Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

20180203. BÌNH LUẬN GIÁP TẾT MẬU TUẤT

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐINH LA THĂNG, U23 VIỆT NAM VÀ BI KỊCH DÂN TỘC

NGUYỄN TRỌNG BÌNH/ viet-studies/ BVN  2-2-2018

1. Truyền thông và “nghệ thuật sắp đặt” hay là “ăn cơm Chúa, múa tối ngày”?

Có một sự trùng hợp (mà theo tôi là hoàn toàn không ngẫu nhiên) là sáng ngày 08/01 khi phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng được mở ra thì gần như trên các phương tiện truyền thông chính thống cũng đồng loạt đăng và dẫn lại (cùng nội dung khác tiêu đề) bài viết của ông Trương Tấn Sang - nguyên Chủ tịch nước bàn về sự thịnh suy của dân tộc và đất nước trong lịch sử đồng thời liên hệ với thực tiễn công cuộc chống tham nhũng của chính quyền hiện thời. Đọc kỹ bài viết này sẽ thấy có một bàn tay của ai đó đã “sắp đặt” và “đạo diễn” để nó xuất hiện cùng ngày, cùng thời điểm với phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm.

Việc tất cả các tờ báo lớn đều phải đăng hoặc dẫn lại bài viết trên chính là chỉ dấu thứ nhất. Chỉ dấu thứ hai là câu văn chuẩn bị cho đoạn kết trong bài viết của ông Tư Sang như sau:

Hôm nay chúng ta bước sang một năm mới với một tâm trạng tươi tắn, niềm tin trong nhân dân đã trở lại, sức khỏe nền kinh tế có phần hồi phục, vị thế đất nước được lan tỏa rộng rãi”.

Chỉ dấu cuối cùng là nguyên văn câu kết: “Với niềm tin đó chúng ta cùng phấn khởi bước sang năm Mậu Tuất 2018” và lời ghi chú của tác giả sau bài viết: “Viết tại Thành phố Hồ Chí Minh, cuối năm 2017”[1]

Những chỉ dấu trên cho phép chúng ta suy luận một cách có cơ sở rằng bài viết của ông Tư Sang vốn được “đặt hàng” và “thiết kế” nhằm chuẩn bị cho ngày đầu năm mới 2018 sẽ công bố với toàn thể quốc dân đồng bào. Tuy nhiên, ai đó đã nhanh trí xử lý để nó lùi lại chờ đến ngày 08/01/2018 cũng là “ngày phán xử” ông Đinh La Thăng và đồng bọn mới hiện diện trên khắp các mặt báo (cả báo giấy lẫn báo mạng). Sự “sắp đặt” này nhằm mục đích gì? Đương nhiên tất cả chỉ nhằm mục đích tuyên truyền cho Đảng và chính quyền Nhà nước. Đầu tiên là nhằm phân tán và đánh lạc hướng sự quan tâm thái quá của dư luận dành cho phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng. Quan trọng hơn là để qua đó nhấn mạnh sự “quyết tâm của Đảng ta” mà đứng đầu là ông Tổng Bí thư trong công cuộc “nhóm lò đốt củi” nhằm “lấy lại niềm tin” của dân chúng đang ngày càng cạn kiệt.

Thôi thì, có lẽ cũng không nên trách hệ thống báo chí về những chuyện tương tự như thế này nữa. Vì dù sao đây cũng là nhiệm vụ chính yếu của họ. “Ăn cơm Chúa” nên phải “múa tối ngày” âu cũng là lẽ thường. Nhưng vấn đề là, qua toàn bộ nội dung bài báo của ông Trương Tấn Sang cùng cách thức tuyên truyền của các phương tiện truyền thông chính thống về bài viết này chỉ càng làm cho người ta thấy rõ hơn một sự thật khác. Đó là chính quyền hiện nay vẫn không từ bỏ thói quen mỵ dân bằng chiêu trò “vừa đấm vừa xoa” nhằm “đánh” vào sự “hồn nhiên”, “ngây thơ” và tinh thần “lạc quan tếu” của họ. Bởi nghiêm túc mà nói về mặt nội dung, bài viết của ông Trương Tấn Sang hoàn toàn không có gì mới vì trước đó đã có nhiều người nói rồi, viết rồi. Gần nhất là người đồng chí của ông Sang - ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khi vừa về hưu cũng có hàng loạt bài viết tương tự. Thậm chí, những bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng về mặt tư duy còn sắc sảo, thấu đáo và dĩ nhiên cũng hay hơn bài của ông Tư Sang rất nhiều.

Tuy vậy, có lẽ trong cái rủi có cái may, Đảng... tính vẫn không bằng Trời tính. Trong những ngày Tòa nghị án và “chuẩn bị” tất cả các khâu để tuyên án ông Đinh La Thăng cho “đúng quy trình” thì ở bên kia biên giới trên đất của “người đồng chí anh em”, thầy và trò ông Park Hang Seo đã bất ngờ làm nên những trận cầu đẹp mắt cùng những chiến thắng bất ngờ. Đây rõ ràng là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Và sự trùng hợp này đã vô tình cứu Đảng ta một bàn thua trông thấy. Người Việt 4000 năm qua tuy luôn bị đè đầu cưỡi cổ nhưng vẫn rất “ngây thơ,” “cả tin” và không “chịu trưởng thành”. Thế nên, riêng trong vụ xét xử Đinh La Thăng có vẻ như... ông Trời cũng “giúp” Đảng ta (vì không phải đau đầu chuẩn bị những “kịch bản” tuyên truyền “vừa đấm vừa xoa” nữa). Bản án 13 năm tù giam dành cho Đinh La Thăng và chung thân dành cho Trịnh Xuân Thanh giờ đây chẳng còn mấy người quan tâm theo dõi và bình luận. Tinh thần và men say chiến thắng của một đội bóng vốn trước đó bị đánh giá là “lót đường” đã cuốn phăng tất cả.

Nhưng nếu bình tâm ngẫm kỹ lại sẽ thấy đây là câu chuyện “rằng hay thì thật ra hay/Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!” Cả một xã hội cho đến hôm nay vẫn chưa hết nhốn nháo, xô bồ trong cơn “lên đồng tập thể” mà không biết rằng đó thật ra còn là một biểu hiện khác của nỗi mặc cảm, tự ti của một dân tộc nghèo nàn và yếu đuối đã ăn sâu vào tận xương tủy. Cả hệ thống báo chí truyền thông giờ đây trông chẳng khác gì những con đỉa đói. Từ chỗ hân hoan vui mừng rất chừng mực và đáng yêu nhiều người bắt đầu chuyển sang lợi dụng “tinh thần” và “ý chí dân tộc” của đám đông mù quáng và cực đoan. Những bài viết thiên về bới móc đời tư, kể lể, tung hô tinh thần vượt khó của các cầu thủ rất nhảm nhí và rẻ tiền đua nhau trồi lên mặt báo chẳng khác gì một mớ tạp nham và hổ lốn. Nói bi kịch dân tộc cũng là vì vậy! Bi kịch vì mỗi cá nhân trong xã hội không có khả năng tự nhận thức được bản thân mình nên sinh ra sự ảo tưởng và lố bịch. Hay nói khác đi, đó là biểu hiện của sự dễ dãi và suồng sã của một dân tộc mang tâm lý lệ thuộc lúc nào cũng khao khát được “vươn lên” để “thể hiện” và “trình diễn” vừa đáng thương nhưng cũng thật đáng trách.

2. Lấy lại niềm tin hay “giải quyết hậu quả” do chính mình gây ra?

Nói cho cùng thì công cuộc chống tham nhũng đến thời điểm này do ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cầm đầu chẳng qua là sự “dọn dẹp” và “giải quyết hậu quả” mang tính “nội bộ” của các đồng chí Đảng viên ĐCS với nhau mà thôi. Đây cũng là cái hệ lụy tất yếu của cái thể chế chính trị hiện thời mà ra. Bởi lẽ, tham nhũng thì ở đâu cũng có nhưng tham nhũng từ trên xuống dưới đến độ “ăn không từ một thứ gì của dân” thì Việt Nam chưa bao giảm phong độ để góp mặt ở các vị trí dẫn đầu các quốc gia tham nhũng trên thế giới. Trong khi đó cái cơ chế để làm sao kiểm soát và hạn chế lòng tham của các quan chức ở mức thấp nhất thì ngược lại. Nghĩa là ở vị trí “đội sổ”.

Trong bài viết của mình, sau khi điểm qua lịch sử về sự hưng thịnh của dân tộc như lời cảnh báo, cảnh tỉnh nhằm “phê và tự phê bình”, ông Sang đã rất khéo léo mê hoặc người dân bằng những lời đường mật thường thấy. Một mặt ông kêu gọi “Ðảng và những người nắm giữ vai trò chèo lái đất nước phải kiên quyết hành động” nhưng mặt khác, cũng không quên chiêu dụ: “Nhân dân luôn đứng bên cạnh Ðảng, đồng lòng đi theo Ðảng bằng cả lý trí và trái tim để thực hiện đến cùng cuộc đấu tranh này”.

Những lời của ông nói nghe thật hay nhưng có khi nào vì cao hứng nên đã quên mất chính bản thân ông đã và đang là một phần của Đảng chứ còn ai vô đây.
Kinh nghiệm phòng chống tham nhũng thành công của các quốc gia phát triển trên thế giới cho thấy nếu không xây dựng một thể chế theo mô hình “tam quyền phân lập” thì không nên nói nhiều về chuyện này. Thế nhưng, mới đây các đồng chí đang tại vị của ông Tư Sang đã rất quyết liệt và kiên định đề ra quy chế cấm không cho đảng viên bàn đến cái mô hình”tam quyền phân lập” ấy. Đã vậy thì thử hỏi ông Tư Sang và các đồng chí của ông sẽ hành động như thế nào để lấy lại niềm tin của nhân dân đây? Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Xuân Anh, Vũ “Nhôm”... tất cả nói cho cùng đều là những “sản phẩm lỗi của một hệ thống”, một “bộ máy” già nua, cũ kỹ nhưng các ông đã kiên định không chịu sửa, không chịu thay đổi thì hô hào, kêu gọi làm gì?

Dĩ nhiên ở đây ông Tư Sang vẫn đáng được tôn trọng và ca ngợi nếu như bài viết kia thực sự do chính ông suy nghĩ và chấp bút. Nhưng cũng từ đây, một vấn đề khác không thể không đặt ra là, tại sao dạo gần đây những người như ông Sang, ông Hoàng và khá nhiều các đồng chí “lão thành cách mạng” khác “về vườn” rồi mới chịu “ra mặt”, mới dám nói, dám bàn và kêu gọi “Đảng ta phải kiên quyết hành động”? Phải chăng khi còn đương nhiệm những người như ông Sang, ông Hoàng hoặc là thiếu dũng khí, thiếu quyết tâm hoặc là hoàn toàn bất lực trước thảm trạng “lợi ích nhóm” và giặc “nội xâm” mà hơn ai hết các ông đã hiểu và nhìn thấy rõ nhất?

Hay chính điều ấy cũng ít nhiều cho chúng ta thấy rõ hơn lối tư duy nước đôi, tư duy kiểu ba phải của không ít “vị lão thành cách mạng” hiện nay? Nghĩa là lúc ông Đinh La Thăng vừa được đề bạt lên cao và sử dụng truyền thông báo chí chính thống tô vẽ cho mình thì các vị cũng chạy đến tranh phần: “tôi không lạ gì anh Đinh La Thăng”[2] hay “tôi biết anh Thăng từ thời còn làm cán bộ Đoàn”... Nhưng khi ông Thăng vừa “ngã ngựa” thì cũng chính các vị chứ không phải ai khác rất nhanh nhảu và hùng hồn lên mặt báo chí kêu gọi “cần phải xử lý nghiêm”, “không có vùng cấm”...?

Không ai phủ nhận nhận thức của con người là một quá trình và chắc chắn sẽ có những thay đổi, biến chuyển theo thời gian. Nhưng cái “quá trình” ấy nhất định phải có sự “cọ sát” và kiểm chứng bằng lý luận lẫn thực tiễn chứ không thể trong ngày một ngày hai được. Nhận thức để tuyên truyền kiểu này chỉ càng cho thấy rõ hơn sự ấu trĩ, a aua hay “giậu đỗ bìm leo” của những người từng một thời nắm giữ ngôi cao trong bộ máy chính quyền. Dân tộc và đất nước được dẫn dắt bởi những “bộ óc” như thế thì chuyện mấy chục năm qua không thể “cất cánh” âu cũng là vấn đề không quá khó để lý giải.

3. Thay lời kết

Không ai có thể tự nắm tóc mình để kéo lên khỏi mặt đất. Đó là điều chắc chắn. Thế nên, là người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu không ai là không vui mừng và xúc động trước thành quả ngoài mong đợi của các cầu thủ trẻ U23 khi viết nên “trang sử mới” cho bóng đá nước nhà. Thế nhưng “phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”. Cuối năm nay đội tuyển bóng đá quốc gia sẽ trở về cái “ao làng” Đông Nam Á tranh giải AFF. Thiết nghĩ, khi đó nếu thắng được người Thái và vô địch thì hãy vỗ ngực “xưng vương” xứ Đông Nam Á cũng là chưa muộn! Vậy nên cả dân tộc có cần tự “vuốt ve” và “tự sướng” quá đà như những gì đã và đang diễn ra không?

Tương tự vậy, thời gian qua không ai phủ nhận tinh thần và quyết tâm bài trừ tham nhũng của người những người đứng đầu Đảng và chính quyền Nhà nước. Nhưng hãy nên nhớ tinh thần và quyết tâm là một chuyện còn cơ chế và thực tế chuyện bài trừ nham nhũng hiệu quả đến mức nào thì lại là chuyện khác. Chỉ mới xử lý một Đinh La Thăng thôi mà nhiều người đã và đang nghĩ rằng tất cả đã “không còn vùng cấm” và tương lai đất nước chẳng còn “giặc nội xâm” nữa thì quả là chẳng khác gì mấy anh hề Trấn Thành, Trường Giang, Xuân Bắc, Tự Long... diễn tuồng trên sân khấu để “mừng Đảng, mừng xuân”!?

Vậy nên, những ngày cuối năm Đinh Dậu nghe ông Tư Sang và không ít vị “lão thành cách mạng” lên báo đài “chém gió” rất hăng say về chuyện chống tham nhũng (nhất là qua vụ Đinh La Thăng) và nhìn hàng triệu người dân Việt đang trong cơn “lên đồng tập thể” trước thành công bước đầu của đội U23 Việt Nam không hiểu sao một lần nữa trong đầu tôi lại hiện về các câu thơ của cụ Tản Đà năm xưa. Những câu nói cũ nhưng thiết nghĩ vẫn còn nguyên giá trị và rất cần thiết đối với mỗi người Việt trong những ngày năm hết Tết đến này:

Dân hai nhăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con?”
Và:
Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân nó dễ làm quan!”
Cần Thơ, 01/02/2018
N.T.B
_________

Nguồn tham khảo:

[1] “Ngay lúc này, Đảng phải kiên quyết hành động”. Xem tại: https://vov.vn/chinh-tri/ngay-luc-nay-dang-phai-kien-quyet-hanh-dong-716338.vov
[2] “Tôi không lạ gì anh Đinh La Thăng”. Xem tại: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/toi-khong-la-gi-anh-dinh-la-thang-47175.html

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 1-2-18
Nguồn: http://www.viet-studies.net/kinhte/NTrongBinh_TanManCuoiNam.html 

'LÒ' CỦA ÔNG TRỌNG CÓ NGHỈ TẾT HAY KHÔNG?

PHẠM CHÍ DŨNG/ Cali Today/ BVN 3-2-2018

Vietnam - Cali Today news - Năm hết tết đến…

Một lần nữa kể từ tháng 12/2017, nhiều người đã bị “hố” nặng” khi chứng kiến “lò” của Tổng Bí thư Trọng vẫn rừng rực cháy ngay cả sau khi kết thúc phiên tòa “Thăng - Thanh” và vào lúc một phiên tòa khác xử Trịnh Xuân Thanh tội “tham ô” gần chấm dứt.

“Củi” mới nhất là ông Nguyễn Ngọc Sự (sinh 1957), nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Ông Sự bị tống vào xà lim chỉ trước tết nguyên đán 2018 chưa đầy ba tuần.

Có vẻ ông Trọng không chịu nghỉ tết. Và “cái lò” của ông cũng giống ông…
Vào quý 3 năm 2017, giới quan chức tham nhũng đã từng kỳ vọng rằng vụ ông Trọng xử Nguyễn Xuân Anh ở Đà Nẵng là điểm kết thúc để phần cuối năm 2017 sẽ êm ả mà không xảy thêm vụ nào khác. Rồi đến khi nổ ra vụ bắt Đinh La Thăng, họ lại hy vọng rằng đó sẽ là vụ cuối cùng của năm 2017…


                     Ảnh: 123RF.com

Nhưng sau ngày 8 tháng Mười Hai năm 2017 với sự kiện bắt Đinh La Thăng mà đã phá vỡ tiền lệ “Ủy viên Bộ Chính trị không thể bị bắt giam và truy tố”, đến lượt hàng loạt quan chức của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Cao su Việt Nam và quan chức ngân hàng bị bắt, rồi cả một số quan chức lãnh đạo các địa phương Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Quảng Nam bị kỷ luật, tiếp đến những “thái tử Đảng” cũng bị “lên thớt”: Nguyễn Phước Hoài Bảo - con trai cựu Bí thư Quảng Nam Nguyễn Phước Thanh, Huỳnh Minh Phong - cậu ấm của cựu Bí thư Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc.

Những vụ bắt bớ liên tục này đối với giới quan chức đã nghỉ hưu cho thấy có vẻ ông Trọng đã chẳng còn quan tâm lắm đến “nghị quyết về kỷ luật cán bộ nghỉ hưu” - một loại ý chí mà ông Trọng đã khẩn cấp yêu cầu cả Chính phủ lẫn Quốc hội phải mau chóng soạn thảo vào giữa năm 2017, lồng trong bối cảnh cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng khi đó bị kỷ luật về mặt Đảng và bị “cách” hết mọi chức vụ trong chính quyền.

Cho tới nay và không hiểu vì lý do gì, người ta vẫn chẳng thấy bóng dáng của “nghị quyết về kỷ luật cán bộ nghỉ hưu” ở đâu. Thay vào đó là hàng loạt nghị quyết của Đảng và có lẽ chỉ cần nghị quyết Đảng là “đủ cho tất cả”.

Cũng đã rõ là chiến dịch “chống tham nhũng” hoặc tượng hình hơn là “đốt lò” của ông Trọng đã được ông tiến hành theo chiến thuật cuốn chiếu, theo cách nói của ông như đã từng khen ngợi Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Trần Quốc Vượng “làm vụ nào ra vụ đó”.

Nhưng lại có một điểm khác biệt mà “đốt lò” đã khiến giới quan chức tham nhũng cùng những đối thủ chính trị của ông Trọng không mấy hài lòng: chiến dịch này được tiến hành không phải chậm mà chắc như một phương châm trước đây, mà nhanh đến thần tốc, dù không chắc chắn lắm.

Cứ như thể không phải giống với một ông Trọng chậm chạp trù trừ trước đây mà là bàn tay bí ẩn của một ai đó đã “đốt lò”.

Nhưng nói gì thì nói, Nguyễn Phú Trọng - chỉ trong một thời gian rất ngắn - đã vụt nổi lên như một bậc thầy về thủ đoạn lẫn thủ pháp chính trị trên chính trường Việt Nam. Cú ra tay thần tốc từ khi bắt giam đến khi bắt phải nhận án đối với cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng chỉ mất có một tháng rưỡi đã khiến ông Thăng như rơi vào cơn hoảng loạn, để cuối cùng chỉ thốt lên một câu đậm chất hoang tưởng “xin về nhà ăn cái tết cuối cùng trước khi chấp hành án”.

Cuối cùng, đã chẳng có cái tết nào hết, cho cả Đinh La Thăng lẫn Nguyễn Ngọc Sự hay những “củi” khác đang trong tình trạng dự bị đưa vào “lò” của ông Trọng.

Không chỉ phá vỡ tiền lệ tồn tại từ bao lâu trước đó về “Ủy viên Bộ Chính trị không thể bị tống giam”, ông Trọng còn đang phá vỡ luôn một tiền lệ khác trong nội bộ Đảng về “làm gì thì làm cũng để qua tết”.

Tình thế đã đổi khác một cách chóng mặt trong tâm lý và tâm trạng giới quan chức trung cao. Nếu trước Đại hội 12 khi Nguyễn Phú Trọng còn chưa chắc suất tái nhiệm Tổng Bí thư, hay cả vào năm 2016 là lúc ông Trọng bắt đầu hô hào “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”, nhiều quan chức còn nửa kín nửa hở về cái biệt danh “Trọng Lú”, thì nay đều im bặt.

Sau khi Đinh La Thăng bị bắt, nhiều người đã nói về “ông Trọng không lú” với một vẻ dè dặt hơn hẳn trước đó. Còn sau khi Đinh La Thăng phải nhận án 13 năm tù giam cho một tội danh chẳng mấy thuyết phục về chứng cứ, rất nhiều quan chức đã sợ ông Trọng như sợ cọp. Ai cũng có cảm giác cuộc đời không biết đầu mà lần. Ai cũng có cảm giác mình đã từng “nhúng chàm” và coi chừng đến phiên mình.

Năm hết tết đến…

Mới đây, khi trả lời phỏng vấn theo hình thức soạn sẵn với một tờ báo nhà nước, ông Trọng đã liệt kê hàng lạt thành tích đưa ra xét xử các vụ án ngay vào đầu năm 2018.

Như vậy là trong năm 2018 sẽ còn nhiều vụ nữa.
Ông Trọng còn nhắc đến cả vụ Phan Văn Anh Vũ.

Một cách ngẫu nhiên, cũng mới đây đã rộ lên tin đồn về một số quan chức và nhà báo có liên quan đến Vũ “Nhôm” sắp bị “nhập kho”.

Bầu không khí đầy tính kích nổ như thế đang hầm hè đe dọa một sự phát nổ trong tương lai gần, thậm chí rất gần, gần đến mức không phải “để sau tết” mà có thể ngay trước đêm giao thừa Tết Nguyên Đán năm 2018.

Còn tết này, ông Trọng có thể đắc chí rồi: đố thằng nào còn dám gọi ông là “Lú” nữa.

Nếu chẳng có vấn đề gì về sức khỏe, 2018 hẳn sẽ là “năm Nguyễn Phú Trọng”.

P.C.D.
VNTB gửi BVN.

CHỐNG THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM: CHUỘT ĐÃ BÉO LẮM RỒI !

NGỌN HẢI ĐĂNG/ TĐC/ BVB 2-2-2018
Chuột tham nhũng
Chuột tham nhũng. Ảnh kienthuc


Tham nhũng ở đã len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm trong xã hội ở Việt Nam, từ các cơ quan công quyền, trường học, phường xã, len lỏi đến cả nếp nghĩ của từng người.



Đến nỗi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phải thốt lên rằng: “Giờ ở nhà đi ra thấy cái gì cũng phải có tiền, không tiền không trôi. Tham nhũng lớn cũng có, tham nhũng vặt cũng nhiều khiến người dân như bị ngứa ghẻ”(TBT Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với cử tri Hà Nội năm 2013).[ads1]

Tham nhũng Việt Nam ở mức nào so với thế giới
tổ chức chống tham nhũng có uy tín trên thế giới là Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International – TI) hàng năm có công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của quốc gia trên thế giới.
Chỉ số CPI của Việt Nam được công bố qua từng năm như sau
Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam
Năm
Chỉ số, thang điểm 1-10 (<5 điểm là có mức tham nhũng cao)
từ năm 2012 thang điểm là 0-100 điểm (<50 là tham nhũng cao)
Hạng
201
2.6
75/91
202
2.4
85/102
203
2.4
100/133
204
2.6
102/145
205
2.6
107/158
206
2.6
111/163
207
2.6
123/179
208
2.7
121/180
209
2.7
120/180
210
2.7
116/178
211
2.9
112/182
212
31
123/176
213
31
116/176
214
31
119/175
Nhìn vào chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam thật đáng e ngại, các chỉ số dưới 5 (với thang điểm 10), hay 50 (với thang điểm 100) là ở mức tham nhũng cao, nhưng Việt Nam còn ở dưới rất xa các mốc này.
Năm 2012 chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam tăng nhẹ từ 2.9 (thang 10) lên thang 31 (thang 100) nhưng thực tế lại tụt 11 bậc so với các nước khác, lý do là các nước khác đều có cải thiện lớn hơn về tham nhũng, trong khi đó Việt Nam không có cải thiện gì nhiều.
Trong 197 quốc gia được TI khảo sát thì Việt Nam đứng thứ 188, tức nằm rong top 10 quốc gia tham nhũng nhất thế giới.
Năm 2013, TI có làm cuộc khảo sát người dân ở Việt Nam với kết quả 30% người dân phải đút lót cơ quan công quyền, 55% cho rằng tham nhũng ngày càng tăng cao, 38% tin rằng chính phủ không thể chống được tham nhũng.
Qua 3 năm liền từ năm 2012, chỉ số của TI của Việt Nam không hề có chút cải thiện nào, đều ở mức 31 điểm, điều này cho thấy công cuộc chống tham nhũng không thu lại kết quả nào.
Thế nhưng tại buổi tọa đàm chung tay chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tổ chức ngày 9/12/2014. Đến phần nói về Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố chỉ số cả nhận tham nhũng ở Việt Nam 3 năm liền không thay đổi, tham nhũng ngàng càng nghiêm trọng hơn. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định kết quả mà TI công bố phù hợp với đánh giá của Việt Nam trong thời gian qua. “Trong 3 năm qua, chúng ta không tụt không tăng có nghĩa là có tính ổn định. Chúng ta chưa đạt được kết quả như mong muốn là từng bước đẩy lùi tham nhũng”
Tham nhũng khiến doanh nghiệp Việt Nam không lớn mạnh được, gây thất thu cho ngân sách
Theo ngân hàng thế giới: Tham nhũng lấy mất 20 – 40 tỷ đô la mỗi năm ở các nước đang phát triển, mà chỉ 1% số tiền trong đó đủ để tiêm chủng cho 8 triệu trẻ sơ sinh, hay nửa triệu người nghèo có nước sạch dùng cho cả năm, hoặc chạy chữa cho 1,2 triệu người bị HIV
Tham nhũng khiến chi phí cho mỗi giao dịch tăng thêm 5 – 10%, bởi không có tiền thì không có việc gì xong được cả.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Một điều tra cho thấy, ở Việt Nam, trung bình cứ 1 đồng lợi nhuận thì DN phải mất 1,02 đồng cho ‘bôi trơn’ “. Tức là Chi phí mất đi do tham nhũng còn cao hơn cả số tiền lợi nhuận được sinh ra.
Điều này cũng khiến cho năng lực cạnh tranh doanh nghiệp Việt so với quốc tế là rất thấp, hàng hóa Việt Nam không cạnh tranh được khi hội nhập kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam cứ nhỏ mãi.
Số liệu điều tra của Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam cho thấy, so với 10 năm trước đây thì quy mô của DN Việt Nam hiện chỉ còn bằng một nửa. Chuyên Gia Phạm Chi Lan giải thích rằng: “Một trong những nguyên nhân chính là tham nhũng đã lấy mất lớn hơn so với lợi nhuận của doanh nghiệp. Bị lấy mất lợi nhuận rồi thì doanh nghiệp còn gì để tái đầu tư, để mở rộng được? Và doanh nghiệp sẽ co lại vì họ làm được 1 nhưng có những ông khác không làm gì cả mà tước đoạt của họ hơn 1 thì tội gì họ làm nữa”.
Doanh nghiệp Việt Nam không lớn nổi, nhưng thị trường ở trong nước là có được bảo hộ, nhưng khi hàng hóa ra nước ngoài thì sức cạnh tranh rất kém. Theo lộ trình hội nhập quốc tế thì Việt Nam phải dần dần gỡ bỏ hết các chính sách bảo hộ cho doanh nghiệp, đến lúc đó chắc chắn các doanh nghiệp sẽ không cạnh tranh nổi với ngay cả thị trường trong nước
Con số thất thu từ thuế cũng rất cao, số liệu cho thấy tham nhũng khiến thất thu thuế lên đến 50%

Hối lộ
Ảnh: corruptionbribery
Việt Nam chống tham như thế nào
Đã có nhiều phát biểu cũng như góp ý cho việc chống tham nhũng. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đăng Trừng góp ý cho văn kiện đại hội Đảng rằng: “Chống tham nhũng ở nước ta giống như dòng văn học cuối thế kỷ 19 – hiện thực phê phán – thấy hiện trạng nhưng không có giải pháp tháo gỡ.” Phát biểu trong phiên thảo luận dự thảo văn kiện trên, đại biểu Quốc Hội Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói:
“Chống tham nhũng phải như quét cầu thang, quét từ trên quét xuống chứ không phải quét từ dưới quét lên”.
Ngụ ý trong câu nói của ông Thuyền: “quét từ trên xuống” tức chống tham nhũng phải như quét cầu thanh từ trên xuống, cần bắt đầu từ cấp lãnh đạo cao nhất trở xuống thì mới có hiệu quả. Cấp cao nhất bị xử lý, thì cấp thấp hơn mới xem đó làm gương và có tính cảnh báo. Còn chống tham nhũng ở Việt Nam là “quét từ dưới quét lên”, nên chỉ có những nhân viên hay lãnh đạo cấp thấp là bị xử, lên cấp cao là bị dừng lại, vì thế không răn đe được ai.
“Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, cấp cao tham nhũng nhưng không có ai dám động đến, thì cấp dưới cũng chẳng kiêng dè gì nữa, vì thế mà tham nhũng càng tràn lan.
Trong buổi tiếp xúc với Cử tri Hà Nội trước kỳ họp Quốc hội ngày 6/10/2014 Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc chống tham nhũng rằng:
“đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định”.
Lời phát biểu của ông Trọng là lời phát biểu đặc trưng cho việc chống tham nhũng từ dưới lên, đến bình hoa phải dừng lại, khiến chiếc bình hoa ấy đến nay đã nhung nhúc chuột và đàn chuột đã béo lắm rồi.
Điển hình cho việc chống tham nhũng từ trên xuống là Singapore. Sau khi giành độc lập, Singapore phải đối mặt với vấn nạn tham nhũng hoành hoành tàn phá đất nước. Quốc gia này chống tham nhũng từ trên xuống, bắt đầu từ quan chức cao nhất, khiến nạn tham nhũng được đẩy lùi.
Để chống tham nhũng hiệu quả, cần phải bắt đầu từ những quan chức cấp cao nhất, Tin Đa Chiều đã có bài: Phương án đẩy lùi tham nhũng tại Việt Nam, nói về vấn đề này
Bình hoa chỉ đẹp khi nó được cắm những bông hoa đẹp nhất và được bung sắc khoe hương, chứ không phải là dùng để che chắn bảo vệ cho những con chuột. Tham nhũng ở Việt Nam chỉ được đẩy lùi khi những con chuột to béo trong bình hoa lần lượt được lôi ra ánh sáng.
/Ngọn Hải Đăng/
Tin đa chiều

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét