Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2022

20220716. QUANH ĐỀ XUẤT MIỄN HỌC PHÍ CHO HỌC SINH THCS (2)

 ĐIỂM BÁO MẠNG


MỪNG VÌ ĐỀ XUẤT MIỄN HỌC PHÍ NHƯNG LO CÁC KHOẢN PHỤ THU 

'RÌNH RẬP' TĂNG

HẢI PHƯỢNG/ GDVN 15-7-2022

GDVN- Nhiều phụ huynh bày tỏ sự vui mừng trước đề xuất miễn học phí, cũng có không ít những bậc phụ huynh cảm thấy lo ngại vì nguy cơ nhiều khoản phụ thu khác tăng.

Ngày 4/7, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh trung học cơ sở trên toàn quốc từ năm học 2022-2023. Trước thông tin này, nhiều phụ huynh có con đang theo học trung học cơ sở tỏ ra vui mừng.

Chị Đặng Tuyết Mai (52 tuổi, Thái Bình) là phụ huynh có 2 con đang theo học trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Thái Bình chia sẻ: “Dù vẫn biết đây mới chỉ là đề xuất nhưng tôi cảm thấy rất vui. Học phí 1 năm của các con không nhiều, nếu ở thành phố thì vài trăm nghìn đồng tiền học phí chẳng đáng bao nhiêu nhưng với gia đình tôi có 2 đứa con tuổi sát nhau (một cháu lớp 8, một cháu lớp 6) thì lại là câu chuyện khác".

"Nếu học phí được miễn, tôi có thể dùng số tiền đó mua thêm quyển vở, cái bút cho các con hay mua thêm đàn gà, đàn vịt nuôi lớn để bán kiếm đồng ra đồng vào thì kinh tế gia đình cũng phần nào bớt khó khăn”, chị Mai tâm sự.

Cũng đồng tình với vấn đề này, chị Đào Thị Hương (40 tuổi, Hưng Yên) hy vọng đề xuất sẽ sớm được thông qua.

“Đề xuất miễn học phí thực sự giúp tôi “dễ thở” hơn khi đứng trước hàng loạt những thông tin về việc tăng giá sách giáo khoa, tăng mức học phí khi năm học mới đang cận kề. Tôi thấy đề xuất này thực sự là tin vui cho hàng triệu gia đình đang có con em độ tuổi ăn học.

Số tiền miễn học phí đối với một học sinh có thể không lớn nhưng sẽ làm giảm gánh nặng đối với người có thu nhập thấp, những gia đình có điều kiện kinh tế còn khó khăn đặc biệt trong thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành suốt 2 năm qua, tôi thấy đề xuất này của Bộ Giáo dục và Đào tạo rất nhân văn”, chị Hương nói.

Học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tông Quai, Hưng Hà, Thái Bình. (Ảnh: Cao Việt Hà)

Có thể coi việc miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở như một cây cầu nối cho cơ hội học tập của nhiều học sinh đặc biệt là các em ở vùng sâu vùng xa.

Miễn học phí có xảy ra hiện tượng lạm thu?

Đan xen giữa niềm vui khi con em mình sắp tới sẽ được miễn học phí, không ít phụ huynh lo lắng nhà trường sẽ lại “vẽ” ra nhiều khoản thu khác.

Trước những lo ngại này, trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện đang là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thừa nhận rằng, mức học phí không đáng là bao so với các khoản thu như tự nguyện, phụ phí ở nhiều trường hiện nay.

“Việc thu phụ phí cần phải có sự quy định của Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo thì mới có thể hạn chế được. Tình trạng thu quá nhiều phụ phí trong trường theo tôi đó là một trong những biểu hiện của việc buông lỏng quản lí, lạm dụng từ xã hội hóa để bắt phụ huynh đóng quá nhiều các khoản thu vô lí”, Phó Giáo sư Nhĩ bày tỏ.

Cũng theo Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, cần có sự giám sát, quy định của các cơ quan quản lí tránh tình trạng để các trường tùy tiện muốn thu gì thì thu như hiện nay. Thầy Nhĩ cũng cho rằng các cơ quan quản lí giáo dục từ Bộ, Sở rồi Phòng Giáo dục và Đào tạo cần phải có quy định cụ thể cái gì được thu, cái gì không được thu, nếu được thu thì mức thu bao nhiêu... cần phải có quy định rõ ràng tránh nhập nhèm giữa các khoản thu, chi.

Theo đó, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ đồng tình với việc miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở sẽ tạo điều kiện cho con em tất cả mọi miền đều có thể được đi học.

“Nước mình kinh tế còn khó khăn nên đề xuất miễn học phí đối với bậc trung học cơ sở là điều đúng đắn, phù hợp. Tuy nhiên nhà nước cũng cần xem xét tùy điều kiện để có lộ trình miễn rõ ràng như thời gian bao lâu, vùng nào khó khăn, dân tộc nào còn khó khăn trong việc tiếp cận con chữ hay những người có chế độ chính sách thì ta ưu tiên miễn trước”, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay.

Để chính sách miễn học phí thực sự có ý nghĩa, nhất quyết phải ngăn chặn được lạm thu. Bản thân các trường có thể khó khăn hơn nhưng miễn học phí là chính sách nhân văn cần áp dụng. Vấn đề quản lý lạm thu là việc của ngành giáo dục.

Để ngăn chặn lạm thu, toàn xã hội phải cùng tham gia, nhất là các bậc phụ huynh phải giám sát thu, chi, khi phát hiện ra các khoản bất hợp lý cần phải báo ngay cho cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục, các địa phương cũng cần quy định rõ mức thu, kể cả các khoản tự nguyện để hạn chế tối đa tình trạng lạm thu vào mỗi dịp đầu năm học mới.

Hải Phượng
MIỄN HỌC PHÍ CHO HỌC SINH VÀ NÂNG LƯƠNG GIÁO VIÊN CẦN ĐƯỢC THỰC HIỆN SONG SONG
MẠNH ĐOÀN/GDVN 15-7-2022

Ngày 4/7 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh trung học cơ sở trên toàn quốc từ năm học 2022-2023. Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ dư luận xã hội đặc biệt là phụ huynh học sinh.

Có ý cho rằng, bên cạnh việc miễn học phí trong trường công, thì cũng cần phải nâng lương cho giáo viên để cải thiện cuộc sống, yên tâm công tác.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Đặng Quốc Bảo- nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) cho hay, việc miễn học phí là cần thiết nhưng chúng ta làm còn chậm, đáng lẽ phải được thực hiện từ lâu.

"Nhiều nước trên thế giới coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, nên họ miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến bậc trung học phổ thông", thầy Bảo nói.

Ảnh minh hoạ: Phạm Linh

Trước ý kiến cho rằng các địa phương có thể tự chi ngân sách cho việc miễn học phí như Thành phố Hải Phòng đã thực hiện, Phó giáo sư Đặng Quốc Bảo cho hay, các địa phương có tiềm lực kinh tế hoàn toàn có thể thực hiện được việc này, còn với những địa phương còn nhiều khó khăn thì chưa thể thực hiện được. Tuy nhiên, để làm được điều này không khó.

"Để địa phương có thể tự giải quyết vấn đề ngân sách cho giáo dục, thì cần phải chống tham nhũng, lãng phí. Làm được điều này, địa phương nào cũng có thể miễn học phí cho các bậc học", thầy Bảo chia sẻ.

Về ý kiến cho rằng, cần nâng lương cho giáo viên song song việc miễn học phí, để tránh "chảy máu chất xám" trong trường công, Phó giáo sư Bảo cho hay, nhân tố làm nên sự nghiệp giáo dục là bắt nguồn từ thầy cô đúng như câu nói "phi sư bất thành", nếu không có người thầy tốt thì khó có sự nghiệp giáo dục thành công.

Vì vậy, thầy Bảo cho rằng, các địa phương cần có chế độ tuyển dụng, ưu đãi đối với những sinh viên tốt nghiệp trường sư phạm loại giỏi, xuất sắc.

"Theo tôi, việc miễn học phí cho học sinh và nâng lương cho giáo viên trường công lập cần được thực hiện song song", thầy Bảo nhấn mạnh.

Phó giáo sư Bảo chia sẻ thêm, thực tế hiện nay, việc chi ngân sách cho giáo dục còn hạn hẹp, nên nhiều trường công đã vận động xã hội hóa để xây dựng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, dựa vào điều đó, một số trường đã lợi dụng điều này nhằm tư lợi, gây bức xúc cho phụ huynh, học sinh là cần phải lên án.

"Chúng ta cần tăng cường giám sát và kiểm tra công tác thu chi của nhà trường, đồng thời nâng cao vai trò của Hội cha mẹ học sinh cùng cộng đồng. Nếu nơi nào làm đúng thì khích lệ, nếu nơi nào lợi dụng thì cần phải lên án", thầy Bảo nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về nội dung trên, Phó giáo sư Vũ Trọng Rỹ - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho hay, việc miễn học phí mang tính chất an sinh, xã hội không liên quan đến chất lượng giáo dục.

Để nâng cao chất lượng giáo dục thì nhân tố quan trọng nhất là nhà giáo.

"Muốn nâng cao chất lượng nhà giáo thì phải nâng cao năng lực dạy học của thầy cô. Hiện chúng ta vẫn đang thực hiện các giải pháp để bồi dưỡng cho giáo viên.

Đặc biệt khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi năng lực giáo viên về nhiều mặt", thầy Rỹ cho hay.

Phó giáo sư Rỹ chia sẻ thêm, để học sinh đạt phẩm chất, năng lực theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới là cả một quá trình lâu dài, chứ không phải trong một thời gian ngắn.

Yếu tố quan trọng tiếp theo là cơ sở vật chất như hệ thống nhà trường, cơ sở dạy học và thiết bị trường học gồm đồ dùng dạy học, nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phó giáo sư Rỹ cho biết, yếu tố quan trọng cuối cùng là công tác quản lý của ngành giáo dục.

Về việc nâng lương cho giáo viên, phó giáo sư Vũ Trọng Rỹ cho rằng, việc nâng lương là để giáo viên tập trung học vào công việc dạy học, cũng là cách để làm cho chất lượng giáo dục tốt hơn.

Tuy nhiên việc nâng lương cho giáo viên đã được đề xuất lâu nay nhưng chưa thực hiện được.

"Hiện nay, có hơn 1 triệu giáo viên, nếu nâng lương thì những ngành khác cũng phải nâng lương, đó là một bài toán khó", phó giáo sư Rỹ nhận định.

Mạnh Đoàn
HẢI PHÒNG ĐỀ XUẤT MỨC THU DỊCH VỤ, PHỤC VỤ HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC Ở  TRƯỜNG CÔNG
LÃ TIẾN/GDVN 5-7-2022
GDVN- HĐND thành phố Hải Phòng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết quy định mức các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường tại kỳ họp tới.

Ngày 5/7, thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, Uỷ ban nhân dân thành phố đã xây dựng Đề án Quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố Hải Phòng trình Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt.

Về sự cần thiết để xây dựng đề án, theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, hiện nay theo xu thế phát triển của xã hội các điều kiện phục vụ, hỗ trợ hoạt động dạy và học cho học sinh trong nhà trường được cải tiến;

Hải Phòng sẽ có quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với các cơ sở giáo dục công lập (Ảnh: Lã Tiến)

Một số dịch vụ đang diễn ra tại các trường học như: Tổ chức ăn, ngủ cho học sinh bán trú; nước uống tinh khiết cho học sinh; đồ dùng phục vụ cá nhân trẻ bán trú; lao công dọn dẹp; điện, nước, giáo dục kỹ năng sống… đang diễn ra ở các trường học theo hình thức thoả thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh đăng ký sử dụng dịch vụ cho con em mình.

Các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục diễn ra ở mỗi trường, mỗi quận, huyện trong thành phố, cấp học khác nhau, không có sự thống nhất.

Do đó, việc xây dựng Đề án quy định mức thu và cơ chế quản lý, sử dụng nguồn thu khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn Hải Phòng là cần thiết, làm căn cứ để Uỷ ban nhân dân thành phố triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật.

Mục tiêu xây dựng đề án này nhằm thúc đẩy việc thực hiện chính sách xã hội hoá giáo dục của thành phố, bổ sung nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp giáo dục để trang trải chi phí cần thiết cho công tác giảng dạy, tạo điều kiện cho các trường có nguồn kinh phí chủ động trong các điều kiện nuôi dạy tốt hơn cho các cháu.

Đồng thời, xây dựng mức thu và cơ chế quản lý, sử dụng nguồn thu khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với các cơ sở giáo dục công lập đảm bảo các quy định của nhà nước…

Cũng theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo, tại kỳ họp tới (dự kiến cuối tháng 7/2022), Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng sẽ xem xét để thông qua Nghị quyết về quy định mức các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố.

Theo dự thảo Nghị quyết này, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đề xuất mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với các trường công lập trên địa bàn thành phố Hải Phòng (11 danh mục các khoản thu), cụ thể như sau:

Danh mục 11 khoản thu sẽ được Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng thông qua tại kỳ họp tới đây (Ảnh: LT)

LÃ TIẾN
PHỤ HUYNH NÓI GÌ VỀ VIỆC HẢI PHÒNG QUY ĐỊNH THỐNG NHẤT CÁC KHOẢN THU DỊCH VỤ ?
PHẠM LINH/ GDVN 15-7-2022
GDVN- Ủng hộ việc Hải Phòng quy định các khoản thu dịch vụ nhưng phụ huynh, giáo viên cũng đề xuất điều chỉnh mức thu phù hợp·hơn với các trường ở khu vực nội thành.

Phụ huynh ủng hộ việc quy định mức thu dịch vụ hỗ trợ giáo dục

Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định triệu tập các vị đại biểu dự Kỳ họp thứ 6 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2022) Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng khóa XVI (nhiệm kỳ 2021 -2026). Dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày (từ 18-20/7)

Tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân thành phố sẽ quyết định mức học phí năm học 2022 - 2023 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, phê duyệt danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố.

Trong đó, bao gồm một số dịch vụ như: Tổ chức ăn, ngủ cho học sinh bán trú; nước uống tinh khiết cho học sinh; đồ dùng phục vụ cá nhân trẻ bán trú; lao công dọn dẹp; điện, nước, giáo dục kỹ năng sống,…đang diễn ra ở các trường học theo hình thức thoả thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh đăng ký sử dụng dịch vụ cho con em mình.

Từ trước đến nay, các khoản thu dịch vụ hỗ trợ giáo dục này ở mỗi trường, mỗi quận, huyện trên địa bàn thành phố và ở các cấp học khác nhau không có sự thống nhất.

Tham khảo ý kiến của các phụ huynh có con đang học tại các cơ sở giáo dục ở Hải Phòng, Nghị quyết này rất cần thiết và mang đến sự yên tâm

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Vũ Hoàng Anh (trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng) có con đang theo học tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu chia sẻ: “Khi biết đến thông tin thành phố sẽ quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tôi cảm thấy đây là điều rất cần thiết.

Từ trước đến nay, do các khoản thu này tại mỗi trường sẽ khác nhau, phụ huynh có muốn đối chứng so sánh xem thu đúng hay sai, cao hay thấp cũng không có căn cứ nào cả. Nên cứ mỗi dịp các nhà trường triển khai thu nhiều phụ huynh có ý kiến, thắc mắc.

Việc thoả thuận giữa phụ huynh và nhà trường gặp khó khăn sẽ gây nên những vụ việc đơn thư, khiếu nại.

Vì vậy, tại kỳ họp này Hội đồng nhân dân thành phố bàn thảo, quyết định và thông qua Nghị quyết này, các dịch vụ hỗ trợ giáo dục sẽ là khoản thu theo quy định được phép thu thì vừa thuận lợi cho nhà trường khi triển khai vừa mang lại sự yên tâm cho phụ huynh chúng tôi”.

Phụ huynh ủng hộ và mong muốn Nghị quyết quy định các khoản thu dịch vụ tại các cơ sở giáo dục công lập sẽ được thông qua và áp dụng trong năm học tới (Ảnh: Phạm Linh)

Cùng quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Nga (trú tại huyện An Dương, Hải Phòng) có con đang ở lứa tuổi học mầm non cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ và mong muốn Nghị quyết quy định về các khoản thu dịch vụ sẽ được thông qua và áp dụng trong năm học tới.

Khi trở thành khoản thu theo quy định của thành phố và có sự thống nhất giữa các quận, huyện thì phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm.

Con vừa được hưởng những dịch vụ hỗ trợ giáo dục theo yêu cầu mà lại không băn khoăn về mức thu cao hay thấp, phụ huynh ai cũng sẽ ủng hộ”.

Anh Trần Bảo Chung, phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân, Hải Phòng) chia sẻ thêm: “Hiện nay, rất nhiều phụ huynh có mong muốn nhà trường tạo điều kiện cho con được học tập, rèn luyện trong môi trường tốt hơn.

Nếu có quy định mức thu chung cho các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố sẽ được đông đảo phụ huynh tán thành”.

Có nên điều chỉnh mức thu phù hợp với khu vực nội thành?

Ủng hộ việc thành phố quy định các khoản dịch vụ hỗ trợ giáo dục, tạo cơ sở pháp lý cho các nhà trường triển khai trong năm học tới, tuy nhiên chị Vũ Hoàng Anh cho rằng mức thu của một số danh mục chưa phù hợp với các trường ở khu vực nội thành.

Điển hình như khoản tiền ăn, theo chị Hoàng anh, mức thu được thành phố đưa ra mức chung là 25.000 đồng/học sinh (trẻ)/ngày sẽ thấp so với mức thu hiện tại ở các trường thuộc các quận nội thành.

“Tôi băn khoăn mức 25.000 đồng, mức thu thấp hơn so với hiện tại cho cả tiền ăn bữa chính, bữa phụ và tiền chất đốt thì có ảnh hưởng chất lượng bữa ăn của các con hay không?

Ở khu vực nội thành, mức giá thực phẩm không ổn định, nhiều lúc ngay cả rau cũng tăng giá rất cao.

Thông thường ở trường các con sẽ được uống sữa bữa phụ sữa với mức khoảng 7.000/hộp, như vậy mức thu này không thể đủ cho cả 2 bữa ăn và sữa được.

Tôi đề xuất nâng mức bữa ăn thành mức tối đa 30.000 đồng/bữa để các trường ở cả khu vực nội thành và ngoại thành có sự điều chỉnh cho phù hợp để đảm bảo dinh dưỡng cho các con khi ăn bán trú tại trường” chị Hoàng Anh bày tỏ quan điểm.

Còn theo chị Nguyễn Thị Nga: “Đối với cấp học mầm non, việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ là quan trọng nhất. Con được chăm sóc tốt hay không thì hoàn toàn dựa vào các cô nuôi.

Theo quan điểm của tôi, ‘có thực với vực được đạo’ nên các cô nuôi cũng cần được hưởng các chế độ đãi ngộ xứng đáng.

Mức thu quy định của thành phố là 200.000 đồng/trẻ/tháng vậy liệu có đủ để chi trả lương và đảm bảo cuộc sống của giáo viên hay không?”.

Phụ huynh và giáo viên đề xuất thành phố xem xét điều chỉnh mức thu quy định các khoản dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục phù hợp, đảm bảo điều kiện chăm sóc học sinh và quyền lợi của giáo viên (Ảnh: Phạm Linh)

Khi khảo sát ý kiến của giáo viên, nhân viên chăm nuôi tại một số trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố, đa số ý kiến đều ủng hộ việc quy định các khoản thu dịch vụ cho các cơ sở giáo dục công lập nhưng mức thu một số danh mục như: tiền ăn, chăm sóc bán trú (Thuê người nấu ăn, phục vụ); dạy học 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học (hỗ trợ CSVC, điện, nước...) chưa thực sự phù hợp với khu vực nội thành.

Một giáo viên tiểu học (đề nghị không nêu danh tính) cho biết: “Chúng tôi gắn bó cả ngày ở trường, chăm lo đến từng giờ học, từng bữa ăn (khác với bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông chỉ dạy theo tiết) nhưng chỉ có khoản thu nhập thêm liên quan đến trông học sinh, không được dạy thêm như bậc học trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trong khi đó sĩ số lớp mầm non và tiểu học không nhiều, số tiết trông trẻ chỉ tối đa 5 tiết/ tuần do học sinh học từ thứ hai đến thứ sáu.

Nếu thành phố quy định 10.000 – 12.000 đồng/tiết/học sinh thì thu nhập thêm của chúng tôi còn quá thấp trong khi chi phí sinh hoạt ở nội thành đắt đỏ, biến động liên tục.

Trong bản dự thảo đưa ra mức thu 200.000 đồng/học sinh cho việc chăm sóc bán trú (thuê nhân viên nấu ăn, phục vụ).

Trong khi đó, từ nhiều năm nay, mức thoả thuận với phụ huynh tại các cơ sở giáo dục thuộc khu vực nội thành cho chăm sóc bán trú rơi vào khoảng 250.000 đồng/học sinh/tháng.

Mức quy định thấp hơn so với hiện tại đồng nghĩa với việc lương của giáo viên, nhân viên chăm nuôi thấp đi nên chúng tôi rất lo lắng”.

Phạm Linh
MÓN QUÀ VÔ GIÁ CHO HỌC SINH, PHỤ HUYNH VÀO NĂM HỌC MỚI
 2022-2023
SƠN QUANG HUYẾN/GDVN 16-7-2022
GDVN- Miễn học phí cho học sinh nói chung, học sinh trung học cơ sở nói riêng, là ước mơ của nhiều bậc phụ huynh.học sinh chính là Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Nghị định nêu rõ: Khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng do cơ quan có thẩm quyền công bố; tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng.

Năm nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh trung học cơ sở toàn quốc. Đề xuất này đang được đông đảo người dân ủng hộ.

Đề xuất miễn học phí không mới

Còn nhớ, trong Dự thảo Luật Giáo dục 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa đề xuất việc miễn học phí ở bậc trung học cơ sở vào dự thảo.

Trong các cuộc tọa đàm, góp ý Dự thảo Luật Giáo dục 2019, các đại biểu đã đồng tình ủng hộ, nhân dân cả nước vui mừng.

Tuy nhiên, nội dung này khi đề xuất đưa vào dự thảo Luật Giáo dục 2019 đã vấp phải lo ngại làm tăng chi ngân sách nhà nước.

Kết quả, việc miễn học phí ở bậc trung học cơ sở đã không được đưa vào Luật Giáo dục 2019. Thay vào đó, Luật quy định: "Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục".

Đây là những cơ sở pháp lý để Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất miễn học phí Trung học cơ sở ngay năm học 2022-2023.

Thực tế không phải chờ đến đề xuất của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, hiện nay đã có thành phố Hải Phòng thực hiện miễn học phí trung học cơ sở. Mới đây, Bà Rịa Vũng Tàu… cũng đã có lộ trình chuẩn bị miễn học phí trung học cơ sở.

Ảnh chụp màn hình Đài truyền hình tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Theo ước tính của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 5,5 triệu học sinh, ngân sách cấp bù miễn học phí bình quân 2 triệu đồng/năm học thì chi 11.199,8 tỷ đồng/năm học. Nếu thực hiện đề xuất này thì ngân sách Nhà nước phải tăng thêm là 25.199 tỷ đồng trong giai đoạn 3 năm 2022-2024 (sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81).

Trước đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động, Bộ Tài chính tính toán các vấn đề liên quan tới ngân sách, theo tinh thần chung đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn hơn cho người dân và học sinh, phù hợp với tình hình và điều kiện của đất nước tại thời điểm hiện nay.[1]

Những con số tăng trưởng về nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ... trong 5 tháng đầu năm 2022 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục khởi sắc, đưa tăng trưởng GDP quý II đạt 6% và GDP cả năm 2022 dự báo tăng trưởng trên 7%.[2]

GDP cả năm 2022 được dự báo tăng trưởng trên 7% là tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế, là cơ sở để Chính phủ xem xét đề xuất miễn học phí trung học cơ sở của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Miễn học phí cho học sinh nói chung, học sinh trung học cơ sở nói riêng, là ước mơ của nhiều bậc phụ huynh.

Người viết mong rằng đề xuất miễn học phí trung học cơ sở của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn sẽ thành hiện thực, đó là một món quà vô giá cho học sinh trong năm học mới.

Tài liệu tham khảo:

- Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

[1] https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/mien-hoc-phi-thcs-tu-de-xuat-den-hien-thuc-614540.html

[2]https://laodong.vn/xa-hoi/kinh-te-khoi-sac-tang-truong-gdp-2022-du-bao-tren-7-1050758.ldo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét