Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

20200929. ĐA CHIỀU DỰ ĐOÁN NHÂN SỰ ĐẠI HỘI XIII

 ĐIỂM BÁO MẠNG

LIỆU TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG CÓ Ở LẠI SAU ĐẠI HỘI 13 ? 

LÊ HỒNG HIỆP/ NCQT 22-9-2020

Tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) vào đầu năm tới, ông Nguyễn Phú Trọng, người năm nay 76 tuổi và đã giữ chức Tổng bí thư hai nhiệm kỳ liên tiếp, được nhiều người nhận định là sẽ nghỉ hưu do tuổi cao, sức yếu và đã hết giới hạn nhiệm kỳ. Tuy nhiên, khả năng ông Trọng ở lại thêm một thời gian nữa sau đại hội đã được một số cử tri và quan chức đảng nêu ra gần đây. Các nhà quan sát chính trị cũng đã bắt đầu thảo luận về khả năng này. Các diễn biến kể trên đặt ra hai câu hỏi quan trọng: Tại sao ông Trọng có thể muốn tiếp tục ở lại? Và điều gì sẽ cản trở hoặc tạo điều kiện cho một kịch bản như vậy?

Hai ứng viên hàng đầu thay thế ông Trọng làm tổng bí thư được xác định là ông Trần Quốc Vượng, 67 tuổi, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, và ông Nguyễn Xuân Phúc, 66 tuổi, thủ tướng đương nhiệm. Cả hai người đều đã vượt quá giới hạn 65 tuổi để được tái cử vào Bộ Chính trị khóa tới, điều kiện cần để họ có thể giành được vị trí cao nhất. Theo truyền thống, một ứng cử viên sẽ được miễn giới hạn độ tuổi. Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra hai “trường hợp đặc biệt” nếu cả hai ứng cử viên đều giành đủ sự ủng hộ từ Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ông Trọng được nhiều người cho là ủng hộ ông Vượng làm người kế nhiệm vì lý lịch của ông Vượng phù hợp hơn: Ông là một quan chức đảng kỳ cựu gốc miền Bắc, có kinh nghiệm làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, và đặc biệt là lý lịch của ông được coi là “sạch” hơn do mạng lưới quan hệ lợi ích của ông được cho là hạn chế hơn. Như vậy, ông Vượng có thể là ứng cử viên phù hợp để duy trì di sản quan trọng nhất của ông Trọng: tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng. Tuy nhiên, những người am hiểu tình hình nội bội cho rằng ông Vượng chưa xây dựng được đủ thẩm quyền cá nhân và sự ủng hộ trong Ban Chấp hành Trung ương để đảm bảo giành được vị trí này như ông Trọng dự liệu.

Đối thủ cạnh tranh chính của ông Vượng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có cơ sở ủng hộ mạnh mẽ hơn nhờ kinh nghiệm dày dặn trong ngành hành pháp, điều đã giúp ông xây dựng được một mạng lưới quan hệ rộng lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, chính mạng lưới lợi ích rộng lớn hơn này có thể đã khiến ông Trọng lo lắng, vì nó có thể cản trở ông Phúc theo đuổi một cách hiệu quả cuộc chiến chống tham nhũng và nhiệm vụ xây dựng đảng, điều mà ông Trọng coi là hệ trọng đối với sự tồn vong của ĐCSVN. Hơn nữa, nguồn gốc miền Trung của ông Phúc cũng có thể gây bất lợi cho ông. Trong ba thập niên qua, chức tổng bí thư ĐCSVN luôn được dành cho các chính trị gia miền Bắc.

Nếu ông Trọng không thể đảm bảo cho ứng viên mà ông chọn được đắc cử, ông có thể muốn tiếp tục ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa. Bản thân là một “trường hợp đặc biệt”, nếu ông ở lại thành công, ông có thể yêu cầu cả ông Vượng và ông Phúc về hưu để xếp lại bàn cờ, hoặc ông có thể yêu cầu ứng viên mà ông không ủng hộ phải từ chức trong khi giữ lại và chuẩn bị cho người còn lại tiếp quản vị trí của mình, có thể là vào khoảng giữa nhiệm kỳ mới. Như vậy, ông sẽ đạt được hai mục tiêu quan trọng là đưa suôn sẻ ứng cử viên mà ông lựa chọn vào ghế tổng bí thư, đồng thời duy trì sự đoàn kết và ổn định chính trị trong hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của đảng.

Tuy nhiên, hai trở ngại chính sẽ chống lại kịch bản này. Thứ nhất, Điều 17 của Điều lệ Đảng quy định rằng “Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”. Thứ hai, mặc dù vấn đề tuổi tác có thể không quan trọng nếu ông lại được coi là “trường hợp đặc biệt”, nhưng sức khỏe của ông là một vấn đề lớn. Ông Trọng bị đột quỵ vào tháng 5 năm 2019 và từ đó không thể thực hiện các nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả. Ông đã vắng mặt trong nhiều sự kiện của đảng và nhà nước, gần đây nhất là lễ kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh. Giữa hai yếu tố này, giới hạn nhiệm kỳ là trở ngại lớn hơn, vì ông Trọng hầu như không thể sửa đổi điều lệ đảng kịp thời để tạo điều kiện cho việc ông tái đắc cử. Hơn nữa, làm vậy cũng sẽ khiến các quy tắc của đảng suy yếu và gây tổn hại đến danh tiếng cá nhân của ông Trọng.

Tuy nhiên, mặc dù ông Trọng đang giữ chức tổng bí thư ĐCSVN nhiệm kỳ hai, ông cũng đồng thời là chủ tịch nước, chức vụ mà ông đang nắm giữ lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm 2018. Điều đó có nghĩa là ông Trọng có thể rời ghế tổng bí thư nhưng vẫn giữ lại chức chủ tịch nước. Khi đó, ông vẫn có thể đưa ứng cử viên mà ông chọn vào vị trí tổng bí thư và loại bỏ ứng cử viên còn lại bằng cách cho rằng chỉ cho phép tối đa hai “trường hợp đặc biệt”.

Đây là kịch bản khả dĩ hơn, đặc biệt nếu ông Trọng hứa sẽ bàn giao vị trí chủ tịch nước sớm để dập tắt những chỉ trích rằng sức khoẻ yếu sẽ khiến ông không thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Sau khi ở lại thành công, ông có thể giúp tổng bí thư mới củng cố quyền lực trong khi chuẩn bị một người khác có thể hợp tác suôn sẻ với tổng bí thư mới để tiếp quản chức chủ tịch nước của mình.

Các phân tích trên cho thấy tình hình chính trị kế nhiệm trước thềm đại hội 13 của ĐCSVN vẫn còn phức tạp, và quyết định cuối cùng có thể không được đưa ra cho đến những ngày cuối cùng trước đại hội. Liệu các tính toán của ông Trọng có thành sự thật hay không vẫn còn phải chờ xem.

Năm 2016, trước sự cạnh tranh quyết liệt từ nhóm do cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn dắt, ông Trọng được nhiều người cho là sẽ nghỉ hưu và buông xuôi cho đối thủ. Tuy nhiên, cuối cùng ông đã quyền biến vượt qua được thử thách để tái đắc cử và thậm chí củng cố được quyền lực lớn hơn. Lần này các tính toán của ông Trọng cũng sẽ gặp phải những thách thức không hề nhỏ, nhưng sự lão luyện chính trị đã được chứng minh của ông không nên bị xem thường.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên ISEAS Commentary

BỘ TỨ MỚI SAU ĐẠI HỘI XIII

BÙI QUANG VƠM/ BVN 23-9-2020

Đại hội XIII đảng CSVN dự kiến được tổ chức vào tháng 1/2021, nghĩa là chỉ còn không đến 5 tháng nữa, nhưng diện mạo nhân sự chủ chốt, số lượng ủy viên bộ chính trị sẽ được bổ sung, bộ tứ mới, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và đặc biệt là vị trí Tổng bí thư, vẫn chưa có một tín hiệu được phỏng đoán nào. Hiện tượng chưa từng có.

Ở các kỳ Đại hội khác, dù nhân sự luôn là tuyệt mật, cơ cấu Bộ chính trị, các vị trí chủ chốt, như bộ tứ, đặc biêt là hại vị trí Tổng bí thư và Thủ tướng, dư luận bao giờ cũng phỏng đoán được với độ chính xác ít nhất cũng khoàng 60-70%. Lần này thì không. phản ánh khủng hoảng trong nhân sự đảng, khoảng trống trong nhân sự kế tiếp.

Nhìn vào hàng ngũ cán bộ chủ chốt hiện nay, người ta không khó nhận thấy khoảng cách quá xa giữa những người tại vị và lực lượng của đội ngũ kế cận bổ sung. Cả về trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị, đặc biệt là lập trường tư tưởng, quá trình thử thách, đều không đủ độ tin cậy đối chiêu với quan điểm nền tảng chính thống.

Đảng đã không làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ? hay những nhân tố đủ tiêu chuẩn để lọt qua lưới lọc cổ điển đã trở nên khan hiếm? Điều mà người ta thấy rõ ràng là việc lấp đầy chỗ trống của cơ cấu 19 ủy viên Bộ chính trị và 200 ủy viên Trung ương vào thời điểm hiện tại là một thứ nhiệm vụ «bất khả thi». Gần 5 triệu đảng viên, không còn ai vừa tin vào chủ nghĩa Mác vừa leo lên tới cấp trung ương mà lại «nghèo và trong sạch».

Những ai sẽ vào Bộ chính trị?

Bộ chính trị sau đại hội XII gồm 19 người là một sản phẩm chịu áp lực của Nguyễn Tấn Dũng. Để Nguyễn Tấn Dũng chịu rút khỏi Bộ chính trị, Đại hội XII buộc phải chấp nhận bổ sung 3 nhân vật do Dũng đề nghị là Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải và Đinh La Thăng, bỏ qua con số 15 đã thành luật không lời. Để tạo thành con số lẻ 19, Nguyễn Phú Trọng đưa Trương Hòa Bình vào làm đặc vụ chìm bên cạnh Thủ tướng, kiềm chế Chính phủ.

Sau bốn năm, Đinh La Thăng đi tù, Hoàng Trung Hải bị cảnh cáo, còn lại Nguyễn Văn Bình không quyền lực, không có dấu hiệu ra tòa, nhưng không rõ thuộc quy hoạch cho vị trí nào.

Đinh Thế Huynh mất ghế ủy viên, dù cho đến nay vẫn không được chính thức công bố miễn nhiệm, cộng với cái chết bất ngờ và bí ẩn của Trần Đại Quang, số ủy viên bộ chính trị về lại con số 15.

Nếu không có cơ chế đặc biệt, (tái cử hay tái ứng cử quá 65 tuổi), con số tái ứng viên bộ chính trị của Đại Hội XIII sẽ chỉ còn 7 người, gồm:

1- Phạm Bình Minh (1959)

2- Nguyễn Văn Bình (1961)

3- Vương Đình Huệ (1957)

4- Võ Văn Thưởng (1970)

5-Trương Thị Mai (1958)

6- Phạm Minh Chính (1958)

7- Tô Lâm (1957)

Do khan hiếm lực lượng kế cận, phương án quay về con số 15 ủy viên, thậm chí rút xuống 13 có lẽ được lựa chọn. Như vậy, có thể thấy các ủy viên bổ sung sẽ có thể là:

1- Lương Cường sẽ là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

2- Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính

3- Trần Cẩm Tú Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

4- Vũ Đức Đam, sẽ là Phó thủ tướng thường trực.

5- Nguyễn Thành Phong, Bí thư Th.ủy HCM

6- Bùi Thanh Sơn Bộ Ngoại giao hay Nguyễn Xuân Thắng Hội đồng lý luận Trung ương.

Việc lựa chọn giữa Bùi Thanh Sơn hay Nguyễn Xuân Thắng thể hiện tranh chấp giữa cấp tiến và bảo thủ. Nếu ảnh hưởng của Nguyễn Phú Trọng còn mạnh, Nguyễn Xuân Thắng sẽ trúng cử.

Ai sẽ là Tổng Bí thư

Với 13 người trên, sẽ không có ai đáng mặt Tổng bí thư, không có ai đáng làm Chủ tịch nước.

Trong các ủy viên Bộ chính trị hiện tại, cả những người sẽ tái cử lẫn sẽ bổ sung, không có ai vượt trội hơn hẳn để có thể giữ ghế Tổng bí thư. Đó là lý do bắt buộc chấp nhận ít nhất một trường hợp đặc cách, trong 3 phiếu đặc cách có thể, dành cho ông Phúc, bà Ngân hoặc ông Vượng.

Có thể có chút ít ảnh hưởng nhờ những bộc lộ tin cậy công khai một cách cố ý của ông Trọng và từ vị trí Thường trực Ban bí thư, như vị trí số hai trong đảng, nhưng ông Trần Quốc Vượng chưa bao giờ chứng tỏ năng lực cả về lý luận lẫn năng lực kỹ trị kinh tế, trong khi, trong bộ chính trị hiện nay, ông là người nhiều tuổi nhất trong những người quá tuổi. Nếu bỏ phiếu, ông Vượng chắc chỉ có một phiếu, là phiếu của ông Trọng. Cơ chế đặc cách sẽ khó được chấp nhận cho một người như vậy.

Bà Ngân xuất thân Bến Tre, dân vỉa hè Hà Nội nói «quê một cục», «hợp với công tác quần chúng, phong trào, thi đua khen thưởng, quá lắm là nghi lễ, khánh tiết, chứ làm gì đủ đức để lên ngôi cửu đỉnh». Nếu có đặc cách, bà Ngân chắc được chọn cho chân Chủ tịch nước. Trong nhiệm kỳ vừa rồi, phải nói là chế độ yên bình, không có loạn tiếm quyền, nên chẳng có ai có công cứu giá, ngôi Chủ tịch nước có thể để cho phụ nữ, dĩ hòa vi quý.

Dưới ông Trọng, hiện tại, người có uy tín nhất vừa hơn hẳn vừa bao trùm là ông Nguyễn Xuân Phúc. Mặc dù Nguyễn Xuân Phúc chịu tiếng kém lý luận, vụng ăn nói, nhưng khuynh hướng áp đảo hiện nay là hiệu quả quản lý tăng trưởng kinh tế, nền tảng duy nhất để đảm bảo ổn định xã hội, cứu cánh cho tính chính danh của đảng, nghĩa là ổn định chế độ, ổn định nội bộ, chứ không phải là lý luận chủ nghĩa Mác với tư tưởng Hồ Chí Minh. Có người còn nói rằng, những từ tự vỗ ngực, lơ lửng trên mây của ông Trọng «chưa bao giờ có cơ đồ như bây giờ...» cũng chỉ là «giọng ăn theo, nói leo» những thứ do ông Phúc và ông Minh làm, chứ cứ theo đúng «định hướng XHCN» và «lấy doanh nghiệp nhà nước làm chủ lực», thì đói rã họng ra rồi!

Mấy năm vừa rồi, đặc biệt năm 2020, vừa làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vừa làm Chủ tịch luân phiên ASEAN, uy tín và vị thế của Việt Nam được thế giới xác nhận, chủ yếu do công của Ngoại giao, có công đầu của Phạm Bình Minh.

Vì vậy, có khả năng sẽ có 2 phiếu đặc cách tái cử ủy viên Bộ chính trị:

1- Nguyễn Xuân Phúc (1954), thay thế Nguyễn Phú Trọng cho chân Tổng bí thư Đảng.

2-Nguyễn Thị Kim Ngân,(1954), cho vị trí Chủ tịch nước.

Bộ tứ mới

Nếu đúng như dự đoán trên, bộ tứ của chế độ sẽ có thể như sau:

Tổng bí thư: Nguyễn Xuân Phúc

Chủ tịch nước: Nguyễn Thị Kim Ngân

Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh

Chủ tịch Quốc hội: Trương Thị Mai

Khuôn mẫu bộ tứ mới này thể hiện sự cân bằng hoàn hảo, gồm hai nam, hai nữ. Tổng bí thư miền Trung, Thủ tướng miền Bắc, Chủ tịch nước miền Nam, và Chủ tịch Quốc hội xuất thân Quảng Bình, nằm ở giữa giải đất hình chữ S.

Trục chính của chế độ là trục Nguyễn Xuân Phúc- Phạm Bình Minh, trước hết phản ánh tư tưởng chủ đạo là lấy hiệu quả kỹ trị làm trọng. Đường lối sẽ dựa trên căn bản Lợi ích Quốc gia và Luật pháp Quốc tế, không phải trên nền tảng chủ nghĩa, như từ Đại hội XII trở về trước.

Việc đặt người miền Bắc vào vị trí đứng đầu Chính phủ cho biết quyền quyết định chế độ nằm ở cơ quan hành pháp, dựa trên năng lực quản trị kinh tế, không nằm ở quản lý tư tưởng hay kiểm soát ý thức hệ. Vả chăng, ông Phúc vốn cũng không có năng khiếu về lý thuyết đảng, thậm chí có thể phỏng đóan rằng ông không biết nhiều lắm về triết học Mác-xít. Có thể lờ mờ thấy khởi đầu của mô hình Chủ tich nước, đại diện Hiến pháp và Thủ tướng Chính phủ, đại diện Hành pháp, không có Tổng bí thư đảng.

Việc Phạm Bình Minh có thể nắm vị trí Thủ tướng cũng cho thấy thái độ rõ ràng của Việt Nam với ĐCS Trung Quốc.

Khác với trục Trọng-Phúc, đỏ vỏ, xanh lòng, trục Phúc-Minh sẽ là một trục tâm đầu ý hợp, ít nhất cùng trái với quan điểm «Thị trường Định hướng XHCN» của ông Trọng. Bất cứ ai từng kinh qua quản lý kinh tế, từng giao tiếp trực diện với nền tảng thực chất của kinh tế thị trường đích thực đều không thể hiểu và không thể chấp nhận khái niệm nền kinh tế Thị trường được Định hướng. Định hướng XHCN là thế nào? Là triệt tiêu dần dần tư hữu và kinh tế tư nhân? Là tiến dần tới kinh tế tập trung dưới điều của hành Chính phủ? Là quay trở lại nền kinh tế kế hoạch hóa?

Hoặc là điều tiết mọi chỉ tiêu theo tín hiệu vận hành của thị trường, hoặc là làm tê liệt mọi hoạt động của thị trường bằng kế hoạch hay định trước. Không có cái này trong cái kia, hoặc đồng thời là cái kia.

Cùng với trục Phúc-Minh, vai trò của kinh tế quốc doanh, tức là vai trò của doanh nghiệp nhà nước sẽ được tối thiểu hóa. Không có chuyện bóp méo hay làm biến dạng thị trường bằng các mệnh lệnhh chính trị của lãnh đạo đảng thông qua công cụ doanh nghiệp nhà nước. Nếu hệ thống quốc doanh đủ sức để bao trùm nền kinh tế thì nó trở thành hệ thống chính trị, không còn là các định chế kinh tế nữa. Đó là định hướng, nhưng không còn là thị trường. Chủ trương thiết lập chi bộ đảng trong tất cả các doanh nghiệp tư nhân chính là chủ trương chính trị hóa nền kinh tế, học theo Trung Quốc, là một chủ trương phản động và ngu dốt. Nó sẽ chết cùng với với sự «tạ thế» của ông Trọng.

Nếu đúng là trục Phúc-Minh được Đại Hội XIII lựa chọn, có thể hy vọng xu hướng rộng mở xã hội. gần gặn với thế giới dân chủ, cùng với sự hình thành dần dần tính độc lập của Tòa án và báo chí.

Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII

Ông Trọng tự phân công giữ vị trí trưởng tiểu ban Lý luận và Nhân sự, có chủ ý ghìm lái con tàu Việt theo con đường XHCN Mác-xít và loại bỏ những nhân tố có tư tưởng cải cách. Đó là tham vọng cố chấp của một bộ não ngoan cố, bảo thủ. Nhưng ông Trọng không biết rằng, cho dù cố gắng mức nào, thủ đoạn cỡ nào thì thực chất ông đã là một quá khứ, một thứ ngoáo ộp, một hoàng đế không còn tại vị. Tất cả đều đã thấy rõ điều đó, thậm chí, chỉ sau khi ông «đứng trên vỉa hè» của chính trường, người ta sẽ nhắc tới ông như một cơn «giãy dụa» cuối cùng.

Báo cáo chính trị đại Hội XIII tất yếu sẽ còn nguyên chữ «Thị trường Định hướng XHCN», còn nguyên «tuyệt đối trung thành với nguyên lý Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh», nhưng nỏ chỉ còn là cái vỏ, một cái bình rỗng, một xác chết không hồn.

Đại hội lần này sẽ phải đối diện với một mâu thuẫn khó giải. Đó là việc, người chủ trì soạn thảo báo cáo và trình bày báo cáo chính trị tại Đại hội, thông thường là ứng viên đã được lựa chon cho vị trí Tổng bí thư, vì sẽ là người chỉ đạo thực hiên nghị quyết của Đại hội. Nhưng lần này, ông Trọng chủ trì soạn thảo báo cáo chính trị, nhưng không phải là người sẽ tiếp tục chức vụ Tổng bí thư.

Vậy, ai sẽ là người đọc báo cáo, có nghĩa ai sẽ là Tổng bí thư? Bây giờ, vẫn còn là điều bí ẩn.

Người đọc báo cáo và người chủ trì soạn thảo không phải là một, đã nói rõ báo cáo là cái xác không hồn. Người ta không ai không nhớ, khi nói tới mấu chốt của tăng trưởng, ông Phúc 3 lần kêu lên: «cơ chế, cơ chế, cơ chế». Cơ chế nghĩa là luật, mà luật là «thể chế hóa cương lĩnh đảng», là «định hướng XHCN, là kinh tế quốc doanh là chủ đạo». Muốn tăng trưởng phải phá vỡ cơ chế. Đó là ý của ông Phúc. Nếu ông Phúc được chọn làm người đọc báo cáo, thì nội dung Nghị quyết của Đại hội có thể sẽ không phải là nội dung của Báo cáo chính trị.

Đây sẽ là điểm nút gay cấn nhất của Đại Hội XIII.

Nếu không thể có cơ chế đặc biệt cho ông Phúc, chỉ có một phiếu cho bà Ngân, liệu ông Phạm Bình Minh có thể là người được giao trách nhiệm đọc báo cáo chính trị không? Ông Minh là người miền Bắc, giỏi lý luận, lại đang là linh hồn không thể thay thế của chính sách đối ngoại Việt, bạn rất thân với Mỹ và châu Âu, nhưng rất không thân với Trung Quốc.

Người ta đã nhiều lần dự báo rằng con số 13 là con số cuối cùng của đảng cộng sản, không biết có ứng nghiệm không!

20/09/2020

B.Q.V.

Tác giả gửi BVN


MẤY CỤ GIÀ BÀN NHÂN SỰ CHO ĐẢNG 

MẠC VĂN TRANG/ TD 28-9-2020

Sáng qua cà phê với mấy cụ toàn đảng viên kỳ cựu tại Sài Gòn.

Mấy cụ này đều quen biết bà xã mình, nên sau lời giới thiệu là thân mật trò chuyện ngay. Mình chưa biết rõ về các cụ, nhưng ngắm cụ nào cũng thấy đáng kính. Mình là “dân ngụ cư" chỉ khiêm tốn ngồi yên lặng hóng chuyện. Công nhận các cụ theo dõi sát tình hình thời sự và phân tích đằng sau các sự kiện rất thú vị.

Có cụ phân tích lại vụ án Hồ Duy Hải và sốt ruột: Sao đến nay “chúng nó" vẫn chưa giải quyết cho rốt ráo đi?

- Trước Đại hội XIII họ chưa bới ra đâu. Bây giờ phải dọn dẹp mọi thứ cho gọn gàng, sạch sẽ để Đại hội đã chớ…

- Nhưng vụ Hồ Duy Hải liên quan chặt chẽ với Nguyễn Hoà Bình, vì chưa xử lý vụ này nên Nguyễn Hoà Bình vẫn cứ xuất hiện khắp các cuộc họp quan trọng của Đảng. Đài, báo vừa đưa tin: Sáng ngày 24/9, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã chính thức khai mạc. Ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao dự và chỉ đạo Đại hội...

Người như thế mà vẫn cơ cấu vào nhân sự Đại hội XIII sao chấp nhận được?

- Thì bây giờ ổng vẫn đang là Bí thơ Trung ương nên vẫn có quyền và trách nhiệm thực thi nhiệm vụ Đảng phân công chớ.

- Nhưng Trung ương thiếu gì người mà cứ để ổng xuất hiện hoài như vậy, không lợi cho uy tín của Đảng. Và theo tui, Đại hội XIII phải dứt khoát dẹp ổng đi…

Lắng xuống một tí, một cụ hỏi:

- Còn vụ Đồng Tâm bới ra rồi để đó sao?

- Chắc cũng sau Đại hội mới xử lý, bới ra bây giờ liên quan đến nhiều nhân sự Đại hội đó.

- Nhưng tôi thấy Tô Lâm “hoàn thành sứ mệnh” rồi. Thứ nhứt, ổng làm chuyện bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, gây xôn xao dư luận quốc tế; thứ nhì, ổng làm vụ Đồng Tâm, thất nhân tâm quá trời, gây tổn thất uy tín của Đảng. Hai vụ đó đủ cho ổng nghỉ được rồi…

- Lý là như vậy, nhưng nghe nói phe Tô Lâm mạnh lắm đó.

- Nhưng nếu Đại hội sáng suốt thì phải hiểu lòng dân nghĩ gì về Tô Lâm chớ…

Lại lắng xuống một lúc. Các cụ nhâm nhi cà phê… Rồi một cụ hỏi, thế “tứ trụ" thì sao hả?

- Nghe nói có phương án Bảy Phúc sẽ làm Tổng bí thơ, Kim Ngân Chủ tịch nước, Phạm Bình Minh Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội là Trương Thị Mai...

- Phương án tung ra thăm dò dư luận đó, chưa có gì chắc chắn đâu. Các phe còn giằng co nhau. Sau hội nghị trù bị trước khi vào Đại hội mới chốt được nhân sự.

- Thì thăm đó nên ta mới bàn… Phải dẹp cái tư tưởng cục bộ, phe phái đi, đặt Tổ quốc và Nhân dân trên hết mới chọn được người xứng đáng để dân chấp nhận được...

- Tôi ưng phương án đó, chỉ hơi băn khoăn chút xíu về Trương Thị Mai. Nó chưa thể hiện rõ năng lực, chưa thấy quyết đoán trong công việc…

- Thì nó với Kim Ngân cũng rứa mà. Thôi thì bọn nó ít tệ hơn là được…

- Giai đoạn chuyển tiếp, mình phải lựa chọn vậy thôi.

- Các bác nói vậy thì hoá ra ông Trần Quốc Vượng lâu nay được chuẩn bị làm Tổng bí thư lại trượt à? Mình rụt rè nêu ra câu hỏi.

- Tui thấy Trần Quốc Vượng mờ nhạt quá, chưa thể hiện vai trò, năng lực bằng công việc thực tế để tin cậy…

- Tui thấy ổng phát biểu nhiều câu không có trúng, trật hết đó...

- Mà ổng chưa qua bí thơ tỉnh, chưa qua làm Bộ trưởng, chưa có thực tế …

Mình nghĩ thầm, ồ, chả lẽ cụ Nguyễn Phú Trọng “ấp" mấy ông kế cận đều bị “ung” cả ư? Đầu tiên Cụ giới thiệu Phạm Quang Nghị, Tiến sĩ học Liện Xô về, từng làm Bộ trưởng Văn hoá rồi Bí thư thành uỷ Hà Nội… Ông từng được cử đi thăm Mỹ và đã tặng Thượng nghị sĩ John Mc Cain một món quà được xem là “vô văn hoá" nhất trong đối ngoại. Thế rồi sau Đại hội XII thì về đi đánh golf...

Tiếp theo là Đinh Thế Huynh, cũng Tiến sĩ, học ở Liên Xô về, từng làm TBT báo Nhân Dân, Trưởng Ban Lý luận Trung ương, Thường trực Ban bí thư. Đinh Thế Huynh luôn ngồi liền bên cụ Trọng, từng được Cụ cho là “người Bắc nhiều lý luận"... Sau Đại hội XII, ông Huynh đưa ra “lý luận chống tham nhũng bằng sỉ nhục”, rồi ông đi thăm Mỹ, đối thoại với giới chức Mỹ; nghe ông John Kerry nói: Ở Việt Nam tôi không thấy chủ nghĩa cộng sản, mà chỉ thấy chủ nghĩa tư bản rất sôi động… Ông Huynh bắt tay, cười hoan hỉ… Thế rồi ông về nước ít lâu, nghe đồn mắc bệnh gì đó và biến mất tăm. Lâu lắm rồi, chẳng có tin ông bệnh gì, giờ ở đâu?

Bây giờ lại đến ông Trần Quốc Vượng “tuột dốc" nữa thì hoá ra cụ Trọng kém cái khoản chọn người kế cận sao? Nhưng chắc cụ Trọng cũng chả buồn vì chuyện đó, vì Cụ từng nói:

“Cán bộ tốt hay xấu thì cứ hỏi dân là biết hết!” (VOV).

Thế thì mấy cụ cà phê hôm nay toàn là đảng viên lão thành, “đại" công dân cả đấy, còn gì nữa!

M.V.T.

Nguồn: Fb Mạc Văn Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét