Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

20180427. QUANH SỰ KIỆN 30/4/1975

ĐIỂM BÁO MẠNG
NGÀY 30 THÁNG 4: TỪ 'MỘT GÓC NHÌN KHÁC'

XUÂN THỌ/ BVN 26-4-2018

Ông Stephan Köster (áo đen - cameraman của IK, CHLB Đức) trong ngày 01/5/1975 ở Sài Gòn (ảnh do tác giả cung cấp)

Chàng Việt cộng gốc Đức

Tôi tuổi Mão, nên chiều mồng hai tết Ất Mão đầu năm 1975, một bất ngờ lớn đã đến với tôi. Ông Huỳnh Văn Tiểng, phụ trách Truyền hình Việt Nam giao cho tôi đi Hải Phòng đón hai “đồng chí Tây Đức” và đoàn xe truyền hình lưu động.
Tổ chức cánh tả Tây Đức “Ủy ban sáng kiến ủng hộ ngành điện ảnh và truyền hình Việt Nam” (Initiativkommittee zur Unterstützung des Film-und Fernsehwesens der DR Vietnam) viết tắt là IK, cử hai sinh viên năm cuối ngành khoa học sân khấu điện ảnh, đại học Cologne, lênh đênh trên biển 6 tuần, áp tải 3 chiếc xe truyền hình lưu động sang tặng Truyền hình Việt Nam. Từ đó tôi kết bạn với họ và với nhiều thành viên IK khác.

Ở một xứ sở mà kết bạn với đồng chí Liên Xô còn gặp khó khăn thì chơi với bạn Tây Đức vô cùng nguy hiểm. Tôi đã khốn khổ một thời vì tình bạn này. Nhưng tôi không bao giờ bỏ bạn bè, và họ cũng chẳng bao giờ quên tôi.

Những gì xảy ra sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc đã làm thất vọng, thậm chí tạo lên những chấn thương tâm lý cho hầu hết các thành viên IK khiến không ai muốn nhắc đến quá khứ, đến các tư tưởng họ đã đi theo. Vì vậy tôi đã không viết về họ.

Đầu tháng Tư năm nay, Stephan Köster, một bạn cũ của IK đến thăm tôi ở Cologne. Vợ tôi đãi các món mà Stephan đã được thưởng thức cùng Xuân, vợ chưa cưới của anh tại Sài Gòn mùa hè 1975.

Rồi Stephan nói về những ngày cuối của cuộc chiến ở đó. Nhận định của anh ta nghe rất lạ tai, rất khác với những gì người Việt hay nói về ngày 30 tháng Tư.
Tại sao Stephan lại có mặt Sài Gòn vào thời điểm lịch sử này?

Sau khi nhận ba chiếc xe truyền hình lưu động do IK tặng, tôi được phân công giúp đoàn IK làm phim ở Việt Nam. Hôm 30/3/1975, một ngày sau khi Quân Giải phóng chiếm Đà Nẵng, tôi đưa phái đoàn IK đến phỏng vấn Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông Phạm Văn Đồng.

Sau màn chào hỏi xã giao và phỏng vấn, Chủ tịch IK xin gặp riêng ngài Thủ tướng. Hai người sang phòng bên cạnh nói với nhau bằng tiếng Pháp. Về sau anh bạn Chủ tịch IK kể cho tôi qua thư là trong khi bàn bạc, anh có hỏi ông Đồng: “Bao giờ các đồng chí sẽ lấy Sài Gòn?” Câu trả lời là ‘Cuối tháng 4/1975’, như anh nhớ lại.

Bên IK nói sẽ gửi một phóng viên vào Sài Gòn để làm phim về sự kiện này. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cảm ơn và hứa sẽ báo cho các cơ quan hữu quan.
Ngày 31/3/1975, đoàn IK bay về Đức với rất nhiều tư liệu về Việt Nam mà lúc đó UPI, AFP, AP hay Reuters nằm mơ cũng không thể có.

Rồi IK tìm người đi Việt Nam và họ chọn Stephan Köster, chàng quay phim 27 tuổi. Lý do chính là Stephan sinh ra trong một gia đình ngoại giao lâu đời ở Đức, đã theo bố mẹ rong ruổi khắp thế giới. Anh thông thạo 6 ngoại ngữ và đã từng có những tiếp xúc với du kích Nam Mỹ khi còn ở Bolivia.
Ngày 26/4/1975, Stephan nói bố mẹ là đi Tây Ban Nha, nhưng đáp máy bay đi Bangkok.

Ngày 27/4, khi những chiếc máy bay đầy ắp người di tản khỏi Việt Nam đến Bangkok thì chỉ mình Stephan bay ngược về Sài Gòn. Vì lý do an toàn, Stephan không mang bất cứ một giấy tờ gì có thể lộ ra rằng anh là người của “Việt Cộng”. Trong va-li chỉ có máy quay phim, máy ảnh và cơ số phim đủ cho hai tháng.

Thế là Stephan bỗng trở thành nhân chứng lịch sử của một sự kiện mà anh tưởng rằng sẽ là ngày tận thế của chủ nghĩa đế quốc, bỗng yêu một người con gái Việt từ ‘phía bên kia của Cách mạng’…

Nhân chứng “ngày tận thế”

Stephan bị Sài Gòn quyến rũ ngay khi vừa đặt chân đến, dù trong buổi hoàng hôn của Việt Nam Cộng Hòa. Chiều ngày 27/4, thành phố vẫn yên tĩnh, bất chấp các tin chiến sự, tin thay đổi nội các, các lệnh giới nghiêm được Đài phát thanh liên tục phát đi. Cảnh sát vẫn điều hành các ngã tư, mọi mệnh lệnh từ trên xuống vẫn được thi hành.

Khách sạn Caravelle đề nghị người nước ngoài phải nộp ảnh để làm giấy tạm trú theo lệnh thiết quân luật. Trong tiệm chụp ảnh, Stephan bị thôi miên bởi ánh mắt của một cô gái đang nhìn mình. Xuân, cho đến lúc này vẫn còn là xướng ngôn viên đài truyền hình Sài Gòn của VNCH, đang chờ chụp ảnh để làm visa xuất ngoại. Bố mẹ Xuân đang chờ cô ngoài tàu sân bay. Vì vướng mấy chương trình lên sóng nên giờ cô mới lo đến việc xuất ngoại.

Xuân có cảm tình ngay với chàng trai Đức đang thì thầm với chủ tiệm bằng tiếng Pháp rất êm. Cô nghĩ đến chiếc xe VW của Đức vừa dễ thương vừa rất đáng tin cậy mà cô dùng lâu nay. Tình yêu sét đánh! Chiếc xe VW màu trắng bỗng trở thành phương tiện vận chuyển của Stephan trong hơn hai tháng sau đó, với Xuân trong vai tài xế, phiên dịch và trợ lý đạo diễn. Xuân tìm thấy ở Stephan chàng hiệp sỹ của đời mình và cô sao nhãng những cố gắng xuất cảnh, yên tâm phụ giúp chàng trong mọi hoạt động. Lúc đầu, Stephan không biết Xuân là người của đài Truyền hình Sài Gòn, còn Xuân chỉ biết anh là phóng viên Tây Đức chứ đâu ngờ là anh làm việc cho những người cộng sản đang bao vây thành phố.

Trong phim, Stephan nhận mình là người cộng sản, nhưng trong thực tế các thành viên IK không chấp nhận đảng Cộng sản Đức (DKP). Mặc dù cùng chia sẻ với nhau các quan điểm thiên tả: chống chiến tranh Việt Nam, chống lại trật tự kinh tế TBCN… nhưng IK rất ghét mối liên hệ chặt chẽ giữa DKP với nước CHDC Đức. Đối với trí thức thiên tả, nhà nước XHCN ở miền Đông là biểu tượng của nền chuyên chế, độc tài. Stephan thấy những chàng trai, cô gái Việt Cộng đội mũ tai bèo, quấn khăn rằn, cầm AK47 mới là đại diện cho cuộc chiến tranh giải phóng, vì tự do, chống lại chuyên chế.

Ngày 28/4, số ít ỏi phóng viên nước ngoài còn ở khách sạn Caravelle quyết định chuyển sang khách sạn Continental, nơi có đông người phương tây hơn, để tạo thành một căn cứ nhỏ bảo vệ lẫn nhau. Buổi tối, Xuân và Stephan không dám ngủ trong phòng khách, mà thường chui vào phòng tắm không có cửa sổ để tránh đạn lạc. Khách sạn Continental dùng lưới thép bọc toàn bộ các cửa sổ và chặn cửa ra vào bằng hàng rào thép để tránh bị tấn công.

Tại đây Stephan gặp các phóng viên Đức đang ở lại Sài Gòn, đó là Börries Gallasch, phóng viên tạp chí Tấm gương (Der Spiegel), phóng viên nước ngoài duy nhất chứng kiến việc tướng Dương Văn Minh đọc lệnh ngừng bắn tại Đài phát thanh Sài Gòn trưa 30/4/1975; Dieter Mummende, phóng viên ảnh của nhật báo Thế giới (Die Welt) người cùng đi với Stephan ra xa lộ Biên hòa để quay phim các phòng tuyến chống cự của quân lực VNCH. Nhưng trên đường ra, cả hai chỉ chứng kiến các đoàn xe chở bộ đội Bắc Việt tiến vào thành phố; và Tiziano Terzani, phóng viên thường trú báo Tấm Gương (Spiegel) là người đã quay những thước phim về chiếc xe tăng T54 húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập.

Stephan Köster đã gặp Börries Gallasch, phóng viên tạp chí Tấm gương (Der Spiegel), người mà trong ảnh này ngồi bên cạnh Tướng Dương Văn Minh tại Đài Sài Gòn và là nhà báo nước ngoài duy nhất chứng kiến việc tướng Minh đọc lệnh ngừng bắn trưa 30/4/1975

Tất cả họ, không ai biết Stephan đang làm việc cho “Việt Cộng”, kể cả “Việt Cộng”. Có lẽ vì mê cuộc chiến tranh giải phóng của “Việt Cộng”, vì yêu một người con gái của phía bên kia và luôn có nàng bên mình như một tấm bùa hộ mệnh mà Stephan cảm thấy vững tin trong tác nghiệp, không hề cảm thấy sợ hãi khi tiếp xúc với binh lính từ cả hai bên.

Hoàng hôn của chiến tranh

Người phương Tây còn kẹt lại tại Sài Gòn biết dân chúng rất ghét người Mỹ, đã bỏ rơi họ, đẩy họ vào tình thế này. Ai cũng lo một vụ tàn sát người Mỹ có thể xảy ra. Quảng trường trước mặt khách sạn Continental luôn xuất hiện các toán binh sỹ VNCH mệt mỏi rã rời, nét mặt vô vọng, nhưng trang bị đến tận răng, tiểu liên cầm tay, lựu đạn quanh hông.

Stephan (X) chụp ảnh tại Hạ Nghị Viện SG trưa 30.4.1975

Đám phóng viên ngoại quốc nấp ở bên trong hàng rào thép nhìn ra sợ hãi, chỉ sợ đám lính vô kỷ luật, không còn gì để mất kia dùng súng chống tăng phá hàng rào thép để vào khách sạn trả thù. Ngày 29/4, khi trực thăng còn quần đảo trên bầu trời, có một thanh niên Mỹ không biết say rượu hay hoảng loạn, cứ cởi áo, đứng múa may quay cuồng trước nhà thờ Đức Bà. Stephan sợ cậu ta sẽ bị người Việt xúm lại tùng xẻo. Tất cả những nỗi hãi hùng đó đều không xảy ra.
Từ tối 29/4 và sáng 30/4, trước khi xe tăng của Bộ đội chủ lực tràn vào Sài Gòn, Stephan đã nhìn thấy Biệt động nội thành của Việt Cộng xuất hiện vài nơi. Trên trời trực thăng vẫn tiếp tục di tản người ra khỏi thành phố, nhưng các “Việt cộng” này chỉ ngước nhìn lên, không hề nghĩ đến chuyện bắn hạ, dù việc đó dễ như trở bàn tay. Binh lính Cộng hòa rất oán ghét các tướng lĩnh vô trách nhiệm, bỏ mặc họ cho số phận để leo lên trực thăng tháo chạy. Súng trong tay nhưng họ chỉ nhìn theo máy bay chửi đổng. Không ai còn thích đổ máu nữa!

Kể đến đây, Stephan trầm ngâm:

“Từ khi bước chân đến Việt nam, tớ đã cảm thấy một dân tộc khao khát hòa bình. Cuộc chiến tranh tàn bạo nhất thế kỷ 20 kết thúc êm như một điều thần kỳ chính vì ý nguyện của tất cả những người trong cuộc. Cả một dân tộc đã nhận ra rằng đến lúc phải thôi bắn giết!

“Điều thần kỳ này không phải do đám chính trị làm nên, không hề vì thắng lợi của cách mạng, chẳng phải vì bọn cường quốc đánh cờ trên lưng Việt Nam, chẳng phải vì ai bán đứng ai cả. Hãy nhìn về nước Đức. Chiến tranh được kết thúc bởi sự đầu hàng của một bên, bằng sự căm thù của bên kia, bằng hiệp định của tứ cường đã bi thảm ra sao? Chắc cậu còn nhớ đến nạn hãm hiếp hàng trăm ngàn phụ nữ Đức, đến những cuộc hành quyết lính Đức đào ngũ do SS thực hiện sau ngày 8/5 chứ?”

Đây quả là một cách nhìn mới về ngày 30 tháng Tư mà tôi chưa được nghe từ người Việt Nam nào. Tôi hỏi:

“Cậu nghĩ sao về ý nguyện của dân tộc này, khi chính cậu, chỉ vài tháng sau đó đã bất hạnh về những đau khổ mà người Việt phải chịu đựng, về những cơ hội bị bỏ lỡ?”

“Đó chính là bi kịch của mỗi dân tộc. Người ta có thể tạo ra cái kết đẹp của một cuộc chiến để rồi lao vào một khởi đầu xấu cho nền hòa bình. Cũng như trong đời người, hai chúng tớ đã vượt qua tất cả mọi rào cản để có một mối tình đẹp như mơ, nhưng lại không biết giữ nó, để tuột khỏi tay!”

Mối tình buổi bình minh


Bà Xuân - người yêu của nhân vật chính trong câu chuyện tình 43 năm trước.

Stephan coi Xuân là tình yêu buổi bình minh của anh. Hai người thuê một căn hộ trong phố để ấp ủ tương lai. Xuân luôn ở bên anh trong mọi hoạt động và họ chẳng còn giấu nhau điều gì nữa. Stephan biết Xuân từng là gương mặt của cỗ máy tuyên truyền bên kia, có họ với hoàng đế Bảo Đại, sống trong nhung lụa. Stephan gọi Xuân là “cô bé mơ mộng” và lúc nào cũng nâng niu cô như một bông hồng, chỉ sợ nó rụng cánh. Trả lời câu hỏi của Xuân: “Anh là cộng sản à?”, Stephan nói: “Đúng vậy, nhưng chỉ khi nào cách mạng Việt Nam thành công trọn vẹn!”
Sau khi tình hình tạm ổn định, Stephan đến thăm đài “Truyền hình Sài Gòn giải phóng” ở đường Hồng Thập Tự. Giám đốc đài là thủ trưởng cũ của tôi, ông Huỳnh Văn Tiểng từ Hà Nội vào. Ông được thông báo về ý đồ của IK nên biết là sẽ có phóng viên Đức vào Sài Gòn trước 30.4, nhưng chưa rõ là ai. Nay nghe Stephan tự giới thiệu “Tôi là người của IK cử sang để sát cánh cùng các bạn”, ông mừng lắm. Stephan nộp cho ông các vũ khí mà anh nhặt được để tự phòng thân trong mấy ngày qua và khuyên ông cử người đến khách sạn thu gom những thiết bị điện ảnh bị các phóng viên phương Tây bỏ lại.

Từ giờ phút này, chính quyền biết Stephan là ai. Ông “Tây phe ta” được tiếp xúc với đại diện của “Lực lượng thứ ba”: Luật sư Ngô Bá Thành, Bác sỹ Dương Quỳnh Hoa, Ni sư Huỳnh Liên và các thủ lĩnh sinh viên nội thành khác. Đối với anh, đó là những “Việt Cộng”, ai cũng trí thức, cũng đáng yêu, rất con người. Xuân cảm thấy gần gũi họ hơn, đem chuyện cưới xin ra hỏi bà Ngô Bá Thành. Stephan hạnh phúc ngây ngất và cả hai quyết định cưới.


Ông Stephan Köster cùng người yêu - bà Xuân (trái) 
và Luật sư Ngô Bá Thành (phải) vào năm 1975

Chính quyền quân quản không ngăn cản, cũng không đồng ý, chỉ nói chờ đã. Xuân rất khó chịu. Nhưng Stephan nói là cách mạng mới thành công, còn trăm công nghìn việc hãy thong thả chờ. Xuân biết ngày về Đức của Stephan không xa nữa, chỉ có giấy kết hôn mới đưa cô ra khỏi xứ này… Họ hờn rỗi nhau, rồi làm lành, lại cưng nhau.

Giấc mơ của Stephan về một nước Việt Nam hòa bình, tự do, bác ái bắt đầu rạn nứt: Chỉ qua đêm hàng loạt loa phóng thanh được lắp ngoài đường chĩa vào nhà làm anh khó chịu. Các em bé ăn mặc chỉnh tề thắt khăn quàng đỏ diễu hành ngoài đường làm anh nhớ đến chế độ Đông Đức. Rừng cờ đỏ ngợp trời ngày đầu làm anh hứng khởi, nay được thay thế bằng các khẩu hiệu đủ kiểu khiến anh liên tưởng đến chủ nghĩa Mao… Anh tự bào chữa: đó chỉ là sự ấu trĩ của những cán bộ ít học. Các trí thức mà anh quen biết rồi sẽ giúp cho họ hiểu, thế nào là văn hóa, là cách mạng.

Nhưng rồi anh thấy những “Việt Cộng” dễ thương cứ vắng dần đi, thay vào đó là các cán bộ lạnh lùng ngoài Bắc vào, nói chuyện gì cũng phải qua Xuân phiên dịch... Phim của anh gửi về Đức cho IK ngày càng “kém chất lượng”, vì nó không toát lên được khí thế cách mạng mà các đồng chí bên đó mong đợi. Các câu hỏi anh đặt ra trong phim ngày càng khó chịu. IK liên tục gửi điện, giục anh phải về ngay Đức để làm bản “Báo cáo thành tích”.

Chính quyền bắt đầu đưa dần số phóng viên ngoại quốc ra khỏi Việt Nam. Vài ngày một lần, lại có một thông báo ai phải ra đi, dán trước cửa khách sạn.

Stephan nghĩ rằng, mình không nằm trong diện đó. Anh là đồng chí của họ cơ mà? Anh muốn ở lại vĩnh viễn với Xuân. Cơ số phim IK cấp cho, anh đã quay hết, đã gửi về đủ, coi như xong nhiệm vụ.

Đời đâu có đơn giản thế. Cuối cùng Stephan được chính quyền vui vẻ thông báo là anh sẽ phải rời khỏi Việt Nam. Mình không còn có ích cho họ nữa - Stephan nghĩ bụng - “Thế còn vợ tôi?”, anh hỏi.

“Chúng tôi sẽ giải quyết sau một năm!,” họ trả lời. Nghe vậy, Xuân la khóc: “Sao anh có thể tin người cộng sản?”

“Em chẳng đã từng bảo anh cũng là cộng sản sao? Hãy tin anh. Giờ anh đành phải về. Nhưng anh sẽ đưa em ra khỏi đây,” Stephan đáp.

Ngày 01/7/1975, 65 ngày sau khi đến Việt Nam, Stephan cùng một số nhân viên cứu trợ Liên Hiệp Quốc bước lên chuyến máy bay đi Vientian. Họ là những người ngoại quốc cuối cùng đã vào đây bằng thị thực của Việt Nam Cộng Hòa, nay phải rời Việt Nam. Xuân đứng như trời trồng ở sân bay nhìn theo chiếc phi cơ mất hút trên bầu trời.

Về đến nhà, Stephan bỏ mặc những bất đồng với ban lãnh đạo IK, với các bạn anh. Anh cũng chẳng quan tâm đến bản “Báo cáo thành tích” nữa. Anh chỉ lo chạy để đưa Xuân sang. Tòa đại sứ của VNCH khi xưa, nay đã cắm cờ đỏ sao vàng.

“Đồng chí cameraman, đồng chí thông cảm, chúng tôi mới ra khỏi chiến tranh, còn nhiều việc quan trọng hơn phải làm…”, nhân viên sứ quán nhiều lần lễ phép nói vậy.

Những bức điện tín của Xuân từ Sài Gòn gửi sang, càng ngày càng vô vọng… Đùng một cái, đầu tháng 5/1976, qua một người quen, Stephan biết Xuân đã sang đến Paris. Nhưng tại sao Xuân không báo cho Stephan?

Giấc mộng ‘đẹp’ và cái kết

Chuyện riêng tư của bạn tôi, tôi sẽ không bộc bạch! Chỉ biết là người Việt Nam đã giữ lời hứa. Rồi IK trải qua những năm tháng vật vã trong quan hệ với Việt Nam. Những tin xấu: Trại cải tạo, đánh tư sản, đốt sách vở, thuyền nhân chết trên biển... làm cho tất cả họ sụp đổ.

Đầu 1982, sau khi đã hồi phục tinh thần, Stephan sang Paris thăm Xuân. Cuộc gặp gỡ cảm động đó đã bình thường hóa quan hệ của cặp vợ chồng chưa cưới ngày nào về cấp bạn bè.

Trở về Đức, anh làm bộ phim tư liêu 60 phút “Bản báo cáo thành tích” (Erfolgsbericht) để tặng người tình cũ và giãi bày lòng mình. Phim phát trên ZDF và được giải đặc biệt của liên hoan phim Berlinale 1983 về thể loại phim “Sân khấu TV nhỏ”, được coi là tạo bước ngoặt về kịch bản với các yếu tố tự sự, thơ và kể chuyện kết hợp trong mối tình có một không hai.

Năm 2006, Stephan tặng tôi cuốn phim, tôi giữ kín. Nay anh nói tôi hãy dịch ra tiếng Việt và phổ biến cho đồng bào mình xem. Stephan buồn bã: “Tình yêu bình minh của chúng tớ cũng ngắn ngủi như giấc mộng đẹp về cuộc cách mạng ở Việt Nam!”

Bài viết trong loạt bài đánh dấu 43 năm sự kiện 30 tháng Tư kết thúc Chiến tranh Việt Nam, bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một tu nghiệp sinh tại CHDC Đức từ năm 1967 - 1971 và cựu kỹ sư tại Đài truyền hình Việt Nam (VTV), hiện đang sinh sống tại Cologne, CHLB Đức.

Phim có phụ đề tiếng Việt xem tại đây:https://www.youtube.com/watch?v=XMGjEE5LW5s
X.T.
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/forum-43849846

NGÀY CỦA HÒA BÌNH THỐNG NHẤT

LÊ HỌC LÃNH VÂN/ TBKTSG 26-4-2018

(TBKTSG) - Nếu hiểu câu nói “một triệu người vui và một triệu người buồn” của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt theo nghĩa một triệu người ủng hộ miền Bắc và một triệu người ủng hộ miền Nam thì chắc tôi không thuộc về một triệu người nào hết trong ngày 30-4-1975. Tôi nghĩ mình thuộc vào đa số thầm lặng, mong muốn cuộc sống hòa bình và no ấm trong một nước Việt Nam thống nhất.
Hai người lính miền Bắc và miền Nam choàng vai nhau tại biên giới chia đôi hai miền đất nước vào một ngày tháng 3-1973. Ảnh: CHU CHÍ THÀNH, tienphong.vn
Tuy nhiên, tôi đã rất vui sướng trong những ngày đó. Niềm vui sướng tới mức bây giờ nhớ lại tôi vẫn nghĩ mình khó tìm được thời khắc như vậy trong cuộc đời. Có thể nói ngày 30-4 năm ấy đã cho tôi tất cả niềm vui ngất ngây, bừng sáng, hy vọng, tin yêu trong lứa tuổi hai mươi. Đất nước từ nay không còn chia cắt, không còn từng ngày “bom cày đạn xới”! Chiến tranh chấm dứt mà không có tàn sát, các thành phố lớn của miền Nam còn nguyên vẹn. Cũng không có cảnh rút móng tay, bắt các cô gái miền Nam làm vợ... như tin đồn thời gian trước đó. Việc chính quyền thuộc về ai thì tôi không bận tâm lắm, vì nghĩ người Việt nào nắm chính quyền cũng được, khi đất nước đi vào ổn định ai nắm chính quyền cũng phụng sự dân tộc, tổ quốc, nếu không dân chúng sẽ chọn người khác! 
Sau vài ngày náo động, ba mẹ tôi dự đoán cuộc sống sẽ khó khăn hơn trong những ngày tới. Tuy nhiên, “khó khăn chỉ vài tháng, nửa năm thôi. Đất nước mình giàu có, tiền của miền Nam còn nhiều, tài nguyên dồi dào chắc không đói kém lắm đâu. Hòa bình rồi một hai năm sau sẽ khá lại, năm bảy năm nữa giàu có. Thế giới đổ vô đầu tư. Tương lai các con chắc rồi sung sướng hơn ba mẹ”.
Với niềm tin đó, với sự khuyến khích của gia đình, tôi lao vào các sinh hoạt ổn định xã hội theo kêu gọi của chính quyền quân quản. Chúng tôi và một số bạn bè chỉ ngó tới tương lai trong niềm vui Nam - Bắc một nhà. Sau ngày 30-4-1975, trên hè phố Sài Gòn xuất hiện nhiều đống rác lớn. Chúng tôi cùng nhau dọn dẹp không ngại dơ bẩn, hôi thúi. Chúng tôi dọn dẹp những bãi dài quân trang quân dụng quân sĩ miền Nam vất bỏ, không hề có tí gì ý muốn tơ hào hay gom về nhà làm của riêng...
Thấm thoắt 43 năm bay qua nhanh, bay luôn vài thế hệ đàn anh của tôi và cũng bay đi khá nhiều ước mơ của họ, của tôi ngày đó. Những ngày đầu tháng tư năm 2018 này lòng tôi chùng xuống niềm cảm động thấy dân chúng chuyền nhau tấm ảnh 45 năm trước. Tấm ảnh cho thấy hai người lính miền Bắc và miền Nam choàng vai nhau tại biên giới chia đôi đất nước một ngày tháng 3-1973, sau khi hiệp định đình chiến Paris được ký kết. Chúng ta cùng nhớ sau hiệp định Paris hai năm là Việt Nam thống nhất.
Ông Chu Chí Thành, phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, người chụp tấm ảnh này cho biết: “Một nhóm bộ đội miền Bắc ra vẫy tay gọi í ới vào chốt của quân đội miền Nam ở bên kia ranh giới, mời mấy anh em qua bên này uống nước chè xanh. Mấy phút sau một nhóm bốn năm người lính cộng hòa kéo dây ranh giới để qua chốt của quân giải phóng. Những người lính phía miền Nam nói giọng miền Nam cũng mang sang một chai rượu nếp đen làm quà cho bộ đội miền Bắc”.
Ông Thành chụp ảnh hai người lính choàng vai nhau mà “trân người đến mức quên mất chuyện hỏi tên tuổi của hai người lính”. Ông đã quá cảm động: “Nhìn cái cách mà hai người lính ấy choàng tay nhau, tôi biết rằng ngày đất nước thống nhất đã sắp đến”.
Những ai từng sống qua thời khắc lịch sử đó chắc hiểu tại sao tấm ảnh gây xúc động tới vậy! Tôi thấy cảm nhận của ông Chu Chí Thành, rằng “ngày đất nước thống nhất đã sắp đến”, là chính xác. Tôi, người sống tại Sài Gòn những năm tháng 1973 đó, có cùng cảm nhận như vậy khi quan sát đời sống đô thị chung quanh: quả thật lòng rất nhiều người dân lúc đó mong ước đất nước hòa bình và thống nhất. Hòa bình và thống nhất là hai điều người dân thời đó thiếu thốn nhất, nên được lòng dân ước muốn khát khao nhất. Sống ở miền Nam, chỉ biết lòng dân miền Nam, nhưng tôi đoán lòng người miền Bắc lúc đó cũng vậy!
Ước muốn đó của lòng dân, theo tôi, có vai trò rất lớn để cuộc chiến 20 năm chấm dứt vào ngày 30-4-1975 mà các thành phố lớn của miền Nam gần như nguyên vẹn, mà tình người Nam - Bắc như anh em trở về gặp lại nhau! Không có ước muốn đó của lòng dân, cuộc chiến vẫn có thể kết thúc, nhưng trong cảnh đất nước điêu tàn, đổ nát!
Bức ảnh hội ngộ 45 năm sau. Ảnh: DPV, tienphong.vn
Từ lâu rồi, tôi thường tự hỏi: ý nghĩa của ngày 30-4 là gì? Chắc chắn rằng hơn chín mươi triệu con dân nước Việt phải có nhiều quan điểm khác nhau. Trong hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi lọc ra ba ý nghĩa được nhiều người nhắc tới: thống nhất, hòa bình, giải phóng.
Trong khi mỗi ý nghĩa đều có giá trị riêng của nó, ý nghĩa “thống nhất”, “hòa bình” được gần như mọi người chấp nhận. Tôi chưa từng nghe ai nói ngược lại hai ý nghĩa này. Tháng 4 năm nay, chúng ta cùng nghe hai anh lính trong tấm ảnh đó nói về hòa bình, thống nhất mà chắc cũng là nỗi lòng của đại đa số chúng ta:
“Bọn lính tráng tuổi 20 chúng tôi hồi đó đâu có quan tâm nhiều đến chính trị, nghe tin ngừng bắn chỉ biết mừng, đúng nghĩa là “mừng chết đi sống lại””…
“Tôi thật sự không nghĩ gì, coi họ (những người lính miền Bắc) như anh em, bạn bè, cùng trải qua khói lửa vào sống ra chết như mình. Khác chiến tuyến là do hoàn cảnh”…
“Tôi nhận ra họ cũng là những chàng trai 20 tuổi, đầy ước mơ tương lai như mình, cùng là những người lính khao khát hòa bình bằng cả mạng sống như mình”…
“Chiến tranh đã kết thúc, đất nước đã thống nhất, đấy là điều tuyệt vời rồi”…
43 năm, đứa bé sinh ngày hòa bình, thống nhất nay đã quá nửa đời người. Cuộc sống cứ trôi theo dòng chảy của nó bất chấp thế hệ đã trưởng thành ngày 30-4-1975 suy nghĩ gì về ý nghĩa của ngày đó. Tuy nhiên, một suy nghĩ hướng về sự đồng thuận cộng đồng, đoàn kết dân tộc sẽ thúc đẩy sự vận động xã hội về hướng tích cực nhanh hơn. Chúng ta có thể hy vọng được không, rằng sự tôn vinh ý nghĩa “thống nhất”, “hòa bình” của ngày 30-4 sẽ khiến cả xã hội ngày càng bớt đi số người buồn và càng tăng số người vui chung? Do đó, càng tăng số người cùng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chung? Cùng hóa giải những mối nguy cơ hiển hiện đối với nền tự chủ của dân tộc?

THUYẾT ÂM MƯU HỎI NGÀY NÀO ĐEN: 1/11/1963 HAY 30/4/1975 ?

TRẦN MINH THẢO/ 26-4-2018

Đấy là ý kiến thấy trên mạng xã hội nhân ngày 30/4/2018. Ý kiến này có vẻ sinh ra từ thuyết âm mưu nhưng có những khía cạnh rất đáng phải quan tâm do đất nước ngày càng bị Trung Quốc khống chế.
Thử tìm hiểu xem ‘thuyết âm mưu’ này nói gì về ‘tháng tư đen’ (“Tháng tư đen” hay “quốc hận” là cách nói của ‘bên thua cuộc’ về ngày 30/04/1975. Bên thắng cuộc thì gọi là “ngày giải phóng thống nhất đất nước”, “chiến thắng của hai ngọn cờ: chủ nghĩa xã hội và độc lập dân tộc”).

1/ Mỹ vào, Mỹ ra

Mỹ đưa quân vào miền Nam Việt Nam là nhằm làm cho VNCH thua cuộc chiến (!?). Cuối năm 1964, Mỹ đưa quân chiến đấu vào miền Nam, một năm sau khi Chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ bởi cuộc đảo chính 01/11/1963, anh em ông bị giết chết.
Tháng 3/1973 Mỹ rút hết quân chiến đấu khỏi miền Nam, 30/4/1975 đệ nhị VNCH sụp đổ. Việt Nam lại thống nhất nhưng cả nước bị Trung Quốc khống chế. Có một số cá nhân, phe nhóm trong đảng, nhà nước XHCN muốn thoát ly khỏi TQ nhưng không thành. Việt Nam vẫn là thuộc địa kiểu mới của Trung Quốc.
“Mỹ vào - Mỹ ra” đánh dấu 2 nền cộng hòa phía Nam sụp đổ và Trung Quốc chiếm thêm được phần lãnh thổ Việt Nam làm thuộc địa kiểu mới.
Tuy vậy, Mỹ vào miền Nam không phải để thắng cuộc chiến. Mỹ rút khỏi miền Nam không phải vì thua trận. Mỹ vào Việt Nam không để đánh Việt Nam mà để phá nát liên minh XHCN (đứng đầu là liên minh Xô-Trung), đẩy lùi, xóa bỏ chủ nghĩa Mác-Lê. Khi đã chắc thắng, Mỹ rút quân.
Mỹ thắng đối thủ nào? Làm chảy máu đến suy kiệt Hệ thống XHCN và tạo mâu thuẩn đối kháng Trung-Xô bằng món quà miền Nam Việt Nam cho Mao Trạch Đông? Chiến tranh biên giới Trung Xô năm 1969 là bằng chứng Mao bày tỏ với Mỹ lập trường không tuân phục Liên Xô và không hậu thuẫn phe XHCN (trừ Việt Nam dân chủ cộng hòa - miền Bắc).
Mỹ rút quân để hơn 15 năm sau cả khối XHCN sụp đổ. Thế là Mỹ thắng tức là Thế giới tự do, chủ nghĩa tư bản thắng. Cuộc cờ chống chủ nghĩa cộng sản của Mỹ và phương Tây có thắng lợi lớn, giải thoát hằng tỷ người khỏi ách cai trị của đế quốc Nga và tay sai nhân danh chủ nghĩa xã hội Mác-Lê nhưng có thêm gần 30 triệu người Việt miền Nam lọt vào ách thống trị của Trung Quốc. (Nghe nói có tổng thống Mỹ phê bình việc Mỹ rút để mất VNCH bị cho là nước mắt cá sấu).
Bằng chứng Trung Quốc quay lưng với Liên Xô và khối XHCN để được Mỹ đồng ý rút lực lượng vũ trang sát bên hông, thâu tóm luôn Việt Nam Cộng hòa thì có nhiều.
Việt Nam thống nhất hiện nay chỉ ngúng nguẫy tí chút để chứng tỏ có độc lập, tự chủ nhưng người Việt thử đụng đến lợi ích của Đại Hán trên đất-biển-đảo Việt Nam xem thử có bị trừng trị nặng tay không thì biết (Trên biển thì ngư dân Việt bị đâm va đến chết, trên đất liền thì có án tù nặng, lưu đày viễn xứ vì Formosa, nhiệt điện, đất, rừng, ô nhiễm, thực phẩm độc hại...).
Nhưng dù thế nào thì chế độ đệ nhất Việt Nam Cộng hòa và cá nhân ông Ngô Đình Diệm đã để lại những bài học đắt giá. Việt Nam hiện nay cần phải học hỏi, nghiên cứu giai đoạn 1954-1963.
Mừng 30/4/1975 thực chất là mừng hệ thống XHCN và Liên Xô sụp đổ? Hay mừng cả Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của bành trướng Đại Hán?

2/ -Học được gì từ đệ nhất VNCH và TT.Ngô Đình Diệm?

Gần 10 năm dưới chế độ VNCH thứ nhất, miền Nam Việt Nam đã xây dựng được một xã hội phát triển lành mạnh nhiều mặt, văn minh, có tầm văn hóa cao. Nếu ông Ngô Đình Diệm không phạm sai lầm thì VNCH thua gì Đại Hàn, Đài Loan và cả Nhật Bản? Nhưng tại sao chế độ ấy sụp đổ?
Ít nhất có 4 điều phải rút ra bài học cho sự sụp đổ đó:
a/ Gia đình trị, địa phương chủ nghĩa: Đấy là nguyên nhân ‘nhà Ngô’ sớm bị phê phán, phản đối. Chế độ này để lộ ra là chỉ tin người nhà và người cùng địa phương (Liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống do người quê Quảng Bình thống lĩnh). Ngày nay, người cộng sản không chịu học bài học lịch sử này khi nói: “Việc con em lãnh đạo được giao trọng trách quản lý là điều hạnh phúc của dân tộc, không có gì phải nghi ngại”. Trị nước chỉ nghe anh em trong nhà, dùng người ưu tiên cùng quê, tệ phe nhóm còn là căn cứ để người dân suy diễn là do người nhà nên ông Diệm kỳ thị tôn giáo (anh em ruột là chức sắc đạo Công giáo).
b/ Kỳ thị tôn giáo: Có cáo buộc “Việt Cộng nằm vùng” trong các chùa Phật giáo dưới lốt áo cà sa. Cáo buộc này của Chính quyền Ngô Đình Diệm có thể đúng trong một số trường hợp nhưng không vì vậy mà nói Phật giáo là cộng sản rồi nặng tay, đàn áp tràn lan trên diện rộng, ép buộc người dân bỏ đạo này theo đạo khác. Cũng có cáo buộc một số nhà sư thân Pháp, chống Diệm, ủng hộ Việt Cộng. Có bằng chứng cho những cáo buộc đó nhưng đối sách của chính quyền không phù hợp. Cũng có nhận xét nói Trung Quốc tác động vào chính sách tôn giáo, kích hoạt kỳ thị Phật giáo thông qua nhóm Hoa kiều do TQ cài cắm ở Chợ Lớn nhằm tạo mâu thuẩn đối kháng, làm suy yếu VNCH để thôn tính luôn miền Nam Việt Nam.
Cũng do sai lầm này mà ngày 1/11/1963 được nhiều người miền Nam tán đồng, được tôn vinh là ngày cách mạng, chọn làm ngày quốc khánh thay cho ngày 26/10.
Ngày nay thì sao? Việt Nam có kỳ thị, phá hoại, đàn áp tôn giáo, chủ trương đa thần giáo, thờ cúng lung tung kiểu Tàu, Biến người dân thành thứ nô lệ ma quỷ, bảo sao nghe vậy? Ngu dân bằng mê tín?
c/ Không có một xã hội dân sự, dân chủ đa đảng đúng nghĩa: Gia đình trị và kỳ thị tôn giáo thay cho chính sách dân chủ, tôn trọng xã hôi dân sự đã cô lập chính quyền với xã hội trong khi đảng chính trị của TT Ngô Đình Diệm không thu hút được dân do không có đường lối thuyết phục được đa số dân. (Ông Bùi Kiến Thành-bạn thân của gia đình họ Ngô có nhận xét trong cuộc phỏng vấn của đài RFA năm 2015: “Ông Ngô Đình Diệm là một người hết sức yêu nước và có công tâm nhưng ông Diệm không có kinh nghiệm tổ chức. Còn ông Nhu thì rất uyên thâm về vấn đề học thuật, ông học rất giỏi về tổ chức thư viện, ông nghiên cứu rất tốt nhưng không có tài năng tổ chức lực lượng chính trị... cái Đảng Cần lao của ông Nhu không có tổ chức tốt còn cái “Phong trào cách mạng quốc gia” mà ông Bác sĩ Tín làm chủ tịch sáng lập thì nó cũng chỉ là phong trào thôi. Sau một phong trào rồi thì nó lặng im. Quyền chính trị trong nước là ở trong đảng, mà Đảng Cần Lao không được tổ chức tốt vì vậy cho nên chế độ Ngô Đình Diệm không tồn tại được vì không có tổ chức chính trị nòng cốt để làm việc… Chính phủ Ngô Đình Diệm không làm được, không xây dựng được một đảng chính trị thật sự của dân, do dân và vì dân vì vậy cho nên không đứng vững được”.
Không có xã hội dân sự thực chất, không có dân chủ đa đảng lành mạnh, đảng cầm quyền không thật sự của dân, do dân, vì dân thì không đứng vững hoặc chỉ tạm đứng được bằng nhà tù, bạo lực súng đạn, tha hóa con người, xã hội, ngu dân, lừa dân… Điều tệ hại này đang diễn ra trong xã hội Việt Nam ngày nay.
Nếu có xã hội dân sự đúng nghĩa, có đảng đối lập mạnh để cọ sát, sửa sai thì chế độ Ngô Đình Diệm không mắc các sai lầm rất ấu trĩ và cũng không có ngày 01/11/1963.
d/ Quyền dân tộc tự quyết:
Trong cuộc phỏng vấn đã dẫn ở trên (“Tại sao phải giết Tổng thống Ngô Đình Diệm?”), Chuyên gia Bùi Kiến Thành nói:
Khi Mỹ muốn vào Việt Nam năm 1962 ông Diệm nói với người Mỹ rằng các ông nên nhớ trên đất nước tôi trong 4 nghìn năm lịch sử không có một chế độ nào đi theo quân đội nước ngoài mà có thể được nhân dân ủng hộ. Vì vậy ngày nào quân đội Mỹ đặt chân lên đất nước này chúng tôi sẽ mất chính nghĩa, mà khi mất chính nghĩa thì các ông không thể nào thắng được và chúng tôi cũng phải thua theo. Vì vậy ngày nào quân Mỹ đổ bộ lên đất nước này thì kể như ngày đó chính nghĩa Việt Nam đã mất rồi, chúng tôi không thể chấp nhận được.
Người Mỹ không chấp nhận cái lý luận của ông Ngô Đình Diệm nên họ tìm cách lật đổ ông Diệm đi…”.
Đấy là phẩm chất chính trị vô giá cần phải đề cao của ông Ngô Đình Diệm: thà chết cũng không chịu cúi đầu tuân lệnh ngoại bang.
Phong trào đấu tranh đô thị miền Nam trước 1975 bị cáo buộc thân Cộng vì có một bộ phận đòi người Mỹ tôn trọng quyền dân tộc tự quyết của nhân dân miền Nam - lực lượng thứ 3 - thứ mà người Mỹ không muốn khi ngoảnh mặt với ông Diệm.
Giai đoạn ‘Mỹ vào - Mỹ rút’ là giai đoạn miền Nam không có quyền tự quyết định việc nước.
Ông Ngô Đình Diệm mắc nhiều sai lầm phải trả giá bằng chế độ dày công vun đắp và bằng chính sinh mạng của anh em ông. Nhưng lòng tự trọng dân tộc, ý thức chính trị vì độc lập, chủ quyền đất nước của ông thì muôn đời phải học tập nếu người Việt muốn có một tổ quốc độc lập, thống nhất, thịnh vượng.
Một số ý kiến có mùi vị thuyết âm mưu nêu trên cần có bằng chứng nhưng mọi thứ liên quan còn bị che khuất nên cần có tranh luận với nhiều tiết lộ từ các kho tư liệu mật của các bên, hoặc tiết lộ vô tư, khách quan của người trong cuộc còn sống (như trả lời phỏng vấn của ông Bùi Kiến Thành).
Liệt kê mấy việc cần tranh luận nhân ‘ngày đen, ngày đỏ’ năm nay:
- Ngày nay, Việt Nam độc lập, thống nhất đã trở thành nước “bảo sao làm vậy” của Trung Quốc?
- Các nước lớn (Trung Quốc, Mỹ, Nga…) vẫn chơi trò biến Việt Nam thành món hàng thương lượng?
- Làm sao để nước nhỏ không trở thành món hàng trao đổi của cường quốc, giử được quyền dân tộc tộc tự quyết định vận mệnh của mình dù phải chết như ông Ngô Đình Diệm?
- Trung Quốc đã “đưa quân” vào Việt Nam. Sau chiến tranh biên giới 1979, sau bình thường hóa Trung-Việt, Trung Quốc đưa các loại “quân đội” vào Việt Nam bằng nhiều cách: du khách, công nhân, mua nhà đất (dư luận nói đa số là quân giải phóng nhân dân, thậm chí là tù hình sự cởi áo tù, lính cởi áo lính mặc áo dân sự. Lực lượng này mai phục khắp nơi khi hữu sự thì cầm súng (có sẵn mọi nơi) là dùng được ngay (Formosa, bauxite Tây Nguyên, các nhà máy, các khu đất rừng cho thuê dài hạn, các phố người Tàu…).
- Thà mất nước cho Tàu nhưng còn độc quyền cai trị vì có Tàu làm chỗ dựa lưng? Theo Mỹ thì phải dân chủ đa đảng có nguy cơ mất quyền cai trị?
- Chống tham nhũng nhưng vẫn thuộc Tàu thì sao?
- Việt Nam cùng nhân loại tiến bộ phải làm cho Trung Quốc có dân chủ, phát triển lành mạnh, bền vững để có láng giềng có văn hóa, giàu mạnh, văn minh cách nào?
- Cần bao gồm trong khái niệm người Việt Nam: người Việt trong nước và người Việt nước ngoài.
- …
Cố học giả Nguyển Hiến Lê khuyên Việt Nam nên học theo Israel (Do Thái), một số khác thì cho là nên học theo các nước nhỏ ở Bắc Âu.
Học theo ai cũng tốt nhưng có bài học ông Ngô Đình Diệm để lại phải nằm lòng: lòng dân, quyền dân, xã hội dân sự, dân chủ đa đảng, tự do tôn giáo, quyền dân tộc Việt tự quyết định vận mệnh của chính mình.
T.M.T.
Tác giả gửi BVN.
(*) Bauxite Việt Nam đăng tải trên tinh thần tôn trọng văn phong và luận điểm của tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét