Thứ Tư, 17 tháng 11, 2021

20211118. CÓ NÊN SỬA LỜI BÀI QUỐC CA VIỆT NAM ?

 ĐIỂM BÁO MẠNG  

VỀ LỜI BÀI QUỐC CA CỦA VĂN CAO

MẠC VĂN TRANG/ TD 16-11-2021


Theo Weibo Việt  Nam 

Gần đây có một số bạn trẻ phê phán Văn Cao viết lời bài Quốc ca “khát máu quá”. Mỗi lần xem bóng đá, hai đội ra sân, nghe Quốc ca Việt Nam “Đường vinh quang xây xác quân thù” thấy ghê sợ, không còn gì là tinh thần thể thao cao thượng nữa.

Mà trẻ em từ lớp Một, cứ mỗi sáng thứ Hai Chào cờ lại hát “Đường vinh quang xây xác quân thù”. Cứ hát như vậy suốt 12 năm thì câu hát đó ăn sâu vào tâm can, như là bản tính mất! Vì vậy nên thay câu ấy trong bài Quốc ca hiện nay. Quốc hội nên quyết định.

Nhưng đối với Văn Cao, ta cần hiểu hoàn cảnh ra đời của bài Quốc ca. Vào cuối năm 1944 Văn Cao một thanh niên ngơ ngác đi tìm lý tưởng cách mạng thì gặp ông Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh, Văn Cao được giác ngộ, khơi gợi lòng căm thù giặc và tinh thần cách mạng. Rồi được giao sáng tác một ca khúc cho “Khóa quân chính kháng Nhật sắp mở, cần một bài hát cổ vũ tinh thần cho quân đội cách mạng”.

Lúc đó với thân phận người dân nô lệ, bị quân Pháp rồi Nhật cai trị, lại chứng kiến cảnh người dân chết đói thảm thương, lòng căm thù, uất hận sục sôi và khát vọng giành độc lập cháy bỏng, lời ca phải viết như vậy mới đã!

Tôi nhớ năm 1945, lúc 7 tuổi, suốt ngày ra sân đình xem các anh chị dân quân tập đi “mốt hai mốt” và hát “Tiến quân ca”. Lúc đó lời lẽ còn kinh hơn:

Đoàn quân Việt Minh đi chung lòng cứu quốc”… “Thề phanh thây uống máu quân thù”… “Tiến mau ra sa trường… Tiến lên! Cùng thét lên! Chí trai là nơi đây ước nguyền!“. Mỗi lần hát đến câu “cùng thét lên”, mỗi người đều gào thật to và vung nắm tay lên. Khí thế hừng hực. Đám trẻ con cũng mỗi đứa vác một cái gậy con, lấy dây chuối thắt ngang lưng và làm theo các anh chị dân quân.

Thực ra cái ý niệm và ngôn ngữ về “phanh thây, uống máu quân thù”, Văn Cao cũng chỉ tiếp thu của tiền nhân. Ai đọc Hich tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn (từ năm 1284) đều nhớ đoạn văn:

Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng”.

Hiểu hoàn cảnh lịch sử ra đời của bài Tiến quân ca, thế hệ trẻ ngày nay sẽ hiểu rõ và càng quý trọng Văn Cao hơn.

Hiện nay bài Tiến quân ca trở thành Quốc ca, đã được Văn Cao sửa lại và có Đoạn một và Đoạn hai (hay điệp khúc). Theo tôi, lấy lời Đoạn hai làm Quốc ca thì không cần sửa gì cả. Quốc ca cũng chỉ cần ngắn gọn vậy thôi.

Lời Đoạn 1: “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa, cờ in máu chiến thắng mang hồn nước, súng ngoài xa chen khúc quân hành ca, đường vinh quang xây xác quân thù, thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu, vì nhân dân chiến đấu không ngừng, tiến mau ra sa trường. Tiến lên, cùng tiến lên, nước non Việt Nam ta vững bền”.

Lời Đoạn 2: “Đoàn quân Việt Nam đi, sao vàng phấp phới. Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm lan. Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới. Đứng đều lên gông xích ta đập tan. Từ bao lâu ta nuốt căm hờn. quyết hy sinh đời ta tươi thắm hơn. Vì nhân dân chiến đấu không ngừng. Tiến mau ra sa trường. Tiến lên, cùng tiến lên. Nước non Việt Nam ta vững bền”.

Lấy lời Đoạn 2 này cho Quốc ca sẽ ổn hơn.

Mạc Văn Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét