Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2018

20180805. BÀN TIẾP VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẶC KHU

ĐIỂM BÁO MẠNG
VIỆT NAM BÀN TIẾP VỀ ĐẶC KHU: LIỆU CÓ ĐƯỢC ĐIỀU CHỈNH ?

ÁNH LIÊN/VNTB/BVN 4-8-2018

https://1.bp.blogspot.com/-8ACZJTM6sX8/W2M7BYogQvI/AAAAAAAAAKU/wK-kQESmL34l18OIfF4PiJxw-tTw6E_jQCLcBGAs/s640/Infographics-dac-khu-kinh-te-va-nhung-dieu-khac-biet-a-1527583711-616-width865height1000.jpg
Một số ưu đãi tại đặc khu kinh tế của Việt nam

Theo dự kiến chương trình phiên họp tháng 8.2018, UB Thường vụ Quốc hội có buổi thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu).
Theo báo giới chính thống, đã có một tài liệu phục vụ việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp xoay quanh hỏi đáp về vấn đề đặc khu. Cụ thể, về lý do lựa chọn xây dựng ba đặc khu (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) là nằm trong phạm vi một đơn vị hành chính cấp huyện và có diện tích không lớn (chiếm 0,55% diện tích đất liền của cả nước) nhưng có vị trí kết nối giao thông khu vực và quốc tế thuận lợi.
Ngay lý do đầu này đã xuất hiện những bất ổn nhất định. Bởi nếu đánh giá theo tiêu chí 'kết nối giao thông khu vực và quốc tế thuận lợi', thì Vân Đồn (Quảng Ninh) mới tạm thời đáp ứng tiêu chí này, vì gần Trung Quốc, có cao tốc nối thẳng cảng Hải Phòng, có cửa khẩu sang Trung Quốc, và được bảo bọc bởi Quảng Ninh – nơi đây đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Đối với Phú Quốc, khu vực này chỉ đáp ứng khi và chỉ khi kênh đào Kra thuộc dự án 'Một vành đai, một sáng kiến' trở thành hiện thực, bởi lúc này, con đường giao thương hàng hải thay vì qua Singapore, thì có thể đi ngang Phú Quốc. Tuy nhiên, hiện thời kênh đào Kra này vẫn còn nằm trên giấy, mà lý do vì yếu tố chính trị. Mặc dù Thái Lan và Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ về kênh đào Kra, tuy nhiên ba tỉnh cực Nam Thái Lan (giáp với Malaysia) lại có xu hướng nổi loạn, và tại đây có phần lớn người theo đạo Hồi (gốc Mã Lai), luôn trong tình trạng bất ổn và đòi ly khai, do đó, sự xuất hiện kênh đào sẽ vô tình giúp chia cắt về mặt lãnh thổ và hỗ trợ lớn phong trào tự trị. Ngay cả việc đặt điều kiện thuận lợi là kênh Kra sẽ tiến hành, nhưng hiện thực của Phú Quốc cũng không thể trở thành một trung tâm phân phối hàng Châu Á do ngoài cảng nước sâu, thì cần phải có sân bay quốc tế và 1 hệ thống kho bãi logistics đi kèm. Trong khi đó, tại Phú Quốc hiện giờ, toàn bộ bề mặt giáp kênh Kra (tương lai) đã bị che chắn bởi resort, điều này sẽ khó triển khai cảng nước sâu (vì tính chất ô nhiễm của nó). Nếu Phú Quốc chỉ đơn thuần là triển khai hoạt động casino hay mại dâm thì đó chưa phải là đặc khu, mà thực chất chỉ để hợp pháp hóa những ngành nghề mà đất liền cấm đoán để gia tăng thu ngân sách.
Riêng về Bắc Vân Phong thì gần như không có một lợi thế nào để đề cập, mà sự xuất hiện nó chủ yếu là tư duy vùng miền theo hướng: Bắc-Trung-Nam.
Trong khi đó, một vị trí thuận lợi phải được định hình trong mắt nhà đầu tư nước ngoài (bởi đặc khu chủ yếu là hút khối FDI). Tuy nhiên, trong mắt các nhà đầu tư FDI - theo GS Võ Đại Lược (thành viên chính thức của Tổ tư vấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt) thì thứ tự chú ý của nhà đầu tư dạng như sau: (1) Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu; (2) Hà Nội - Bắc Ninh - Hải Dương - Hưng Yên - Hải Phòng - Quảng Ninh; (3) Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa; (4) Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng liên kết với Lào và Thái Lan. Một số thành phố có thể được lựa chọn là Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hồ Chí Minh…
Bắc Vân Phong và Phú Quốc, nằm đâu trong danh sách này? Rõ ràng, mục tiêu của đặc khu kinh tế là thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế theo hướng ra nước ngoài, do đó tiêu chí quan trọng nhất là sự quan tâm và lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng giờ đây, những địa điểm mà các nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm lại được Chính phủ Việt nam tìm cách thúc đẩy sự hiện diện đặc khu (?).
Tiếp đó, lý do chọn ba đặc khu là nằm trong phạm vi một đơn vị hành chính cấp huyện và có diện tích không lớn. Đến nay, ba đặc khu vẫn còn bàn cãi về đặc tính hành chính và sự trực thuộc của nó. Vào 24.10.2017, tác giả Kỳ Lâm đã có một bài viết trên Việt nam Thời báo với nội dung vẫn còn nhiều giá trị đến ngày hôm nay, đó là: Đặc khu kinh tế: giằng co giữa trực thuộc tỉnh hay trung ương. Tính chất hành chính của đặc khu sẽ quyết định sự phát huy hiệu quả về mặt bản chất của đặc khu đến đâu. Do đó, ngay cả khi quyết trực thuộc T.Ư hay địa phương thì nếu bàn tay Chính phủ vẫn tìm cách can thiệp sâu quá mức thông qua nguyên tắc hành chính hiện tại (thay vì đặc biệt hóa hành chính theo nhu cầu đặc khu) thì vô tình làm giảm hiệu suất kinh tế của khu vực này.
Chính vì vậy, theo GS Võ Đại Lược, cấp quản lý đặc khu không phải là cấp hành chính nhưng lại theo cấp hành chính cấp tỉnh. Điều này có nghĩa là có thể có một số khác biệt trong cách quản lý kinh tế so với các tỉnh trực thuộc; nhưng về quản lý hành chính, có rất ít hoặc thậm chí không sự khác biệt. Sự mâu thuẫn giữa các quy định kinh tế đối với các khu kinh tế mở cấp tỉnh là một hạn chế lớn đối với hoạt động của các khu kinh tế. Bởi có yêu cầu bộ máy hành chính và các quy định phù hợp với điều kiện địa phương (thậm chí quốc gia - người viết thêm vào) nhưng lại không phù hợp với thông lệ quốc tế. Nói cách khác, bản thân bộ máy quản lý và cơ chế của các tỉnh / thành phố của Việt Nam hiện không đáp ứng yêu cầu quốc tế.
Việt Nam từng duy trì chính sách hành chính trên (với bàn tay can thiệp quá mức của Chính phủ trên cơ sở hành chính) trong các khu kinh tế mở, khu phi thuế quan,... Và kết quả, nó xa rời các quy định về khu kinh tế tự do trong khu vực, vừa không khớp lệnh so với các chính sách nội địa. Trong khi đó, theo GS Võ Đại lược, nếu nhìn sang Hồng Kong có thể nhận ra rõ ràng, chính sách của đặc khu này về hành chính lẫn kinh tế là 'không can thiệp' hoặc nếu can thiệp thì với sự tích cực, dựa trên cơ sở để thị trường tự điều chỉnh, phát triển.
Tuy nhiên, có vẻ khó có việc để cho thị trường tự điều chỉnh khi mà quan điểm về thiết lập các đặc khu Việt nam lại là để thí điểm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này đồng nghĩa với sự ràng buộc yếu tố thị trường tại chính khu vực đặc khu này, thay vì để nó được 'khai phóng'. Bởi như chính GS Võ Đại Lược nhận định, thì ngay cả ưu đãi về thuế, giá thuê đất và quyền kinh doanh, đặc biệt là quyền sở hữu bất động sản thì nó cũng không thể nào so sánh được với quyền sở hữu tự do khác ở các đặc khu kinh tế trong khu vực (trong hệ kinh tế thị trường đầy đủ). 
Vậy liệu Luật đặc khu sắp tới có sự điều chỉnh để phù hợp với quan điểm của nhà đầu tư hay không? Có, nhưng rất ít. Và thực tế sẽ được tiến hành bằng 'quyết tâm chính trị' hơn là hiện thực cần có của tư duy kinh tế mở, đó là chưa kể, hạ tầng tại Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong đã sẵn sàng đi vào hoạt động, các đại gia bất động sản và cả đội ngũ quan chức đã thâu tóm đất vàng tại các địa điểm này và chờ ngày sinh lời.
Câu chuyện của Luật đặc khu và lựa chọn địa điểm đặc khu rồi sẽ được thông qua, bất chấp các giá trị thực tế về điều kiện kinh tế, hành chính còn nhiều bất cập. Và sự thông qua lần này cũng tiếp tục ghi dấu ấn như khi thông qua sự mở rộng Hà Nội hay sự di chuyển khu hành chính Thủ đô lên Ba Vì; rộng hơn là sự thành lập các cửa khẩu phi thuế quan, khu kinh tế mở,... tuy nhiên hiệu quả mang lại là rất ít, trong khi là cơ hội để buôn bán bất động sản lại là rất nhiều.
* Ghi chú: bài viết có tham khảo và sử dụng một số quan điểm trong báo cáo của GS Võ Đại Lược được đăng tải tại World Bank.
A.L.
VNTB gửi BVN

CHUYÊN GIA: 'NÊN CẢI CÁCH ĐỂ TOÀN THỂ VN THÀNH ĐẶC KHU'

VOA Tiếng Việt/  7-8-2018
Đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, dự kiến là một trong 3 đặc khu của Việt Nam
 
Đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, dự kiến là một trong 3 đặc khu của Việt Nam
Số phận dự luật đặc khu gây tranh cãi của Việt Nam có thể sẽ được định đoạt khi quốc hội họp trong 2 tháng rưỡi nữa. Một chuyên gia kinh tế nói với VOA rằng thay vì làm luật về 3 đặc khu, Việt Nam nên cải cách để cả nước thành đặc khu. Một chuyên gia khác cho rằng ‘tốt nhất là bỏ luật đặc khu’.
Báo chí Việt Nam hôm 4/8 trích lời Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự luật “đang được cân nhắc lại”. Ông Phúc nhấn mạnh rằng dự luật đang được “xem xét thận trọng, tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân”.
Có tên đầy đủ là Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, dự luật nếu được thông qua sẽ mở đường cho chính phủ lập ra 3 đặc khu tại các tỉnh Quảng Ninh ở miền bắc, Khánh Hòa ở miền trung và Kiên Giang ở miền nam nhằm “thu hút đầu tư nước ngoài, tạo đột phá về phát triển kinh tế”.
Giới hoạch định chính sách nói việc lập 3 đặc khu là một bước “thử nghiệm” các thể chế, chính sách mới ở Việt Nam, với kỳ vọng thu hút hàng tỉ đôla từ các nhà đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, du lịch, và kinh doanh sòng bạc (casino).
Họ bày tỏ hy vọng rằng các đặc khu sẽ có mức thịnh vượng vượt trội nhờ các ưu đãi, từ đó tạo “tác động lan tỏa, tích cực” tới sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam nói chung, theo báo chí trong nước.
Ban đầu quốc hội dự kiến bỏ phiếu về dự luật vào ngày 12/6 nhưng nó đã bị tạm gác lại sau khi nổ ra hàng loạt cuộc biểu tình lớn trên khắp Việt Nam.
Đông đảo người dân, các chuyên gia và một số đại biểu quốc hội nói họ lo lắng về thời hạn cho thuê đất 99 năm nêu trong dự luật. Có người thậm chí so sánh điều đó với hình thức nhượng địa mà chỉ đất nước nào nghèo đói lạc hậu mới cần đến. Mặt khác, họ cảnh báo nó có thể bị nước láng giềng Trung Quốc lợi dụng để di dân.
Trả lời báo chí chỉ ít ngày trước khi các cuộc biểu tình nổ ra, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói dự thảo luật “không có một từ, một chữ nào liên quan tới Trung Quốc”. Ông cho rằng một số người “cố tình đẩy vấn đề lên để chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc”.
Ông Dũng trấn an rằng “môi trường kinh doanh tại đặc khu là bình đẳng và cũng không ai có thể vào đây làm việc gì sai trái trong chủ quyền Việt Nam”.
Vị bộ trưởng bình luận thêm rằng suy diễn “theo chiều hướng thế này, thế kia, sợ chuyện này chuyện khác thì là ‘mắc mưu’ của người ta rồi”. Không nói cụ thể “người ta” là ai hay quốc gia hoặc tổ chức nào, Bộ trưởng Dũng nhận định: “Người ta đang không muốn mình phát triển, cải cách, đổi mới mà muốn mình loay hoay, không bứt lên được”.
Từ góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói với VOA hôm 7/8 rằng không thể xem thường những e ngại mà nhiều người đã nói ra về dự luật:
“Đang có e ngại rất có căn cứ là một luật đặc khu mà không được xây dựng một cách chặt chẽ thì có thể tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích đầu cơ đất đai, xây dựng casino, có thể tạo điều kiện cho những doanh nghiệp mang danh Việt Nam nhưng được tài trợ bởi nước ngoài, về thực chất hành động theo mệnh lệnh của nước ngoài để có thể lợi dụng các quy định, các điều kiện của đặc khu đó như miễn thuế, cho thuê đất dài hạn, v.v…”
Trước sự phản đối mạnh mẽ từ công chúng và nhiều ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, hồi đầu tháng 6, Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, phát biểu trước với báo giới trong nước rằng “chính phủ sẽ lắng nghe” các ý kiến đó.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh bình luận với VOA rằng việc có nên ban hành một luật về đặc khu hay không phải xét tới điều hết sức quan trọng là nó sẽ hoàn thành nhiệm vụ gì.
Đưa ra phân tích về bối cảnh rộng lớn hơn, trong đó Việt Nam đã hội nhập rất sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới, thuế quan đã giảm nhiều, tiến sĩ Doanh đề xuất một cách tiếp cận khác thay vì mở 3 đặc khu:
“Vấn đề chủ yếu là cải cách thể chế, tạo điều kiện thuận lợi, công khai minh bạch, bình đẳng để cho doanh nghiệp kinh doanh, thứ hai là xây dựng hạ tầng để doanh nghiệp có điều kiện nhất, thứ ba là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng để tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại. Với 3 yêu cầu ấy, Việt Nam nên cải cách để biến toàn thể Việt Nam thành đặc khu kinh tế, và như vậy nó có hiệu lực hơn”.
Một chuyên gia kinh tế khác, bà Phạm Chi Lan nói trong một video được BBC Tiếng Việt đăng lên internet hôm 3/8 rằng cá nhân bà thấy “tốt nhất nên bỏ dự luật đặc khu”.
Nữ chuyên gia nói cho dù dự luật được sửa theo hướng không còn cho nước ngoài thuê đất 99 năm và không nêu tên cụ thể 3 địa phương, sẽ vẫn có những bất cập. Bà phát biểu:
“Tôi lo ngại là nếu có một luật chung chung thì sẽ có thể dấy lên một trào lưu ở Việt Nam các tỉnh đều mong muốn có đặc khu, hoặc một số tỉnh cùng đề nghị với chính phủ, với quốc hội cho họ thành lập đặc khu … Một số chuyên gia mà ngần ngại về luật đặc khu này và cho rằng tốt nhất là không có luật đặc khu nữa”.
Hiện chưa có thông tin chắc chắn cho biết khi nào dự luật sẽ được đem ra bàn thảo và bỏ phiếu tại quốc hội Việt Nam. Báo chí trong nước hôm 4/8 dẫn lời Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Việc Quốc hội xem xét dự án luật vào thời điểm nào còn chờ vào kết quả quá trình tiếp thu ý kiến nhân dân thế nào, tiếp thu ý kiến cử tri thế nào, tóm lại, rất thận trọng”.
Mặc dù vậy, trên mạng xã hội, dư luận tỏ ý nghi ngờ về khả năng quốc hội đưa ra quyết định hủy bỏ dự luật.
Có nhiều ý kiến cho rằng việc thảo luận và bỏ phiếu của quốc hội chỉ mang tính hình thức, là bước cuối cùng để hiện thực hóa các chỉ thỉ hoặc quyết định của Bộ Chính trị có thực quyền cao nhất trong đảng cộng sản cầm quyền.
Để chứng minh cho quan điểm này, nhiều người trích dẫn lại một phát biểu từ giữa tháng Tư của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã được báo chí đăng tải. Khi đó, trong một phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự luật đặc khu, bà Ngân nhấn mạnh rằng “Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét