Thứ Năm, 18 tháng 11, 2021

20211119. HỘI NGHỊ KHÍ HẬU COP26

 ĐIỂM BÁO MẠNG  

GẦN 200 QUỐC GIA THÔNG QUA HIỆP ƯỚC KHÍ HẬU GLASGOW

HOÀI LINH/ VNN 14-11-2021

Gần 200 quốc gia đã chính thức đi tới một thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland, đặt dấu chấm cho một hội nghị toàn cầu kéo dài hai tuần.

Gần 200 quốc gia thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow
Đại diện các nước chụp ảnh chung tại COP26. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP và trang The Hill, thỏa thuận kêu gọi các nước đẩy mạnh tham vọng về biến đổi khí hậu bằng cách tăng cường các mục tiêu khí hậu 2030 vào cuối năm sau. Thỏa thuận cũng đặc biệt kêu gọi các nước cắt giảm 45% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào khoảng giữa thế kỷ cũng như giảm sâu phát thải các khí nhà kính khác để thực hiện mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C hoặc 1,5 độ C theo Hiệp định Paris.

Các nước phát triển cũng đồng ý tăng ít nhất gấp đôi số tiền hỗ trợ cho các nước đang phát triển để thích ứng với những tác hại liên quan tới khí hậu vào năm 2025.

Lần đầu tiên, thỏa thuận đề cập tới than và nhiên liệu hóa thạch, song ngôn từ về chủ đề này đã giảm tông vào phút cuối do sự phản đối của Ấn Độ và Iran. Theo đó, từ "xóa bỏ dần than" được sửa thành "giảm dần than" và nhờ có thỏa hiệp này nên 197 quốc gia đã đồng ý ký vào thỏa thuận. Đây là được xem là bước ngoặt lớn bởi lần đầu tiên nhiên liệu hóa thạch được đề cập tại một thỏa thuận của Hội nghị thượng đỉnh khí hậu LHQ.

Chủ tịch COP 26, Bộ trưởng Anh Alok Sharma đã nghẹn lời và khóc khi nói về thỏa thuận này. Quan chức này nói ông hiểu sự thất vọng của các nước không đồng ý với ngôn từ của văn bản, nhưng đã kêu gọi có đồng thuật để đạt mục tiêu chung.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres thừa nhận thỏa thuận không "đi xa đủ" để chống lại biến đổi khí hậu, nhưng thừa nhận nó lập ra "các thành phần để kiến thiết sự tiến bộ". Ông cũng nói thỏa thuận phản ánh "ý chí, quyền lợi và các mâu thuẫn vốn đang có trong chính trị quốc tế".

NHỮNG ĐIỀU ẨN SAU VIỆC MỸ-TRUNG BẤT NGỜ RA TUYÊN BỐ CHUNG 

TẠI COP26

LÂM NGHIÊN/ trithuc/ BVN 14-11-2021

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu Liên Hiệp Quốc (COP26), khai mạc hôm 10/11, Mỹ và Trung Quốc đã bất ngờ ra tuyên bố chung không có hiệu lực pháp lý, cam kết trong 10 năm tới sẽ tăng cường hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Joe Biden và Tập Cận Bình (Ảnh: china-embassy.org)

Trong tuyên bố này, hai bên đồng ý đạt được hợp tác trong hàng loạt vấn đề, bao gồm phát thải metan, chuyển đổi sang năng lượng sạch và khử carbon. Tuy nhiên vào tuần trước, một liên minh được Mỹ dẫn đầu đã cam kết giảm thiểu phát thải metan, phía Trung Quốc chưa tham gia vào liên minh này.

Đại diện cao nhất về đàm phán khí hậu của phía Trung Quốc, ông Giải Chấn Hoa, nói với truyền thông hôm 11/11 rằng về phương diện khí hậu, “Trung Quốc và Mỹ có nhận thức chung nhiều hơn là bất đồng”. Ông Giải Chấn Hoa giải thích sau khi đến muộn cuộc họp vào cuối tuần rằng ông quá bận và phải thảo luận với Mỹ hàng ngày.

Đại sứ khí hậu Mỹ John Kerry nói, giữa Mỹ và Trung Quốc “không thiếu bất đồng, nhưng trong vấn đề khí hậu, hợp tác là con đường duy nhất của để hoàn thành công việc này.”

Tờ New York Times đưa tin, các chuyên gia cho rằng quy định trong thỏa thuận của Liên Hiệp Quốc còn xa mới được như thỏa thuận liên quan đến khí hậu mà ông John Kerry và ông Giải Chấn Hoa đã đạt được vào năm 2014. Mỹ và Trung Quốc đều tuyên truyền về mục tiêu giảm phát thải mới trong thỏa thuận. Nhưng thỏa thuận lần này không yêu cầu Trung Quốc đưa ra các cam kết mới về thời điểm ngừng thải nhiều nhiên liệu hóa thạch vào khí quyển và từng bước đạt được mức giảm phát thải.

Ẩn tình trong việc Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận khí hậu

Sở dĩ Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận hợp tác về biến đổi khí hậu là bởi vì về phương diện năng lượng, hai bên đều tồn tại những nhân tố kiềm chế nhau.

Ông Lý Chính Tu, phó nghiên cứu viên của Quỹ nghiên cứu chính sách Quốc gia Đài Loan, chia sẻ với Epoch Times, “Hiện có một chủ đề lớn được dùng cho khôi phục mối quan hệ Mỹ – Trung, đó là cái gọi là khí hậu toàn cầu ấm lên, cần Trung Quốc (ĐCSTQ) hợp tác.”

“Vấn đề khí hậu này rốt cuộc là do nhân tố nào tạo thành? Hiện tại vấn đề khí hậu này là không bình thường, Trung Quốc năm nay bước sang mùa đông sớm hơn 20 ngày, nhiều nơi có bão tuyết, không phải là thời tiết đang ấm lên,” ông bổ sung thêm.

Ông David Fickling, tác giả chuyên đề của Bloomberg phân tích rằng một mặt, kế hoạch kinh tế tách khỏi carbon của Mỹ phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc, quốc gia kiểm soát phần lớn chuỗi cung ứng các tấm pin mặt trời và pin lithium-ion, và một loạt các thành phần và nguyên liệu cần thiết cho năng lượng tái tạo.

Mặt khác, hải quân của Washington đã đảm bảo dòng chảy tự do của các nguyên liệu năng lượng khác trên toàn thế giới như dầu mỏ, v.v. Điều này có tầm quan trọng sống còn đối với Bắc Kinh. Năng lượng mà Trung Quốc nhập khẩu mỗi năm nhiều hơn ⅓ so với năng lượng mà họ sản xuất; trong khi Mỹ là nước xuất khẩu năng lượng. Do đó, Trung Quốc thực tế phụ thuộc vào Mỹ nhiều hơn.

“Giống như việc Trung Quốc kiểm soát chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo, thực tế này vừa là có chỗ tốt, vừa là mối đe dọa đối với các đối thủ cạnh tranh của họ.” Ông David Fickling viết, “Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng chuỗi cung ứng năng lượng. Một lý do khiến Bắc Kinh đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng một quân đội hải quân nước xanh (Blue-water navy*) có thể hoạt động trên quy mô toàn cầu chính xác là vì tình hình hiện tại đặt an ninh năng lượng của nước này nằm dưới tầm kiểm soát của Lầu Năm Góc.”

Ông nói, “Địa chính trị năng lượng vẫn luôn là một trò chơi khốc liệt. Giữa giao dịch năng lượng và kiểm soát kinh tế có tồn tại mối liên hệ không ổn định và không mối quan hệ này không yếu đi.”

Không có mục tiêu hành động rõ ràng và cụ thể, thỏa thuận không có lực ràng buộc

Nhìn nhận về tuyên bố chung đưa ra ở Glasgow, Trung Quốc và Mỹ hầu như không đưa ra các mục tiêu hành động cụ thể một cách rõ ràng, hai nước không tham gia vào cam kết liên quan đến điện than hoặc xe ô tô điện. Trung Quốc cũng không ký kết vào kế hoạch ràng buộc khoản vay liên quan đến nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài, giảm thiểu phát thải metan hoặc khiến nông nghiệp phát triển bền vững, chưa kể đến việc tham gia vào các đề xuất về điện sạch, thép xanh, hoặc giao thông đường bộ.

Tại sao Trung Quốc và Mỹ không thể đạt được một thỏa thuận ràng buộc pháp lý về khí hậu? Ông David Fickling nói rằng một mặt, các dự luật của Mỹ phải được Thượng viện thông qua, và đảng viên Dân chủ ôn hòa Joe Manchin giữ ghế chủ tịch của một ủy ban quan trọng, và ông đại diện cho Tây Virginia, đây là một tiểu bang sản xuất than. Vị Thượng nghị sĩ đã đưa ra tín hiệu trước cuộc đàm phán khí hậu rằng ông sẵn sàng ngăn chặn kế hoạch năng lượng sạch của Tổng thống Joe Biden.

Các cuộc đàm phán về khí hậu với Trung Quốc vẫn luôn bị nghi ngờ bởi một số nhân vật diều hâu ở Mỹ. Ông Michael Sobolik, một nhà nghiên cứu Ấn Độ – Thái Bình Dương tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, nói với Washington Post: “Nếu biến đổi khí hậu quan trọng đối với ông Biden như thế, vậy thì ông ấy cần phải nhảy ra khỏi những ám ảnh về những gì ông ấy có thể làm cùng Trung Quốc.”

Ông Michael Sobolik nói: “Nếu chúng ta không muốn ngồi đợi ĐCSTQ thay đổi quan niệm về thay đổi khí hậu, vậy chúng ta hãy tiến lên phía trước, giải quyết các mối đe dọa mà họ gây ra và tước bỏ khả năng họ sử dụng một khu vực diệt chủng làm cốt lõi của sáng kiến ​​của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.”

Ông Josh Rogin, cây bút chuyên đề của Washington Post nói rằng Mỹ phải chuyển sang một chiến lược biến đổi khí hậu với sự hiểu biết rõ ràng về Trung Quốc (ĐCSTQ), không thể để tương lai năng lượng của Mỹ được xây dựng dựa trên mối quan hệ với Bắc Kinh.

Ông cho rằng chính quyền Biden nên tập trung vào việc thành lập một ngành biến đổi khí hậu trong nước, thay vì ký một cam kết mơ hồ, không ràng buộc về khí hậu với Bắc Kinh, để đảm bảo rằng chuỗi cung ứng không đi qua Trung Quốc.

Tình hình chính trị trong nước Trung Quốc ngày càng thiếu minh bạch

Một phương diện khác, Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ không phải là một quốc gia pháp trị, tình hình chính trị không minh bạch trong nước này đã định trước rằng thỏa thuận khí hậu không thể nào có lực ràng buộc pháp lý.

Hội nghị toàn thể lần thứ 6 ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 19 đã thông qua nghị quyết lịch sử thứ 3 của đảng, nâng cao hơn nữa địa vị của ông Tập Cận Bình, nhưng tình hình đấu đá và sự hỗn loạn trong nội bộ ĐCSTQ chưa hề gián đoạn.

Ngày 8/11, tờ Bloomberg News đưa tin, có quyền lực to lớn và sử dụng quyền lực một cách hiệu quả là hai chuyện khác nhau. Trong thể chế chính trị không minh bạch này của ĐCSTQ, lãnh đạo tối cao có quyền lực quản hạt hơn 30 cơ quan hành chính cấp tỉnh, 3.000 khu hành chính địa cấp huyện (gồm cả thành phố cấp huyện), cho đến ít nhất hơn 40.000 hương trấn thuộc khu vực hành chính cấp 1. Tuy nhiên, liệu có sử dụng hiệu quả quyền lực hay không thì lại là chuyện khác.

Ông Tập Cận Bình đã không rời khỏi Trung Quốc trong 21 tháng qua, gồm cả việc vắng mặt tại Thượng đỉnh G20 tổ chức vào tháng 10 ở Rome và Hội nghị biến đổi khí hậu ở Glasgow, Vương quốc Anh.

Ông David Fickling nói: “Mặc dù tất cả quyền lực tuyệt đối đều tập trung trong tay Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng quốc gia này thực tế có trên 32 ‘Manchin’ (ví von những người phản đối chính sách cấp cao trong nội bộ đảng) đang quản trị từng tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc.”

“Quan chức ĐCSTQ coi việc quản lý thành công khu vực cốt lõi là bước đệm để đạt được ảnh hưởng ở cấp quốc gia. Khi họ buộc phải cân bằng các mục tiêu không thể dung hòa được đặt ra bởi chính quyền trung ương – tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, triển khai năng lượng tái tạo và kiểm soát về phát thải, thì tăng trưởng luôn thắng. Kết quả là sản lượng than đã tăng vọt kể từ cuộc khủng hoảng năng lượng hồi tháng trước, và lập kỷ lục.”

Bà June Teufel Dreyer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Miami, nói với Bloomberg rằng đối với các quan chức ĐCSTQ, cách tốt nhất để đối phó với các chính sách tồi tệ của cấp trên là giữ thái độ cúi đầu, thực hiện chúng ở mức tối thiểu và hy vọng rằng họ sẽ không bị các lãnh đạo cấp trên chú ý.

Khúc nhạc đệm đằng sau thỏa thuận khí hậu

Trong nước Mỹ vẫn luôn có tiếng nói kêu gọi ông Biden lên tiếng bênh vực những người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đang bị ĐCSTQ đàn áp và không đánh đổi nhân quyền để lấy một thỏa thuận khí hậu. Tân Cương là khu vực sản xuất tấm pin mặt trời chính, có liên quan đến kế hoạch năng lượng sạch của ông Biden. Đại sứ khí hậu Kerry nói rằng ông luôn “thẳng thắn” bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này, nhưng trọng tâm công việc của ông là trở thành một người “phụ trách về vấn đề về khí hậu”.

Ông nói, dù xuất hiện vấn đề khác, hai nước Mỹ – Trung đều nên cùng nhau nỗ lực, giảm thiểu phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. “Mỗi một bước đi hiện tại đều rất quan trọng, sẽ có một hành trình dài đợi chúng ta”, ông Kerry nói.

Tạp chí Foreign Policy có đăng bài viết nói, thượng đỉnh COP26 giữ im lặng đối với vấn đề nhân quyền Trung Quốc, các nhà hoạt động môi trường sợ chọc giận Bắc Kinh, không dám đề cập đến vấn đề nhân quyền Tây Tạng, Tân Cương hoặc Hồng Kông trên mạng hoặc truyền thông xã hội.

Ngày 11/11, tờ Nam Hoa Tảo Báo (SCMP) tại Hồng Kông thuộc Tập đoàn Alibaba đã có bài viết về tuyên bố chung về khí hậu của Mỹ và Trung Quốc, cạnh tranh Mỹ – Trung “có khả năng làm hỏng hành động tiếp theo nhằm ứng phó biến đổi khí hậu”.

Bài viết nói, hai nước Trung – Mỹ ra tuyên bố chung nhận được sự chào đón cẩn thận, nhưng chuyên gia chính sách khí hậu lo lắng, quan hệ căng thẳng kéo dài đã hạn chế cơ hội cho các thỏa thuận tiếp theo. Điều này được ngoại giới hiểu là ĐCSTQ hy vọng phía Mỹ sẽ nới lỏng hơn với Trung Quốc.

Có thông tin nói, ông Biden và ông Tập Cận Bình sẽ có một cuộc họp truyền hình vào ngày 15/11. Đây là lần thứ 3 trong năm, hai nhà lãnh đạo điện đàm với nhau, dự kiến thời gian sẽ điện đàm sẽ dài hơn so với 2 lần trước.

Ghi chú:

* Blue-water navy – là một hải lực có khả năng hoạt động trên toàn cầu, chính yếu là qua những vùng biển sâu của đại dương.

L.N. Theo Epoch Times

Nguồn: Trithucvn

COP26 VÀ TƯƠNG LAI NĂNG LƯỢNG  CỦA VIỆT NAM

NGUYỄN ĐĂNG ANH THI/ TBKTSG/TD 14-11-2021

(KTSG) – Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (COP26) tại Glasgow, Vương quốc Anh đang khép lại với những cam kết hành động mạnh mẽ của các lãnh đạo toàn cầu về cắt giảm phát thải, đầu tư tài chính và hỗ trợ chuyển dịch năng lượng. Tương lai năng lượng và mô hình tăng trưởng của Việt Nam sẽ như thế nào sau COP26?

Cam kết “đột phá” của Việt Nam tại COP26

Từ những ngày đầu COP26, những thông tin tích cực từ nước Anh cho thấy sẽ có bước đột phá của Việt Nam về cam kết giảm phát thải khí nhà kính, chung tay cùng nhân loại làm giảm sự nóng lên toàn cầu.

Ngày 1-11, trong bài phát biểu tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra một tuyên bố lịch sử: “Mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050”

Phát thải ròng bằng “0” (net-zero emissions), nghĩa là cắt giảm phát thải khí nhà kính về mức càng gần 0 càng tốt, có thể thông qua chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và năng lượng tái tạo. Lượng khí thải còn lại cũng phải được trung hòa thông qua các cơ chế bù đắp carbon, ví dụ như trồng rừng, hay qua mua bán chứng chỉ giảm phát thải.

Cam kết này cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc đóng góp vào nỗ lực chung nhằm giữ nhiệt độ trái đất tăng lên không quá 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris (về biến đổi khí hậu) được 195 quốc gia ký kết năm 2015.

Điều 2.1.a của Thỏa thuận Paris nêu mục tiêu chính là: “Giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và theo đuổi nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ lên 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, nhận thức rằng điều này sẽ làm giảm đáng kể rủi ro và tác động của biến đổi khí hậu”.

Một trong những mục tiêu quan trọng của COP26 là “Đảm bảo phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu vào giữa thế kỷ và giữ mức tăng 1,5 độ trong tầm tay”.

Báo cáo “Climate Change 2021: The Physical Science Basis” do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hiệp quốc công bố tháng 8-2021 cho biết nhiệt độ trái đất đã tăng lên 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). Điều đó có nghĩa rằng nhân loại phải nỗ lực giữ nhiệt độ toàn cầu không thêm tăng quá 0,4 độ C trong vòng chưa đến 30 năm tới.

Để đảm bảo mục tiêu trên của COP26, các quốc gia được yêu cầu đẩy nhanh quá trình loại bỏ than đá, hạn chế nạn phá rừng, tăng tốc độ chuyển sang xe điện và khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo. Đây là nghị trình quan trọng nhất tại COP26.

Tiếp sau tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam cũng đã chính thức cam kết từ bỏ nhiệt điện than. Ngày 4-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đại diện lãnh đạo hơn 40 quốc gia khác đã ký vào “Tuyên bố toàn cầu về việc chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch”.

Tuyên bố này bao gồm những hành động chuyển dịch từ sản xuất điện than hiện hữu sang điện sạch chậm nhất là vào thập niên 2040; ngừng cấp phép, ngừng xây mới các dự án điện than, chấm dứt nguồn hỗ trợ mới và trực tiếp của chính phủ đối với điện than trên toàn thế giới kể từ thời điểm ký tuyên bố này.

Với một đất nước phụ thuộc nặng nề vào điện than trong một thập kỷ qua và bản dự thảo Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) với đề xuất xây mới 27 nhà máy điện than trong 15 năm tới đang được đệ trình để thông qua, rõ ràng những tuyên bố và cam kết của lãnh đạo Việt Nam tại COP26 rất đột phá và có tính lịch sử.

Nhìn lại những cam kết giảm phát thải của Việt Nam

Năm 2020, Việt Nam đã tiếp tục đệ trình lên Liên hiệp quốc báo cáo “Đóng góp do quốc gia tự quyết định” (NDC 2020), trong đó cụ thể hóa các đóng góp về ứng phó với biến đổi khí hậu và kế hoạch thực hiện nhằm đảm bảo thực thi các cam kết của Việt Nam trong Thỏa thuận Paris. Theo đó, bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường. Đóng góp này có thể được nâng lên tới 27% khi nhận được hỗ trợ của quốc tế

Vì chọn kịch bản phát triển thông thường để làm mức so sánh với các kịch bản giảm phát thải, thực tế phát thải khí nhà kính của Việt Nam không hề giảm mà còn liên tục tăng trong những năm qua và những năm sắp tới. Hình 1 cho thấy điều đó.

Như số liệu cho thấy, dù cam kết giảm phát thải đến 27% so với con đường phát triển thông thường và có đầy đủ sự hỗ trợ của quốc tế, phát thải khí nhà kính của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi chỉ trong một thập niên tới. Đáng chú ý, sự gia tăng phát thải này chủ yếu đến từ ngành công nghiệp năng lượng, với mức tăng 2,5 lần trong cùng thời gian. Nhiệt điện than là thủ phạm chính làm gia tăng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam thời gian qua (hình 2).

Sự gia tăng phát thải trong báo cáo NDC 2020 này là lý do chính mà Climate Action Tracker đánh giá cam kết khí hậu của Việt Nam là “cực kỳ bất hợp lý” (critically insufficient). Tổ chức nghiên cứu độc lập này cho rằng cam kết của Việt Nam “phản ánh nỗ lực tối thiểu hoặc không cần hành động, và hoàn toàn không phù hợp với giới hạn nhiệt độ 1,5 độ C của Thỏa thuận Paris. Nếu tất cả các quốc gia đều làm như Việt Nam, sự nóng lên toàn cầu sẽ vượt quá 4 độ C”.

Với cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chắc chắn Việt Nam phải cập nhật lại báo cáo NDC cho phù hợp. Trong đó, trọng điểm sẽ là tái cấu trúc ngành năng lượng theo hướng tập trung vào điện sạch, từ bỏ điện than.

Dự thảo QHĐ8 làm cản trở mục tiêu “phát thải ròng bằng 0”

Với đề xuất xây mới 27 nhà máy điện than trong 15 năm tới theo QHĐ8, phát thải khí nhà kính của Việt Nam sẽ tăng không ngừng. Hình 3 cho thấy nguy cơ QHĐ8 làm tiêu tan tham vọng “phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050 của Việt Nam.

Nếu chọn điện than làm trụ cột trong ba thập niên tới với tỷ lệ sản lượng điện than chiếm 45,5% vào năm 2030 và 32,4% vào năm 2045 như QHĐ8, Việt Nam không thể nào đạt mục tiêu “phát thải ròng bằng 0” khi không có nguồn điện nào kịp thay thế điện than. Theo báo cáo thuyết minh QHĐ8 (2-2021), ước tính phát thải khí nhà kính của ngành năng lượng năm 2045 lên đến 350 triệu tấn CO2 tương đương, đúng bằng toàn bộ lượng phát thải của Việt Nam năm 2020. Việc đưa lượng phát thải khổng lồ này về 0 sau đó năm năm là điều phi thực tế.

Về mặt kinh tế, một vòng đời dự án nhiệt điện than lên đến 40-50 năm. Do đó, sẽ không khả thi và thiếu thực tế khi bằng mọi giá để chỉ trong tối đa 30 năm vừa xây dựng, vận hành và đóng cửa nhà máy. Đó là chưa kể khi thế giới đã quyết chia tay điện than, chắc chắn mọi cánh cửa tiếp cận tài chính sẽ đóng lại.

Nếu vẫn quyết phát triển điện than mới, Việt Nam có thể đối diện nguy cơ gặp hàng rào thuế carbon từ những thị trường xuất khẩu trọng điểm như EU, Mỹ, Anh và Canada. Không dừng lại ở đó, những quốc gia không tuân thủ Thỏa thuận Paris và những cam kết tại COP26 có thể đối diện nguy cơ bị “cấm vận khí hậu” của Liên hiệp quốc.

Khi đó, những nhà máy điện than với đa số sử dụng than nhập khẩu sẽ hầu như không thể tiếp cận được loại nhiên liệu bẩn này. Điều này cho thấy điện than không hề đảm bảo an ninh năng lượng như nhiều nhóm lợi ích đang “quảng cáo” mà ngược lại, điện than là mối đe dọa về khủng hoảng năng lượng quốc gia.

Tương lai năng lượng của Việt Nam

Đến thời điểm này, Việt Nam đã hội đủ thiên thời, địa lợi và nhân hòa để thực hiện cuộc cách mạng chuyển dịch năng lượng một cách sâu rộng, góp phần tạo cơ hội cho đất nước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững và phát thải thấp.

Thiên thời, đó là lúc toàn nhân loại cùng chung tay trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Với cam kết từ bỏ điện than và lựa chọn đứng về phía những quốc gia có trách nhiệm khí hậu, Việt Nam đang nhận được sự ủng hộ vô cùng to lớn của cộng đồng quốc tế về tài chính, công nghệ và xây dựng năng lực để thực hiện mục tiêu “phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050 đầy tham vọng. Giá điện gió giảm 50%, giá điện mặt trời giảm 85% chỉ sau 10 năm qua là cơ hội để Việt Nam mạnh mẽ thúc đẩy đầu tư các nguồn điện này.

Địa lợi, đó là lợi thế hàng đầu Đông Nam Á về tài nguyên năng lượng tái tạo. Tận dụng lợi thế này để phát triển các nguồn điện sạch, không xây thêm điện than mới và từng bước đóng cửa các nhà máy điện than đang vận hành là chọn sở trường, bỏ sở đoản, đoạn tuyệt với công nghệ điện than ô nhiễm, lỗi thời, tránh xa những chiếc bẫy nợ treo lơ lửng.

Nhân hòa, đó là lãnh đạo có tầm nhìn đột phá khi chọn con đường năng lượng sạch mà thế giới văn minh đã và đang đi để kiến tạo sự thịnh vượng cho quốc gia.

Việc có tận dụng thiên thời, địa lợi và nhân hòa thành công hay không phụ thuộc vào điều kiện cần: cải tổ toàn diện QHĐ8 và phương thức vận hành thị trường điện quốc gia. Bước đi quan trọng đầu tiên là loại khỏi danh mục toàn bộ dự án điện than xây mới từ năm 2021, và ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo.

THẤY GÌ TỪ HỘI NGHỊ KHÍ HẬU COP26 ?

TRỌNG THANH/ BVN 17-11-2021

Phần 1: Nước mặt thật hay “nước mắt cá sấu”… ?

Hội nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc khép lại ngày 13/11/2021, sau 13 ngày làm việc. COP26 đã ra được một tuyên bố chung, sau khi kéo dài thêm một ngày.

Hội nghị THÀNH CÔNG hay THẤT BẠI?

Giọt nước mắt của Chủ tịch COP26 và cỗ xe tử thần

Vào lúc Hội nghị Khí hậu COP26 khép lại ngày 13/11/2021, chủ tịch Alok Sharma đã vừa khóc, vừa nói: “Tôi hết sức tiếc”.

Có thể là hình ảnh về 1 người và văn bản cho biết '41 News Are coal pledges enough to stop climate change? United Notions UNCLIMATE CHANGE CONFERENCE'

Nhật báo Pháp L’Humanité đặt câu hỏi: những giọt nước mắt của chủ tịch Alok Sharma là “nước mắt cá sấu hay xúc cảm thực sự”? Tờ báo tự trả lời : “Chắc chắn phần nào là cả hai, căn cứ trên những bước lùi vào phút cuối cùng của thượng đỉnh quốc tế, mà về nguyên tắc có sứ mạng cứu vãn khí hậu”.

Vào phút cuối cùng của Thượng đỉnh, bản Tuyên bố cuối cùng của COP26 đã phải xóa bỏ một số điểm quan trọng do áp lực của nhiều nước, đặc biệt là mục tiêu “loại trừ hoàn toàn than đá”. Ngày 13/11, chủ tịch Alok Sharma đã như con thoi, liên tục tiếp xúc với đại diện các nhóm quốc gia tham gia COP26, để thuyết phục tất cả chấp nhận đòi hỏi thay đổi vào phút chót của Ấn Độ và Trung Quốc.

Dự thảo đầu tiên của Tuyên bố chung kêu gọi tất cả “tăng tốc tiến trình hướng đến chấm dứt (“phase out”sử dụng than đá và tài trợ cho các năng lượng hóa thạch” rốt cục đã phải chuyển thành kêu gọi “giảm (“phase down”) việc sử dụng than đá và chấm dứt việc tài trợ KHÔNG HIỆU QUẢ cho các năng lượng hóa thạch”.

1.Thay đổi ở phút cuối cùng: Từ “chấm dứt hoàn toàn than đá” thành “giảm dần”

Theo nguyên tắc đồng thuận 100% của các hội nghị Khí hậu LHQ, bất đồng của một quốc gia duy nhất đã đủ để ngăn chặn việc thông qua Tuyên bố chung. Để cứu vãn Tuyên bố chung, cũng là để cứu vãn COP26, tất cả các quốc gia “nạn nhân của biến đổi khí hậu” buộc phải chấp nhận đòi hỏi của nhóm nước muốn duy trì lâu dài than đá. Xét về tính chất vô cùng khẩn cấp của cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay, bản thân việc xác định mục tiêu chấm dứt than đá về dài hạn cũng chưa hẳn là điều có tác dụng ngay trước mắt, nhưng việc loại bỏ mục tiêu này rõ ràng khiến tình hình càng thêm tồi tệ trông thấy.

Việc chủ tịch COP26 khóc thực hay khóc giả có lẽ hoàn toàn không phải là điều quan trọng. Tuy nhiên, những giọt nước mắt của ông Chủ tịch, và câu hỏi mà tờ báo Pháp đặt ra thực sự có ý nghĩa. Bởi rút cục đây chính là dịp để đặt trở lại vấn đề:

Với một hội nghị như vừa diễn ra, GIỚI LÃNH ĐẠO TOÀN CẦU có thực sự coi trọng sinh mạng của hàng tỉ con người trên hành tinh hay không, trước đe dọa nhãn tiền của Biến đổi Khí hậu?

Ấn Độ và Trung Quốc bị một số phương tiện truyền thông điểm mặt như hai quốc gia chịu trách nhiệm chính về thất bại của COP26. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là Ấn Độ, hay Trung Quốc cố bám lấy than đá. Nhiều người cũng đặt câu hỏi: Câu chuyện hứa hẹn về than đá nói trên nghiêm trọng nhiều hơn, hay ít hơn? so với sự thất hứa của các nước giàu trong tài trợ khí hậu, việc các nước phát triển cố lờ đi việc ĐỀN BÙ TỔN THẤT, trễ nải trong việc tăng cường tài trợ cho THÍCH ỨNG?...

2. Người khóc - kẻ hoan hỉ: Một sự phân vai hoàn hảo?

Trong lúc Chủ tịch COP26 (chính trị gia người Anh gốc Ấn Độ Alok Sharma) rỏ nước mắt, thì Thủ tướng nước chủ nhà Anh Quốc, ông Boris Johnson lại hoan hỉ, khen ngợi “Thỏa thuận Glasgow về khí hậu” là một thành công, cho dù với nhiều thất vọng. Thủ tướng Anh nhấn mạnh “Thỏa thuận hôm nay là MỘT BƯỚC TIẾN DÀI về phía trước. Đây là một thỏa thuận quốc tế CHƯA TỪNG CÓ, hướng đến mục tiêu giảm sử dụng than đá và một kế hoạch giới hạn nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5°C”.

Chính phủ Anh, ngay từ đầu giương khẩu hiệu “Coal, Cash, Cars and Trees” (Than, Tiền, Xe và Rừng), như các ưu tiên của COP26. “Than” rút cục đã có mặt trong Tuyên bố chung, chấm dứt phá Rừng trước 2030 trở thành mục tiêu của hơn 120 quốc gia (kiểm soát 95% diện tích rừng còn lại của thế giới)… Nước Anh có thể tự hào về thành tích của nước chủ nhà.

Kẻ hoan hỉ ca ngợi thành tích Hội nghị, bên cạnh là người rỏ nước mắt về một số mục tiêu bất thành. Rỏ nước mắt để không gây thêm bất mãn và phẫn uất từ phía các quốc gia cảm thấy bị bỏ rơi, bị phản bội?

Người khóc, kẻ hoan hỉ rất có thể là một sự phân vai hoàn hảo của quốc gia chủ nhà COP26, từng là cái nôi của cuộc cách mạng công nghiệp, cường quốc già đời, lọc lõi trong quan hệ quốc tế.

3. Thất vọng ghê gớm

Tuy nhiên, thất vọng là ghê gớm. Thất vọng là điều không thể che giấu, không thể gạt ra bên lề. Những tuyên bố khẳng định thành công ắt hẳn chỉ đánh lừa được ít người. Chuyên gia nổi tiếng về khí hậu người Pháp, ông Jean Jouzel, cựu thành viên của Nhóm chuyên gia liên Chính phủ về Khí hậu của LHQ, tóm lược: “COP26 không phải là một COP đáng kể, hội nghị này đã không đủ tầm cỡ”.

Nhà báo Audrey Garric, đặc phái viên của báo Le Monde tại Glasgow, trong phần giải đáp các câu hỏi của độc giả, tổng hợp về một số thiếu hụt nghiêm trọng của COP26:

Trong Thỏa thuận Khí hậu tại Glasgow, bên cạnh việc hội nghị được quá ít cam kết cắt giảm khí thải cho phép giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5°C (tổng mức cam kết sẽ đưa thế giới đến mức tăng 2,7°C, nếu các nước thực hiện đúng cam kết), các nước giàu đã gần như không hề tỏ ra đoàn kết hơn với các nước nghèo. Cụ thể là:

- Không đạt mục tiêu 100 tỉ đô la tài trợ cho nhóm nước nghèo ngay từ năm nay như cam kết;

- Không tăng thêm tiền cho việc thích nghi với biến đổi khí hậu lên mức 50% - so với 20% hiện nay;

- Các quỹ cho khí hậu vẫn chủ yếu là tiền cho vay (đến 75%), chứ không phải là trợ cấp; Và đăc biệt là

- Không công nhận việc đền bù “các Thiệt Hại Không Thể Vãn Hồi” cho các nước nghèo hoàn toàn là nạn nhân của Biến đổi khí hậu;

- Không hề chịu trách nhiệm về khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Nhà báo Le Monde chất vấn: Như vậy thì làm sao người ta có thể chê trách Greta Thunberg đã nói ĐIÊU, khi cô gái Thuỵ Điển cực lực lên án các quốc gia và các tập đoàn kinh tế chỉ nói suông mà không làm, hay làm không đủ như hứa?

Phần 2 : Tình thế NGÀN CÂN TREO SỢI TÓC và cuộc chơi ĐA PHƯƠNG

Trong ảnh : Bộ trưởng Ngoại Giao của đảo quốc Tuvalu (Thái Bình Dương), Simon Kofe, đọc bài diễn văn trực tuyến tại COP26 ngay trong lòng biển, để minh họa cho tình trạng dễ bị tổn thương của quốc đảo trên “tuyến đầu” của cuộc chiến khí hậu. Trên thực tế, nơi ông Simon Kofe đứng

từng là một công trình quân sự của Mỹ. Ảnh: Bộ Ngoại Giao Tuvalu / Reuters 

4 - Niềm hy vọng mong manh

Rốt cục thượng đỉnh COP26 là một thất bại ê chề, hay một “BƯỚC TIẾN DÀI” như lời thủ tướng Anh?

Liên Hiệp Quốc cố đưa ra một cái nhìn trung dung.

Sau khi COP26 kết thúc, Tổng Thư ký Antonio Guterres nhận định: COP26 là “một bước tiến quan trọng, nhưng không đủ”. Nhiều mục tiêu căn bản đã không đạt được, tuy nhiên Hội nghị cũng tạo lập một số nền tảng để tiếp tục tiến lên. Người đứng đầu LHQ có thông điệp riêng nhắn gửi tới giới trẻ, các cộng đồng thổ dân, nữ giới, cũng như giới bảo vệ môi trường:

“Tôi biết các vị thất vọng. Nhưng con đường của sự tiến bộ không phải bao giờ cũng là đường thẳng. Đôi khi cần phải đi vòng. Đôi khi có những hố sâu. Nhưng tôi biết chúng ta có thể đi đến đích. Đây là cuộc chiến quyết định vận mệnh chúng ta, chúng ta phải chiến thắng. Đừng bỏ cuộc. Đừng bao giờ lùi bước! Hãy tiếp tục tiến lên!”.

Tuy nhiên, tiến lên như thế nào, trong lúc tất cả cùng đang trên CHIẾC XE TỬ THẦN lao hết tốc lực?

5 - Cuộc chơi “ĐA PHƯƠNG”

Có thể ví nền kinh tế toàn cầu như một cỗ xe chạy hết tốc lực. Sau hơn hai thế kỷ công nghiệp hóa, dựa chủ yếu vào các năng lượng hóa thạch thường được coi là “giá rẻ”, cỗ xe đầy năng lượng cùng động cơ liên tục được cải tiến để trở nên hết sức hoàn hảo, đang chạy với vận tốc ngày một nhanh hơn. Rất nhiều người trên chuyến xe hoan hỉ về tốc độ, về tiện nghi của chiếc xe, và hy vọng xe tiếp tục phóng nhanh hơn. Nhưng cùng lúc đó, rất nhiều người khác đã hiểu ra những gì chờ đón nhân loại.

Khó có thể hãm phanh chiếc xe đang phóng đi với tốc độ như vậy, khó có thể ngăn cản biết bao người đang vô cùng hào hứng trong xe – nhất là khi họ không hề biết rằng họ đang trên chuyến xe của Tử Thần.

Vì sao chủ tịch COP26 lại rỏ nước mắt? Rất có thể chính ông Alok Sharma cũng cảm thấy hơi lạnh của TỬ THẦN? Rất có thể ông thừa biết nhân loại không còn nhiều xác suất thoát hiểm?

Để giữ nhiệt độ trên Trái đất tăng không quá 1,5°C, theo các nhà khoa học, cộng đồng quốc tế phải cắt giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 so với 2010. Cụ thể là, theo tính toán của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu của Liên Hiệp Quốc, thì “NGÂN SÁCH CACBON”, tức lượng cacbon còn lại được phép của nhân loại, cho phép giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5°C là 420 tỉ tấn CO2. Điều đó tương đương với việc thế giới chỉ còn có 11 năm phát thải tương đương như lượng phát thải của năm 2021. Trong khi đó, tình hình hoàn toàn ngược lại, lượng khí thải gia tăng năm này qua năm khác, hứa hẹn sẽ tăng đến 15% vào năm 2030. Xác suất đạt mục tiêu 1,5°C có thể coi gần như bằng không!

Rõ ràng tình thế hiện nay chẳng khác nào Ngàn cân treo sợi tóc. Tuy nhiên, thế giới hiện nay không có cách nào khác. Con đường thoát khỏi tình thế hiểm nghèo hiện nay không gì khác hơn là khai thác các luật chơi của định chế “đa phương” đang có, được cộng đồng quốc tế từ từ xây đắp từ hơn nửa thế kỷ nay.

Theo giám đốc điều hành Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (CCNUCC – định chế tổ chức các Hội nghị thường niên về Khí hậu), bà Patricia Espinosa, bản chất của các thương lượng quốc tế là tôn trọng nguyên tắc “đa phương” và “sự đồng thuận”. Theo LHQ, nhiều quốc gia thất vọng về Tuyên bố chung, nhưng cũng phải thừa nhận Tuyên bố này là mang “tính cân bằng” căn cứ trên “khả năng mà mỗi nước có thể chấp nhận vào thời điểm cụ thể này”.

Gánh nặng trách nhiệm rất lớn đặt trên nỗ lực tự xác định của từng quốc gia, từng tác nhân kinh tế. Thay vì lối hành động mạnh ai nấy sống, hơn bao giờ hết chỉ có hành động tập thể mới mang lại giải pháp cho tình huống hiểm nghèo này. Chắc không phải ai cũng thấm thía được rằng nỗ lực hợp tác và tìm kiếm hợp tác quốc tế vì khí hậu hiện nay đã phải trải những thời điểm gian nan như thế nào mới có thể đến được mức độ như hiện nay, cho dù đầy mâu thuẫn, đầy xung khắc.

Nếu cộng đồng quốc tế không đạt được Hiệp định Khí hậu tại Paris vào năm 2015, để chậm một năm nữa, khi cử tri Mỹ bầu ông Donald Trump làm tổng thống (vào năm 2016), một thỏa thuận toàn cầu về Khí hậu là hoàn toàn bất khả. Tương lai nào sẽ đón chờ một thế giới không có hợp tác về Khí hậu, trong lúc khí thải tiếp tục tăng vọt: Có lẽ không khó hình dung.

T.T.

(*) Tựa do BVN đặt

Nguồn: FB Trọng Thanh


COP26: TRÁCH NHIỆM CỦA TẤT CẢ CHÚNG TA

PHẠM PHÚ KHẢI/ BVN 18-11-2021

Hoạt cảnh đám tang tạo biểu tượng sự thất bại của hội nghị COP26, Glasgow, Scotland, Anh Quốc, 13 tháng 11.

Nhân loại vẫn chưa thoát khỏi đại dịch Covid-19 đã giết hại hơn 5 triệu người cho đến nay. Nhưng Covid-19 rồi cũng sẽ qua trong vài năm nữa. Thế giới có sẵn sàng cho một đại dịch lây lan hơn, giết người hơn, thì chưa biết.

Tuy nhiên biến đổi khí hậu, và hệ quả của nó trong tương lai, nhất là khi nó đến với các thế hệ con em của chúng ta, sẽ vô cùng khốc liệt. Chúng ta chỉ mới cảm nhận phần nào ảnh hưởng của nó trong giai đoạn đầu nên không thể lường được sức tàn phá khủng khiếp của nó ra sao. Nhưng nếu không hiểu biết và tìm cách đối phó kịp thời, mạng sống và sinh kế của hàng trăm triệu đến hàng tỷ người trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng.

Vì thế mà gần hai tuần qua, tin tức khắp nơi tràn ngập về sự kiện COP26.

COP26 là tên gọi tắt cho Hội nghị Nhóm 26 (Conferences of the Parties, năm nay là lần thứ 26), được tổ chức tại thành phố Glasnow, Scotland, Anh quốc, từ ngày 31 tháng 10 đến 12 tháng 11 năm 2021.

Mục đích chính của COP là tạo ra diễn đàn và cơ hội để mọi thành viên quốc gia trên thế giới, từ những người đại diện cho chính quyền, cơ sở kinh doanh, chuyên gia khí hậu, cho đến các công dân trên toàn cầu, gặp mặt nhau để thảo luận, tìm sự đồng thuận và cam kết hành động chung trong mục tiêu đối phó với biến đổi khí hậu.

Khoa học cho biết lượng khí thải nhà kiếng, như khí CO2 và methane, đã lên mức cao nhất trong 2 triệu năm qua, và tiếp tục gia tăng. Vì thế trái đất đã bị hâm nóng 1.1 độ C so với thời 1800s. Thập niên trước được xem là ấm nhất theo kỷ lục. Khi trái đất bị hâm nóng, ảnh hưởng tại một nơi tạo lên những ảnh hưởng dây chuyền lên nơi khác, vì tất cả mọi thứ trên địa cầu này đều liên quan mật thiết có tính cách hệ thống với nhau. Những hậu quả của biến đổi khí hậu hiện nay bao gồm hạn hán trầm trọng, khan hiếm nước, hỏa hoạn nghiêm trọng, mực nước biển dâng cao, lũ lụt, băng ở hai cực tan chảy, các cơn bão thảm khốc và suy giảm đa dạng sinh học.

Nhiều nơi trên thế giới đã trải nghiệm điều này. 20 triệu người dân Việt Nam sống tại 13 tỉnh thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long đã cảm nhận được phần nào tác hại của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây, nhất là mưa lũ hay hạn hán, và nước mặn tràn sâu vào giòng sông, gây ảnh hưởng lên mùa màng và nền nông nghiệp, vựa lúa phì nhiêu của Việt Nam. Tại Bangladesh, biến đổi khí hậu gây ra lũ lụt, bão tố và thiên tai khác đã đe dọa cuộc sống và tương lai của hơn 19 triệu trẻ em tại đây. Sự hâm nóng toàn cầu đã làm cho mực nước biển dâng lên, nhiều nơi trên thế giới đã, đang, và sẽ, bị chìm dưới nước, nhất là những quốc gia thuộc dạng đảo (Island nations). Ở nhiều nơi này, người dân không thể tiếp tục cuộc sống như trước đây, khi sức khỏe, thực thẩm, nhà cửa, an toàn và công việc không còn. Họ không còn cách nào khác là phải dời đi nơi khác để sinh sống.

Để đối phó với nạn biến đổi khí hậu như thế, các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã đồng ý với nhau rằng sự gia tăng nồng độ hâm nóng trái đất sẽ tác động sâu xa lên cuộc sống khắp nơi, cho nên cần phải làm sao để kiểm soát được phần nào tình trạng hâm nóng này. Nếu giới hạn được mức độ hâm nóng không quá 1.5 độ C trên toàn cầu trong thế kỷ này, nó có thể giúp nhân loại tránh những tác động xấu nhất của khí hậu và duy trì một khí hậu có thể sống được. Thế nhưng, với cung cách sống của nhân loại hiện nay, nếu không thay đổi, thì sẽ phát thải CO2 mà có thể làm tăng nhiệt độ toàn cầu lên tới 4,4 độ C vào cuối thế kỷ này. Như thế sẽ là đại thảm họa cho toàn nhân loại.

Do đó mọi chính sách và hành động của tất cả các thành viên thuộc cộng đồng nhân loại đều quan trọng trong nỗ lực chung này. Cùng nhau, nếu mỗi cá nhân, cộng đồng, tổ chức, tập đoàn/công ty và quốc gia cố gắng tối đa trong khả năng của mình, thì toàn nhân loại mới đạt được mục đích cao cả này. Mỗi một phần của một độ C gia tăng gây hâm nóng trái đất đều có thể gây thiệt hại về mạng sống và sinh kế của nhiều người trên thế giới, dù chúng ta không thể thấy bằng mắt hay nghe bằng tai.

Muốn thay đổi triệt để, toàn diện và ở tầm lớn thì quan trọng nhất là phải thay đổi sự vận hành nền kinh tế quốc gia và toàn cầu. Xây dựng một nền kinh tế không thải khí nhà kiếng như thế là một thách thức cực lớn, ngay cả cho các quốc gia phát triển, giàu có hiện nay, khoan nói đến các quốc gia đang phát triển, nghèo nàn. Nhưng những nước phát triển, có nền kinh tế với mức thu nhập cao, là nước đã thải khí nhiều nhất, theo dữ liệu có từ 1751 đến 2019, chiếm đến 59% lượng khí thải toàn cầu; trong khi các nước có thu nhập trung bình thì chỉ chiếm 31%, và thu nhập thấp chỉ 10%. Cho nên các quốc gia giàu có phát triển cần phải đóng góp nhiều hơn các nước khác.

Sau hai tuần hội nghị và với lắm tranh cãi, 197 quốc gia thành viên đã đạt được sự đồng thuận trong cam kết và hy vọng về mục tiêu giữ nồng độ hâm nóng trong 1.5 độ C để cùng nhau ngăn ngừa thảm họa đến với trái đất, với nhân loại.

Hội nghị là về những vấn đề rất lớn, như luật pháp và chính sách của mỗi quốc gia thành viên, trong ba thập niên tới, và xa hơn nữa, để cùng bảo vệ trái đất này. Nhưng tất cả đều không có ý nghĩa gì nếu không có phần tham gia và đóng góp tích cực của mỗi cá nhân thành viên trong cộng đồng nhân loại.

Trong những năm qua, tôi và gia đình nhỏ của mình cũng tập thay đổi thói quen từng có trước đây. Về điện lực, chẳng hạn, chúng tôi luôn tìm cách sử dụng ánh sáng tự nhiên khi có thể, thay vì dùng đèn điện. Tôi luôn phải nhắc nhở các con tập thói quen tắt mọi dụng cụ nào sử dụng điện lực khi không còn dùng đến nó, như Tivi, máy nhạc, máy quạt, computer, đèn v.v… Tuy nước không thiếu nơi chúng tôi ở, nhưng chúng tôi vẫn tiết kiệm nước, nhất là khi nghĩ đến hàng triệu người không có nước sạch để dùng, hay phải vất vả đi thật xa để có được nguồn nước để uống. Chúng tôi khi tắm thì tắm ít hơn trước, và thường hay sử dụng lại nước đã dùng, như nước rửa rau, trái cây v.v. để tưới cây. Chúng tôi dùng các bao giấy nhiều hơn, tránh dùng bao ni lông. Dùng lại tất cả các đồ nhựa, khi có thể. Tiết kiệm, thay vì phung phí, là bước căn bản đầu tiên. Tóm lại, chúng tôi phải luôn tự nhắc nhở nếu không giảm thiểu được thì cũng không góp phần tạo ra thêm khí thải nhà kiếng một cách không cần thiết qua mọi hoạt động con người.

Tôi cũng tin rằng ai trong chúng ta đều có thể làm được các điều căn bản này. Nhiều hay ít tùy theo hoàn cảnh mỗi người. Bởi vì mọi hoạt động từ mỗi cá nhân chúng ta, đều ít hay nhiều, đều thải khí nhà kiếng, do đó tất cả chúng ta đều có thể góp phần vào mục đích tránh thảm họa tàn khốc của biến đổi khí hậu. Sự tiến bộ của khoa học đã giúp nhân loại phát họa được viễn ảnh tương lai ra sao. Khi các khoa học gia hàng đầu đã dầy công tìm ra được giải pháp hợp lý để đối phó, các chính quyền/chính trị gia đã góp phần làm ra các chính sách thích đáng, thì chúng ta cũng cần có bổn phận và trách nhiệm góp phần thực hiện. Muốn tránh đại thảm họa biến đổi khí hậu thì phải bắt đầu bây giờ, nếu không thì quá trễ, và phải đến từ tận gốc như thế, thay vì trông đợi vào người khác. Bởi vì, nói cho cùng, đó là tương lai của con em chúng ta, cháu chắt chúng ta, và bao thế hệ tiếp nối sau đó.

P.P.K.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét