Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020

20200921. ĐA CHIỀU TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI XIII

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

'CUỘC ĐUA TAM MÃ' VÀO CHIẾC GHẾ TỔNG BÍ THƯ
BBC 15-9-2020


David Hutt, nhà quan sát chính trị Việt Nam, đưa ra một số nhận định trong bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat ra ngày 14/09.

Bài viết nói Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam được lên lịch sẽ diễn ra vào tháng 1 là điều gần như không thể trì hoãn bất kể đại dịch Covid-19 có diễn biến thế nào.

Ủy ban Trung ương Đảng mới gồm 180 ủy viên sẽ được 1.600 đại biểu toàn quốc bỏ phiếu bầu chọn và và các cơ quan chính trị quan trọng nhất sẽ có thay đổi nhân sự.

Tác giả mô tả về những đồn đoán hợp nhất vai trò chủ tịch nước và tổng bí thư, điều đã từng xảy ra khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức chủ tịch nước sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời.

"Một số nhà quan sát cho rằng việc hợp nhất hai ghế vào lúc đó trước hết là một động thái của ông Trọng nhằm nắm giữ quyền lực tối đa. Những người khác cho rằng đây là việc làm "tiện lợi", xảy ra vào lúc giữa nhiệm kỳ khi xáo trộn sẽ gây bất ổn cho Bộ Chính trị, vốn đã bị mất người.

"Nhưng việc sáp nhập [hai chức vụ] có ý nghĩa nhất định đối với lợi ích lâu dài của Hà Nội. Rõ ràng Việt Nam đang điều chỉnh lại chính sách đối ngoại của mình chặt chẽ hơn với các đối tác phương Tây và nước dân chủ, và Hà Nội đã cải thiện đáng kể quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong thập kỷ qua và đã phê chuẩn một hiệp định thương mại tự do quan trọng với Liên minh châu Âu trong năm nay.

"Tuy nhiên, vấn đề là các chính phủ dân chủ không chắc chắn về cách tiếp xúc với người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân vật quyền lực nhất đất nước," ông David Hutt nhận xét.

Về mặt ngoại giao chặt chẽ, theo tác giả, người đứng đầu Đảng không đại diện cho nhà nước hay chính phủ. Vì vậy, việc các chính phủ phương Tây chào đón người đứng đầu Đảng Cộng sản trong chuyến thăm cấp nhà nước sẽ thể hiện sự chấp nhận ngầm đối với hệ thống độc đảng toàn trị của Việt Nam - một tình huống mà chính phủ Hoa Kỳ phải đối mặt khi ông Trọng đến thăm Washington vào năm 2015, chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của một Tổng Bí thư Đảng.

Thế nhưng để lãnh đạo đảng cũng nắm ghế chủ tịch nước giải quyết vấn đề này, tương tự như Lào và Trung Quốc đã làm cách đây nhiều năm, tức là tạo điều kiện dễ dàng hơn cho công tác kiểm soát chính sách đối ngoại và đối thoại với chính phủ các nước phương Tây, tác giả giải thích.

'Cuộc đua tam mã'

Tác giả đưa ra nhận định về cơ hội của từng ứng viên như sau:

"Trần Quốc Vượng, cánh tay phải của ông Trọng và là Thường trực Ban bí thư Ban chấp hành Trung ương, là người dẫn đầu nếu ông Trọng thôi chức sau hai nhiệm kỳ trong những tháng tới. Thế nhưng thủ tướng đương nhiệm, Nguyễn Xuân Phúc, được nhiều nhà quan sát cho là ứng viên sáng giá để có ghế tổng bí thư.

"Ông Phúc đã cải thiện đáng kể năng lực của Việt Nam trong bốn năm qua và đã giành được nhiều lời khen vì đã xử lý được đại dịch COVID-19, trong đó Việt Nam đã không ghi nhận trường hợp tử vong nào cho đến cuối tháng 7.

"Một ứng cử viên khác cho ghế tổng bí thư là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ chính trị lớn trong lịch sử gần đây của Việt Nam.

"Là Chủ tịch Quốc hội từ năm 2016, bà Ngân nằm trong cái gọi là "tứ trụ" mặc dù ghế này thường được coi là ít quyền lực và có ý nghĩa nhất trong bốn chức vụ.

"Mặc dù bà Ngân được cho là đang tham gia cuộc đua nhưng có ý kiến cho rằng Đảng chưa sẵn sàng cho một nữ Tổng Bí thư. Thật vậy, về vấn đề này, Việt Nam tụt hậu 6 năm so với nước láng giềng cộng sản Lào, nơi bà Pany Yathotou được bổ nhiệm làm Chủ tịch Quốc hội Lào vào năm 2010, trở thành người phụ nữ đầu tiên đạt được một vị trí quyền lực ở Viêng Chăn," tác giả viết.

"Tuy nhiên, không nên xóa bỏ khả năng Đảng sẽ có lãnh đạo là nữ. Về mặt kỹ thuật, bà Ngân đứng thứ hai trong Bộ Chính trị, sau ông Trọng, và bà là một trong số ít thành viên đã ngồi trong cơ quan chính trị chóp bu này trong hai nhiệm kỳ, nói chung là điều kiện tiên quyết cho ghế lãnh đạo Đảng".

Tác giả lập luận rằng chính ông Trọng cũng từng là Chủ tịch Quốc hội trước khi ông ngồi ghế tổng bí thư vào năm 2011, tức là đã có tiền lệ cho con đường thăng tiến này.

Tuy nhiên ông David Hutt mô tả có điều gì đó có thể có lợi cho bà Ngân (nhưng có thể không) là vì bà ấy hơi thiếu điều ông gọi là "hấp lực chính trị".

"Không rõ là bà ngồi ở đâu trong cỗ máy của Đảng. Bà có phải là một nhà kỹ trị như ông Phúc, với mục tiêu là nâng cao năng lực của chính phủ? Hay bà thuộc phe nặng về tư tưởng của ông Trọng, vốn bị ám ảnh bởi việc tái khẳng định giá trị "đạo đức" và nền tảng tư tưởng của Đảng?

"Liệu bà có phải là một người theo chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc, người muốn thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn nữa với Washington để bảo vệ lợi ích lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông khỏi âm mưu bành trướng của Bắc Kinh? Hay là bà ngả về phe thực dụng trong cuộc tranh luận khi muốn duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa hai đảng với Bắc Kinh và đi dây giữa các siêu cường?

"Nhưng vì bà không được coi là ngả về phe nào trong bối cảnh Đảng có khuynh hướng khác nhau, nên bà có thể sẽ trở thành một ứng cử viên lý tưởng nếu người ta coi cân bằng lợi ích là là cách tốt nhất," tác giả viết.

Ông David Hutt cho rằng ở tuổi 66, nay bà Ngân có thể tiếp tục mặc dù quá tuổi nghỉ hưu dự kiến (65) vì đã có những thay đổi về việc qui định hạn chế độ theo đó không áp dụng cho chức vụ tổng bí thư trong nhiệm kỳ tới.

"Điều đó có nghĩa là ông Phúc và bà Ngân, cùng 66 tuổi và ông Vượng, 67 tuổi, cánh tay phải của Trọng, đều đủ điều kiện để ngồi ghế tổng bí thư.

"Tuy nhiên, có những gợi ý rằng giới hạn độ tuổi cũng có thể được dỡ bỏ đối với các chức vụ khác. Có vẻ như khó xảy ra, nhưng ông Phúc và bà Ngân có thể được phép tiếp tục ở chức vụ hiện tại, vì họ mới chỉ nắm một nhiệm kỳ và nằm trong Bộ Chính trị và nếu gạt bỏ các qui định hẳn thì bà Ngân có khả năng nắm ghế chủ tịch nước".

Tuy nhiên, theo tác giả, hầu hết các nhà quan phân tích đều cho là điều đó khó xảy ra và rằng bà Ngân vẫn xếp hàng sau ông Phúc và ông Vượng.

"Vấn đề không hẳn ở chỗ bà là nữ (mặc dù đối với một số người thì có là vấn đề), mà là vì bà thiếu kinh nghiệm hành chính và chính sách đối ngoại của ông Phúc cũng như sự hậu thuẫn từ người thầy đầy quyền uy dành cho ông Vượng. Việc bà là người miền Nam và chức vụ Tổng Bí thư hầu như luôn thuộc về người miền Bắc (như ông Vượng), cũng là điểm bất lợi cho bà.

"Ông Phúc, người gốc miền Trung, ít gây tranh cãi hơn. Dự đoán của riêng tôi (và đó chỉ là phỏng đoán theo thông tin) là ông Vượng sẽ ngồi ghế lãnh đạo Đảng nếu hệ thống "tứ trụ" tái diễn, nhưng ông Phúc sẽ được chấp nhận nếu có sự hợp nhất vĩnh viễn giữa người đứng đầu đảng và người đứng đầu nhà nước, một phần bởi vì ông có nhiều kinh nghiệm hơn ông Vượng trên chính trường thế giới. Tuy nhiên, bà Ngân có khả năng chen vào nếu ông Phúc và ông Vượng bị coi là quá chia rẽ.

Nếu bà Ngân không nhận được chức tổng bí thư, tác giả cho rằng bà sẽ được dự kiến sẽ rời Bộ Chính trị vào năm tới.

"Thật ra trong số ba ứng viên chính, hai người không được chọn có khả năng sẽ nghỉ hưu. Và nếu bà Ngân đi tiếp, thì câu hỏi đặt ra là ai sẽ đảm nhận vị trí Chủ tịch Quốc hội.

"Một số chuyên gia cho rằng bà sẽ được thay thế bởi một phụ nữ khác để thực hiện cam kết rõ ràng của Đảng về sự bình đẳng hơn. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Viện ISEAS - Yusof Ishak, đã viết vào tháng Năm rằng người kế nhiệm của bà có thể sẽ là bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, hoặc ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

"Ông Hiệp nói thêm rằng nếu Đảng muốn duy trì một đại diện nữ ở vị trí tứ trụ, bà Mai sẽ nắm ghế này. Nếu kinh nghiệm được đặt trên giới tính, ông Chính có cơ hội tốt hơn," tác giả trích dẫn.

Đánh giá của ông Zachary Abuza

Hồi tháng Sáu, nhà quan sát lâu năm về Việt Nam, Tiến sĩ Zachary Abuza, nói với BBC:

"Tôi không nghĩ ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục làm nữa, vì ông vừa rồi đã có thời gian ốm, và lại đã một lần được miễn tuổi."

Ông Zachary Abuza nhận xét do Ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Trung Hải mới đây bị cảnh cáo, nên có lẽ ông Hải sẽ khó tái cử.

Ngoài ra, Bộ Chính trị hiện có 7 người đang từ 66 tuổi tới 76 tuổi và có lẽ đa số của nhóm này sẽ nghỉ hưu.

Như thế, ông Zachary Abuza dự đoán Bộ Chính trị khóa 13 có thể chỉ còn khoảng 7 người ở lại, mở đường cho các gương mặt mới.

"Nhưng số người mới bầu vào Bộ Chính trị Đảng Cộng sản không bao giờ nhiều hơn số thành viên cũ."

"Vì vậy, rất có thể, một hoặc nhiều hơn nữa trong số thành viên Bộ Chính trị quá 65 tuổi sẽ được cho ở lại, trong đó có ông Trần Quốc Vượng, hiện 67 tuổi," ông Abuza nhận định.

MÔ HÌNH TAM TRỤ HAY TỨ TRỤ CHO NHIỆM KỲ ĐẠI HỘI 13 ĐCSVN ?

DIỄM THI/ RFA 17-9-2020

Hôm 14 tháng 9 năm 2020, tạp chí The Diplomat có bài viết của tác giả David Hutt tiêu đề ‘Three-Horse Race for Vietnam’s Next Communist Party Chief’. Tạm dịch là ‘Cuộc đua tam mã vào vị trí lãnh đạo nhiệm kỳ tới của đảng cộng sản Việt Nam’.

Mở đầu bài viết, tác giả khẳng định Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng Một và không thể trì hoãn bất kể đại dịch COVID-19 có diễn biến thế nào chăng nữa. Ủy ban Trung ương mới gồm 180 ủy viên sẽ được bầu chọn từ 1.600 đại biểu toàn quốc và các vị trí quan trọng nhất sẽ có thay đổi nhân sự.

Câu hỏi được đặt ra vào lúc này là ai sẽ giữ chức Chủ tịch nước, bởi có những đồn đoán có thể có sự hợp nhất vĩnh viễn giữa vị trí Chủ tịch nước và vị trí Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam.

Vào đầu những năm 1990, mô hình “tứ trụ” được triển khai với bốn vị trí quan trọng gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội - do bốn người đảm nhiệm. Lãnh đạo dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhưng đến năm 2018, mô hình này bị phá vỡ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm luôn chức Chủ tịch nước sau cái chết của Chủ tịch nước đương nhiệm là ông Trần Đại Quang.

Một số chuyên gia cho rằng, đây là một động thái của ông Trọng để đạt được quyền lực tối đa. Một số khác cho rằng, việc hợp nhất như vậy là việc làm tiện lợi, không gây bất ổn cho Bộ Chính trị vào giữa nhiệm kỳ.

Nhà quan sát chính trị Hà Hoàng Hợp nói với RFA rằng, lúc đầu người ta định là đại hội đảng 13 diễn ra vào cuối tháng 1 năm 2021. Bây giờ họ quyết định lại là sẽ tổ chức vào khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 2021. Ông phân tích thêm về đồn đoán “tam trụ hay tứ trụ”:

“Ngày 5 tháng 10 tới đây thì Hội nghị Trung ương 13 họp bàn về nhân sự. Tình trạng cho đến nay phải nói là không có gì thay đổi so với quyết định đã có từ Hội nghị Trung ương 12 vào tháng 5 vừa rồi. Trong Hội nghị Trung ương 12 vừa rồi có mấy điểm sau:

Thứ nhất là ông Trọng phải nghỉ. Thứ hai là có hai ứng cử viên cho chức Tổng Bí thư là ông Vượng và ông Phúc. Gọi là tiền ứng cử viên thì đúng hơn. Thứ ba là sẽ quay lại chế độ tứ trụ, là bốn người chứ không phải ba người như bây giờ. Thứ tư là người ta sẽ phải chọn chỉ có một người quá tuổi được ở lại để làm Tổng bí thư thôi. Không thể nhiều hơn. Đây là bốn điểm rất quan trọng và đúng với thực tế.

Hiện nay bà Ngân không nằm trong chỗ những người cạnh tranh chức Tổng bí thư, nhưng không loại trừ việc bà Ngân có thể làm Tổng bí thư. Không ai loại trừ được.”

Theo điều lệ đảng hiện hành thì người giữ chức vụ Tổng bí thư sẽ không được giữ chức này quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Ông Nguyễn Phú Trọng đã giữ chức này hai nhiệm kỳ liên tiếp nên nhiệm kỳ tới ông sẽ nghỉ. Nếu ông Trọng muốn làm nhiệm kỳ thứ ba thì thay đổi điều lệ đảng.

Về mặt ngoại giao, theo tác giả David Hutt, người đứng đầu đảng cộng sản không đại diện cho nhà nước hay chính phủ. Vì vậy, việc các chính phủ phương Tây chào đón người đứng đầu đảng cộng sản trong chuyến thăm cấp nhà nước sẽ thể hiện sự chấp nhận ngầm đối với hệ thống độc đảng toàn trị của Việt Nam, như trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng đến thăm Hoa Kỳ vào năm 2015. Đây là chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của một Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.

Trong thực tế, Lào và Trung Quốc là hai nước hợp nhất hai vị trí Tổng bí thư và Chủ tịch nước làm một từ nhiều chục năm trước. Việc này tạo điều kiện dễ dàng hơn cho công tác kiểm soát chính sách đối ngoại và đối thoại với chính phủ các nước phương Tây.

Theo nhận định của tác giả, nhiệm kỳ tới ông Trọng sẽ không giữ vị trí lãnh đạo trong dàn lãnh đạo nữa. Ông Trần Quốc Vượng, cánh tay phải của ông Trọng và là Thường trực Ban bí thư Ban chấp hành Trung ương, là người dẫn đầu thay ông Trọng. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát lại đánh giá Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc là ứng viên sáng giá cho chức Tổng bí thư.

Ông Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm của ông:

“Chức vụ Tổng bí thư không hẳn là quan trọng nhất, nhưng từ đấy nó mới ra những vị trí khác. Bởi nguyên tắc lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam là tập thể lãnh đạo. Tập thể lãnh đạo thì họ sẽ bầu rồi chỉ ra ai làm ứng cử viên Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc Hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng.  Nếu chưa xác định được ai là Tổng bí thư thì khí xác định ai là Thủ tướng.

Chức chủ tịch nước và chức chủ tịch Quốc hội là hai chức rất dễ xác định, hay nói đúng hơn là không khó xác định. Chức Tổng bí thư phải được xác định trước thì sau đó mới đến chức Thủ tướng. Còn một điều nữa là Tổng bí thư và Thủ tướng phải là hai người ở hai miền khác nhau. Không thể ai ông cùng một miền. Từ khóa 7 đến bây giờ là nó thế rồi. Nó không thành văn nhưng nó thành quy định rồi.”

Một ứng cử viên khác cho ghế Tổng bí thư được ông David Hutt nói tới là bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Tác giả lập luận rằng chính ông Trọng cũng từng là Chủ tịch Quốc hội trước khi ông ngồi ghế tổng bí thư vào năm 2011, tức là đã có tiền lệ cho con đường thăng tiến này.

Bà Ngân là Chủ tịch Quốc hội từ năm 2016. Đây là một trong bốn vị trị chính trong hệ thống “tứ trụ” của Việt Nam, dù chức vụ này thường được coi là ít quyền lực nhất trong bốn chức vụ. Tuy vậy có ý kiến cho rằng đảng chưa sẵn sàng cho một nữ Tổng Bí thư.

Nếu bà Ngân không được bầu vào chức Tổng bí thư vào nhiệm kỳ tới thì bà Ngân được cho là sẽ nghỉ hưu Bộ Chính trị. Vậy câu hỏi đặt ra là nếu bà Ngân đi tiếp thì ai sẽ đảm nhận vị trí Chủ tịch Quốc hội?

Một số chuyên gia cho rằng bà Trương Thị Mai là người sẽ được thay thế vào vị trí Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ tới để thực hiện cam kết rõ ràng của đảng về sự bình đẳng.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói về điều này:

“Khả năng hầu như chắc chắc bà Mai sẽ làm Chủ tịch Quốc hội. Bà Mai làm ủy viên Bộ Chính trị khóa này là khóa thứ hai. Thứ hai nữa là trong tứ trụ phải có nữ theo quy định. Chức này từ rất lâu nó không phải là một chức trong tứ trụ. Nó là một chức rất bé. Chỉ từ đại hội đảng khóa 8 tới nay nó mới nằm trong Bộ chính trị.”

Tác giả David Hutt trích dẫn từ một bài viết của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp vào tháng Năm rằng, người kế nhiệm của bà Ngân có thể sẽ là bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, hoặc ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Nếu đảng muốn duy trì một đại diện nữ ở vị trí tứ trụ, bà Mai sẽ nắm ghế này. Nếu kinh nghiệm được đặt trên giới tính, ông Chính có cơ hội tốt hơn.

Sau Hội nghị Trung ương 12 (khóa XII) của Ban chấp hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam diễn ra hồi tháng 5 năm 2020, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc viết rằng, nếu một ngoại lệ được chấp thuận thì có khả năng cao là ngoại lệ sẽ cho trường hợp ông Trần Quốc Vượng và ông ta sẽ là Tổng Bí thư tiếp theo vì lý do kinh nghiệm.

Ngoại lệ ở đây là tuổi của ông Vượng và sức khoẻ của ông. Ông Vượng sẽ 67 tuổi vào năm 2021 và 72 tuổi vào đại hội 14. Liệu ông ta sẽ là Tổng Bí thư một nhiệm kỳ hay ông cũng giống ông Trọng (nghỉ hưu ở độ tuổi 76), được cho thêm một ngoại lệ và nghỉ hưu ở độ tuổi 77?


ĐẠI HỘI 13: ĐÂU LÀ THÁCH THỨC CHỜ ĐỢI DÀN LÃNH ĐẠO MỚI CỦA ĐCSVN

BBC 18-9-2020


Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 theo kế hoạch sẽ được nhóm vào đầu năm 2021 với nhiều trông đợi có thể diễn ra những thay đổi về nhân sự lãnh đạo và trên cơ sở đó là các chuyển động mới về lãnh đạo, điều hành đất nước.

Một số nhà quan sát thời sự và chính trị Việt Nam từ trong nước hôm 17/9/2020 chia sẻ với BBC News Tiếng Việt nhận định và bình luận của mình về đâu có thể là thách thức đáng kể nhất đón chờ dàn lãnh đạo cấp cao mới của đảng, nhà nước, chính phủ và quốc hội, bất luận ai sẽ được bầu chọn.

"Theo tôi sẽ có hai thách thức chính yếu. Một là về phát triển của đất nước và hai là về vấn nạn đe dọa của ngoại xâm, tôi thấy hiện chưa giải quyết được," nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, cựu Trung tá quân đội nhân dân Việt Nam nói với.

"Hiện giờ tham ô, tham nhũng của quan chức phổ biến, kinh tế lớn của nhà nước, khu vực nhà nước vẫn thất thoát nhiều. Mặc dù người ta đã mang ra để cho 'vào lò', nhưng những người lên thay sẽ có cơ chế nào để không rơi vào, không đi theo con đường ấy, đó là một thách thức liên quan phát triển của đất nước và quản lý.

"Còn về nguy cơ của ngoại xâm, chưa thấy có ai nói một cách rõ ràng gì. Tình hình có một sự may mắn hiện nay là chính sách của Tổng thống Trump và nước Mỹ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, ở biển Đông và khu vực Ấn - Thái dương, ngoài biển khơi, khá mạnh mẽ, quyết đoán khiến Trung Quốc, nước láng giềng luôn đe dọa, uy hiếp Việt Nam, đe dọa chủ quyền và các quyền thuộc về biển đảo của Việt Nam, phải dè chừng.

"Nếu không có các lực lượng của Mỹ và chính sách của chính quyền Trump như thế ở khu vực, thì không rõ Trung Quốc có thể đã có thể làm những việc bạo tay gì và chưa thấy ai trong lãnh đạo cao cấp nhất Việt Nam, trong dàn tam, tứ trụ phát biểu gì rõ ràng.

"Cứ cho rằng đó là bí mật cần giữ về ngoại giao hay về quốc phòng, quân sự đi nữa, thì cảm nhận của mọi người, người dân thấy rằng dường như là họ không làm gì, không nói gì cả, trong khi lãnh đạo nhiều nước khác họ sẵn sàng lên tiếng thẳng thắn, công khai và tỏ thái độ rất rõ ràng khi có ai đe dọa đất nước của họ."

Phục hồi hậu Covid-19 và tiếp tục chống tham nhũng thế nào?

Chụp lại hình ảnh,

Tại một thảo luận trực tuyến hôm thứ Năm 17/9 của BBC News Tiếng Việt, khách mời tham dự cũng nêu quan điểm mà theo họ đâu là thách thức chính của dàn lãnh đạo cấp cao mới.

"Tôi nghĩ thách thức lớn nhất sẽ là phải vực dậy nền kinh tế của Việt Nam sau Covid-19, bởi vì chúng ta đều biết sau đại dịch này suy thoái vô cùng to lớn. Nhưng đảng CSVN không trực tiếp tham gia vào kinh tế, cho nên nhiệm vụ của đảng phải chọn ra được một bộ máy về chính quyền, làm sao để cho nền kinh tế vượt qua được khó khăn," Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên cấp cao và nhà nghiên cứu bậc Đại học từ Hà Nội nói.

"Đối với người dân thì 'miếng ăn lớn hơn trời', nếu kinh tế mà ổn thì mọi chuyện đều sẽ ổn, nhưng nếu kinh tế mà không ổn, bất ổn chính trị sẽ đến rất là nhanh.

"Bên cạnh thách thức đó, mà không biết là cái nào hơn cái nào, là tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng như thế nào? Bởi vì chính quyền của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa lên một cuộc chiến chống tham nhũng mà ít nhiều có vẻ cho thấy là thực tế muốn làm.

"Sắp tới, nếu như không còn sự lãnh đao của ông Nguyễn Phú Trọng, thì tiếp tục thực thi cuộc chiến đó như thế nào? Bởi vì dù thế nào đi nữa, một số hành động gọi là 'thực sự' trừng trị một số quan tham đã thuyết phục được một số người dân.

"Có thể thấy rằng trong khoảng thời gian suốt từ 1975 tới giờ đã 45 năm và người dân cảm thấy rất nản lòng là chưa có một vụ án tham nhũng nào thực tế được xét xử cho đến thời mấy năm vừa rồi, thì đó cũng là một điều gì đó làm cho người dân cảm thấy mát lòng, mát dạ hơn và nó cũng làm cho các quan chức ít, nhiều cũng phải sợ hãi hơn.

"Mặc dù chúng ta cũng biết cái đó là tắm từ vai tắm xuống, hoặc là chỉ là lựa chọn một số người, nhưng dù thế nào đi nữa, người ta cũng phải lo rằng dù chỉ là lựa chọn đi nữa thì 'lần tới' có là mình không? Do đó, nó cũng là một hồi chuông đánh động.

"Tôi cũng biết một số người trong chính quyền, họ cũng nói rằng hiện tại thực sự là Ban Kiểm tra Trung ương đảng đã hành động quyết liệt hơn trước rất nhiều, có những hành vi chấn chỉnh lại việc bầu cử hay đề cử người để nó thực lực hơn, chứ không phải chỉ là chuyện gọi điện cho nhau là có thể giải quyết được.

"Cho nên tôi nghĩ đó cũng là hai nhiệm vụ rất lớn cho đại hội 13 lần tới đây."

Không thể chống tham nhũng theo cách cũ hiện nay?

Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện phản biện chính sách độc lập (IDS - đã tự giải thể) về phần mình nói với hội luận:

"Tôi nghĩ một thách thức quan trọng nhất của đảng Cộng sản Việt Nam là đảng này phải thấy mình phục tùng nhân dân, chứ không phải là 'ngồi trên đầu' nhân dân, điều ấy tôi nghĩ là thách thức lớn nhất.

"Bởi vì như vậy chính đảng CSVN với những hành động của mình vừa rồi đã làm cho người dân mất sự tin tưởng. Tôi nói thí dụ như là vấn đề đất đai, vấn đề Thủ Thiêm, vấn đề Đồng Tâm, những vấn đề tham nhũng.

"Về vấn đề tham nhũng, tôi nghĩ không thể chống tham nhũng bằng kiểu như thế này hiện nay, muốn chống được tham nhũng, chưa cần nói tới dân chủ, nhưng chí ít cần phải có tư pháp độc lập. Tư pháp hiện nay răm rắp nghe theo đảng.

"Điều kiện thứ hai phải có ít nhất báo chí tự do một chút, tất cả báo chí hiện nay đều răm rắp nghe theo đảng.

"Do đó, cơ chế này có diệt một trăm hay một ngàn kẻ tham nhũng, thì nó sẽ vẫn sinh ra hai ngàn, ba ngàn kẻ tham nhũng khác.

"Cho nên tôi nghĩ là bảo rằng thành tích 'đốt lò' chống tham nhũng này có thể làm cho một số người nghĩ rằng như thế 'rất là tốt', tôi nghĩ rằng nó không giải quyết được vấn đề tham nhũng. Bởi vì bản thân cơ chế của đảng Cộng sản Việt Nam đẻ ra tham nhũng.

"Còn phát triển kinh tế chắc chắn là một thách thức lớn và liên quan phát triển kinh tế, tôi nghĩ ông Nguyễn Xuân Phúc, đương kim Thủ tướng Chính phủ, làm được và thực sự nếu ông Phúc lên làm Tổng Bí thư, thì có lẽ là hay hơn cho đất nước này.

"Nhưng tôi e rằng họ sẽ tìm rất nhiều cách để đối phó, 'cà khịa' lẫn nhau về chuyện này, chuyện kia để tranh giành quyền lực."

Phải nghĩ đến "niềm tin", có dám "đổi mới" tư duy, tư tưởng?

Bình luận về ý kiến của hai khách mời trên, ngay sau cuộc hội luận hôm 17/9, từ Hà Nội, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động xã hội dân sự nói với BBC:

"Tôi có nghe những ý kiến bình luận của Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh cũng như của Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, tôi thấy đó cũng là những ý kiến khá hay và tôi cũng có sự chia sẻ đồng tình.

"Tôi chỉ muốn bình luận thêm là thách thức của đảng Cộng sản Việt Nam, dù ai sẽ ở trong dàn lãnh đạo mới cao cấp được xác định qua Đại hội 13, sẽ là đọc được và đáp ứng được đúng sự đòi hỏi của nhân dân.

"Những gì mà đảng và chính quyền đang làm để chống tham nhũng chẳng hạn, cách làm ra sao, với ai, cụ thể thế nào, mục đích là gì, đông cơ làm sao… tôi nghĩ nhân dân người ta thấy rõ cả về bản chất, không phải là người ta không biết gì đâu.

"Điều quan trọng là vấn đề niềm tin. Làm gì thì làm, nhưng khi mà quần chúng, nhân dân đã mất niềm tin, thì những thách thức của đảng, như các vị khách và các ý kiến đã nói, vốn đã lớn thì sẽ lại trở lên nghiêm trọng hơn nữa.

"Bản thân tôi nghĩ việc từ trước đến nay mà đảng cầm quyền đã độc tôn vị trí lãnh đạo đất nước của mình, thì chắc chắn cũng sẽ đến hồi phải tính lại và thay đổi, nếu không muốn một cái kết không như ý.

"Bởi vì theo quy luật của sự tiến bộ tới nay của văn minh nhân loại, của dân chủ, không ai, không đảng phái hay một thế lực quyền lực nào, nhất là nếu chưa thông qua các quá trình bầu cử, lập hiến dân chủ, nhân quyền, dân quyền và pháp quyền thực sự, có thể ngồi mãi trong một vị thế quyền lực lãnh đạo tối cao và cầm quyền như thế hay là muốn kéo dài vĩnh viễn như vậy được.

"Tóm lại theo tôi đó là thách thức về đổi mới tư duy và có dám thực thi tư tưởng, tư duy đổi mới về quyền lực về lãnh đạo, cầm quyền theo xu thế và tiêu chuẩn của văn minh nhân loại hiện nay mà cũng được nhân dân, quần chúng nhiều người kỳ vọng như vậy hay là không."

THƯ NGỎ KÍNH GỬI CÁC ĐẠI BIỂU ĐẠI HỘI 13 CỦA ĐẢNG CSVN

NGUYỄN KHẮC MAI/ BVN 20-3-2020

a.

Nhân các anh các chị đang bước vào tiến trình ĐH 13, tôi, một người của thế hệ Lập Quyền Dân Tiến Lên Việt Nam, xin gửi tới quý anh chị đôi điều để tham khảo.

Hồ Chí Minh không mách bảo sự nổi dậy, đạp phá, dù đã tiên đoán về những cũ kĩ, hư hỏng (Di chúc). Chỉ cần biết Chấn và Chỉnh. Chấn chỉnh nghĩa là chấn hưng lên từ nguồn nội lực dân chủ đoàn kết, tôn trọng nhân dân, tôn trọng qui luật và chân lý tóm lại từ những gì đang có sẵn; chỉnh đốn thanh lý cái gì là cũ kỹ và hư hỏng. Như thế là ta nên tự diễn biến tiếp.

Hãy dũng cảm trở lại với chính mình, từ bỏ “giáo điều ba rọi” Từ bỏ “cái chủ nghĩa xã hội cậy quyền”, chữ của Nguyễn Văn Tố khi thuật lại lời của nhà nho tân tiến, yêu nước, thủ lãnh của Đông Kinh Nghĩa Thục là cụ Nguyễn Hữu Cầu, đăng trên tờ Le Peuple của Đảng CS Đông Dương năm 1946.(*)

- Quyết tâm xây dựng một cơ chế thị trường thực chất và hữu hiệu. Trên cơ sở công nhận quyền sở hữu kể cả sở hữu đất đai của dân, cấu trúc lại những đòn bẩy kinh tế, như thuế và tín dụng, hoàn thiện các luật đất đai, kinh doanh, đầu tư, thuế… sao cho thuận lợi đối với nhân dân và xã hội, tạo ra những kích thích mới cổ vũ tư nhân bỏ vốn, bỏ vàng đầu tư phát triển. Tạo những kích thích mới khuyến khích đầu tư tạo nhiều công việc làm, những ngành nghề có hàm lượng tri thức cao, công nghệ mới, tiên tiến, tiêu hao năng lượng thấp, bảo vệ môi trường, thực hiện hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển kinh tế biển v.v. Hoàn thiện hệ thống luật pháp kinh tế, minh bạch hóa, tạo ra thể chế nhà nước để hình thành một nền kinh tế quốc dân hài hòa phát triển, hiệu quả đầu tư cao. Xóa bỏ tình trạng quan liêu hóa, tham nhũng hóa, hoạnh họe dân, hoạnh họe doanh nghiệp như K. Mác và Hồ Chí Minh đã dự báo. Chứ không phải làm trò lừa đảo, nuôi cho béo rồi thịt, như từng đã xảy ra trên quê hương.

- Xây dựng và phát triển xã hội dân sự theo đạo lý của dân, do dân, vì dân. Thi hành và tôn trọng trong thực tế, chứ không hình thức, Hiến pháp nói một đằng, qui chế, nghị định thì thắt lại mọi quyền dân sự, quyền tự do, dân chủ của công dân. Tôn trọng quyền tự do mưu cầu hạnh phúc, tự do báo chí, xuất bản của xã hội dân sự, quyền tự do thiêng liêng phê bình, chỉ trích, phản biện của xã hội dân sự đối với mọi cá nhân, cơ quan điều hành đất nước, kể cả ban lãnh đạo của Đảng. Hồ Chí Minh nói “Bao nhiêu quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, “Làm sao cho dân ta dùng được quyền dân chủ, hưởng được quyền dân chủ, dám nói, dám làm” v.v. Những tư tưởng ấy sao không đem áp dụng, để chúng ta hình thành nên một xã hội dân sự vừa văn minh vừa dân chủ, chỉ có như thế dân tộc VN mới có thể nhanh chóng phát triển vươn lên tự mình giải đáp mọi vấn nạn, mọi khó khăn, ách tắc đang xuất hiện trước mắt.

- Nguyễn Ái Quốc tha thiết về một nhà nước pháp quyền thật sự của dân do dân, vì dân kể từ khi thay mặt nhóm ái quốc ở Pháp đưa bản Kiến nghị Versailles năm 1919.

Hãy lấy tinh thần và những nội dung cơ bản của Hiến pháp 1946, căn cứ lời dạy của Mác, Ăng ghen: các đảng cộng đồng chủ nghĩa phải căn cứ những thực tế văn minh của các dân tộc hiện đại để xây dựng chính sách, để xây dựng một mô hình phát triển dân tộc, có một thiết chế chính trị - xã hội hòa đồng cùng nhân loại.

Năm 1986 Việt Nam đã một bước giải cấu trúc mô hình kinh tế Xô viết, đã loại trừ những tư tưởng nông dân, tả khuynh, ấu trĩ kiểu “Diên An” (Tàu). Nay phải thực hiện cuộc đổi mới vòng 2, toàn diện, triệt để tiếp tục giải cấu trúc mô hình kinh tế, chính trị, xã hội kiểu Xô viết. Tái cấu trúc nền kinh tế, thiết chế chính trị xã hội để có một nhà nước pháp quyền thật sự là của dân, do dân, vì dân của chính Việt Nam.

Một nhà nước pháp quyền Việt Nam là nhà nước mà dân thực sự ở địa vị cao nhất vì “dân là chủ” (HCM). Nhân dân, xã hội dân sự có năng lực và quyền hành giám sát, kiểm soát được 3 hệ thống nhà nước, giám sát và điều tiết được Đảng chính trị cầm quyền, thông qua bầu cử chứ không chỉ thông qua Điều lệ của Đảng. Đảng trong vị trí xứng đáng của nền dân chủ, dân quyền. Ba hệ thống quyền lực phải thật sự phân quyền. Chính Các Mác, tổ sư cộng sản từng nói, “Dân chủ nghĩa là Chính phủ được đặt dưới sự kiểm sát của xã hội”. Vì thế phải “chiến đấu” để giành bằng được những gì “tốt tươi đẹp đẽ”, để kiến tạo một nước Việt Nam độc lập thống nhất, hòa bình, dân chủ, giàu mạnh. Dân tộc Việt Nam trở thành dân tộc thông thái sánh vai với các cường quốc 5 châu. Những ngày kỷ niệm 75 năm Cách tháng Tám, ai còn chút lương tâm không khỏi đau đớn hỏi tại sao BCT nỡ lãnh đạo vụ Đồng Tâm và vụ Hồ duy Hải tàn nhẫn, bất lương chà đạp luật pháp do mình đã thảo ra?!

b. Về bản Tuyên ngôn Độc lập đầu thiên niên kỷ II

Đầu thiên niên kỷ thứ hai, trước một vận hội mới, dân tộc Việt giành lại nền độc lập sau cả ngàn năm Bắc thuộc, kiến tạo nền văn hiến Đại Việt, Thiền sư Pháp Thuận có bài kệ:

國 祚 如 藤 絡

南 天 里 太 平

無 為 居 殿 閣

處 處 即 刀 兵

Quốc tộ như đằng lạc

Nam thiên lý thái bình

Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh

Dịch nghĩa:

- Vận nước như dây mây quấn quít

- Trời Nam phải được sống trong yên ổn (bình) sung túc (thái)

- (Thì) Nền chính trị, sự điều hành lãnh đạo đất nước (điện các) phải theo đạo lý vô vi.

- (Được thế) khắp nơi đều yên ổn dứt hết đao binh.

Bài kệ chỉ có 20 chữ. Nhưng hàm nghĩa phong phú, sâu sắc.

Câu 1 có thể giải mã thành 2 ý.

Ý thứ nhất vận nước trong hình tượng, như một bó dây mây biểu hiện một tinh chất phức hợp - đoàn kết. Đoàn kết nhiều thành một, lại mềm mại (nhu) nên luôn vững vàng trước phong ba bão táp.

Ý thứ hai. Nó là một tập hợp “đa” nên phong phú, phức tạp, nhiều quan hệ, nhiều nhân duyên. Cần phải biết lần tìm đầu mối then chốt để tháo gỡ sẽ suôn sẻ, hanh thông. Phải dò tìm cho ra đầu mối của qui luật, của lòng người, vận nước sẽ hanh thông, sáng sủa gỡ ra được chỗ bế tắc để phát triển.

Câu thứ ba là cái lõi minh triết để ứng xử. Bấy giờ (từ thế kỷ thứ 10) dân Việt đã biết đến quan niệm vô vi của cả Phật, cả Lão, cả Khổng Nho. Diễn ngôn khác nhau nhưng hàm ý vô vi đều là thuận theo qui luật, theo lòng dân, không chủ quan, duy ý chí, không được lấy cái “ngã” riêng, phe nhóm làm chính sách, luật lệ điều hành nơi điện các (triều đình, chính quyền…). Về sau này đến đời nhà Trần, Thiền sư Phù Vân cũng dặn Trần Thái Tông câu nói ý nghĩa như thế: “Bậc nhân chủ (lãnh đạo) phải biết lấy lòng thiên hạ, lấy ý thiên hạ làm tấm lòng, làm ý chí của mình”. Vì thế nhà Trần tạo ra được sức mạnh Diên Hồng đập tan 3 cuộc xâm lăng của Nguyên Mông và đưa văn minh Đại Việt lên một tầm cao trong lịch sử.

Chính những nhà chính trị của Hiến pháp 1946 là người đã có nhận thức và hành động theo đạo lý vô vi trong thời đại của chúng ta. Vô vi là thuận qui luật, không phe nhóm, không giáo điều, không làm trái khoáy đem ý riêng, tình riêng học thuyết giáo điều biệt phái, lạc hậu áp đặt cho dân cho nước khiến làm chậm, làm rối, làm xấu, làm yếu vận nước.

Bấy giờ dân tộc Việt đã biết chọn chữ Việt 越 viết theo lối chữ nho với bộ tẩu 走, để nói lên tính chất, bản lĩnh, vượt qua những gian nan thử thách. Thiên niên kỷ thứ hai, dân tộc Việt đã siêu việt lên, tạo dựng nền văn hiến Đại Việt.

Nay bước vào thiên niên kỷ thứ III. Dân tộc ta lại đang đứng trước một vận hội mới, đã kiến lập lại nền độc lập dân tộc và đang phấn đấu để vượt lên, đứng vững và phát triển để trở nên dân tộc thông thái, sánh vai với cường quốc 5 châu, thống nhất, giàu mạnh tự do và hạnh phúc.

Những nhà lãnh đạo thức thời, giới trí thức tinh hoa của đất nước theo mách bảo của minh triết của dân tộc hãy đi cùng nhân dân, cùng dân tộc vượt lên chính bản thân mình, tạo dựng một thời kỳ hưng thịnh phát triển mới.

c. Gấp rút tạo ra ba động năng chiến lược để thực hiện khát vọng Việt Nam trong thế kỷ XXI

Động năng chính là lực đẩy chủ yếu (force motrice) để phát triển dân tộc. Vì sao lại là “ba”. Theo dịch lý, số 3 là một con số cơ bản thường hằng của tư duy minh triết Việt. Từ đầu nguồn của nhận thức luận, người Việt đã biết nhiều nghĩa của con số “3”. Không gian có ba chiều, thời gian có ba hướng, vũ trụ có ba ngôi: Thiên-Địa-Nhân. Nhân gian có ba cõi, trời, người và địa ngục. Tôn giáo có tam bảo, ba ngôi, có tam giáo đồng nguyên, lại có sự vững vàng của thực thể và ý chí: “vững như kiềng ba chân”, v.v. Ba động năng này không phải từ nhận thức duy lý giáo điều Mác Lê mà là tư duy minh triết, nhận ngay trong một có ba, trong ba có một, ngày nay học giả thế giới cho đó là tư duy phức hợp. Nó khác với cách tư duy của anh Cả Trọng trong soạn thảo Báo cáo chính trị và chuẩn bị đội ngũ chiến lược đang được các cấp đại hội bàn mà không luận! Nó trái khoáy ngay từ đầu, chưa bàn xong đường lối mà đã gấp gáp xây dựng đội ngũ, tính ghế ngồi… Tôi dã đọc bản thảo Báo cáo chính trị, chỉ thấy môt chỗ chấp nhận được đó là tư duy về ba cái cấp bách then chốt, đó là vấn đề thể chế, hai là hạ tầng giao thông vận tải, ba là nguồn nhân lực. Nhưng đó cũng mới là tư duy hình thức, mới thấy cái ngoại diên, còn cái nội hàm của vấn đề vẫn còn chưa dám nghĩ đến. Chưa dám, vì nếu nghĩ cho đến nơi đến chốn cho tận cùng kỳ lý thì “cùng sẽ tắc biến”. Họ sợ cái tắc biến. Nói như Bọ Lập ‘Đường xa nghĩ đến sau này mà kinh!”Ai sợ cái đường xa chắc là sẽ ghê cho cái “sau này mà kinh”. Người có tư duy minh triết ắt sẽ ngộ ra ngay cái cặp ba của vấn nạn dân tộc. Để vừa biết những gì hiện thực trước mắt mà cũng gắn với đường xa của Mình (tôi phải viết hoa). Ba động năng ấy chính là:

c.1. Xây dựng một nội lực mới của dân tộc lấy trọng tâm, trọng lực là Lập Quyền Dân

Như trên đã nói Quyền Dân phải được cải thiện gấp trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế văn hóa giáo dục, xã hội, tôn giáo v.v. Về kinh tế đã nhận thức được coi trọng phát triển kinh tế tư nhân. Về chính trị một số quyền dân đã được ghi thành mấy câu trang trọng trong Hiến pháp, nhưng Đảng vẫn còn nợ dân những sắc luật tiến bộ, văn minh để cho dân thực hiện những quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của mình, chứ không phải để đánh tráo khái niệm để dễ dàng tùy tiện bắt tội những ai dám thực thi những quyền thiêng liêng cao cả của mình. Tôi xin mách với các anh chị mấy tư duy rất minh triết đã từ hơn trăm năm trước được Đông Kinh Nghĩa Thục đề ra:

1/ Muốn được bình trị mà mong ở vua hiền tướng giỏi, không bằng mong ở dân mạnh.

2/ Chỉ có thể tin cậy vào sự cạnh tranh của dân ta mà thôi.

3/ Thế giới càng văn minh thì của công càng ít, của riêng càng nhiều.

4/ Sản nghiệp nên là của riêng, không nên là của công.

5/ Nước càng văn minh thì pháp luật bảo hộ sản nghiệp càng tường tận.

6/ Phải nghĩ rằng dân là gốc của nước, không thể bắt dân theo ý muốn của mình, chẳng phải là không bạo ngược mà thôi. (Giờ đây khi bước vào Đại hội, bạo ngược đang lên đỉnh).

7/ Quyền chính sự một nước không thể để một người nắm hết.

v.v.

Trên đây là những mách bảo trăm năm trước của những chí sĩ tiền bối từng hòa máu với nước mắt để viết cho chúng ta hôm nay. Liệu các anh chị có chịu để ý đến hay chỉ nghe những điều xui dại của Tàu +.

Bây giờ là lúc phải đem bài học lớn nhanh của Phù Đổng Thiên Vương ra để ứng dụng. Chỉ có thể đem minh triết “Mong ở dân mạnh” mới hy vọng cuộc “Tự diễn biến vòng II” này có thể thành công !

Trong tình hình thế giới ngày nay đang biến đổi khôn lường, động năng này không thể không gấp rút đưa ra thực hiện. Tự diễn biến vòng II hay là chết!

c.2. Giản Trung. Không đánh đu với Tàu + như một chư hầu

Nhiều người đã nhận thấy có vài động thái mới trong quan hệ với Trung cộng. Tuy thế nhận định như Nguyễn Quang Dy là vừa chậm vừa không đủ. Vẫn còn nguyên đó tình trạng những nhóm lợi ích đánh đu với Tàu + để chia chác, hưởng lợi mặc cho những lợi ích của dân nước bị xâm phạm. Nền kinh tế bị lũng đoạn, môi trường bị xâm hại, nạn hối lộ lan tràn, xã hội bị phân hóa suy đồi. Vẫn còn nguyên đó những thách thức đối với chủ quyền đất nước. Biển đảo bị xâm lấn, ngư dân bị cướp bóc với những thủ đoạn “hải tặc” của Tàu +. Tàu + luôn biết cách làm cho xã hội ta rối loạn, để chúng dễ thao túng lũng đoạn. Chúng luôn tìm cách chia rẽ và ngăn cản ta hội nhập với nhân loại tiến bộ. Chúng rất sợ một Việt Nam dân chủ hóa, có một nền kinh tế tự cường, một nền chính trị liêm chính, công bằng, Quyền Dân được xác lập. Một nền văn hiến thật sự chính mình là Việt. Ngay từ năm 1946 nhà chí sĩ Nguyễn Hữu Cầu đã từng nói: “Ngày nay chúng ta đã quá Tây, quá Tàu, chúng ta là lũ giáo điều ba rọi, là những kẻ xã hội chủ nghĩa cậy quyền” (aujoudh’ui, nous somme trop francais, tróp chinois, nous somme lés doctrinaires electiques, lés socialistes autoritaires” (Bài đăng trên Le Peuple tạp chí bằng Pháp văn của Đảng Cộng sản Đông Dương. Số tháng 9-1946). Càng cầm quyền càng trở nên cậy quyền tệ hại. Không thoát ra khỏi cái “bóng đè” Trung Hoa đỏ, Việt Nam càng bị giam hãm trong vòng lệ thuộc, như cố ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Cơ Thạch từng nhận định, “Một thời kỳ Bắc thuộc mới” xác lập một đường lối quan hệ, với Trung +, theo tinh thần Độc lập - Tự do - Hạnh phúc không ba rọi, nửa nạc nửa mỡ không minh bạch rõ ràng, đầy mâu thuẫn là nhu cầu sống còn của dân tộc là thử thách lớn, của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước và dân tộc Việt Nam hôm nay! Thật sự chúng ta chưa thấy một chiến lược toàn diện, hệ thống của Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề này. Phải làm cho toàn dân thấy rõ bản chất gian ác, hiểm độc, bạo tàn của Trung +, đối với nước ta. Tôn trọng tinh thần yêu nước chống Tàu +, cổ vũ mọi hành động tự chủ tự lực tự cường trong mọi lĩnh vực kinh tế, đối ngoại, văn hóa của đất nước ta.

Tôi có một người anh đáng kính là Phan Hoàng Mạnh, cuối 45 sau khi đỗ tú tài liền xung phong Nam tiến, rồi ra học ĐH Bách khoa làm Vụ trưởng ở Bộ ĐH. Gần đây anh thường trăn trở: Có ai viết được một Bình Ngô sách của thời nay không?! Liệu các anh chị có dám nghĩ đến một Bình Ngô sách cho chính chúng ta hôm nay không?

c.3. Thành tín liên kết với Âu-Mỹ

Bài học lịch sử đáng giá của nhân loại sau Thế chiến thứ 2 chính là mối quan hệ mới với sự liên kết với Âu-Mỹ của nhiều nước Bắc Âu, Nhật, Đài Loan, Singapore… Họ đã thăng hoa lên nhờ đã khéo léo vận dụng được cơ hội vàng này, bây giờ vẫn còn là bài học lịch sử lớn. Như Nguyễn Trung nhận định Việt Nam đã bỏ tuột khỏi tay mình nhiều cơ hội “vàng”. Mặc dầu Việt Nam có câu tục ngữ “Trâu chậm uống nước đục” nhưng lãnh đạo của Đảng qua nhiều đại hội đến nay vẫn bịt mắt trước thực tế này. Đại hội này chính là lúc toàn Đảng phải đấu tranh thuyết phục lẽ đúng đắn này, vì sự nghiệp của dân của nước. Đánh mất cơ hội này sẽ là tội đồ của lịch sử, của dân của nước. Gần đây đã có lập luận phải xây tổ cho đại bàng đến. Tuy nhiên vì mưu đồ xấu, phù Trung nên việc xây tổ không thành, mà những điều kiện cần để đón cơ hội khiến cho những tập đoàn kinh doanh lớn rời bỏ Trung Hoa đã không tìm đến Việt Nam mà bay thẳng sang Indonesia!

Đại hội cần tập trung bàn cho thiết thực, thành một quyết tâm, một ý chí, cho ra nhẽ những vấn đề của mối quan hệ này. Nhóm nào bàn thể chế, luật pháp; nhóm nào bàn về ngoại giao; về cơ sở hạ tầng giao thông vận tải; nhóm nào bàn về nguồn nhân lực. Không chỉ nêu những yêu cầu có tính đạo đức mà phải bàn cụ thể, chính sách thế nào, đầu tư thế nào, trách nhiệm thế nào, v.v. Ai cũng biết kể cả các anh chị là Trung + luôn tìm cách ly gián ta với Phương Tây.

Kết

Có thể tóm gọn ba sách lược lớn trên thành khẩu hiệu, không phải là khẩu hiệu tuyên truyền đầu lưỡi, nói cho vui. Đó chính là Giản Trung - Gần Tây - Thân Dân. Phải cho khẩu hiệu này thấm nhuần, làm nên tinh thần chủ động sáng tạo của dân, của xã hội trong mọi lĩnh vực.

Những dự báo có vẻ chiến lược, như đến năm 2025, rồi 2030, rồi 2045 sẽ thế này thế nọ… cũng chỉ là không tưởng. Ngày nay dân trí ta cao không thể giản đơn suy nghĩ như trước mà được.

Phải đặt lại những mục tiêu chiến lược xây dựng và phát triển, trên cơ sở đó mới nói được thế nào về phương thức chiến lược “Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại của Việt Nam. Đó là ba lĩnh vực then chốt để Đổi mới vòng II thành công. Nó là ba trong một. Nó sẽ phải là tiền đề của nhau. Không thể giản Trung nếu không thi hành hai động năng kia. Cũng như vậy tư tưởng “Mong Ở Dân Mạnh” minh triết nền tảng của động năng I sẽ là sức mạnh tổng thể của nội lực Việt Nam trong cuộc ganh đua mới. Mà như anh Cả Trọng mong ước năm 2025, 2030, 2045… Việt Nam sắp ở hạng bảng mới trong thang bậc của nhân loại, nếu không giải quyết tốt những bài toán đặt ra để tạo dựng ba động năng, thì lấy đâu ra sức mạnh vật chất và tinh thần, nguồn lực để thực hiện?

Hãy trên cơ sở tinh thần của dân, do dân, vì dân và tầm nhìn trực cảm của thời đại mà bàn cho ra nhẽ ở Đại hội 13 những vấn đề thiết thực cụ thể lại có vị trí chiến lược như trên. Từ đó mà có cơ sở để chọn người tài trí có tầm thao lược để thực hiện. Chính ba vấn nạn mà anh Cả Trọng băn khoăn suy nghĩ là thể chế, hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, cũng chỉ có thể được giải quyết trong khuôn khổ chiến lược về ba động năng này. Mà không trên cơ sở tư duy về ba động năng này cũng không có cơ sở để bàn và giải quyết vấn đề nhân sự của ĐH.

Nhân đây đây tôi kể hầu quý anh chị chuyện vui để làm nhẹ bớt sự căng thẳng khi phải suy tư về những câu chuyện lớn, Vào năm Quý Tỵ (2013) cách đây đã tám năm, Bấy giờ ngài Abe vừa nhận chức Thủ tướng Nhật, đang vận động thưc hiện chủ thuyết của mình, mà học giả thế giới coi là Abenomic, họ chỉ nhấn mạnh yếu tố kinh tế, thật ra đây là một lý thuyết toàn diện đối nội và đối ngoại mới của Nhật. Có hai giáo sư Nhật, đến Việt Nam, họ nói sẽ còn đi đến một số nước. Tôi biết họ đang sắm vai thuyết khách, đi vận động cho một chiến lược liên minh mới để đối trọng với một Trung + đang uy hiếp họ và khu vực. Buổi thuyết trình được tổ chức ở Khoa Triết ĐH KH & XHNV Hà Nội. Tôi cũng được mời dự. Biết rõ ý định của họ, tôi đã chuẩn bị sẵn hai đôi câu đối. Đến phần trao đổi, tôi cũng được mời phát biểu. Tôi nói, tôi đã chăm chú lắng nghe và đồng cảm với những gì hai giáo sư đã trình bày. Để thể hiện tình cảm của mình tôi xin đọc tặng hai giáo sư câu đối:

Quý Tỵ tân niên gia gia đô hướng Mỹ.

Trường xà nhất trận xứ xứ tổng bình Hoa.

Nghĩa là “Năm mới quý Tỵ nhà nhà đều hướng đến cái Đẹp”. Nhưng Mỹ, cũng có nghĩa là nước Mỹ. Vế hai, là “một trận trường xà dài rộng mà nơi nơi đều bình luận về cái tinh hoa” cũng có nghĩa là cái đẹp. Nhưng Hoa cũng là tên một đất nước. Bình hoa nghĩa là bình định được Tàu +. Rồi tôi đem tặng mỗi giáo sư một bức thư pháp viết câu đối vừa đọc. Cử tọa rất vui và hai giáo sư cũng có vẻ xúc động./.

N.K.M.

__________

* Trong bài Une grande figure de Lettre’e (Một gương mặt đại trí tuệ).

Tác giả gửi BVN.

CƯỚP ĐẤT Ở ĐỒNG TÂM VÀ CHIA GHẾ Ở BA ĐÌNH

LÊ VĂN ĐOÀNH/ TD 19-9-2020

Từ “chiến công”…

Vụ án Đồng Tâm đã kết thúc. Những ai có lương tri sẽ mãi nhớ thời khắc rạng sáng ngày 9/1/2020, nhằm đúng Rằm tháng Chạp năm Kỷ Hợi. Đúng cái Rằm cuối cùng trong năm, khi người dân trên cả nước sắp đón giao thừa năm Canh Tý, thì những người cộng sản đã huy động ba ngàn an ninh, cảnh sát, trang bị vũ khí tận răng, chỉ để tấn công một ngôi làng nhỏ ở đồng quê miền Bắc.

Tại đây, họ đã bắn chết và phanh thây một cụ già đảng viên ở tuổi “gần đất xa trời” cả đời theo Đảng, và bắt đi cả gia quyến của cụ, với lý do muôn thuở: Cướp đất!

Nhân dân miền Nam nói riêng và cả nước nói chung, bỗng rùng mình nhớ lại cuộc tấn công có phối hợp gần 100 ngàn quân cộng sản trong tháng 1/1968 vào các đô thị lớn, Huế, Sài Gòn và gần 100 địa điểm khác ngay đêm giao thừa Tết Mậu Thân. Hàng chục ngàn người dân vô tội trong các thành phố lớn ở miền Nam đã bị cộng sản giết hại một cách man rợ đến tàn bạo…


Trở lại câu chuyện Đồng Tâm. Mặc dù đã giết ông Lê Đình Kình và hốt hết gia đình ông, bằng một kế hoạch bài bản tuyệt mật, được Bộ Chính trị phê duyệt, với phương thức tổng lực chiến trường, song nhà cầm quyền vẫn chưa yên tâm.

Phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm với cái kết kinh khủng như mọi người đã rõ. Hai án tử hình dành cho hai con trai ông Kình và một án chung thân dành cho cháu nội, cùng một số bản án tù giam cho nhiều người khác…

Sợ dư luận, sợ cộng đồng xã hội nguyền rủa và lên án, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phải ra văn bản định hướng và răn đe báo chí quốc doanh. Cả hệ thống chính trị được huy động để lấp liếm cho hành động dã man của nhà cầm quyền đối với vụ án Đồng Tâm.

“Hèn với giặc, ác với dân” có lẽ đó là phương châm hành động của nhà nước cộng sản Việt Nam. Nếu ai còn nghi ngờ, hãy xem lại “Thư của ông Chu Đình Xương gởi BCH Trung ương đảng CSVN tháng 2/1983” đăng trên trang Tiếng Dân hôm 12/9/2020. Hàng trăm ngàn đảng viên CSVN đã chết dưới “mặt trời chân lý” của Mao Trạch Đông trong tuyệt chiêu “mượn dao giết người” trong Cải cách ruộng đất và nhiều năm sau đó.

Có lẽ vì là đồng chí nên mọi việc lớn, nhỏ, Việt Nam đều phải tham vấn Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Hà Nội tự nguyện làm “đồ đệ” của họ, chấp nhận phụ thuộc toàn diện. Vì tình “đồng chí”, Việt Nam không dám công khai vạch tội Trung Quốc ăn hiếp ngư dân Việt, luôn phải gọi chệch tội của Trung Quốc thành “nước lạ”, “tàu lạ”. Nhất cử nhất động, họ đều sợ Trung Quốc phật ý, trái với “nhận thức cấp cao” giữa hai Đảng mà Trung Quốc đã cột chặt.

Ở trong nước, bất cứ ai nhắc đến dã tâm của Trung Quốc cũng bị coi là làm ảnh hưởng đại cục, chống phá nhà nước. Nhiều người chỉ vì lòng yêu nước mà gặp họa, bị tù đày, tra tấn, khủng bố cuộc sống…

Thảm án Đồng Tâm chính là “bản sao” mà nhà cầm quyền Việt Nam học tập từ nhà nước cộng sản Trung Quốc trong các cuộc cướp đất, thảm sát đẫm máu tại Tân Cương, Tây Tạng.

Đất Đồng Tâm cướp được, rồi sẽ được chia cho “nhóm lợi ích”, chúng sẽ phân lô bán nền như ở Cồn Dầu, Đà Nẵng, hay Thủ Thiêm ở thành Hồ. Những lâu đài nguy nga tráng lệ, những villa, biệt phủ của quan chức và sân sau của chúng sẽ mọc lên ngay trong từng mét đất nhuộm máu dân lành.

Đến tiếp diễn thanh trừng…

Đầu tháng 10/2020, đảng CSVN sẽ khai mạc hội nghị 13 khoá XII để sắp xếp ghế chính thức cho “ngôi vua tập thể”. Dù chưa xảy ra những “phát súng Yên Bái” nã thẳng vào các đối thủ chính trị, nhưng trong đầu những nhân vật cấp cao đều chứa đầy những mưu mô, quỷ kế.

Nguyễn Đức Chung, ứng viên sáng giá tranh vé Bộ Chính trị, đang bị tạm giam tại B14. Giữa những cơn đau do bệnh ung thư đại tràng, Chung “con” sẽ thấy rõ từng bộ mặt nham nhở, với những nụ cười khả ố và nham hiểm trên khuôn mặt đê tiện của từng chính trị gia mà mình đặt niềm tin và từng ngưỡng mộ.

Tháng 4/2017, Nguyễn Đức Chung nổi lên như một ngôi sao sáng, khi đích thân đi giải cứu 38 cảnh sát cơ động bị bắt làm con tin tại Đồng Tâm. Có lẽ từ ngày ấy, ông Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm đã thấy gai mắt khi bị Chung “con” làm lu mờ.

Giờ đây, sợ phải chết trong tù, Chung “con” làm đơn xin được tại ngoại để chữa bệnh ung thư đại tràng. Xem ra, ân huệ các “đồng chí” dành cho cựu chủ tịch Hà thành gần như không có.

Phạm Minh Chính, một đàn anh kề vai sát cánh với Nguyễn Đức Chung ngày nào, giờ phải đang tránh… bão. Hoàng Trung Hải, vẫn đang nín thở đếm ngược thời gian, lo sợ bị bắt giam vào những tháng cuối cùng của năm nay.

Các ủy viên Bộ chính trị dính dáng đến nhà 3X, đều đã “nhúng chàm”. Có điều ai bị và không bị réo tên mà thôi. Nguyễn Văn Bình, người bị ông Tư Lâu đề nghị tước bỏ ủy viên Bộ chính trị, khởi tố bắt giam, do liên can các vụ án ngân hàng… lâu nay ít chường mặt ra trên truyền thông. Võ Văn Thưởng, “đại đồ đệ” của Lê Thanh Hải, lãnh chúa thành Hồ, dính rất sâu vụ Thủ Thiêm, Vũ “nhôm” và các… hoa hậu quý bà, cũng lo sợ tên mình được xướng lên.

Và chia chác quyền lực

Chính trị như canh bạc. Nếu như từ năm 2013, ai đánh liều hoặc “nhìn xa trông rộng”, nhanh chân đặt “cửa” ông Trọng, thì nay thắng lớn. Những Vương Đình Huệ, Nguyễn Bá Thanh (nếu không chết), Phan Đình Trạc, Nguyễn Hoà Bình, Trương Hoà Bình, Nguyễn Đắc Vinh… đều có cơ hội tiến xa.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, dân Ba Vì, Hà Tây (cũ), là người được Vương Đình Huệ tiến cử với ông Trọng, sẽ thay vị trí của Chung “con”. Một kẻ “thượng đội hạ đạp”, khúm rúm như Chu Ngọc Anh, chỉ dễ sai bảo, chứ làm được gì cho thủ đô.

Người thay Chu Ngọc Anh ở Bộ Khoa học Công nghệ có thể là Nguyễn Hoàng Giang, sinh 1971, quê Hải Phòng, từng là Thư ký riêng của Ngô Văn Dụ, được điều ra Hà Nội hồi tháng 6/2020.

Dư luận đồn đoán, Phan Đình Trạc sẽ được phong Thượng tướng, vào Bộ Chính trị khoá XIII, nắm giữ Bộ Công an. Vương Đình Huệ có thể ngồi ghế Thủ tướng, nếu như Trương Hoà Bình không được hội nghị trung ương 13 giữ lại “nhân sự đặc biệt”.

Nguyễn Đắc Vinh, người được ông Trọng “nâng niu”, sẽ chắc suất vào Ban Bí thư và giữ trọng trách Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Vụ án Hồ Duy Hải sẽ khép lại, nhưng sẽ phải chờ đến khoảng tháng 8 năm 2021, khi mà đại hội XIII và bầu cử quốc hội khoá XV đã chia xong ghế. Nếu Hồ Duy Hải vô tội, thì cả hệ thống chính trị của đảng CSVN sẽ có tội, vì vậy, họ sẽ không chấp nhận điều đó. Cho nên, Hồ Duy Hải vẫn chịu tội tử hình, nhưng sẽ ân xá xuống còn chung thân.

Và dĩ nhiên, số phận chính trị của ông Lê Minh Trí gần như đã được định đoạt trước thềm đại hội. Vụ án Hồ Duy Hải cũng cuốn ông trôi theo luôn. Người ta xầm xì, thật ra ông Trí kháng nghị giám đốc thẩm là “đánh cược” với Nguyễn Hoà Bình, chứ không phải tiếc thương gì cho… thân phận Hồ Duy Hải.

Xong hội nghị 13 sẽ đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, khai mạc vào ngày 20/10/2020. Quốc hội, nơi “thể chế hoá các nghị quyết của đảng” sẽ “diễn” tiếp kịch bản quy trình. Phê chuẩn Bộ trưởng Y tế với Nguyễn Thanh Long, miễn nhiệm bộ trưởng với Chu Ngọc Anh và bãi nhiệm tư cách đại biểu QH của Phạm Phú Quốc.

Cứ như thế, các “quy trình” do những người cộng sản vẽ ra, để dẫn dắt dân tộc này đi theo dấu chân họ, mà không cần phải biết đi đến đâu, về đâu. Họ nghiễm nhiên cai trị bằng bạo lực, dùi cui và sẵn sàng nhả đạn, tàn sát dân chúng nếu như có bạo động xảy ra, đe doạ sự tồn vong của nhà nước cộng sản.

Trung Quốc đã từng đem xe tăng, đại bác nghiền nát hàng vạn sinh viên ở Thiên An môn, thì ai dám bảo sẽ không có lúc, tắm máu ở quảng trường Ba Đình?


THƯ GỬI THỦ TƯỚNG VỀ VỤ ÁN  ĐỒNG TÂM

TÔ VĂN TRƯỜNG/ TD 18-9-2020

Kính gửi: Anh Bảy Phúc

Sau phiên tòa sơ thẩm vụ Đồng Tâm, trên mạng xã hội như có đợt “sóng gầm” nhiều người dân công khai phản ứng mạnh mẽ cho rằng các cơ quan pháp luật đã phạm sai lầm nghiêm trọng dùng cường quyền để trị dân. Nếu tuân thủ quy định của Đảng và luật pháp thì hậu quả sẽ không nặng nề như vậy.

Tôi xuất thân từ gia đình nông dân ở vùng quê nghèo khó Thái Bình. Gia đình tôi, nhiều bà con ruột thịt tham gia lực lượng vũ trang cả bên quân đội và công an từ thời chống Pháp, chống Mỹ nên khi thấy 4 đồng chí là cụ Kình và 3 chiến sĩ công an hy sinh trong thời bình rất đau buồn, day dứt vì nỗi đau này, chẳng phải của riêng ai.

Để tường minh trước công luận, Nhà nước ta là của dân, do dân và vì dân, dưới góc nhìn của người làm công tác khoa học khách quan, trung thực, và nhà báo độc lập, tôi viết thư này để Anh Bẩy có thêm thông tin xem xét, tham khảo:

1. Phiên tòa xét xử vụ án ở Đồng Tâm thu hút sự quan tâm rất rộng lớn của người dân và của nhiều nước phương Tây. Xét xử thiếu công tâm sẽ đem lại hậu quả rất lớn. Vì vậy, cần có sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo cấp cao (Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Quốc hội).

2. Nhiều thủ tục pháp lý không được thực hiện đầy đủ ở phiên tòa sơ thẩm. Lẽ ra vụ tranh chấp đất đai này nên đưa ra toà hành chính xét xử theo đơn kiện của dân làng Đồng Tâm đối với kết luận của thanh tra Hà nội và Thanh tra Chính phủ. Khi toà xử mà cụ Kình thua kiện thì tổ chức kiểm điểm trong chi bộ và cấp ủy địa phương, làm rõ khuyết điểm của cụ Kình, thậm chí kỷ luật khai trừ Đảng. Sau đó, nếu không thuyết phục được thì khởi tố vụ án, có thể bắt giam khi có bằng chứng tàng trữ vũ khí nhưng phải có phê chuẩn của Viện kiểm sát, phải bắt giữ đúng pháp luật: công bố lệnh bắt giữ có sự chứng kiến của hàng xóm và chính quyền địa phương và bắt giữ vào ban ngày. Tôi tin là dù có chống đối thì mấy ông bà nông dân cũng không thể giết được cảnh sát. Và như thế không có ai phải chết. Gia đình cụ Kình không phải chịu án tru di tam tộc thảm khốc thế này. Thực sự tệ hại khi có một kế hoạch tấn công Đồng Tâm vào ban đêm, trong khi chưa làm bất kỳ việc gì như trên.

3. Để phiên tòa phúc thẩm khắc phục được hạn chế của phiên tòa sơ thẩm, cần:

– Xác định đúng mục tiêu của phiên tòa: Tòa xét xử người có tội theo đúng pháp luật; không phải để “làm gương” nhằm dập tắt những hành vi phản kháng trong tương lai về đất đai.

– Nghiên cứu bản án về hành vi giết người ở Nọc Nạn thời Pháp thuộc. Tòa án XHCN không thể kém nhân văn hơn tòa án thực dân.

– Cho điều tra lại. Nếu một số người dân có hành vi giết người thi hành công vụ thì điều đó phải được chứng minh một cách thuyết phục.

– Cần làm rõ các câu hỏi về nguyên nhân xảy ra sự viêc: Vì sao đất nông nghiệp đã giao cho Bộ Quốc phòng nhiều năm nhưng không triển khai như nhiệm vụ đặt ra? Khi người dân đòi đất, vì sao không đưa ra bản đồ thuyết phục? Vì sao không tiếp tục đối thoại sau khi Chủ tịch UBND Hà Nội có cam kết với dân Đồng Tâm?

– Các câu hỏi về tính hợp pháp của cuộc trấn áp: Căn cứ vào đâu? Tại sao trả lời của Bộ Công an thay đổi lý do đến 3 lần? (Lần đầu là bảo vệ mục tiêu xây dựng hàng rào đất sân bay Miếu Môn cách làng Hoành 3 km; lần 2 nói là đi tuần tra bị tấn công; lần 3 là bảo vệ chốt …)

– Những câu hỏi điều tra hiện trường: Rất nhiều ý kiến cho rằng việc 3 chiến sĩ cùng rơi xuống giếng trời là vô lý; việc đổ xăng vào hố để đốt 3 chiến sĩ càng không thuyết phục được dư luận.

– Xin lưu ý: Việc hành quyết cụ Kình tại nhà riêng, sau đó mổ xác chính là điểm bức xúc cao độ của dư luận trong và ngoài nước, rất nhạy cảm trong thời điểm hiện nay. Huống chi ngay cả khi cụ Kình phạm tội với hình phạt cao nhất, thì theo quy định tại tiết b, khoản 3, Điều 40 của Bộ luật Hình sự, thì người từ 75 tuổi trở lên không bị thi hành án tử hình.

– Phiên tòa cần thực hiện tranh tụng thật sự, bảo đảm dân chủ. Cần thực hiện đúng các nguyên tắc xét xử “suy đoán vô tội”, “trọng chứng hơn trọng cung”. Tuyệt đối không được dùng nhục hình để ép cung.

– Thận trọng trong việc kết án tử hình; nếu không chứng minh được tội giết người một cách chắc chắn thì không thể kết án tử hình.

4. Để hạn chế tái diễn những vụ việc giống như ở Đồng Tâm, cần:

– Rút kinh nghiệm từ việc giải quyết sự kiện bạo động ở Thái Bình 1997, có cách giải quyết hợp lý, hợp tình “mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân”.

– Sửa đổi Luật Đất đai theo hướng công nhận quyền sở hữu đất đai của người dân theo hạn điền. Đây là gốc gác của vấn đề, đang là nhân tố phá hoại khốc liệt nhất thể chế chính trị hiện hành về mọi mặt.

– Khắc phục trên các phương diện chính trị, pháp lý và truyền thông.

Cần nói thêm là sự sụp đổ của Rumani và cái chết thảm của vợ chồng Ceaucescu cũng khởi đầu từ việc cho cảnh sát bắn chết một linh mục có uy tín và thuộc phe đối lập. Không biết có ai liên tưởng đến bài học Rumani không?

Những người am hiểu nội tình của đất nước có chung nhận định không nên lan truyền những điều dự đoán tốt đẹp về ai đó, hoặc những điều đổ lỗi cho người này, người khác trong bộ máy. Ban lãnh đạo cao nhất của đất nước có trách nhiệm cao nhất và phải đích thân đứng ra chỉ đạo xử lý vụ này, sao cho đỡ tệ hại nhất vì mất lòng dân là mất tất cả.

Kính chúc Anh Bảy luôn mạnh khỏe và mọi sự tốt lành.

Kính

Tô Văn Trường


CẦN KỶ LUẬT HAY 'MỘT CUỘC TRANH LUẬN  THẲNG THẮN VÀ THẤU ĐÁO' ?

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 19-9-2020

Chuẩn bị đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13 vào đầu năm 2021, trong buổi làm việc của tập thể Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói về việc xử lý cán bộ sai phạm:

“Có ý kiến cho rằng, xử lý như thế làm nhụt chí anh em. Nhưng làm là để có khí thế vươn lên, chứ không phải nhụt chí đi, hay co lại không dám làm vì sợ khuyết điểm.

Người đảng viên cộng sản không sợ khuyết điểm. Mỗi lần ngã là một lần bớt dại, để thêm khôn một chút nữa trong người”. [1]

Những gì mà lãnh đạo hai thành phố trực thuộc trung ương là Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu có phải là nguyên nhân khiến ông Nguyễn Phú Trọng phải nói thẳng?

Tại Đà Nẵng, Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho biết: “Thời gian qua TP Đà Nẵng có những đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…, trong quá trình như vậy có người bị bắt, người bị kỷ luật.

Việc xử lý đó tạo niềm tin cho người dân đối với quyết tâm phòng, chống tham nhũng, lãng phí nhưng cũng đã tác động đến tinh thần làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức, làm họ co lại, thậm chí là lo sợ.

Tâm lý này không chỉ ở cán bộ, công chức mà cả lãnh đạo, bây giờ phải khẳng định như thế”. [2]

Kỷ luật chỉ nên xem là biện pháp cuối cùng khi “một cuộc tranh luận thẳng thắn và thấu đáo” không thể thực hiện. (Ảnh minh hoạ: Satế/Congluan.vn)

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong cũng có ý kiến tương tự:

“Các cuộc thanh, kiểm tra, điều tra, khởi tố giúp TP nhận thức rõ các hạn chế, khuyết điểm, thẳng thắn nhìn nhận và tập trung giải quyết để làm tốt hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cũng có phần làm giảm sự năng động của đội ngũ cán bộ, công chức thành phố, dẫn đến đôi lúc chậm giải quyết hồ sơ hành chính”. [3]

Có thể thấy phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không chỉ dành riêng cho đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh mà cũng nhằm gửi tới tất cả tổ chức, cá nhân thuộc hệ thống chính trị.

Nói đến chuyện “ngã” của một bộ phận cán bộ lãnh đạo đảng bộ, chính quyền các địa phương thì không chỉ Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh mà còn Hà Nội, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Đắc Lắc,…

Và đương nhiên cũng còn không ít lãnh đạo bộ ngành trung ương như các Bộ Công thương, Thông tin và Truyền thông, Công an, Quốc phòng, Giao thông Vận tải,…

Tại các địa phương, đơn vị nêu trên, ngoài Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân một số nơi cả Ban Thường vụ đều bị cơ quan chức năng (Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Quốc hội, Chính phủ) xem xét kỷ luật với các mức độ khác nhau, một số lãnh đạo cao cấp đã bị xử lý hình sự.

Vấp ngã trong cuộc sống với mỗi con người vốn là điều bình thường theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, vấp ngã của một đơn vị, tổ chức chính trị xã hội cũng vậy.

Vấp ngã có thể mang đến thương tích cả trên cơ thể lẫn trong tâm tưởng, vấn đề là sau vấp ngã người ta “bớt dại” như thế nào, người ta “khôn một chút” thế nào?

Có hai xu hướng đáng quan tâm:

Thứ nhất, người/cơ quan bị vấp ngã sẽ “khôn một chút” để không bị vấp ngã tiếp hay để giấu kỹ căn bệnh hay “vấp ngã” của mình?

Thứ hai, có hay không hiện tượng nhìn vào các đối tượng đã “vấp ngã”, các đối tượng có nguy cơ “vấp ngã” khác sẽ “khôn một chút” để không ai biết hoặc biết cũng không làm gì được họ, chẳng hạn chuẩn bị sẵn hộ chiếu nước ngoài như cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa hay đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc,…?

Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela từng nói:

“Vinh quang nhất trong cuộc sống không phải là không bao giờ thất bại, mà là đứng lên sau mỗi lần thất bại” (The greatest glory in living lies not in never falling, but in rising every time we fall);

“Một nhà lãnh đạo giỏi có thể tham gia vào một cuộc tranh luận thẳng thắn và thấu đáo, cần phải nhận thức rằng mục đích cuối cùng là người đó và đối tượng tranh luận phải trở nên gần gũi hơn, quan hệ đôi bên trở nên mạnh mẽ hơn. Bạn không thể có ý tưởng đó nếu bạn là người kiêu ngạo, hời hợt và thiếu hiểu biết”

(A good leader can engage in a debate frankly and thoroughly, knowing that at the end he and the other side must be closer, and thus emerge stronger. You don’t have that idea when you are arrogant, superficial, and uninformed). [4]

Nelson Mandela không phải là đảng viên cộng sản nhưng những gì ông nói ai cũng phải lắng nghe dù chính kiến có khác nhau.

Quan điểm của Nelson Mandela được thừa nhận tại nhiều quốc gia với thể chế chính trị khác nhau, được nhiều chính khách, nhà khoa học và dân chúng tán đồng.

Liệu có trường hợp ngoại lệ lãnh đạo giỏi nhưng không cần “tranh luận thẳng thắn và thấu đáo” với đối tượng không (hoặc chưa) cùng quan điểm với mình?

Và liệu có trường hợp người không muốn tham gia các cuộc “tranh luận thẳng thắn và thấu đáo” lại không phải là “người kiêu ngạo, hời hợt và thiếu hiểu biết”?

Câu nói của Nelson Mandela áp dụng với số ít (A good leader, He) nhưng vẫn đúng với số nhiều.

Nói cách khác “Một tập thể lãnh đạo tốt” cũng cần những tranh luận thẳng thắn và thấu đáo với các “tập thể” khác - trong đó có dân chúng - “tập thể” đông nhất xã hội.

Phải chăng tinh thần trên đã được thể hiện trong buổi làm việc của tập thể Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh?

Sự thẳng thắn thể hiện qua câu nói “Có ý kiến cho rằng, xử lý như thế làm nhụt chí anh em” bởi người có “ý kiến” đó cũng có mặt trong buổi làm việc.

Sự thấu đáo thể hiện qua đánh giá: “Người đảng viên cộng sản không sợ khuyết điểm”, tất nhiên đây là nói về những “đảng viên chân chính”, những người không chân chính thì ngược lại.

Mong muốn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là xử lý sai phạm để “có khí thế vươn lên” thế nhưng không thể phủ nhận vẫn có những biểu hiện trái chiều.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Phan Thị Mỹ Thanh cho rằng: “Trách nhiệm của người Đảng viên, khi thấy những vấn đề cần làm rõ thêm thì khiếu nại, không có vấn đề gì…”. [5]

Cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng thản nhiên “đùa cợt với kỷ luật”, rằng “Tôi nghỉ hưu rồi, họ muốn xử thế nào thì xử”. [6]

Với những người như bà Phan Thị Mỹ Thanh, ông Phạm Thế Dũng, họ vấp ngã nhưng không hề bớt dại, thậm chí họ còn tỏ ra thách thức tổ chức.

Vậy nhưng tại sao họ lại có thể leo đến những chức vụ cao như vậy?

Chuyện ông Lê Vinh Danh bị tạm đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng, bị cách hết các chức vụ trong đảng có phải chỉ diễn ra sau một quá trình “tranh luận thẳng thắn và thấu đáo” với mục đích xây dựng mối quan hệ gần gũi, mạnh mẽ hơn hay là nhằm chấm dứt một mối quan hệ?

Rồi đây có thể ông Lê Vinh Danh sẽ rời khỏi Đại học Tôn Đức Thắng, nhưng liệu ngôi trường này có thể xóa hết mọi thành tựu mà ông Danh đã đóng góp, có thể xóa tên ông khỏi danh sách những người đã góp công xây dựng thương hiệu Đại học Tôn Đức Thắng với cộng đồng quốc tế?

Việc tổ chức kỷ luật thành viên là chuyện nội bộ, việc xử lý một con người lại không phải chuyện nội bộ mà liên quan đến pháp luật.

Nhưng dẫu sao, kỷ luật chỉ nên xem là biện pháp cuối cùng khi “một cuộc tranh luận thẳng thắn và thấu đáo” không thể thực hiện.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-muon-tp-hcm-la-mau-muc-ve-chuan-bi-dai-hoi-671309.html

[2]https://plo.vn/thoi-su/da-nang-lo-ngai-can-bo-co-trach-nhiem-877341.html

[3] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/chu-tich-tp-hcm-thanh-tra-khoi-to-nhieu-lam-giam-nhue-khi-cong-chuc-493114.html

[4] https://leadthechange.asia/25-trich-dan-cua-nelson-mandela-giup-ban-thay-doi-tu-duy-lanh-dao/

[5] https://www.nguoiduatin.vn/pho-bi-thu-dong-nai-phan-thi-my-thanh-noi-ve-chong-lung-cho-chong-a343731.html

[6] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/khi-chu-tich-tinh-ve-huu-dua-cot-voi-ky-luat-400602.html

Xuân Dương
LOẠN... ANH HÙNG! VÌ SAO LẦN NÀY LẠI KHÔNG... XỬ LÝ ?
TRÂN VĂN/ Blog VOA/ TD 17-9-2020

Nếu so cách xử lý những viên chức liên quan đến việc lựa chọn – sắp đặt ông Trịnh Xuân Thanh (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí – PVC, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN) đảm nhận nhiều trọng trách khác nhau sau khi khiến PVC thua lỗ 3.000 tỉ đồng thì việc Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN (UBKT BCH TƯ đảng CSVN) kỷ luật ba ông tướng, sáu ông đại tá của Binh đoàn 15 là… không thể hiểu được về mức độ khách quan và sự nhất quán…

***

Scandal Trịnh Xuân Thanh bùng lên hồi giữa năm 2016. Lúc đó cả báo giới lẫn công chúng cùng thắc mắc, muốn biết: Tại sao PVC thua lỗ tới 3.200 tỉ đồng nhưng vẫn được trao tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới” và ông Thanh – cá nhân phải chịu trách nhiệm chính về khoản thua lỗ khổng lồ ấy được tặng… Huân chương Lao động? Danh hiệu đó, huân chương đó đã tạo điều kiện để ông Thanh được rút ra khỏi PVC, tiếp tục thăng tiến (1) trong khi thuộc cấp của ông ở PVC phải vào tù…

Việc ông Thanh được điều chuyển từ PVC sang Bộ Công Thương làm Phó Văn phòng đặc trách Văn phòng Đại diện của Bộ Công Thương tại miền Trung, rồi quay lại Hà Nội làm Vụ trưởng phụ trách Ban Đổi mới doanh nghiệp của Bộ Công Thương, kế đó được luân chuyển về Hậu Giang làm Phó Chủ tịch tỉnh và được cơ cấu làm đại diện cho dân chúng Hậu Giang ở Quốc hội… đã khiến hai cựu Ủy viên BCH TƯ đảng (một là Phó Ban Tổ chức của BCH TƯ đảng, một là Bí thư tỉnh Hậu Giang) bốn Thứ trưởng của hai bộ Nội vụ và Công Thương (2), một Chủ tịch tỉnh, một Phó Chủ tịch tỉnh (3)… bị kỷ luật. Còn Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thì ra lệnh thu hồi danh hiệu “Anh hùng lao động” của PVC và “Huân chương Lao động” đã cấp cho ông Thanh (4).

***

Chưa rõ vì sao, khi xem xét những sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Binh đoàn 15 của Bộ Quốc phòng, UBKT của BCH TƯ đảng CSVN chỉ kỷ luật ba ông tướng, sáu ông đại tá của đơn vị này mà không yêu cầu điều tra, tại sao với đủ thứ sai phạm nghiêm trọng suốt từ 2010 đến nay mà năm 2013, Binh đoàn 15 vẫn được trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới” (5) (để xử lý như đã từng đề nghị xử lý đối với PVC (thu hồi danh hiệu “anh hùng”)?

Liệu Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang, cựu Tư lệnh Binh đoàn 15, người vừa bị UBKT BCH TƯ đảng cách chức Phó Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 15 giai đoạn 2010 – 2015 có bị thu hồi cả danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, lẫn danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới” đã được phong tặng trong giai đoạn ấy như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đã từng làm với Trịnh Xuân Thanh? Lẽ nào vừa kỷ luật ông tướng này, vừa để ông ta tiếp tục là “vị tướng” nhờ sai phạm mà… “hai lần anh hùng” (6)?

Tướng Nguyễn Xuân Sang. Ảnh: Thanh Niên

Binh đoàn 15 – đơn vị vừa là “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, vừa là “Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới” có… tên giao dịch là Tổng Công ty 15. Binh đoàn 15 là một đại đơn vị “xây dựng thế trận an ninh, quốc phòng ở khu vực biên giới phía bắc Tây Nguyên” bằng cách … “phát triển kinh tế gắn với thế trận an ninh, quốc phòng”. Binh đoàn 15 có khoảng mười… công ty, một sư đoàn, hai trung đoàn (còn gọi là Đoàn Kinh tế – Quốc phòng), có quân y viện, trường dạy nghề và một lô, một lốc nhà máy, trại sản xuất, khách sạn, chi nhánh ở cả Việt Nam, Campuchia…

Tháng 3 vừa qua, Binh đoàn 15 nổi như… cồn sau khi Cục Điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng thi hành lệnh tạm giam hai đại tá: Đỗ Văn Sang (Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Binh đoàn 15) và Phạm Văn Giang (Chỉ huy trưởng kiêm Giám đốc Công ty 72). Công ty 72 là một doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty 15 đồng thời là… một đơn vị của Binh đoàn 15. Giống như Binh đoàn 15, chỉ… dùng công thổ và ngân sách dành cho quốc phòng khai thác mủ cao su, cà phê mà được phong tặng danh hiệu… “anh hùng”, Công ty 72 cũng được tặng… Huân chương Bảo vệ tổ quốc Hạng nhì (7).

Hai ông đại tá, một là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Binh đoàn 15 và một là Chỉ huy trưởng kiêm Giám đốc Công ty 72 bị bắt vì liên quan đến việc mua giống cao su với giá cao gây thiệt hại 12 tỉ và thiếu trách nhiệm khi ký hợp đồng mua đất ở Campuchia khiến hoạt động canh tác không hiệu quả, có nhiều khả năng sẽ mất hàng nghìn héc ta đất, trị giá 39 tỉ đồng (8),… Tuy nhiên đó chỉ là kết quả kiểm tra sơ bộ của UBKT thuộc Quân ủy Trung ương.

Còn kết quả kiểm tra của UBKT thuộc BCH TƯ đảng xác định, sai phạm ở Binh đoàn 15 xảy ra cách nay hàng chục năm và trên diện rộng, cho nên tuần trước, UBKT của BCH TƯ đảng CSVN mới công bố quyết định kỷ luật hàng loạt lãnh đạo Binh đoàn 15 và các đơn vụ – doanh nghiệp trực thuộc binh đoàn – tổng công ty này:

– Cách chức Phó Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 15 nhiệm kỳ 2010 – 2015 của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang (cựu Phó Bí thư Đảng ủy, cựu Tư lệnh Binh đoàn 15). Cảnh cáo: Thiếu tướng Đặng Anh Dũng (cựu Phó Bí thư Đảng ủy, cựu Tư lệnh Binh đoàn 15). Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọ (cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Chính ủy Binh đoàn 15). Đại tá Hà Sơn Hải (cựu Phó Bí thư Đảng ủy, cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Sông Thu).

– Khiển trách: Đại tá Đường Công Luận (cựu Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, cựu Phó Tư lệnh Binh đoàn 15). Đại tá Trần Quang Hùng (cựu Phó Bí thư Đảng ủy, cựu Giám đốc Công ty 74). Đại tá Đỗ Vinh Quốc (cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Phó Giám đốc Công ty Bình Dương). Đại tá Phạm Hồng Nam (cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Chính ủy Xí nghiệp liên hợp Sông Thu kiêm Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Sông Thu). Đại tá Nguyễn Xuân Tình (cựu Trợ lý Phòng Quản lý dự án đầu tư, Bộ Tham mưu, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng).

Trong Thông cáo báo chí về Kỳ họp thứ 48, UBKT của BCH TƯ chỉ giải thích chung chung rằng những viên tướng, viên đại tá là lãnh đạo Binh đoàn 15 – Tổng Công ty 15 và lãnh đạo các doanh nghiệp – đơn vị thuộc Tổng Công ty 15 – Binh đoàn 15 bị kỷ luật vì “vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; mua sắm tài sản, trang thiết bị; thực hiện dự án đầu tư và quản lý, sử dụng đất đai” (9), chứ không cho biết những “vi phạm, khuyết điểm” này cụ thể thế nào, gây thiệt hại bao nhiêu… tỉ?!

Tuy nhiên, có một điểm tương đồng, cần lưu ý: Các đơn vị – doanh nghiệp trực thuộc Binh đoàn 15 – Tổng Công ty 15 mà lãnh đạo mới bị kỷ luật cũng là những đơn vị – doanh nghiệp… “anh hùng”! Công ty 74 là đơn vị – doanh nghiệp được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới” năm 2010 (10)! Tổng Công ty Sông Thu là đơn vị – doanh nghiệp được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới” năm 2016 (11)! Chưa hết, ngoài Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang – được ca ngợi là “vị tướng hai lần anh hùng”, vừa bị cách chức do “vi phạm, khuyết điểm” trong giai đoạn dẫn dắt Binh đoàn 15 trở thành… “đơn vị anh hùng”. Lần này còn có thêm một “Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới” là Đại tá Trần Quang Hùng, bị… kỷ luật vì những “vi phạm, khuyết điểm” khi lãnh đạo Công ty 74 – một “đơn vị anh hùng” khác (12)!

***

Khi nào thì “ta” thôi bất chấp thực tế như đã biết và đang thấy, đủ liêm sỉ để tự thẹn, chấm dứt ca ngợi các… “anh hùng” như Nguyễn Xuân Sang, Trần Quang Hùng,… những đơn vị – doanh nghiệp… “anh hùng” như Binh đoàn 15 – Tổng Công ty 15, Công ty 72, Công ty 74, Tổng Công ty Sông Thu,… nhằm tô vẽ… bản chất anh hùng của quân đội, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của một đảng còn… anh hùng hơn, thành ra phóng tay ban tặng đủ thứ mỹ hiệu, huân chương?

Có phải vì trót… đồng ca về… bản lĩnh sản xuất kinh doanh của… bộ đội cụ Hồ, trót đề cao những cá nhân, đơn vị – doanh nghiệp trở thành… “anh hùng” nhờ “vi phạm, khuyết điểm” đã… “góp phần nâng cao cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số, củng cố và nâng cao sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; làm thất bại những âm mưu chia rẽ, kích động chống phá của các thế lực thù địch, đưa Tây Nguyên phát triển bền vững”… thành ra chỉ kỷ luật chứ không tước bỏ danh hiệu “anh hùng” của bất kỳ cá nhân, tập thể nào?

Chú thích

(1) https://vnexpress.net/quan-lo-thang-tram-cua-ong-trinh-xuan-thanh-3465996.html

(2) https://dantri.com.vn/chinh-tri/ky-luat-hang-loat-can-bo-vu-trinh-xuan-thanh-20161201164227657.htm

(3) https://tuoitre.vn/vu-trinh-xuan-thanh-ky-luat-bi-thu-nguyen-bi-thu-tinh-uy-hau-giang-1243477.htm

(4) https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/chu-tich-nuoc-huy-cac-danh-hieu-cua-trinh-xuan-thanh-va-pvc-2017052508352973.htm

(5) https://baoquangbinh.vn/chinh-tri/201302/Binh-doan-15-anh-hung-tren-dia-ban-chien-luoc-Tay-Nguyen-2105020/

(6) https://congthuong.vn/vi-tuong-hai-lan-anh-hung-18207.html

(7) http://gialaitv.vn/tin-tuc/tin-dia-phuong/cong-ty-72-binh-doan-15-gap-mat-nhan-ky-niem-45-nam-ngay-truyen-thong-va-don-nhan-huan-chuong-bao-ve-to-quoc-hang-nhi/

(8) https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/phong-chong-tham-nhung/bat-tam-giam-2-dai-ta-nguyen-la-lanh-dao-cac-cong-ty-thuoc-bo-quoc-phong-84297.html

(9) http://ubkttw.vn/tin-tuc-thoi-su/-/asset_publisher/bHGXXiPdpxRC/content/thong-cao-bao-chi-ky-hop-48-cua-uy-ban-kiem-tra-trung-uong

(10) https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/cong-ty-74-binh-doan-15-don-nhan-danh-hieu-anh-hung-lao-dong-358916

(11) https://www.qdnd.vn/phong-su-anh/tong-cong-ty-song-thu-don-nhan-danh-hieu-anh-hung-lao-dong-470642

(12) http://dangcongsan.vn/quoc-phong-an-ninh/binh-doan-15-trao-tang-danh-hieu-anh-hung-lao-dong-cho-giam-doc-cong-ty-74-193284.html

THAM NHŨNG ĐƯỢC KIỀM CHẾ SAO CÒN DIỄN BIẾN PHỨC TẠP, TINH VI ?

HOÀNG ANH/ VHNA 19-9-2020

Tổng thanh tra Chính Phủ Lê Minh Khái. nguồn ảnh Quochoi.vn


Tại Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14-9, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định: "Tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm".[1]

Đây không phải lần đầu tiên, cơ quan chức năng đánh giá “tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm". 

Tám năm trước, ngày 22/10/2012, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012, cũng đã khẳng định “công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế”.[2]

Từ đó đến nay, cụm từ “tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn” cứ xuất hiện đều đặn trong các báo cáo hàng năm về công tác phòng, chống tham nhũng. Thế nhưng hàng loạt vụ án tham nhũng bị phanh phui trong những năm qua đang chứng minh ngược lại điều đó. Các vụ đại án đều diễn ra trong giai đoạn khoảng 10 năm lại nay, từ khi công tác phòng, chống tham nhũng được Thanh tra Chính phủ đánh giá là “đã có những chuyển biến tích cực” và tham nhũng “từng bước được kiềm chế”.

Ở góc độ từ vựng-ngữ nghĩa, “kiềm chế” có nghĩa là dùng mọi cách (kể cả sức mạnh) để giữ (trị) ở một chừng mực nhất định không cho (đối tượng) tự do hoạt động, tự do phát triển.

Kiềm chế được tham nhũng cũng có nghĩa là đã kiểm soát được nó, không để nó tự tung tự tác. Nhưng nói vậy mà không phải vậy.

Bởi thế, mặc dù đã đánh giá “có những chuyển biến tích cực” và tham nhũng “được kiềm chế, thuyên giảm”, nhưng báo cáo của Thanh tra lại không thể không “thòng” thêm câu: “Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành”. Quả là mâu thuẫn.

Vì sao vậy? Phải chăng, vế trước (“đã có những chuyển biến tích cực” và “được kiềm chế”) để nói thành tích, còn vế sau (“Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp”) biện minh cho việc chống tham nhũng không hiệu quả vì nó cực kỳ khó?

Một khi đánh giá sự việc không xác đáng sẽ dẫn đến hoạch định chủ trương không phù hợp với thực tiễn. Nói “tham nhũng được kiềm chế” thì thật khó để dân đồng thuận khi các ông Trần Vĩnh Tuyến (Phó Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Đức Chung (Chủ tịch Hà Nội) và một loạt cán bộ cao cấp khác bị khởi tố, bắt tạm giam lúc đương chức; khi giữa đại dịch Covid-19 những kẻ táng tận lương tâm như ông Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc CDC Hà Nội) thổi giá máy xét nghiệm virus để đút túi hàng tỷ đồng. Thậm chí cán bộ thanh tra như bà Nguyễn Thị Kim Anh (Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng, Bộ Xây dựng) lại chủ mưu nhận hối lộ. Và bao nhiêu vụ tham nhũng khác bị phanh phui vẫn xuất hiện hàng ngày trên mặt báo.

Cổ nhân có câu “Trông mặt mà bắt hình dong”, cũng là một cách răn dạy kinh nghiệm nhìn nhận, đánh giá đối tượng (không chỉ là con người mà còn cả sự việc, từ hình thức đến nội dung). Hy vọng TTCP sẽ có con mắt tinh đời hơn khi đánh giá về tham nhũng và chống tham nhũng sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn để từ đó có được giải pháp phòng chống hiệu quả; chấm dứt tình trạng “được kiềm chế” nhưng “vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp”.

 

Nguồn tham khảo:

[1]. https://tuoitre.vn/tong-thanh-tra-chinh-phu-tham-nhung-duoc-kiem-che-20200914132808685.htm

[2]. http://www.thanhtra.gov.vn/ct/news/Lists/TinNongMoi/View_Detail.aspx?ItemID=88

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét