Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

20180815. VIẾT VỀ CỐ NHÀ BÁO BÙI TÍN

ĐIỂM BÁO MẠNG
THƯƠNG TIẾC NHÀ BÁO BÙI TÍN

ĐINH MINH ĐẠO/ BVN 15-8-2018

mage result for bùi tín

Tin nhà báo Bùi Tín từ trần gây xúc động mạnh đối với tôi. Đành rằng sinh, lão, bệnh, tử là lẽ thường đối với mỗi con người trên cõi đời này, nhưng sự ra đi của ông đã để lại niềm thương tiếc vô hạn. Ông là một trí thức đích thực, luôn trăn trở với vận mệnh đất nước, một người cộng sản đã thức tỉnh một cách dứt khoát, công khai phê phán, kêu gọi Đảng CSVN thay đổi để đưa đất nước phát triển, ra khỏi tình trạng tụt hậu về kinh tế, chính trị, giáo dục..., đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc cho Dân, cho Nước.
Được thừa kế truyền thống trí thức và yêu nước trong một gia đình gia giáo, cha ông là cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên Thượng thư Bộ Hình của triều đình Huế và nguyên chủ tịch Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 18 tuổi ông đã đi theo tiếng gọi của lòng yêu nước, vào bộ đội tham gia cuộc chiến đấu giành độc lập tự do như Đảng đã tuyên truyền kêu gọi.
Là một nhà báo tài năng, ông được Đảng trọng dụng. Được đi nhiều, viết nhiều, ông có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu, so sánh tình hình đất nước với các quốc gia trên thế giới, nhìn nhận ra những yếu kém toàn diện của đất nước. Xa hơn và sâu sắc hơn , ông nhận ra nguyên nhân dẫn đến các yếu kém, đó là sự lãnh đạo độc tài toàn trị của Đảng CSVN. Là một người trong cơ chế của Đảng, ông muốn Đảng phải đổi mới để lãnh đạo đưa đất nước đi lên. Điều này được biểu hiện rất rõ khi ông chuyển từ quân đội ra giữ chức phó tổng biên tập báo Nhân dân. Tôi còn nhớ, những số báo Nhân dân Chủ nhật do ông chủ biên đã đổi mới từ hình thức đến nội dung, thu hút người đọc, khác hẳn những số báo buồn tẻ, ế ẩm trước đó. Tờ báo còn đăng nhiều đề tài bị cấm kỵ như ngày chết và di chúc thật của ông Hồ Chí Minh.
Nhưng những mong muốn của ông không thể thực hiện trong cơ chế mà Đảng đã bị tha hóa đến không thể cứu vãn. Tôi tin rằng đi tỵ nạn chính trị là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời ông. Ở tuổi 60 ông đã để lại quê hương, vợ con, gia đình, bè bạn để bắt đầu một cuộc sống tha hương, để được nói, được viết được đọc những gì mình suy nghĩ, để đưa ra công chúng bộ „Mặt thật” của một thể chế luôn sử dụng bạo lực và dối trá, góp phần vào việc đấu tranh đem lại tự do dân chủ và bảo vệ đất nước trước hiểm họa xâm lược của Trung Quốc.
Tôi có một kỷ niệm khó quên về nhà báo Bùi Tín.
Tháng 06 năm 2007, cuộc Họp Mặt Dân Chủ do giáo sư Đoàn Viết Hoạt chủ trương được tổ chức tại ngoại ô Warsaw, ở một khách sạn trong rừng thông, trên bờ một hồ nước lớn. Trong các buổi thảo luận tại hội trường, nhà báo Bùi Tín ngồi nghe, trông ông có vẻ mệt mỏi của tuổi già. Nhưng mỗi khi thảo luận về tình hình ở Việt Nam, ông đứng lên phát biểu, những nét già nua của tuổi tác đã biến mất, ông trở thành một diễn giả thu hút người nghe, trông ông sinh động hẳn lên và ông trình bày các vấn đề một cách rõ ràng, khúc triết với những số liệu cụ thể từ trong trí nhớ của tuổi 70.
Buổi tối trước khi chia tay, ban tổ chức liên hoan văn nghệ „cây nhà lá vườn”. Nhà báo Bùi tín tham gia rất tích cực. Trong tiếng ghi ta gỗ bập bùng, ông ngâm bài thơ „Nhà tôi” của nhà thơ Yên Thao :
      „ Tôi đứng bên này sông
         Bên kia đồn địch đóng
         Làng tôi đấy xạm đen màu tiết đọng
         Tre cau buồn tóc rũ ướt mơ sương
          ….................
          Tôi có người vợ trẻ đẹp như thơ
          Tuổi chớm đôi mươi cưới buổi dâng cờ
          ….............. 
          Tôi còn người mẹ
          Tóc đã ngả màu bông
          Tuổi già non thế kỷ
          Lưng gầy uốn nặng kiếp long đong
          Nắng mưa từ buổi tang chồng
          Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon
          ….............
          Này anh chiến sỹ
          Người bạn pháo binh
          Đã đến giờ chưa nhỉ
          Mà tôi nghe như trại giặc đã tan tành
          Anh rót cho khéo nhé!
          Kẻo nhầm vào nhà tôi
          Nhà tôi ở cuối thôn Đoài
          Có giàn thiên lý
          Có người tôi yêu.
Đôi mắt ông như có ngấn lệ, trông ông rất xúc động. Chắc bài thơ đã đưa ông trở với những hồi ức của đời lính, hồi ức của nhưng tháng năm tuổi trẻ, ôm ấp lý tưởng của lòng yêu nước, thương dân.
Nhà báo Bùi Tín luôn theo sát tình hình chính trị, kinh tế … của đất nước, ông đã viết hàng ngàn bài báo về các vấn đề cấp thiết của Việt Nam, cảnh báo giới lãnh đạo của Đảng CSVN trước nguy cơ nội xâm và ngoại xâm. Ông đã không ngại tiếp xúc với những người dân của „bên thua cuộc”, đôi khi ông gặp những người quá khích, họ đả kích và gán ghép cho ông những tội lỗi mà ông không có, ông vẫn điềm tĩnh trả lời các câu hỏi. Ông thông cảm với những đau khổ, mất mát của những người dân, người lính của „bên thua cuộc” đã phải chịu đựng. Những tội lỗi này do „bên thắng cuộc”, trong đó có ông đã gây ra.
Cám ơn nhà báo Bùi Tín, một nhân chứng sống của lịch sử thăng trầm của dân tộc Việt Nam, đã kể cho chúng ta nghe nhiều sự thật trong những năm tháng mà Đảng đã bưng bít, định hướng mọi thông tin để bảo vệ lợi ích của Đảng.
Cám ơn nhà báo Bùi Tín, trong gần 30 năm của cuộc sống tỵ nạn đã luôn trăn trở với vận mệnh đất nước, đấu tranh không mệt mỏi, cổ vũ tự do dân chủ cho Việt Nam.
Vĩnh biệt ông, cầu mong cho  linh hồn ông an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng!
Bài viết này như một nén hương thắp trước bàn thờ ông.
Warsaw 12-08-2018
Đ.M.Đ.
Tác giả gửi BVN

NHỮNG NGƯỜI CUỐI CÙNG CỦA THẾ HỆ HÀO HOA MÀ LẠC BƯỚC ĐÃ RA ĐI

PHẠM ĐÌNH TRỌNG/ BVN 14-8-2018

mage may contain: 1 person
Nhà báo Bùi Tín khi tị nạn chính trị ở Pháp.
Cùng đang học trung học chuẩn bị thi Tú tài. Người sinh tháng Chín, người sinh tháng Mười hai, cùng năm 1927. Cùng 18 tuổi khi cuộc cách mạng tháng Tám, 1945 nổ ra. Cùng bị cuốn hút bởi tiêu chí say đắm ngất ngây của cuộc cách mạng tháng Tám: Đập tan xiềng xích nô lệ, giành tự do cho nhân dân, giành độc lập cho đất nước. Nhờ tài năng và nền tảng văn hóa của một nền giáo dục nhân văn, cả hai đều trở thành những tên tuổi, những gương mặt văn hóa sáng giá, đóng góp lớn cho cuộc cách mạng, để lại cho lịch sử và nền văn hóa đất nước những giá trị văn hóa bền vững. Hai tên tuổi đó là nhà báo Bùi Tín và nhạc sĩ Tô Hải.
Không phải chỉ có hai tên tuổi Bùi Tín, Tô Hải. Cái hồn tinh tế nhạy cảm của con người mang trong máu nền văn minh sông Hồng, cái vốn liếng của trí lự Việt Nam được tiếp nhận chương trình giáo dục nhân văn của nền văn hóa Pháp, nền văn hóa đã mở ra kỷ nguyên Ánh sáng và cuộc cách mạng Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Con người và nền giáo dục đó đã tạo ra hơn một thế hệ những tài năng, những nhà văn hóa, những trí thức, những nghệ sĩ lớn Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Thanh Tịnh, Thụy An, Văn Cao, Trần Dần, Hoàng Cầm, Tử Phác, Lê Đạt, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Trần Duy, Trần Văn Cẩn, Sĩ Ngọc…
Hơn một thế hệ tài năng đó đã bị cuốn hút bởi tiêu chí say đắm, ngất ngây của cuộc cách mạng mùa thu năm 1945. Họ đi vào cuộc cách mạng mùa thu và cuộc kháng chiến chống Pháp cùng những người cộng sản là để đến cái đích ước mơ từ trăm năm của cả giống nòi Việt Nam: Đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giải phóng giống nòi Việt Nam. Nhưng khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang đi đến kết thúc thắng lợi, những người cộng sản lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp liền bộc lộ cái mưu đồ tội lỗi, độc ác của họ.
Đặt đảng cộng sản lên trên đất nước, lên trên dân tộc Việt Nam, những người cộng sản dẫn dắt cuộc kháng chiến chống Pháp đã vì lợi ích của đảng cộng sản Việt Nam, vì lợi ích của quốc tế cộng sản, thí bỏ lợi ích của đất nước, của dân tộc Việt Nam, vứt bỏ mục tiêu độc lập của cả dân tộc Việt Nam để theo đuổi mục tiêu của những người cộng sản: mục tiêu xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Họ nhẫn tâm cắt đôi đất nước Việt Nam thành hai trận tuyến, cắt đôi dân tộc Việt Nam thành hai nửa hận thù, biến đất nước Việt Nam thành biên ải của khối cộng sản thế giới, biến dân tộc Việt Nam thành đội quân gác biên ải, lấy máu dân tộc Việt Nam bảo đảm sự an toàn, bền vững và lớn mạnh cho những nhà nước cộng sản đàn anh Trung Cộng, Nga Xô.
Đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, những người cộng sản liền quyết liệt thực thi nền chuyên chế độc tài trên nửa nước, hăm hở lấy máu dân làm chiến tranh áp đặt chuyên chế độc tài trên cả nước. Người dân Việt Nam vừa thoát khỏi thân phận nô lệ của người dân mất nước, xiềng xích nô lệ thực dân vừa rũ bỏ trên cổ, trên chân tay, trong đầu óc người dân thì những người cộng sản lại chụp lên thân phận người dân Việt Nam ách nô lệ mới còn nặng nề, khủng khiếp hơn nhiều lần ách nô lệ thực dân: nô lệ cộng sản.
Nặng nề, khủng khiếp, nhưng nô lệ cộng sản tinh vi và giỏi lừa mị đến mức một nhà văn sắc sảo như Nguyễn Khải cũng phải đến cuối đời mới nhận ra “Ở các chế độ toàn trị chỉ có hai cơ quan mà quyền uy bao trùm cả xã hội. Đó là cơ quan tư tưởng, tuyên truyền và cơ quan công an. Một để chăn, một để chống. Còn khi đã có chuyện bất thường xảy ra thì chỉ có một biện pháp: đàn áp, bắt giữ, lập tòa án xét xử những kẻ cầm đầu” (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất).
Trong thể chế nô lệ cộng sản, những trí thức, nghệ sĩ, tinh hoa của dân tộc, những gương mặt văn hóa của đất nước cũng chỉ là những đứa trẻ trong nhà trẻ cộng sản mà thôi: “Tám mươi triệu cái mặt không nhìn thấy mặt / Tám mươi triệu cái mồn tự nguyện bịt mồm… / Trí thức cụp tai / Ngòi bút trượt dài sợ hãi / … Trí thức cụp tai xin phiếu bé ngoan” (thơ Nguyễn Đình Chính).
Đầu năm 2006, tổng kết một đời nô lệ cầm bút của mình, nhà văn Nguyễn Khải đau đớn nhận ra cả cuộc đời đã mang cả trí tuệ, tài năng ra đóng góp cho một xã hội không có chân móng: “Một xã hội mà công dân không được quyền sống thật, nói thật, nhà văn cũng không được quyền bộc bạch tâm sự riêng tư của mình trên trang giấy là một xã hội không có chân móng” (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất).
Thức tỉnh về thân phận “Trí thức cụp tai xin phiếu bé ngoan”, thức tỉnh về một xã hội cộng sản không chân móng, phản con người, phản dân tộc, phản đất nước, những nhân cách trí thức Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần… đã lên tiếng và phải chấp nhận sự trừng trị đàn áp, bắt giữ, tù đày man rợ của nhà nước độc tài cộng sản. Không ném cuộc đời vào đau khổ mòn mỏi vô ích trong ngục tù cộng sản như những người đi trước, nhà báo Bùi Tín sang tị nạn chính trị ở nước Pháp của cách mạng Tự do – Bình đẳng – Bác ái để ông viết và công bố với loài người văn minh về sự thật xã hội cộng sản Việt Nam, về sự thật cuộc đời một nhà báo trong xã hội cộng sản. Nhạc sĩ Tô Hải thì lặng lẽ viết về cuộc đời mình để kể với mai sau về thân phận ê chề, tủi nhục của người nghệ sĩ trong nhà nước cộng sản.
“Hoa Xuyên Tuyết” và “Mặt Thật” của nhà báo Bùi Tín, “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn” của nhạc sĩ Tô Hải cùng với “Hoa Địa Ngục” của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, “Đêm Giữa Ban Ngày” của nhà văn Vũ Thư Hiên, “Đèn Cù” của nhà báo Trần Đĩnh, “Lời Ai Điếu” của nhà báo Lê Phú Khải là những cung oán ngâm khúc về những thân phận đau khổ của người dân, của trí thức trong nhà nước cộng sản, là thiên ký sự về nỗi thống khổ của người dân trong kiếp nô lệ cộng sản, là những trang tư liệu lịch sử chân thực, sinh động về thời cộng sản trị đau đớn của giống nòi Việt Nam, là lời thức tỉnh cho người dân, cho những trí thức đớn hèn đang còn u mê, an phận trong kiếp nô lệ cộng sản.
Ngoài những tác phẩm báo chí kịp thời, sắc sảo của nhà báo Bùi Tín, ngoài những nhạc phẩm còn mãi với thời gian như hợp xướng Tiếng Hát Người Chiến Sĩ Biên Thùy của nhạc sĩ Tô Hải thì Hoa Xuyên Tuyết, Mặt Thật và Hồi Kí Của Một Thằng Hèn là những đóng góp lớn lao, quí giá cho cuộc vật lộn thoát khỏi họa cộng sản của giống nòi Việt Nam.
Cùng có mặt trong cuộc đời vào năm 1927, những năm cuối cùng của kiếp nô lệ mất nước, nhà báo Bùi Tín, nhạc sĩ Tô Hải lại rời bỏ cuộc đời cùng một ngày thứ Bảy 11.8.2018, những ngày tháng cuối cùng của kiếp nô lệ cộng sản. Cả cuộc đời hơn chín mươi năm, hai tâm hồn đẹp, hai nhân cách lớn chưa có được một ngày trút bỏ nỗi niềm đau đáu về vận mệnh đất nước, chưa có một ngày thôi canh cánh về thân phận người dân. Nhưng nỗi niềm của hai trí thức sáng, của hai nhân cách đẹp đã thức tỉnh hàng triệu người dân Việt Nam, đã thức tỉnh thế hệ trẻ Việt Nam. Hàng triệu người đã có mặt trong hàng ngũ đấu tranh loại bỏ thảm họa cộng sản tăm tối, đưa dân tộc Việt Nam hòa nhập với loài người văn minh, hòa nhập với thời đại sáng lạn của kỷ nguyên văn minh tin học. Tên tuổi Bùi Tín, Tô Hải cùng những tên tuổi Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần… sẽ được khắc ghi vào trang sử vượt qua đêm tối nô lệ đi tới ánh sáng độc lập tự do của giống nòi Việt Nam.
mage may contain: 1 person, hat, selfie and close-up
Nhạc sĩ Tô Hải thời trẻ
P.Đ.T.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét