Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2023

20230213. BÀN VỀ VƯỢT BẪY THU NHẬP TRUNG BÌNH

 ĐIỂM BÁO MẠNG

NỖI LO MẮC KẸT TRONG BẤY THU NHẬP TRUNG BÌNH

TRẦN THUỶ/ TVN 11-2-2023

Theo các chuyên gia kinh tế, giai đoạn từ nay đến năm 2045 là khoảng thời gian tối ưu, là cơ hội cực kỳ quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước. Nếu không tạo ra sự “phát triển thần kỳ” sẽ khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Một quốc gia dễ mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình là khi quốc gia đó có nền kinh tế đạt mức thu nhập trung bình nhất định nhưng không được xếp vào nhóm các quốc gia có thu nhập cao, trong khi các quốc gia khác đã đạt được những tiến bộ đáng kể.

Theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, sở hữu GDP bình quân đầu người từ 1.036-4.045 USD; nền kinh tế thu nhập trung bình cao, sở hữu GDP bình quân đầu người từ 4.046-12.535 USD và nhóm nền kinh tế thu nhập cao, có GDP bình quân đầu người trên 12.536 USD.


Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam thời gian qua thấp hơn các nước trong cùng thời kỳ đầu công nghiệp hóa. Ảnh: Nam Khánh.

Việt Nam từ năm 2008 đã đạt ngưỡng 1.000 USD/người/năm và tăng đều hàng năm nhưng luôn nằm trong giới hạn thu nhập trung bình thấp. Sau 14 năm, tức năm 2022, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 4.100 USD/năm.

Vì vậy, Việt Nam thuộc nhóm có nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp suốt nhiều năm qua. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách phát triển, bắt kịp các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn các nước trong cùng thời kỳ đầu công nghiệp hóa. Nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” là khá lớn.

Nhìn lại 50 năm qua, trên thế giới chỉ có một số rất ít quốc gia, có thể chuyển từ vị trí thu nhập trung bình lên vị trí thu nhập cao. Hàn Quốc là một ví dụ thành công nhất, đạt thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD/năm vào năm 1977 và đến nay đạt 31.761 USD/năm.

Tại khu vực Đông Nam Á, Malaysia cùng có xuất phát điểm như Hàn Quốc, đạt ngưỡng thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD/năm vào năm 1977, nhưng đến nay mới đạt 11.414 USD/năm. Thái Lan, đạt mức thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD/người vào năm 1988 đến nay vẫn ở mức 7.500 USD/người.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thời gian trung bình để một quốc gia chuyển từ nước thu nhập trung bình thấp, lên thu nhập cao khoảng 30-40 năm.

Trong khi đó, quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam đặt ra kế hoạch đạt thu nhập bình quân đầu người khoảng 7.500 USD vào năm 2030 và đạt từ 27.000 - 32.000 USD vào năm 2050, trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao.


Nếu không tạo ra sự “phát triển thần kỳ” sẽ khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Ảnh Hoàng Hà.

Vì vậy, các chuyên gia kinh tế đều nhận định đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam tăng tốc để 30 năm nữa thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và vươn lên thành quốc gia có thu nhập cao. Đây là cơ hội cực kỳ quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước. Nếu không tạo ra sự “phát triển thần kỳ” sẽ khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình, khó vươn lên quốc gia phát triển. Câu chuyện phát triển thần kì của Hàn Quốc và Nhật Bản suốt 50 năm qua đã minh chứng cho điều đó.

Việt Nam để có sự phát triển thần kì, cần tập trung thực hiện tốt 6 ưu tiên trong thời gian tới. Đó là, nâng cao giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu và đẩy mạnh thương mại dịch vụ (tức là tăng mức độ phức hợp của quy trình sản xuất và tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu); Đẩy nhanh số hoá nền kinh tế, giúp đất nước bứt phá; Chuyển từ “tăng trưởng bằng mọi giá” sang “xây dựng nền kinh tế xanh và bền vững”; Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, bằng cách cải thiện chất lượng chi tiêu công và tăng cường các giải pháp của khu vực tư nhân; Cân bằng sự ổn định của ngành ngân hàng với việc mở rộng tài chính toàn diện và phát triển thị trường vốn về chiều sâu; Chuyển từ nỗ lực giảm nghèo từng phần sang một chương trình bảo trợ xã hội trên toàn quốc.

Muốn thực hiện tốt những ưu tiên kể trên, điều quan trọng nhất là phải đẩy mạnh cải cách thể chế. Dựa trên thực tiễn ở Việt Nam và tham khảo những cách làm tốt nhất trên thế giới, một nền tảng gồm 5 cải cách thể chế cần thúc đẩy đó là: Khung định chế vững chắc; Thủ tục hành chính tinh giản; Công cụ thị trường thông minh; Tăng cường hiệu lực thực thi và Quy trình có sự tham gia, tham vấn.

Nhìn lại lịch sử, trong lúc cấp bách Việt Nam đã có quyết định táo bạo chuyển đổi nền kinh tế. Chẳng hạn như câu chuyện khoán hộ trong nông nghiệp vào năm 1981, hay chuyển nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 1986.

Đứng trước sự cấp bách luôn tạo áp lực để đổi mới đất nước. Một nhà tri thức đã từng nói, áp lực thay đổi luôn đến từ những nhà lãnh đạo xuất chúng. Chỉ có như vậy mới tạo ra được bứt phá đưa đất nước vươn lên cùng các quốc gia văn minh, phát triển.

Trần Thủy

TĂNG TRƯỞNG CHẬM LẠI LÀM SAO VƯỢT BẤY THU NHẬP TRUNG BÌNH ?

LAN ANH/TVN 12-2-2023

Chỉ trong hai năm gần đây, sau Đại hội 13, hàng loạt nghị quyết, chương trình đã được ban hành thể hiện các mục tiêu đưa đất nước trở thành quốc gia công nghiệp hóa.

Tăng trưởng giảm 1 điểm phần trăm sau mỗi thập kỷ

Theo đó, nước ta đặt ra mục tiêu thu nhập bình quân đầu người khoảng 7.500 USD vào năm 2030 và 27.000 - 32.000 USD vào năm 2050, trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

Đó là những khát vọng rất chính đáng để thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực và thế giới, sau khi kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020 đã không hoàn thành.

Những mốc thu nhập như trên được đặt ra trong bối cảnh, chỉ có khoảng 18 quốc gia thành công trong chuyển từ thu nhập trung bình lên thu nhập cao, và nhiều quốc gia bị kẹt trong bẫy thu nhập trung bình.


Mô hình tăng trưởng chậm kéo dài trong nhiều năm đã khiến Việt Nam loay hoay trong bẫy thu nhập trung bình. Ảnh: Hoàng Hà

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến một quốc gia loay hoay trong bẫy thu nhập trung bình đó là tăng trưởng năng suất chậm lại, không giải quyết được những tồn tại về cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, quốc gia đó đang gặp khó khăn trong tiến trình công nghiệp hoá và cải thiện khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường toàn cầu.

Việt Nam đứng vào hàng ngũ các quốc gia thu nhập trung bình thấp từ năm 2008, song vấn đề đã bộc lộ rõ khi tăng trưởng kinh tế đang ngày càng giảm dần trong nhiều năm qua.

Các nhà kinh tế nhận xét, trong vòng 30 năm qua, nền kinh tế đã trải qua ba đợt khủng khoảng.

Mức giảm sâu của thời kì khủng hoảng gần đây nhất (2020-2021) do những khó khăn mà Việt Nam gặp phải khi đối phó với biến chủng Omicron, dẫn tới số lượng các ca nhiễm Covid tăng cao và các giai đoạn lockdown. Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng chịu tác động lớn bởi hàng loạt các nguyên nhân khách quan và chủ quan. 

Mức giảm sâu nhất của tăng trưởng trong kỳ khủng hoảng thứ 2 (2008-2011) là 5,4%. Dù cuộc khủng hoảng này do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu kết hợp với các yếu kém nội tại về cơ cấu; cầu bên ngoài suy giảm, nhưng cầu tiêu dùng nội địa không suy giảm nghiêm trọng như khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. Hơn nữa, cầu bên ngoài suy giảm nhưng tốc độ tăng xuất nhập khẩu những năm đó cũng ở mức rất cao 2 con số.

Còn trong cuộc khủng hoảng lần thứ nhất (1997-1999) mức sụt giảm trong tốc độ tăng trưởng sâu nhất là 4,47%.

Thời kỳ 2011-2020, tăng trưởng bình quân khoảng 6%; thời kỳ 2000-2010 tăng trưởng trung bình khoảng 6,6%; thời kỳ 1991-2000, tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 7,6%. 

Như vậy, sau mỗi kỳ khủng hoảng trong ba thập niên qua, xu hướng tăng trưởng kinh tế nước ta giảm dần rất rõ nét. Cứ sau 10 năm, tăng trưởng trung bình hàng năm giảm từ 0,5-1 điểm phần trăm. Đặc biệt, từ năm 2004 đến nay, chưa năm nào đạt mức tăng trưởng 7,5%.

Trên nền tảng đó, các chuyên gia kinh tế nhận định mô hình tăng trưởng chậm kéo dài trong nhiều năm đã khiến Việt Nam loay hoay trong bẫy thu nhập trung bình. Mục tiêu vươn lên thành quốc gia có thu nhập cao đến năm 2045 chỉ hoàn thành khi chúng ta kiên quyết chuyển sang mô hình trăng trưởng mới để đạt tốc độ tăng trưởng cao.


Sau mỗi kỳ khủng hoảng trong ba thập niên qua, xu hướng tăng trưởng kinh tế nước ta giảm dần rất rõ nét. Ảnh: Hoàng Hà

Các kịch bản và lựa chọn của Việt Nam

Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Đặng Kim Sơn tính toán, nếu tăng trưởng 6%/năm thì đến năm 2030, Việt Nam mới gần thành nước có thu nhập trung bình cao, mục tiêu này có thể phải chậm lại 1 năm (so với Nghị quyết Đại hội 13) và đến năm 2045 cũng khó đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập cao của Đại hội 13 đề ra mà sẽ chậm 6-7 năm nữa.

Nếu tăng 7%/năm, Việt Nam có thể trở thành nước có thu nhập trung bình cao sớm hơn năm 2030 nhưng đến năm 2045, mục tiêu đạt mức thu nhập cao vẫn có thể bị chậm lại 1-2 năm. Mức tăng trưởng 7% gần như đáp ứng được 2 mục tiêu phát triển của Đại hội 13.

Nếu tăng 8%/năm, Việt Nam sẽ về sớm hơn mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao 3-4 vào năm 2030 và sớm hơn 2-3 năm so với mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.

Như vậy, với những kịch bản tăng trưởng mà ông Sơn đưa ra, Việt Nam phải có tốc độ tăng trưởng trong nhiều năm tới liên tiếp trên 8% để trở thành nước thu nhập cao.

Trong báo cáo Việt Nam 2035, người ta tính toán rằng, để đạt được tốc độ tăng trưởng đó đồng nghĩa với việc Việt Nam phải trở thành đất nước có nền công nghiệp phát triển.

Tiêu chí một đất nước có nền kinh tế “công nghiệp hoá, hiện đại hoá” đó là: Bình quân đầu người đạt tối thiểu 18.000 đô la Mỹ (tính theo sức mua tương đương bằng đô-la Mỹ năm 2011); Đa số người dân sống tại khu vực đô thị (trên 50%); Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90% GDP và trên 70% lao động nền kinh tế làm việc trong các ngành công nghiệp và dịch vụ; Tỉ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân trong GDP chiếm tối thiểu 80%; Chỉ số phát triển con người đạt trên 0,7.

Lấy con số GDP bình quân đầu người năm 2014 là 5.370 đô la Mỹ thì trong vòng 20 năm tới tối thiểu tốc độ tăng trưởng của Việt Nam 6% trở lên mới tiến tới mốc 18.000 USD (tính theo sức mua tương đương bằng đô-la Mỹ năm 2011) vào năm 2035.

Kể từ khi tiến hành Đổi mới đến nay, tỉ trọng khu vực công luôn dao động ở mức 33% GDP, có nghĩa cần có những nỗ lực ý nghĩa hơn nhằm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả cổ phần hoá nhiều hơn. Tiếp tục khuyến khích khu vực tư nhân phát triển mạnh.

Với những phân tích trên cho thấy, rõ ràng mô hình tăng trưởng trong nhiều năm qua đã không còn phù hợp, là điều khiến chúng ta có thể mắc bẫy thu nhập trung bình. Để đạt được mục tiêu trở thành nước thu nhập cao trong 20 năm tới và để có tốc độ tăng trưởng liên tiếp nhiều năm đạt 8%, không cách nào khác là chúng ta phải chuyển sang mô hình tăng trưởng mới và tiến trình công nghiệp hoá đất nước phải được thúc đẩy nhanh chóng và thực chất.

 Lan Anh

TIN LIÊN QUAN:

-Nguy cơ ‘loay hoay' trong bẫy thu nhập trung bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét