Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

20211130. QUY ĐỊNH VỀ MIỄN NHIỆM, TỪ CHỨC CÁN BỘ

 ĐIỂM BÁO MẠNG  

TOÀN VĂN QUY ĐỊNH 41 BCT VỀ VIỆC MIỄN NHIỆM TỪ CHỨC ĐỐI VỚI CÁN BỘ
VNN 8-11-2021

Toàn văn Quy định 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ vừa được Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành.

Bộ Chính trị quy định nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (gọi chung là cán bộ).

Trong đó, Quy định nêu rõ 6 căn cứ xem xét miễn nhiệm cán bộ; 4 trường hợp xem xét đối với cán bộ xin từ chức. 

Còn việc xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực; căn cứ vào một trong 3 trường hợp.

"Quy định về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ

- Căn cứ Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XIII;

- Căn cứ các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về công tác cán bộ,
Bộ Chính trị quy định về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ như sau:

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Quy định này quy định nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (sau đây gọi chung là cán bộ).

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức.

2. Từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

3. Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.

4. Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, gây dư luận xấu, rất bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.

Điều 3. Nguyên tắc

1. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và các nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.

2. Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

3. Kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ. Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm.

Điều 4. Thẩm quyền

1. Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy định thì có thẩm quyền xem xét cho cán bộ miễn nhiệm, từ chức.

2. Đối với cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của cấp trên thì cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo báo cáo cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ đề xuất việc cho miễn nhiệm, từ chức.

3. Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị cấp trên có quyền yêu cầu cấp dưới xem xét, thực hiện việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ theo Quy định này.

Chương II CĂN CỨ XEM XÉT MIỄN NHIỆM, TỪ CHỨC

Điều 5. Căn cứ xem xét miễn nhiệm

Việc xem xét miễn nhiệm cán bộ được căn cứ vào một trong các trường hợp sau:

1. Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao.

2. Bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm.

3. Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.

4. Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

5. Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác.

6. Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.

Điều 6. Căn cứ xem xét từ chức

Việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức được căn cứ vào một trong các trường hợp sau:

1. Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

2. Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng.

3. Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.

4. Vì lý do chính đáng khác của cá nhân.

Điều 7. Căn cứ xem xét việc miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu

Việc xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực; căn cứ vào một trong các trường hợp sau:

1. Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.

2. Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức.

3. Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Chương III QUY TRÌNH XEM XÉT MIỄN NHIỆM, TỪ CHỨC VÀ BỐ TRÍ CÔNG TÁC ĐỐI VỚI CÁN BỘ SAU KHI TỪ CHỨC

Điều 8. Quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức

1. Khi có đủ căn cứ miễn nhiệm, từ chức, chậm nhất trong thời gian 10 ngày làm việc thì cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ hoặc cơ quan tham mưu về công tác cán bộ có trách nhiệm trao đổi với cán bộ và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

2. Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức trong thời gian 10 ngày làm việc; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc.

3. Căn cứ quyết định của cấp có thẩm quyền, các cơ quan có liên quan thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, điều lệ, quy chế hoạt động của từng tổ chức.

Điều 9. Hồ sơ miễn nhiệm, từ chức

1. Tờ trình của cơ quan tham mưu về công tác cán bộ.

2. Quyết định, kết luận, thông báo, ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, biên bản hội nghị, đơn của cán bộ xin từ chức, báo cáo đề nghị của cơ quan sử dụng cán bộ và các tài liệu có liên quan.

Điều 10. Việc bố trí công tác đối với cán bộ sau khi từ chức

1. Cán bộ sau khi từ chức nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền có thể căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm để xem xét, bố trí công tác phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

2. Cán bộ đã từ chức và bố trí công tác khác, nếu được cấp có thẩm quyền đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và khắc phục được những yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định.

Chương IV TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy, cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện Quy định này; chỉ đạo cụ thể hóa phù hợp với từng cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý theo phân cấp và không trái với Quy định này.

2. Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật có liên quan.

3. Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định này, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị.

Điều 12. Hiệu lực thi hành

Quy định này thay thế Quy định số 260-QĐ/TW, ngày 02/10/2009 của Bộ Chính trị và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký".


BỘ CHÍNH TRỊ QUY ĐỊNH: CHO TỪ CHỨC CÁN BỘ NĂNG LỰC HẠN CHẾ, KHÔNG CÒN ĐỦ UY TÍN

THU HẰNG / VNN 8-11-2021

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Theo đó, Bộ Chính trị quy định nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (gọi chung là cán bộ).

Không cho từ chức với cán bộ phải miễn nhiệm

Bộ Chính trị đưa ra 3 nguyên tắc. Nguyên tắc đầu tiên là, Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và các nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Kế đến là nguyên tắc, cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Nguyên tắc nữa là, kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ; không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm.

Bộ Chính trị quy định: Cho từ chức cán bộ năng lực hạn chế, không còn đủ uy tín
Các Ủy viên Trung ương dự Hội nghị 

Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy định thì có thẩm quyền xem xét cho cán bộ miễn nhiệm, từ chức.

Đối với cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của cấp trên thì cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo báo cáo cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ đề xuất việc cho miễn nhiệm, từ chức.

Cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị cấp trên có quyền yêu cầu cấp dưới xem xét, thực hiện việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ theo Quy định này.

Việc xem xét miễn nhiệm cán bộ được căn cứ vào một trong các trường hợp. Cụ thể là bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao.

Trường hợp nữa là bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm.

Ngoài ra, trường hợp có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ cũng bị xem xét miễn nhiệm.

Trường hợp bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác cũng bị xem xét miễn nhiệm.

Ngoài ra còn có trường hợp bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.

4 trường hợp cán bộ xin từ chức

Việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức được căn cứ vào một trong 4 trường hợp. Cụ thể là do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; vì lý do chính đáng khác của cá nhân.

Còn việc xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực; căn cứ vào một trong 3 trường hợp.

Một là miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.

Hai là, người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tuỳ tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức.

Ba là, cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức được thực hiện khi có đủ căn cứ miễn nhiệm, từ chức, chậm nhất trong thời gian 10 ngày làm việc thì cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ hoặc cơ quan tham mưu về công tác cán bộ có trách nhiệm trao đổi với cán bộ và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức trong thời gian 10 ngày làm việc; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc.

Căn cứ quyết định của cấp có thẩm quyền, các cơ quan có liên quan thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, điều lệ, quy chế hoạt động của từng tổ chức.

Cán bộ sau khi từ chức nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền có thể căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm để xem xét, bố trí công tác phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Cán bộ đã từ chức và bố trí công tác khác, nếu được cấp có thẩm quyền đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và khắc phục được những yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định.

Quy định này thay thế Quy định số 260, ngày 02/10/2009 của Bộ Chính trị và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Thu Hằng

KHÔNG CÓ LIÊM SỈ, ÍT AI THẤY ĐƯỢC KHUYẾT ĐIỂM ĐỂ 'CỞI ÁO TỪ QUAN'

THU HẰNG th/ VNN 17-11-2021

Quy định về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ có thể là một sự mở đường cho thời kỳ chỉnh đốn Đảng một cách mạnh mẽ, chống lại những thói hư tật xấu trong cơ quan công quyền.

VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Trọng Kim, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong về ý nghĩa Quy định 41 của Bộ Chính trị trong việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Mở đường cho thời kỳ chỉnh đốn Đảng một cách mạnh mẽ 

Trong bối cảnh công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng đang được đẩy mạnh, quy định mới của Bộ Chính trị có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ không phải mới nhưng từ trước giờ áp dụng rất ít, năm thì mười họa mới có chuyện miễn nhiệm, còn chuyện từ chức thì hiếm khi.

Vì vậy, Quy định 41 của Bộ Chính trị lần này với những quy định rõ ràng, cụ thể có ý nghĩa rất sâu sắc, đem đến không khí chính trị mới trong toàn Đảng, toàn dân và có thể là một sự mở đường cho thời kỳ chỉnh đốn và đổi mới Đảng một cách mạnh mẽ, chống lại những thói hư tật xấu trong cơ quan công quyền.

Nhưng con đường này ai đi đó mới là vấn đề. Chỉ khi nào con đường mở ra có người đi thì mới có ý nghĩa, còn không ai đi thì chỉ tồn tại lời răn đe ngoài tai.

Không có liêm sỉ, ít ai thấy được khuyết điểm để 'cởi áo từ quan'
ĐBQH Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong. Ảnh: Trần Thường

Vì vậy, đi liền với quy định này, đòi hỏi ở mỗi cán bộ, đảng viên tinh thần tự giác, tự nguyện, tự chỉ trích, lòng tự trọng và biết liêm sỉ thì mới thực hiện được. Điều đó phải xuất phát từ lòng trung thực, từ nhân cách lớn của cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên trước hết phải tự nhận thấy được ý nghĩa của quy định này để có những nhận thức đúng đắn trong hành xử của mình. 

Còn với những người thiếu rèn luyện, thiếu tu dưỡng và thiếu nhân cách, không đủ bản lĩnh để chiến thắng bản năng của mình, không vượt qua được chính mình; không học tập theo tinh thần, tấm gương của Bác Hồ một cách đích thực thì khó áp dụng quy định này và dĩ nhiên với họ rất khó để nói lời từ chức.

Trong thực tế, có rất nhiều vụ việc ồn ào nhưng có ai từ chức đâu, có người tai không nghe, mắt không nhìn thấy trước những ồn ào liên quan đến chính họ hoặc ngành của họ.

Trong 4 căn cứ để cán bộ từ chức có trường hợp “hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao”. Thực tế vừa qua, có khá nhiều vụ việc lùm xùm, dư luận lên tiếng và cũng đặt vấn đề vị này, vị kia nên từ chức nhưng dường như chưa có trường hợp nào từ chức?

Vấn đề này cũng cần thẳng thắn xem xét đúng bản chất của “ngôn từ”. Nhiều người dùng “từ ngữ” để che giấu bản chất như có việc gì lại xin nghỉ trước tuổi, nghỉ do sức khỏe, vì nguyên nhân khác… mà ít ai nhìn nhận do “không còn đủ uy tín”.

Như vậy thì không giải quyết đúng bản chất của vấn đề cũng như bản chất của một chủ trương. Một chủ trương phải được áp dụng một cách đích thực đúng với những hiện tượng xảy ra trong đời sống xã hội mà cán bộ, đảng viên mắc phải, chứ không phải để dùng ngôn ngữ khác làm biến dạng đi.

Tôi không hoài nghi chủ trương nhưng hoài nghi về cách ứng xử của không ít cán bộ, đảng viên hiện nay. Đôi lúc cái tình cao hơn cái lý, làm cho bản thân chủ trương mất đi uy lực của nó và làm giảm uy tín với xã hội.

Đòi hỏi một cuộc cách mạng về tư duy trong bỏ phiếu tín nhiệm

Quy định cũng nêu rõ 1 trong 4 căn cứ để cán bộ từ chức là “có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định”. Lâu nay, việc cho cán bộ từ chức vì tín nhiệm thấp dường như cũng rất hiếm. Theo ông, với quy định rõ ràng như vậy thì liệu sẽ chấm dứt tình trạng bỏ phiếu kiểu “huề cả làng”?

Theo tôi, quan trọng là có chủ trương lấy phiếu, định kỳ như thế nào, đối tượng là ai. Việc này liên quan đến hàng loạt vấn đề. Lấy phiếu có thể ở Quốc hội, ở một tổ chức Đảng, tổ chức chính quyền, địa phương hay một đơn vị nào đó. Khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đòi hỏi phải nâng cao giác ngộ về phẩm chất cán bộ, kể cả người bỏ phiếu.

Nếu “dễ người dễ ta”, “bảo vệ uy tín nháy nháy” trong nội bộ của mình thì làm sao có được những lá phiếu trung thực để mà “có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp” như quy định nêu ra. Cho nên việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng đòi hỏi một cuộc cách mạng về tư duy, một sự trưởng thành của Đảng thì mới bỏ phiếu thực chất được.

Trong quá trình công tác, ông thấy đã có trường hợp nào “từ chức” đúng nghĩa xuất phát từ lòng tự trọng, liêm sỉ của cán bộ như ông nói?

Rất, rất ít. Vừa rồi tôi thấy có trường hợp anh Trịnh Văn Khoa (nguyên thiếu tá, cán bộ Đội điều tra tổng hợp, Công an quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) xin ra khỏi ngành để tố cáo nhóm cán bộ, chiến sĩ Công an quận Đồ Sơn làm sai lệch hồ sơ trong vụ việc có dấu hiệu tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại quán karaoke.

Hoặc một số cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi để nhường ghế lại cho thế hệ trẻ mỗi khi đến kỳ bầu cử như trường hợp ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An.

Trước đây, có trường hợp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đào Đình Bình có đơn từ chức vì đã không làm tròn trách nhiệm Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng kéo dài ở Ban quản lý các dự án 18 (PMU18) và Bộ GTVT.

Tuy nhiên, vụ việc ông Bình nộp đơn từ chức cũng xuất phát từ áp lực của dư luận và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ chứ không hẳn là từ tính tự giác của ông ấy.

Cho nên, để thực hiện được quy định này, như tôi đã nói, đòi hỏi một tinh thần mới của người cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Người không có liêm sỉ sẽ có trăm ngàn lý do để bảo vệ cái ghế

Có thực tế lâu nay, mỗi khi có vụ việc gì xảy ra, dư luận lên tiếng đòi hỏi tinh thần tự giác nhận trách nhiệm bằng việc từ chức, nhưng khá nhiều vị cho rằng không thể từ chức được vì “nhiệm vụ do Đảng và tổ chức phân công”. Vậy với quy định của Đảng lần này, liệu những lời giải thích như vậy có còn được chấp nhận, thưa ông?

Dù không còn cái cớ này thì với người không có liêm sỉ, không có lòng tự trọng, họ sẽ tìm đủ thứ lý do bằng những ngôn từ “hợp tình, hợp lý” để bảo vệ cái ghế của mình.

Ví dụ như có vị 59, 60 tuổi rồi, khi làm nhân sự hỏi ý kiến anh thế nào thì họ lại bảo “tùy ý kiến tổ chức thôi”. Thì đấy cũng là kiểu cán bộ không tự giác. Khi cán bộ đã không có liêm sỉ, ít ai thấy được khuyết điểm để mà “cởi áo từ quan”.

Một con người không tự mình thấy khuyết điểm thì khó làm cho tổ chức tốt lên, làm cho sức mạnh của tập thể đó mạnh được. Chỉ khi nào có tinh thần tự trọng, tự nguyện, tự giác thì mọi việc mới trở về tính chân thật của nó.

Cho nên trong lời di chúc của Bác Hồ có nói: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Chúng ta phải đi vào bản chất của chữ “thật”, trở về với bản chất của chữ “thật” như lời Bác nói.

Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều ĐBQH đã không ít lần đề nghị xây dựng “văn hóa từ chức” nhưng nhìn chung đến nay, câu chuyện từ chức vẫn còn “lạ lẫm” trên thực tế. Vậy theo ông, làm sao để xây dựng "văn hóa từ chức" đúng nghĩa?

Bên Nhật gãy 1 cây cầu thì ông Bộ trưởng Giao thông tự giác từ chức luôn dù cây cầu đó không phải do ông ấy thiết kế, xây dựng. Còn ở mình rất nhiều vụ lớn hơn thế vẫn không thấy ai từ chức.

Không có liêm sỉ, ít ai thấy được khuyết điểm để 'cởi áo từ quan'
Ông Trần Văn Nam xin thôi nhiệm vụ vì lý do sức khỏe. Ngày 27/7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với ông Trần Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. 

Vì vậy, theo tôi, để Quy định 41 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, tạo nên một “văn hóa từ chức” như nhiều người mong đợi thì cần tạo ra một sự chuyển biến về ý thức, trách nhiệm, nhân cách, đạo đức của một con người thì mới làm được.

Tức là cán bộ phải đủ bản lĩnh chiến thắng bản thân thì mới thực hiện được; còn chưa rèn được những lớp người như thế thì khó có “văn hóa từ chức”.

Ngoài ra, những cơ quan thực thi nhiệm vụ phải nhận diện đúng bản chất của vấn đề xảy ra, không có quanh co, tạo điều kiện cho cán bộ né tránh. Ví dụ như cán bộ sai phạm mà lại gửi đơn xin thôi nhiệm vụ vì lý do sức khỏe như trường hợp ông cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam vừa rồi thì làm sao ai chấp nhận được. Tổ chức mà đồng ý với những trường hợp như vậy thì quá dễ dãi.

Cán bộ đừng mãi viện lý do này, lý do kia mà phải trung thực thì quy định về từ chức mới đi vào cuộc sống được. Cả những người làm nhiệm vụ cũng phải nhận thức đúng về sự thật khách quan, chứ không riêng người có khuyết điểm. Những người xung quanh cũng phải thay đổi nhận thức. Tức là đòi hỏi nhận thức từ “ba bên, bốn bề” để xây dựng nên “văn hóa từ chức” chứ không riêng gì cá nhân cán bộ nào.

QUY ĐỊNH MỚI VỀ TỪ CHỨC: CÁN BỘ YẾU

 KÉM CÓ THỂ 'RÚT LUI' TRONG DANH DỰ

CAO KIM ANH/ GDVN 13-11-2021

Ngày 3/11/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Quy định này thay thế Quy định số 260-QĐ/TW, ngày 02/10/2009 của Bộ Chính trị và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Theo đó, quy định nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định mới đã có những kế thừa nhiều bài học kinh nghiệm, cụ thể hóa nhiều tiêu chí để xem xét, đánh giá trong việc miễn nhiệm, từ chức.

Quy định rõ ràng, mở rộng phạm vi

Đó là nhận định của ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII khi đánh giá những điểm mới của quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XII,


 XIII. (Ảnh quochoi.vn)

Theo ông Thuyền phân tích, so với các quy định cũ tại Quy định số 260-QĐ/TW, quy định mới đã có những nét tiến bộ, bổ sung và quy định rõ ràng hơn về các khái niệm.

Với quy định cũ, “Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định chấm dứt chức vụ đối với cán bộ do vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức hoặc bãi nhiệm. Miễn nhiệm gắn với yếu tố chủ quan do cán bộ gây nên”.

Tuy nhiên, trong quy định mới, “Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức.

Có thể thấy rằng, theo quy định mới, miễn nhiệm được bổ sung thêm “khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm” để xác định cụ thể hơn về các trường hợp miễn nhiệm.

Tương tự với khái niệm từ chức. Trong quy định cũ, “Từ chức là việc cán bộ tự nguyện, chủ động xin thôi giữ chức vụ và được cấp có thẩm quyền chấp nhận”.

Với quy định mới, “Từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp nhận”.

Như vậy, Quy định 41 cũng bổ sung thời điểm cán bộ từ chức là “khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”.

Điều đó cho thấy, với quy định mới, các khái niệm được quy định cụ thể, rõ ràng hơn, dễ vận dụng hơn trong thực tế.

Thế nhưng, ông Nguyễn Bá Thuyền vẫn lưu ý rằng: “Dù có nhiều điểm mới, cụ thể hơn nhưng điều quan trọng nhất vẫn là chúng ta áp dụng như thế nào vào thực tế.

Từ trước tới nay, chúng ta không thiếu các quy định, quy phạm, văn bản luật. Tuy nhiên, từ văn bản để được áp dụng triệt để vào đời sống thì chúng ta vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng. Điều đó được chứng minh rất rõ ràng qua những sai phạm của một bộ phận cán bộ trong thời gian gần đây.

Chính vì vậy, quy định các văn bản rõ ràng, cụ thể là điều rất tốt, rất nên làm nhưng phải nghiêm chỉnh, nghiêm khắc thực hiện các văn bản đó một cách có hệ thống, đồng bộ là việc cần thiết và bắt buộc phải có giám sát khi thực hiện”.

Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, Quy định 41 được xem là sợi dây thắt chặt kỷ cương hơn trong quản lý nhà nước về công tác cán bộ. Do đó, việc thực hiện là phải theo đúng nguyên tắc, không vùng cấm, không ngoại lệ, không phân biệt họ là ai. Như vậy các quy định mới phát huy được tính hiệu quả, áp dụng và đi vào sâu trong thực tế và đời sống nhân dân.

Thích hợp về thời gian thực hiện các quyền

Cũng có những nhận định tương tự về sự ưu việt hơn của quy định mới về miễn nhiệm, từ chức so với quy định cũ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho hay:

“Quy định 41 của Bộ Chính trị có điều kiện mở rộng hơn và thích ứng hơn về việc thanh lọc cán bộ, loại trừ những cán bộ không đủ năng lực, không đủ phẩm chất ra khỏi đội ngũ cán bộ, làm trong sạch bộ máy nhà nước. Điều đó được xem là bước tiến bộ, đổi mới trong quy định mới được đề ra”.

Bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố


 Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. (Ảnh NVCC)

Theo bà Bùi Thị An, quy định này thích hợp về thời gian, thời điểm. Nếu như trước đây, trong rất nhiều trường hợp, chúng ta có đặt ra những quy trình nhưng quá muộn, không còn có tác dụng mà một trong những đặc trưng của xử lý kỷ luật là phải xử lý đúng thời điểm thì mới có tác dụng. Tác dụng cho cả người bị kỷ luật cũng như cảnh tỉnh, răn đe cán bộ liên quan.

Về phạm vi của quy định mới cũng được xác định rộng hơn, cụ thể hơn các khái niệm, về các trường hợp quy định, điều kiện, thời hạn, cho phép người ta có thể xử lý nhanh và xử lý thích hợp được. Đó là cần thiết mà từ trước đến nay chúng ta vẫn thường có những chậm trễ trong khâu xử lý, quyết định.

Với những quy định cụ thể hơn về quyền hạn của cấp trên, thời hạn xử lý đối với các trường hợp cụ thể, quy định về hồ sơ, trường hợp xem xét bổ nhiệm, quy hoạch sau khi từ chức… là một bước cải tiến, tạo điều kiện cho các tổ chức đảng dễ tiến hành, xử lý công việc hơn trên thực tế.

Ngoài ra, theo bà Bùi Thị An, Quy định 41 được xem là một bước tiến vượt bậc, đưa cán bộ của chúng ta hiện nay đến gần hơn với văn hóa từ chức.

“Phải nói rằng, Quy định 41 tạo điều kiện cho cán bộ yếu kém có thể từ chức, rút lui trong danh dự. Trước đó chúng ta có những quy định về từ chức. Thế nhưng, độ tự giác cũng như ý thức tự kiểm điểm của cán bộ chưa cao.

Chúng ta có những quy trình tự đánh giá, tự kiểm điểm và có cả quy định về từ chức của cán bộ trước đó. Tuy nhiên chỉ quy định thôi chứ hiếm khi thấy cán bộ tự đánh giá năng lực yếu kém mà từ chức. Hầu hết đều để đến khi do năng lực chưa đủ, gây ra những sai phạm, dẫn đến miễn nhiệm, cách chức mới buông bỏ vị trí. Vì vậy, đây có thể xem từng bước mở đường cho văn hóa từ chức đối với cán bộ”, bà An cho biết.

Bà Bùi Thị An nhận định rằng, mặc dù Quy định 41 có nhiều ưu điểm, tiến bộ, tuy nhiên cũng cần cụ thể hóa hơn nữa các khái niệm, quy định, giới hạn. Đặc biệt là việc triển khai các quy định này thì cần có sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền, chức năng cũng như giám sát của nhân dân. Như vậy thì mới phát huy được hiệu quả của các quy định mới của pháp luật, nhà nước.

Cao Kim Anh

TỪ CHỨC SAO KHÓ LẮM THAY

TRẦN NHUNG/ TD 28-11-2021



Bộ Chính trị mới ban hành Quy định về miễn nhiệm, cách chức, từ chức và tạo điều kiện và bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, năng động sáng tạo. Ban Tổ chức Trung ương cũng đang nghiên cứu sửa đổi Quy định 260, ban hành năm 2009, về miễn nhiệm, cách chức từ chức để phù hợp tình hình mới và thực hiện có hiệu quả hơn.

Mặc dù có quy định nhưng hơn 10 năm qua, rất hiếm cán bộ từ chức mà chỉ khi sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng mới cách chức miễn nhiệm. Trường hợp như Bí thư Hội An Nguyễn Sự từ chức là tấm gương sáng nhưng tiếc là gần như là cá biệt.

Vì sao ở ta từ chức khó thế. Không chỉ cấp cao mà ngay tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, bí thư chi bộ cũng ít người từ chức khi đương nhiệm.

1- Cán bộ của ta, nhất là trung cao cấp trở lên hầu hết chỉ có nghề lãnh đạo mà không có chuyên môn nghiệp vụ. Lấy lãnh đạo như một nghề kiếm sống mà kiếm tiền dễ dàng nhất, thuận lợi nhất. Đến nỗi nhiều vị là nhà khoa học, doanh nhân khi được cơ cấu vào lãnh đạo là bỏ ngay nghề mà lao như thiêu thân trong chốn quan trường đủ nói lên nghề làm lãnh đạo hấp dẫn thế nào. Vậy nên nhiều vị nếu từ chức chả biết làm gì, nhất là khối cán bộ trưởng thành từ Đoàn Thanh niên, chỉ giỏi hô khẩu hiệu.

2- Làm lãnh đạo có nhiều ưu đãi. Ta nghĩ ra vô số thứ ưu đãi nên lãnh đạo nào cũng giầu có mà so với lương thì không thể giầu như vậy. Riêng nhà đất đã ghê gớm. Nhiều vị có nhà cao cửa rộng từ địa phương lên Trung ương. Quan địa phương được cấp nhà đất, luân chuyển nơi khác lại được cấp và về trung ương được cấp lần nữa. Đương chức nhiều bổng lộc, về hưu vẫn nhiều ưu đãi kể cả cấp đất khi chết. Thế nên phải quyết giữ ghế lãnh đạo.

3- Công tác cán bộ là của Đảng. Nói Đảng là trừu tượng, thật ra chỉ là nhóm người, hoặc vài người quyết định. Thế nên cất nhắc hay cho thôi lệ thuộc vào những người này. Bổ nhiệm người cùng phe nhóm thì bênh che nhau, ai lại chặt chân tay mình.

4- Thế nên muốn bộ máy mạnh, lãnh đạo giỏi có năng lực, trước tiên cần cải cách đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo dân chủ công khai, tranh cử thật sự. Nghịch lý là, lãnh đạo gần 100 triệu dân lẽ ra phải chọn người từ trong 100 triệu. Nhưng ngay từ đầu đã loại ra 95 triệu mà chỉ chọn trong 5 triệu đảng viên… Mặt khác ngay 5 triệu đảng viên có bao nhiêu được quyền chọn lãnh đạo hay chỉ bỏ phiếu hợp thức.

Nếu có cơ chế và minh bạch và nhân dân có quyền thực sự thì việc miễn nhiệm cách chức, từ chức sẽ dễ dàng. Ở các nước phát triển, nếu một lãnh đạo có câu nói sai, hành động bất nhã đã phải xin từ chức. Ở ta mà làm được như vậy thì rất nhiều vị đã phải từ chức.

Thật hài hước và đau lòng, lo ngại mà đến nỗi có vị lãnh đạo ăn thịt bò dát vàng cũng chả sao, đến nỗi TBT Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ lẩy Kiều bóng gió: Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống người ta trông vào… mà không cách chức ngay.

Thế đấy…

Trần Nhung

(Tác giả Trần Nhung là cựu TBT báo Cựu Chiến binh Việt Nam.)

NHỮNG CÂU HỎI 

VỀ QUY HOẠCH VÀ XỬ LÝ CÁN BỘ SAI PHẠM

 TỪ VỤ BÍ THƯ HUYỆN ỦY CÔ TÔ

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 22-11-2021

Quảng Ninh hơn một năm trở lại đây liên tục được nêu trên mặt báo không phải chỉ vì những khởi sắc về kinh tế hay việc chuẩn bị đón khách du lịch trở lại trong điều kiện “bình thường mới” mà còn là chuyện kỷ luật cán bộ.

Cụm từ “vùng mỏ” gắn với Quảng Ninh gần như đã là dĩ vãng, ngày nay nói đến Quảng Ninh là nói đến du lịch, kinh tế biển mà Vân Đồn, Cô Tô là một trong những địa danh nổi bật.

Điều đáng tiếc là hai năm nay, nhất là trong năm 2021, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh và trung ương đã phải xử lý hàng loạt cán bộ thuộc các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh.

Tháng 07/2020 Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thi hành kỷ luật đảng với ba Thành ủy viên thành phố Cẩm Phả trong đó có hai Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố.

Tháng 9/2021 Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật Ban Cán sự Đảng và một loạt cán bộ Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh các nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025 trong đó có cả Chánh án, hai Phó Chánh án và một số người khác.

Tháng 9/2021 sau khi xem xét khuyết điểm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng đối với nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh. Cơ quan chức năng đã khởi tố một loạt cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh trong đó có nguyên Giám đốc Sở Vũ Liên Oanh.

Tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định kỷ luật ba vị nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 12/11/2021 sau khi xem xét tố cáo của công dân, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã quyết định đình chỉ công tác đối với ông Lê Hùng Sơn - Bí thư Huyện ủy Cô Tô, đồng thời Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đình chỉ công tác Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô của ông Lê Hùng Sơn.

Ngày 17/11/2021 Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh thi hành kỷ luật với Giám đốc và hai Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh…

Phải chăng vì tập trung làm kinh tế nên việc quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên có phần bị buông lỏng hay chủ yếu là do những cán bộ Quảng Ninh nêu trên “tự diễn biến, tự chuyển hóa”?

Ảnh minh hoạ: Laodong.vn

Vụ việc liên quan đến nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô Lê Hùng Sơn được nhiều tờ báo đăng bài, chẳng hạn:

“Nghi án Bí thư huyện uỷ Cô Tô sai phạm và cách xử lý thần tốc “trong đêm” ”. [1]

“Đình chỉ Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Cô Tô liên quan "nghi án" hiếp dâm”. [2]

“Bí thư Huyện ủy Cô Tô – người bị tố hiếp dâm nữ nhân viên là Bí thư cấp huyện trẻ nhất tỉnh Quảng Ninh”. [3]

“Bí thư huyện Cô Tô bị tố cưỡng hiếp nữ cán bộ, UBKT Tỉnh ủy Quảng Ninh vào cuộc”. [4]

“NÓNG: Đình chỉ công tác Bí thư Huyện ủy Cô Tô vì bị tố hiếp dâm”. [5]

“Vụ Bí thư Lê Hùng Sơn bị tố hiếp dâm: 3 khả năng pháp lý”. [6]

Điều đặc biệt trong 06 bài báo nêu trên là cả 06 bài đều nhắc đến chức vụ Bí thư của ông Lê Hùng Sơn mà không nhắc đến chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện mặc dù cơ quan chức năng Quảng Ninh đã đình chỉ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô của ông Long và đã cử ông Vũ Văn Hiển - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban - điều hành các hoạt động của Ủy ban thay ông Lê Hùng Sơn. Một điều cũng đặc biệt không kém là 05 bài viết đã sử dụng cụm từ rất mạnh là “hiếp dâm, cưỡng hiếp” trừ bài [1].

Thông tin trên Vietbao.vn (Trung tâm báo chí và hợp tác truyền thông quốc tế trực thuộc Cục thông tin đối ngoại - Bộ thông tin và truyền thông) ngày 12/11/2021 cho biết “Hiện cơ quan công an đã trích xuất camera tại khách sạn nơi xảy ra vụ việc để phục vụ công tác điều tra”. [7]

Tuy nhiên đến chiều ngày 21/11/2021 vẫn chưa thấy công bố trên các phương tiện truyền thông kết luận chính thức của cơ quan chức năng.

Một tờ báo tường thuật vụ việc qua lời của mẹ chồng nạn nhân như sau:

“Trong tiệc rượu, con bà bị ép uống khá nhiều nên say. Khoảng hơn 18h, chiếc xe chở đoàn vào một khách sạn với một phòng hát karaoke được bố trí sẵn. Việc hiếp dâm, theo tố cáo, xảy ra ngay tại phòng karaoke. Và thủ phạm là Bí thư kiêm Chủ tịch Cô Tô… Ngay trong đêm hôm đó, Công an tỉnh đã cử gần 20 người xuống làm việc với nghi phạm và lấy mẫu tinh trùng trong người nạn nhân mang đi giám định”. [1]

Một vụ việc đang trong quá trình điều tra nên bàn luận hoặc đánh giá cách thức xử lý mà tổ chức Đảng và chính quyền địa phương áp dụng có phải nên có sự tiết chế?

Việc khá nhiều bài báo đăng ảnh đương sự (không chỉnh sửa) và tít bài gắn với cụm từ “hiếp dâm” liệu có phù hợp?

Khi cơ quan điều tra bên Đảng và chính quyền chưa đưa ra kết luận chính thức thì đương sự vẫn vô tội, đó là nguyên tắc tối thượng mà bất kỳ nền tư pháp nào cũng phải tôn trọng, vì thế việc tổ chức hoặc cá nhân “gợi ý” cơ quan chức năng về tội trạng của công dân có phải là việc làm hợp tình, hợp lý?

Ngược lại, nếu đã có cơ sở kết luận nghi vấn “hiếp dâm” kết hợp với sự tố cáo của công dân tới cơ quan chức năng thì tức là đã hình thành một vụ án hình sự (theo điều 141 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017) và do đó cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can chứ không phải chỉ cần cơ quan Công an vào cuộc rồi chính quyền dựa vào đó ban hành quyết định kỷ luật.

Việc nhiều bài viết cùng sử dụng một cụm từ gắn với một tội danh quy định trong Luật Hình sự phản ánh sự bức xúc của dư luận hay mang dấu ấn một cuộc “ném đá” hội đồng?

Nếu lời tố cáo là đúng sự thật, nếu sự việc đã xảy ra thì hai thông tin sau đây cần phải được xem xét một cách nghiêm túc:

1. Như báo Laodong.vn tường thuật, đoạn văn “Chiếc xe chở đoàn vào một khách sạn” cho thấy đây là một “đoàn” nghĩa là một nhóm người chứ không phải chỉ có đương sự và nạn nhân. Nhóm người này gồm bao nhiêu người, họ đã làm gì trong thời gian xảy ra vụ việc?

2. Nếu cả đoàn chỉ vào “một phòng hát karaoke được bố trí sẵn” thì phải chăng những người đi cùng đã rủ nhau lánh mặt “nhường” lại căn phòng cho đương sự và nạn nhân, bởi không thể có chuyện vụ việc xảy ra khi mọi người vẫn ngồi trong phòng?

Hai thông tin nêu trên dẫn tới một số câu hỏi:

Thứ nhất, vì sao những người cùng đi không có mặt tại “hiện trường”? Họ bị buộc phải “thông cảm” với Bí thư huyện hay nhóm người này cố tình “tạo điều kiện” để cấp trên vi phạm?

Thứ hai, một Bí thư Tỉnh đoàn trẻ, thuộc thế hệ kế cận, được đào tạo bài bản (đương sự có bằng Cử nhân kinh tế, Cử nhân ngoại ngữ, Thạc sỹ kinh tế Công nghiệp), được Tỉnh ủy Quảng Ninh điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy và giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Cô Tô, nhiệm kỳ 2020 - 2025, được Hội đồng Nhân dân huyện Cô Tô khóa V bầu làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện ngày 07/11/2020 vì sao chỉ sau một năm ngồi vào chế ghế quyền lực (cấp huyện) đã bị sa ngã?

Thứ ba, với độ tuổi chưa đến 40 nghĩa là ở vào giai đoạn thể lực rất sung mãn, tuy không thể loại trừ khả năng cựu Bí thư huyện uống say đến mức không làm chủ được bản thân song cũng không thể không chú ý đến các khả năng khác, chẳng hạn chuyện “ngựa quen đường cũ” hoặc là vị này “uống nhầm” thứ không nên uống?

Thứ tư, ngày 20/03/2020 Trung ương ban hành “Hướng dẫn số 03-HD/TW” trong đó có đề cập đến chuyện đề cử, giới thiệu nhân sự tại đại hội Đảng các cấp. Theo đó “Sau đại hội, nếu xác minh người được đề cử không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì tuỳ theo mức độ vi phạm, người đề cử sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng”.

Công tác cán bộ nếu không thận trọng, nếu không cân nhắc mọi điều kiện dễ trở thành nguyên nhân làm mất cán bộ, làm giảm uy tín của Đảng và nhà nước.

Nếu hành vi phạm pháp (được cho là tội hiếp dâm) của cựu Bí thư Huyện ủy Cô Tô được chứng minh là đúng thì không thể không nêu câu hỏi về quá trình theo dõi, quy hoạch cán bộ nguồn tại địa phương bởi lẽ đương sự từng là một cán bộ bình thường được cất nhắc thành Phó Giám đốc Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh; thư ký Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Phó Bí Thư tỉnh đoàn; Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ninh. [8]

Có thể thấy vụ việc không chỉ liên quan đến đương sự và “nạn nhân” và vì vậy việc nhanh chóng xử lý cá nhân ông Lê Hùng Sơn phải chăng chỉ là bước khởi đầu, tiếp theo sẽ còn là việc xem xét trách nhiệm của một số người và cơ quan liên quan?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/nghi-an-bi-thu-huyen-uy-co-to-sai-pham-va-cach-xu-ly-than-toc-trong-dem-973517.ldo

[2] https://nld.com.vn/thoi-su/dinh-chi-bi-thu-kiem-chu-tich-huyen-co-to-lien-quan-nghi-an-hiep-dam-20211112145106248.htm

[3] https://danviet.vn/chan-dung-bi-thu-huyen-uy-co-to-nguoi-bi-to-hiep-dam-nu-nhan-vien-2021111218190275.htm

[4] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/bi-thu-huyen-co-to-bi-to-cuong-hiep-nu-can-bo-ubkt-tinh-uy-quang-ninh-vao-cuoc-792023.html

[5] http://daidoanket.vn/nong-dinh-chi-cong-tac-bi-thu-huyen-uy-co-to-vi-bi-to-hiep-dam-5672252.html

[6] https://plo.vn/phap-luat/vu-bi-thu-le-hung-son-bi-to-hiep-dam-3-kha-nang-phap-ly-1027727.html

[7] https://vietbao.vn/dinh-chi-bi-thu-co-to-bi-to-hiep-dam-cong-an-trich-xuat-camera-khach-san-290439.html

[8] https://vtc.vn/quang-ninh-quan-lo-cua-bi-thu-huyen-co-to-vua-bi-dinh-chi-cong-tac-ar646239.html

Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét