Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

20211129. HỘI THẢO GIÁO DỤC 2021

 ĐIỂM BÁO MẠNG  

VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG VÀ NHỮNG CUNG ĐƯỜNG CHO HƯƠU CHẠY
XUÂN DƯƠNG / GDVN 27-11-2021

PHẦN 1
GDVN- Không có nhà giáo hoặc không có học trò sẽ không tồn tại nhà trường, không tồn tại nền giáo dục và đương nhiên sẽ không có “Văn hóa học đường”.

Hội thảo Giáo dục Việt Nam năm 2021 với chủ đề: “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức đã tiến hành ngày 21/11/2021 tại Hà Nội.

Phát biểu định hướng hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu ba nội dung, nội dung thứ nhất bao gồm một số vấn đề trong đó có:

“Xây dựng văn hoá nhà trường theo định hướng “Học thật, thi thật và nhân tài thật”. [1]

Không chỉ trong hội thảo, trả lời phỏng vấn của phóng viên Anh Minh - Báo điện tử Đại biểu Nhân dân, bà Nguyễn Thị Mai Hoa không quên nhắc lại ý kiến này kèm theo khẳng định:

“Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ có khuyến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này và giám sát việc tổ chức thực hiện”. [2]

Tham luận gửi tới hội thảo, giáo sư Trần Ngọc Thêm nêu ý kiến:

“Để có nhân tài thật thì “học thật, thi thật”, hay “học trung thực” là yêu cầu tối thiểu. “Học thật, thi thật”, hay “học trung thực” phải là một mục tiêu nền tảng xuyên suốt, không chỉ giúp chống bệnh gian lận trong thi cử, nạn đạo văn, mà còn góp phần quan trọng bảo đảm tính hiệu quả của giáo dục và chất lượng của sản phẩm giáo dục”. [3]

Baotuyenquang.com.vn

Cũng tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng:

“Văn hóa học đường bao gồm các thành tố, các hoạt động của trường học, cùng các yếu tố có liên quan;… Trong nhà trường, hoạt động quan trọng nhất là dạy và học; quan hệ quan trọng nhất là quan hệ giữa thầy và trò”.

Cho đến nay chưa có một định nghĩa hoàn chỉnh về “Văn hóa học đường”, song nói tới điều này nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo,… đều thống nhất cho rằng đó phải là một hệ thống những giá trị, những chuẩn mực về học thuật, đạo đức, quan hệ giao tiếp,… và phải được luật hóa để mọi tổ chức, cá nhân cùng thực hiện.

Ý kiến của bà Nguyễn Thị Mai Hoa và khuyến nghị (nếu thành hiện thực) của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tới Bộ Giáo dục và Đào tạo có thực sẽ góp phần tạo nên văn hóa học đường?

Ý kiến về “học thật, thi thật” của ông Trần Ngọc Thêm có thực sẽ “góp phần quan trọng bảo đảm tính hiệu quả của giáo dục và chất lượng của sản phẩm giáo dục”?

Nói thẳng câu trả lời e là sẽ làm mất lòng một số vị đáng kính nên xin dẫn giải đôi chút.

Xin khẳng định là người viết không bắt bẻ câu chữ theo kiểu “cảnh sát văn chương” mà chỉ căn cứ vào nội hàm của các phát biểu để đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi đã nêu.

Sau hơn 50 năm gắn bó với giáo dục, người viết thực sự ngạc nhiên và lo lắng khi chủ trương lớn về đổi mới giáo dục và đào tạo của Đảng thể hiện trong Nghị quyết 29-NQ/TW nhưng qua hội thảo “Văn hóa học đường” lại có những ý kiến định hướng lệch và thiếu khoa học đến như vậy.

Vì sao lại ngạc nhiên?

Ngạc nhiên vì làm sao có thể xây dựng “văn hóa học đường” khi chỉ chú trọng đến “học thật, thi thật” - tức là chỉ chú ý đến học sinh, sinh viên mà bỏ qua vai trò của nhà giáo?

Dù tất cả học sinh Việt Nam có được sinh ra với chỉ số IQ cao nhất thế giới, dù các kỳ thi có được tổ chức nghiêm túc nhất thế giới thì cũng không thể có “nhân tài thật” nếu từ bé đến lớn đứa trẻ không nhận được sự dạy dỗ của gia đình và các thày cô.

Ngạc nhiên vì một vị giáo sư (tức là một nhà giáo) lại vô tư khẳng định chỉ cần “học thật, thi thật” (Giáo sư Thêm gọi là “học trung thực”) là có thể “góp phần quan trọng bảo đảm tính hiệu quả của giáo dục và chất lượng của sản phẩm giáo dục”.

Bao nhiêu vị đang đứng trên đỉnh lâu đài khoa học nước nhà đã công bố các công trình nghiên cứu cấp quốc gia (kể cả chưa được nghiệm thu) và đã đủ cơ sở khẳng định, rằng không cần thiết phái gắn kết nhà giáo với việc chống lại “bệnh gian lận trong thi cử, nạn đạo văn”, cũng không cần phải chú ý vai trò của thày cô đến việc “bảo đảm tính hiệu quả của giáo dục và chất lượng của sản phẩm giáo dục”?

Căn cứ vào những gì giáo sư Thêm đề xuất, chỉ cần “học thật, thi thật” là có thể chữa lành hai căn bệnh kinh niên của giáo dục nước nhà là “bệnh gian lận trong thi cử” và “nạn đạo văn”!

Vậy thì vụ gian lận thi cử năm 2018 tại ba tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La khiến hàng loạt quan chức địa phương bị xử lý là do “học không thật” hay do “thi không thật”?

Vì sao lại lo lắng?

Lo lắng vì chuyện “khuyến nghị” nhưng lại kèm theo “giám sát” mà bà Nguyễn Thị Mai Hoa trao đổi với báo chí.

Theo quy định tại khoản 5, điều 2, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Luật số: 87/2015/QH13) thì: “Giám sát của Quốc hội bao gồm giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội”.

Mục C, khoản 1, điều 4, Luật số 87/2015/QH13 quy định:

“Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;...”.

Nếu chỉ mới là “khuyến nghị” thì người nghe có thể thực hiện hoặc không, tuy nhiên nếu Ủy ban của Quốc hội thực hiện quyền “giám sát việc tổ chức thực hiện” như quy định tại điều 4 Luật số 87/2015/QH13 nêu trên thì có nghĩa là “khuyến nghị” đó đã trở thành một văn bản quy phạm pháp luật và cơ quan hành pháp bắt buộc phải thực hiện.

Nói cách khác, phải chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ buộc phải xây dựng “văn hóa học đường” theo định hướng mà bà Hoa đã nêu như trả lời phỏng vấn trên Báo điện tử Đại biểu Nhân dân, không nhắc gì đến vai trò của nhà giáo?

Vậy quan điểm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Trong nhà trường, hoạt động quan trọng nhất là dạy và học; quan hệ quan trọng nhất là quan hệ giữa thầy và trò”.

Phát biểu của Bộ trưởng Sơn về nội dung không có gì mới bởi đây là cách diễn đạt kiểu “cách mạng 4.0” những quan điểm giáo dục xưa, chẳng hạn:

“Không thay đố mày làm nên”;

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”;…

Điều đáng trân trọng là Bộ trưởng Sơn đã không né tránh, không ngại sự khác biệt quan điểm khi đưa ra ý kiến về dạy và học.

Người viết ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khi ông cho rằng trong nhà trường - cũng tức là văn hóa học đường - hai đối tượng không thể tách rời là thày và trò, hai hoạt động dạy và học phải được quan tâm như nhau.

Không có nhà giáo hoặc không có học trò sẽ không tồn tại nhà trường, không tồn tại nền giáo dục và đương nhiên sẽ không có “Văn hóa học đường”.

Từ quan điểm của Bộ trưởng Sơn “hoạt động quan trọng nhất trong nhà trường là dạy và học…” phải chăng sẽ định hình nội hàm của văn hóa học đường là “Dạy thật, học thật, thi thật”?

Cần phải khẳng định “Nhân tài thật” không phải là thành tố tạo nên văn hóa học đường bởi nó là kết quả mà quá trình “Dạy thật, học thật, thi thật” mang lại. Nói cách khác, “nhân tài thật” là sản phẩm sinh ra từ “Văn hóa học đường thật”, “Văn hóa học đường giả cầy” không thể tạo nên “nhân tài thật”.

(Còn nữa)

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chuyen-gia-nha-giao-duc-ban-giai-phap-tao-dot-pha-ve-van-hoa-hoc-duong-2tlMxzpnR.html

[2] https://daibieunhandan.vn/tao-chuyen-dong-manh-me-ehycsh3xzb-66522

[3] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/gs-tran-ngoc-them-gia-doi-da-tham-nhap-sau-vao-van-hoa-hoc-duong-795148.html

PHẦN 2
GDVN- Văn hóa học đường chỉ có thể hình thành cùng lúc với việc xây dựng một nền giáo dục hội đủ ba yếu tố “Trường ra trường, thày ra thày, trò ra trò”.

Văn hóa nhà trường và những cung đường hươu chạy (Phần 1)

Ủng hộ việc tổ chức các hoạt động mang tầm quốc gia liên quan đến giáo dục và đào tạo giữa cơ quan lập pháp (Quốc hội) và các cơ quan hành pháp (các Bộ thuộc Chính phủ) song tin tưởng tuyệt đối vào hiệu quả của những cuộc hội thảo này thì thật khó nói.

Người viết trong nhiều bài đã đăng từng khẳng định đổi mới giáo dục và đào tạo phải bắt đầu từ người thày. Thày cô mới là người quyết định chất lượng giáo dục.

Chương trình, sách giáo khoa, cơ sở vật chất,… tốt đến mấy mà trình độ và đạo đức nhà giáo chỉ trung bình thì chất lượng giáo dục cùng lắm cũng chỉ đạt mức trung bình.

“Văn hóa học đường” là một bộ phận của văn hóa quốc gia, tách riêng văn hóa học đường khỏi văn hóa quốc gia với hy vọng có thể làm cho văn hóa học đường trở nên hoàn thiện hơn, khoa học hơn, nhân văn hơn phải chăng là việc làm phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam?

Nữ giáo viên ngồi trên nền đất kêu cứu trước nguy cơ


 mất việc (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Tạp chí Tổ chức Nhà nước trong bài “Thử đi tìm nguyên nhân của sự xuống cấp về đạo đức” viết:

“Riêng đối với dân tộc ta, một dân tộc vốn có hàng ngàn năm văn hiến, một dân tộc biết lấy chữ nhân làm đầu, trọng lối sống tình nghĩa, biết khoan dung và giàu lòng tương thân tương ái, thì sự xuống cấp về đạo đức xã hội quả là một nhức nhối lớn đối với lương tri dân tộc”. [3]

Văn hóa quốc gia được hình thành bởi sự hòa quyện của truyền thống lịch sử, văn hóa làng xã, văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa kinh doanh,…

Những năm gần đây, không ít ý kiến cho rằng sự xuống cấp văn hóa nói chung và đạo đức xã hội nói riêng bắt nguồn từ kinh tế, họ vận dụng nguyên lý “vật chất quyết định ý thức xã hội” để đi tới khẳng định sự xuống cấp của văn hóa học đường cũng bắt nguồn từ kinh tế?

Học sinh giỏi không mặn mà với ngành Sư phạm là do kinh tế; thày cô dạy thêm bằng cách ép học sinh là do kinh tế, chuyện mua điểm, chạy điểm, chạy chức (trong các cơ quan quản lý giáo dục) là do kinh tế, chuyện học trò hư hỗn, nhà giáo và nhà trường bị không ít phụ huynh và dư luận xã hội coi thường cũng bị quy về kinh tế,…

Cách lập luận này không hoàn toàn sai song cho thấy tâm lý không dám nhìn thẳng vào vấn đề cốt lõi của giáo dục.

Giáo dục cũng như các ngành khác không bao giờ có thể là ốc đảo trong một chỉnh thể kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội... và học đường (nhà trường) cũng không thể là ốc đảo trong ngành giáo dục bởi còn liên quan đến cơ quan quản lý và vô số cơ quan quyền lực khác.

Văn hóa học đường chỉ có thể hình thành cùng lúc với việc xây dựng một nền giáo dục hội đủ ba yếu tố “Trường ra trường, thày ra thày, trò ra trò”.

Xây dựng văn hóa học đường trước rồi mới nghĩ đến “Trường ra trường, thày ra thày, trò ra trò” chẳng khác gì cho rằng ý thức (văn hóa) quyết định vật chất, ngược với điều mà từ hàng thế kỷ trước các triết gia theo chủ nghĩa duy vật biện chứng đã khẳng định: “Vật chất có trước, ý thức có sau, vật chất là nguồn gốc của ý thức, quyết định ý thức”.

Làm thế nào để “trường ra trường” khi ngân sách dành cho giáo dục liên tục nhiều năm không đảm bảo theo quy định của Luật Giáo dục và Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng, theo đó tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục tối thiểu phải là 20%. Thực chi ngân sách cho giáo dục năm 2018 và 2019 chỉ khoảng 14%, năm 2021 này là khoảng 17,3%. [5]

Ngay tại Thủ đô, bộ mặt của cả nước nhưng vẫn có trường tiểu học công lập có tới 70 học sinh lớp 1 phải chen chúc học trong một phòng học [6] thì chuyện “trường ra trường” ở các nơi khác liệu có khá hơn?

Nghị quyết của Đảng và quy định trong luật về chi ngân sách cho giáo dục không được thực thi nhưng lại mà cứ nói đến những điều cao xa phải chăng là hợp lý?

Làm thế nào để “thày ra thày” nếu ngay tại Thủ đô Hà Nội, hàng trăm nữ giáo viên phải ngồi trên nền đất kêu cứu vì nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng lao động sau nhiều năm giảng dạy?

Làm thế nào để có đội ngũ nhà giáo tận tâm, giỏi nghề khi ngay sau ngày Nhà giáo Việt Nam một tờ báo báo điện tử đăng dòng tâm sự của một nhà giáo:

“Đã từng yêu nghề giáo cho đến khi... cải cách giáo dục”. [7]

Làm thế nào để “trò ra trò” khi bạo lực học đường có chiều hướng lan rộng khó kiểm soát, khi có vị giáo sư lên tiếng phê phán triết lý “Tiên học lễ, hậu học văn” với lý do nó kìm hãm sự sáng tạo của người Việt?

Liệu có phải sự hiểu biết một cách thô sơ khái niệm “lễ” trong triết lý của tổ tiên khiến người ta cho rằng “lễ” ở đây là “lễ phép”, “lễ giáo”, là sự gò bó con trẻ vào khuôn phép gia đình, dòng tộc làng xã với những lề thói phong kiến không còn phù hợp với thời đại kỹ thuật số?

Nếu những người phản đối “Tiên học lễ, hậu học văn” với mục đích tránh cho giáo dục biến trẻ em thành cỗ máy vâng lời, chỉ biết đến “văn mẫu”, chỉ biết đọc lại những câu từ mà thày cô đọc trước hoặc nền giáo dục với mục đích biến thanh niên thành lực lượng bảo gì làm nấy thì sự phê phán của họ không phải là vô lý.

Song bác bỏ hoàn toàn việc giáo dục trẻ em theo phương châm “Tiên học lễ, hậu học văn” là một phát biểu vội vã nếu không nói là tùy tiện.

Người viết tin rằng rất ít người chê bai nền giáo dục của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore,…, vậy người Nhật dạy trẻ em thế nào?

Bài báo “Giáo dục đạo đức là cốt lõi của xã hội Nhật Bản: Học làm người mọi lúc, mọi nơi” cho thấy: “Ở Nhật Bản, đạo đức không chỉ là một môn học mà còn đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ các khía cạnh trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Chương trình giáo dục đạo đức tại Nhật được xây dựng trên nền tảng pháp luật quốc gia với bộ tiêu chuẩn mà tất cả các trường học từ công lập đến tư thục đều phải thực hiện”. [8]

Cuộc vận động bãi bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” đã âm ỉ qua thời gian dài và hoạt động này được không ít người Việt cổ xúy.

Điều đáng thất vọng là chính một số người làm giáo dục lại ủng hộ quan điểm này như phát biểu của vị giáo sư đã nêu.

Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, đợt 1 có 534.123 thí sinh làm bài thi Giáo dục công dân, điểm trung bình các bài thi là 8,37 và chỉ có 1% dưới trung bình.

Thế có phải là việc “Giáo dục công dân” đã được thực hiện rất tốt và không cần phải cải tiến gì nữa?

Thế có phải là những công dân tương lai đã được giáo dục cẩn thận và chuyện bạo lực học đường, chuyện gian lận thi cử, chuyện thuê người học hộ, thi hộ, chuyện sử dụng bằng cấp bất minh của Đại học Đông Đô để thi đầu vào tiến sĩ chỉ là chuyện vặt không đáng để ý?

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2018, bà Lesley Miller, Quyền Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam viết:

“Giáo viên là những người cầm chìa khóa mở cửa tương lai cho học sinh. Thầy cô giáo truyền cảm hứng, đưa ra thử thách, chuẩn bị hành trang và truyền sức mạnh cho những công dân toàn cầu đầy tinh thần đổi mới và trách nhiệm…”. [9]

Giáo dục là con đường duy nhất đưa dân tộc tiến tới tương lai, người Anh cũng có câu tương tự: “Education is the Key to a Better Future” (Giáo dục là chìa khoa cho một tương lai tốt đẹp hơn).

Thế nhưng nếu nhiều người hùa nhau vẽ đường cho… giáo dục chạy thì giáo dục sẽ chạy theo đường nào?

Phải chăng điều cấp thiết hiện nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nên tổ chức chuyên đề giám sát việc chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo và một chuyên đề về đời sống nhà giáo?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chuyen-gia-nha-giao-duc-ban-giai-phap-tao-dot-pha-ve-van-hoa-hoc-duong-2tlMxzpnR.html

[2] https://daibieunhandan.vn/tao-chuyen-dong-manh-me-ehycsh3xzb-66522

[3] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/gs-tran-ngoc-them-gia-doi-da-tham-nhap-sau-vao-van-hoa-hoc-duong-795148.html

[4] https://tcnn.vn/news/detail/41843/Thu-di-tim-nguyen-nhan-cua-su-xuong-cap-ve-dao-duc.html

[5]https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/ngan-sach-toan-nganh-giao-duc-nam-2021-chi-dat-khoang-173-20210827182426884.htm

[6]https://laodong.vn/giao-duc/si-so-hoc-sinh-lop-1-len-toi-70-emlop-so-gd-dt-ha-noi-noi-do-bat-kha-khang-627918.ldo

[7] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/ap-luc-tu-be-hinh-anh-nguoi-thay-dan-mo-nhat-795337.html

[8]https://tamnhin.trithuccuocsong.vn/giao-duc-dao-duc-la-cot-loi-cua-xa-hoi-nhat-ban-hoc-lam-nguoi-moi-luc-moi-noi-108744.html

[9]https://www.unicef.org/vietnam/vi/thông-cáo-báo-chí/khuyến-khích-kỷ-luật-tích-cực-trong-trường-học

Xuân Dương
VĂN HÓA PHƯƠNG TÂY VÀ MẶT TRÁI
 THỊ TRƯỜNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUAN HỆ THẦY-TRÒ
TRẦN PHƯƠNG/ GDVN 28-11-2021

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo Giáo dục 2021: “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào ngày 21/11, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thức – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã có bài tham luận “Văn hóa học đường từ các mối quan hệ trong nhà trường”.

Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu trụ sở Quốc hội. Ảnh: LC

Theo nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thức – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, một số nhà trường chỉ tập trung vào việc dạy kiến thức tự nhiên, xã hội mà chưa chú trọng đúng mức đến việc giáo dục nhân cách sống cho học sinh, sinh viên. Thực tế cho thấy, trong môi trường học đường, nơi văn hoá được coi trọng, được xây dựng và phát huy vẫn còn có nơi diễn ra những điều thiếu văn hoá.

Khi bàn về mối quan hệ về thầy và trò, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thức nhận định: “Ở giai đoạn nào, xã hội cũng coi trọng việc học hành, đặc biệt, xã hội càng phát triển thì việc học của con em luôn được đặt lên hàng đầu để mỗi trẻ khi lớn lên vừa lập thân, vừa lập nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm qua, sự du nhập của văn hóa phương Tây và mặt trái của cơ chế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ tới mối quan hệ giữa thầy và trò.

Môi trường học đường hiện nay được ví như một xã hội thu nhỏ với nhiều mối quan hệ đan xen phức tạp, nhiều tệ nạn như ma túy, cờ bạc, cá độ bóng đá, bạo lực… đã len lỏi vào trong môi trường giáo dục. Không ít các chuẩn mực, giá trị, niềm tin văn hóa truyền thống của nhà trường đã bị thay đổi, nhiều hành vi thiếu văn hoá của học sinh và giáo viên thỉnh thoảng vẫn xảy ra trong môi trường học đường.

Hiện có rất nhiều ý kiến cho rằng văn hoá ứng xử học đường ở nhiều nơi chưa được coi trọng.

Một số nhà trường chỉ tập trung vào việc dạy kiến thức tự nhiên, xã hội mà chưa chú trọng đúng mức đến việc giáo dục nhân cách sống cho học sinh, sinh viên. Thực tế cho thấy, trong môi trường học đường, nơi văn hoá được coi trọng, được xây dựng và phát huy đâu đó vẫn còn diễn ra những điều thiếu văn hoá.

Thầy Trần Văn Thức cũng nêu ra thực trạng tôn trọng của phụ huynh học sinh đối với thầy cô giáo: “Sự tôn trọng của học trò, cha mẹ học trò và xã hội với thầy cô giáo cũng có nhiều thay đổi.

Một phần là do nhiều bậc cha mẹ cho rằng trách nhiệm dạy bảo con em họ là do xã hội giao phó, người thầy phải thực hiện, họ trả học phí để thầy cô dạy.

Một phần là do có một số thầy, cô giảm sút đạo đức nhà giáo, không thực sự gương mẫu trong lối sống, sa vào những chuyện tiêu cực, cá biệt có thầy cô còn xúc phạm nhân phẩm, xâm hại học sinh, bị dư luận lên án.

Tất cả những điều đó đã làm xấu đi hình ảnh người thầy, người cô mẫu mực, mô phạm một thời của ngành giáo dục.

Xu hướng đổi mới “Dạy học lấy học sinh làm trung tâm” đã đặt học trò lên vị trí chủ thể của giáo dục. Người thầy giờ đây chỉ là người hướng dẫn, gợi mở, dẫn dắt học sinh trên con đường tìm kiếm tri thức. Mối quan hệ thầy - trò trở thành mối quan hệ song hành, dân chủ và không còn sự quyền uy, áp đặt như trước nữa.

Ảnh minh họa: Sư việc nữ sinh ở trường Trung học cơ sở Lương Trung (xã Lương Trung, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) bị tát, bị bắt quỳ gối xin lỗi,

Học sinh, sinh viên không những được tự do tranh luận, trao đổi với nhau, mà còn tranh luận với cả thầy, thậm chí, chất vấn lại thầy, đòi hỏi thầy trả lời những câu hỏi do mình đặt ra.

Ở mặt nào đó, đây là một sự tiến bộ tích cực, thể hiện tính nhân văn, dân chủ, bình đẳng trong quan hệ thầy - trò, thúc đẩy tính năng động, tích cực của học sinh, tránh được sự thụ động, áp đặt một chiều từ phía người thầy.”

Trong bài tham luận, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thức cũng đã bàn đến mối quan hệ giữa trò với trò, nhà trường với trò…

“Có thể nhận thấy các mối quan hệ chính là cơ sở để hình thành văn hóa học đường trong mỗi nhà trường, nên mục tiêu xây dựng văn hóa học đường chính là xây dựng môi trường”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa nhận định.

Xây dựng văn hóa học đường là xây dựng nền nếp, kỉ cương, dân chủ trong các hoạt động ở nhà trường, xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp trong nhà trường theo các chuẩn mực chung của văn hóa và các quy định riêng của ngành giáo dục. Xây dựng văn hóa học đường còn là yếu tố then chốt để phát triển các nhà trường.

Văn hóa học đường lành mạnh, tích cực sẽ là yếu tố thuận lợi để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phòng ngừa các hành vi lệch chuẩn, tạo động lực cho cả người dạy và người học.

Nêu ra các giải pháp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thức cho rằng:

Để làm tốt điều này, đòi hỏi các nhà trường phải hoàn thiện các văn bản về quy định, quy chế ở mức tốt nhất, phù hợp thực tiễn phát triển; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên và gia đình học sinh, sinh viên về sự cần thiết của việc xây dựng văn hóa học đường trong giai đoạn hiện nay; nâng cao năng lực giáo dục văn hóa ứng xử cho cán bộ quản lý, giáo viên và các lực lượng giáo dục khác; phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa, lành mạnh, thân thiện cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa trong nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nhằm hướng tới một môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện, tích cực và hướng tới sự phát triển bền vững.

Trần Phương
CHÚNG TA ĐANG THEO 
TRIẾT LÝ GIÁO DỤC NÀO ?
CHU HẢO/ BVN 28-11-2021

Nhân cuộc thảo luận “Tiên học lễ hậu học văn” đang diễn ra sôi nổi trên mạng, anh Nguyễn Quang A đề xuất trao đổi vấn đề “triết lý giáo dục”, được anh Vũ Ngọc Hoàng tán thành. Hồ hởi hưởng ứng lời kêu gọi của anh Quang A và các anh chị, tôi xin gửi bài tôi đã viết từ 2008 trong file kèm theo, hình như nó chỉ trôi nổi trên mạng chứ chưa được đăng ở báo chí nào. Tuy hơi cũ nhưng hình như vẫn có vẻ thời sự. Nếu được các anh chị quan tâm tôi rất lấy làm vinh hạnh! Chúc cuộc thảo luận thành công!

Chu Hảo

I. Nền giáo dục quốc dân của chúng ta vẫn đang cần có một cuộc cải cách triệt để mang tính cách mạng. Các phong trào mà Bộ Giáo dục phát động ( “Nói không với tiêu cực” từ năm trước, cho đến “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương” và “Ngôi trường thân thiện”.v.v...gần đây) tuy có làm cho bộ mặt của nền giáo dục có vẻ khởi sắc hơn, nhưng đó chỉ là bề nổi. Ở bề sâu, nhìn từ tổng thể, cái bất cập tồn tại hàng chục năm nay vẫn còn nguyên đó:

1. Hệ thống GDQD của chúng ta không đồng bộ, không liên thông, mất cân đối trầm trọng.

2. Nội dung giáo dục (chương trình, sách giáo khoa) của chúng ta bất cập về mặt khoa học, rất nặng nề về thời lượng và nhiều nội dung không thiết thực.

3. Phương pháp dạy và học ở các cấp đều lạc hậu, cơ sở vật chất và kỹ thuật quá thiếu thốn.

4. Công tác quản lý giáo dục yếu kém thể hiện ở ba mặt: Tài chính công được sử dụng kém hiệu quả và không minh bạch; Thiếu vắng hẳn đội ngũ chuyên gia về páht triển chương trình giáo dục; Không coi trọng hệ thống đo lường, trắc nghiệm để đánh giá giáo dục một cách khách quan và thường xuyên.

5. Chưa đủ hệ thống pháp luật để đảm bảo hành lang pháp lý cho các hoạt động giáo dục. Chẳng hạn chưa có văn bản luật pháp điều chỉnh hoạt động của các trường tư bất vụ lợi, là loại trường tư cần được khuyến khích, trong khi đó đã có quy định cụ thể cho các trường tư (cổ phần) vì lợi nhuận, là loại trường chưa hẳn đã nên được khuyến khích thành lập tràn lan dưới danh nghĩa “xã hội hóa”

Có điều hết sức lạ lùng là mặc cho dư luận xã hội có vẻ như ngày càng bức xúc, nhưng mọi việc vẫn đâu ở đấy. Hình như các kiến nghị của nhóm Giáo sư Hoàng Tụy (2004), của nhóm Trí thức Việt kiều (2005 và 2008), của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (2006), của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp (2007), của nhóm Bà Nguyễn Thị Bình (2008) đều cứ như là “đấm vào bị bông”. Những cá nhân và tổ chức có trách nhiệm không đối thoại, không thanh minh, không bác bỏ...Việc họ họ cứ làm; tiếp tục phát động các phong trào, triển khai các đề án (kiểu như “2 vạn tiến sỹ”, “4 Đại học Quốc tế”,...) và thực hiện các biện pháp chắp vá (như kiểu sửa sách giáo khoa phổ thông, gộp các kỳ thi.v.v...). Mọi người đâm nản. Nhiều người cho rằng có lẽ phải làm lại từ đầu, từ khâu thay đổi tư duy về giáo dục của toàn xã hội và của những người hoạch định chính sách giáo dục. Nhưng thay đổi tư duy trên cơ sở triết lý giáo dục nào? Có lẽ những bất cập mà chúng ta đã liệt kê có cội nguồn sâu sắc từ chỗ bấy lâu nay nền giáo dục quốc dân của chúng ta đã không được xây dựng và phát triển trên cơ sở một nền tảng lý luận vững chắc, mà trên cơ sở kinh nghiệm chắp vá và duy ý chí. Nền tảng lý luận mà chúng ta cần phải dựa trên một triết lý giáo dục hiện đại phản ánh đầy đủ mục tiêu và các nguyên lý căn bản của giáo dục.

II. Loài người vẫn đang trên một hành trình bất tận để hiểu được “Ta là ai? Từ đâu tới? Đi về đâu? Và tại sao?”. Trên hành trình gian khổ ấy vấn đề giáo dục nổi lên như một phạm trù cốt lõi của sự tiến bộ xã hội. Ngay từ thế kỷ 4 trước công nguyên Plato là người đầu tiên chủ tâm giảng giải cho nhân loại biết thế nào giáo dục: Một xã hội ổn định khi mỗi cá nhân làm công việc phù hợp với những năng khiếu tự nhiên theo cách anh ta có ích cho những người khác (hay đóng góp cho cái toàn thể mà anh ta thuộc về); và nhiệm vụ của nền giáo dục là phát triển những năng khiếu tự nhiên này và huấn luyện chúng dần dần cho mục đích xã hội. Triết lý cao sang này, tiếc thay lại là điều không tưởng vì nó dựa trên giả thiết rằng đã có một tổ chức xã hội công bằng - dân chủ lý tưởng (cái chưa bao giờ tồn tại trong lịch sử loài người).Ở đó chỉ thấy vai trò của các giai tầng xã hội mà không thấy có các cá nhân tự do. Tuy nhiên triết lý của Plato vẫn là ngọn hải đăng giáo dục cho mọi tổ chức xã hội cho đến tận thế kỷ 18 với quan niệm cho rằng: Sứ mạng của giáo dục là chuẩn bị cho người học gia nhập vào một xã hội nhất định nào đó để phục vụ cho xã hội ấy[1].

Đến giữa thế kỷ 18 J.J Rouseau đã đưa ra ý tưởng mới mang tính cách mạng: Con người sinh ra là thiện, mọi xã hội đều có xu hướng làm hỏng cái thiện có sẵn ấy trong con người; và vì vậy sứ mạng chủ yếu của giáo dục là làm cho cái bản tính tốt đẹp tự nhiên của con người được duy trì và phát triển, chứ không phải là đào tạo con người theo lợi ích của xã hội (đã bị chính con người làm cho tha hóa); và rằng con người chỉ có một nghề duy nhất là “Làm người”. Triết lý “vị cá nhân” mang tính “phòng vệ (negative)” này, tiếc thay cũng gặp phải một trở ngại lớn: “Môi trường tự nhiên” cần thiết cho đứa trẻ đi học có thể phát huy được cái “thiện” của mình chỉ sản phẩm thuần túy tư duy của Rouseau mà thôi[2]

Muộn hơn một chút, vào cuối thế kỷ 18 E.Kant lại có một cách nhìn nhận khác hẳn: Nhân loại bắt đầu lịch sử của mình trong tình trạng bị tự nhiên khống chế - chứ không phải với tư cách con người là một sinh vật có lý trí, trong khi đó tự nhiên chỉ cung cấp bản năng và lòng ham muốn. Vì vậy theo Kant: “Con người là tạo vật duy nhất cần phải được giáo dục” hay “Con người là những gì được giáo dục tạo nên”. Và như vậy lúc đầu triết lý giáo dục của thế kỷ 18 mang nặng tính cá nhân chủ nghĩa Rouseau, nhưng sau đó Kant và những người khác (Fiche, Hegel...) đã bổ sung thêm yếu tố “nhân loại” thông qua vai trò điều hành và giám sát của xã hội - nhà nước để dung hòa hai mục tiêu cơ bản của giáo dục: hoàn thiện con người vì bản thân con người và cung cấp kỹ năng để phục vụ xã hội - nhà nước[3].

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 cùng với sự xuất hiện trào lưu thực dụng luận (Pragmatism) trào lưu tân giáo dục đã ra đời ở Mỹ mà người khởi xướng là John Dewey. Theo ông “Triết lý giáo dục là lý luận giáo dục xét như một thực tiễn được thực hiện một cách có chủ tâm”[4]. Bởi vậy triết lý giáo dục nào cũng phải chứa đựng những điều cốt lõi sau đây: mục tiêu tối hậu của giáo dục là gì? Và để đạt mục tiêu ấy cần phải hành động theo phương châm nào? Và bằng phương pháp nào? Ở thời đại của Dewey, cứu cánh của giáo dục có lẽ không khác mấy so với một thế kỷ trước: Hoàn thiện con người và phục vụ xã hội. Nhưng màu sắc “thực dụng vị kỷ” đã bắt đầu nhuốm vào giáo dục như một xu thế. Đến nỗi Einstein người cùng thời với Dewey đã phải cảnh báo: “Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có được một cảm thức sống động về cái gì là đáng để phấn đấu trong cuộc đời. Anh ta phải được dạy để có được một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không, với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa. Anh ta cần phải học để hiểu những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như với cộng đồng”[5].

Thế nhưng các nguyên lý cơ bản về phương châm, phương pháp giáo dục của Dewey mới thực sự đã làm nên một cuộc cách mạng mới trong giáo dục. Tư tưởng “Tân giáo dục” của Dewey phủ nhận hoàn toàn nền giáo dục truyền thống đã từng được áp dụng từ thời Plato cho đến thời điểm đó. Bắt nguồn sâu xa từ các thuyết nhị nguyên (chia cắt các cặp phạm trù tưởng như đối lập như con người - tự nhiên, tư duy - hành động, lý thuyết - thực nghiệm, học - hành.v.v...). nền giáo dục truyền thống đã tách biệt một cách phản dân chủ giữa nhà trường và xã hội, giáo dục và cuộc sống, thày giáo và học trò. Dewey chủ trương: Giáo dục không chỉ như là quá trình truyền đạt mà chính là bản thân cuộc sống; nhà trường không tách rời khỏi xã hội; và học trò là trung tâm của quá trình giáo dục. Ngày nay những nguyên lý giáo dục này vẫn là ngọn đuốc soi đường cho giáo dục ở các xã hội dân chủ.

Từ cuối thế kỷ 20 đã xuất hiện hai khuynh hướng mới trong giáo dục đáng được quan tâm. Đó là khuynh hướng “Tân tự do” và khuynh hướng “Tân phòng vệ”. Hai khuynh hướng này đối chọi nhau về mặt triết lý. Khuynh hướng “Tân tự do” coi giáo dục chủ yếu là hàng hóa, đầu tư cho việc học tập là đầu tư cho “vốn con người” cực kỳ vị kỷ vì nó được coi là của cải tư, mang đến lợi tức cho người có cái vốn đó[6]. Khuynh hướng “Tân phòng vệ” coi giáo dục chủ yếu là công ích, nhằm đào tạo những con người của và vì xã hội - nhân loại, trùng hợp với quan điểm của Rouseau về một nền giáo dục “phòng vệ”. Nhưng “Tân phòng vệ” không đặt nhà trường “bên ngoài” xã hội như Rouseau, mà ngay trong xã hội phức hợp, đa dạng và bất định và coi mục đích cuối cùng của giáo dục hiện đại là[7]:

1. Hình thành những khối óc được rèn luyện tốt; đào tạo những con người có đủ năng lực tổ chức và liên kết các trí thức để mưu cầu hạnh phúc cho bản thân mình và cho toàn xã hội chứ không phải nhồi nhét kiến thức theo kiểu chất vào kho.

2. Giáo dục về hoàn cảnh con người, làm cho mọi người có ý thức sâu sắc thế nào là một con người. Dạy cho thế hệ trẻ cách sống, chuẩn bị cho họ biết cách đối mặt với những khó khăn và những vấn đề chung của cả loài người.

3. Thực tập tư cách công dân của đất nước và của toàn thế giới; có năng lực đối thoại, khoan dung trong thế giới phức hợp và đa dạng.

III. Thế giới thì như vậy, còn chúng ta thì sao? Cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, từ xưa đến nay những vấn đề lý luận nền tảng của giáo dục chưa bao giờ được chúng ta đặt ra và nghiên cứu một cách bài bản và cẩn trọng. Phần nhiều làm theo kinh nghiệm và duy ý chí. Thay vì phải cung cấp các kiến thức cơ bản và phổ quát của triết học, trong các nhà trường của chúng ta chỉ dạy chính trị. Có lẽ cũng vì vậy mà triết lý giáo dục cũng được thay bằng các khẩu hiệu chính trị trong các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước

Mặc cho các lời hay ý đẹp về quan điểm (hay triết lý) giáo dục từng được nói lên trong những văn kiện ấy, nhưng trong thực tiễn nền giáo dục của chúng ta không nhằm đào tạo ra những con người được phát triển toàn diện với đầy đủ phẩm giá: có nhân cách, và có khả năng tư duy phê phán độc lập, sáng tạo. Nền giáo dục này đang thực hành kiểu nhồi nhét kiến thức như "chất vào kho"; và khuyến khích sự thụ động, khuôn sáo và tinh thần khoa cử. Điều này trái hẳn với triết lý Giáo dục nhân văn và sáng tạo của nền văn minh hiện đại.

Trong thực tiễn nền giáo dục của chúng ta không tạo được niềm hạnh phúc khi tới trường. Ngày nay đi học là một gánh nặng, nhất là ở cấp học phổ thông. Đối với rất nhiều em tới trường là một nỗi nhọc nhằn, khổ sở; tuổi thơ của các em đang bị "đánh cắp" bởi một chương trình giảng dạy nặng nề, nhàm chán và không thiết thực. Điều này trái hẳn với triết lý Hạnh phúc giáo dục của nền văn minh hiện đại.

Trong thực tiễn nền giáo dục của chúng ta không tạo dựng được sự Công bằng về cơ hội học tập cho mọi người, đặc biệt là cho trẻ em ở tuổi nhà trẻ và mẫu giáo. Hàng năm nước ta có khoảng 8 triệu trẻ em dưới 6 tuổi; trong số đó chỉ có khoảng hơn 3 triệu em được đến nhà trẻ, lớp mẫu giáo. Ngay cả các em được đến lớp ấy cũng chưa chắc gì được nuôi dạy một cách chu đáo như mới đây chúng ta được chứng kiến hình ảnh một nhà trẻ ở Đồng Nai. Vậy mà lứa tuổi cần được hưởng sự công bằng về cơ hội học tập nhất lại là lứa tuổi từ dưới 1 đến 5. Đặc biệt là khuynh hướng thương mại hoá giáo dục đang là nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với xã hội. Điều này trái hẳn với triết lý Công bằng giáo dục của nền văn minh hiện đại.

Trong thực tiễn nền giáo dục của chúng ta áp dụng một hệ thống quản lý tập trung quá mức, Nhà nước ôm vào mình những chức năng không cần có, làm mất quyền chủ động, linh hoạt của các cấp cơ sở. Quyền tự quản không được thực thi, đặc biệt là ở các trường Đại học. Ngay trong nhà trường sự mất dân chủ giữa người dạy và người học đã trở thành thâm căn cố đế. Điều này trái hẳn với triết lý Dân chủ giáo dục của nền văn minh hiện đại.

Từ những nhận xét trên đây chúng ta có thể thấy rằng một cuộc cải cách toàn diện và triệt để hệ thống giáo dục của nước ta là một yêu cầu cấp bách, không thể nấn ná được nữa, không thể tiếp tục tiến hành những Đề án Đổi mới chắp vá và thiếu hiệu quả như hơn hai mươi năm vừa qua được nữa. Một giải pháp tổng thể và đồng bộ nhằm chấn hưng (hay là làm lại?) nền giáo dục nước nhà không thể được đề xuất trong một thời gian ngắn (dưới 6 tháng), và chỉ bởi các chuyên gia trong nội bộ ngành giáo dục hoặc một nhóm chuyên gia độc lập nào. Phải coi đây là một Công trình lớn của quốc gia, phải được chuẩn bị chu đáo một vài năm, với sự tham dự của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau và dưới sự lãnh đạo của một Tổng công trình sư tài giỏi, công tâm và chuyên trách (chứ không kiêm nhiệm, làm "tay trái" như lâu nay vẫn thường xảy ra). Vì vậy chúng tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của các nhóm nghiên cứu về cải cách giáo dục của bà Nguyễn Thị Bình và của GS. Hoàng Tuỵ về việc thành lập Uỷ Ban cải cách giáo dục Quốc gia, hoạt động độc lập đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, với nhiệm vụ: Trong thời gian từ nay đến năm 2010 soạn thảo Chiến lược cải cách và phát

triển giáo dục giai đoạn 2010 đến 2020 với tầm nhìn đến 2030 và xa hơn. Chiến lược này phải lấy việc đổi mới tư duy về triết lý giáo dục là khâu đột phá. Trong khi chờ đợi chúng tôi xin đề nghị tiến hành ngay một số biện pháp cấp bách sau đây:

1. Tạm dừng việc soạn thảo "Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2008-2020" mà Bộ Giáo dục đang tiến hành. Trước hết phải đặt câu hỏi vì sao lại chọn thời điểm từ 2008 trong khi chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001-2010 đã được Chính phủ phê duyệt đang được thực hiện và chưa đánh giá tổng kết? Sau nữa là vì nội dung bản dự thảo còn rất nhiều bất cập như ý kiến của nhiều người đã được lấy ý kiến tham khảo.

2. Kiên quyết không mở thêm mới các dự án lớn và tạm dừng các dự án đang làm thiếu hiệu quả của ngành giáo dục như Chính phủ đã thực hiện đối với các dự án khác trong Chiến dịch chống lạm phát hiện nay. Đặc biệt nên xem xét lại ngay Dự án Bốn trường Đại học Quốc tế đang được Bộ GD&ĐT triển khai.

3. Tiến hành kiểm tra tài chính công cho Giáo dục (không phải chỉ do Bộ GD&ĐT quản lý) và công khai, minh bạch mọi khoản chi tiêu trong 10,15 năm gần đây. Và sau đó mới xem xét đến chủ trương tăng học phí ở các cấp mà Chính phủ đang trình Bộ Chính trị phê duỵệt.

4. Thực hiện ngay một số biện pháp đột phá trong quản lý giáo dục để chuẩn bị tiền đề cho công cuộc cải cách sẽ được thực thi trong vài năm tới. Không có hệ thống quản lý giáo dục (con người, bộ máy và cơ chế) tốt thì không có cuộc cải cách nào có thể thành công.

Hà nội ngày 15 thàng 9 năm 2008

C.H.

Chú thích

[1] Jonh Dewey, Dân chủ và giáo dục, NXB Tri thức 2008, trang 114 - 117

[2] J.J. Rouseau, Emile hay là về giáo dục, NXB Tri thức 2008, xem lời giới thiệu của Bùi Văn Nam Sơn

[3] Jonh Dewey, sđd, trang 118 - 126

[4] Jonh Dewey, sđd, trang 390

[5] A. Einstein, Thế giới như tôi thấy, NXB Tri thúc 2007, trang 48

[6] Cao Huy Thuần, Tạp chí thời đại mới số 14, www.tapchithoidaimoi.org

[7] Edgar Morin, Liên kết Tri thúc, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007

Tác giả gửi BVN

TRAO ĐỔI 'TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN'-

HƯỞNG ỨNG  GS TRẦN NGỌC THÊM

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 17-11-2021


Tham luận của GS Trần Ngọc Thêm ở Hội thảo “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới GD-ĐT” (do Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức, ngày 21/11/2021) đã gây nên một đợt bàn tán sôi nổi xung quanh điều kết luận, mục 5.3. GS viết: “Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo...”.

Một số bài phản biện cho rằng: Khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" (THLHHV) vẫn phù hợp (Nguyễn Minh Thuyết, Bích Hà ). Bỏ “Tiên học lễ” là một sai lầm lớn , Bỏ “Tiên học lễ” thì đạo đức xã hội sẽ ra sao? (Nguyễn Văn Nghệ). Không còn "THLHHV" thì sẽ là gì? (Phạm Văn Chung), Bỏ “THLHHV”, giáo dục thay bằng khẩu hiệu gì?(Quang Đại). Cái cần là thay đổi chương trình giáo dục chứ không nên bỏ THLHHV (Lê Nữ Kim Cương). Tư duy phản biện không bị trói buộc bởi quan niệm “Tiên Học Lễ” (Lê Học Lãnh Vân). Không nên bỏ THLHHV, vì những thầy cô chân chính luôn chú trọng THLHHV (Nguyễn Văn Mỹ)

Lập luận ở các bài kể trên cho rằng không nên hiểu khái niệm LỄ một cách hẹp mà phải hiểu rộng ra, nó bao gồm cả đạo đức làm người, rằng đạo đức xã hội đang xuống cấp mà bỏ học lễ thì nguy hiểm, rằng để có được tư duy phản biện thì phải học nhiều thứ khác chứ việc học lễ, học đạo đức không ngăn cản gì tư duy phản biện.

Tôi đứng về phe hưởng ứng lời của GS Thêm, xin góp thêm vài ý kiến mà GS đã có đề cập nhưng chưa được rõ, hoặc chưa đề cập đến.

Thứ nhất, lễ được giải thích bao gồm cả đạo đức là một suy diễn mở rộng. Ở VNCH trước 1975 trong các trường học có treo câu “Tiên học lễ, hậu học văn” sau khi đã giải thích rộng rãi sự mở rộng đó để mọi người biết. Ở nước CHXHCNVN hiện nay, chưa có một giải thích gì cả mà tự động suy diễn là khiên cưỡng, có tính chất ngụy biện. Như vậy chúng ta vướng vào việc trao đổi mà không thống nhất về khái niệm. “Tiên học lễ…” là do chúng ta thừa kế từ tổ tiên, từ Nho giáo chứ không phải thừa kế của nền giáo dục VNCH. Nội hàm và ngoại diên của khái niệm lễ trong cụm từ ‘tiên học lễ’ do tổ tiên truyền lại không có gì rõ ràng thuộc những yêu cầu cơ bản của đạo đức. Tự ý thêm vào nội dung của khái niệm trong quá trình đối thoại là việc làm tùy tiện. Cơ bản của lễ là mọi việc liên quan đến hành xử văn hóa của con người phải nằm trong sự quy định chặt chẽ của khuôn phép, là cấp trên nói thì cấp dưới phải nghe và làm theo, không được làm trái. Việc “Học lễ” có thể chưa đụng gì trực tiếp đến tư duy phản biện, nhưng khi thực hành phản biện thì gặp phải những ngăn cản của lễ. Trong suốt hàng ngàn năm theo Đạo Nho với THLHHV đất nước ta bị chìm đắm vào những ràng buộc của lễ giáo. Trong lễ của Đạo Nho có một số điều tốt, còn phù hợp, hãy lọc ra và chỉ giữ lại những điều tốt chứ không ôm trọn cả gói. Nói rằng THLHHV là ôm trọn cả gói.

Thứ hai là GS đề nghi “chấm dứt sử dụng khẩu hiệu Tiên học lễ… chứ không đòi bỏ việc “Học lễ”. Ai muốn học cứ học, chỉ là đừng đề lên thành khẩu hiệu. Khi đã thành khẩu hiệu thì nó trở nên đặc biệt quan trọng. Học đọc, học toán, học ngoại ngữ có quan trọng không, sao không đề thành khẩu hiệu. Nên chấm dứt việc sử dụng khẩu hiệu tràn lan và lâu dài, nó dễ trở thành nhàm chán.

Thứ ba, cái cần bỏ nhất trong cụm từ “Tiên học lễ” không phải là chữ lễ mà là chứ tiên. Khi viết “tiên học lễ” là đã nhấn mạnh vào chữ tiên. Trước nhất, quan trọng nhất là học lễ. Phải chăng đó là nguyên lý?.

Trong giáo dục có một nguyên lý được công nhận: Trước tiên hãy học làm người. Đó là người lương thiện, người tử tế. Lễ chỉ là một phần nhỏ của “làm người”, hơn nữa trong lễ lại chứa một số tiêu cực. Thế mà đưa nó lên hàng đầu thì có hợp đạo lý không.

Thứ tư, có vị đặt câu hỏi: Bỏ tiên học lễ thì sẽ ra sao?. Đó là một câu hỏi hời hợt, thiếu suy nghĩ sâu sắc. Khi đặt câu hỏi như thế liệu các vị đã xem rất nhiều nước trên thế giới không hề đề ra câu Tiên học lễ mà giáo dục của họ, đạo đức của họ vượt xa trình độ của ta. Ta có bỏ đi, chỉ mong làm được như họ. Có mạnh dạn từ bỏ những thứ rác rưởi mới đủ sức kiến lập những thứ tiện bộ hơn.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

TRAO ĐỔI 'TIÊN HỌC LỄ HẬU HỌC VĂN'-NÓI THÊM VỀ ĐIỀU ÔNG THÊM KHÔNG DÁM NÓI...

HIẾU CHÂN/NGƯỜI VIỆT/ BVN 27-11-2021

Ông Thêm trong đề bài là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, làm việc tại Trường đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn ở Sài Gòn. Mấy bữa nay, giới sĩ phu trong và ngoài nước sôi nổi bàn luận về đề nghị của ông Thêm bãi bỏ khẩu hiệu “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn” trong nhà trường Việt Nam. Người ủng hộ ông có nhiều, nhưng người phản đối ông cũng không ít, thậm chí có người miệt thị ông bằng những từ ngữ nặng nề trên mạng xã hội, đó là điều không hay.

Ông Trần Ngọc Thêm đòi bãi bỏ khẩu hiệu “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn” trong nhà trường Việt Nam. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)

Theo truyền thông trong nước, ông Thêm đưa ra đề nghị nói trên trong bài phát biểu nhan đề “Tạo triết lý giáo dục và văn hóa giáo dục để xây dựng một xã hội phát triển” tại cuộc hội thảo “Xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo,” do Ủy Ban Văn Hóa Giáo Dục của Quốc Hội Cộng Sản Việt Nam tổ chức ngày 21 Tháng Mười Một vừa qua. Nhưng thực tình, đọc hết bài phát biểu dài gần 2,000 chữ của ông Thêm đăng lại trên báo Văn Hóa tôi không thấy ông nói tới việc bãi bỏ khẩu hiệu “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn,” còn ông có “nói vo” (tức là ứng khẩu, không có trong văn bản) trên diễn đàn của hội thảo hay không thì tôi chưa biết. Đề nghị bãi bỏ này chỉ được ông nói tới trong các bài trả lời phỏng vấn báo chí sau hội thảo, như một sự bổ sung cho bài phát biểu đã đọc. Dường như dư luận chỉ xoáy vào đề nghị gây tranh cãi này là từ các phát biểu trên báo của ông Thêm.
Ông Thêm đã nói gì? Lược đi những từ ngữ rối rắm, những thuật ngữ mơ hồ và những lời rào đón che chắn của ông, nội dung bài phát biểu có thể tóm tắt trong một ý chính: “Để có xã hội phát triển thì cần phải có con người sáng tạo. Mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động và con người trung thực.”

Ý kiến đó, theo tôi, chẳng có gì sai và cũng chẳng hề mới. Ông Thêm đã vận dụng cái sự thật hiển nhiên đó vào thực tiễn giáo dục ở Việt Nam để chỉ ra rằng nền giáo dục đó vận hành ngược quy luật, kìm hãm sự sáng tạo, sinh ra bốn căn bệnh: “Bệnh thành tích,” “bệnh phong trào,” “bệnh đối phó” và “bệnh giả dối,” cùng vô số những triệu chứng của chúng như cách dạy học thuộc lòng, làm bài theo văn mẫu, chấm thi theo đáp án có sẵn, học để đối phó với thi cử, thi cử cốt để đỗ lấy bằng…

Ông tìm thấy nguyên nhân gây các căn bệnh kể trên trong truyền thống văn hóa của dân tộc Việt, mà ông cho là “thiên về âm tính,” giống như các nước Đông Nam Á, sản sinh từ nền kinh tế nông nghiệp, ưa ổn định và lấy sự yên ổn làm hạnh phúc. “Bản chất âm tính của văn hóa và người thừa hành là nguồn gốc của căn bệnh thụ động, khép kín, bảo thủ và cùng với nó là thói dựa dẫm, ỷ lại,” ông Thêm nhận xét.

Từ đó, ông cho rằng muốn có con người sáng tạo thì phải xây dựng một môi trường khuyến khích người học thể hiện tính chủ động, sự tự tin, phải rèn luyện tư duy phản biện, người học phải có bản lĩnh để nghĩ khác, nói khác, cần coi trọng bản lĩnh, đề cao dân chủ trong giáo dục. “Tư duy phản biện, khai phóng đến lượt mình là điều kiện cần cho sự sáng tạo,” ông Thêm nói.

Nếu dừng lại ở đó thì bài phát biểu của ông Thêm không có gì mới, không hoàn toàn đúng nhưng cũng không sai nhiều lắm; trong môi trường Việt Nam nói lên những điều đó trước bàn dân thiên hạ đôi khi được coi là một hành vi can đảm. Thế nhưng công luận phản ứng rất sôi nổi khi ông Thêm tiếp tục đẩy vấn đề đi chệch hướng bằng việc quy những căn bệnh trì trệ của giáo dục, và cả xã hội Việt Nam vào chữ “Lễ” để yêu cầu xóa bỏ nó trong nhà trường.

Ông cho rằng, “Tiên Học Lễ” đề cao sự phục tùng, do đó là một lực cản đối với tư duy sáng tạo. “Khẩu hiệu ‘Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn’ là sản phẩm của nền giáo dục Nho Giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ ‘lễ’ với người trên là yêu cầu số 1. Một nguồn nhân lực như vậy giỏi lắm chỉ có thể giữ cho xã hội ổn định, chứ không thể giúp xã hội phát triển,” ông nói với báo Tuổi Trẻ.

“‘Tiên Học Lễ’ rồi thì con người sẽ trở nên thụ động, sẽ không còn tư duy phản biện nữa. ‘Tiên Học Lễ’ đòi hỏi quan hệ một chiều, người dưới tôn trọng người trên. Còn sức sáng tạo và sự phản biện tồn tại trong quan hệ hai chiều, người dưới và người trên cần có sự tôn trọng lẫn nhau,” ông nói thêm.

Cách hiểu của ông Thêm về chữ “Lễ” trong câu cách ngôn “Tiên Học Lễ…” rõ ràng có vấn đề. Chữ “Lễ” ở Việt Nam không đồng nhất với chữ “Lễ” trong “ngũ thường” của Khổng Giáo Trung Hoa (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) mà biểu thị cách đối nhân xử thế của con người, không phải là sự phục tùng thụ động của người thừa hành đối với cấp trên. “Lễ” trong câu “Tiên Học Lễ” nên hiểu là “lễ phép,” là những phép tắc giao tiếp với người khác để tỏ lòng kính trọng.

Trong nhà trường miền Nam Việt Nam trước đây, câu cách ngôn “Tiên Học Lễ…” được treo cao bên trên bảng đen mỗi lớp học là để học trò luôn nhớ phải cư xử với người khác theo lễ phép. Đi thưa về trình là lễ. Gặp đám tang phải đứng lại ngả mũ chào là lễ. Thương người khốn khó là lễ… Nói như Giáo Sư Nghiêm Toản mà mới đây một học trò của ông đã nhắc lại: “Chúng ta ngày nay đã theo tân học, chữ Lễ cũng nên hiểu theo thời đại mới. Xã hội đã dân chủ, xã hội không thể không có Lễ, nhưng là Lễ giữa những người bình đẳng, tự do.” Chữ “Lễ” trong một quan niệm như vậy không phải là sản phẩm của Nho Giáo, không hề là lực cản cho sự sáng tạo.

Quy những bệnh tật của xã hội, của nền văn hóa giáo dục hiện nay vào “truyền thống văn hóa dân tộc” là điều không đúng. Trên đường phát triển, xã hội nào cũng đi từ nông nghiệp sang công nghiệp hiện đại, nhưng không thể lấy quá khứ tăm tối để biện minh cho những sai lầm tệ lậu của ngày nay. Xã hội Việt Nam thời các vua chúa có trì trệ, có khép kín, có bảo thủ và nhiều “hủ tục” khác, nhưng đó cũng là nơi vun trồng lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết tương thân tương ái và ý chí tiến thủ của con người. Rồi khi tiếp xúc với văn minh phương Tây, người Việt đã dần dần hội nhập với văn hóa mới, bãi bỏ dần những thứ lạc hậu, cổ hủ, cắt cái búi tó trên đầu, thay áo dài đen bằng áo sơ mi quần tây, áo váy và “đoạn tuyệt” – tên một cuốn tiểu thuyết năm 1934 của Nhất Linh – với những tàn dư của thời đại trước. Quá trình hội nhập đó kéo dài đã hơn thế kỷ, đã làm thay đổi căn bản nếp sống, nếp nghĩ của người Việt.

Thế tại sao xã hội và giáo dục Việt Nam hiện nay vẫn lâm nhiều bệnh nan y như vậy? Giáo Sư Thêm bắt mạch mà không dám chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh, cho nên ra toa điều trị trật lất. Những thảm nạn của xã hội và giáo dục Việt Nam có gốc gác từ chủ nghĩa Cộng Sản – một thứ ý thức hệ ngoại lai, sai lầm và không phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc – được du nhập vào Việt Nam, giành được quyền cai trị và trở thành hệ tư tưởng duy nhất mà cả xã hội bị buộc phải đi theo.

Đặc điểm của mọi thể chế Cộng Sản là không dung thứ mọi tư tưởng khác, mà không tôn trọng sự khác biệt thì không có sáng tạo. Khi “phản biện” bị coi là “phản động,” người phản biện bị chụp mũ “thế lực thù địch,” bị bắt bớ, tù đày, sinh kế bị phong tỏa, gia đình bị quấy nhiễu… thì còn ai phản biện? Khi trí thức bị giới chính trị gia cầm quyền trong đảng nghi ngờ và khinh bỉ thì ai sẽ là người sáng tạo? “Trí thức là cục phân, nhưng còn kém cục phân vì không có ích gì cả,” Mao Trạch Đông, “lãnh tụ vĩ đại” của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã tuyên bố như vậy tại hội nghị Diên An năm 1943. Không có trí thức thì trông mong gì ở sức sáng tạo dưới chế độ xã hội chủ nghĩa?

Người dân Việt Nam, kể cả những người được coi là hiểu nhiều biết rộng, vẫn giữ thái độ “im lặng là vàng” để yên thân mà không “phản biện,” không dám bộc lộ những suy nghĩ thực của họ trước hiện tình đất nước không phải vì họ tuân theo châm ngôn “Tiên Học Lễ” – phục tùng người trên như cách hiểu của ông Thêm – mà vì sự đàn áp của cả một guồng máy cai trị, trong đó tự do không được bảo đảm, ngôn luận không được tự do, tư tưởng cũng không được tự do. Khi công an có thể bắt giam, tòa án có thể kết tội ngay cả những ý nghĩ trong đầu người dân hay những lời bình luận thoáng qua của họ trên mạng xã hội thì làm sao có cái gọi là “tư duy phản biện” và “sáng tạo.” Kêu gọi “người học phải có bản lĩnh để nghĩ khác, nói khác, đề cao dân chủ trong giáo dục…” nghe thì hay đấy, nhưng trong môi trường như vậy, thì người kêu gọi hoặc quay lưng với thực tế và suy nghĩ viển vông, hoặc cố tình lừa mị người nghe.

Hãy xem bốn căn bệnh của giáo dục Việt Nam mà ông Thêm chẩn đoán trong bài phát biểu của ông.

Các căn bệnh “bệnh thành tích,” “bệnh phong trào” mà ông Thêm đề cập là những thứ riêng có của xã hội Cộng Sản, khó mà tìm thấy ở các nước văn minh. Trẻ em Việt Nam ngay từ tuổi mẫu giáo đã được dạy phải “thi đua lập thành tích” để cuối tuần được thưởng phiếu “Bé Ngoan,” lớn lên thì “người người thi đua, nhà nhà thi đua” dù càng thi đua, càng lập thành tích thì sản xuất càng lụn bại, xã hội càng bế tắc.

Ông Trần Ngọc Thêm. (Hình: Tuổi Trẻ)

Bệnh giả dối, bệnh đối phó thì không chỉ xã hội Cộng Sản mới có nhưng chỉ trong xã hội Cộng Sản nó mới biến thành nan y, nhiễm vào thường dân, cán bộ đảng viên cho đến quan chức cấp cao nhất; chức vụ càng cao, quyền lực càng lớn thì càng gian manh dối trá. Hôm trước trong mục này chúng tôi có bình về chuyện Tướng Tô Lâm, ủy viên Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam, bộ trưởng Công An, ăn thịt bò dát vàng hàng ngàn đô la một phần ở London, Anh, sau khi viếng mộ “tri ân” ông tổ cách mạng vô sản Karl Marx như một biểu hiện về sự gian trá tận cùng của cán bộ Cộng Sản cao cấp. Mà đó cũng chỉ là một trong vô số những trường hợp đang xảy ra hằng ngày hằng giờ của các quan chức Việt Nam.

Nói vắn tắt, Cộng Sản là kẻ tiêu diệt sáng tạo. “Để có con người sáng tạo, con người chủ động và con người trung thực” nhằm cứu vớt nền giáo dục, phát triển xã hội như mong muốn trong bài phát biểu của ông Thêm thì điều kiện cần và đủ là giải thể chế độ Cộng Sản, đưa đất nước vào con đường dân chủ, tự do như bao nhiêu quốc gia khác trên thế giới. Trở ngại lớn nhất trên con đường phát triển của đất nước và xã hội Việt Nam chính là đảng Cộng Sản chứ không phải cái khẩu hiệu “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn,” và do đó cái cần phải bãi bỏ càng sớm càng tốt là chế độ độc tài toàn trị mà đảng này áp đặt lên toàn bộ đất nước chứ không chỉ bãi bỏ câu khẩu hiệu vốn dĩ đã bị xếp xó và thay bằng “5 điều bác Hồ dạy” từ sau ngày miền Nam thất thủ.

H.C.

Nguồn: nguoi-viet.com

'LỄ' KHÔNG ĐƠN THUẦN LÀ... LỄ

TRÂN VĂN/ TD 27-11-2021

Tuần này, đề nghị của ông Trần Ngọc Thêm (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) tại Hội thảo Giáo dục 2021 về “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” do Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội Việt Nam tổ chức: Không nên sử dụng quan điểm “Trồng người” cũng như “Tiên học lễ, hậu học văn” vì làm giáo dục trở thành thụ động, kiềm chế sáng tạo (1)… là một trong những vấn đề gây tranh cãi kịch liệt cả trên hệ thống truyền thông chính thức (2) lẫn mạng xã hội…

Có một số người đã dụng công viết những bài khá dài để đóng góp ý kiến, nhận định về đề nghị của ông Thêm, ví dụ ông Lê Học Lãnh Vân (3). Ông Vân cho biết, ông không muốn tranh luận về việc nên giữ hay bỏ quan điểm “Tiên học lễ, hậu học văn”, ông chỉ muốn trình bày kinh nghiệm và suy nghĩ của ông về tương quan giữa “Tiên học lễ, hậu học văn” với tư duy phản biện – điều mà ông Thêm cho rằng đang bị “Tiên học lễ, hậu học văn” kiềm chế, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, thành ra cần phải loại bỏ.

Ông Vân – người được hệ thống giáo dục của Việt Nam Cộng hòa dạy dỗ – kể rằng, thời đó, khi đề cập về “Tiên học lễ, hậu học văn” thầy của ông giải thích: Lễ là những phép tắc giao tiếp với người khác tỏ lòng kính trọng. Lòng kính trọng luôn luôn có hai chiều, có lễ của thần tử đối với quân vương, mà cũng có lễ của quân vương đối với thần tử. Xã hội đã thay đổi nhưng thời đại dân chủ cũng không thể không có “lễ”, đó là là “lễ” giữa những người bình đẳng, tự do

Ông Vân kể thêm, bởi thấm nhuần điều đã được các thầy của ông căn dặn: Lấy “lễ” đãi nhau, không gì bằng lời nói thật. Câu “quân tử chi giao đạm nhược thuỷ” quý ở lòng chân thành… nên khi trưởng thành, trong giao tiếp và lúc cần thảo luận, nếu khác ý, ông Vân… không dám không nói ra. Đó cũng là lý do ông Vân tự thấy, chữ “lễ” không những không ngược với tư duy phản biện mà còn thúc giục người ta nói lời phải, nói lời phản biện thật lòng!

Dẫn trường hợp cụ Hoàng Xuân Hãn – một học giả nổi tiếng sống ở Pháp – lúc đã ở tuổi 80, khi tiếp bất kỳ ai vẫn mặc âu phục, khoác áo veste vì nghĩ “mình phải giữ lễ với người ta dù có khi “người ta” là con cháu ở quê nhà ghé thăm cụ khi sang Pháp, hoặc luôn luôn ra bàn làm việc ngồi trước giờ hẹn ông Vân tới nhà làm việc với đầy đủ tài liệu cần thiết, bất kể ông Vân đến thường xuyên chỉ vì muốn giữ “lễ”, ông Vân nhấn mạnh yếu tố: “Lễ” luôn luôn phải có hai chiều!

Ông Vân đề nghị ông Thêm giúp trả lời: Có đúng tinh thần của chữ “lễ” trong thời cận đại và hiện đại là sự ràng buộc một chiều, chiều từ người dưới tôn trọng người trên không? Ông Vân tin… tư duy phản biện không bị trói buộc bởi quan niệm “Tiên học lễ”. Nó bị trói buộc bởi cách tổ chức xã hội trong đó cả ngôn luận lẫn tư tưởng không được tự do. Không có tự do báo chí thì rõ ràng không có tự do ngôn luận. Khi người dân bị tù vì ý nghĩ trong đầu của họ thì rõ ràng không có tự do tư tưởng rồi.

Trới buộc tư duy phản biện ở mức thấp, trong trường học, thể hiện qua cách giáo viên có thể theo dõi hay can thiệp vào các trao đổi trên mạng của học sinh, nhà trường cũng có thể làm vậy đối với giáo viên. Ở thượng tầng là việc quá nhiều thông tin được đánh dấu mật dù không liên quan tới an ninh quốc gia như nhiều thông tin về những sự việc ai cũng biết đã xảy ra mà không tờ báo chính thống nào đăng tải! Thông tin một chiều, hạn chế thông tin và môi trường thiếu tự do tư tưởng trói buộc tư duy phản biện.

Có lẽ ông Thêm sẽ giữ im lặng rất lâu trước những thắc mắc của ông Vân như: Anh có nghĩ rằng xã hội đơn nguyên và chuyên chính là nguyên nhân của các nguyên nhân kể trên, do đó là tác nhân quan trọng trói buộc tư duy phản biện không và do đó, có phải đó là tác nhân đào tạo nên những con người thụ động, không chủ động, không sáng tạo như lo lắng của anh không?

Hoặc: Anh nghĩ sao về nhận xét, trong xã hội khi mà cá nhân quá nhỏ nhoi trước cơ quan, cấp trên có quá nhiều quyền lực với cấp dưới, thiếu vắng sự bình đẳng thì chữ “lễ” được hiểu theo nghĩa của ngàn năm phong kiến xưa? Trái lại, trong xã hội mà sự bình đẳng hiện diện rộng rãi, tự do của con người được tôn trọng và bảo vệ thì chữ “lễ” được hiểu một cách phóng khoáng, do đó không còn trói buộc sự chủ động, tính phản biện của cá nhân, chữ “lễ” đó có tác dụng nào tích cực không anh?

***

Giống như ông Lê Học Lãnh Vân, đề nghị của ông Trần Ngọc Thêm là lý do khiến ông Nguyễn Văn Nghệ viết một bài dài với rất nhiều dẫn chứng từ thực trạng xã hội Việt Nam để chứng minh: Tất cả cũng bởi “vô lễ” mà ra! Xã hội mà “vô lễ” thì “trên không ra trên, dưới không ra dưới” (4). Sau 1954 – thời điểm Việt Nam bị chia đôi thành hai quốc gia biệt lập. Miền Bắc không còn ai nhắc: “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Ông Nghệ ôn lại chuyện cũ: Sau gần 20 năm “đào tận gốc, trốc tận rễ” mọi thứ… tàn dư phong kiến, thực dân, năm 1973, nhà giáo Nguyễn Lân ở miền Bắc XHCN rụt rè đề nghị: “Có nên vận dụng phương châm ‘tiên học lễ hậu học văn’ trong việc giáo dục thế hệ trẻ của ta ngày nay không?” khi… “một số trẻ em không ngoan, trong nhà thì bướng bỉnh với cha mẹ, ra đường thì hỗn láo với mọi người, đến trường thì xấc xược với thầy giáo”Đề nghị đó bị lên án như nỗ lực bới lại… rác bẩn và nếu Thủ tướng khi ấy là ông Phạm Văn Đồng không can thiệp thì không rõ số phận của nhà giáo Nguyễn Lân sẽ ra sao trong đợt đánh hội đồng này… Năm 1975, sau khi miền Nam được… giải phóng, đất nước thống nhất, giống như miền Bắc XHCN, Tiên học lễ hậu học văn bị đục bỏ khỏi sinh hoạt học đường và sinh hoạt xã hội…

Không phải tự nhiên mà cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, “Tiên học lễ, hậu học văn” xuất hiện trở lại trong sinh hoạt học đường ở cả hai miền Nam, Bắc. Ông Nghệ nhắc rằng, không phải tự nhiên mà cổ nhân đúc kết: “Bất học lễ vô dĩ lập”(Không học lễ thì không thể nên người) và người thật sự có văn hóa thì theo phương châm: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (Không phải lễ thì chớ trông, không phải lễ thì chớ nghe, không phải lễ thì chớ nói, không phải lễ thì chớ làm).

Dẫn một nhận định của ông Nguyễn Thế Hùng khi xảy ra scandal “công chức bẻ hoa, chụp ảnh”: Đạo lý xã hội suy đồi, cái đúng, cái sai không phân biệt được. Ở Việt Nam bây giờ, ngay trên các phương tiện truyền thông đại chúng và quan niệm xã hội rất lệch lạc nên cái đúng, cái sai người ta không hiểu được. Điều này rất đáng buồn. Những người biết cái đúng và muốn tuyên truyền thì có khi nhà nước không cho làm. Những xã hội dân sự muốn truyền bá cái đúng thì lại không được nhân rộng, phổ biến, cho nên những điều không đúng có dịp sinh sôi nảy nở. Nói cho cùng người ta gọi nhà dột từ nóc dột xuống là như thế”… ông Nghệ phê phán việc phân biệt xuất xứ của “Tiên học lễ, hậu học văn” vì nếu điều đó đúng, có thể áp dụng vào đời sống của quốc gia, của dân tộc thì có gì ngại về “xuất xứ” để phải phân biệt?

***

Giữa “lời qua, tiếng lại” về đề nghị của ông Trần Ngọc Thêm, Tầm Dương không bình luận mà đưa lên facebook bài “Tiên học lễ – vấn đề không chỉ của nhà trường” mà ông từng viết cách nay 21 năm với kết luận: Lễ là biểu hiện đạo đức luân lý và kết tinh quan niệm giá trị chung nhất của toàn xã hội, là một bộ phận của hệ thống chuẩn mực xã hội và một phương tiện của hệ thống quản lý xã hội, thấm vào mọi cơ tầng của hoạt động sống của con người cũng như mọi chi tiết của hệ thống giao tiếp xã hội, có cơ cấu nội tại riêng biệt và cơ chế phát triển độc lập như một thực thể xã hội. Vậy thì “Tiên học lễ” đâu phải chỉ là vấn đề của nhà trường (6)?

Blog VOA

Chú thích

(1) https://www.vietnamplus.vn/giao-su-tran-ngoc-them-de-xuat-bo-khai-niem-tien-hoc-le-hau-hoc-van/755333.vnp

(2) https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tranh-cai-de-xuat-bo-khau-hieu-tien-hoc-le-hau-hoc-van-795943.html

(3) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1878142242395216&id=100005983757010

(4) https://www.facebook.com/tiengdanbao/posts/4487698327974841

(5) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=646797146557560&id=100036818401918

CHỮ  'LỄ' CỦA 2 THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN

TRẦN VĂN  THỌ/ TD 28-11-2021

Mấy hôm nay ở Việt Nam bàn tán nhiều về câu “Tiên học lễ hậu học văn”, một phương châm góp phần rèn luyện nhân cách của học sinh. Câu này rất hay, sao phải bàn tán nhiều.

Thời tôi học tiểu học và trung học ở miền Nam trước năm 1975 cũng có câu ấy viết trên tường, phía trên bảng đen để học sinh ngày nào cũng nhìn thấy. Đối với học sinh cấp thấp như ở bậc tiểu học thì Lễ chỉ là lễ phép với người trên, nhưng dần dần học lên các bậc trên thì Lễ được hiểu rộng hơn, bao gồm cả lễ độ, lịch sự, có văn hóa trong giao tiếp. Từ thời đi học đã thấm nhập vào máu thịt chữ Lễ như vậy thì khi lớn lên, ra ngoài xã hội, chữ Lễ sẽ xuất hiện một cách tự nhiên khi giao tiếp với người khác.

Theo suy nghĩ của tôi, “học lễ” không phải chỉ lúc còn đị học mà cả sau khi trở thành người của xã hội vẫn phải tiếp tục học vì trong giao tiếp, trong xử thế có rất nhiều tình huống phức tạp, đôi khi khó có cách ứng phó thích hợp cần có của một người có văn hóa. Do đó phải thường xuyên tham khảo kinh nghiệm của người khác. Chẳng hạn trường hợp sau làm chúng ta phải suy nghĩ thế nào là cách ứng xử thích hợp: Cuối thập niên 1970, Nhật Bản có hai người có tầm vóc quốc tế được thế giới kính nể là Ushiba Nobuhiko và Okita Saburo.

Năm 1979 khi lên cầm quyền, Thủ tướng Ohira Masayoshi muốn mời một người không phải chính khách làm Bộ trưởng Ngoại giao và đã ngỏ ý với ông Ushiba. Vì Ushiba từ chối nên thủ tướng Ohira đã mời Okita và Okita đã nhận lời. Thông thường thì để giữ thể diện cho ông Okita, cả Thủ tướng Ohira và ông Ushiba sẽ không bao giờ tiết lộ câu chuyện nầy. Nhưng ở cấp rất cao nầy và sự kiện có tích cách lịch sử, không thể không ghi lại. Ông Ushiba đã được báo Nikkei mời viết hồi ký và khi nói về quan hệ của ông với Thủ tướng Ohira ông không thể không đề cập đến câu chuyện ông được mời làm Bộ trưởng Ngoại giao trước khi ông Okita được mời. Đọc hồi ký tôi để ý đến điểm này và xem Ushiba đã viết như thế nào để không mất thể diện của Okita mà vẫn phải nói sự thật. Cách viết của Ushiba thật hay, có dịp tôi sẽ kể tiếp.

Tuần trước có câu chuyện của Thủ tướng Kishida Fumio và cựu thủ tướng Suga Yoshihide cũng rất hay, để lại ấn tượng sâu đậm về chữ Lễ. Thủ tướng Kishida muốn gặp cựu thủ tướng Suga để hỏi kinh nghiệm về việc ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát trở lại. Kishida đã định đến văn phòng Suga ở Quốc hội nhưng ông Suga đã trả lời là chính ông sẽ đến dinh thủ tướng. Kishida xem như tự mình phải đến gặp Suga để tỏ lòng kinh trọng người tiền nhiệm, còn Suga thì cho rằng Kishida là thủ tướng đương nhiệm rất bận nên chính ông phải đi.

Cũng vì tình hình thực tế là thủ tướng Kishida quá bận nên cuối cùng dinh thủ tướng là nơi hai người quyết định gặp. Hôm gặp, để tỏ thái độ kính trọng người tiền nhiệm, ông Kishida đã xuống tận sảnh chỗ xe ông Suga đỗ, đợi sẵn để đón ông Suga và cùng đi lên phòng họp. Họp xong Kishida lại tiễn Suga xuống tận sảnh. Dù rất bận rộn nhưng thủ tướng Kishida đã không quên thái độ hành xử rất hay.

Trần Văn Thọ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét