Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

20220730. NHỮNG CÁI NHÌN ĐA CHIỀU VỀ 'LOA PHƯỜNG'

ĐIỂM BÁO MẠNG


CÁI NHÌN THIỆN CẢM VỀ LOA PHƯỜNG

CÙ VĂN TRUNG/ VNN 29-7-2022

Thay vì những nghi vấn, ngờ vực và định kiến về chính sách thì với cách nhìn tích cực và thiện cảm, chúng ta hoàn toàn có thể đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của những nhà quản lý, nhà lãnh đạo về sự “sống lại” của loa phường.

Người dân Thủ đô quan tâm đến sự trở lại của hệ thống loa phường trong buổi họp công bố gần đây của của Sở Thông Tin và Truyền thông Hà Nội. Sự trở lại của hệ thống loa phường với cách thức hoạt động mới như thời lượng, nội dung, phương pháp...là những hứa hẹn được đưa ra bởi những người lãnh đạo của Sở này.

Có thể thấy, trước đây hệ thống thông tin bằng loa góp không nhỏ trong dòng chảy của dân tộc nói chung và sự phát triển của nhiều địa phương nói riêng. Sự truyền tải những thông tin hữu ích ở giai đoạn đó giúp cho hệ thống phát thanh bằng loa ở cơ sở chiếm vị trí quan trọng trong công tác truyền thông. 


Hệ thống loa phường đã phát huy được tác dụng rất hữu hiệu trong những hoàn cảnh ngặt nghèo như: Chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, trật tự trị an…

Cùng với thời gian và sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, hệ thống loa phát thanh xã, phường, thị trấn ở nhiều nơi dần dần mất đi ưu thế, đặc biệt, là ở các đô thị và nhiều thành phố lớn. Thậm chí với sự phân bố chưa thích hợp và hiện trạng của thời gian để lại một số nơi, một số chỗ hệ thống loa phát thanh này còn gây ra những phiền toái cho nhiều hộ dân gần kề.

Tuy nhiên, như một sự kiểm chứng của thực tiễn khắc nghiệt, vị trí và tầm quan trọng của hệ thống loa cơ sở đã phát huy được tác dụng rất hữu hiệu trong những hoàn cảnh ngặt nghèo như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, trật tự trị an…

Thêm vào đó trước những luồng thông tin chưa rõ ràng như: Tin giả, tin xấu, tin chưa xác thực. Cũng như vào những thời điểm phải giãn cách, cô lập cục bộ giữa người dân với người dân, giữa nơi này với nơi khác thì hệ thống loa ấy có vai trò truyền tải, gắn kết và thông tin một cách rất cơ sở.

Một cựu Chủ tịch thành phố Hà Nội cách đây 5 năm đã cho rằng về hệ thống loa phường đã chấm dứt sứ mệnh lịch sử. Khoảng thời gian từ đó đến nay, nhiều công nghệ hiện đại được áp dụng: Biển bảng, màn chiếu, tivi, đánh giá thái độ, chấm điểm phục vụ…tại các cơ quan và nhiều đơn vị hành chính. 

Tuy nhiên, sự gắn kết, mối liên hệ sâu sắc ở cơ sở vẫn còn nhiều khoảng cách. Với một hiện trạng phát triển của nền tảng công nghệ số đang chuyển đổi như hiện nay ở Việt Nam, ngoài việc tiếp tục ứng dụng những tiến bộ mới của khoa học trong truyển tải thông tin thì hệ thống loa cơ sở tuy mang màu sắc của thời gian, của quá khứ nhưng nó vẫn là công cụ đến được với người dân một cách trực tiếp nhất, gần gũi nhất. 

Đặc biệt, nó vẫn phù hợp với một hạ tầng cơ sở nhìn thì rất thành phố nhưng đô thị thì vẫn chưa hoàn toàn (nhiều tiêu chí không đạt). Thêm vào đó là trình độ dân trí của đại bộ phận là chưa đều tại các cộng đồng dân cư. Những tiếng nói định kiến, chưa đồng thuận về sự “sống lại” của loa phường đều là tiếng nói của những người có năng lực tiếp nhận và xử lý thông tin, năng lực phát triển ở trình độ tương đối.

Không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ và Bộ ngành ban hành chiến lược về phát triển hệ thống thông tin cơ sở đến 2025 tầm nhìn 2030, mà đó là sự quan tâm có chất lượng định hướng đặc biệt tới cơ sở là các xã, phường, thị trấn. 

Hà Nội và nhiều thành phố khác trên cả nước với sự phát triển mạnh mẽ của nhiều đô thị như hiện nay, cùng với những tích cực của nó thì còn tồn tại một số vấn đề nội tại. Việc giải quyết các công việc hàng ngày từ cơ sở cũng như thông tin về các vấn đề thiết thực tại cộng đồng dân cư một cách trực tiếp, thường xuyên, sát sườn chỉ có thể là hệ thống loa phường được thiết kế một cách hợp lý.

Ngoài ra, một ưu điểm của nó trong việc gắn kết giữa cán bộ, chính quyền cơ sở và người dân trong việc tạo sự đồng thuận xã hội về những vấn đề về kinh tế - chính trị - văn hóa - giáo dục – y tế - trật tự an ninh, an toàn xã hội tại cơ sở. Những phương tiện thay thế hiện đại khác cần một khoảng thời gian nữa để đồng bộ và tương thích với hiện trạng chưa đồng đều, nhận thức cũng như trình độ còn tản mát của người dân hiện nay.

Thực tiễn minh chứng có một số công cụ hiện đại vẫn khó lòng thay thế các phương thức truyền thống, như việc đọc và học theo cách truyền thống vẫn hữu hiệu hơn nhiều so với việc học và đọc online.

Thay vì những nghi vấn, ngờ vực và định kiến về chính sách này thì với cách nhìn tích cực và thiện cảm về nó, chúng ta hoàn toàn có thể đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của những nhà quản lý, nhà lãnh đạo. Bởi khi được đầu tư, được tính toán phát thanh hợp lý (thời lượng, nội dung, chương trình…) và có sự giám sát, phản biện của báo chí, người dân thì mức độ phù hợp cũng như tính hiệu quả sẽ của nó được phát huy trong một bối cảnh hoàn toàn mới. 

Người dân ngoài việc chỉ thấy, nghe những sự kiện và các hoạt động chính trị lớn của các nhà lãnh đạo cấp cao trên các mặt báo và Tivi thì những lợi ích thiết thân, gần cạnh cũng như tinh thần gắn kết cộng đồng được họ cảm nhận ngay trong mọi ngóc ngách của hơi thở cuộc sống. 

Và chỉ khi những vấn đề của cơ sở, những thông tin tại cơ sở được người dân trực tiếp biết, bàn, làm, kiểm tra, giám sát và thụ hưởng thì xã, phường, thị trấn mới mạnh, một huyện và một tỉnh mới ngày càng đi lên đáp ứng mong đợi, kỳ vọng của Đảng ta về khát vọng, tinh thần tự lực, tự cường của nhân dân mà trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII đã đề ra.

TS Cù Văn Trung


KHÔI PHỤC LOA PHƯỜNG LÀ KHÔI PHỤC SỰ ÁP ĐẶT ẤU TRĨ, THÔ THIỂN LÊN CON NGƯỜI
ĐOÀN BẢO CHÂU/TD 27-7-2022

Tôi phản đối việc khôi phục loa phường bởi những lý do sau:
1. Thời đại thông tin, tivi, internet tràn lan, mỗi cái điện thoại chính là một cái đài phát thanh, thu thanh, một cái tivi, một “văn phòng” để tiếp nhận, xử lý, trao đổi thông tin, vậy tại sao lại cần một hệ thống loa phường như mấy chục năm trước?
Thông tin của UBND phường có gì đặc biệt mà người dân nhất định phải nghe? Thông tin ấy khác gì với thông tin đã đưa lên đài, báo, ti-vi hàng ngày?
Thông tin từ phường khác gì với thông tin từ thành phố trong những việc quan trọng như covid-19?
2. Trình độ người làm chương trình ở cấp phường thường hạn chế, tại sao cứ bắt toàn dân phải nghe, những người nghe có giáo sư, tiến sỹ, những người học cao, nếu nghe những thông tin thô sơ do những cán bộ truyền thông cấp phường soạn ra, họ sẽ cảm thấy thế nào?
3. Mỗi người làm việc và nghỉ ngơi với giờ giấc khác nhau, có bác sỹ, y tá trực cả đêm, sáng mới về nhà để ngủ, có những người công nhân làm ca đêm, lấy ngày làm thời gian nghỉ ngơi, vậy tại sao cứ cưỡng bức họ phải thức dậy để nghe loa phường?
Làm vậy là không tôn trọng con người, là quản lý xã hội một cách ấu trĩ, thô thiển, phí tiền thuế của dân.
Vị nào đưa cái “sáng kiến” này làm ơn ra mặt để nhân dân thủ đô được trân trọng “cảm ơn” cái nhỉ? Vấn nạn loa phường là nỗi kinh khiếp của người dân, mãi mới bỏ được, giờ lại ngứa ngáy chân tay, đùng cái lại muốn hoạt động lại là sao?
Hình như tác hại của chứng “hậu Covid” khiến đầu óc con người ta hoạt động không bình thường thì phải.
Mà cấp độ phường thì đừng mang cái trí tuệ nhân tạo AI và Big Data ra làm màu. Nghe nó vớ vẩn và nói cho chính xác thì là thối lắm.
Tôi xin các vị hãy dừng cái ý tưởng kì quặc này lại. Nếu có làm thì hãy làm một cuộc thăm dò tử tế với người dân trước đã. Mà tôi thăm dò trên cái post này luôn.
Bạn nào đồng ý để loa phường hoạt động lại thì viết: Đồng Ý. Bạn nào không đồng ý thì viết: Không.

Xin trân trọng cảm ơn các bạn!

HOAN HÔ ANH NGUYỄN SĨ THANH, CÓ LOA PHƯỜNG MỚI TIẾN NHANH THIÊN ĐƯỜNG
CHU MỘNG LONG/ TD 27-7-2022


Nghe tin anh Nguyễn Sĩ Thanh khôi phục loa phường cho trái tim đất nước, tôi mừng vui khôn xiết. Cả tuổi thơ của tôi đã ùa về, về với thiên đường xã hội chủ nghĩa.
Thú thực, tôi từng nghiện loa. Hồi đó không phải "loa phường" mà là "loa hợp tác xã". Loa hợp tác xã phủ đến thôn đến làng.
Làng tôi ở thưa thớt, cho nên, việc cắm cái loa cũng phải ở vị trí ưu tiên. Thường là nhà cán bộ. Nhà tôi cách cái loa đến cả cây số, nên tôi cứ ao ước một ngày kia tôi phấn đấu được làm cán bộ để được gần loa, nghe loa suốt ngày. Nghe giọng thân thương, du dương trầm bỗng của chị phát thanh: "Đây là đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Nghe giọng hát tân cổ giao duyên ngọt nào đắm thắm, Cô gái tưới đậu: "Bên đất giồng mình trồng khoai lang. Bên đất giồng mình trồng dưa gang. Hỡi cô gánh nước đồng sâu, còn bao nhiêu gánh nữa để anh qua gánh giùm..." Nghe bọn Mỹ điên xuồng chống phá chủ nghĩa xã hội và giãy chết. Nghe thông báo của hợp tác xã về năng suất lúa, về sự ấm no, hạnh phúc của toàn dân... Nghe thuộc lòng những câu khẩu hiệu: "Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ", "Ông thần ông thánh thì gạt một bên/ Để cho ông đội lên làm trời..."
Loa thường phát buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều. Có khi phát cả ngày vào lễ tết, chủ nhật. Mỗi khi loa phát ra là tôi, dù đang ăn cơm cũng bưng chén chạy đến ngồi dưới loa để nghe. Ba tôi chửi, ba tôi cho ăn tát, tôi vẫn bất chấp, vừa bưng bát vừa chạy để được nghe cho hết bài tân cổ giao duyên.
Loa là thiên đường của tôi và người dân quê tôi. Ngày mắc loa, bà con kéo đến xem như hội, múa hát cùng với những bài hát trên loa. Sau đó hàng ngày, loa trở thành tiếng nói của đảng, của đất nước, của quê hương và trở thành máu thịt của mỗi người. Đi làm đồng vừa làm vừa nghe loa. Ăn cơm vừa ăn vừa nghe loa. Kể cả ngủ cũng vừa ngủ vừa nghe loa.
Đói, rách thảm thương đến mức ăn bo bo, ỉa ra bo bo, rửa lại nấu ăn tiếp, nhưng vẫn lạc quan yêu đời nhờ loa. Chỉ một ngày cái loa bị hư là cả làng tưởng như cái bãi tha ma. Im ắng, buồn tênh.
Những năm bọn bành trướng Bắc Kinh và Khmer đỏ gây chiến tranh phía Bắc và Tây Nam, loa trở thành niềm cổ vũ cho lòng yêu nước và căm thù giặc. Nhà nhà đào hầm, giao thông hào chuẩn bị cho chiến tranh. Lời kêu gọi của Tổng bí thư trên loa cứ như lời non nước, thiêng liêng thấm vào hồn vào máu thịt với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Tôi từng nhảy xuống giao thông hào, hô vang khẩu hiệu: "Đả đảo bọn bành trướng Bắc Kinh", tưởng tượng mình hy sinh và gọi Bác ba lần: "Hồ Chí Minh muôn năm!". Sống theo loa, chết theo loa!
Khi sống ở thành phố, tôi được tận hưởng loa phường cho đến những năm 2000. Chỗ tôi ở có cái loa chĩa bốn hướng, nhưng tiếc là nhà tôi hơi xa cái loa nên không nghe rõ. Đến khi ngài đại tá quân đội mượn thang nhà tôi leo lên quay cả bốn cái loa lên trời thì... chỉ sau một mùa mưa, loa kêu ẹc ẹc mấy lần rồi tắt hẳn. Tôi mắng ông không yêu nước, ông chửi lại tôi và đe: Tao sẽ đề nghị mang đến cắm ở nhà mày cho mày biết thế nào là yêu nước!
Đấy, chính các đảng viên đã thoái hóa, biến chất, phá chủ nghĩa xã hội bắt đầu từ phá cái loa phường! May mà ông ta không đi tù như tướng Nguyễn Đức Chung.
Những ngày loa phường ở tổ dân phố của tôi hư, tôi buồn như sống ở địa ngục. Khi ấy, chỉ chờ lúc đi đón con, ngồi ở cổng trường, mới được nghe loa phường. Chiếc loa đặt cạnh góc sân trường, mới bốn giờ chiều đã vang lên những bài ca cách mạng: "Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao...". Vui lắm! Năm giờ, khi con ra khỏi sân trường, tôi hỏi: "Loa phát to thế, làm sao các con học?". Bé bảo: "Cả trường được nghỉ để nghe loa". Ra thế, Lượm ơi... Nghe loa có ích hơn nghe cô giáo giảng bài, vì loa đã là giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu Đảng, yêu Bác. Giá như trẻ em, thay vì học cả núi sách vở, hàng ngày cho chúng nghe loa thì vui hơn.
Rõ là từ khi những tên phản động, tự diễn biến đã phá loa, trẻ em nhảy lầu nhiều hơn! Nhiều đảng viên bức xúc cũng nhảy lầu, vì 'there is no loa' chia sẻ!
Anh Nguyễn Sỹ Thanh quyết định khôi phục lại loa phường là chính đáng. Không thể biện luận rằng, thời đại tivi, intenet, thời đại 4.0 thì không cần loa phường. Đó là luận điệu thù địch chủ nghĩa xã hội. Không có loa, không có Chủ nghĩa xã hội. Đó là chân lý không ai chối cãi được!
Biện luận đời sống hiện đại không cần loa thực chất là để che giấu âm mưu diễn biến hòa bình. Bọn thù địch, phản động đã lợi dụng thông tin đa chiều để tuyên truyền những tư tưởng độc hại, chống phá cách mạng.
Loa không phải là tiếng ve sầu hát lên một lần sau mỗi mùa hè đi qua, cũng không phải là thứ hoa nở chóng tàn sau mỗi độ thu sang. Loa đã nâng từng nấc thang giá trị của đời sống xã hội chủ nghĩa và trong tâm hồn của mỗi người Việt Nam. Loa cũng không là thứ âm thanh đa chiều đến ô tạp làm che lấp đi tiếng nói ngọt ngào, trong trẻo của lòng lạc quan yêu đời, tinh thần đấu tranh cách mạng. Loa đã tạo ra thành trì chữ nghĩa, lời ca bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội, đảng và nhà nước. Dù gần đây, những kẻ âm mưu diễn biến hòa bình đã cố tình dẹp loa để chúng to mồm chống phá, xuyên tạc chủ nghĩa xã hội, nhưng loa vẫn là nốt trầm đặc biệt của cuộc sống. Loa phường sống mãi trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta.
Tôi hưởng ứng khôi phục lại loa phường, trước tiên là tại Thủ đô, 'trái tim của đất nước'. Để tuyên truyền Chủ nghĩa xã hội. Để trấn áp các thế lực thù địch, phản động. Để những người như tôi hồi xuân, về lại với thiên đường đã bị đánh mất.
Và lại dân Hà Nội ngàn năm văn vật, gần đây đã thành... ôn vật, ngày nào cũng chửi nhau, chửi đểu, chửi cay nghiệt, rất cần loa với tiếng hát át tiếng chửi.
Nếu ngân sách hạn hẹp thì ưu tiên gắn loa vào từng nhà cán bộ trước.
'Hà Nội là trái tim của đất nước'. Trái tim thì phải thao thức ngày đêm để truyền máu cho cả cơ thể đất nước. Không thể để trái tim đất nước ngừng đập!

CUỘC CHIẾN 'CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC' MỚI
TRƯƠNG NHÂN TUẤN/ TD 28-7-2022
Mục đích của loa phường là "tuyên truyền". Trong một thời gian rất dài, ít ra từ năm 1954 đến những năm gần đây, hệ thống "loa phường" đóng vai trò cốt lõi truyền tải "tiếng nói của đảng". Không người dân nào tránh được tiếng vọng của "chân lý", lanh lảnh mỗi ngày, bắt đầu từ 5 giờ sáng.
Lặp đi lặp lại một lời nói sai, lâu ngày sai cũng thành đúng. Loa phường có công đổi trắng thành đen, đổi đúng thành sai, đổi hay thành dở...
Con người trở thành con người bầy đàn. Người dân đánh mất khả năng thẩm định sự việc của "cây sậy biết suy nghĩ".
"Mỹ đã cút và Ngụy đã nhào". "Công cuộc "xây dựng xã hội chủ nghĩa" của đảng cũng "gài số de" vì không biết "đường lên XHCN mất 100 năm nữa có tới hay không". Loa phường đã hoàn tất sứ mạng lịch sử của nó.
Tái dựng lại hệ thống loa phường vào lúc này chắc không nhằm đưa Hà nội trở lại thời "bao cấp".
Chỉ có ba mục đích:
Một là, khoa trương thành quả của công cuộc đốt lò. Đúng sai, thành bại, cần thiết hay không... bất cần. Đảng muốn mục tiêu đốt lò là đúng, là cần thiết. Mục đích đốt lò là nhằm bảo vệ lợi ích của dân tộc và đất nước chớ không nhằm củng cố thế lực cá nhân trong đảng (như tin đồn).
Thứ hai, đề cao "đức trị", phủ nhận nhà nước pháp quyền" đồng thời đả phá tinh thần "kỹ trị" của cán bộ lãnh đạo. Vụ bổ nhiệm bí thư HN và quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho ta thấy chủ trương "hồng hơn chuyên" đã trở lại. Không phải chủ trương tái lập lại loa phường là của bí thư HN hay sao? Ta cũng thấy luật lệ quốc gia đặt ra cho có, lấy lệ. Các vụ án vừa xử đại đa số đã được đảng ra "phán quyết" từ trước.
Thứ ba, hệ quả của vụ "chọn phe".
Ý chí của đảng trong vụ chọn phe có thể đi ngược lại nguyện vọng đại đa số quần chúng. Đảng cần loa phường để chuyển tải thông điệp.
Vụ bộ trưởng ngoại giao Mỹ hủy bỏ cuộc thăm viếng VN đầu tháng 7, vì VN ngày trước đã tiếp bộ trưởng Nga. Mỹ cũng hủy bỏ vụ hàng không mẫu hạm Donald Reagan sẽ cặp bến Đà Nẵng, vì VN đã chọn phe Nga để tập trận "liên lục địa" vào tháng 8 sắp tới.
Vụ "chọn phe" cần nói thêm một chút. Sử gia VN đề cao "chín năm kháng chiến" mà không nhìn thấy chiến thắng Điện Biên phủ không phải chỉ có bộ đội ông Hồ mà còn có công của TQ. TQ muốn lấy lại VN và phục thù Pháp qua vụ Hiệp ước Thiên Tân 1885. Hiệp ước này TQ "nhượng" VN lại cho Pháp. Năm 1949 nếu CSTQ không thắng Tưởng giới Thạch thì làm gì quân ông Hồ có vũ khí đánh Pháp? Chiến thắng 1975 cũng vậy. Đây cũng có phần của TQ. TQ muốn mở ảnh hưởng thiên triều bao trùm lên toàn cõi VN, trở lại như thời trước 1885.
VN theo phe nào?
Theo tôi, đảng CSVN theo phe TQ. VN bề mặt theo Nga mà Nga thì đang thi hành cuộc chiến ủy nhiệm do TQ giao phó.
Loa phường sẽ giúp đảng CSVN đưa VN vào cuộc chiến "chống Mỹ cứu nước" mới. Cuộc chiến "ủy nhiệm" mới. TQ không muốn Mỹ có mặt ở khu vực ASEAN, khu vực vốn thuộc ảnh hưởng cũ của thiên triều.
Đảng CSVN được TQ ủy nhiệm để thắng cuộc chiến này.
TNT

NGÀNH TUYÊN GIÁO MẤT KHẢ NĂNG TỰ ĐIỀU CHỈNH
MAI BÁ KIẾM/TD 28-7-2022

Tân chủ tịch Hà Nội quyết định phủ loa phường ở khắp ngõ hẹp hang cùng, rồi bà phó giám đốc sở 4 Tê nói vuốt đuôi: "Không thể thay thế loa phường", tôi mới ngộ ra ngành tuyên giáo mất khả năng tự điều chỉnh mình!
Quốc hội khóa I khai mạc kỳ họp đầu tiên vào ngày 2-3-1946, tính đến nay đã 76 năm, phương thức tiến hành các kỳ họp đã có rất nhiều thay đổi. Thí dụ, từ Khóa I đến Khóa VI, "chủ tọa đoàn kỳ họp" gồm: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội... nhưng đến Khóa VII, Chủ tịch tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ đề nghị "chủ tọa đoàn kỳ họp" chỉ gồm: Chủ tịch tịch Quốc hội, Phó chủ tịch tịch Quốc hội, Chủ nhiệm các ủy ban của tịch Quốc hội.
Đến Khóa VII, tịch Quốc hội chỉ cho phép báo chí trung ương: TTXVN, Đài truyền hình VN, Đài Tiếng nói VN, Báo Nhân dân, báo QĐND... tham dự đưa tin chung chung và giống nhau. Đến kỳ họp 7 Khóa VIII, tịch Quốc hội cho phép tất cả báo tỉnh thành, báo đoàn thể được đi dự tịch Quốc hội, nhờ vậy, Huy Đức (Tuổi Trẻ) và các PV ở TP.HCM đã cạnh tranh nhau, khi viết tường thuật các phiên họp tịch Quốc hội, dẫn lời các Đại biểu nói những câu giật gân.
Đến Khóa IX, tịch Quốc hội cho truyền hình trực tiếp buổi khai mạc, buổi bế mạc và các buổi chất vấn các thành viên chính phủ! Văn phòng tịch Quốc hội thu băng buổi chất vấn và thuê sinh viên rã băng thành văn bản phát cho Đại biểu và báo chí để không đăng sai.
Người dân quan tâm đến kỳ họp hoàn toàn biết từng chi tiết của cuộc họp, nhưng cách tuyên truyền mỗi kỳ họp giống y chang hồi năm 1946: Trước kỳ họp, các Đại biểu đi tiếp xúc cử tri (chỉ có cán bộ hưu trí làm cử tri), báo chí phải đi theo tường thuật. Sau kỳ họp (mấy tuần sau khi bế mạc) các Đại biểu cũng đi tiếp xúc cử tri. Trưởng đoàn Đại biểu báo cáo nội dung của kỳ họp, bao gồm thông qua bao nhiêu luật gì, quyết định các vấn đề lớn nào của đất nước, giám sát được bao nhiêu cuộc (những vấn đề cũ rích), rồi trả lời thắc mắc của cử tri, báo chí phải đi theo để tường thuật lại chuyện cũ mèm!
Tiếp xúc cử tri sau kỳ họp cũng không thể thay thế như cái loa phường! Bệnh thiệt!
MBK

LOA PHƯỜNG CHỨNG MINH CẢ HỆ THỐNG CHẲNG CẦN AI!
TRÂN VĂN/VOA/TD 28-7-2022
Tuần này, không chỉ cư dân thành phố Hà Nội mà nhiều triệu người Việt khác cũng chưng hửng khi chính quyền thành phố Hà Nội loan báo sẽ tái lập hệ thống loa truyền thanh đến tận tổ dân phố, thôn nhằm “nâng hiệu quả công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội”.
Việc tái lập hệ thống loa truyền thanh đến tận tổ dân phố, thôn mà dân chúng vẫn ví von là “loa phường” nằm trong kế hoạch gọi là “Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn Hà Nội”. Trong “chiến lược” ấy còn có việc thiết lập mạng lưới tin điện tử cấp phường – xã, mạng lưới bảng tin điện tử công cộng, (1)...
Sau một thoáng ngạc nhiên, cảm xúc của công chúng chuyển sang thất vọng và bất bình. Có thể vì cùng tâm trạng nên những người chăm sóc diễn đàn điện tử của các cơ quan truyền thông chính thức không xóa bình luận nào về sự kiện vừa kể. Ví dụ, trong 44 bình luận về ý tưởng tái lập hệ thống “loa phường” của chính quyền Hà Nội trên tờ Tuổi Trẻ, chỉ có hai độc giả tán thành, số còn lại cùng cho rằng đó là một giải pháp lạc hậu, là nỗ lực gieo rắc ô nhiễm tiếng ồn, là một trong những nỗi đau ám ảnh họ cả cuộc đời...
Trên mạng xã hội, Đào Tuấn nhắc lại chuyện cuối thập niên 2010, sau khi tổ chức thăm dò dư luận trên Cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội về “loa phường” và nhận lại kết quả là 89,67% không tán thành, Chủ tịch Hà Nội lúc đó đã quyết định xóa bỏ hệ thống “loa phường”, rồi so với kế hoạch tái lập hệ thống “loa phường” mới được công bố và ngậm ngùi tỏ bày: Chẳng có hình thức tra tấn nào đã man hơn “loa phường” thế mà chúng mình phải nộp thuế để trả tiền cho việc bị tra tấn (2).
Với suy nghĩ theo hướng đó, Mai Quốc Việt nhận định, tuyên bố tái lập hệ thống “loa phường” là một kiểu “dọa dân” và “lâu lâu tụi nó dọa một phát kiểu này kể ra cũng kinh” (3). Giống như nhiều người khác, Đoàn Bảo Châu nêu ra hàng loạt lý do phản đối “loa phường”: Tái lập hệ thống thông tin như cách này vài chục năm để làm gì khi mỗi điện thoại di động đã như radio, TV, máy tính. Nhu cầu và sinh hoạt của mỗi người mỗi khác không thể cưỡng bức mọi người theo cùng một kiểu. Đáng lưu ý là Đoàn Bảo Châu nhấn mạnh đề nghị mà gần như ai cũng muốn... đệ đạt: Vị nào đưa ra “sáng kiến” này nên ra mặt để nhân dân thủ đô “trân trọng cảm ơn” (4).
Do “Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn Hà Nội” được công bố ngay sau khi ông Trần Sỹ Thanh trở thành Chủ tịch Hà Nội, nhiều người tin rằng đó là món quà mà ông mang ra chào sân. Cũng vì vậy, có người như Lê Đức Dục làm ngay một bài thơ: Anh về không lẽ im re. Phải có chi đó để nghe ồn ào. Tiền nhiệm nó làm ‘dư lào” (như thế nào). Thì nay ngược lại thế nào cũng hay. Loa phường bỏ năm năm nay. Thì chừ khôi phục có ngay ồn ào. Ồn ào thì cũng chẳng sao. Người ta bàn tán với nhau: Ối giời! Rứa là anh thành công rồi. Cõi ‘phây’ rầm rộ hướng nơi loa phường. Quên tất tần tật đoạn trường. Đu ‘trend’ anh tạo, loa phường muôn năm (3).
Từ kinh nghiệm cá nhân, Nguyễn Ngọc Huy nghĩ khác nhiều người: Thật ra hệ thống loa phát thanh tại những nơi có thể đối diện với những rủi ro về thiên tai, biến cố môi trường, dịch bệnh,... là cần thiết. Ông Huy nêu thảm họa kép hồi tháng 3 năm 2011 ở khu vực Đông Bắc nước Nhật (động đất rồi sóng thần) như một ví dụ minh hoạ.
Do động đất làm Internet, mạng điện thoại di động tê liệt, hệ thống loa phát thanh tại Nhật đã góp phần cứu mạng hàng trăm ngàn người – thúc giục họ di tản 30 phút trước khi sóng thần cao hàng chục mét tràn vào bờ. Song giống như nhiều người, ông Huy khẳng định: Hệ thống loa phát thanh phải được dùng đúng mục đích chứ không nên lạm dụng. Theo ông Huy, được nghe âm thanh giống như một loại quà tặng nhưng phải nghe thứ âm thanh và thông điệp không muốn nghe thì đó là sự tra tấn (6).
***
Dường như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương đã rút ra được nhiều “kinh nghiệm sâu sắc” từ việc công bố các dự án, kế hoạch, công trình,... bị dân chúng phản đối kịch liệt vì đã vô bổ còn tốn kém, cuối cùng, không ít dự án, kế hoạch, công trình,... phải tạm ngưng triển khai hay đình chỉ vĩnh viễn, gần đây, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương chỉ công bố các dự án, kế hoạch, công trình,... nhưng giấu tiệt chi phí (ví dụ Tượng đài Cảnh sát nhân dân).
“Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn Hà Nội” là một ví dụ khác. Không ai biết dân chúng phải trả bao nhiêu cho... “phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, hiện đại hóa sản xuất nội dung tuyên truyền, phát triển nhân lực làm công tác thông tin cơ sở để gia tăng hiệu quả tuyên truyền”, chỉ có thể đoan chắc, với những “mục tiêu” kiểu đó, chi phí đầu tư và duy trì... “chiến lược” sẽ lên tới hàng ngàn tỉ. Chẳng lẽ Hà Nội không còn mục tiêu nào phải đạt trong phục vụ dân sinh? Chẳng lẽ có thể dùng tiền như rác và xem dân ý như một loại rác khác nên chỉ cần quan trên... thích, cả hệ thống sẽ cùng... nhích?
Chú thích



LOA PHƯỜNG Ở NHẬT

NGUYỄN NGỌC HUY/ TD 26-7-2022


Vào chiều ngày 11 tháng 3 năm 2011, lúc 14h46 phút, một trận động đất lớn chưa từng có xảy ra ở vùng ven biển phía Đông Bắc của Nhật Bản. Đúng 14h47 phút, toàn bộ hệ thống loa ở vùng ven biển phía Đông Bắc Nhật Bản được tự động phát đi thông báo khẩn cấp có thể có sóng thần, và chỉ sau đó 10 phút hệ thống loa này đưa ra cảnh báo các vùng có nguy cơ bị sóng thần và độ cao của sóng thần.
Đây là hệ thống loa được trang bị hầu khắp các vùng miền của Nhật Bản nhằm phát đi thông tin cảnh báo nhanh nhất đến với người dân ở vùng nguy hiểm. Hệ thống cảnh báo được kết nối với trung tâm điều hành và về mặt lý thuyết, chỉ cần 7 giây thì thông điệp cảnh báo thiên tai có thể truyền đến từng ngóc ngách của Nhật Bản.
Vào thời điểm đó, đa số người Nhật có thể tiếp cận được với điện thoại thông minh có kết nối 3G nên các thông tin cảnh báo trên mạng có thể vẫn đến được điện thoại của người dùng. Tuy nhiên sẽ có những người chăm chỉ làm việc đến mức họ sẽ chỉ mở điện thoại để xem tin nhắn vào một khung giờ nhất định. Và như vậy, đa số những nhóm người không tiếp cận được với thông tin cảnh báo sẽ rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm.
Cũng vào chiều hôm đó, các nhà mạng phủ sóng ở vùng Đông Bắc hầu như tê liệt do quá tải về người dùng gọi thông báo cho nhau. Chính vì vậy các hạ tầng thông tin internet chỉ phát huy được phần nào.
Trận động đất kèm sóng thần năm đó cướp đi sinh mạng của gần 20.000 người. Nhưng nếu không có hệ thống loa cảnh báo, số người thiệt mạng sẽ lớn hơn rất nhiều vì người dân vùng ven biển chỉ có 30 phút để chạy trước khi những cơn sóng thần cao hơn 10m ập vào bờ biển.
Người Nhật không phá bỏ hệ thống loa đó ngay cả khi hạ tầng về thông tin đã phát triển hiện đại. Hệ thống loa phát tín hiệu âm thanh vào 5PM mỗi ngày, nhưng nó chỉ là âm thanh ngắn khoảng 15 giây, như một hồi chuông để kiểm tra xem có cái loa nào bị tịt không để thay. Họ không dùng hệ thống loa đó để hỗ trợ các chính trị gia tranh cử, không dùng loa đó để phát nhạc, và tất nhiên không dùng hệ thống loa đó để quảng cáo thực phẩm chức năng.
Tôi làm về quản lý rủi ro thiên tai nhiều năm, đi đánh giá hệ thống hạ tầng cảnh báo thiên tai ở hầu hết vùng miền trong nước và các quốc gia khác, một thông tin tôi chưa bao giờ bỏ sót là tại địa bàn đó có loa phát thanh hay không.
Hệ thống loa phát thanh là cần thiết đối với những thành phố, thôn bản có các rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và sự cố ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hệ thống loa đó phải được dùng đúng mục đích và không nên lạm dụng nó.
Lắng nghe được âm thanh là một quà tặng đối với con người, nhưng phải nghe thứ âm thanh và thông điệp mình không muốn nghe thì đó là sự tra tấn. Tuỳ cách chúng ta dùng thì hệ thống loa phường sẽ được yêu hơn là bị ghét.

NNH

TÌNH CẢNH TRỚ TRÊU CỦA NHỮNG CHIẾC LOA PHƯỜNG ĐEO

CỘT ĐIÊN

ANH NGUYỄN /VNN 30-7-2022

Vỡ hỏng, tậm tịt, chĩa thẳng vào cửa sổ phát âm thanh ầm ĩ làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân là thực trạng của những chiếc loa phường treo trên cột điện tại nhiều khu dân cư ở Hà Nội hiện nay.

Đi ngoài phố, nếu như ít để ý, nhiều người không biết hệ thống loa phường vẫn tồn tại từ lâu ở các ngõ ngách, treo trên cao ở các khu dân cư. Có nơi loa vẫn hoạt động, có nơi loa tậm tịt, thậm chí vỡ hỏng không có người quan tâm.

Tại một chung cư trên phố Đinh Núp (quận Cầu Giấy), loa được cố định trên một cột đèn và nối chung đường điện. Nhiều người cho rằng loa phường hiện không còn phù hợp với cuộc sống hiện nay. Thay vào đó, cư dân chủ yếu cập nhật tin tức ở trong các hội nhóm và trên nền tảng mạng xã hội. 

Có những khu dân cư, loa được treo sát cửa nhà, dù đóng kín cửa người ở bên trong vẫn nghe rõ. 

Thậm chí có chiếc loa hướng trực tiếp vào ban công nhà trên tầng cao, chĩa thẳng vào cửa sổ. Hình ảnh tại khu dân cư trên phố Yên Lãng (quận Đống Đa).

Ông Ngữ (đường Đê La Thành) không hài lòng khi hệ thống loa được đặt ngay sát ban công nhà mình. “Phòng phía ngoài là phòng ngủ và bên cạnh là phòng học của các cháu tôi. Khi loa phường phát ra âm thanh vào mỗi buổi sáng, chúng nó giật mình, quấy khóc. Việc khôi phục loa phường rất hợp lý nhưng phải đặt ở vị trí phù hợp, không gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”, ông Ngữ chia sẻ. 

Trên đường Đê La Thành (quận Đống Đa), có chiếc bị vỡ hỏng, cái còn lại không rõ "số phận".


Người dân sinh sống quanh khu vực phố Thành Công (quận Ba Đình) cho biết, cứ bảo trì, bảo dưỡng một thời gian là loa bị phá hỏng, không những thế đường điện kết nối thường xuyên bị cắt đứt.

“Khoảng cách giữa cột điện treo loa cách ban công nhà tôi hơn 1m. Mặc dù đã làm cửa kính 3 lớp nhưng mỗi buổi sáng âm thanh từ loa vẫn vọng vào trong nhà. Không phủ nhận sự tiện lợi của loa phường khi dùng để thông báo người dân về những sự kiện quan trọng của địa bàn như hội nghị, văn nghệ, lịch tiêm chủng và lương hưu. Nếu nó được lắp đặt ở vị trí hợp lý và thời gian thông báo chỉ kéo dài 15 phút tôi lại rất đồng tình”, ông Trinh (quận Đống Đa) nói. 

Thông thường chỉ được lắp đặt tối đa 2 loa treo một cột, nhưng thực tế có rất nhiều cột treo tới 4 loa. Hình ảnh tại phố Thợ Nhuộm (quận Hoàn Kiếm).

Không chỉ được treo trên cột điện ở khu dân cư, nhiều hệ thống loa phường còn ngự ở các ngã tư như bên lan can cầu vượt (cầu vượt Thái Hà, quận Đống Đa) nhằm tuyên truyền việc phòng cháy chữa cháy, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

7h sáng, tại phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân), anh Đỗ Đình Việt phụ trách vận hành máy móc, biên tập và đọc bản tin vào hai khung giờ (7h và 16h30). “Trước đây phường Nhân Chính có 85 điểm đặt loa, nay rút gọn còn 20 vị trí. Thông tin chúng tôi cập nhật cho người dân cũng được rút gọn, tránh dài dòng lan man. Thời lượng đọc một bản tin dài khoảng 15 phút tập trung vào những thông tin liên quan đến người dân, chính trị tại địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số người tỏ ra không ủng hộ loa phường vì điểm đặt loa gần nhà dân và bất cập trong việc bố trí”, anh Việt chia sẻ.
AN
LOA PHƯỜNG
TẠ DUY ANH/BVN 31-7-2022

clip_image002

Tôi từng nghĩ và giờ vẫn nghĩ rằng, nếu một đời chủ tịch thành phố Hà Nội mà giải quyết xong việc chỉnh trang các tuyến vỉa hè thuộc loại xấu xí và luôn nguy hiểm cho người đi bộ, làm sạch những cái hồ nước và những con sông đang chết…thối, trả lại không gian xanh, yên bình cho những cái công viên sặc mùi thịt chó và dầu máy… thì đã xứng đáng ghi vào sử xanh thành phố. Nhưng tôi biết, ngay cả những việc đơn giản như vậy, ông bà ta cũng khó mà làm nổi.

Cơ chế chỉ là một nguyên nhân. Nguyên nhân quan trọng hơn là tài năng cá nhân.

Với bất cứ quan chức nào, chỉ cần qua một bài phát biểu vào thời điểm quan trọng của cuộc đời họ, có thể đoán biết khả năng trí tuệ của họ đến đâu. Đọc bài phát biểu của ông Trần Sỹ Thanh, tôi khẳng định ông sinh ra không phải để làm chính khách. Nhưng ông vẫn có thể tạo ra một cái gì đó khác biệt, để lại dấu ấn, nếu biết lắng nghe nguyện vọng của người dân và quan trọng hơn là thành thực với chính bản thân mình.

Trong câu chuyện về bỏ hay giữ loa phường, chỉ cần ông tự trả lời mình là bản thân ông thấy nó thực sự còn có ích lợi gì không, ngày ngày những âm thanh vô hồn phát ra từ chiếc loa có khiến ông thích thú không, có khiến ông cảm thấy mình bị cưỡng bức phải nghe những thông tin mình quá biết, hoặc không cần, tự nó sẽ cho ông câu trả lời.

Còn đây là ý kiến của tôi.

Công bằng mà nói thì loa phường từng rất có tác dụng. Vào cái thời ngay cả báo chí cũng phải truyền tay nhau mới có cái đọc, thông tin bò còn chậm hơn rùa, thì những thông báo hàng ngày trên loa phường, về thập cẩm vấn đề, chắc chắn hữu ích thiết thực với rất nhiều người. Nhưng trong thời buổi mà phương tiện thông tin thay đổi chóng mặt từng ngày, thì đáng lẽ vấn đề chấm dứt loa phường phải được giải quyết từ lâu rồi. Bởi vì ngoài việc còn rất ít tác dụng do luôn chạy sau các thông tin khác, những thông báo oang oang đang khiến cho độ ồn đã quá tải hiện nay thêm phần nhức nhối.

Nhưng ta hãy gạt những bức xúc có thật, của khá nhiều người ấy sang một bên, mà chỉ bàn về khía cạnh quyền tiếp cận thông tin thôi, đã đủ phải thật nghiêm túc mà suy nghĩ về số phận loa phường.

Quyền tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của người dân, được Hiến pháp long trọng ghi nhận. Nhưng tiếp cận ở đây là tiếp cận tự do, theo ý muốn, nghĩa là nó bao hàm cả quyền từ chối những thông tin mà họ không có nhu cầu, làm phiền họ hoặc đơn giản là làm mất thì giờ, tiền bạc hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Mỗi năm loa phường tiêu hàng chục tỉ đồng, nghĩa là phải véo vào của mỗi công dân một chút kinh tế, kể cả những người không có nhu cầu loa phường. Khi loa phường rõ vào tai, nhiều người phải ngừng làm việc vì không còn tập trung được tâm trí. Tức là làm thiệt hại đến thời gian lao động, nghỉ ngơi của họ. Còn về sức khỏe thì khỏi phải bàn, đã có người phải chuyển nhà vì không muốn loạn óc thêm vì loa phường ở quá gần.

Sẽ có người hỏi: Làm gì có dịch vụ công nào tốt cho cả trăm phần trăm? Phải có một số người chấp nhận chịu thiệt, vì những người khác.

Sẽ không ai cãi lại lý lẽ này, với điều kiện: Ngoài hình thức loa phường, không còn cách nào khác để truyền thông tin đến người dân trong những cụm dân cư nhỏ? Một giả định như vậy nhằm biện hộ cho loa phường, rõ ràng là rất nực cười, không cần phải bàn. Trong thời gian xảy ra lũ lụt, hàng chục triệu điện thoại, cùng tại một thời khắc, đều nhận được tin nhắn kêu gọi hỗ trợ đồng bào gặp thiên tai. Rồi mạng xã hội, lúc nào cũng liên kết hàng chục triệu người, rồi báo điện tử có thể truy cập bất cứ chỗ nào... Tốc độ tiến bộ của công nghệ thông tin thậm chí còn đang biến việc gọi điện thoại, một phương thức hiện đại gấp cả trăm lần loa phường, cũng phải lùi xuống thứ hạng sau về tốc độ.

Nếu ngần ấy lý lẽ, bằng chứng là chưa đủ thuyết phục trong việc chấm dứt loa phường, thì còn có điều quan trọng nữa không thể không tính đến: Đó là quyền được giữ những bí mật riêng tư. Đây cũng là một quyền Hiến định rất cơ bản của công dân. Công dân bình thường chả nói, ngay cả với công dân vi phạm hành chính, bị cưỡng chế thi hành việc xử phạt, thì việc công khai cho cả cộng đồng biết cũng phải tuân theo luật. Không phải ngẫu nhiên mà khi quay những kẻ phạm pháp nhưng chưa bị kết tội để phát hình lên tivi, phóng viên bắt buộc phải dùng xảo thuật che mặt. Thế mà loa phường thì cứ oang oang hồn nhiên thông báo cho bàn dân thiên hạ (biết hoặc phải nghe) những chuyện chỉ liên quan giữa chính quyền với những đối tượng công dân cụ thể nào đó?

L.T.

Nguồn: FB Lao Ta


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét