Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

20150123. GIÁ DẦU VÀ KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2015

ĐIỂM BÁO MẠNG
BỘ TRƯỞNG BÙI QUANG VINH: GIÁ DẦU QUANH 40 USD, GDP TĂNG 0,43%
Bài của CHÍ HIẾU / VNExpress 22/1/2015
***
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư khẳng định, do Việt Nam vừa xuất dầu thô nhưng nhập khẩu lớn các sản phẩm từ xăng dầu nên giá dầu quanh mốc 40 USD mỗi thùng trong năm 2015 thì kinh tế sẽ tăng trưởng thêm 0,43%.
Kịch bản trên được người đứng đầu ngành Kế hoạch Đầu tư đưa ra sau khi kết thúc cuộc họp 4 Bộ: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước về điều hành kinh tế vĩ mô chiều 22/1.
Cuộc họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng đã tập trung vào nội dung chính là ảnh hưởng của giá dầu thế giới đối với thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2015.
Cụ thể, ông Vinh cho hay, liên bộ đã bàn thảo đến cả 3 kịch bản giá dầu trong năm 2015 là mức 60, 50, và 40 USD mỗi thùng.
Bui-Quang-Vinh-9729-1421936555.jpg
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng nếu giá dầu quanh mốc 40 USD trong năm 2015 sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng 0,43%.
***
Ba kịch bản sản lượng khai thác xuất khẩu tương ứng với các mức giá dầu nêu trên lần lượt là 14,74 triệu tấn, 14,4 và thấp nhất là 13,08 triệu tấn.Theo đó, xét ở khía cạnh khai thác, nếu phương án 60 USD thì xuất khẩu dầu của Việt Nam có giảm nhưng không đáng kể, chỉ phải điều tiết giảm sản lượng ở một vài lô có giá sản xuất cao. Còn nếu giá dầu trung bình ở mức 50 USD thì giảm khai thác nhiều hơn.
“Kịch bản thấp nhất xảy ra là khi giá dầu về mức 40 USD mỗi thùng. Khi ấy ta sẽ giảm sản lượng khai thác xuất khẩu về mức 13,08 triệu tấn, thì GDP có thể giảm 1%. Nghĩa là nếu dự kiến 2015 GDP tăng 6,2% thì chỉ còn 5,2% mà thôi”, Bộ trưởng Vinh nói.
Tuy nhiên, ông Vinh nhấn mạnh, do Việt Nam vừa xuất dầu thô, vừa nhập phần lớn các chế phẩm từ dầu, mà sản lượng nhập xăng dầu lớn hơn xuất khẩu nên tác động của giá dầu sẽ diễn ra ở 2 chiều, trong đó nền kinh tế sẽ được nhiều hơn mất.
Cụ thể, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư chỉ ra hai yếu tố quan trọng nhất là giá đầu vào cho sản xuất hàng hóa giảm và giá vận tải xuống theo. Ông khẳng định, nếu cả hai yếu tố này cùng giảm thì các mô hình tính toán cho thấy, giá dầu ở mức 60 USD thì thúc đẩy kinh tế tăng 0,27%; nếu 50 USD thì tăng 0,31% so với kế hoạch dự kiến 2015.
“Trong khi chỉ số này sẽ tăng 0,43% nếu giá dầu ở mức 40USD. Cho nên, nói giá dầu tác động 2 chiều lên nền kinh tế là vậy”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chí Hiếu
***
BA KỊCH BẢN ỨNG PHÓ GIÁ DẦU GIẢM
Bài của PHẠM HUYỀN/ VNN 22/1/2015
- Nếu giá dầu thô xuống mức 40 USD/thùng, GDP Việt Nam sẽ giảm 1 điểm phần trăm, từ mức dự kiến 6,2% sẽ chỉ còn 5,2%. Tuy nhiên, Việt Nam là nước vừa xuất vừa nhập nên tác động của dầu thô tới nền kinh tế là tác động hai chiều, có cả khó khăn và thuận lợi.
***
dầu-thô, giá-dầu, xăng-dầu, cước-vận-tải, GDP, xuất-khẩu-dầu, sản-xuất,
***
Tham dự cuộc họp có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng của các Bộ Tài chính, Công Thương, Kế hoạch đầu tư, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Cuộc họp còn có đại diện của 3 Tập đoàn lớn gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.Chiều tối ngày 22/1, Tổ điều hành kinh tế vĩ mô đã họp bàn về các giải pháp quản lý kinh tế trong bối cảnh giá dầu thô giảm sâu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh thay mặt tổ công tác này đã công bố 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế theo các mức giá dầu thô thế giới ở các ngưỡng 60 USD/thùng, 50 USD/thùng và 40 USD/thùng.
Cụ thể, nếu giá dầu thô năm 2015 là 60 USD/thùng, tăng trưởng kinh tế GDP sẽ giảm so với dự kiến là 0,21 điểm phần trăm.
Nếu giá dầu thô xuống mức 50 USD/thùng, sản lượng khai thác dầu của Việt Nam còn ở mức 14,4 triệu tấn thì GDP sẽ giảm 0,56 điểm phần trăm.
Nếu giá dầu thô giảm mạnh xuống 40 USD/thùng, Việt Nam chỉ sản xuất 13,08 triệu tấn dầu thô thì GDP có thể giảm tới 1 điểm phần trăm.
Khi đó, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015 là 6,2% thì ở kịch bản xấu nhất, tác động sẽ rất lớn, GDP sẽ chỉ còn 5,2%.
"Tuy nhiên, tác động của giá dầu đến nền kinh tế Việt Nam là hai chiều vì Việt Nam vừa xuất khẩu dầu thô, vừa là nước nhập xăng dầu thành phẩm. Do đó, giá dầu xuống còn có cả tác động thuận lợi, làm giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển", bộ trưởng Vinh cho biết.
Cụ thể, ở kịch bản 1, khi giá xăng dầu trong nước giảm theo kịch bản dầu thô 60 USD/thùng, sẽ làm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên 0,27%, cao hơn so với mức tác động tiêu cực giảm 0,21 điểm phần trăm trên.
Ở kịch bản thứ hai, dầu thô 50 USD/thùng, tăng trưởng kinh tế sẽ tăng 0,31 điểm phần trăm.
Ở kịch bản xấu nhất dầu thô có giá 40 USD/thùng, tăng trưởng GDP sẽ tăng 0,43 điểm phần trăm.
Theo Bộ trưởng Vinh, vấn đề quan trọng là giá cước vận tải và các loại giá liên quan phải giảm theo giá xăng dầu thì nền sản xuất mới hấp thụ được tác động thuận lợi của việc giá dầu thô xuống. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ liên quan phải làm rõ việc giảm giá cước vận tải theo giá xăng dầu, cố gắng trước dịp Tết Nguyên đán.
Ngoài ra, Tổ công tác trên còn họp bàn về phương án điều chỉnh giá điện năm 2015, trong đó, các thành viên đã thống nhất không tăng giá điện trước Tết  nguyên đán 2015.
  • Phạm Huyền
***
GIÁ DẦU LIÊN TỤC GIẢM SÂU: KINH TẾ VIỆT NAM 2015 CÓ THẬT SỰ ĐÁNG LO?
Bài của CHÂU ANH / VTC news 22/1/2015

(VTC News) - Chuyên gia kinh tế phân tích về khả năng ảnh hưởng của giá dầu giảm đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015.

Trả lời phỏng vấn VTC News về xu hướng giảm "không phanh" của giá dầu thế giới, chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh cho hay: Tác động giá dầu giảm, một mặt giảm nguồn thu của ngân sách, nhưng cũng giảm chi phí nhập khẩu các mặt hàng. Cụ thể, giá dầu giảm sẽ kéo theo giá xăng giảm, giá phân bón giảm, giá nhựa cũng giảm, giá vải sợi giảm,… Đây lại chính là cái lợi cho nền kinh tế. 

Chính vì vậy, nếu thực hiện khuyến khích doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khuấy động được kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động. 

"Đây là thu nhập cao hơn rất nhiều thu nhập từ bán dầu thô bởi bán dầu thô là khai thác tài nguyên thiên nhiên. Như vậy, nếu có chính sách tốt chúng ta sẽ được lợi từ giảm giá dầu, chứ không phải chịu thiệt hại từ giá dầu", ông Doanh nhấn mạnh.
Giá dầu giảm có đáng lo?

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, năm 2015, kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với những khó khăn như: Giá dầu giảm ảnh hưởng đến thu ngân sách và cân đối ngân sách.

Giá dầu liên tục giảm sâu: Kinh tế Việt Nam 2015 có thật sự đáng lo?
Nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, ngân sách nhà nước sẽ "hụt" thu 1.000 tỷ đồng - Ảnh minh họa internet 
***
Cụ thể, theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, với dự báo giá dầu thanh toán trung bình năm 2015 là 60USD/ thùng, thì thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô sẽ hụt 37 nghìn tỷ đồng so với dự toán (tương đương với 4% tổng thu Ngân sách Nhà nước), và giảm 47% so với ước thực hiện của năm 2014. 

Bên cạnh đó, giả định các mức thuế nhập khẩu và phí xăng dầu giữ nguyên như đầu năm 2014, thì với giá dầu như trên, thu ngân sách sẽ hụt thêm khoảng 6.000 tỷ đồng. Do vậy, tổng mức hụt thu ngân sách nhà nước từ xuất khẩu dầu và thuế, phí nhập khẩu dầu vào khoảng 43.000 tỷ đồng, bằng 4,6% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2015.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 1.000-1.200 tỷ đồng, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì khẳng định khoảng 11 – 12% tổng thu ngân sách nhà nước từ dầu thô, nên giá dầu thô giảm có ảnh hưởng lớn đến ngân sách và xuất nhập khẩu. 
Năm 2015, dự toán thu ngân sách từ dầu thô là 93.000 tỷ đồng với giá dự toán dầu thô là 100 USD/thùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, nếu giá dầu giảm từ trên 100 USD/thùng đầu năm 2014 xuống còn bình quân 70 USD/thùng trong năm 2015, thì ngân sách hụt thu khoảng 30.000 tỷ đồng. Nếu giá dầu giảm xuống bình quân 60 USD/thùng, ngân sách sẽ giảm nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, TS. Vũ Đình Ánh lại cho rằng, dầu thô không phải là yếu tố chủ chốt tác động đến thu ngân sách. 

Đó là vì lượng xuất khẩu dầu thô của Việt Nam là không nhiều. Năm 2014 theo báo cáo của Bộ Kế hoạch đầu tư, Việt Nam khai thác được trên 15 triệu tấn dầu thô. 

Bán hết toàn bộ lượng dầu khai thác được với giá 100 USD/thùng sẽ thu được 10 tỷ USD, còn bán giá 60 USD/thùng như hiện nay chỉ thu được 6 tỷ USD, và trong số này, ngân sách có được từ 3 - 4 tỷ USD.

Trong khi đó, năm 2014, tính đến tháng 11 đã nhập khoảng 800 triệu USD, cả năm có thể lên đến 1 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là ngân sách thu từ dầu thô không phải là nhiều, trong khi chúng ta cũng được lợi khi nhập khẩu dầu thô về giá rẻ.

"Giá dầu tăng giảm xưa nay ảnh hưởng rất lớn đến giá của các mặt hàng khác. Vì vậy, việc giá dầu giảm cũng là một yếu tố tích cực tác động đến các mặt hàng tiêu dùng và sản xuất khác. Vì vậy, phải tính toán cụ thể xem những tác động gián tiếp này mang lại cho ngân sách nguồn thu là bao nhiêu, từ đó mới nói được ngân sách được, mất như thế nào", ông Ánh phân tích.

Lạm phát sẽ ở mức thấp

Nhận định về tình hình kinh tế năm 2015, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, lạm phát năm 2015 sẽ ở mức thấp, khoảng 5%, nếu giá dầu thô vẫn ở mức thấp như hiện nay, tổng cầu kinh tế có thể sẽ tăng nhưng không nhiều.

Về tăng trưởng của nền kinh tế, theo ông Doanh phải có nỗ lực lớn mới đạt được mức 6,2%, vì tăng trưởng năm 2014 tăng bởi nhờ 2 tập đoàn Dầu khí và Than khoáng sản. 2 tập đoàn này đã khai thác thêm dầu và than để tăng trưởng.


Năm 2015 phải dựa vào kinh tế dân doanh, sản xuất trong nước để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đồng thời sản xuất phải tạo được thêm giá trị gia tăng, công ăn việc làm cho người lao động.


Năm 2015 là năm cải cách thể chế, Chính phủ quyết tâm tâm để Việt Nam đạt được mức trung bình của các nước ASEAN 6. Năm 2015 cũng là năm thực hiện luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư, Luật Nhà ở, với cải cách thể chế, hành chính, việc thực thi các luật sẽ tạo sự năng động hơn cho nền kinh tế.

"Đây chính là những yếu tố thuận lợi, có tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam 2015", ông Doanh nhấn mạnh.

Nhận định về kinh tế Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho hay, tăng trưởng thuận lợi hơn chủ yếu nhờ yếu tố bên trong như: Tổng cầu sẽ hồi phục trong năm 2015 do những nguyên nhân sau:  tiêu dùng phục hồi nhờ lạm phát thấp trong năm 2014 sẽ giúp cải thiện sức mua của dân chúng, đầu tư tư nhân cải thiện do môi trường kinh tế vĩ mô cùng với những cải cách thể chế sẽ tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp và hộ gia đình; khả năng thu hút đầu tư nước ngoài cao hơn với triển vọng TPP được kí kết trong năm 2015... 

Bên cạnh đó, tổng cung cũng được cải thiện nhờ quá trình tái cơ cấu dần phát huy tác dụng đối với năng suất của nền kinh tế. Hơn nữa, giá hàng hóa thế giới tiếp tục giảm sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy tổng cung trong nước. 

Trên cơ sở tính toán ở trên của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia về tỷ trọng của xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu trong tổng giá trị công nghiệp, với dự báo giá dầu thế giới trong năm 2015 giảm 33% và giả định giá xăng dầu trong nước giảm tương ứng thì giá thành sản phẩm sản xuất trong nước sẽ giảm 3%.

Tuy nhiên, năm 2015, kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với những khó khăn như: Giá dầu giảm ảnh hưởng đến thu ngân sách và cân đối ngân sách.
***
Giá dầu liên tục giảm sâu: Kinh tế Việt Nam 2015 có thật sự đáng lo?
Với dự báo giá dầu thế giới trong năm 2015 giảm 33% và giả định giá xăng dầu trong nước giảm tương ứng thì giá thành sản phẩm sản xuất trong nước sẽ giảm 3% 
***

Kinh tế thế giới mặc dù phục hồi nhưng chậm và còn không ít bất trắc. Giá hàng hóa thế giới được dự báo giảm không chỉ trong năm 2015 mà thậm chí ở những năm tiếp theo phần nào sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. 

Do đó, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo tốc độ tăng trưởng quý 1/2015 sẽ là 5,4%, cao hơn cùng kì 2014. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong các quý tiếp theo và mục tiêu tăng trưởng 6,2% cả năm 2015 là khả thi.

Lạm phát sẽ không có biến động lớn do tổng cầu trong năm 2015 mặc dù cải thiện so với năm 2014, nhưng ở mức độ vừa phải và không gây áp lực lên lạm phát. 

Trong khi đó, TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lại cho rằng, kinh tế Việt Nam vừa trải qua một giai đoạn khó khăn kéo dài nên mọi việc giai đoạn trước mắt không hề dễ dàng, không phải toàn màu hồng. Thể hiện qua con số các doanh nghiệp đóng cửa trong năm 2014 tiếp tục tăng lên so với năm 2013.

“Việc cần làm trước mắt là phải tôn trọng thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và đổi mô hình tăng trưởng sang hướng hiện đại hơn", ông Thiên đưa giải pháp.

Tăng trưởng hay giữ ổn định

Một câu hỏi lớn được nhiều người quan tâm trong năm 2015 là việc Việt Nam sẽ tập trung cho việc tăng trưởng hay tiếp tục giữ ổn định nền kinh tế?

Theo TS. Vũ Đình Ánh, không thể phủ nhận những mục tiêu đã thực hiện được trong năm 2014, cũng như vài năm gần đây. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề. 

Thứ nhất, quy mô nợ xấu không những không giảm mà tăng lên dù Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các biện pháp kiểm soát, cũng như phân loại nợ theo thông lệ chuẩn mựcquốc tế. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đặt ra mực tiêu cuối năm 2015 sẽ đưa mức nợ xấu về chuẩn quốc tế, khoảng tầm 3% trên tổng dư nợ. Do đó, gánh nặng về xử lý nợ xấu trong năm 2015 là khá nặng. 

Thứ hai là vấn đề nợ công, tại kỳ họp thứ VIII vừa qua, đại biểu quốc hội và cử tri cả nước đã rất quan tâm việc nợ công đến cuối năm 2014 sẽ lên trên 60% GDP, và dự tính 2016 sẽ lên tới đỉnh điểm, tầm 64,9% GDP - gần ngưỡng an toàn nợ công được Quốc hội đặt ra (65% GDP). 

Vấn đề thứ ba là, các doanh nghiệp trong nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thể hiện cụ thể qua con số trên 6 vạn doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể trong năm 2014. Các cơ quan chức năng đã cố gắng cải cách hành chính hay thay đổi thể chế với các doanh nghiệp, song phải làm rất nhiều việc trong thời gian tới.

Vì vậy, việc lựa chọn tăng trưởng hay giữ ổn định phải hết sức thận trọng.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì lại nhận định, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục, nhưng không có nghĩa sẽ cản việc chúng ta phát triển được kinh tế, bởi lẽ thị trường bất động sản có thể sống lại, quá trình hội nhập cũng tăng lên. 

Nhưng hội nhập cũng đồng nghĩa với sức ép về năng lực cạnh tranh cũng tăng lên. Việc nhiều tập đoàn Thái Lan nắm chuỗi bán lẻ có thể gây ra bất lợi khi chúng ta có thể mất thị trường ngay trên sân nhà. Chính phủ và các Bộ, nhất là Bộ Công thương phải hành động kịp thời, đẩy mạnh người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. 

"Chúng ta mua hàng của họ cũng có nghĩa là sẽ sử dụng nhân công và nộp thuế cho ngân sách của họ, trong khi lao động trong nước không có việc làm, ngân sách thất thu do mất nguồn thuế", ông Doanh phân tích.

Theo ông Doanh, chỉ có cách phát huy kinh tế dân doanh, cải cách thể chế, giảm bớt chi phí về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp thì lúc ấy doanh nghiệp mới thúc đẩy sản xuất, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Châu Anh

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét