Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

20211113. THUỐC CHỮA CĂN BỆNH SỢ TRÁCH NHIỆM, VÔ CẢM

 ĐIỂM BÁO MẠNG  

PHẢI CÓ THUỐC CHỮA LÀNH CĂN BỆNH SỢ TRÁCH NHIỆM

LAN ANH ghi/ TVN 11-11-2021

Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Ở nội dung này, ĐB Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) có ý kiến tha thiết tại phiên thảo luận Quốc hội hôm qua.

Căn bệnh âm thầm lây lan

Tôi xin đề cập căn bệnh đã xuất hiện từ lâu, hiện vẫn âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ các cấp, len lỏi trong mỗi người chúng ta và đang trở thành nguy cơ cho sự phát triển của đất nước, đó là căn bệnh sợ trách nhiệm.

Vì nguyên nhân gì mà cán bộ, kể cả cán bộ giữ cương vị lãnh đạo đứng đầu, lại sợ trách nhiệm? Có những người khi thực hiện nhiệm vụ đúng căn cứ, đúng quy định pháp luật nhưng khi thực hiện lại luôn sợ và không quyết định những vấn đề, chỉ vì mục đích an toàn cho mình. Nỗi lo bị sợ kỷ luật, sợ xử lý bằng pháp luật vào một thời khắc nào đó đã trở thành một nỗi sợ phổ biến trong cán bộ, công chức.

Phải có thuốc chữa lành căn bệnh sợ trách nhiệm
Đại biểu Hoàng Anh Công: Sự chồng chéo, bất cập trong các quy định của pháp luật đã đẩy cán bộ, công chức vào tâm trạng sợ không dám quyết định. Ảnh: Quochoi.vn

Trong đợt phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, nhiều địa phương có tâm lý ngại mua sắm thiết bị máy móc, thiết bị, vật tư y tế do sợ bị xử lý kỷ luật, sợ bị xử lý hành chính, hình sự. Nỗi sợ trách nhiệm này còn biểu hiện trong công tác phòng, chống dịch, điều hành, phòng, kiểm dịch tại nhiều địa phương.

Mặc dù Chính phủ đã ban hành nghị quyết 128 nhưng các địa phương vẫn áp dụng những biện pháp ngăn sông cấm chợ, áp dụng những biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, hạn chế giao thông, giao lưu hàng hóa, nhằm tránh phát sinh F0, vì sợ rằng nếu để dịch bùng phát sẽ bị ảnh hưởng đến công tác và có thể bị phê bình, kỷ luật.

Lĩnh vực đầu tư công cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi căn bệnh này. Đa số các công trình trọng điểm đều bị chậm tiến độ, đội vốn, tốc độ giải ngân tại các địa phương, các bộ, ngành đạt tỷ lệ rất thấp, mặc dù Chính phủ đã phải áp dụng nhiều biện pháp để khắc phục vấn đề này.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm nay có tới 36/50 bộ cơ quan trung ương, 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%, trong đó có 20 bộ, ngành và 2 địa phương đạt dưới 20%.

Có thể thấy căn bệnh này xảy ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Theo tôi, một trong những nguyên nhân chính đó là sự chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập trong các quy định của pháp luật đã đẩy cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ vào tâm trạng lo lắng, né tránh, sợ không dám quyết định.

Theo tờ trình số 423 của Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2026, qua rà soát kiến nghị tại 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy các quy định của pháp luật hiện hành chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tế, gây vướng mắc, khó khăn cho đầu tư sản xuất, kinh doanh có liên quan tới 79 luật, 3 nghị quyết của Quốc hội, 188 nghị định của Chính phủ, 20 quyết định của Thủ tướng, 153 thông tư của bộ, ngành. Đây là số liệu rất lớn.

Hệ quả của sự bất cập nêu trên dẫn đến tình trạng hạn chế năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ, công chức, chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám vì lợi ích chung, cản trở sự phát triển chung của địa phương, cơ quan, đơn vị và sự phát triển chung của đất nước.

Tác động tiêu cực của hiện tượng này, đó là có một bộ phận không nhỏ cán bộ không năng động, sáng tạo, không vì lợi ích chung, dĩ hòa vi quý, thấy đúng không dám làm, thấy sai không dám đấu tranh, có biểu hiện vô cảm với nhân dân. Người năng động, sáng tạo, trung thực thấy đúng thì dám làm, thấy sai dám đấu tranh vì lợi ích chung, đôi khi lại bị xử lý trách nhiệm, không được bảo vệ.

Sớm luật hóa quy định của Đảng

Để kịp thời sửa chữa, khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 22/9, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Theo đó,  khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại, nếu thực hiện đúng chủ trương có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn giảm trách nhiệm.

Tinh thần này cũng được khẳng định tại quy định số 22 của Ban chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng. Tại khoản 3 điều 2 về nguyên tắc trong kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng có quy định công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đột phá vì lợi ích chung.

Đây là một chủ trương mới, có hướng tới khuyến khích sự sáng tạo, năng động của cán bộ, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Để kịp thời đưa chủ trương đúng đắn của Đảng vào cuộc sống, cần sớm thể chế hóa các chủ trương này vào pháp luật, nếu không sẽ đi đến việc xử lý tùy tiện.

Luật hóa quy định cụ thể, quy định này sẽ không cho phép bất cứ ai được đưa ý kiến chủ quan và làm thay đổi sự thật, sự công bằng của pháp lý. Nếu không luật hóa thì sẽ không bảo vệ được người dám nghĩ, dám làm mà có thể dẫn đến bị trù dập, bị oan sai. Nếu không sớm luật hóa sẽ vô tình mở thêm thị trường cho tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực thanh tra, điều tra, xét xử, kiểm sát.

Tôi xin có một vài kiến nghị.

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xử lý vi phạm hành chính, hình sự, các quy định pháp luật khác có liên quan để đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý, sửa đổi, bổ sung, khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo. 

Kịp thời thể chế hóa quy định bảo vệ cán bộ, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, coi đây là nhiệm vụ cần sớm phải thực hiện và đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh ngay.

Thứ hai, cần sớm nghiên cứu, sửa đổi các quy định pháp luật còn chung chung dẫn đến tùy tiện trong áp dụng trên thực tế, nhất là các quy định về hình sự, xử lý hành chính, kỷ luật.

Thứ ba, trong giai đoạn trước mắt, cần giao cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, rà soát lại các vụ việc đã và đang được xem xét, xử lý có liên quan đến nội dung nêu trên để có biện pháp tham mưu cho cấp có thẩm quyền trong việc xem xét áp dụng quy định này trên thực tế, nhằm củng cố lòng tin, tránh làm oan sai cho cán bộ.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định):

Khi cầm được tấm bằng khen, trong tôi luôn có 2 luồng tình cảm trái ngược, vui có nhưng buồn phần nhiều hơn; buồn vì biết bao nhiêu người xứng đáng hơn tôi chưa được ghi nhận, buồn vì biết rằng sau đó mọi chuyện có thể lại trở lại như cũ. Những thiệt thòi của một ngành mà ai cũng ghi nhận lúc này nhưng hết dịch lại chẳng hề thay đổi. Rất mong sau đại dịch không thể nào quên này, những chế độ, chính sách, những bất cập, vướng mắc của ngành y sẽ được giải quyết và có hướng thoát ra.

Một vị lãnh đạo ngành y tế bị khiển trách, cảnh cáo, thậm chí vướng vào vòng lao lý là điều khiến chúng ta hết sức đau lòng. Nhưng lỗi cá nhân chắc chắn phải trả giá, còn lỗi quy trình, lỗi hệ thống cho dù đã được chỉ ra nhưng thay đổi lại khó vô cùng. Một giám đốc bệnh viện rất cần chuyên môn, tuy nhiên không chắc ông ấy đã nắm vững về quản lý với các quy định lắt léo như hiện nay. Vậy nên rất cần các cơ chế rõ ràng để việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men mà tốt nhất là tách rời ra khỏi lĩnh vực chuyên môn.

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có quyết định rất đặc biệt khi bổ nhiệm tôi làm Giám đốc bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 và đồng thời lại bổ nhiệm một vị giám đốc khác để điều hành, gọi là CEO chuyên lo về trang thiết bị vật tư. Với mô hình mới đấy, bệnh viện đã hoạt động trơn tru, hiệu quả cho dù thành lập trong hoàn cảnh vô cùng cấp bách.

Đây là một ví dụ cho chúng ta thấy những bất cập trong hệ thống cần được điều chỉnh càng sớm càng tốt, nếu không muốn hậu quả lớn hơn. Tôi tin chắc với những gì cán bộ, nhân viên y tế đã thực hiện trong thời gian qua, nếu chúng tôi được bảo đảm thu nhập để yên tâm công tác thì ngành y chúng tôi xin hứa sẽ không thua kém bất cứ những ngành y nào trong khu vực.

Lan Anh lược ghi

TÌM PHƯƠNG THUỐC CHỮA TRỊ CĂN BỆNH VÔ CẢM 

HIỆN NAY Ở VIỆT NAM

NGUYỄN VĂN NGHỆ/ TD 11-11-2021

Trên một số trang mạng có bài văn nghị luận về đề tài “Bệnh vô cảm” của em Phan Hoàng Yến, học sinh lớp 9A2 Trường Trung học cơ sở Chu Văn An-Hà Nội được nhiều người quan tâm. Nhập đề em đã đề cập đến các nhà khoa học cố gắng sáng chế ra những rô-bốt “làm sao cho thật giống con người để giúp con người được nhiều hơn trong các công việc khó nhọc, bộn bề của cuộc sống”.

Nhưng “Chỉ lạ một điều: Đó là trong khi các nhà khoa học đang ‘vò đầu bứt tóc’ không biết làm sao có thể tạo ra một con chip ‘tình cảm’ để khiến ‘những cỗ máy vô tình’ biết yêu, biết ghét, biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh. Đó chính là căn bệnh nan y đang hoành hành rộng lớn không những chỉ dừng lại ở một cá nhân mà đang len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội- bệnh vô cảm” [1].

Bệnh vô cảm đã khiến con người “Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người không, hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy?” [2].

Tại sao con người Việt Nam ngày càng vô cảm như thế? Em Phan Hoàng Yến cho rằng người Việt Nam hiện nay “càng lúc càng khép chặt cửa trái tim mình lại, không còn biết hưởng thụ cái đẹp mà chỉ nghĩ đến tiền, đến công việc ngày mai” và “người ta chỉ nghĩ đến mình và lợi ích riêng mình mà thôi” [3].

Người Việt Nam ngày càng chạy theo vật chất, chắc là phải có nguyên nhân? Theo cụ Trần Trọng Kim(1883-1953): “Cộng sản giáo ngày nay thì hoàn toàn duy vật, nghĩa là ngoài vật chất ra, không có sự tin tưởng nào khác nữa, cho thiên đường không phải ở cõi trời mà chính ở cõi trần gian này”; “Còn về đường tín ngưỡng, thì đạo Cộng sản đã là đạo hoàn toàn duy vật, tất không ai thờ phụng thần thánh nào khác nữa”; “Vậy những tín đồ cộng sản phải là những người cuồng tín và chỉ biết đời sống vật chất mà thôi, ngoài ra không có gì nữa. Sống có một đời rồi hết, nên ai nấy chỉ lo làm cho mình được mọi điều thắng lợi, sá chi những điều phúc họa thiện ác”; “…Vì có tư tưởng như thế, cho nên cha, con, anh em bè bạn không có tình nghĩa gì cả, chỉ biết tôn trọng chủ nghĩa của Cộng sản và phục tòng những người cầm quyền của đảng, ngoại giả, giết hại lẫn nhau, lừa đảo nhau: hễ ai làm những việc mà lợi cho đảng là người giỏi, người tốt. Gia đình, xã hội, phong tục, chế độ cũ đều bỏ hết, bỏ đến tận cội rễ, để thành lập xã hội mới theo chủ nghĩa cộng sản” [4].

Người cộng sản luôn nói đến tu dưỡng “đạo đức cách mạng”, nhưng “Đạo đức cách mạng có phần giống đạo đức nhân bản, thí dụ chống tham nhũng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, nhưng cũng có phần mâu thuẫn với nó, thí dụ lòng căm thù và tiêu diệt những người của giai cấp đối kháng, đàn áp người bất đồng chính kiến” [5].

Do đó “Làm một cán bộ cao cấp, đạo đức cách mạng rất là cần, nhưng chưa đủ. Còn phải có đạo đức nhân bản để trước hết làm được con người lương thiện và tử tế. Đó là tình yêu thương và tôn trọng đồng loại dù họ ở tầng lớp nào, thuộc giai cấp nào. Không những yêu thương con người mà còn yêu thương vạn vật, là biết ơn và kính trọng Trời Đất. Đó là tâm từ bi, là lòng trắc ẩn đối với chúng sinh, là đức khiêm tốn, là lòng nhân ái, bao dung. Không có được đạo đức nhân bản, con người ta dễ trở thành những kẻ máu lạnh, chỉ biết dùng thủ đoạn lao vào cắn xé nhau, lừa bịp nhau để tranh đoạt vật chất và quyền lực” [6].

Trong Cải cách Ruộng đất, đáng lẽ những ông đội đi làm công tác Cải cách Ruộng ruộng đất, dạy dân về đạo đức nhân bản, đàng này lại “mớm” cho vợ tố chồng, con tố cha. Tuy rằng đảng và chính quyền có nhận lỗi và cố gắng sửa sai nhưng nó vẫn còn hệ lụy cho đến ngày nay.

Sau ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn “giải phóng” khỏi ách kiềm kẹp của “Mỹ Ngụy” nhưng dưới con mắt của “bên thắng cuộc” nhiều con dân Việt lại bị gán cho danh hiệu “ngụy quân-ngụy quyền”. Ngụy là xấu xa, cần phải “cải tạo”. Nhiều người đã phải bỏ mạng nơi “Trại cải tạo”, khiến cho nhiều vợ con trở thành cô nhi, quả phụ. Đất nước được “giải phóng” gần nửa thế kỷ, ấy vậy mà cái từ “ngụy” vẫn còn trên môi miệng của nhiều người!

Con người mà thiếu đạo đức nhân bản, chỉ biết tôn sùng vật chất sẽ trở nên vô cảm: “Vô cảm là con đường trực tiếp dẫn đến những cái xấu, cái ác. Nó là một căn bệnh lâm sàng mà trong đó, não của người bệnh vẫn hoạt động nhưng trái tim lại hoàn toàn băng giá. Người ta đã vô cảm thì làm sao thấu hiểu được nỗi đau, tình cảm của người khác, người ta chỉ nghĩ đến mình và lợi ích riêng mình mà thôi” [7].

Theo em Phan Hoàng Yến, “điều duy nhất chúng ta có thể làm để cho căn bệnh vô cảm ‘không còn đất sống’ là hãy biết mở cửa trái tim để biết cảm nhận, biết yêu ghét thương giận và chia sẻ những điều tinh túy đó cho những người xung quanh” [8].

Em kết luận: “Tóm lại, ta nhận thấy rằng căn bệnh vô cảm đang lan tràn ngày càng rộng lớn và trở nên vô cùng nguy hiểm, biến con người thành một cỗ máy vô tri chỉ biết vận động. Đừng để điều đó xảy ra mà hãy đấu tranh để giành lại phần ‘người’, giành lại ‘trái tim’ mà Thượng Đế, mà Tạo hóa đã ban cho chúng ta, đào thải căn bệnh vô tình quái ác ra khỏi xã hội” [9].

Thượng Đế – Tạo hóa mà em Phan Hoàng Yến nhắc đến chính là Ông Trời mà người Việt Nam gọi. Ông Trời là cứu cánh, là cùng đích để nhân loại hướng đến. Sách Trung dung của Nho giáo viết: “Cố quân tử bất khả dĩ bất tu thân. Tư tu thân bất khả dĩ bất sự thân. Tư sự thân bất khả dĩ bất tri nhân. Tư tri nhân bất khả dĩ bất tri Thiên”. (Cho nên bậc quân tử cần phải tu thân. Muốn tu thân cần phải biết phụng dưỡng cha mẹ. Muốn biết phụng dưỡng cha mẹ cần phải biết đến người khác [tha nhân]. Muốn biết đến tha nhân cần phải biết đến Ông Trời).

Nhà thần học người Brazil là Leonardo Boff đã hỏi Đức Đạt lai Lạt ma: “Thưa Ngài, tôn giáo nào tốt nhất?”. Đức Đạt lai Lạt ma trả lời: “Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng Tối Cao nhất. Là tôn giáo biến anh thành con người tốt hơn”. Leonardo Boff hỏi tiếp: “Cái gì làm tôi tốt hơn?”. Đức Đạt lai Lạt ma trả lời: “Tất cả những gì làm anh biết thương cảm hơn; Biết theo lẽ phải hơn; Biết từ bỏ hơn; Biết dịu dàng hơn; Biết nhân hậu hơn; Có trách nhiệm hơn. Có đạo đức hơn. Tôn giáo nào biến anh thành như vậy là tôn giáo tốt nhất” [10].

Hãy mở rộng trái tim mà Thượng Đế đã ban tặng cho chúng ta, để chúng ta biết “vui với ai mừng vui, khóc với ai đang khổ sầu” (Lời bài hát: Vì Chúa là tình yêu- Linh mục Kim Long).

Nguyễn Văn Nghệ, Diên Khánh – Khánh Hòa

_______

Chú thích:

[1] [2] [3] [7] [8] [9] https://ione.net/bai-van-9-5-diem-ve-benh-vo-cam-gay-xon-xao-2386663.html

[4] Lệ Thần Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi (Kiến văn tiểu lục), Việt Books-2010, tr.113-115

[5] [6] https://baotiengdan.com/2021/10/16/tham-du-ban-tron-cua-bbc/

https://www.youtube.com/watch?v=WP6KsZMGihU&t=160s

[10] https://khoahoctamlinh.vn/kham-pha/ton-giao-nao-tot-nhat-1101.html

QUY ĐỊNH MỚI VỀ TỪ CHỨC: 

CÁN BỘ YẾU KÉM CÓ THỂ 'RÚT LUI' TRONG DANH DỰ

CAO KIM ANH/ GDVN 13-11-2021

GDVN- PGS.TS Bùi Thị An: "Trước đó chúng ta đã có những quy định về từ chức. Thế nhưng, độ tự giác cũng như ý thức tự kiểm điểm của cán bộ chưa cao".

Ngày 3/11/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Quy định này thay thế Quy định số 260-QĐ/TW, ngày 02/10/2009 của Bộ Chính trị và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Theo đó, quy định nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định mới đã có những kế thừa nhiều bài học kinh nghiệm, cụ thể hóa nhiều tiêu chí để xem xét, đánh giá trong việc miễn nhiệm, từ chức.

Quy định rõ ràng, mở rộng phạm vi

Đó là nhận định của ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII khi đánh giá những điểm mới của quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII. (Ảnh quochoi.vn)

Theo ông Thuyền phân tích, so với các quy định cũ tại Quy định số 260-QĐ/TW, quy định mới đã có những nét tiến bộ, bổ sung và quy định rõ ràng hơn về các khái niệm.

Với quy định cũ, “Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định chấm dứt chức vụ đối với cán bộ do vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức hoặc bãi nhiệm. Miễn nhiệm gắn với yếu tố chủ quan do cán bộ gây nên”.

Tuy nhiên, trong quy định mới, “Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức.

Có thể thấy rằng, theo quy định mới, miễn nhiệm được bổ sung thêm “khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm” để xác định cụ thể hơn về các trường hợp miễn nhiệm.

Tương tự với khái niệm từ chức. Trong quy định cũ, “Từ chức là việc cán bộ tự nguyện, chủ động xin thôi giữ chức vụ và được cấp có thẩm quyền chấp nhận”.

Với quy định mới, “Từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp nhận”.

Như vậy, Quy định 41 cũng bổ sung thời điểm cán bộ từ chức là “khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”.

Điều đó cho thấy, với quy định mới, các khái niệm được quy định cụ thể, rõ ràng hơn, dễ vận dụng hơn trong thực tế.

Thế nhưng, ông Nguyễn Bá Thuyền vẫn lưu ý rằng: “Dù có nhiều điểm mới, cụ thể hơn nhưng điều quan trọng nhất vẫn là chúng ta áp dụng như thế nào vào thực tế.

Từ trước tới nay, chúng ta không thiếu các quy định, quy phạm, văn bản luật. Tuy nhiên, từ văn bản để được áp dụng triệt để vào đời sống thì chúng ta vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng. Điều đó được chứng minh rất rõ ràng qua những sai phạm của một bộ phận cán bộ trong thời gian gần đây.

Chính vì vậy, quy định các văn bản rõ ràng, cụ thể là điều rất tốt, rất nên làm nhưng phải nghiêm chỉnh, nghiêm khắc thực hiện các văn bản đó một cách có hệ thống, đồng bộ là việc cần thiết và bắt buộc phải có giám sát khi thực hiện”.

Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, Quy định 41 được xem là sợi dây thắt chặt kỷ cương hơn trong quản lý nhà nước về công tác cán bộ. Do đó, việc thực hiện là phải theo đúng nguyên tắc, không vùng cấm, không ngoại lệ, không phân biệt họ là ai. Như vậy các quy định mới phát huy được tính hiệu quả, áp dụng và đi vào sâu trong thực tế và đời sống nhân dân.

Thích hợp về thời gian thực hiện các quyền

Cũng có những nhận định tương tự về sự ưu việt hơn của quy định mới về miễn nhiệm, từ chức so với quy định cũ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho hay:

“Quy định 41 của Bộ Chính trị có điều kiện mở rộng hơn và thích ứng hơn về việc thanh lọc cán bộ, loại trừ những cán bộ không đủ năng lực, không đủ phẩm chất ra khỏi đội ngũ cán bộ, làm trong sạch bộ máy nhà nước. Điều đó được xem là bước tiến bộ, đổi mới trong quy định mới được đề ra”.

Bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. (Ảnh NVCC)

Theo bà Bùi Thị An, quy định này thích hợp về thời gian, thời điểm. Nếu như trước đây, trong rất nhiều trường hợp, chúng ta có đặt ra những quy trình nhưng quá muộn, không còn có tác dụng mà một trong những đặc trưng của xử lý kỷ luật là phải xử lý đúng thời điểm thì mới có tác dụng. Tác dụng cho cả người bị kỷ luật cũng như cảnh tỉnh, răn đe cán bộ liên quan.

Về phạm vi của quy định mới cũng được xác định rộng hơn, cụ thể hơn các khái niệm, về các trường hợp quy định, điều kiện, thời hạn, cho phép người ta có thể xử lý nhanh và xử lý thích hợp được. Đó là cần thiết mà từ trước đến nay chúng ta vẫn thường có những chậm trễ trong khâu xử lý, quyết định.

Với những quy định cụ thể hơn về quyền hạn của cấp trên, thời hạn xử lý đối với các trường hợp cụ thể, quy định về hồ sơ, trường hợp xem xét bổ nhiệm, quy hoạch sau khi từ chức… là một bước cải tiến, tạo điều kiện cho các tổ chức đảng dễ tiến hành, xử lý công việc hơn trên thực tế.

Ngoài ra, theo bà Bùi Thị An, Quy định 41 được xem là một bước tiến vượt bậc, đưa cán bộ của chúng ta hiện nay đến gần hơn với văn hóa từ chức.

“Phải nói rằng, Quy định 41 tạo điều kiện cho cán bộ yếu kém có thể từ chức, rút lui trong danh dự. Trước đó chúng ta có những quy định về từ chức. Thế nhưng, độ tự giác cũng như ý thức tự kiểm điểm của cán bộ chưa cao.

Chúng ta có những quy trình tự đánh giá, tự kiểm điểm và có cả quy định về từ chức của cán bộ trước đó. Tuy nhiên chỉ quy định thôi chứ hiếm khi thấy cán bộ tự đánh giá năng lực yếu kém mà từ chức. Hầu hết đều để đến khi do năng lực chưa đủ, gây ra những sai phạm, dẫn đến miễn nhiệm, cách chức mới buông bỏ vị trí. Vì vậy, đây có thể xem từng bước mở đường cho văn hóa từ chức đối với cán bộ”, bà An cho biết.

Bà Bùi Thị An nhận định rằng, mặc dù Quy định 41 có nhiều ưu điểm, tiến bộ, tuy nhiên cũng cần cụ thể hóa hơn nữa các khái niệm, quy định, giới hạn. Đặc biệt là việc triển khai các quy định này thì cần có sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền, chức năng cũng như giám sát của nhân dân. Như vậy thì mới phát huy được hiệu quả của các quy định mới của pháp luật, nhà nước.

Cao Kim Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét