Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

20180817. QUANH QUYẾT ĐỊNH BỎ HỌC PHÍ CẤP THCS

ĐIỂM BÁO MẠNG
MỘT QUYẾT ĐỊNH, VẠN NỖI VUI

BÙI NAM/ GDVN 16-8-2018

(Ảnh: tác giả cung cấp).
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018. 
Liên quan về vấn đề giáo dục Chính phủ đã thống nhất thông qua nhiều đề xuất quan trọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiều vấn đề được nhân dân cả nước quan tâm và mong đợi.
Chính sách nhân văn, tiên tiến
Trong nghị quyết đã thông qua nhiều nội dung quan trọng như như nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non, thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi.
Bên cạnh đó, cũng bổ sung quy định về Hội đồng trường đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ có chức năng thực hiện nhiệm vụ các cơ quan chủ quản, lấy ý kiến về tổ chức kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia, nâng chuẩn giáo viên mầm non...
Có 2 vấn đề rất được dư luận đồng tình và ủng hộ tuyệt đối đó là miễn học phí trung học cơ sở, thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi.
Đây là chính sách hợp lý, kịp thời thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho giáo dục, cho trẻ em cả nước và phù hợp với chính sách phát triển giáo dục của thế giới.
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng thông qua việc hỗ trợ đóng học phí đối với cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt đối với thôn xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW.  
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương xác định nhu cầu nguồn kinh phí thực hiện chính sách này theo lộ trình phù hợp.
Nhân dân cả nước vui mừng
Trước đây học sinh tiểu học đã được miễn học phí, nay đến lượt học sinh mầm non, trung học cơ sở, như vậy, sau khi hoàn tất các bước và được thông qua thì học sinh sẽ được miễn học phí từ mầm non đến cấp trung học cơ sở.
Tôi tin chắc rằng với thông tin trên sẽ có hàng chục triệu học sinh và cha mẹ học sinh trên cả nước vui mừng khôn xiết.
Nhân dân vui mừng không chỉ về việc đỡ phải lo gánh nặng học phí cho con đến trường dù học phí hiện tại đối với cấp trung học cơ sở, mầm non mỗi năm không phải là quá lớn nhưng đối với những gia đình khó khăn, đông con thì học phí trong suốt quá trình học từ mầm non đến trung học cơ sở thì đó cũng là một gánh nặng không nhỏ.
Tiết kiệm được những khoản học phí trên, họ sẽ có thêm phần kinh phí mua sắm dụng cụ học tập, chăm lo cho bữa ăn hàng ngày… hay để dành phần tiết kiệm cho các em bước vào những năm học trung học phổ thông và giai đoạn tiếp theo.
Nhân dân cả nước còn vui mừng vì thấy được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho giáo dục nước nhà nhất là một Chính phủ chăm lo cho dân, rồi đây việc thực hiện phổ cập sẽ thực hiện rất tốt, sẽ không còn học sinh bỏ học vì thiếu tiền.
Nhân dân cả nước xin chân thành cảm ơn lãnh đạo Đảng, Chính phủ về chính sách trên.
Và những kỳ vọng…
Thực hiện việc trên đã là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ trong giai đoạn kinh tế còn khó khăn.
Nhưng bên cạnh đó, nhân dân cả nước rất mong trong thời gian tới, nếu được sẽ tiến tới miễn học phí cho học sinh cấp trung học phổ thông.
Nó thể hiện sự quan tâm đồng bộ kịp thời, cũng là chia sẻ bớt gánh nặng cho gia đình học sinh cả nước phù hợp với chính sách của một số nước tiên tiến trên thế giới.
Nhân dân cũng mong Chính phủ nghiên cứu, thông qua các chính sách tăng lương cho giáo viên theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW để mọi giáo viên đều toàn tâm, toàn ý chăm lo cho giáo dục.
BÙI NAM
BỎ HỌC PHÍ CẤP TRUNG HỌC CƠ SỞ: AI MỪNG, AI TIẾC NUỐI ?
THANH AN /GDVN 17-8-2018
Thông tin Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013 khiến cho nhiều người vui mừng.
Nhưng, có những người mừng nhất khi đón nhận thông tin này là các giáo viên chủ nhiệm lớp bởi từ nay họ không còn phải “đòi nợ” học trò nữa.
Tuy nhiên, chắc cũng sẽ có nhiều người tiếc nuối khi không còn thu học phí cấp Trung học cơ sở bởi từ nay họ đã mất đi một nguồn thu mà ít người biết được.

Giáo viên và phụ huynh học sinh là những người rất vui mừng trước thông tin Chính phủ đồng ý miễn học phí bậc trung học cơ sở. Ảnh minh họa: Baobacgiang.com.vn
Ai mừng?
Thực tế thì học phí Trung học cơ sở trong những năm qua không phải là quá nhiều so với các khoản thu ở các nhà trường.
Bởi, hiện nay chỉ có những trường ở khu vực nội đô của một số thành phố lớn có mức thu học phí dao động khoảng từ 60-100 nghìn đồng/ tháng.
Những khu vực nông thôn, vùng khó khăn chỉ dao động ở mức 10- 30 nghìn đồng/ tháng.
Trong khi những em có hoàn cảnh khó khăn như hộ nghèo, cận nghèo, con gia đình chính sách, con của các chiến sĩ, sĩ quan của lực lượng an ninh quốc phòng, con em người dân tộc thiểu số… đều được miễn hoặc giảm từ 50-70% theo Nghị định 86/2015/NĐ/CP của Chính phủ.
Như vậy, xét về cơ bản chỉ có những học sinh có điều kiện kinh tế mới phải đóng học phí ở mức 100%.
Tuy nhiên, dù không nằm trong đối tượng được miễn giảm, gia đình có điều kiện kinh tế nhưng một số em vẫn không thực hiện tốt nghĩa vụ đóng học phí hàng năm.
Chính vì vậy, các giáo viên chủ nhiệm là người cực nhất trong việc thu, đôn đốc học trò đóng học phí hàng năm cho nhà trường.
Trong 4 khối lớp của cấp Trung học cơ sở thì chỉ có học sinh lớp 6 là dễ thu học phí nhất, giáo viên chủ nhiệm khối học này cũng đỡ vất vả hơn nhiều so với các khối khác.
Vì ngay từ khi chuyển cấp từ Tiểu học lên Trung học cơ sở thì phần nhiều cha mẹ học sinh đem các em đi nhập học.
Vậy nên, phần lớn các khoản thu của nhà trường trong năm được phụ huynh đóng ngay trong tuần tựu trường.
Riêng với 3 khối còn lại của cấp học này thì việc thu học phí không hề đơn giản chút nào bởi các em đã quen trường, quen lớp và quen nền nếp của nhà trường.
Nhiều em học sinh được cha mẹ cho tiền đóng học phí cũng không đóng mà chi vào những mục đích khác hoặc cũng có những bậc cha mẹ không chịu đóng học phí cho con.
Nhất là những học sinh ở khu vực có tỉ lệ bỏ học cao thì việc chây ỳ học phí xảy ra thường xuyên.
Nhưng vì muốn giữ sĩ số lớp mà nhà trường cũng đành phải chấp nhận trong từng thời điểm nhất định.
Chính vì nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm thu các khoản tiền trường nên bắt buộc họ phải hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Làm gắt thì sợ học sinh bỏ học và đánh giá là thầy cô quá quắt mà ít nhắc nhở thì học sinh không đóng tiền.
Một bên là học trò của mình, một bên là lãnh đạo, không hoàn thành nhiệm vụ thì mỗi khi đánh giá, xếp loại, xét thi đua cuối năm đều bị liệt vào danh sách không hoàn thành nhiệm vụ.
Vì thế, giáo viên chủ nhiệm thường nằm trong thế kẹt mỗi khi nhắc đến chuyện thu tiền của học sinh.
Nay, Chính phủ đồng ý miễn học phí cho học sinh Trung học cơ sở, giáo viên chủ nhiệm như trút được gánh nặng cho riêng mình.
Vào lớp không còn phải nhắc nhở việc thu - nộp học phí nữa.
Bởi, mỗi khi vào lớp học mà nhắc nhở chuyện tiền bạc thì giáo viên cũng không hề thích thú chút nào.
Có những lúc gặp phải học sinh không đóng học phí lại còn nói vài câu hỗn hào cũng khiến cho giáo viên chủ nhiệm thêm muộn phiền mà không khí của lớp học cũng trở nên nặng nề hơn.
Ai tiếc nuối?
Chính việc giao thu học phí cho giáo viên chủ nhiệm nên việc quyết toán khoản thu này phải nói rằng đa số các trường gặp khó khăn. Bởi lẽ, nó qua nhiều nấc trung gian hơn.
Chính vì thế mà việc hoàn thành học phí của các nhà trường thường chậm trễ lên kho bạc nhà nước.
Thậm chí giáo viên chủ nhiệm nộp lên cho Thủ quỹ nhà trường thì Hiệu trưởng và Kế toán cũng chậm chuyển về kho bạc.
Nhiều đơn vị, Hiệu trưởng và Kế toán nhà trường thường lấy khoản tiền này để làm một số việc riêng cho cá nhân. Đến cuối mỗi học kỳ họ mới nộp lên kho bạc một lần.
Thậm chí nhiều học sinh đóng học phí cả năm nhưng các vị này cũng chỉ đóng từng học kỳ lên kho bạc nhà nước.
Bởi, thực tế thì những đồng tiền học phí này có thể sinh lợi hàng ngày nhưng học phí của học sinh thì đã cố định thu ngay từ đầu năm học.
Những trường có hàng ngàn học sinh thì con số sinh lợi từ những khoản tiền này mỗi năm cũng không hề nhỏ.
Một nguyên nhân nữa là phần lớn các trường hiện nay khi thu học phí không ra lai cho học trò mà chủ yếu là ghi vào quyển sổ cá nhân của giáo viên chủ nhiệm.
Khi thu được một số thì giáo viên chủ nhiệm lên nộp cho thủ quỹ nhà trường và cũng được thủ quỹ ghi vào một quyển sổ.
Chính vì vậy, học phí của nhà trường thu được bao nhiêu và nhà trường nộp bao nhiêu thì thường chỉ có 3 người biết: Hiệu trưởng - Kế toán và Thủ quỹ của nhà trường.
Sở dĩ chúng tôi biết điều này bởi vì cách đây mấy năm, khi địa phương có chủ trương trả lại học phí của năm học trước cho học sinh những trường có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Tuy nhiên, lúc bấy giờ thì thầy Hiệu trưởng cũ đã được điều động sang công tác ở đơn vị khác rồi, Hiệu trưởng mới về đảm nhận việc này.
Ngày nhà trường thông báo trả tiền lại cho các học sinh của năm học trước thì mọi giáo viên mới vỡ lẽ.
Số tiền cấp trên trả về thì ít mà phụ huynh và học sinh vào nhận tiền lại quá nhiều.
Nhiều phụ huynh khi vào không thấy danh sách được nhận tiền thì họ phản đối rất dữ dội.
Tuy nhiên, hiệu trưởng cũ đi rồi nên rồi mọi chuyện cũng êm xuôi, không có kiện cáo lên trên.
Mấy năm nay, từ khi Hiệu trưởng mới về thì chủ trương miễn học phí cho học sinh toàn trường không còn nữa.
Thay vào đó chỉ có những em người dân tộc thiểu số, con hộ nghèo…được miễn nên nhà trường bắt đầu lại tiếp tục thu học phí.
Khác với Hiệu trưởng đời trước là là luôn thúc giục giáo viên thu học phí thì Hiệu trường hiện nay chơi chiêu cực kỳ cao tay.
Vị này không thúc giục và nhắc nhở nhiều về chuyện thu học phí.
Nhưng, cứ vào giữa tháng 5 là họp toàn bộ giáo viên chủ nhiệm lại và phán một câu chắc nịch: Học sinh nào không đóng học phí là hạ hạnh kiểm xuống 1 bậc.
Khi học sinh bị hạ hạnh kiểm 1 bậc cùng đồng thời sẽ bị hạ mức khen thưởng nên rất ít học sinh dám không nộp tiền.
Chỉ có điều, thời điểm này là đã cận ngày tổng kết năm học, học phí của nhà trường cũng đã quyết toán với kho bạc nhà nước rồi.
Vì thế, khoản tiền “thu sau” này đi đâu, về đâu chắc chỉ bộ ba: Hiệu trưởng- Kế toán và Thủ quỹ nhà trường mới biết rõ.
Việc Chính phủ đồng ý miễn học phí cho học sinh Trung học cơ sở rõ ràng phụ huynh mừng, giáo viên mừng nhưng sẽ có một số người không mừng mà lại tiếc nuối.
Đó là sự thật, là những tồn tại đã có hàng chục năm qua ở một số đơn vị của ngành giáo dục.
                                                                                               
Thanh An
TIN BÀI LIÊN QUAN:
GIÁO DỤC- CÓ HAY KHÔNG SỰ BẤT CÔNG ĐẾN TỪ CHÍNH SÁCH ?

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 16-8-2018

Số liệu công bố trên Tờ gấp giáo dục đào tạo năm 2017 cho thấy, năm 2017 Việt Nam có 2.477.175 học sinh bậc trung học phổ thông với 150.721 giáo viên.
Số trường trung học phổ thông cả nước là 2.391, trong đó có 2.110 trường công lập, 281 trường ngoài công lập. [1]
Tìm hiểu trong báo cáo tổng kết năm học 2016-2017 (Bản chính thức gửi các điểm cầu) số liệu cấp trung học phổ thông toàn quốc có đôi chút thay đổi, xem bảng 1:
Danh mụcTổng sốCông lậpNgoài công lập
Số trường2.8112.376435
Số lớp65.09459.9365.131
Số học sinh2.477.1752.290.929186.245
Bình quân học sinh/lớp3836
Bảng 1: Số liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố
Nếu mỗi gia đình có từ một đến hai con học trung học phổ thông thì với gần 2,5 triệu học sinh, số gia đình sẽ vào khoảng từ 1,20 triệu đến gần 2,5 triệu, bình quân vào khoảng 1,8 triệu gia đình (cả nước có khoảng 24 triệu hộ gia đình).
Vậy 1,8 triệu gia đình ấy phải chi tiêu cho con học thế nào ở bậc trung học phổ thông?
Mức học phí trường công lập tùy theo quy định của từng địa phương:
Tại Hà Nội mức học phí nhà trẻ, mẫu giáo, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên năm học 2017 - 2018 trên địa bàn là 110.000 đồng/tháng/học sinh nếu ở vùng thành thị; 55.000 đồng/tháng/học sinh nếu ở vùng nông thôn và 14.000 đồng/tháng/học sinh nếu ở vùng núi.
Năm học 2018 - 2019, Hà Nội dự kiến sẽ điều chỉnh mức học phí nêu trên lên lần lượt là 155.000 đồng; 75.000 đồng và 19.000 đồng.
Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2017-2018 học phí thu theo khu vực như sau:
Các quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức và Bình Tân:
Đối với nhóm nhà trẻ là 200.000 đồng/tháng/học sinh, nhóm mẫu giáo là 160.000 đồng, nhóm trung học cơ sở và bổ túc trung học cơ sở là 100.000 là đồng, trung học phổ thông và bổ túc trung học phổ thông là 120.000 đồng.
Ở khu vực các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè, mức thu học phí ở nhóm nhà trẻ là 140.000 đồng, mẫu giáo là 100.000 đồng, trung học cơ sở và bổ túc trung học cơ sở là 85.000 đồng, trung học phổ thông và bổ túc trung học phổ thông là 100.000 đồng.
Như vậy, bình quân học phí bậc trung học phổ thông ở cả hai thành phố trên vào khoảng 110.000 đồng/tháng chưa kể các khoản đóng góp “tự nguyện”.
Đối với học sinh phải học trường tư, mức học phí tùy thuộc vào thương hiệu nhà trường.
Tại huyện Gia Lâm, Hà Nội, học phí trường trung học phổ thông Lý Thánh Tông như sau:
Học phí một tháng (mỗi tuần học 6 buổi) các lớp 10, 11, 12 theo thứ tự là 550.000 đồng, 650.000 đồng, 750.000 đồng.
Nếu mỗi tuần học sinh học thêm 2 buổi (tuần 8 buổi) thì mỗi tháng đóng thêm 100.000 đồng không phân biệt lớp.
Tiền xây dựng trường đầu năm học khoảng từ 200.000 đồng - 300.000 đồng/học sinh.
Đây được xem là mức học phí thuộc diện thấp nhất địa bàn Hà Nội nhưng cũng gấp từ 5 đến 7 lần học phí trường công lập.
Các trường khác, chẳng hạn trường Lương Thế Vinh học phí đầu cấp là 2 triệu đồng/tháng; Học phí Vinschool là 6,5 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn 7 loại phí khác. [2]
Tình trạng học sinh trung học phổ thông quá tải tại hai thành phố lớn nhất cả nước như sau:
Danh mụcHà NộiThành phố Hồ Chí Minh
Số học sinh thi vào lớp 1094.96486.881
Số trường trung học phổ thông công lập120103
Số trường trung học phổ thông ngoài công lập123121
Chỉ tiêu tuyển sinh công lập (học sinh)67.78068.690
Chỉ tiêu tuyển sinh ngoài công lập (học sinh)30.73033.000
Số liệu so sánh tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (nguồn [3])
Vì sao tại hai thành phố lớn nhất nước, khoảng 1/3 số học sinh lớp 10 theo học tại các trường ngoài công lập?
Ngoại trừ một số ít gia đình thu nhập cao tự nguyện cho con em học tại các trường quốc tế, trường chất lượng cao, số đông còn lại là bất đắc dĩ vì không đỗ kỳ thi vào lớp 10.
Báo Nhandan.com.vn viết về tình trạng tại Hà Nội như sau:
Hơn 24,8 nghìn chỉ tiêu của các trường công lập tự chủ tài chính và ngoài công lập sẽ góp phần giải quyết sự căng thẳng về chỗ học cho mùa tuyển sinh có sự gia tăng mạnh về số lượng năm nay”. [4]
Nói một cách sòng phẳng, kỳ thi tuyển chọn học sinh lớp 10 chỉ có mục đích là đẩy bớt một lượng lớn học sinh (khoảng 1/3) ra ngoài vì trường công lập không đủ chỗ thu nhận.
Chính điều này lý giải vì sao điểm chuẩn lại lên xuống như “sàn chứng khoán”, khi trường công còn chỗ thì hạ điểm chuẩn, khi hết chỗ thì tăng điểm chuẩn?
Những học sinh trượt lớp 10 công lập chủ yếu rơi vào trường hợp học lực yếu hoặc là gia đình khó khăn không thể đầu tư nhiều cho con em (học thêm).
Ngoại trừ một số ham chơi, lười học, học sinh học lực yếu vốn là sự ngẫu nhiên của tạo hóa, các em sinh ra với chỉ số thông minh kém bạn bè không phải lỗi của bản thân, bố mẹ các em nghèo phần lớn là do hoàn cảnh chứ không phải không chịu lao động.
Với chính sách giáo dục hiện tại, những người rơi vào “nhóm thiệt thòi” này lại càng bị thiệt thòi khi họ phải đóng tiền học gấp 5-7 lần người khác, điều này có hợp tình, hợp lý?
Thông tư số 14/2017/TT-BGDĐT ban hành ngày 06 tháng 6 năm 2017, khoản 1 điều 2 ghi:
Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở (giai đoạn giáo dục cơ bản) và giáo dục trung học phổ thông (giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp)”.
Giáo dục trung học phổ thông được xác định là giai đoạn giáo dục “định hướng nghề nghiệp”.
Các trường ngoài công lập hiện nay, chủ yếu dạy kiến thức phổ thông chứ không phải “định hướng nghề nghiệp”.
Bằng một kỳ thi nhằm đẩy một lượng lớn học sinh sang các trường ngoài công lập liệu có đáp ứng tiêu chí “định hướng nghề nghiệp”?
Vì không đủ trường mà tổ chức thi để loại bớt học sinh vào học trường công lập tức là đẩy khó khăn của nhà nước cho người dân tự gánh vác, đây không phải là “xã hội hóa giáo dục”.
Xã hội hóa giáo dục phải xuất phát từ sự tự nguyện của người học và nhà đầu tư (mở trường tư).
Bằng biện pháp hành chính - tức là tổ chức kỳ thi - để buộc một lượng khá đông con em nhân dân phải tự bỏ tiền học nhằm đáp ứng tiêu chí “Giáo dục phổ thông” của Nhà nước liệu có phải là cách làm hợp lý?
Được biết Quốc hội đã lùi việc thông qua Luật Giáo dục nhằm tạo điều kiện cho người dân góp ý, xin nêu vài ý kiến:
Thứ nhất, phổ cập giáo dục
Khoản 2 điều 4 Luật Giáo dục 2005 quy định các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:
a) Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;
b) Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông;
c) Giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng;
d) Giáo dục đại học đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Khoản 1 điều 11 Luật Giáo dục 2005 quy định:
Giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở là các cấp học phổ cập. Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước”.
Quy định về phổ cập giáo dục trong luật Giáo dục đã bỏ đi cấp học rất quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách công dân tương lai được quy định trong luật này là cấp “Mầm non”.
Người viết cho rằng “phổ cập giáo dục” nên quy định ở ba cấp học: Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở.
Cả ba cấp học này nhà nước bao cấp hoàn toàn. Khi điều kiện kinh tế cho phép thì mở rộng thêm các cấp học khác.
Thứ hai, chế độ bao cấp trong giáo dục
Giáo dục trung học phổ thông không phải là cấp phổ cập, đây là giáo dục “định hướng nghề nghiệp” nên cần xem xét lại chế độ bao cấp cho cấp học này.
Nếu xem đây là “giáo dục phổ thông”, nếu không bỏ bao cấp thì nhà nước phải cấp học phí cho học sinh học các trường ngoài công lập - trừ các trường quốc tế và trường chất lượng cao - và bãi bỏ quy định học theo tuyến (Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện [3]).
Cấp học phí cho học sinh trung học phổ thông theo học tại các trường ngoài công lập nhà nước phải bỏ ra một khoản ngân sách, đổi lại vẫn tiết kiệm được một khoản tiền chi cho việc xây dựng cơ sở vật chất, trả lương giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Với bậc đại học, đây là giáo dục nghề nghiệp.
Bao cấp trong lĩnh vực này dẫn tới những hệ lụy khủng khiếp có thể thấy rõ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, nhiều học sinh điểm cao tại các tỉnh có vấn đề về thi cử rơi vào các trường khối công an, sinh viên chính quy các trường này (cùng với các trường quân đội) được bao cấp hoàn toàn.
Không hiếm sinh viên học tập và tốt nghiệp tại các trường này sau đó lại ra ngoài làm việc.
Bãi bỏ bao cấp trong giáo dục “định hướng nghề nghiệp” và “giáo dục nghề nghiệp” sẽ bớt đi nhiều hệ lụy về thi cử, chạy trường,… đó mới chính là cách “xã hội hóa giáo dục”.
Thứ ba, công bằng xã hội
Việc phân chia khu vực để thu học phí (thành thị, nông thôn, miền núi) là nhằm bảo đảm chính sách xã hội với nhóm cư dân có hoàn cảnh khó khăn, điều này không có gì phải bàn luận.
Vấn đề ở chỗ cùng một khu vực, vì sao lại đẩy sự thiệt thòi về kinh tế cho cha mẹ những học sinh học lực yếu, đặc biệt là những gia đình thuộc diện “di dân tự do” đến các thành phố lớn hoặc các khu công nghiệp tập trung?
Sửa Luật Giáo dục, liệu có nên xem “công bằng” cho mọi đối tượng là một tiêu chí cần được quan tâm đặc biệt?
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.moet.gov.vn/thong-ke/Pages/to-gap.aspx?ItemID=5138
[2]http://vinschool.com/vi-vn/tuyen-sinh/hoc-phi.aspx
[3]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/khac-biet-tuyen-sinh-lop-10-o-ha-noi-va-tp-hcm-461989.html
[4]http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/36560102-chi-tieu-va-phuong-an-tuyen-sinh-lop-10-cac-truong-ngoai-cong-lap.html
Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét