Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

20230218. CHỈ NÊN CÓ 2 MỨC: TÍN NHIỆM VÀ KHÔNG TÍN NHIỆM

  ĐIỂM BÁO MẠNG

CÁC ĐIỂM MỚI TRONG LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM, SẼ BUỘC CÁN BỘ YẾU KÉM

 TỰ BỊ ĐÀO THẢI

TRUNG DŨNG/ GDVN 14-2-2023

GDVN- Theo quy định mới, việc lấy phiếu tín nhiệm chính là một kênh chủ yếu để đánh giá cán bộ, còn trước đây quy định này chỉ là kênh tham khảo.

Mới đây, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Theo đó, quan điểm, nguyên tắc của việc lấy phiếu tín nhiệm là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình nêu cao trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu, nhất là người được lấy phiếu tín nhiệm, người ghi phiếu tín nhiệm.

Quy định mới này hiện đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn trong dư luận.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, các nguyên tắc của việc lấy phiếu tín nhiệm trong quy định mới của Bộ Chính trị đã cụ thể và chặt chẽ hơn rất nhiều so với quy định cũ.

Qua đó, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đưa ra nhận định: "Với tư cách là Đại biểu Quốc hội và là Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương nên tôi cũng tham gia vào việc bỏ phiếu lấy phiếu tín nhiệm cả ở tỉnh và ở Trung ương.

Các điểm mới trong lấy phiếu tín nhiệm sẽ buộc cán bộ yếu kém tự bị đào thải ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: Quochoi.vn

Vì thế, khi quy định nói trên được ban hành chúng tôi cũng đã có sự nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Từ đó, nhận thấy trong quy định mới của Bộ Chính trị có nhiều điểm rất nổi bật, đặc biệt là các quy định cũng đã cụ thể và chặt chẽ hơn trong việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Việc chặt chẽ trong quy định mới cụ thể là, người có trên 1/2 nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì sẽ phải đưa ra khỏi quy hoạch vào các chức vụ cao hơn, đồng thời cho thôi giữ các chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc là cho từ chức.

Còn ở quy định cũ, với người có trên 1/2 số phiếu tín nhiệm thấp thì cán bộ chỉ bị xem xét, đưa ra khỏi quy hoạch vào các chức vụ cao hơn. Như vậy, với việc cho thôi giữ các chức vụ ở quy định mới thay vì chỉ không bố trí quy hoạch khi cán bộ có số phiếu tín nhiệm thấp ở quy định cũ thì rõ ràng quy định mới đã thể hiện sự chặt chẽ hơn rất nhiều.

Thậm chí, theo quy định mới, nếu cán bộ có 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì sẽ bị miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm hoặc bố trí công tác thấp hơn và bố trí ngay lập tức, không chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm.

Điều này một lần nữa khẳng định quyết tâm của Bộ Chính trong việc lựa chọn cán bộ có tâm, có tầm để đứng trong bộ máy cơ quan nhà nước. Đồng thời cho thấy, trong quy định mới thì việc lấy phiếu tín nhiệm chính là một kênh chủ yếu để chúng ta đánh giá cán bộ, còn trước đây quy định này chỉ là kênh tham khảo để đánh giá cán bộ".

Ngoài ra, theo vị Đại biểu Quốc hội Đoàn Hải Dương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, sự gương mẫu của người thân của người được lấy phiếu tín nhiệm trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước cũng là điểm mới, tiến bộ mà Bộ Chính trị đã đưa ra.

"Trước đây, chúng ta chỉ xét đến bản thân người được lấy phiếu tín nhiệm qua việc cán bộ đó có chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước hay không. Tuy nhiên, trong quy định mới thì còn xét đến tiêu chí rộng hơn liên quan đến người thân trong gia đình cán bộ đó.

Đây là tiêu chuẩn khắt khe nhưng hợp lý vì thực tế đã từng có những vụ việc, cán bộ ấy chưa vi phạm nhưng người thân của cán bộ ấy đã vi phạm và làm ảnh hưởng đến uy tín của chính cán bộ đó", Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho hay.

Nêu lên đánh giá trong việc lấy phiếu tín nhiệm theo quy định mới, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết: "Trong quy định mới đã có định lượng rất rõ ràng nên theo tôi nó sẽ khắc phục được những hạn chế trong quy định cũ.

Qua đó, tôi cũng tin tưởng rằng chúng ta sẽ tạo ra những đột phá trong việc đánh giá cán bộ. Điều quan trọng nhất là trong quy định mới, cùng với việc động viên, khuyến khích tinh thần của người được đánh giá nhưng cũng vừa mang tính cảnh báo, răn đe để cho những người trong đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ nỗ lực hơn nữa để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ".

Cùng quan điểm về vấn đề này, ông Trần Ngọc Vinh, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII đánh giá cao quyết tâm của Bộ Chính trị trong việc đánh giá, bố trí cán bộ. Đồng thời, ủng hộ việc Bộ Chính trị đưa ra các tiêu chí mới vừa khắt khe nhưng cũng rất chặt chẽ để có thể lựa chọn cán bộ có tâm, có tầm đứng trong bộ máy cơ quan nhà nước.

Ông Vinh chia sẻ thêm: "Việc đưa ra tiêu chí với cán bộ có phiếu tín nhiệm thấp chúng ta không đưa vào diện quy hoạch hoặc bố trí vào công việc khác là điều hoàn toàn hợp lý.

Ngoài ra, nếu cán bộ tự nhận thấy không đảm nhiệm được chức vụ đó thì có thể chủ động xin từ chức không nên để đến khi phiếu tín nhiệm quá thấp, bị miễn nhiệm hoặc bị yêu cầu từ chức. Điều này cũng rất bình thường vì văn hoá từ chức ở nhiều nước trên thế giới đã có từ lâu.

Tôi hết sức ủng hộ các tiêu chí mới trong quy định về lấy phiếu tín nhiệm và đánh giá cán bộ của Bộ Chính trị. Bởi thực tế, trước đây nhiều cán bộ khi biết mình trong đội ngũ quy hoạch đã giảm nhiệt huyết cống hiến, làm ảnh hưởng rất lớn đến công việc của tập thể.

Như vậy, theo quy định mới, khi lấy phiếu tín nhiệm còn xét trong cả một giai đoạn dài công tác của cán bộ đó, nếu năng lực, sự cống hiến của người đó yếu kém và bị đào thải thì người đó cũng phải tự chịu, vì việc này nó sẽ đánh giá một cách hoàn toàn khách quan".

Các điểm mới trong lấy phiếu tín nhiệm sẽ buộc cán bộ yếu kém tự bị đào thải ảnh 3

Ông Trần Ngọc Vinh, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII. Ảnh: Quochoi.vn

Nêu lên một số góp ý để có thể đảm bảo yếu tố khách quan, trung thực khi thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, ông Trần Ngọc Vinh cho rằng: "Để đảm bảo được điều này, nhất thiết phải thực hiện khách quan trong các việc sau:

Thứ nhất là khách quan trong việc nhận xét từ chính tập thể nơi cán bộ đó công tác. Thậm chí là lấy nhận xét từ nơi cán bộ ấy đang sinh sống, xem thái độ của người đó với cộng đồng ra sao, vợ con của người đó như thế nào.

Thứ hai, phải có kiểm điểm đánh giá từ bản thân cán bộ đó. Thứ ba, có nhận xét khách quan, công tâm từ cơ quan quản lý cán bộ đó.

Nếu những việc này được thực hiện một cách trung thực, công tâm thì tôi tin rằng công tác đánh giá cán bộ thông qua việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm sẽ đảm bảo được yếu tố khách quan.

Đồng thời, hồ sơ của những đánh giá nêu trên cũng cần được công khai, đến tận tay của người có quyền bỏ phiếu đánh giá. Có như vậy thì các đại biểu mới có điều kiện để nghiên cứu và có căn cứ để đưa ra nhận xét, bỏ phiếu tín nhiệm".

Nêu lên một số giải pháp để thúc đẩy yếu tố cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm - một trong các tiêu chí của việc lấy phiếu tín nhiệm theo quy định mới, ông Vinh chia sẻ: "Để làm tốt việc này, đầu tiên là ngay chính bản thân cán bộ đó không có tư tưởng vụ lợi cá nhân, lợi ích nhóm.

Bên cạnh đó, phải có phương án khuyến khích cán bộ mạnh dạn, táo bạo trong công việc để không làm giảm nhiệt huyết cán bộ đó khi đã vào diện quy hoạch. Tất nhiên, việc dám nghĩ, dám làm của cán bộ cũng phải theo nguyên tắc, không làm ảnh hưởng đến tập thể.

Đồng thời, cán bộ cũng phải có nhận thức rõ ràng việc, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm là song hành với nhau để từ đó có sự tỉnh táo, quyết đoán trong công việc. Bởi lẽ, dù cán bộ đó dám nghĩ, dám làm nhưng không tỉnh táo lại làm hỏng việc, khi xảy ra vấn đề thì lại tranh cãi chuyện ai sẽ chịu trách nhiệm.

Nói tóm lại, cán bộ dám nghĩ, dám làm nhưng nó phải phục vụ lợi ích của dân tộc, của nhân dân. Cán bộ đó phải vô tư, không vụ lợi, đặc biệt là không vì thành tích, vì giữ ghế mà thiếu mạnh dạn, nhiệt huyết, trốn tránh trách nhiệm".

Trung Dũng
VỢ/CHỒNG CÁN BỘ  TẠO 'SÂN SAU' LÀ CÓ, LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM QUY ĐỊNH LÀ CẦN THIẾT
NGÂN CHI/ GDVN 16-2-2023
GDVN- Ông Lê Như Tiến kiến nghị chỉ nên lấy phiếu theo 2 thái cực (tín nhiệm - không tín nhiệm); và phải công khai minh bạch kết quả trước công luận.

Quy định “gương mẫu của người thân” do thực tiễn đặt ra

Mới đây, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị vừa ký ban hành Quy định 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội các khóa XII, XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội bày tỏ: “Tôi rất ủng hộ quy định mới. Bởi, lấy phiếu tín nhiệm cũng đã được quy định từ trước đó, mở đầu từ Quốc hội khóa XII - XIII, nhưng lại chưa cụ thể, mới chỉ mang tính chất định tính, nên chưa có nhiều tác động.

Quy định số 96 nêu rõ: Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.

Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Khi quy định được định lượng cụ thể, rõ ràng như vậy, sẽ mang đến hiệu quả tích cực”.

Vợ/chồng cán bộ tạo "sân sau" là có, lấy phiếu tín nhiệm quy định là cần thiết ảnh 1

Ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội các khóa XII, XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: Cao Kim Anh.

Bên cạnh đó, ông Lê Như Tiến cũng nhận xét thêm: “Ngoài ra, Quy định số 96 còn có thêm nội dung về sự gương mẫu của vợ, chồng, con trong gia đình. Về nội dung quy định này, cá nhân tôi rất đồng tình, bởi không có lý nào, một cán bộ Đảng viên mà lại không biết vợ, chồng hoặc con mình đã và đang làm gì...”.

Đồng tình với quan điểm đó, ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng lý giải: “Quy định này là xuất phát từ thực tiễn, từ chính những vụ án trong thực tế. Thời gian qua, có một số trường hợp do người thân lợi dụng chức vụ của cán bộ lãnh đạo, quản lý, để dẫn đến những sai sót, vi phạm...

Việc có những cán bộ bị người thân thao túng, lợi dụng vị trí, chức vụ của vợ/chồng hay bố/mẹ để tạo “sân trước” - “sân sau”, tư lợi cá nhân... vẫn tồn tại trong xã hội. Thậm chí, có những người xem vợ/chồng hay con của các cán bộ lãnh đạo, quản lý đó chính là “cửa sau”, là “cầu nối” để chạy chức chạy quyền, để thăng quan tiến chức.

Để xảy ra tham nhũng chức quyền, kinh tế... ở người thân trong gia đình các cán bộ lãnh đạo, quản lý là việc nghiêm trọng.

Hiện tượng này đã xảy ra âm ỉ từ lâu, nhưng vừa qua mới “lộ diện” nhiều, ở nhiều vị trí, nên Bộ Chính trị phải ban hành quy định cụ thể, để góp phần ngăn chặn vấn đề này”.

Từ những phân tích trên, ông Lê Văn Cuông đánh giá: “Những quy định mới này rất kịp thời, tích cực, đây sẽ là một trong những giải pháp nhằm giúp cuộc chiến chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả tốt hơn”.

Phải công khai minh bạch kết quả lấy phiếu tín nhiệm

Theo ông Lê Văn Cuông, trước đây, dư luận thường băn khoăn về những lần lấy phiếu tín nhiệm xong... để đó.

“Thời gian trước, thường có dư luận về việc chúng ta có các quy định “để trong ngăn kéo”, hay “chỉ nói nhưng không làm”, hoặc có làm thì cũng có chọn lọc, còn có vùng cấm, vùng né, vùng tránh... Tuy nhiên, giờ đây, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác này đã và đang được thực hiện một cách quyết liệt, triệt để, hiệu quả hơn, không còn “vùng cấm”.

Vợ/chồng cán bộ tạo "sân sau" là có, lấy phiếu tín nhiệm quy định là cần thiết ảnh 2

Ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Vừa rồi, về quy định từ chức, có một số cán bộ cao cấp cũng đã có động thái rõ rệt. Những quy định đang từng bước giải quyết những vấn đề thực tế đặt ra, vừa xử lý cán bộ lãnh đạo, quản lý vi phạm, vừa giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội.

Khi chúng ta đang ngày càng làm mạnh công tác phòng chống tham nhũng, xử lý cán bộ, thì càng củng cố vị thế của Đảng và lòng tin của người dân cũng ngày càng được nâng lên...” - nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa thẳng thắn nhìn nhận.

Đứng trước những quy định mới tích cực, ông Lê Như Tiến cũng bày tỏ: “Sắp tới, khi Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, tôi cũng có rất nhiều kỳ vọng, dựa trên những quy định cụ thể đối với bỏ phiếu tín nhiệm.

Nếu không có những quy định cụ thể về việc thế nào là tín nhiệm cao, tín nhiệm, thế nào là tín nhiệm thấp - không lượng hóa được điều này thì chúng ta cũng chỉ đưa ra những con số chung chung “không biết nói”, không thay đổi, không loại trừ được những người thiếu uy tín, thậm chí có khuyết điểm, sai phạm...

Vì vậy, tôi hy vọng, trong lần lấy phiếu tín nhiệm sắp tới, chúng ta phải có hướng dẫn rất chặt chẽ, cụ thể, định lượng chứ không chỉ định tính”.

Đặc biệt, vị nguyên Đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh: “Trước đây, khi là Đại biểu Quốc hội khóa XII và XIII, tôi cũng từng kiến nghị, không nên để 3 mức phiếu như vậy, mà chỉ nên có 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm, như vậy sẽ cụ thể hơn...

Như chúng ta thấy bàn tay luôn có 2 mặt thì mỗi vấn đề cũng luôn có 2 mặt: tốt - xấu, phải - trái, đúng - sai, vậy nên, theo tôi, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng chỉ nên có 2 thái cực: tín nhiệm và không tín nhiệm.

Tôi đã từng kiến nghị như thế, nhưng chưa được thực hiện, nên bây giờ, tôi xin tiếp tục kiến nghị, như vậy sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều...

Ngoài ra, tôi đề nghị, nên công khai minh bạch kết quả lấy phiếu đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trước công luận, để người dân cùng tham gia giám sát".

Ngân Chi
Ý KIẾN TRAO ĐỔI:
Ngô Thế Bính: Theo tôi yêu cầu cấp bách và chủ yếu của công tác quản lý cán bộ hiện nay thì việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm nên là tìm ra những người không đủ tín nhiệm để xử lý theo các mức độ  như : cho thôi chức, hạ cấp công tác, loại khỏi quy hoạch cấp cao hơn v.v...  Tôi đồng ý với Ông Lê Như Tiến chỉ nên có 2 mức: tín nhiệm và không tín nhiêm, thay vì 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp như trong Quy định 96/QĐ/TW 2-2-2023. Việc cho thêm mức tín nhiệm cao trong điều kiện các tiêu chí không mang tính định lượng ( thiếu các chỉ tiêu và tiêu chuẩn), nếu tổ chức lấy phiếu lại thiếu chặt chẽ, khách quan, minh bạch dễ  xảy ra "Chạy phiếu tín nhiệm cao", tác hại khó lường .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét