Thứ Ba, 19 tháng 7, 2022

20220720. VỤ TƯỚNG TÁ BIÊN PHÒNG BẢO KÊ BUÔN LẬU XĂNG DẦU

 ĐIỂM BÁO MẠNG


TRÙM BUÔN LẬU TIẾP CẬN BẰNG RẤT NHIỀU TIỀN, CỰU TƯỚNG

 QUÂN ĐỘI...GỤC NGÃ

T. NHUNG/VNN 13-7-2022

Vì động cơ vụ lợi, cựu tướng quân đội đã nhận của “trùm” buôn lậu Phan Thanh Hữu tiền tỷ để tạo điều kiện giúp đỡ, bảo kê cho hoạt động vận chuyển, buôn lậu xăng trên biển.

Ngày 12/7, tại Tòa án quân sự Thủ đô diễn ra phiên tòa xét xử các cựu sỹ quan quân đội nhận hối lộ của trùm buôn lậu xăng Phan Thanh Hữu.

Theo cáo buộc, Phan Thanh Hữu và ông Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 4) quen biết nhau từ trước, đến năm 2017, Hữu đến gặp ông Minh để liên hệ thuê bồn chứa dầu của Vùng Cảnh sát biển 4 tại Phú Quốc, Kiên Giang, nhưng không thuê được.

Từ đó, trùm buôn lậu xăng và cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 4 thỉnh thoảng liên lạc hỏi thăm nhau.

Tận dụng mối quan hệ với ông Minh, Hữu nhờ cựu Thiếu tướng giúp bảo kê việc buôn lậu xăng và không quên cám ơn bằng tiền.

Các bị cáo tại tòa

Trả lời thẩm vấn tại tòa, ông Minh khai nhiều lần nhận tiền từ Hữu, con số chính xác bị cáo không nhớ, nhưng bị cáo chấp nhận con số trong cáo trạng. 

Cáo buộc cho rằng, vì động cơ vụ lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, ông Minh đã trực tiếp và thông qua vợ, con nhận của “trùm” buôn lậu Phan Thanh Hữu 6,9 tỷ đồng để tạo điều kiện giúp đỡ, bảo kê cho hoạt động vận chuyển, buôn lậu xăng của Hữu trên biển và từ biển vào nội địa không bị bắt giữ, xử lý.

Theo lời khai của ông Minh, thỉnh thoảng bị cáo vào Sài Gòn, Hữu đến gặp và cho quà. “Bị cáo quen biết ông Hữu, thấy ông ý là người hiền lành tử tế...”, lời khai của bị cáo Minh.

Tại tòa, vợ ông Minh là bà Trần Thị Liên, người đã nhận tiền từ Hữu trình bày: "Chuyện xảy ra thật sự đau đớn, tôi xin thành thật xin lỗi".

Cáo trạng cho rằng, bị cáo Phùng Danh Thoại (cựu Đại tá, Trưởng phòng Xăng dầu, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) thông qua công việc đã quen biết và góp 5 tỷ đồng tiền vốn để cùng Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn, Phạm Hùng Cường và Trọng “dầu” tổ chức buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng RON 95-III, có giá trị hơn 2.794 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định, thông qua hoạt động buôn lậu, ông Thoại đã thu lợi hơn 22 tỷ đồng.

Tại tòa, ông Thoại khai, khi góp vốn, thời gian đầu bị cáo không biết đấy là buôn lậu xăng, nghĩ đơn giản đó là góp vốn kinh doanh. Sau đó, bị cáo mới lờ mờ nhận biết hoạt động buôn lậu.

Theo lời khai của ông Thoại, thời điểm đó bị cáo chuẩn bị nghỉ hưu, số tiền thu được từ việc góp vốn làm ăn với Hữu giúp bị cáo có được thu nhập lớn so với lương hưu. Và để có tiền góp vốn với “trùm” buôn lậu xăng Phan Thanh Hữu, bị cáo thậm chí đã phải bán nhà để gom tiền.

Đổi lại, sau khi góp vốn, bị cáo được chia lợi nhuận ít nhất là 250 triệu đồng/tháng, nhiều nhất là hơn 3 tỷ đồng/tháng.

“Tổng cộng bị cáo thu lợi nhuận được 22,3 tỷ đồng... Tiền được nhận lúc ở quán cà phê, khi thì ở công ty của Hữu, toàn nhận tiền mặt hết”, ông Thoại khai.

Vợ chồng cựu tướng quân đội nhận hối lộ

Trong vụ án này, vợ chồng ông Lê Xuân Thanh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3), bà Phan Thị Xuân (SN 1964, vợ bị cáo Thanh) cùng bị truy tố về tội "Nhận hối lộ".

Các bị cáo tại tòa

Theo cáo buộc, sau khi được Phan Thanh Hữu nhờ giúp đỡ, ông Thanh biết Hữu có các tàu Nhật Minh vận chuyển xăng qua các vùng biển mà bị cáo có nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn và thực thi pháp luật.

Nhưng vì động cơ vụ lợi, bị cáo đã giúp đỡ Hữu và để vợ nhận của “trùm” buôn lậu xăng 1,8 tỷ đồng.

Đổi lại ông Thanh tạo điều kiện cho Hữu thực hiện việc vận chuyển xăng lậu trên biển trong thời gian dài, tần suất nhiều chuyến/tháng không bị bắt giữ, xử lý. 

Tại tòa, ông Thanh khai, việc Hữu đưa tiền cho vợ, bị cáo không được Hữu cho biết. Bị cáo và Hữu chỉ có 1 lần gặp nhau duy nhất vào tháng 2/2021, khi Hữu đến nhà, ngoài ra không có mối liên hệ nào.

“Khoản tiền Hữu đưa cho vợ bị cáo, theo cá nhân bị cáo đó là tiền hối lộ”, ông Thanh khai.

Về phần mình, bà Xuân biết rõ chức vụ, vị trí công tác của chồng, được “trùm” buôn lậu Phan Thanh Hữu chỉ đạo Lê Hoàng Anh đưa tiền cho hàng tháng là nhằm hối lộ cho chồng.

Dù vậy, trong thời gian từ tháng 3/2020- 1/2021, bà đã 11 lần nhận của Phan Thanh Hữu 1,8 tỷ đồng.

Tại tòa, bà Xuân khai, Phan Thanh Hữu từng đến nhà bà, xin số điện thoại của bà. Bị cáo cũng thừa nhận việc đã nhận từ Hữu 1,8 tỷ đồng. Một lần, bà đã thông báo cho chồng biết việc này, nhưng ông Thanh không nói gì.

T.Nhung


CỰU ĐẠI TÁ QUÂN ĐỘI KÊU OAN, 'TRÙM' BUÔN LẬU KHAI CHUYỆN ĐƯA 

HỐI LỘ, BỊ DỌA

T.NGA/ VNN 13-7-2022

Sáng nay (13/7), phiên tòa xét xử loạt cựu sĩ quan quân đội nhận hối lộ của “trùm” buôn lậu xăng Phan Thanh Hữu tiếp tục với phần thẩm vấn.

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang) bị truy tố tội "Nhận hối lộ" và "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép".

Theo cáo buộc, khoảng tháng 9/2019, sau khi cấu kết với một số đối tượng vận chuyển xăng lậu sang Campuchia bán kiếm lời, Hữu đặt vấn đề buôn lậu xăng, nhờ ông Thế Anh giúp đỡ và đã nhận được cái gật đầu.

Thời điểm đó, ông Nguyễn Thế Anh đang là Phó Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, biệt phái sang giữ chức vụ Phó Chánh Văn Phòng, thuộc Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia. 


Phiên tòa xét xử loạt cựu sĩ quan quân đội nhận hối lộ của "trùm" buôn lậu xăng

Theo thỏa thuận, mỗi tháng Hữu sẽ chi cho ông Thế Anh 30.000 USD và 100 triệu đồng. Đến đầu năm 2020, Hữu tiếp tục đặt vấn đề về việc vận chuyển xăng nhập lậu để tiêu thụ ở trong nước và nhờ ông Thế Anh giúp đỡ. 

Nhận lời đồng ý, đồng thời, ông Thế Anh yêu cầu Hữu chi tiền cho cấp trên và một số lực lượng khác nữa. Con số đưa ra là mỗi tháng 60.000 USD và 950 triệu đồng.

Từ tháng 3- 8/2020, mỗi tháng Nguyễn Văn An (em họ của ông Thế Anh) trực tiếp nhận của Phan Thanh Hữu chi cho ông Thế Anh 60.000 USD và 950 triệu đồng.

Đến tháng 9/2020, An gọi điện cho Hữu để nhận tiền thì “trùm” buôn lậu nói, ông Thế Anh đã chuyển công tác nên không muốn chi tiền cho ông Nguyễn Thế Anh nữa. Bị cáo An điện thoại cho ông Thế Anh để anh họ làm việc lại với Hữu. Sau đó từ tháng 9/2020- 1/2021, mỗi tháng An nhận từ Hữu hộ ông Thế Anh 10.000 USD.

Cáo buộc cho rằng, từ 10/2019- 1/2021, An đã 16 lần nhận 560 ngàn USD và 6,2 tỷ đồng của Hữu mang về cho ông Thế Anh. Số tiền nhận được từ Hữu, An mang về cất vào két sắt hoặc gửi tiết kiệm. 

Khi ông Thế Anh về TP.HCM, An trực tiếp đưa tiền cho ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất hoặc ở ngoài đường. Những lần ông Thế Anh cần tiền Việt Nam đồng, An mang USD đổi ra tiền Việt, có lần An đưa cả USD và tiền Việt Nam đồng đã nhận của Hữu cho ông Thế Anh. 

Toàn bộ số tiền nhận của Phan Thanh Hữu, bị cáo An đã đưa hết cho anh họ. Ông Thế Anh chỉ vài lần cho tiền An để mua sữa cho con An.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, với vai trò là người làm chứng, Phan Thanh Hữu khai, từ khi biết ông Thế Anh chuyển công tác, Hữu cắt bớt tiền hối lộ hàng tháng từ 60 ngàn USD, xuống còn 10.000 USD.

Lý giải cho việc cắt giảm tiền, Hữu cho rằng, vì sau khi chuyển công tác, ông Thế Anh không dính dáng đến việc buôn lậu của Hữu.

Vẫn theo lời khai của “trùm” buôn lậu, sau đó ông ta nhận được điện thoại có ý đe dọa của ông Thế Anh. Qua điện thoại ông Thế Anh nói với Hữu: “Ông muốn gì?” Đây là lý do mà sau khi ông Thế Anh chuyển công tác, Hữu vẫn phải đưa tiền.

“Ông Thế Anh Chuyển công tác rồi, tôi vẫn đưa tiền và tôi cho rằng đó là tiền hối lộ”, lời khai của Hữu.

Một mực kêu oan

Trước những lời khai của “trùm” buôn lậu, bị cáo Thế Anh trình bày: “Tôi hoàn toàn bác bỏ lời khai này, tôi có biết gì đâu mà tôi nói. Hoàn toàn không có chuyện tôi nhận một đồng tiền hối lộ nào. Làm gì có chuyện tôi nhận tiền từ An”.

Đối với cáo buộc tổ chức đưa An sang Lào trái phép sau khi Hữu bị bắt, ông Thế Anh khai: “Việc An sang Lào tôi hoàn toàn không biết và không làm gì giúp An mà bảo tôi tổ chức đưa An ra nước ngoài trái phép. Tôi hoàn toàn không biết việc này. An đi đâu, làm gì, tôi không biết”.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thế Anh một mực kêu oan, cho rằng mình bị ép cung và bản tự khai của bị cáo là do điều tra viên đọc cho ghi. “Tôi bị ép buộc, họ viết sẵn cho tôi tâm thư và nội dung bản tự khai”, lời khai của bị cáo.

Trước lời khai này của ông Thế Anh, HĐXX cho rằng, bị cáo khai mà không có chứng cứ, HĐXX không có căn cứ để xem xét.

Vẫn theo lời khai của ông Thế Anh, sau khi được biệt phái sang giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng, thuộc Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, với chức năng nhiệm vụ của mình, bị cáo chỉ theo dõi, tổng hợp tình hình buôn lậu trên địa bàn được giao.

Theo luật, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 không có chức năng, không có quyền bắt giữ, xử lý, xử phạt, điều tra, truy tố về buôn lậu.

LỜI KHAI RẢI TIỀN CHO VIP VỤ CỰU SĨ QUAN NHẬN HỐI LỘ, BẢO KÊ CHO 

'ÔNG TRÙM'

T.NHUNG/VNN 12-7-2022

Chiều nay (12/7), phiên tòa xét xử vụ các cựu sỹ quan quân đội nhận hối lộ để bảo kê cho “trùm” buôn lậu xăng tiếp tục với phần thẩm vấn.

Theo cáo buộc, tháng 9/2019, Phan Thanh Hữu (SN 1957, ở TP HCM) thực hiện hành vi buôn lậu xăng và tiêu thụ tại Campuchia. Quá trình vận chuyển xăng lậu phải đi qua địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh, do cựu Thượng tá Nguyễn Văn Hùng khi đó làm Đồn trưởng.

Vì vậy, Hữu đã liên lạc và đến Trà Vinh gặp ông Hùng nhờ giúp đỡ. “Trùm” buôn lậu xăng Phan Thanh Hữu nói với ông Hùng việc bản thân có các tàu mang tên Nhật Minh vận chuyển xăng dầu qua địa bàn ông Hùng quản lý.

Hữu nhờ ông Hùng tạo điều kiện để quá trình vận chuyển không bị kiểm tra bắt giữ. 


Các bị cáo tại tòa

“Trùm” buôn lậu xăng thỏa thuận mỗi tháng sẽ chi cho ông Hùng 500 triệu đồng. “Bùi tai”, ông Hùng gật đầu đồng ý và cho Hữu số tài khoản để chuyển tiền.

Đến tháng 1/2020, Hữu và Nguyễn Hữu Tứ có ý định hợp tác cùng nhau để vận chuyển xăng lậu từ nước ngoài về cho Tứ tiêu thụ tại Trà Vinh. Lúc này Hữu gặp ông Hùng để bàn bạc, thống nhất các nội dung. 

Hữu nói rõ cho ông Hùng biết cụ thể việc sẽ chuyển xăng từ nước ngoài về tiêu thụ nội địa và nhờ ông Hùng kết nối với các VIP để được bảo kê cho hoạt động buôn lậu.

Lời khai nhận hối lộ

Tại tòa Hữu khai, số tiền 500 triệu đồng mà anh ta chuyển cho ông Hùng hàng tháng là để ông Hùng tùy ý hối lộ các VIP.

Còn theo lời khai của ông Hùng, sau khi nhận tiền từ Hữu, bị cáo đã chi tiền hối lộ cho Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh Phạm Văn Trên 100 triệu đồng/tháng; chuyển cho bị cáo Phạm Hồ Hải (Trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải Trà Vinh) và bị cáo Lê Văn Phương (Phó Trưởng phòng SCGT Công an tỉnh Trà Vinh, phụ trách giao thông đường thủy) 30 triệu đồng/tháng.

“Mục đích chuyển tiền cho 3 anh kia là hối lộ thay Hữu”, ông Hùng khai.

Vẫn theo lời khai của cựu Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, sau khi “trùm” buôn lậu xăng bị bắt, bị cáo đã rất lo lắng, đi tìm gặp các VIP để thông báo.

Các VIP này và ông Hùng thống nhất, tiền chuyển hàng tháng là để giải quyết chuyện nợ, vay chứ không phải tiền đưa và nhận hối lộ.

Tại tòa, các bị cáo Trên, Phương, Hải thừa nhận việc được ông Hùng chuyển tiền hàng tháng.

“Anh Hùng có điện cho bị cáo nói, anh Hữu hỗ trợ cho anh mỗi tháng 100 triệu đồng để đi học. Bị cáo nói ok, cám ơn. Đến nay, bị cáo đã nộp lại cho CQĐT hơn 1 tỷ đồng”, lời khai bị cáo Phạm Văn Trên.

Cáo trạng xác định ông Hùng đã chi hối lộ giúp Hữu hơn 1,6 tỷ đồng. 

Và trên cương vị Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, ông Hùng đã nhận hối lộ hơn 6,3 tỷ đồng của Phan Thanh Hữu để bỏ qua, không chỉ đạo Đồn Trường Long Hòa kiểm tra, kiểm soát quá trình các tàu Nhật Minh 06, 07, 08, 09 của Hữu chuyển xăng lậu từ biển qua kênh Quan Chánh Bố vào tiêu thụ trong nội địa.

TIN LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét