Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

20150114. VINACOMIN LÃI, PETROLIMEX LỖ ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
VINACOMIN LÃI NGÀN TỶ, LƯƠNG LAO ĐỘNG 8,2 TRIỆU ĐỒNG/ THÁNG
Bài của NGUYỄN HOÀI trên infonet 13/1/2015
Thu nhập bình quân mỗi người lao động năm 2014 tại Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tăng lên mức 8,2 triệu đồng/người/tháng, dù tập đoàn này chỉ đạt lợi nhuận 2.500 tỷ đồng.
Con số  này được ông Đặng Thanh Hải – Tổng giám đốc Vinacomin công bố ngày 13/1 tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015. Theo đó, lương bình quân mỗi người lao động tại Vinacomin năm 2014 đạt 8,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 5% so với cuối  năm 2013, và cao hơn hẳn mức 7,8 triệu đồng/người/tháng so với con số tổng kết hồi tháng 9/2014.
Trong đó, lương bình quân của lao động sản xuất than – thuộc nhóm lao động độc hại, được hưởng mức cao hơn, 8,6 triệu đồng/người/tháng. Theo ông Hải, đây là sự cố gắng vượt bậc của tập đoàn trong năm 2014, dù mức lợi nhuận mà Vinacomin đạt được trong năm qua chỉ 2.500 tỷ đồng. So với nhiều tập đoàn, tổng công ty khác thì mức lợi nhuận mà Vinacomin đạt được trong năm 2014 ở mức khá khiêm tốn.
***
Thu nhập bình quân người lao động khu vực sản xuất than (thợ hầm, thợ lò...) là 8,6 triệu đồng/người/tháng
***
Về khai thác than, lãnh đạo Vinacomin cho biết năm 2014, tập đoàn đã khai thác được 37,4 triệu tấn than, đạt 99,2% kế hoạch, bằng 97% so với cùng kỳ 2013.Ngoài chỉ tiêu tăng lương cho người lao động, Vinacomin cũng hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh khác. Doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 108.929 tỷ đồng, tăng 14% so với thực hiện năm 2013. Riêng doanh thu than đạt 53.172 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 8% so với năm 2013; sản xuất tiêu thụ khoáng sản đạt 6.473 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch năm và tăng 56% so với năm 2013. Lĩnh vực sản xuất và bán điện đạt doanh thu 11.250 tỷ đồng, đạt 109% kế hoạch, tăng 19% so với năm 2013.
Tổng lượng tiêu thụ của toàn tập đoàn đạt 35,5 triệu tấn, bằng 101% kế hoạch và bằng 103% so với cùng kỳ. Trong đó, tiêu thụ trong nước đạt 29,6 triệu tấn, đạt gần 110% kế hoạch. Năm 2014 tập đoàn xuất khẩu là 5,97 triệu tấn than, đạt 74% kế hoạch năm, bằng 56% so với cùng kỳ 2013.
Năm 2014, năm 2014 Vinacomin đã thực hiện thoái xong vốn đầu tư vào lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, chứng khoán thu về 1.600 tỷ đồng, bảo toàn vốn và có thặng dư, riêng khoản đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng bất động sản đang được triển khai các bước để tiến hành thoái vốn xong trong năm 2015 (còn trên 200 tỷ đồng).
Về kế hoạch kinh doanh năm 2015, ông Đặng Thanh Hải cho hay, Vinacomin đặt mục tiêu doanh thu ước đạt 114.006 tỷ đồng; tăng thu nhập bình quân chung của người lao động lên 8,7 triệu đồng/người/tháng, trong đó lương dành cho lao động khu vực sản xuất than là 9,2 triệu đồng/người/tháng.
Nguyễn Hoài
***
PETROLIMEX KÊU LỖ: CHỈ LÀ CÁCH NÓI NGỤY BIỆN !
Bài của AN NHIÊN / ĐVO/ BVB 13/1/2015
 
Tăng giá xăng là nỗi lo không dứt của nhà sản xuất và dân lao động
***
Khi giá liên tục tăng, tại sao Petrolimex không kêu dự trữ 30 ngày được lãi bao nhiêu mà bây giờ khi giá giảm lại kêu lỗ?
Đó là ý kiến của PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài Chính) xung quanh việc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) kêu lỗ do quy định của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu và đề xuất chi quỹ bình ổn giá xăng dầu cả trong trường hợp giá giảm thời gian dài (giá cơ sở thấp hơn giá bán), giúp doanh nghiệp kinh doanh không bị mất vốn.
Cách nói nguỵ biện?
Tại buổi họp trực tuyến tổng kết ngành Công thương 2014 vừa qua, Chủ tịch Petrolimex cho biết mảng kinh doanh xăng dầu năm 2014 của đơn vị lỗ 200-300 tỷ đồng. Nguyên nhân là do trong năm 2014 giá dầu giảm mạnh, ảnh hưởng đến các đơn vị kinh doanh. Do việc tính giá theo bình quân 15 ngày, trong khi doanh nghiệp phải dự trữ 30 ngày khiến giá bán thường thấp hơn giá vốn nhập vào.
Tuy nhiên, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng lý do trên không chấp nhận được. "Dự trữ 30 ngày thì doanh nghiệp xăng dầu cũng chỉ phải dự trữ có một lần với một mức cố định năm trước cũng như năm sau nếu không sẽ gây đứt đoạn trong phục vụ lưu thông. Thường thì người ta ký hợp đồng giao trước 3 tháng cho nên là lãnh đạo doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, ông ta phải có sự nhạy cảm, phán đoán trước được những biến động về giá nhằm giảm thiểu rủi ro và đảm bảo doanh nghiệp có lợi nhất.
Hơn nữa, khi Nhà nước quy định 15 ngày điều chỉnh giá một lần, trong suốt quá trình chuẩn bị điều chỉnh ấy doanh nghiệp xăng dầu vẫn bán theo giá cũ, chứ không phải mua về là bán ngay theo giá mới. Như vậy, ở đây là nhập bao nhiêu thì bán bấy nhiêu, không phải nhập về để dự trữ", ông Long chỉ rõ.
Vị chuyên gia này cũng thẳng thắn cho rằng: "Cách nói trên chỉ là nguỵ biện, nói với những người không biết mà thôi. Có thời gian doanh nghiệp xăng dầu lãi hơn 1.000 đồng/lít mà Nhà nước vẫn chưa điều chỉnh giá vì phải đợi 15 ngày, khi ấy lãi của doanh nghiệp xăng dầu là bao nhiêu?".
"Khi giá liên tục tăng, tại sao Petrolimex không kêu dự trữ 30 ngày được lãi bao nhiêu mà bây giờ khi giá giảm lại kêu lỗ? Hơn nữa, giá xăng dầu trong nước giảm chưa tương xứng với giá thế giới, trong khi giá xăng dầu thế giới giảm tới 50% thì giá trong nước mới giảm được hơn 30%, tại sao các ông ấy lại kêu lỗ?", hàng loạt câu hỏi được ông Ngô Trí Long đặt ra đối với các doanh nghiệp xăng dầu.
Doanh nghiệp xăng dầu thực ra được lợi rất nhiều, ông Long nói. Đầu tiên là các chi phí cố định do Nhà nước quy định. Họ đang cố lờ đi khoản chi phí định mức kinh doanh xăng dầu vốn đã được tăng từ 860 đồng/lít lên 1.050 đồng/lít, phần lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Thứ hai, ngay cả việc Nhà nước điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu cũng là cái cớ để doanh nghiệp xăng dầu viện vào đó để không tăng giá. Thậm chí, giữa hai lần điều chỉnh thuế, doanh nghiệp đã hưởng lợi từ sự chênh lệch giữa giá cũ và giá mới.
Bởi cho rằng doanh nghiệp xăng dầu tiền hậu bất nhất, hễ chuẩn bị xin cái gì thì báo lỗ, nhưng cuối năm quyết toán hay khi cần đánh bóng lên sàn lại báo lãi nên ông Long đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra để nắm thực hư.
Tính mọi cách để có lợi cho mình
Một đề xuất "lạ" được Chủ tịch Petrolimex đưa ra, đó là kiến nghị liên bộ Công thương - Tài chính sửa nghị định 83/2014 theo hướng cho quỹ bình ổn giá xăng dầu được chi cả trong trường hợp giá giảm thời gian dài (giá cơ sở thấp hơn giá bán), giúp doanh nghiệp kinh doanh không bị mất vốn. Ông Ngô Trí Long đã bật thốt lên: "Phi lý! Không thể chấp nhận được" khi nghe tới đề xuất này.
"Là người kinh doanh thì lời được lỗ chịu và đều phải chia sẻ với người tiêu dùng. Tuy nhiên, quỹ bình ổn xăng dầu hiện nay đang lấy tiền của chính người mua xăng dầu để “bình ổn” giá cho người mua xăng dầu mà doanh nghiệp xăng dầu lại không hề phải nộp.
Đây là điều cực kỳ vô lý bởi đó là quỹ dự trữ khi có rủi ro về giá mà doanh nghiệp phải có. Đã để mặc người tiêu dùng gánh (trước là 800 đồng/lít, hiện còn 500 đồng/lít), vậy mà khi kinh doanh xăng dầu thua lỗ, doanh nghiệp lại đòi lấy quỹ bình ổn để bù lỗ là điều không thể chấp nhận được, đi ngược nguyên tắc  thị trường. Có lẽ bởi tự dưng có khoản tiền 2.200 tỷ đồng (quỹ bình ổn của Petrolimex - PV), tội gì họ không viện lý do để dùng?", vị chuyên gia thẳng thắn.
Từ việc Petrolimex kêu lỗ rồi đề xuất xin chi quỹ bình ổn cả khi giá cơ sở thấp hơn giá bán, ông Long cho rằng doanh nghiệp này đang tính mọi đường có lợi cho mình mà không hề nghĩ cho người tiêu dùng.
"Tiếng là doanh nghiệp đã cổ phần hoá nhưng Nhà nước vẫn chiếm chủ yếu trong Petrolimex, doanh nghiệp này lại đang chiếm  thị phần áp đảo trên thị trường xăng dầu. Vậy mà họ lại đẩy khó khăn về phía người tiêu dùng, trong khi người  tiêu dùng sức mua hạn chế, thu nhập khó khăn, điều đó hoàn toàn không thuyết phục" ông nói.
An Nhiên/ĐVO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét