Thứ Tư, 1 tháng 8, 2018

20180801. QUANH CHUYỆN GIÁO DỤC 'SONG BẰNG' Ở THỦ ĐÔ

ĐIỂM BÁO MẠNG
HÀ NỘI ĐANG LẤY CHỖ HỌC CỦA CON EM NHÂN LAO ĐỘNG ĐỂ LÀM DỊCH VỤ

VŨ THÁI/GDVN 31-7-2018

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại, ảnh: hanoi.edu.vn.
Ngày 15/8/2013 Báo Giáo dục và Thời đại có bài viết "Đề án 35 trường chất lượng cao ở Hà Nội: Học phí ta, chất lượng tây", trong đó cho biết, đã có không ít ý kiến bất bình về đề án này:
"Hà Nội xây dựng một số trường công dành cho con em các gia đình giàu có”.
Giải thích lạ lùng của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khi đó được Báo Giáo dục và Thời đại dẫn lời cho rằng, chính dư luận mới không hiểu. Ông Đại nói:
"Chủ trương xây dựng các trường chất lượng cao theo quy định của Luật Thủ đô là hoàn toàn đúng đắn. 
Tuy nhiên, việc phát triển trường chất lượng cao (Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất ban đầu theo tiêu chí trường chất lượng cao chuẩn quốc tế, chi phí cho các hoạt động giáo dục của trường chất lượng cao do người học đóng góp, học sinh vào học hoàn toàn tự nguyện) vẫn còn là điều quá mới mẻ;
Do đó trong xã hội nhiều người chưa hiểu vì vẫn cho rằng các trường công lập thì phải giống nhau về mức học phí (trong khi yêu cầu về trường chất lượng cao đều hướng tới chuẩn quốc tế, chương trình tiên tiến nhưng do chính thầy cô Việt Nam làm). 
...Hơn nữa, khi một lượng lớn học sinh Thủ đô có điều kiện học ở các trường chất lượng cao sẽ giảm tải các trường công lập, nhân dân có nhiều lựa chọn và có nhiều chỗ học cho các em đúng tuyến trong những trường chuẩn quốc gia. 
Ngân sách Nhà nước sẽ tập trung vào các trường công lập nhiều hơn ở những năm sau.
Bởi lẽ, sau ba năm đầu, Nhà nước sẽ không cấp kinh phí thường xuyên cho trường chất lượng cao, nguồn kinh phí đó sẽ dồn về các trường công và sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy chất lượng giáo dục đồng bộ phát triển." [1]
Luật Thủ đô chủ trương xây dựng một số trường phổ thông chất lượng cao là hoàn toàn đúng đắn, nhưng Luật Thủ đô không quy định phải phát triển cơ sở giáo dục chất lượng cao từ các trường công lập.

Trong khi đó, bản chất của nhà trường công lập là cung cấp dịch vụ giáo dục cơ bản, phổ cập, miễn phí hoặc chi phí rẻ, để con em nhân dân được hưởng đầy đủ phúc lợi xã hội trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
Muốn tăng đầu tư cho các trường công lập trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, biên chế phình to như hiện nay, thiết nghĩ không có cách nào khác ngoài việc phát triển hệ thống giáo dục tư thục để cáng bớt gánh nặng cho trường công lập.
Ví dụ, thay vì nhà nước phải bỏ ra 100 đồng để lo cho 100 em, chỉ cần có chính sách phát triển giáo dục tư thục, khi trường tư lo cho 30 em con nhà khá giả, trung lưu trở lên, 100 đồng ngân sách sẽ được sử dụng trang trải việc học cho 70 học sinh con em nhân dân lao động.
Bộ máy biên chế giáo viên và quản lý giáo dục hưởng lương từ ngân sách cũng nhờ đó mà giảm xuống, chất lượng giáo dục được nâng cao bởi cạnh tranh giữa các cơ sở.
Những vấn nạn "mãn tính" của giáo dục công lập như lạm thu, chạy trường, chạy biên chế...cũng nhờ đó mà giảm xuống.
Như vậy, giáo dục vừa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của xã hội, vừa đỡ gánh nặng ngân sách và giảm biên chế bộ máy. 
Mặt khác, trường chất lượng cao là cơ sở giáo dục đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, chứ không phải nhà nước cứ rót thật nhiều ngân sách, ưu đãi đủ thứ để có cơ sở vật chất hoành tráng, hút hết giáo viên giỏi của các trường khác thì được gọi là "chất lượng cao".
Đó là còn chưa kể đến chính sách tuyển sinh của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang "lùa" học sinh giỏi vào các trường này bằng chiến dịch tuyên truyền, quảng bá cho song bằng, chất lượng cao...
Muốn trở thành trường chất lượng cao, cơ sở giáo dục phải tự khẳng định mình bằng chất lượng, hiệu quả giáo dục và khi đạt một ngưỡng nào đó thì được tăng mức đầu tư, chứ không phải rót tiền ngân sách trước, chất lượng cao có sau như cách tư duy, cách làm hiện nay.
Cách làm hiện nay của Hà Nội là dùng ngân sách lẫn ưu đãi chính sách (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và công cụ tuyển sinh) để "thổi" một số cơ sở giáo dục thành trường chất lượng cao, chứ không phải các trường này tự thân vận động, phấn đấu để được cha mẹ học sinh công nhận.
Vô hình trung, cách làm này đang làm tăng tình trạng quá tải sĩ số ở các trường công lập, chứ không có chuyện giảm như lập luận của ông Phạm Văn Đại.
Những cuộc chạy đua mỗi mùa tuyển sinh, những lò học thêm sáng đèn tối ngày, những cuộc chạy trường, chạy lớp lại âm thầm diễn ra.
Hơn nữa, dường như lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã cố tình lờ đi một trong những nguyên tắc quan trọng để phát triển trường chất lượng cao;
Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 24/6/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ghi rất rõ: Chỉ phát triển trường chất lượng cao ở những khu vực đã có đủ chỗ học cho các đối tượng phổ cập.
Xin lưu ý, đủ chỗ học trong văn bản này cần phải được hiểu theo quy chuẩn sĩ số mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành trong điều lệ trường phổ thông, chứ không phải "chuẩn" Hà Nội, có lớp lên đến 60, 65 học sinh như hiện nay.
Nếu theo tiêu chí này, thì hầu hết các quận của Hà Nội khó có thể đáp ứng và nhiệm vụ trước mắt của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là phải tham mưu cho lãnh đạo thành phố lo đủ chỗ học cho con em nhân dân, chứ không phải làm dịch vụ.
"Thí điểm" song bằng gây bất công xã hội, phân chia giai cấp ngay trong lòng trường công là phản giáo dục, phản nhân văn
Ngay như trường Trung học cơ sở Chu Văn An tham gia thí điểm "song bằng", tuyển sinh 2 lớp, mỗi lớp 25 học sinh, thì sĩ số bình quân năm học 2018-2019 là 51 học sinh. [2]
2 lớp "song bằng" này đã chiếm mất chỗ học của không ít con em nhân dân phường Thụy Khuê.
6 trường trung học cơ sở công lập thí điểm "song bằng" còn lại cũng vậy, bởi sĩ số bình quân ở các trường này đều đang vượt ngưỡng quy định.
Nhưng điều quan trọng hơn là mô hình "thí điểm" song bằng lại đang gây ra những bất công, phân chia giai cấp ngay trong lòng cơ sở giáo dục công lập, khi một bộ phận nhỏ "con nhà giàu" được hưởng mọi chế độ ưu ái hơn hẳn các lớp khác.
Ví dụ như trường Trung học cơ sở Chu Văn An, để phục vụ 2 lớp song bằng, ông Lê Hồng Vũ - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ, cho biết:
"Chúng tôi đã có kế hoạch về kinh phí và đã được phê duyệt với tổng dự án khoảng 218 tỷ đồng và trang thiết bị cũng phải 20-30 tỷ đồng, bảo đảm chuẩn quốc tế."
Ông Lê Đức Thuận – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm cho hay:
"Trong năm học này, quận Hoàn Kiếm đăng ký hai trường là Trưng vương và Ngô Sỹ Liên tham gia song bằng với hai lớp/mỗi trường.
Đây là hai trường có chất lượng đào tạo cao trong thời gian gần đây. Tất cả các môn đã đầu tư toàn bộ giáo viên tốt nhất của hai nhà trường.
...Với sự vào cuộc của quận và nhà trường, chúng tôi sẽ có sự chuẩn bị đáp ứng tốt nhất cho chương trình đào tạo song bằng."
Bà Bùi Thị Minh Nga - Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định:
"Đề án này được Ủy ban nhân dân Thành phố đã duyệt và đã yêu cầu các quận đầu tư ở mức cao nhất cho nhà trường...tôi đều có chỉ đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo đầu tư những giáo viên có chất lượng tốt nhất." [3]
Giữa ngôi trường trung học cơ sở công lập khoảng 30 lớp học, lọt thỏm 2 lớp "con nhà giàu" với mọi ưu đãi khác biệt rõ ràng về cơ sở vật chất, phòng ốc thí nghiệm, đội ngũ giáo viên..., các em học sinh những lớp còn lại sẽ nghĩ gì?
Không có các lớp "thí điểm song bằng" này, các em vẫn có cơ hội "hội nhập quốc tế", du học cơ mà? Tại sao không dùng tiền ngân sách "thí điểm song bằng" để làm học bổng cho các em học sinh giỏi tự chứng minh được năng lực của mình?
Đó là chưa kể đến dịch vụ mà cha mẹ các em lớp "song bằng" phải bỏ ra cả trăm triệu đồng chi trả chưa có gì đảm bảo chất lượng tương xứng như Sở đang quảng cáo, trong khi mọi rủi ro đã được quàng sẵn vào cổ học sinh và cha mẹ các em bởi 2 chữ "thí điểm" và "tự nguyện".
5, 6 năm nữa mới kết thúc đợt "thí điểm" song bằng này, chắc chắn cha mẹ học sinh lớp song bằng sẽ phải bỏ ra cả trăm triệu đồng hoặc hơn nữa, con em nhân dân lao động mất chỗ học, phân chia giai cấp do chính sách ngay trong trường công lập là thực tế hiện tiền;
Còn "song bằng" có thực hay không, và có giá trị gì không, có đáng đồng tiền bát gạo không, vẫn còn nằm ở thì tương lai.
Chỉ có Cambridge là thu được lợi nhuận chắc chắn từ phí bản quyền chương trình và bán dịch vụ khảo thí.
90% số tiền cha mẹ học sinh các lớp song bằng (bình quân 250 triệu đồng / 2 lớp song bằng / tháng) được một công ty tư nhân đứng ra tổ chức chia nhau thế nào, thì chỉ những người được hưởng mới biết.
Khoản tiền này dường như hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nước và cha mẹ học sinh.
Nguồn:
[1]http://giaoducthoidai.vn/tieu-diem/de-an-35-truong-chat-luong-cao-o-ha-noi-hoc-phi-ta-chat-luong-tay-5666-u.html
[2]http://c2chuvanan.edu.vn/tin-tuc-thong-bao/tin-tuc-cua-nha-truong/cong-khai-thong-tin-chat-luong-giao-duc-co-so-vat-chat-doi-n.html
[3]http://www.nhandan.org.vn/antuong/item/36962102-giao-luu-truc-tuyen-%E2%80%9Choc-song-bang-tu-lop-6-ban-khoan-va-ky-vong%E2%80%9D.html
Vũ Thái
TIN BÀI LIÊN QUAN:
NGUY CƠ THAM NHŨNG CHÍNH SÁCH TRONG GIÁO THỦ ĐÔ TỪ THÍ ĐIỂM  SONG BẰNG

VŨ THÁI/ GDVN 1-8-2018

Tiến sĩ Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, ảnh chụp màn hình.
Trong bài viết trước, "Hà Nội đang lấy chỗ học của con em nhân dân lao động để làm dịch vụ?", chúng tôi đã phân tích tư duy rất lạ của lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô:
Đổ ngân sách phát triển hàng loạt trường công lập chất lượng cao, dịch vụ song bằng học phí cao để...giảm tải các trường công lập.
Đồng thời chúng tôi cũng nêu ra vấn đề tính phản giáo dục, phản nhân văn khi tạo ra bất công xã hội, phân chia giai cấp ngay trong môi trường giáo dục công lập có sứ mệnh phổ cập giáo dục, khi triển khai các lớp thí điểm song bằng.
Bài viết này xin tiếp tục phân tích nguy cơ tham nhũng chính sách từ việc vội vã triển khai thí điểm và nhân rộng mô hình "song bằng" này, bất chấp cảnh báo rủi ro và hậu quả.
Tại sao những đề án thí điểm trái với quy định của Chính phủ, bất khả thi về mặt chuyên môn và gây phân chia giai cấp - khoảng cách giàu nghèo ngay trong một nhà trường công lập như vậy, lại được thúc đẩy và nhân rộng vội vã?
Tại sao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các trường công lập tham gia thí điểm lại giấu nhẹm đề án thí điểm song bằng, cũng như né tránh báo chí và câu hỏi của cha mẹ học sinh về việc công khai các đề án này?
Những thông tin ít hỏi về đề án thí điểm song bằng chủ yếu do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quảng bá trên truyền thông.
Đối chiếu với bài học kinh nghiệm từ việc dừng thí điểm chương trình Cambridge năm 2014, chúng tôi xin phân tích một số nguy cơ về tham nhũng chính sách, ngõ hầu có thể giúp ích thày Chử Xuân Dũng trong việc cân nhắc có nên mạo hiểm tiếp tục thí điểm song bằng hay không.
Nguy cơ thứ nhất là lấy tiền dân để nuôi doanh nghiệp và nhóm lợi ích.
Đối tác liên kết thực hiện giảng dạy chương trình song bằng (thực tế là chỉ giảng dạy chương trình của Cambridge) tại trường Trung học cơ sở Cầu Giấy và Trung học cơ sở Nghĩa Tân là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và Định hướng Giáo dục Việt Nam (VEC) do một người nước ngoài thành lập năm 2017;
Đối tác liên kết trực tiếp triển khai, giảng dạy chương trình Cambridge tại trường Trung học cơ sở Thanh Xuân là Công ty Cổ phần Sinh ngữ EPC thành lập năm 2016.
Doanh nghiệp được chỉ định cung cấp dịch vụ giảng dạy chương trình Cambridge, tuyển dụng giáo viên nước ngoài, tham gia xây dựng dự thảo đề án, chương trình, hoàn thiện hồ sơ đăng ký thành trường quốc tế Cambridge, thậm chí cả việc hoàn thiện cơ sở vật chất bảo đảm.
Câu hỏi đầu tiên đặt ra là, các doanh nghiệp này được phê duyệt làm đơn vị tư vấn đào tạo chương trình song ngữ, song bằng cho các trường thí điểm, là thông qua đấu thầu hay chỉ định thầu?
Vấn đề thứ 2, với khối lượng công việc mà doanh nghiệp đảm nhiệm như trên thì thực tế chính doanh nghiệp mới là đơn vị triển khai thí điểm "song bằng" chứ không phải nhà trường. 
Nhà trường công lập thí điểm song bằng phải chăng chỉ "lót ổ" cho doanh nghiệp làm dịch vụ và thu phí khá cao từ người học, mà không mất tiền đầu tư cơ sở vật chất, trả lương giáo viên, xin cấp phép...?
Vấn đề thứ 3 và quan trọng nhất là thu chi tài chính, 90% học phí chương trình Cambridge của các lớp thí điểm song bằng trả trực tiếp cho các doanh nghiệp, họ trả cho Cambridge bao nhiêu, trả lương giáo viên bao nhiêu không ai hay biết.
Nếu mỗi trường chỉ tuyển 2 lớp 50 học sinh, thì số tiền doanh nghiệp thu được đã lên tới 50 x 5,6 x 0,9 = 252 triệu đồng / tháng.
Cá biệt có trường trung học cơ sở tham gia thí điểm còn xin tuyển thêm cả 2 lớp 7 song bằng, thì số tiền doanh nghiệp thu được lên tới 504 triệu đồng / tháng.
Tiến sĩ Chử Xuân Dũng không thể không biết chuyện này, và thầy có duyệt đề xuất tuyển thêm 2 lớp 7 song bằng này không? Có bao nhiêu trường xin tuyển thêm lớp 7? 
Chỉ khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công khai các đề án thí điểm song bằng của Sở và các trường, mới có câu trả lời.
Theo cách làm hiện nay, số tiền này gần như nằm ngoài sự quản lý của nhà nước, chỉ có 10% cắt lại cho nhà trường làm phí quản lý (28 triệu đồng / tháng / 50 học sinh song bằng).
Nhà nước quản lý và thu thuế như thế nào đối với các khoản tiền này, cũng cần một câu trả lời rõ ràng từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Ảnh minh họa: Minh Quyết / TTXVN.
Vấn đề thứ 4 là nếu một ngày đẹp trời, các doanh nghiệp tư nhân này biến mất, thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước các em học sinh và cha mẹ đã trót "tự nguyện" bỏ cả trăm triệu đồng cho con "thí điểm"?
Nên nhớ rằng, chính các doanh nghiệp này mới làm việc trực tiếp với Cambridge để triển khai chương trình Cambridge, chứ không phải các nhà trường.
Các doanh nghiệp có phải sân sau của quan chức nào đó? Nếu không, thì tại sao họ lại được lựa chọn mà không phải đấu thầu công khai?
Khi cơm không lành, canh không ngọt, chuyện đổ vỡ hoàn toàn có thể xảy ra, bài học nhãn tiền là vụ EMG Education bị Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge ngừng cung cấp dịch vụ năm 2014, chỉ học sinh và cha mẹ thí điểm là lãnh đủ.
Nguy cơ thứ 2 là lãng phí và thất thoát ngân sách phục vụ "song bằng"
Ngày 30/5, bà Lê Mai Anh, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Chu Văn An, đơn vị đầu tiên tại Hà Nội thí điểm song bằng, được Báo Quân đội Nhân dân dẫn lời, cho biết:
Khó khăn nhất của thầy và trò nhà trường khi tham gia chương trình song bằng là hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng theo quy định của Cambridge. 
Đó là phòng học chức năng, phòng thực hành, phòng thí nghiệm.
Chương trình Cambridge với các môn khoa học đòi hỏi học đi đôi với hành, với những yêu cầu về thực nghiệm và trải nghiệm; trong đó 40% số điểm thi là thực hành và các bài báo cáo về những thực hành đó.
Hiện trường đã có phòng Vật lý theo chuẩn quốc tế, còn phòng Hóa học đến giờ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, không biết có kịp đến 15-7 hay 30-7 này để học sinh có phòng thực hành thí nghiệm hay không.
Trường Trung học phổ thông Chu Văn An còn thiếu một phòng đặc thù của chương trình Cambridge, đó là phòng quản lý đề thi, lưu giữ đề thi. 
“Tất cả những điều đó chỉ có thể có được khi trường được xây nhà mới theo chuẩn quốc tế. 
Thiếu nó thì dù thầy trò và nhà trường có nỗ lực bao nhiêu cũng không thể vượt qua giai đoạn 3 của Cambridge, cũng như cơ sở để trở thành thành viên của Cambridge;
Từ đó có tài khoản đăng nhập vào hệ thống Cambridge khai thác tài nguyên cho việc dạy và học của thầy trò nhà trường. Đấy là điều tôi trăn trở nhất”, bà Lê Mai Anh chia sẻ. [1]
Trong buổi giao lưu trực tuyến Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng trên Báo Nhân dân điện tử ngày 10/7, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo quận Tây Hồ cho biết:
Để phục vụ thí điểm song bằng tại trường Trung học cơ sở Chu Văn An, quận Tây Hồ đã lên kế hoạch kinh phí xây dựng mới và đã được phê duyệt, với tổng dự án là 218 tỷ đồng, trang thiết bị khoảng 20-30 tỷ đồng, bảo đảm chuẩn quốc tế. [2]
Cũng tại buổi giao lưu này, bà Bùi Thị Minh Nga cho hay:
Đề án thí điểm song bằng này đã được Ủy ban nhân dân Thành phố duyệt và đã yêu cầu các quận đầu tư ở mức cao nhất cho nhà trường.
Như vậy có thể thấy, riêng phòng ốc thí nghiệm và các trang thiết bị phục vụ thí điểm song bằng của mỗi trường đã "ngốn" của ngân sách 20 đến 30 tỷ đồng mỗi trường, trong khi chưa có gì bảo đảm thí điểm sẽ thành công.
Và nói như bà Lê Mai Anh, nếu không đầu tư đầy đủ phòng ốc thí nghiệm, trang thiết bị theo yêu cầu của Cambridge (từ ngân sách nhà nước), thì trường bà khó vượt qua được giai đoạn 3 (trong 4 giai đoạn đăng ký thành trường quốc tế Cambridge)?
Nói cách khác, nếu không đầu tư nốt cơ sở vật chất theo yêu cầu của nhà trường, và của Cambridge, thì có thể đề án thí điểm tại trường Trung học phổ thông Chu Văn An sẽ "đổ bể".
Nhưng cũng xin đặt câu hỏi ngược lại, nếu đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất theo yêu cầu của nhà trường, thì cam kết công khai của Trường Trung học phổ thông Chu Văn An với chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội là gì?
Nếu gặp trục trặc giữa chừng như vụ tạm dừng Chương trình Cambridge năm 2014, thì ai sẽ bảo vệ quyền lợi của học sinh? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về sự lãng phí ngân sách, cơ sở vật chất? Những thiết bị này phải chăng sẽ đắp chiếu?
Bởi lẽ chúng được thiết kế để phục vụ cho chương trình nước ngoài, khác rất nhiều với chương trình giáo dục trong nước hiện nay.
Và thực tế, chuyện lãng phí cả trăm tỷ, ngàn tỷ đồng trong các dự án, đề án về thiết bị dạy học ở Việt Nam không phải chuyện hiếm, chứ đừng nói chưa từng xảy ra. [3] [4]
Với sự không chắc chắn về chuyên môn và hiệu quả, cũng như nguy cơ tham nhũng chính sách, lãng phí ngân sách, lãng phí tuổi thanh xuân và cơ hội của học trò Thủ đô lớn như vậy, không hiểu sao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lại ồ ạt mở rộng thí điểm song bằng chỉ sau 1 năm?
Phải chăng vì thời gian thí điểm 1 đề án, 1 chương trình chỉ khoảng 5-6 năm, bằng hoặc hơn 1 nhiệm kỳ một chút, có vấn đề gì thì đã có "nhiệm kỳ sau" giải quyết?
Với trách nhiệm người đứng đầu ngành giáo dục Thủ đô, Tiến sĩ Chử Xuân Dũng sẽ giải thích những băn khoăn này như thế nào trước nam phụ lão ấu đất Tràng An, giải thích thế nào trước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố?
Thực tình, chúng tôi mong rằng những lo ngại của mình là sai.
Nhưng một chương trình thí điểm có quá nhiều vấn đề, câu hỏi đặt ra mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng như các trường thí điểm lại giấu biệt đề án, chúng tôi không thể không đặt những câu hỏi đi thẳng vào vấn đề, rất mong lãnh đạo Thủ đô, lãnh đạo Sở Giáo dục Hà Nội sớm có câu trả lời để dư luận được rõ.
Nguồn:
[1]http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/bai-3-con-nhieu-thu-chua-chuan-539988
[2]http://www.nhandan.org.vn/antuong/item/36962102-giao-luu-truc-tuyen-%E2%80%9Choc-song-bang-tu-lop-6-ban-khoan-va-ky-vong%E2%80%9D.html
[3]http://www.nhandan.org.vn/cuoituan/goc-nhin-kinh-te/item/23020202-lang-phi-chua-co-hoi-ket.html
[4]http://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Thuc-trang-Thiet-bi-day-hoc-Chuyen-trong-phong-thi-nghiem-10797/
Vũ Thái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét