Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2022

20220710. TRANH LUẬN VỀ THAY CHỮ 'LIỆT SĨ VÔ DANH'

 ĐIỂM BÁO MẠNG


PHẢI ĐỔI TẤT CẢ CÁC BIA MỘ LIỆT SĨ 'VÔ DANH' THÀNH 'LIỆT SĨ CHƯA 

XÁC ĐỊNH ĐƯỢC THÔNG TIN'

DƯƠNG LIỄU-HÀ QUÂN/TT 5-7-2022

TTO - “Tất cả các bia mộ liệt sĩ còn ghi là "vô danh" đều phải khắc lại tên mới là "liệt sĩ chưa xác định được tên". Năm 2023 phải xong việc điều chỉnh thông tin trên bia mộ liệt sĩ”, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung nói.

Phải đổi tất cả các bia mộ liệt sĩ vô danh thành liệt sĩ chưa xác định được tên - Ảnh 1.


Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại cuộc gặp mặt - Ảnh: GIÁP TỐNG

Ngày 5-7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung có buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Quảng Trị về công tác lao động, người có công nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ.

Liên quan tới việc điều chỉnh thông tin trên bia mộ mà đoàn công tác tỉnh Quảng Trị kiến nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo cần thực hiện quyết liệt việc đổi tên bia mộ.

"Không liệt sĩ nào là vô danh, những liệt sĩ đều có tên tuổi, quê quán. Vì vậy việc ghi tên bia mộ cần nghiêm túc thực hiện, thống nhất tên trên những tấm bia này là "liệt sĩ chưa xác định được thông tin", không để "vô danh" nữa. 

Năm 2023 phải hoàn thành điều chỉnh thông tin 24.720 mộ liệt sĩ thống nhất theo mẫu tên, cùng một loại đá, làm đẹp, làm dày dặn, chữ khắc sâu", bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng yêu cầu quá trình triển khai tu sửa và khắc lại tên trên bia mộ liệt sĩ cần có sự bàn bạc với địa phương, đặc biệt không được để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng cho biết điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn nhưng những vấn đề như an sinh xã hội, chăm sóc người có công là một trong những ưu tiên của Quảng Trị. Cùng với ngân sách hỗ trợ của trung ương, ngân sách tỉnh cũng đã dành những khoản kinh phí tương đối đầy đủ cho các hoạt động an sinh xã hội.

Tuy nhiên, Bí thư Lê Quang Tùng cho biết, hiện người Quảng Trị di cư đi làm việc tại các địa phương khác khá lớn với hơn 70.000 người, trong đó chủ yếu lao động, làm việc tại các tỉnh phía Nam. Đợt COVID-19 bùng phát, chỉ trong thời gian ngắn đã có khoảng 30.000 lao động từ các tỉnh trở về quê. Ngân sách địa phương đã chi hỗ trợ để người dân ổn định cuộc sống.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao những bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổng sản phẩm GDP trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. "Kinh tế Quảng Trị bắt đầu từ văn hóa, du lịch của Quảng Trị cũng bắt đầu từ du lịch văn hóa, du lịch tâm linh… đây là hướng đi đúng.

Quảng Trị là vùng đất thiêng, mỗi mảnh đất là biết bao bom đạn, xương máu của chiến sĩ, đồng bào hy sinh. Điều này đã tạo nên giá trị văn hóa, sức mạnh của con người và vùng đất Quảng Trị. 

Những ngày tháng 7 người dân cả nước đến Quảng Trị không phải vì vấn đề kinh tế mà chính là về với văn hóa, bắt đầu từ tâm linh. Vì vậy Quảng Trị phải phát huy sức mạnh này", bộ trưởng nói.

NGUYÊN NHÂN PHẢI KHẮC LẠI  TOÀN BỘ NHỮNG BIA MỘ 'LIỆT SĨ VÔ DANH'

VIỆT LONG/ PLO 7-7-2022

(PLO)-  Cục Người có công cho biết việc đổi tên bia mộ “liệt sĩ vô danh” được nêu rất rõ trong Nghị định 131/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Tại cuộc làm việc mới đây với Quảng Trị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chỉ đạo địa phương này cần thực hiện quyết liệt việc đổi tên bia mộ. Ông nói:“Không liệt sĩ nào là vô danh, những liệt sĩ đều có tên tuổi, quê quán. Vì vậy việc ghi tên bia mộ cần nghiêm túc thực hiện, thống nhất tên trên những tấm bia này là “liệt sĩ chưa xác định được thông tin”, không để “vô danh” nữa. Năm 2023 phải hoàn thành điều chỉnh thông tin 24.720 mộ liệt sĩ thống nhất theo mẫu tên, cùng một loại đá, làm đẹp, làm dày dặn, chữ khắc sâu”.
Nguyên nhân phải khắc lại toàn bộ những bia mộ “liệt sĩ vô danh” ảnh 1

Quy tập hài cốt liệt sĩ ở Đồng Nai.

Trước thông tin này, một số ý kiến trên các trang mạng xã hội cho rằng việc thay đổi nội dung bia mộ liệt sĩ là không cần thiết và tốn kém.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc này, lãnh đạo Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết việc đổi tên đã được nêu rất rõ ràng trong Nghị định 131/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Cụ thể, khoản c, điều 152 về quản lý, chăm sóc công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ có quy định trên bia mộ liệt sĩ phải ghi thống nhất họ và tên, ngày sinh… “trường hợp không có thông tin thì trên bia mộ ghi “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.

Bàn thêm về việc đổi nội dung bia mộ liệt sĩ, ông Hoàng Công Thái, nguyên Cục trưởng Cục Người có công, cho rằng việc thay đổi tên bia mộ liệt sĩ vô danh được bàn từ lâu, vì có ý kiến cho rằng để vô danh là “hơi vô cảm’, vì liệt sĩ nào cũng có tên tuổi, địa chỉ, gia đình, quê quán...

“Những liệt sĩ này chưa xác định được thông tin chứ không phải vô danh. Do vậy trên bia mộ ghi “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” sẽ chính xác hơn”- ông Hoàng Công Thái nói.

Cũng theo ông Thái, việc đổi nội dung trên bia mộ có hai ý nghĩa. Một là đúng bản chất không có liệt sĩ nào vô danh, hai là sẽ thúc đẩy trách nhiệm phối hợp tìm kiếm thông tin liệt sĩ.

VL

BỘ TRƯỞNG ĐÀO NGỌC DUNG HIỂU SAI HAI CHỮ 'VÔ DANH'

THÁI HẠO /TD 6-7-2022


[Bản này và bản trên báo Nông nghiệp có chút sai khác. Tinh thần chung là để ngăn cái dốt phát tán và gây hại bởi lòng nhiệt tình của nó].
“Liên quan tới việc điều chỉnh thông tin trên bia mộ mà đoàn công tác tỉnh Quảng Trị kiến nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo cần thực hiện quyết liệt việc đổi tên bia mộ. "Không liệt sĩ nào là vô danh, những liệt sĩ đều có tên tuổi, quê quán. Vì vậy việc ghi tên bia mộ cần nghiêm túc thực hiện, thống nhất tên trên những tấm bia này là "liệt sĩ chưa xác định được thông tin", không để "vô danh" nữa” (Dẫn theo TTO).
Chúng tôi lấy làm lạ vì sự chỉ đạo này! Việc “ra lệnh” đổi tất cả những bia đề “vô danh” thành "liệt sĩ chưa xác định được thông tin" là do đâu? Hãy bắt đầu từ việc tra từ điển.
Hán-Việt từ-điển của Đào Duy Anh ghi:
“Vô danh – Không có tiếng tăm gì = Ẩn-náu, người ta không biết đến, không có tên mà kêu”.
“Vô danh anh hùng – Hạng người anh hùng mà người đời không biết đến họ tên, như quân lính ở chiến trường, lao-công ở trong xã-hội, học-sinh ở trong đám thiếu-niên: đều gọi là vô danh anh hùng”.
Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên), ghi:
“vô danh t. 1- Không có tên tác giả, không biết cụ thể là của ai. Tác phẩm vô danh. 2- Không ai hoặc không mấy ai biết đến tên tuổi. Người anh hùng vô danh”.
Như vậy, cả từ điển Hán-Việt lẫn từ điển tiếng Việt hiện đại đều ghi nhận rằng “vô danh” có hai nghĩa cơ bản là “không có tên”/ “không biết tên” và “không ai biết đến tên tuổi” – chứ không phải chỉ là “không có tên tuổi, quê quán” như cách mà bộ trưởng Đào Ngọc Dung hiểu.
Trong thực tế nói năng, “vô danh” vẫn được dùng theo nghĩa thứ hai một cách phổ biến hơn nghĩa thứ nhất. Chữ “danh” có nghĩa là “tiếng tăm”, là “danh tiếng”, là “nổi tiếng”, là được nhiều người biết đến. Danh nhân, danh gia, danh hão, danh thơm, danh bất hư truyền, vô danh tiểu tốt… là đều dùng theo nghĩa này (tiếng tăm).
Một ví vụ khác: nhà Phật khi nói tới “ngũ dục” cũng có chữ “danh” này (tài, sắc, danh, thực, thùy). Nó hoàn toàn không phải là “tên/họ tên”, mà là “danh tiếng”/ “tiếng tăm”. Lòng ham muốn nổi tiếng (danh) là một món trong ngũ dục (5 thứ ham muốn).
Khi nói hoặc ghi là “vô danh” trên bia mộ liệt sĩ thì cái nghĩa không/ không biết tên tuổi chỉ là một thông tin; quan trọng hơn là nó nhấn mạnh vào nghĩa thứ hai: sự thầm lặng, sự hi sinh không cầu danh lợi, không cầu báo đáp... Đó là một cách ca ngợi những người liệt sĩ, chứ không phải hạ thấp hay coi thường!
Năm 1946 Phạm Duy sáng tác ca khúc “Chiến sĩ vô danh” rất nổi tiếng để ca ngợi những người lính chống Pháp. Hai năm sau, năm 1948, Trần Kiết Tường viết một ca khúc cùng tên và cũng với nội dung tôn vinh. Ở Nga và một số nước Đông Âu có tượng đài liệt sĩ vô danh, tưởng niệm các chiến sĩ hi sinh trong chiến tranh chống Phát-xít.
Trong tác phẩm “Đất nước”, Nguyễn Khoa Điềm khi ca ngợi nhân dân anh hùng, đã viết: Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ làm ra đất nước. Có thể dùng chữ “vô danh” để thay cho ý thơ này.
Như thế, “vô danh” dùng để chỉ những người hiến thân cho sự nghiệp vĩ đại nhưng không để lại tên tuổi. Và vì thế mà họ trở nên vĩ đại!
Từ chỗ hiểu lầm nghĩa của hai chữ “vô danh”, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đã ra một cái lệnh có thể gây tốn kém không cần thiết; mà xét về ý nghĩa và “sự trong sáng của tiếng Việt” thì không đảm bảo được. Đó là chưa nói tới sự dài dòng, rườm rà và thiếu hẳn đi vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt.
Xin được nhắc lại, trong trường hợp này, “vô danh” là một cách ngợi ca, là sự trân trọng và biết ơn; nó hoàn toàn không có ý coi thường, càng không làm mất đi giá trị và sự trân trọng đối với những đóng góp của các liệt sĩ trong lòng nhân dân và hậu thế. Dùng “vô danh” là vừa bao hàm cái ý “chưa xác định được thông tin”, mà hơn nữa còn chuyển tải rất nhiều ý nghĩa cao đẹp khác.
Tóm lại, trong ngữ cảnh này việc đổi tên, đổi bia là không cần thiết, nếu không nói là sẽ gây phản cảm và tốn kém vô ích; lại làm hỏng cả tiếng Việt – vốn đang bị hủy hoại một cách khốc liệt.
TH
THƯA ANH BỘ TRƯỞNG
LÊ HUYỀN ÁI MỸ/ TD 6-7-2022

“Cần thay chữ “Liệt sĩ vô danh” thành “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin” trên bia mộ liệt sĩ. Đây là việc làm vì lương tâm, trách nhiệm, danh dự với thế hệ trước chứ không phải vì thành tích” - là chỉ đạo của ông Bộ trưởng Đào Ngọc Dung từ năm 2020. Nay ông tiếp tục chỉ đạo “quyết liệt thực hiện việc đổi tên bia mộ”, “… cùng làm một loại đá, làm đẹp, dày dặn, chữ khắc sâu, rõ ràng” - lời ngài bộ trưởng.
Đã gắn lên hai chữ “liệt sĩ” là bao hàm sự hy sinh vì đất nước, dân tộc. Chẳng ai suy diễn đằng sau hai chữ “vô danh” ấy theo nghĩa tầm thường, thấp kém, vô ơn cả. Mà ngược lại, đã hơn 47 năm hay dài hơn thế, đất nước này vẫn còn hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ vô danh, nó như một vết thương chưa kịp lành, nó hằn lên cái giá của hòa bình, độc lập, nó là lời tố cáo chiến tranh đanh thép.
Cái danh vị ấy - dẫu có là “vô danh” do chưa tìm ra được tên tuổi đích xác thì lẽ sống cao quý của những con người đang yên nghỉ dưới lòng đất cũng là sự hữu danh với lòng biết ơn đời đời. Lương tâm, trách nhiệm của hậu sinh là tiếp tục hành trình đi tìm đồng đội, là bù đắp cho người còn sống trở về, người thân của người nằm xuống có được cuộc sống no ấm; là chung tay xây đắp cho một xã hội giàu đẹp, văn minh, tiến bộ như những người đi trước mong mỏi.
Chứ nó không nằm trong mấy viên đá đẹp, dày dặn, khắc chữ sâu với cũng bấy nhiêu nội dung. Chỉ tổ thêm tốn kém. Tiền lo cho người sống còn thiếu lên hụt xuống, cả nước, riêng gói hỗ trợ tiền thuê nhà trong cơn bạo bệnh Covid-19 mới vỏn vẹn giải ngân hơn… 1%, ở đó mà lo “đục đẽo” mộ bia.
Khi tôi đến bảo tàng Hermitage (St. Petersburg - Nga), có một phòng trưng bày hình của các vị tướng lĩnh đã hy sinh trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại. Có những ô bị bỏ trống. Người hướng dẫn viên già giải thích: do chưa tìm ra tên tuổi chính xác, nhưng biết là có người đã hy sinh trong trận chiến ấy, giai đoạn ấy nên chúng tôi vẫn để dành những ô trống để ngầm tôn vinh họ.
Khi tôi có dịp về nghĩa trang Trường Sơn, trước hàng ngàn bia mộ liệt sĩ vô danh, hữu danh, tôi chỉ biết lặng thinh. Một lời xin lỗi và biết ơn. Xin lỗi bởi mình đã sống trên sự chết của họ. Biết ơn bởi cái chết của họ mang lại sự sống cho người sau.
Khi tôi ghé thăm chùa Ba Đồn, Huế, trong không gian u tịch, chỉ biết gửi một lời nguyện cầu đến bao vong linh trong Ngày thất thủ kinh đô; và đi ngang qua những điểm mà tôi từng nghe kể, là nơi còn lưu dấu của những ngày Huế tang tóc Mậu Thân, dừng lại lâu hơn, chẳng biết là ai, vì ai thì cũng cần một lời sám hối.
Nhớ, hồi năm 2018, dư luận cả nước bùng lên khi Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội công bố quy hoạch xây dựng nghĩa trang cho cán bộ cao cấp với kinh phí lên tới 1.400 tỷ đồng. Sống, lại sống dưới nhãn cán bộ cao cấp, cái để lại là lo được gì cho dân, giúp được gì cho nước, ở đó mà lo cho cả phần mình khi chết, đến chết cũng còn… độc tôn, độc địa - là nghĩa địa của một mình ấy!
Sao đã thi nhau noi gương mà lại không chịu học và hành theo di huấn của Người: “tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi… Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn… Trên mộ nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp” (Trích Di chúc Hồ Chủ tịch, bản ghi ngày 15.5.1965 - NXB Công an Nhân dân).
Chết là hết. Sống mới là còn. Cái làm được khi sống thì sẽ còn, sẽ lưu danh cho dù… “vô danh”.
Bằng ngược lại, cũng làm nhưng làm ngược ngạo, gây tốn kém vô tích sự thì chỉ có ô danh, thưa anh trưởng bộ!
LHAM

'VÔ DANH' VÀ 'CÓ DANH'
NGUYỄN NGỌC CHU/TD 7-7-2022

1. ‘CÓ DANH’ NHỜ ‘VÔ DANH’
Khi đại diện Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đi thăm các nước Châu Phi sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thì được nhiều nơi chào đón vang lên khẩu hiệu: Hồ Chí Minh Giáp Giáp!
Hồ Chí Minh Giáp Giáp là có danh. Vô danh là hàng vạn chiến sĩ đã ngã xuống, biết tên và không biết tên. Hàng triệu người nông dân làm nên lúa gạo, hàng vạn dân công thồ lương thực ra mặt trận, hàng vạn chiến sĩ và sĩ quan xung trận, tất cả những người đã góp sức làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, họ còn sống, có tên, nhưng vô danh.
Tại các lễ kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, những người được xướng tên trên lễ đài là có danh. Vô danh là những người không được xướng tên, chết và sống.
Trước mộ liệt sĩ, ‘vô danh’ là sự thiêng liêng, ‘vô danh’ là sự hy sinh thầm lặng, ‘vô danh là công lao không được xướng lên. Từ ngàn, vạn, triệu ‘vô danh’ mà làm nên ‘có danh’. Bởi thế trước đài tưởng niệm liệt sĩ vô danh luôn có những cảm xúc khác biệt so với đứng trước mộ liệt sĩ có tên.
‘Vô danh’ không chỉ là chưa biết tên. ‘Vô danh’ khác với ‘khuyết danh’. ‘Vô danh’ hoàn toàn không phải là “chưa xác định được thông tin”.
Lấy cái hiểu biết của mình để đo cái hiểu biết của thiên hạ là lỗi lầm lớn. Ở vị trí lãnh đạo của một ngành, một đất nước mà lấy cái hiểu biết của mình để sửa cái hiểu biết của thiên hạ thì đó là tai hoạ.
Trong tâm linh người Việt, với những người đã khuất, phải làm sao để “mồ yên mả đẹp”. Nhất là phải tránh làm động đến mồ mả.
Trên cả nước có cả trăm ngàn mộ liệt sĩ vô danh. Hãy để cho các liệt sĩ yên nghỉ. Đừng thức họ dậy vì mấy từ tối nghĩa. Hãy dùng hàng trăm tỷ đồng đó để tặng cho gia đình các liệt sĩ vô danh, thì linh hồn của người khuất chẳng những được an ủi mà người sống cũng được vui lòng.
2. TỪ ‘VÔ DANH’ ĐẾN ‘CÓ DANH’
Trong thể thao có thể thức ‘Mở rộng’. ‘Mở rộng’ không phải chỉ là cho người nước ngoài tham gia thi đấu. Mục đích chính của ‘Mở rộng’ là dành cho ‘vô danh’.
Tất cả những vận động viên ‘có danh’, theo các phạm trù đã được quy định, chẳng hạn như: các cựu vô địch, quán quân các giải đấu lớn, top 50 của bảng xếp hạng thế giới…thì được quyền tự động tham dự. Còn đối với ‘vô danh’ thì được dành cho các suất qua cửa ‘trường đấu loại’. Những người ‘vô danh’ vượt qua ‘trường đấu loại’ thì giành được quyền thi đấu sòng phẳng với các vận động viên đã ‘có danh’. Nhờ cửa “Mở rộng” mà tài năng không bị bỏ sót. Kẻ ‘vô danh’ thắng kẻ ‘có danh’ mà thành danh.
Bầu cử ở nhiều nước chịu ảnh hưởng của thể thức ‘Mở rộng’. Thí dụ như để trở thành ứng cử viên tổng thống chỉ cần thu đủ một lượng x% chữ ký của cử tri là được tham dự, không cần quan tâm đến chức vụ đã đảm nhiệm, hay phải nhờ đến giới thiệu của các tổ chức đoàn thể. Thể thức ‘Mở rộng’ loại bỏ khả năng kẻ đương chức cản trở các đối thủ giỏi tham gia tranh giành quyền lãnh đạo. Thể thức ‘Mở rộng’ không bỏ sót người tài.
Nếu bầu cử ở nước ta tuân theo thể thức ‘Mở rộng’ thì hàng vạn ‘vô danh’ sẽ trở thành ‘có danh’. Khi đó sẽ không bao giờ còn trường hợp thay ‘vô danh’ bằng ‘chưa xác định được thông tin’. Khi đó đất nước chắc chắn sẽ phát triển kỳ diệu.
NNC

TỪ 'GIẤY NHÁP NẶC DANH' ĐẾN 'LIỆT SĨ VÔ DANH'
MAI BÁ KIẾM/ TD 7-7-2022

“Vô danh” và “nặc danh” là hai từ Hán Việt được người Việt dùng lâu đời, có nghĩa “không tên” và “giấu tên”, được dùng quen thuộc như “chiến sĩ vô danh”, “lá thư nặc danh”… nhưng tại sao Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sửa bia mộ “Liệt sĩ vô danh” thành “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”?
Số là năm 2006, Đào Ngọc Dung (là bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn) thi tuyển nghiên cứu sinh tại Học viện Hành chính quốc gia. Tất cả thí sinh cùng phòng thi đều sử dụng giấy nháp có chữ ký của giám thị tại phòng thi, riêng Đào Ngọc Dung viết trên giấy nháp không có chữ ký của giám thị, tức “giấy nháp nặc danh”, đồng nghĩa “giấy nháp chưa được xác định thông tin”.
Trời bất dung gian, bà Nguyễn Thị Hà - cán bộ thanh tra Bộ GD&ĐT, vào phòng thi kiểm tra ngẫu nhiên, đã lập biên bản Đào Ngọc Dung vi phạm quy chế thi tuyển, vì sử dụng giấy nháp không có chữ ký của giám thị, kỷ luật cảnh cáo! Tuy Dung đếch thèm ký tên vào biên bản, tức biên bản “nặc danh người vi phạm”, nhưng Hội đồng chấm thi vẫn trừ 50% số điểm của “môn thi hành chính công”.
Nhờ vậy, mà bộ trưởng Dung không phải là GS.TS hành chính công! Từ đó, Đào Ngọc Dung rất ác cảm với hai từ “nặc danh”, “vô danh”, đến khi có cơ hội làm “tư lệnh ngành Lao Xã” liền đổi bia “liệt sĩ vô danh” thành “liệt sĩ chưa xác định được thông tin”! Nếu sau này luân chuyển về làm bộ trưởng Tư pháp, Đào Ngọc Dung sẽ sửa giấy khai sinh nào ghi ở mục “Họ và Tên cha: Vô danh” thành “Cha chưa xác định được thông tin”.
Khi cấm bài hát “Con đường xưa em đi” của Châu Kỳ, ông Nguyễn Đăng Chương (cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn) hỏi khôn: “Chiến trường anh bước đi” là chiến trường nào?” Bắt chước ông Chương, xin hỏi ngu: "Liệt sĩ chưa xác minh được thông tin" là thông tin nào? Thông tin nhân thân, thông tin sự nghiệp cách mạng, hay thông tin chiến trường? Dịch ra tiếng Việt vừa dài dòng vừa tối nghĩa thì dịch làm chi?
Muốn xác minh thông tin của liệt sĩ thì phải học cách làm của quân đội Mỹ. Mỗi người lính đeo một sợi dây chuyền và 2 thẻ bài làm bằng thép không gỉ. Thẻ bài chỉ ghi họ tên, số quân và nhóm máu. Khi người lính bị thương mất nhiều máu, sau khi cầm máu BS quân y bảo sĩ quan trung đội trưởng tìm những quân nhân cùng nhóm máu với anh lính bị thương để lấy máu và truyền máu tại chỗ.
Nếu lính chết trong lúc thua trận, không thể lấy xác, trung đội trưởng phải lấy một thẻ bài, thẻ còn lại nhét vô họng người lính chết. Nếu để thẻ bài mang ở cổ thì khi cột sống mục thẻ bài sẽ nằm một nơi, hộp sọ nằm một chỗ.
Nếu đoàn quân thua tháo chạy, không kịp lấy thẻ bài của lính chết về nộp, thì ghi tên người lính chết vào danh sách “mất tích”.
Nhờ quản lý khoa học, từ năm 1973 Mỹ đã thống kê có 1973 quân nhân mất tích (chết không lấy được thẻ bài), cho đến 30/6/2022, Mỹ và VN có 147 lần tìm kiếm chung và 158 lần trao trả trên 1.000 bộ hài cốt. Việc truy xét danh tính tử sĩ Mỹ không khó, nhưng hài cốt nào chưa xác định danh tính, họ vẫn để vô danh, không dài dòng né tránh!
MBK

QUYỀN HẠN LỚN, NĂNG LỰC NHỎ-LÀM VIỆC NHỎ CŨNG GÂY
HẠI LỚN
PHẠM ĐÌNH TRỌNG/ TD 8-7-2022

Liệt Sĩ Vô Danh không phải chỉ là hàng chữ vô hồn ghi trên tấm bia mộ xi măng trong nghĩa trang để những hiểu biết nông cạn, những tâm hồn thô thiển muốn tuỳ tiện vứt bỏ, thay đổi hàng chữ đó thế nào cũng được.
Liệt Sĩ Vô Danh là lời thì thầm, nghẹn ngào, xót xa, ngẩn ngơ, thảng thốt của mọi người Việt Nam khi đứng trước hàng hàng, lớp lớp những tấm bia rưng rưng hàng chữ Liệt Sĩ Vô Danh trong nghĩa trang Liệt Sĩ Trường Sơn, nghĩa trang Liệt Sĩ Đường 9, nghĩa trang Liệt Sĩ Vị Xuyên, nghĩa trang Liệt Sĩ trên đồi 82, Tân Biên, Tây Ninh...
Liệt Sĩ Vô Danh là lời sâu thẳm của hồn nước Việt Nam. Là lời vang vọng, bền bỉ và da diết của lịch sử Việt Nam.
Lịch sử Việt Nam được viết bằng máu của lớp lớp thế hệ người Việt đánh giặc giữ nước. Khi ngã xuống có người đầy đủ hồ sơ nhân thân nhưng nhiều người không để lại một cái tên. Thơ Lê Anh Xuân:
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường.
Những người Việt đánh giặc giữ nước ngã xuống, máu của những người có tên và máu những người lịch sử chưa biết tên đều thấm vào đất đai làm nên sức sống, làm nên hồn thiêng sông núi, làm nên dáng đứng Việt Nam. Nhưng nấm mộ mang hàng chữ Liệt Sĩ Vô Danh tạo cho người tưởng niệm cảm xúc mạnh mẽ hơn để nhận ra cuộc sống có ý nghĩa cao cả, rộng lớn, thăm thẳm hơn.
Có danh là một con người cụ thể, hữu hạn. Vô danh là con người trừu tượng, khái quát, là số nhiều, là thầm lặng quên mình, là khái niệm về cái lớn lao, cao cả, như khái niệm về Tổ Quốc, về Nhân Dân, về sự vô cùng, vô tận.
Trước nấm mồ liệt sĩ có danh, người đang sống mắc nợ với một nghĩa cả. Trước nấm mồ Liệt Sĩ Vô Danh, người đang sống mắc nợ với muôn vàn nghĩa cả. Nghĩa trang Liệt Sĩ thành phố Đà Lạt được phủ một loại cỏ cũng có tên là Cỏ Vô Danh. Năm 1981, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ khi viếng nghĩa trang Liệt Sĩ thành phố Đà Lạt, viết:
Người vô danh, cỏ cũng vô danh
Nhưng tôi biết suốt đời tôi mắc nợ
Liệt Sĩ Vô Danh có từ trong xa thẳm lịch sử dựng nước và giữ nước Việt Nam. Có từ trước khi có chữ Việt Hán Nôm do Hàn Thuyên sáng tạo. Có từ trước khi các giáo sĩ phương Tây tạo ra chữ Việt La tinh để hôm nay trên bia mộ có hàng chữ Việt La tinh Liệt Sĩ Vô Danh
Những người lính chết vùi xác dưới đáy sông Thạch Hãn ở Quảng Trị, dưới đáy sông Lòng Tàu ở Rừng Sác, Cần Giờ, Sài Gòn, dưới đáy biển Gạc Ma, Trường Sa... Trên sóng nước không thể có bia mộ tất nhiên không có tên tuổi nhưng những hồn thiêng trên sóng nước mãi mãi tồn tại trong lịch sử, trong tâm khảm, trong thương nhớ của mọi người Việt Nam với tên gọi: Liệt Sĩ Vô Danh.
Ở nhiều nước trên thế giới không phải chỉ có bia mộ khắc chữ Liệt Sĩ Vô Danh mà còn có tượng đài mang hàng chữ vàng Liệt Sĩ Vô Danh, quảng trường đắp nổi hàng chữ đá Liệt Sĩ Vô Danh với ngọn lửa vĩnh cửu như hồn thiêng của Liệt Sĩ Vô Danh mãi mãi tồn tại cùng quê hương, đất nước.
Bất kì đâu trên thế giới có chiến tranh là có Liệt Sĩ Vô Danh. Từ trong xa thẳm lịch sử nhân loại, hàng chữ Liệt Sĩ Vô Danh đã khắc vào bia đá ở Việt Nam, đã khắc trên tượng đài, khắc nơi ngọn lửa vĩnh cửu, khắc trong tình cảm, trong trái tim con người trên khắp thế giới. Liệt Sĩ Vô Danh đã là từ ngữ ổn định bền vững có giá trị lịch sử, giá trị văn hoá, giá trị tâm linh trong ngôn ngữ Việt Nam và ngôn ngữ nhiều dân tộc trên thế giới.
Nay bỗng phải ngày trái gió trở trời người dân Việt Nam phải sững sờ nhận một tin hãi hùng từ truyền thông: "Các bia mộ liệt sĩ còn ghi là Vô Danh đều phải khắc lại là Liệt Sĩ Chưa Xác Định Được Thông Tin. Năm 2023 phải hoàn thành việc điều chỉnh thông tin này".
Liệt Sĩ Chưa Xác Định Được Thông Tin là sự lủng củng, ngớ ngẩn, trần trụi của ngôn ngữ làm mất đi sự lung linh, huyền ảo sử thi của sự cống hiến, hi sinh. Mất đi cái trang trọng của lòng thành kính. Mất đi vẻ đẹp cổ điển của từ ngữ Liệt Sĩ Vô Danh.
Liệt Sĩ Vô Danh gây xúc động, mở ra giá trị cuộc sống lớn lao, cao cả bao nhiêu thì Liệt Sĩ Chưa Xác Định Được Thông Tin của ngôn ngữ vô hồn làm cho giá trị cuộc sống cũng tầm thường bấy nhiêu. Liệt Sĩ Chưa Xác Định Được Thông Tin hữu hạn đến nhỏ bé. Liệt Sĩ Vô Danh mở ra sự vô hạn, vô cùng,
Với lệnh ban ra từ cấp Chính phủ, từ nay trên cả nước những tượng đài tưởng niệm những linh hồn sống mãi với non sông đất nước mang hàng chữ sử thi lung linh huyền thoại Liệt Sĩ Vô Danh sẽ phải bỏ hàng chữ cao cả Liệt Sĩ Vô Danh thay bằng hàng chữ chỉ để đưa thông tin vụ việc tầm thường: Liệt Sĩ Chưa Xác Định Được Thông Tin.
Ai ban cái lệnh quái gở phải đổi Liệt Sĩ Vô Danh thành Liệt Sĩ Chưa Xác Định Được Thông Tin? Thì ra là lệnh của ông Bộ trưởng xuất thân từ tổ chức đoàn thanh niên đã bị báo chí cả nước bêu tên trong vụ lùm xùm mờ ám thi cử khi anh cán bộ đoàn ham hố, bon chen quyền lực phải thi tuyển vào trường Hành Chính quốc gia kiếm mảnh bằng để hoàn chỉnh hồ sơ của quan chức cấp nhà nước. Mờ ám thi cử không chỉ là bộc lộ của nền tảng văn hoá mà còn là nhân cách.
Văn hoá và nhân cách đó leo lên đến Bộ trưởng rồi lệnh cho cả nước phải gấp gáp thay bia Liệt Sĩ Vô Danh thành bia Liệt Sĩ Chưa Xác Định Được Thông Tin thì càng lòi ra nền tảng văn hoá hạn hẹp, kiến thức xã hội nông cạn của ông Bộ trưởng xuất thân từ tổ chức đoàn, tổ chức cánh tay của đảng. Cánh tay thì chỉ là cơ bắp, phải có người cầm tay chỉ việc. Văn hoá và nhân cách đó, ông Bộ trưởng không nhìn ra việc, không làm được những việc đúng tầm có ích cho dân cho nước, chỉ thấy những việc sự vụ, quẩn quanh, chỉ làm những việc có hại.
Thay bia Liệt Sĩ Vô Danh bằng bia Liệt Sĩ Chưa Xác Định Được Thông Tin chỉ là việc nhỏ nhưng ở tầm quốc gia nên gây hại vô cùng lớn cả về kinh tế và văn hoá. Thiệt hại kinh tế chỉ nhất thời. Thiệt hại văn hoá mới vô cùng lớn lao và sâu xa.

BỐN TIẾNG 'LIỆT SĨ VÔ DANH' THIÊNG LIÊNG VÔ CÙNG, SAO PHẢI ĐỔI ?
THÀNH HUẾ/VNN 10-7-2022

Các liệt sĩ ngã xuống lòng đất mẹ, hóa thân thành Tổ quốc. Bốn tiếng "liệt sĩ vô danh” giản dị mà linh thiêng vô cùng.

Hơn 20.000 bia mộ “liệt sĩ vô danh” đã được tỉnh Quảng Nam đổi thành “liệt sĩ chưa xác định được thông tin” (Hơn 20.000 bia mộ được xóa tên 'vô danh' ở Quảng Nam)

Chi phí đặt mặt bia, thuê nhân công, ráp vào sẽ tốn 300 nghìn đồng/phần mộ. Ngân sách nhà nước đã chi khoảng 6 tỷ đồng để Quảng Nam thực hiện việc này. 

Hiện nay, trên cả nước còn gần 300.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin về tên, tuổi, quê quán. Bộ LĐ-TB&XH đang quyết liệt chỉ đạo tất cả các bia mộ liệt sĩ còn ghi là "vô danh" đều phải khắc lại tên mới là "liệt sĩ chưa xác định được tên". 


Bia mộ Liệt sĩ vô danh ở Quảng Nam đã được đổi thành "Liệt sĩ chưa xác định được thông tin'

Về vấn đề đổi tên trên bia mộ “liệt sĩ vô danh” thành ‘liệt sĩ chưa xác định được tên”, độc giả Hoàn Dân bày tỏ: “Hãy cứ để những chiến sĩ dũng cảm hy sinh ấy được mang bia mộ Liệt sĩ vô danh, vì họ đã cùng nhau hóa thân vào non sông, đất nước này. Họ còn lưu danh mãi với lịch sử”.

“Những liệt sĩ không để lại danh tính được mọi người tưởng niệm với tâm thành kính là ''liệt sĩ vô danh'', từ trước tới nay không có gì thất kính. Nay, bia mộ họ lại được đổi tên ''liệt sĩ chưa xác định thông tin'', điều này đồng nghĩa là ''sẽ xác định thông tin'', vậy lúc nào sẽ ''xác định'' được?”, bạn đọc Khả Lửng Lê Nguyễn nêu quan điểm.

Bạn đọc Lê Hùng cho hay: “Cá nhân tôi thích tên bia mộ cũ hơn, vì nó mang ý nghĩa thiêng liêng. Dòng chữ "Chưa xác định được thông tin" chỉ nên để trong văn bản, không nên khắc lên bia mộ. Các cơ quan chức năng nên làm khảo sát, lấy ý kiến của các lão thành cách mạng, thân nhân liệt sĩ, lãnh đạo ở các địa phương trên cả nước”.

Còn bạn đọc Khanh Lê viết: “Bốn tiếng liệt sĩ vô danh bình dị mà linh thiêng sâu sắc, sao chúng ta phải đổi lại?”.

“Ý nghĩa của từ Liệt sĩ vô danh không sai vì được hiểu rằng do chưa xác định được tên của liệt sĩ chứ không phải là liệt sĩ đang nằm trong nấm mộ không có tên. Theo tôi, chúng ta chỉ sửa lại tên trong trường hợp đã xác định chính xác tên của liệt sĩ, còn không thì vẫn nên để nguyên”, bạn Si Tran Van bày tỏ quan điểm.

Ngân sách nên dành cho việc thiết thực hơn

Bạn đọc Quý Lê cho rằng, hãy để số tiền sửa bia mộ đó cho những việc có ý nghĩa, thiết thực hơn. “Liệt sĩ vô danh là liệt sĩ chưa xác định được tên, ai cũng hiểu một cách trân trọng như thế, không nên cố tình hiểu theo các nghĩa khác để rồi tiêu tốn ngân sách”, bạn đọc bày tỏ.


Học sinh thắp nến tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Quỳnh Anh

“Gọi thế nào không quan trọng, điều quan trọng hơn là chúng ta hãy khắc ghi sự hy sinh cao cả của những người đã giành lại độc lập cho đất nước và dành sự quan tâm, chia sẻ nhiều hơn nữa đến thân nhân của người đã khuất”, bạn Văn Khoa Nguyễn viết. 

Đồng quan điểm, bạn Bình Nguyễn, Nhân Ái cho rằng, số tiền đó hãy để chăm lo cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình người có công, những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét