kết, nhất quán nên đã dần biến Trung Quốc từ một quốc gia “ không có gì” tại đây, nhưng nay họ đã tạo được những chỗ đứng khá vững chắc tại vùng biển này để làm cho phần còn lại của thế giới rất lúng túng cả về măt chính trị, quân sự, ngoại giao và kinh tế. Dù thế giới có thừa nhận hay không nhưng Trung Quốc đã tạo ra sự việc đã rồi mà cho đến nay không ai dám đảo ngược. Chắc chắn từ nay họ là một tiếng nói rất quan trọng trong mọi vấn đề có liên quan tới Biển Đông. Đó là chưa nói đến họ sẽ là một bên quyết định chiến tranh hay hòa bình tại khu vực này. Xét về mặt lợi ích quốc gia trước mắt, Trung Quốc đã thắng, còn phần còn lại của thế giới đã thua.
Bây giờ người ta chỉ còn xem xem những diễn biến sắp tới có làm cho Trung Quốc thắng hoàn toàn và triệt để hay không mà thôi. Để tránh sự thất bại hoàn toàn và đau đớn thì phần còn lại của thế giới phải có một đối sách khác với trước đây …
Hai là sự kiện Bắc Triều tiên:          
                 Với Bắc Triều Tiên, Mỹ và các nước phương tây đang gặp phải những thách thức và cả những nhạo báng chưa từng thấy từ khi kết thúc đại chiến thế giới thứ hai đến nay. Điều này đang hủy hoại một cách mạnh mẽ hình ảnh của sức mạnh răn đe về quân sự của Hoa Kỳ cũng như các chính sách ngoại giao, chính trị, quốc phong của siêu cường quốc số một thế giới này. Tại sao một quốc gia nhỏ bé, èo uột về kinh tế, đói kém triền miên và gần như bị cô lập hoàn toàn cả về mặt chính trị, ngoại giao với phần còn lại của thế giới trong một thời gian dài như vậy mà lại dám thách thức theo kiểu bằng vai phải lứa với cường quốc số một thế giới. Tại sao vậy? Chắc chắn câu trả lời đã rất rõ nhưng chẳng có ai dám nói ra. Hoa Kỳ đang bị dồn tới chân tường:
Hoặc chấp nhận mất mặt để tìm giải pháp hòa giải với Bắc Triều Tiên, hoặc tiến hành chiến tranh. Chắc chắn Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã bàn bạc rất kỹ đến phương án thứ hai. Ngoài việc tính toán những sự được, mất khi nổ ra chiến tranh Hoa kỳ và Đồng minh cũng đau đầu trong việc đối phó với những thách thức thời hậu chiến nếu có. Nếu chiến tranh nổ ra thì ai được hưởng lợi? Ai phải chịu thiệt hại? Trước thế giới Trung Quốc đã rất thành công trong việc chứng minh rằng họ luôn đứng về “phe chính nghĩa là ủng hộ việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”. Hơn thế nữa Trung Quốc còn “giúp Mỹ trong việc gây sức ép mạnh mẽ lên Triều Tiên” nhiều lần Tổng thống Donald Trump đã công khai cám ơn. Nếu chiến tranh nổ ra nhà độc tài Kim Jong Un bị lật đổ, có thể hai miền Triều Tiên sẽ được thống nhất nhanh chóng. Nhưng ngay cả trong tình huống này thì Hoa Kỳ được lợi hay TrungQuốc được lợi. Với những tính toán thực tiễn thì có thể khẳng định Hoa Kỳ lợi một, Trung Quốc lợi năm còn phần còn lại của thế giới là 4.
 Nhưng ngược lại, các thách thức thời hậu chiến khiến Hoa Kỳ phải gánh chịu gần như tất cả. Chẳng có ai dám chắc là một nhà nước Triều Tiên thời hậu Kim JongUn lại thân Hoa Kỳ và phương tây như Hàn Quốc hiện nay. Rất nhiều khả năng họ cònthân Trung Quốc hơn Mỹ, thật là “cốc mò cò xơi”. Theo các thông tin tình báo của Hàn Quốc, ngay tại Hàn Quốc hiện nay các Đảng phái chính trị cũng bị ảnh hưởng it nhiều bởi yếu tố Trung Quốc. Các nhà chuyên môn nhận định là nếu chiến tranh nổ ra thì “giấc mơ Trung Hoa” sẽ càng sớm thành hiện thực và “khẩu hiệu nước Mỹ trên hết” sẽ nhanh chóng tan thành mây khói.
Tóm lại cả trên hai mặt trận nóng bỏng: Biển Đông và Bắc Triều Tiên, thì Hoa Kỳ và các nước đồng minh đang ở thế yếu, thế bị động.
Trên phương diện kinh tế, tài chính, thương mại cũng vậy. Trung Quốc ngày nay rất khác với Trung Quốc cách đây hai mươi năm và hoàn toàn khác với Trung Quốc thời Mao. Mặc dù Hoa Kỳ vẫn đang nắm những con át chủ bài về kinh tế, thương mại trên toàn cầu, nhưng đã từ lâu Trung Quốc đã chuẩn bị rất kỹ để vô hiệu hóa những con chủ bài này. Do vậy việc phía Hoa Kỳ muốn ra đòn có hiệu quả sẽ không phải là một bài toán đơn giản và càng không thể mang lại hiệu quả nhanh chóng được. Chắc chắn một cuộc chiến tranh thương mại sẽ gây ra những thiệt hai lớn cho các bên. Vấn đề chỉ còn ở chỗ bên nào chịu đựng giỏi hơn thì bên ấy sẽ chiếm phần thắng. Để giành phần thắng trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc nước Mỹ cần đoàn kết thực sự. Giữa các Đảng phái hiện nay trong nội bộ nước Mỹ phải có những thỏa hiệp để cùng đưa ra những đối sách hữu hiệu.
 Liệu điều này có quá viển vông trong hoàn cảnh hiện nay? Khi mà chính tổng thống Mỹ bất cứ lúc nào cũng có thể bị luận tội? Liệu Nhà Trắng và Lưỡng viện Quốc hội có thể đưa ra được một hệ thống các chính sách ngắn, trung và dài hạn để giúp nước Mỹ luôn đứng ở vị trí số một trên thế giới? Chắc chắn rằng các biện pháp kinh tế đơn lẻ nhất thời sẽ không có tác dụng với Trung Quốc mà còn ngược lại. Tất nhiên đối vói Trung Quốc để thực hiện được “giấc mơ Trung Hoa” rất cần phải giữ được hòa khí với nước Mỹ, nên trước mắt họ sẽ phải sử dụng chiến thuật mà họ là bậc thầy: giả vờ lo sợ, giả vờ phẫn nộ, giả vờ nhún nhường…v.v và vì họ biết thóp được cá tính của Tổng thống Trump nên họ cũng sẽ không ngần ngại tạo ra “chiến thắng” nào đó cho Tổng thống để chiều Tổng thống và để massage cho dư luận Quốc tế. Họ có cả một seri các giải pháp để tận dụng triệt để lợi thế của sự lãnh đạo “tập trung” của hoàng đế Tập Cận Bình nhằm đưa ngài Tổng thống amateur đang bị các thế lực chính trị trong nước đánh cho tơi tả tự động đi vào quỹ đạo mà họ Tập đã hoạch định! Cuộc chiến thật không cân sức. Trung Quốc đang nắm chắc phần thắng. Chiến thuật lúc cương lúc nhu đã trở thành bản năng của người Trung Quốc từ hàng nghìn năm nay. Nhất là khi họ biết rằng họ đang ở trên thế mạnh, thế thắng. Họ sẽ tận dụng triệt để những điểm yếu mà các thể chế dân chủ tạo ra cho hệ thống chính trị của đất nước mình. Nước Mỹ và thế giới cần hiểu kỹ thông điệp của sự kiện họ Tâp sửa đổi hiến pháp Trung Quốc về nhiệm kỳ của Chủ tịch nước. Đó là quyết tâm chính trị rõ ràng nhất của một đất nước với gần 1,5 tỷ dân nhằm thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”.
  1. Về nước Nga.
Có thể nói quyết định của sự đoàn kết hiếm thấy giữa Mỹ và các nước phương tây trong việc trừng phạt nước Nga trong vụ đầu độc Skripal là một việc làm hớ hênh cẩu thả. Cứ cho dù là nước Nga đúng là thủ phạm của vụ đầu độc này thì nước Anh và thế giới cũng không nên hành động nếu thiếu căn cứ rõ ràng và minh bạch. Tương quan lực lượng trên thế giới không cho phép làm như vậy. Đặc tính của người Nga là lòng tự hào dân tộc, họ luôn tự coi họ là một dân tộc lớn trên thế giới do vậy họ không chấp nhận sự áp đặt bất công. Việc chụp mũ cho họ là thủ phạm mà thiếu căn cứ sẽ chỉ có tác dụng ngược với nước Nga và làm hủy hoại hình ảnh Văn minh vốn được đặc định cho các quốc gia theo thể chế dân chủ tự do. Nếu nước Nga chứng minh được họ không phải là thủ phạm thì sẽ là thảm họa về uy tín đối với phương tây. Hãy nhìn lại lịch sử nước Nga sau chiến tranh thế giới II: hoàn toàn kiệt quệ về kinh tế và con người do hậu quả chiến tranh, nhưng rất nhanh chóng họ vẫn trở thành một siêu cường. Sự sụp đổ của họ vào những thập niên 90 chủ yếu là các vấn đề nội tại của chính họ chứ không phải do sức ép từ bên ngoài. Thật ngây thơ và khôi hài nếu nghĩ rằng người Nga vì thiếu táo Pháp, rượu Ý hay thịt bò thịt gà, sữa nhập từ châu Âu sẽ gây sức ép lên chính phủ của họ đòi thay đổi chính sách với Crưm và Ucraina. Rõ rằng rằng Putin đã tìm ra giải pháp rất hữu hiệu để duy trì sự độc tài của mình mà vẫn được người dân ủng hộ.
  1. Mỹ và các nước Châu Âu 
Họ đang phải đối mặt với một tình trạng phân hóa cao độ. Sự kiện Brexit đã và đang hủy hoại sự đoàn kết của Châu Âu. Việc tổng thống Trump thắng cử đang làm phân hóa nước Mỹ. Các vấn đề nhập cư, các tư tưởng cực đoan đòi độc lập đã đặt các quốc gia dân chủ Châu âu trước những thách thức chưa từng có. Châu Âu và Mỹ không thể lấy sự trừng phạt nước Nga trong vụ Skripal để thể hiện sự đoàn kết nhất trí của các quốc gia dân chủ. Điều này chỉ nói lên sự yếu kém,vụng về và lúng túng của các chính trị gia tại chính các quốc gia này. Nếu ai đó nghĩ rằng các hành động mang tính cảm xúc sẽ có tác dụng trong thời điểm khó khăn này thì đã mắc sai lầm nghiêm trọng. Cần phải ý thức được rằng sự ưu việt của các thể chế dân chủ chỉ phát huy được khi nó tôn trọng tuyêt đối các giá trị văn minh và luật pháp. Rõ ràng trong nhưng tình huống khó khăn phức tạp hiện nay trên thế giới thì chính các thể chế độc tài đang có lợi thế vượt trội so với các thể chế dân chủ. Đó là sự thống nhất và nhất quán trong việc lèo lái con tầu trong bão tố. Thế giới cần ý thức được rằng vị thế của Nga và Trung Quốc cả về tiềm lực quân sự, kinh tế và khoa học kỹ thuật ngày nay đã khác hẳn hai thập kỷ trước đây. Rõ ràng trong thời điểm hiện nay lợi thế không thuộc về các quốc gia dân chủ khi xảy ra các cuộc xung đột về quân sự, thương mại, tài chính tiền tệ.
Phạm Hưng Quốc
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 15-4-18

NHẬN XÉT VỀ TẬP CẬN BÌNH

ĐOÀN HƯNG QUỐC/ BVN 17-4-2018

Tập Cận Bình thay đổi Hiến pháp không giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước như trước đây, nhiều người cho rằng vì ông tham quyền cố vị. Riêng người viết nghĩ ý định của ông là có đủ thời gian để trở thành một trong những nhà lãnh đạo lớn nhất của Trung Hoa: Mao Trạch Đông thống nhất Hoa Lục; Đặng Tiểu Bình canh tân Trung Quốc; Tập Cận Bình đưa Trung Hoa trở lại ngôi vị trung tâm hàng đầu trên thế giới.
Viết như vậy không phải nhằm ca tụng họ Tập mà để nhìn lại lịch sử dân tộc: mỗi lần Trung Hoa có một vị hoàng đế hùng tâm thao lược thì Việt Nam bị áp lực nặng nề nhất là khi trên dưới bất hoà, lòng dân ly tán.
Tập Cận Bình năm nay 64 tuổi (so với Trump 71 và Putin 65 tuổi), tức là họ Tập đủ năng lực lãnh đạo Trung Quốc thêm 15 năm nữa. Nếu khi đó GDP của Tàu qua mặt Mỹ, Hoa Lục khống chế biển Đông, thống nhất Đài Loan và đại kế hoạch Con đường Tơ lụa thứ nhì diễn tiến tốt đẹp thì sử sách Trung Quốc chắc hẳn sẽ khắc ghi công trạng hàng đầu cho họ Tập.
Trái với Trump nóng nảy và Putin chỉ muốn thỏa mãn tự ái dân tộc của nước Nga nhưng lại khiến quốc gia bị cô lập và rơi dần vào quỹ đạo của Trung Quốc, Tập Cận Bình trầm tĩnh và tự tin nơi tương lai sẽ thuộc về Hán tộc nên dám chọn những bước đi nhanh và táo bạo:
1. Tập trung quyền lực và đặt tính chính danh của nhà nước trên nền tảng sử dụng người tài để lèo lái đất nước (meritocracy) thay vì mô hình dân chủ (democracy) của Tây phương.
2. Dù núi nợ khổng lồ nhưng không có dấu hiệu Tập Cận Bình sẽ chậm lại đà phát triển kinh tế. Trái lại tại Trung Quốc lập luận rằng nhờ thặng dư mậu dịch và dân Tàu tiết kiệm rất cao (để dành 40% thu nhập so với Mỹ là 10%) nên Hoa Lục có thể mượn thêm 30% vào đầu tư với điều kiện là không dung dưỡng nợ xấu. Tình trạng nợ nần ở Trung Quốc từ mức độ nguy hiểm vào năm 2016 nay cải thiện thành đáng quan tâm. Nếu quả thật Hoa Lục có thể gánh thêm nợ để thúc đẩy tăng trưởng mà không khiến kinh tế bị sập thì rất có thể sẽ qua mặt Hoa Kỳ trong những năm 2022-25.
3. Đạt chỉ tiêu “Made in China 2025” tức là Hoa Lục sẽ phát triển ngang hàng hay qua mặt Âu-Mỹ-Nhật trong mọi ngành công nghệ mũi nhọn bao gồm viễn thông thế hệ 5G, trí thông minh nhân tạo, siêu máy tính và năng lượng tái tạo, đồng thời tiếp tục làm công xưởng khổng lồ cho thế giới.
4. Tình trạng lão hóa tại Trung Quốc đã bắt đầu nhưng chưa đến nỗi trầm trọng trong vòng 15-20 năm nửa. Nếu kế hoạch hiện đại hóa hoàn thành thì năng suất lao động sẽ tăng đủ để nuôi số người già trong tương lai.
5. Nhiều chuyên viên quân sự Mỹ tiên liệu rằng đến khoảng năm 2021 hải quân Trung Quốc sẽ đủ mạnh để đẩy lùi hạm đội của Hoa Kỳ ra ngoài chuỗi đảo thứ nhất nhằm khống chế biển Đông và phong tỏa Đài Loan trong trường hợp căng thẳng gia tăng.
Năm điểm nói trên mất 7 năm tức là không còn xa nữa và chiếm ½ nhiệm kỳ nếu họ Tập tiếp tục lãnh đạo cho đến khi 80 tuổi. Phần còn lại sẽ cũng cố và phát triển Con đường Tơ lụa để nối liền hai lục địa Á-Âu trong đó Bắc Kinh sẽ nắm vai trò trọng tâm Trung Quốc.
Nhưng quan trọng hơn mọi chiến lược quốc tế khi Tập Cận Bình muốn chứng minh rằng nền dân chủ tự do và kinh tế thị trường do Tây phương quảng bá từ 300 trăm năm nay không phải là mô hình duy nhất cho phát triển; trái lại, tập trung lãnh đạo vẫn có thể đi đôi với tự do kinh doanh nếu biết sử dụng nhân tài (meritocracy). Cho đến nay đại đa số các nhà nghiên cứu vẫn hoài nghi về mô hình phát triển của Trung Quốc thì tham vọng của Tập Cận Bình là chứng minh bằng thành quả thực tế chớ không tranh cải lý thuyết.
Việt Nam đang chuẩn bị gì cho tương lai đó khi thế nước yếu?
Đ.H.Q.
Tác giả gửi BVN.
NHỮNG LÁI BUÔN VŨ KHÍ LÀ ĐỘNG LỰC CHIẾN TRANH XUNG ĐỘT
TS TRẦN CÔNG TRỤC/ GDVN 17-4-2018
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Sáng ngày 14/4 (giờ Hà Nội), ông Donald Trump tuyên bố từ Nhà Trắng, rằng:
"Tôi đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ tấn công chính xác vào các mục tiêu liên quan đến vũ khí hóa học của nhà độc tài Syria Bashar al-Assad. 
Sự hợp tác giữa Mỹ, Anh và Pháp chống lại những hành động tàn bạo này sẽ bao gồm tất cả các công cụ sức mạnh quốc gia của chúng ta: quân sự, kinh tế, ngoại giao."
Thủ tướng Anh Theresa May cũng cho biết, bà đã cho phép các lực lượng vũ trang Anh tiến hành cuộc tấn công phối hợp với đồng minh nhằm làm suy yếu khả năng sử dụng vũ khí hóa học của chính phủ Syria và ngăn cản việc sử dụng loại vũ khí hủy diệt này.
The Atlantic dẫn lời tướng Joshep Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Hoa Kỳ cho biết, có 3 mục tiêu đã bị tấn công tại Syria, gồm: Trung tâm nghiên cứu khoa học số 1 ở Damascus, một kho vũ khí hóa học ở phía Tây Homs và một kho vũ khí hóa học.
Ngay sau cuộc tấn công này, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố:
"Một cuộc tấn công được thực hiện hoàn hảo đêm qua. 
Cảm ơn Pháp và Vương quốc Anh vì sự sáng suốt và sức mạnh quân sự của họ. Không thể có kết quả nào tốt hơn. Nhiệm vụ đã hoàn tất".
Phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã lên án hành động không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu là "hung hăng". 
Theo Guardian - một tờ báo chính thống của Anh, tuyên bố phát từ Điện Kremlin bác bỏ bằng chứng về vũ khí hóa học được cho là bị sử dụng tại vùng Douma, ngoại ô thủ đô Damascus của Syria.
Moscow cho rằng vụ không kích trên "gây hiệu ứng tiêu cực lên toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế". 
Suốt buổi chiều tối 14-4, không có phản ứng quân sự nào từ Nga. 
Mãi cho đến 7 tiếng sau khi cuộc không kích kết thúc, từ Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới lên tiếng.
Ông gọi cuộc tấn công quân sự của Mỹ và các đồng minh Anh, Pháp nhằm vào Syria là hành động vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc và Luật pháp quốc tế, là hành vi thù địch nhằm vào một nhà nước có chủ quyền;
Và Nga kịch liệt lên án hành động này. 
Nhà lãnh đạo Nga đồng thời nhấn mạnh, ông sẽ kêu gọi triệu tập một phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để thảo luận về cuộc tấn công của các cường quốc phương Tây tại Syria.
Trong khi đó, dư luận quốc tế đã có những đồn đoán, nhận định trái chiều, nhất là về nguyên nhân, động cơ, mục tiêu của cuộc “không kích” này. 
Chúng tôi xin được trao đổi với bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về một số nội dung có thể góp phần trả lời những câu hỏi mà dư luận đang đặt ra.
1. Nguyên nhân của những cuộc “không kích” này thực chất là gì: có phải xuất phát từ vấn đề bảo vệ “lệnh cấm sử dụng vũ khí hóa học” đối với dân thường không?
Động cơ và mục đích của cuộc không kích này là gì? 
2. Liệu cuộc “không kích” này có đẩy nhân loại vào một cuộc chiến tranh thế giới mới không?...

Nguyên nhân và động lực thực sự của "không kích"
Mỹ và 2 đồng minh phương Tây khẳng định rằng họ phối hợp phát động cuộc “không kích” này là nhằm làm suy yếu khả năng sử dụng vũ khí hóa học của chính phủ Syria và ngăn cản việc sử dụng loại vũ khí hủy diệt này để chống nhân loại. 
Với những thông tin mà chúng tôi cập nhật được cho đến thời điểm hiện nay, chúng tôi cho rằng chưa đủ sức thuyết phục dư luận về nguyên nhân để Mỹ và Đồng minh phương Tây (Anh, Pháp) cùng phát lệnh “không kích” Syria, một quốc gia độc lập có chủ quyền là thành viên chính thức, hợp pháp của Liên Hợp Quốc. 
Bởi vì:
Thứ nhất: Cuộc “không kích” xảy ra trong khi một phái đoàn Liên Hợp Quốc tìm hiểu sự thật về thông tin chính phủ Sirya vừa tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học để tàn sát đồng bào mình chưa đưa ra được kết luận cuối cùng.
Trong quá trình giải trừ vũ khí hóa học, đã có hàng chục sự cố với nghi ngờ việc sử dụng các loại vũ khí hóa học xảy ra khắp mọi nơi ở Syria;


Dù kẻ nào đứng sau các cuộc tấn công vũ khí hóa học cũng là tội ác chống lại loài người, nhưng muốn ngăn chặn việc này phải ngăn tận gốc từ những tay lái buôn vũ khí. Ảnh nạn nhân vụ tấn công hóa học tại Syria là dân thường. Nguồn: Steemit.com.
Thủ phạm bị nghi ngờ có cả lực lượng quân đội Syria, Nhà nước Hồi giáo Iraq và Iran, cũng như ngay cả bởi các lực lượng đối lập Syria mà Mỹ hậu thuẫn.
Thứ 2: Theo quy luật đấu tranh sinh tồn, để bảo vệ chủ quyền, giữ vững sự ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng trước sự tấn công chống phá của các thế lực chống đối trong cũng như ngoài nước, bất kỳ Nhà nước của các Quốc gia đang tồn tại hợp pháp nào cũng đều có quyền:
Sử dụng mọi lực lượng vũ trang và các phương tiện khí tài cần thiết theo khả năng của mình, trừ một số loại vũ khí hủy diệt có khả năng đe dọa sự tồn tại của nhân loại mà gần đây đang bị nghiêm cấm bởi Liên Hợp Quốc, như vũ khí nguyên tử, hóa học…
Tuy nhiên, để loại bỏ triệt để khả năng sử dụng các loại vũ khí nguy hiểm đó, không chỉ tập trung “diệt ngọn” mà quên đi “gốc rễ” của vấn đề. 
Đó chính là phải chỉ đích danh kẻ đã phổ biến công nghệ, quy trình sản xuất, tàng trữ, cung cấp và bán chác các loại vũ khí đó trên thị trường quốc tế. 
Nếu những “lệnh cấm” đó chỉ có hiệu lực đối với các quốc gia nhỏ yếu, trong khi vô hiệu đối với các siêu cường thì sẽ là một sự bất bình đẳng trong quan hệ quốc tế.
Có áp bức, sẽ có đấu tranh. Triều Tiên theo đuổi đòn bẩy vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo để buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán, là một ví dụ.
Những áp đặt bất công chỉ càng làm cho quan hệ quốc tế càng thêm phức tạp, quy luật “cá lớn nuốt cá bé” trong quan hệ quốc tế đã từng tồn tại trong các thể kỷ trước đây vẫn tiếp tục phát huy tác dụng tiêu cực của nó. 
Vì thế, thế giới vẫn luôn luôn ở trong trạng thái bất ổn, khả năng xung đột, chiến tranh, thậm chí chiến tranh hủy diệt bằng vũ khí nguyên tử và hóa học, vẫn hiện hữu.
Thứ 3, Như vậy có thể thấy rằng, lý do để bảo vệ lệnh cấm sử dụng vũ khí hóa học, bảo vệ cuộc sống đồng loại… e rằng chỉ là sự ngụy biện;
Đó chỉ là nguyên cớ để các siêu cường khai thác nhằm phục vụ cho mục tiêu chiến lược của họ trong các cuộc tranh chấp phức tạp liên tục diễn ra tại khu vực Trung Đông, một khu vực có giá trị to lớn về địa- chính trị, địa- kinh tế, địa- chiến lược…
Thứ 4, Sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, dường như thế giới bị chi phối bởi một siêu cường duy nhất đó là Hoa Kỳ. 
Tuy nhiên, không vì thế mà việc sản xuất, chế tạo các loại vũ khí giết người tối tân, hiện đại bị dừng lại. 
Trong thực tế, vũ khí sát thương, phương tiện chiến tranh hiện đại vẫn ùn ùn xuất xưởng.
Chúng vẫn được tàng trữ, mua bán, hoặc công khai hoặc bí mật, trên thị trường quốc tế, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các tập đoàn lái buôn vũ khí thế giới. 
Để thu được lợi nhuận đó, các nước sản xuất, tàng trữ vũ khí đã “kích cầu” bằng cách trực tiếp hay xúi giục gây ra những điểm nóng, đụng độ vũ trang, xung đột…nhằm biến các nước nhỏ yếu trở thành nơi thử nghiệm vũ khí hoặc bãi chiến trường. 


Chưa biết khi nào người dân Syria mới thoát khỏi địa ngục trần gian? Ảnh minh họa, nguồn: NBC News.
Các “lực lượng khủng bố”, “Nhà nước Hồi giáo tự xưng” (IS), các lực lượng “nổi dậy”, chống đối….phải chăng chính là “con đẻ”, là sản phẩm của các tập đoàn lái buôn vũ khí quốc tế?
Và vụ “không kích hạn chế” vào Syria lần này có lẽ không nằm ngoài “kịch bản” đó. 
Chiến tranh thế giới khó xảy ra, bởi kẻ giàu mới có nhiều thứ để mất
Như thông tin đã đưa, cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đều nhắc đến chữ "hạn chế" khi nói về cuộc không kích lần này, nhấn mạnh chúng đã được triển khai để "giảm thiểu tối đa thương vong cho dân thường". 
Nhưng những gì đã diễn ra cho thấy không phải là cuộc tập kích “giảm thiểu tối đa thương vong cho dân thường”, đó là cuộc tấn công được thiết kế để không ảnh hưởng tới các "nhân tố không phải Syria ở Syria". 
Đó là ai? Là Nga với hai căn cứ quân sự vững chắc; là Iran với các lực lượng mặt đất và tướng lĩnh đang hiện diện cùng quân đội Syria. 
Nếu nhìn đường đi của tên lửa và hướng tấn công của liên quân Mỹ thì thấy rõ các tên lửa hành trình của Mỹ, Anh và Pháp đều tránh đi ngang khu vực có lưới phòng không của Nga ở Syria và cuộc chống trả trở thành màn thử lửa của các hệ thống phòng thủ tên lửa do Nga cung cấp cho Syria. 
Và vì thế, chế độ của Tổng thống Syria vẫn đứng vững và sẽ có thể nhận được thêm các vũ khí phòng thủ hiện đại từ Nga, chẳng hạn S-300, dưới danh nghĩa tự vệ.
Trong khi đó, Mỹ và Đồng minh vẫn giữ được “thể diện” của mình trước dư luận quốc tế.
Như vậy, trong tình hình hiện nay, cả Mỹ, đồng minh phương Tây của Mỹ và Nga, vì tính toán lợi ích sống còn của họ mà không thể để cho tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát dẫn đến chiến tranh thế giới.
Bởi hậu quả của nó sẽ là tất cả đều bị hủy diệt.
Thảm cảnh này chắc chắn không ai mong muốn; càng những kẻ “lắm tiền nhiều của” lại càng sợ chết hơn ai hết! 
Vấn đề còn lại là các quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong tầm ngắm của các siêu cường cần ứng xử ra sao để không bị lợi dụng, biến mình thành bãi thử vũ khí của kẻ thù lẫn đồng minh.
Nhìn lại những gì diễn ra tại Iraq, Libya và bây giờ là Sirya chùng tôi nhận thấy lý do tại sao trước khi mở cửa và cải cách toàn diện đất nước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phải có tên lửa đạn đạo và bom nhiệt hạch trong tay.
Đó là lựa chọn của Triều Tiên do nhiều yếu tố của lịch sử và bối cảnh địa chính trị Đông Bắc Á hậu Chiến tranh Lạnh. 
Sẽ không có những động thái chuyển ngoặt bất ngờ về ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên 3 tháng vừa qua, nếu không có những bước tiến về công nghệ tên lửa đạn đạo và bom nhiệt hạch trong năm 2017.
Còn với các quốc gia nhỏ ven Biển Đông đang trở thành tâm điểm tranh giành ảnh hưởng của Trung Quốc và Hoa Kỳ, nếu không có tư duy độc lập tự chủ, tự lực tự cường và cách ứng xử khéo léo, thì nguy cơ trở thành bãi thử vũ khí của các siêu cường không phải không thể xảy ra.
Để phát triển cường thịnh, thì mọi chính sách của nhà nước phải chăm lo cho dân, như di huấn của Đức Trần Hưng Đạo, khoan thứ sức dân là thượng sách giữ nước, là kế sâu rễ bền gốc.
Phải cảnh giác với giặc nội xâm hơn cả, bởi nó phá hoại đất nước từ bên trong, như người xưa nói, minh thương dễ tránh, ám tiễn khó phòng. Cuộc chiến chống nội xâm phải luôn thường trực, thì mới giúp đất nước cường thịnh và đẩy lùi nguy cơ ngoại xâm.
Tài liệu tham khảo:
Tiến sĩ Trần Công Trục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét