Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2022

20220724. KỲ VỌNG GÌ TÂN CHỦ TỊCH HÀ NỘI TRẦN SĨ THANH?

 ĐIỂM BÁO MẠNG


TÂN CHỦ TỊCH UBNN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ƯU TIÊN ĐỘT PHÁ TRÊN

 3 LĨNH VỰC

BÁO CP/ GDVN 22-7-2022

GDVN- Chiều 22/7, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đã tổ chức kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 8) để xem xét, bầu chức danh Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

Dự kỳ họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn… cùng các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ…

Lãnh đạo Thành phố Hà Nội chúc mừng tân Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Ảnh: VGP/GH

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 8 - kỳ họp chuyên đề để thực hiện các nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

Thực hiện chủ trương về công tác nhân sự chủ chốt của Thành phố Hà Nội, vừa qua, Bộ Chính trị đã có Quyết định về việc điều động, phân công, giới thiệu nhân sự chức danh Phó Bí thư Thành ủy để bầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố nhiệm kỳ 2021-2026. Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã họp và ban hành Nghị quyết về công tác cán bộ.

Trong quá trình chuẩn bị, công tác giới thiệu nhân sự ứng cử đã được các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và Thành phố thực hiện đảm bảo chặt chẽ, đúng các quy trình, quy định.

Với ý nghĩa quan trọng của kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị các vị đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, sáng suốt lựa chọn, bầu cử chức danh Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 để cùng tập thể Uỷ ban nhân dân Thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị quan trọng của Thành phố, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Tại kỳ họp, với 100% đại biểu có mặt tán thành, ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội bầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố - Ảnh: VGP/GH

Thủ đô sẽ chuyển mình và phát triển rực rỡ

Phát biểu tại kỳ họp, tân Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, nhận nhiệm vụ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội là niềm vinh dự, đồng thời mang trách nhiệm hết sức lớn lao trước Đảng bộ, Chính quyền, cử tri và nhân dân Thủ đô.

Tân Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội nhấn mạnh, Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị đã khẳng định "Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước". Hà Nội còn là Thủ đô của lương tri và phẩm giá, nơi hội tụ tinh hoa của đất trời, nơi lắng đọng hồn thiêng sông núi.

"Trước lịch sử ngàn năm văn hiến, với quy mô và tầm vóc vĩ đại của Thủ đô, chúng ta - trong đó có tôi thấy mình nhỏ bé, nhưng nhận thức được nhiệm vụ được giao là to lớn", ông Trần Sỹ Thanh bày tỏ.

Tân Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu nhận nhiệm vụ - Ảnh: VGP/GH

Với trọng trách được giao là người đứng đầu Uỷ ban nhân dân Thành phố, tân Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội nguyện cống hiến hết sức mình, tiếp tục học tập, tu dưỡng, rèn luyện và phát huy cao nhất những kiến thức, khả năng và kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình công tác; nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Thủ đô.

Trong đó, ưu tiên tạo đột phá trên 3 lĩnh vực. Thứ nhất, ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, mang đặc trưng của Thủ đô.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch.

Trên cương vị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh cho biết sẽ gìn giữ và phát huy những thành tựu, kết quả đạt được của Thủ đô qua các thời kỳ; tiếp tục đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa trong nhiệm kỳ 2021-2026; góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; từng bước thực hiện mục tiêu để Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; là thành phố kết nối toàn cầu; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội toàn diện, đặc sắc và hài hòa, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới - để Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành một thành phố đáng sống.

Thực hiện mục tiêu đó, hệ thống chính quyền Thành phố phải đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, ủy quyền, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ Thành phố đến cơ sở. Tổ chức phân công, phân nhiệm rõ ràng; kiểm tra, khen thưởng và kỷ luật nghiêm minh. Kiên quyết loại bỏ những cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, vô cảm, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ; nhất là việc cá thể hóa trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các cơ quan hành chính của Thành phố.

Mục tiêu quan trọng trước mắt để "mỗi người dân, doanh nghiệp cảm nhận được, thụ hưởng được những lợi ích từ quá trình cải cách hoạt động điều hành của chính quyền Thành phố. Thước đo của thành công là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp".

Cũng theo tân Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội hôm nay xây dựng Thủ đô còn đối mặt nhiều khó khăn và thách thức, nhưng cơ hội và thuận lợi vẫn là chủ yếu.

Bởi vì Hà Nội có 3 điểm tựa quan trọng: (1) Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị - điểm tựa về chính trị; (2) Hiến pháp và Luật Thủ đô – điểm tựa về pháp lý; (3) truyền thống hào hùng, lòng dân hướng tới một Thủ đô lương tri và phẩm giá, với tinh thần Hà Nội cùng cả nước, cả nước cùng Hà Nội – đây là điểm tựa về tinh thần, nguồn lực vật chất to lớn.

"Chúng ta có quyền tin tưởng rằng Hà Nội sẽ chuyển mình và phát triển rực rỡ", tân Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ trong phát biểu nhận chức.

Theo Baochinhphu.vn
CHỦ TỊCH HÀ NỘI VÀ NHỮNG CHUYỆN DÂN TÌNH KỲ VỌNG
NGUYỄN ĐĂNG TẤN/ VNN 22-7-2022
Thành phố Hà Nội sắp có Chủ tịch mới và người dân, doanh nghiệp lại một lần nữa kỳ vọng.

Trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Không thể phủ nhận sự phát triển của Hà Nội trong những năm gần đây, nhưng cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những vấn đề bức xúc, thậm chí là tồn tại từ rất lâu, chưa được giải quyết dứt điểm.

Cũng có ý kiến nêu, nhìn rộng ra các tỉnh, thành xung quanh, nhiều địa phương không có tiềm lực, thuận lợi như Hà Nội, nhưng một số địa phương lại tạo được sự bứt phá.

Có một dạo, chỉ sau một năm trở lại Đà Nẵng, đã thấy một bộ mặt hoàn toàn khác. Hay một Hải Phòng, một Quảng Ninh, sự thay đổi đã có thể nhìn thấy.

Hà Nội thì sao? Đúng là Hà Nội đã khác trước nhiều, khác về quy mô, về nhà cao tầng… nhưng cái khác đó chưa hẳn là tiêu biểu, chưa phải đã giúp Hà Nội khang trang, hiện đại hơn.

Ngược lại, vẫn còn đó những vấn đề dân sinh, chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” như ngập lụt, ùn tắc.

Nói là tồn tại, nhưng đó là tồn tại kéo dài: chưa mưa đã ngập, càng chống càng ngập, đường thì ùn tắc hơn, giải quyết chỗ này thì ùn chỗ khác. Rồi có những chủ trương được dân đồng tình, hồ hởi mà không sao thực hiện được, như việc di dời các nhà máy gây ô nhiễm, trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội đô. Thậm chí, đây còn được coi là giải pháp làm giảm ùn tắc, nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Rồi chuyện thành phố ven sông, kỳ vọng cũng nhiều nhưng tới nay vẫn chỉ dừng lại ở xây dựng quy hoạch, nhà ở hai bên sông vẫn hình thành tự phát…

Rồi ngay cả những dự án phát triển hạ tầng giao thông, như dự án vành đai 2,5 hay đường Tôn Thất Tùng kéo dài (Lê Trọng Tấn) đến vành đai 3, giải tỏa, chia lửa, giảm ùn tắc cho đường Nguyễn Trãi và Giải Phóng cũng 30 năm nhưng vẫn án binh bất động…

Thật ra, với cương vị một chủ tịch thành phố, sẽ có nhiều lựa chọn để đóng góp cho Thủ đô, để ghi dấu ấn. Sự đóng góp đó có thể bằng lựa chọn những giải pháp đột phá, tìm ra hướng đi mới, hay quyết liệt giải quyết những vấn đề tồn tại, tháo gỡ những chuyện bức xúc dân sinh.

Khách quan mà nói, ở mỗi nhiệm kỳ, các lãnh đạo thành phố đều có những đóng góp nhất định cho sự phát triển chung của Thủ đô. Nhưng cũng phải nhìn nhận, không hẳn lãnh đạo nào cũng để lại dấu ấn, thậm chí với hai lãnh đạo tiền nhiệm ở vị trí Chủ tịch Hà Nội, các ông Nguyễn Đức Chung, Chu Ngọc Anh, vì những vấn đề khác nhau, giờ đều vướng vào vòng lao lý.

Với ông Trần Sỹ Thanh, nhân sự mới được giới thiệu bầu làm Chủ tịch Hà Nội, một người từng kinh qua nhiều cơ quan, vị trí, qua nhiều vùng đất khác nhau, người dân và doanh nghiệp lại thêm một lần nữa kỳ vọng. 

Đầu tiên, đó là sự kỳ vọng về một người lãnh đạo đứng đầu hệ thống chính quyền thực sự gương  mẫu, trong sạch, vượt qua những cám dỗ, gây dựng hệ thống chính quyền liêm chính.

Đặc biệt, với những mục tiêu được nêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó là có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực, nhiều người kỳ vọng tân Chủ tịch Hà Nội xây dựng được một bộ máy chính quyền trên  dưới đồng lòng với tinh thần kiến tạo, phục vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ phát triển mới.

Còn nữa, Hà Nội là mảnh đất ngàn năm văn hiến, hội tụ những nét văn hóa được hun đúc từ trí tuệ, đạo đức của nhiều thế hệ người Hà Nội và là sự kết tinh tinh hoa của cư dân mọi miền đất nước về Thủ đô, vậy nên, văn hóa Hà Nội phải gìn giữ được nếp sống thanh lịch của mảnh đất kinh kỳ.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và đô thị hóa, Hà Nội ngày nay rộng lớn hơn về diện tích, hiện đại hơn về hạ tầng, dân cư cũng đông hơn, nhưng nét văn hóa, thanh lịch ít nhiều lại kém xưa. Vì thế, không ít ý kiến bày tỏ kỳ vọng tân Chủ tịch Thủ đô thể hiện được tâm và tầm khi đưa ra những chính sách về văn hóa trong dài hạn, để cùng với sự phát triển về kinh tế, đô thị, Hà Nội vẫn giữ được những nét văn hóa đẹp của vùng đất ngàn năm văn hiến. 

Nhiều người cũng nói ông Thanh có lợi thế sức trẻ, có kinh nghiệm công tác qua nhiều lĩnh vực, có kinh nghiệm giải quyết những khó khăn, vì thế cũng kỳ vọng ở ông sự quyết liệt, đột phá trong giải quyết những vấn đề tồn tại của Thủ đô.

Và hơn cả, đó là kỳ vọng về một Hà Nội với chặng đường phát triển mới, kỳ vọng một người đứng  đầu chính quyền dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì sự phát triển của Thủ đô. Kỳ vọng một Chủ tịch mẫu mực, cống hiến, tạo ra sức bật, sự đột phá cho Thủ đô phát triển đồng bộ về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, đời sống. Đồng thời, cũng kỳ vọng tân Chủ tịch Hà Nội rốt ráo thực hiện các giải pháp tháo gỡ những vấn đề cản trở sự phát triển của thành phố, những chuyện dân tình bức xúc như ùn tắc giao thông, ngập úng, quy hoạch, để Hà Nội là một thành phố đáng sống, một thành phố xanh-sạch-đẹp.

Nguyễn Đăng Tấn 

MONG CHỦ TỊCH HÀ NỘI NHỚ: 'DANH DỰ MỚI LÀ ĐIỀU THIÊNG LIÊNG, 

CAO QUÝ NHẤT'

ĐỖ QUANG /VNN 23-7-2022


Cử tri Hà Nội phản hồi sau bài viết 'Tân Chủ tịch Hà Nội và những chuyện dân tình kỳ vọng' đã bày tỏ mong muốn ông Trần Sỹ Thanh đặt sự liêm chính trong sạch lên hàng đầu.

Sau bài viết "Tân Chủ tịch Hà Nội và những chuyện dân tình kỳ vọng" đăng ngày 22/7, cùng ngày HĐND TP Hà Nội bầu ông Trần Sỹ Thanh làm chủ tịch thành phố, bạn đọc Đỗ Quang nêu những mong đợi từ tân Chủ tịch Thủ đô. Báo VietNamNet giới thiệu bài viết thể hiện quan điểm riêng và những mong đợi của cử tri Đỗ Quang.  

Mong tân Chủ tịch Trần Sỹ Thanh hãy học phong cách của cố Chủ tịch Hà Nội Trần Duy Hưng, vị lãnh đạo mà người dân Hà Nội đến giờ vẫn mãi nhớ, mãi ghi công.

Tân Chủ tịch Hà Nội đừng để dân thất vọng như 2 cựu lãnh đạo Nguyễn Đức Chung và Chu Ngọc Anh, những người đứt gánh giữa đường, vướng vào lao lý.


Ông Trần Sỹ Thanh, tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Tôi nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: "Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất".

Tân Chủ tịch Hà Nội hãy thẩm thấu sâu sắc lời nhắn nhủ này để hành động cho xứng đáng với sự tin cậy của Trung ương, của người dân.

Hà Nội là Thủ đô, là nơi có nhiều dự án lớn, nhiều bạc tiền đầu tư, nhiều đất vàng, nếu bản lĩnh chính trị không vững vàng, dễ bị hoa mắt, dễ bị cám dỗ trong cơ chế thị trường.

Thế nên, người dân Hà Nội và cả nước kỳ vọng vào tân Chủ tịch hãy đặt sự liêm chính, trong sạch lên hàng đầu; thật sự "cần, kiệm, liêm, chính", "chí công vô tư", tâm huyết vì sự phát triển của thành phố, vì người dân. 

Người dân không chấp nhận sự vụ lợi của người đứng đầu. Bởi ở vị trí này chỉ tư lợi một, thì bên dưới sẽ tư lợi hàng trăm nghìn lần.

Việc trước mắt là lắng nghe dân, tháo gỡ nút thắt của hàng trăm dự án treo. Hà Nội đã mở rộng địa giới hành chính, phải rà soát lại quy hoạch, tháo gỡ vướng mắc, tạo sức bật để cho thành phố phát triển.

Tân Chủ tịch nên nhanh chóng có giải pháp với vấn đề xử lý rác thải, nước thải với công nghệ hiện đại, điều mà dân đang mong cháy lòng. Xin đừng lấp ao hồ, và có giải pháp tốt hơn với vấn đề môi trường sinh thái, đồng thời mở rộng và có thêm công viên cây xanh.

Hơn thế nữa, hãy siết lại đội ngũ cán bộ sở ngành, quận huyện, xã phường, chống chạy chọt, lót tay, phong bì, nhũng nhiễu dân tình mỗi khi người dân phải đến với các cơ quan công quyền.

Có nhiều việc đang chờ tân Chủ tịch Hà Nội và mong ở ông, kỳ vọng ở ông một bản lĩnh và hành động quyết liệt đã nói là làm, làm đến cùng.

Đỗ Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét