Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

20200927. TÌNH HÌNH XỬ LÝ NỢ XẤU NGÂN HÀNG

 ĐIỂM BÁO MẠNG

NHÌN LẠI TÌNH HÌNH XỬ LÝ NỢ XẤU SAU BA NĂM

HỒ HỮU TÍN, LÊ ĐỨC QUANG TÚ(*)/ TNKTSG 24-9-2020

LTS: Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu là vấn đề nóng của ngành ngân hàng trong những năm qua. Nhằm đánh giá những kết quả đạt được sau năm năm thực hiện việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách để hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển an toàn và bền vững hơn trong những năm tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng TBKTSG tổ chức Vietnam Banking Forum 2020, diễn ra vào ngày 30-9-2020 tại 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội. Chủ đề của diễn đàn năm nay là “Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: kết quả và khuyến nghị chính sách”.

Trong số báo này, TBKTSG xin được chuyển đến bạn đọc, khách mời tham gia Vietnam Banking Forum 2020 cụm bài viết của các chuyên gia đánh giá về kết quả tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên mọi khía cạnh, từ đó nêu ra những vấn đề tồn tại cần được phân tích sâu, những gợi ý chính sách cần xem xét để trong tương lai gần Việt Nam không còn ngân hàng yếu kém nào trong hệ thống và nợ xấu không còn là mối lo của các tổ chức tín dụng cũng như của toàn nền kinh tế nữa.

Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội cùng với Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ra đời trong bối cảnh yêu cầu cấp bách là phải cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém trong giai đoạn 2016-2020. Với Nghị quyết 42, nhiều chính sách mới so với pháp luật hiện hành đã được áp dụng, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn, dù đã đạt được kết quả đáng khích lệ, vẫn còn tồn tại những vướng mắc.

Kết quả đạt được không nhỏ

Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã giảm từ 2,46% (2016) xuống 1,89% trong hai năm 2018-2019, nhưng lại tăng lên mức 2,04% vào ngày 30-6-2020, chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Có thể thấy rõ, Nghị quyết 42 đã tạo điều kiện quan trọng góp phần xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Đến cuối tháng 3-2020, hệ thống đã xử lý được 299.800 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết. Ngoài ra, hoạt động mua nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã góp phần quan trọng trong việc duy trì tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ở mức dưới 3% trong suốt giai đoạn từ 2015 đến nay. Việc xử lý nợ xấu tại VAMC đạt được kết quả tích cực, đặc biệt từ khi triển khai Nghị quyết 42, tăng lũy kế từ 46.460 tỉ đồng (30-6-2018) lên 65.080 tỉ đồng (31-3-2020).

Lẽ ra còn có thể tốt hơn, nhưng...

Thứ nhất, số lượng vụ việc xử lý nợ xấu áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao vẫn còn hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả thu hồi nợ.

Thứ hai, việc hoàn trả tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu là vật chứng trong vụ án hình sự phụ thuộc nhiều vào quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng, do chưa có văn bản quy phạm pháp luật giải thích cụ thể về việc “ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án” theo quy định tại điều 14 Nghị quyết số 42.

Thứ ba, theo Nghị định 178/199/NĐ-CP và Nghị định 163/2006/NĐ-CP, tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm khi xử lý nợ, nhưng hiện nay, theo Nghị quyết 42, để thực hiện quyền thu giữ này, trong hợp đồng bảo đảm giữa tổ chức tín dụng và bên bảo đảm phải có nội dung thỏa thuận về việc được quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, cơ quan thi hành án dân sự chưa có hệ thống dữ liệu cho phép các tổ chức tín dụng trích xuất, tra cứu thông tin tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết. Điều này dẫn đến việc các tổ chức tín dụng gặp khó khăn khi xác định tài sản bảo đảm nào đang tranh chấp, tài sản nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp. Vì vậy, cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau gây khó khăn khi áp dụng các biện pháp xử lý tài sản theo Nghị quyết 42.

Thứ tư, chưa có thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp, dẫn đến việc mua bán nợ xấu chưa thật sự sôi động, các thương vụ lớn chưa phát sinh nhiều. Trên thực tế, các tổ chức tín dụng chưa được hướng dẫn cách xác định giá bán thế nào là phù hợp với thị trường.

VAMC còn mang nhiều tính đặc thù là công cụ đặc biệt của Nhà nước để xử lý nợ xấu, việc phát hành trái phiếu đặc biệt VAMC chỉ là giải pháp hỗ trợ tạm thời nhằm giảm nợ xấu nội bảng tại các tổ chức tín dụng. Một khi đến thời gian đáo hạn (thường là năm năm) mà các khoản nợ này chưa được xử lý xong thì ngay lập tức sẽ quay về lại các tổ chức tín dụng, làm ảnh hưởng đáng kể đến sự lành mạnh và an toàn hoạt động của họ, bởi toàn bộ rủi ro và chi phí xử lý nợ xấu do họ gánh chịu.

Theo báo cáo của VAMC, tính đến thời điểm đầu 2020, trên toàn hệ thống chỉ có 13 ngân hàng tất toán xong toàn bộ trái phiếu VAMC gồm ACB, VIB, TPBank, VCB, Nam A Bank, MBB, SeABank, Techcombank, OCB, Kienlongbank, BIDV, Agribank và VPBank.

Thứ năm, nguồn lực tài chính về xử lý nợ xấu chủ yếu là tự lực của các tổ chức tín dụng thông qua tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, làm gia tăng nguy cơ sụt giảm lợi nhuận của ngân hàng. Mặt khác, việc trích lập dự phòng của các ngân hàng chưa thực sự tương ứng với tài sản rủi ro, vì tiêu chuẩn kế toán của Việt Nam (VAS) vẫn còn thấp hơn so với tiêu chuẩn kế toán quốc tế (IFRS).

Giải pháp sắp tới

Trước mắt, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 01 cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng trong đại dịch.

Việc giữ nguyên nhóm nợ có thể giúp các ngân hàng giảm áp lực tăng trích lập dự phòng rủi ro khi nợ xấu gia tăng. Tuy nhiên, thực tế các ngân hàng thương mại đã chủ động tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro trong sáu tháng đầu năm 2020 để bao nợ xấu. Do vậy, để giảm áp lực cho họ, NHNN cần lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung một số điều trong Thông tư 01. Chẳng hạn, quy định ngày cụ thể cho các khoản vay có đủ điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thay vì “từ ngày 23-1-2020 đến ngày liền kề sau ba tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19”.

Liên quan đến Nghị quyết 42, NHNN cần đề xuất Quốc hội yêu cầu Tòa án Nhân dân tối cao sớm có văn bản gửi cơ quan tòa án các cấp về việc cần ưu tiên áp dụng các thủ tục rút gọn được quy định tại Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP khi giải quyết các vụ án liên quan đến xử lý nợ xấu. Ngoài ra, Tòa án Nhân dân tối cao xem xét, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp sớm có văn bản chỉ đạo về việc hoàn trả các tài sản bảo đảm là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết 42. Đồng thời, Tòa án Nhân dân tối cao phối hợp với các cơ quan thi hành án dân sự sớm xây dựng hệ thống dữ liệu liên quan đến các vụ việc đang được thụ lý giải quyết và cho phép các tổ chức tín dụng được tra cứu, trích xuất các thông tin liên quan từ hệ thống dữ liệu này.

Chính phủ, NHNN cần tạo điều kiện thuận lợi để VAMC thực hiện mua bán nợ theo cơ chế thị trường, tăng cường năng lực tài chính quản trị cho VAMC, nhất là về vấn đề nhân sự. Riêng đối với VAMC, cần tiếp tục nghiên cứu, mở rộng phạm vi đối tượng mua nợ (như các nhà đầu tư trong và ngoài nước) và các khoản đầu tư của VAMC để VAMC từng bước trở thành trung tâm tái tài trợ các khoản nợ, khoản đầu tư của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, hỗ trợ cho việc cơ cấu lại nợ.

Ngoài cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc NHNN, Chính phủ cũng có thể cân nhắc có một cơ quan giám sát độc lập song song với NHNN nhằm đảm bảo sự ổn định hệ thống tài chính ở Việt Nam. Theo đó, đối với các khoản vay vượt qua mức giới hạn rủi ro cho một khoản vay được quy định, thì phải được trình báo cho các cơ quan giám sát này nhằm hạn chế tăng trưởng tín dụng quá đà của các ngân hàng thương mại. Có như vậy, mới giảm được gánh nặng xử lý nợ xấu trong dài hạn.

Bản thân các ngân hàng cũng cần có nguồn lực tài chính vững mạnh để thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Theo đó, cần có các phương án tài chính để mua trực tiếp và dứt điểm nợ xấu của các ngân hàng, chuyển số tiền mua nợ xấu cho các ngân hàng để ổn định kinh doanh; tăng cường hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC thông qua tái cấu trúc, bán cho các nhà đầu tư theo giá thị trường, xử lý và thanh lý tài sản bảo đảm.

Ngoài ra, do đặc thù mà mỗi ngân hàng có bộ chấm điểm xếp hạng tín dụng riêng cho khách hàng, và trong nội bộ ngân hàng, bộ chấm điểm này cũng có thể linh hoạt theo từng chi nhánh. Vì vậy, các ngân hàng thương mại cần phối hợp với Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) xây dựng một bộ chấm điểm xếp hạng tín dụng nhất quán, đồng bộ, ứng dụng chuyển đổi số nhằm rút ngắn thời gian chấm điểm tín dụng và là cơ sở dữ liệu tra cứu cho toàn hệ thống. Đây cũng là tiền đề để giảm áp lực xử lý nợ xấu vì chất lượng tín dụng được cải thiện một cách đồng đều giữa các ngân hàng.

Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) ra đời đã hỗ trợ TCTD xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn. Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15-8-2017 đến 31-5-2020 đạt trung bình khoảng 7.150 tỉ đồng/tháng, cao hơn 3.630 tỉ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tháng từ năm 2012 - 2017 của hệ thống các TCTD trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (trung bình khoảng 3.520 tỉ đồng/tháng).

Đồng thời, kết quả xử lý nợ xác định theo Nghị quyết 42 bằng hình thức khách hàng trả nợ có xu hướng tăng, điều đó phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện. Theo đó, tỷ trọng nợ xấu đã xử lý bằng hình thức khách hàng trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết 42 tại thời điểm 31-12-2019 và 31-5-2020 tương ứng khoảng 40,5% và 40,1%, cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 (22,8%).

Sau gần ba năm thực hiện, toàn hệ thống các TCTD đã nỗ lực xử lý, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và đã đạt được những kết quả tích cực, đến nay nợ xấu nội bảng được kiểm soát dưới 2%.

(Theo Ngân hàng Nhà nước)

(*) Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, UEL, VNU-HCM, Vietnam

'PHAO CỨU SINH' NỢ XẤU-NHIỀU KHI CÓ CŨNG NHƯ KHÔNG
TS BÙI ĐỨC GIANG (*)-LS TRẦN QUANG VINH (**)/ TBKTSG 24-9-2020

(TBKTSG) - Tài sản bảo đảm là phao cứu sinh cho các tổ chức tín dụng trong trường hợp phát sinh khoản nợ xấu. Tuy nhiên trong thực tế khi cần sử dụng chiếc phao ấy thì họ lại có thể gặp một số vấn đề mà nguyên nhân bắt nguồn từ các quy định của pháp luật.

Phương thức xử lý tài sản bảo đảm

Một trong những phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp theo thỏa thuận được quy định tại điều 303 Bộ luật Dân sự (BLDS) là “bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm”.

Dễ thấy nhà làm luật chỉ cho phép các bên thỏa thuận sử dụng phương thức này nếu nghĩa vụ được bảo đảm ở đây chính là nghĩa vụ của bên bảo đảm. Nói cách khác, phương thức xử lý bảo đảm theo thỏa thuận này không áp dụng cho trường hợp một bên thế chấp hay cầm cố tài sản của mình để bảo đảm cho một bên khác vay vốn tại tổ chức tín dụng. Việc giới hạn như vậy rất khó hiểu và trong thực tế tạo ra cản trở đáng kể cho việc xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng.

Quy định này cần được sớm sửa đổi theo hướng “bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm”.

Tương tự, Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 6-6-2014 hướng dẫn về xử lý tài sản bảo đảm quy định, việc xử lý tài sản thế chấp là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai được thực hiện như xử lý thế chấp quyền đòi nợ, trong khi đây là hai loại tài sản hoàn toàn khác nhau.

Điều này dẫn tới việc, dù thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai là biện pháp bảo đảm phổ biến trong tài trợ cho vay mua nhà dự án, song các ngân hàng vẫn không biết xử lý loại tài sản này như thế nào cho phù hợp.

Có thể sửa đổi quy định này theo hướng cho phép chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khi xử lý biện pháp bảo đảm này.

Cũng trong khuôn khổ tài trợ dự án nhà ở thương mại, quy định hiện hành vẫn chưa đề cập đến cơ chế xử lý thế chấp quyền tài sản liên quan đến dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Nhìn rộng hơn, có thể thấy hành lang pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm là quyền tài sản hiện vẫn còn rất nhiều khoảng trống và đặt các tổ chức tín dụng trước không ít rủi ro mất vốn dù có tài sản bảo đảm.

Thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý

BLDS quy định khá mập mờ về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng. Thực vậy, điều 301 của luật này dường như không công nhận quyền này của tổ chức tín dụng là bên nhận thế chấp, trong khi điều 307 lại nhắc đến “chi phí thu giữ” mà về mặt logic vốn chỉ phát sinh nếu có việc thu giữ.

Biện pháp thu giữ giúp tổ chức tín dụng chiếm hữu được tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý tài sản này, đặc biệt là có thể bàn giao cho người mua, người trúng đấu giá.

Nghị quyết 42 của Quốc hội cho phép tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm, nhưng phụ thuộc vào việc tuân thủ một số điều kiện. Một trong những điều kiện này là tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm. Vì vậy, nếu trong hợp đồng ban đầu mà không có điều khoản thu giữ này thì tổ chức tín dụng phải ký bản bổ sung và hình thức của bản bổ sung này phải tuân thủ hình thức của hợp đồng bảo đảm ban đầu (khoản 3 điều 421 BLDS). Nếu bên bảo đảm không hợp tác hay thiếu thiện chí thì việc ký bản bổ sung này là không khả thi.

Thiết nghĩ, có thể xem xét bỏ điều kiện này để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xử lý tài sản bảo đảm. Đổi lại, để tránh việc tổ chức tín dụng lạm quyền và có thể gây thiệt hại cho bên bảo đảm, cần bổ sung quy định về định giá tài sản bảo đảm khi xử lý trong trường hợp hai bên không thống nhất được giá.

Chuyển quyền sở hữu tài sản bảo đảm

Giá tài sản bảo đảm phụ thuộc một phần vào tiến độ hoàn tất các thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đó.

Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19-5-2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hồ sơ địa chính, được bổ sung, sửa đổi năm 2015 và năm 2017 (Thông tư 24) đặt ra yêu cầu rằng trong hồ sơ đăng ký biến động bất động sản thế chấp phải có “văn bản bàn giao tài sản thế chấp” đối với mọi khoản nợ và “văn bản về việc bàn giao tài sản mua bán nợ hoặc văn bản giải quyết của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đối với trường hợp không thỏa thuận được việc bàn giao tài sản mua bán nợ” trong trường hợp mua bán nợ xấu.

Điều đáng nói là văn bản này không đề cập đến trường hợp bên thế chấp không hợp tác để bàn giao tài sản thế chấp. Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có hướng dẫn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội, theo đó trong trường hợp này có thể sử dụng biên bản thu giữ tài sản theo quy định tại điều 7 của Nghị quyết 42 để thay thế cho văn bản bàn giao tài sản thế chấp hay văn bản về việc bàn giao tài sản mua bán nợ.

Thiết nghĩ, để áp dụng thống nhất tại các địa phương, hướng dẫn này cần được bổ sung vào trong Thông tư 24. Điều 9b của thông tư này cũng cần được sửa đổi để làm rõ hơn trường hợp đăng ký biến động khi bên mua nợ kế thừa biện pháp bảo đảm và đăng ký biến động khi xử lý tài sản bảo đảm, tránh tình trạng mập mờ như hiện nay.

Thêm vào đó, pháp luật doanh nghiệp hiện hành không có quy định nào về thủ tục đăng ký thay đổi thành viên công ty TNHH hay thủ tục thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập công ty cổ phần khi xử lý thế chấp phần vốn góp, hay cổ phần, trong công ty không phải là công ty đại chúng. Điều này dẫn tới hệ quả là một số địa phương từ chối thực hiện các thủ tục này, vốn cần thiết để hoàn tất việc chuyển quyền sở hữu cho bên nhận chuyển nhượng phần vốn góp, hay cổ phần thế chấp, hay bên nhận chính phần vốn góp hay cổ phần này để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm.

Bảo vệ tổ chức tín dụng ngay tình

Một nỗi ám ảnh lớn của tổ chức tín dụng khi phải xử lý tài sản bảo đảm là vào thời điểm đó xuất hiện tranh chấp liên quan đến tài sản này.

Công văn số 64/TANDTC-PC của Tòa án Nhân dân tối cao ngày 3-4-2019 hướng dẫn áp dụng khoản 2 điều 133 BLDS về bảo vệ quyền lợi của tổ chức tín dụng ngay tình theo hướng “trường hợp giao dịch chuyển nhượng nhà đất bị vô hiệu nhưng bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và đã thế chấp nhà, quyền sử dụng đất đó cho ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật thì giao dịch thế chấp đó không vô hiệu”.

Như vậy, nếu giao dịch cơ sở làm phát sinh quyền sử dụng đất hay quyền sở hữu nhà ở là giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay mua bán nhà ở mà bị tuyên vô hiệu, nhưng người nhận chuyển nhượng hay người mua tài sản đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay quyền sở hữu nhà ở và căn cứ vào giấy chứng nhận này mà tổ chức tín dụng đã nhận thế chấp, thì hợp đồng thế chấp không vô hiệu.

Hướng dẫn trên của Tòa án Nhân dân tối cao được các ngân hàng đón nhận một cách nồng nhiệt. Tuy nhiên, dễ thấy là văn bản này vẫn chưa đề cập đến tài sản bảo đảm là công trình xây dựng không phải là nhà ở (như các tòa văn phòng, nhà máy...) và vẫn bỏ ngỏ số phận của các giao dịch chuyển quyền sử dụng đất khác ngoài giao dịch chuyển nhượng (như tặng cho, thừa kế, góp vốn, hay chuyển đổi) cũng như các giao dịch khác đối với nhà ở (như tặng cho, đổi, thừa kế, cho thuê mua, hay góp vốn). Do đó, hướng dẫn này chỉ giải quyết được một phần nỗi lo vô hiệu hợp đồng thế chấp của các tổ chức tín dụng và cần được bổ sung sớm để bảo vệ tốt hơn các tổ chức tín dụng là bên ngay tình trong giao dịch nhận thế chấp.

Thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu khởi kiện để tổ chức tín dụng đòi nợ gốc, nợ lãi và xử lý tài sản bảo đảm chỉ là ba năm theo các quy định về thời hiệu của BLDS. Pháp luật của một số nước phát triển quy định thời hiệu dài hơn. Chẳng hạn, theo quy định của pháp luật Anh, nếu hợp đồng vay được lập dưới dạng văn bản chính thống (deed), thời hiệu khởi kiện sẽ là 12 năm trong khi thời hiệu này chỉ là sáu năm nếu hợp đồng vay được lập dưới dạng văn bản thông thường (simple contract). Đối với khoản vay có bảo đảm, thời hiệu khởi kiện đòi nợ gốc là 12 năm trong khi tổ chức tín dụng chỉ có thể khởi kiện trong thời hạn sáu năm đối với dư nợ lãi.

Do tính chất phức tạp của quan hệ tín dụng có bảo đảm, cần sớm nghiên cứu sửa đổi theo hướng quy định thời hiệu khởi kiện dài hơn để giúp hạn chế nguy cơ mất vốn cho tổ chức tín dụng.

Nhìn một cách tổng thể, để giúp xử lý tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu hiệu quả hơn, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và khắc phục các điểm nghẽn là nhu cầu tất yếu từ thực tiễn.

(*) Giảng viên thỉnh giảng Đại học Luật Hà Nội

(**) Công ty Luật TNHH Tindona Việt Nam

NGÂN HÀNG CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ XỬ LÝ NỢ XẤU TƯƠNG LAI
THỤY LÊ/ TBKTSG 24-9-2020

LTS: Do có sự nhầm lẫn nên trong bài “Ngân hàng có thể làm gì để xử lý nợ xấu tương lai” đăng trên bản in TBKTSG số ra ngày 24-9-2020 có một đoạn chưa chính xác :“Hơn 271.000 khách hàng với dự nợ hơn 1,18 triệu tỉ đồng là con số đã được các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại nợ tính đến ngày 14-9-2020, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước. Đây là con số không hề nhỏ, xấp xỉ 14% tổng dư nợ toàn ngành”.

TBKTSG xin được sửa lại nội dung đoạn trên như sau: "Hơn 271.000 khách hàng với dư nợ 321.000 tỉ đồng là con số đã được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại tính đến ngày 14-9-2020, chiếm xấp xỉ 3,7% tổng dư nợ của toàn ngành; bên cạnh 1,18 triệu tỉ đồng đã được miễn, giảm, hạ lãi suất”.

Trong bản đăng trên TBKTSG Online, thông tin trên đã được chỉnh sửa cho đúng.

TBKTSG xin được đính chính và xin chân thành cáo lỗi cùng độc giả và Ngân hàng Nhà nước.

 

(TBKTSG) - Khi các khoản nợ xấu cũ còn chưa xử lý xong, mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành ngân hàng về 3% theo Đề án Tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 chưa chắc về đích kịp, thì có nguy cơ nợ xấu mới xuất hiện “dồn dập” do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Vậy các ngân hàng có thể làm gì để đối mặt với những thách thức này?

Ngân hàng cần tiến hành phân loại, chọn lọc kỹ càng, theo đó với những khách hàng có cơ hội phục hồi thì có thể hỗ trợ thêm vốn để họ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, mở đường cho khả năng thu hồi lại các khoản vay trong tương lai. Ảnh minh họa: Hùng Lê

 

Hơn 271.000 khách hàng với dư nợ 321.000 tỉ đồng là con số đã được các TCTD cơ cấu lại tính đến ngày 14-9- 2020, chiếm xấp xỉ 3,7% tổng dư nợ của toàn ngành; bên cạnh 1,18 triệu tỉ đồng đã được miễn, giảm, hạ lãi suất. Trước nguy cơ nợ xấu có thể tăng vọt trong thời gian tới nếu các khoản nợ tái cơ cấu này không xử lý kịp như mục tiêu đề ra, NHNN mới đây đã yêu cầu các TCTD có biện pháp hiệu quả xử lý nợ xấu và ngăn chặn nợ xấu phát sinh.

Tái cơ cấu và giải pháp riêng biệt cho từng đối tượng

Trước mắt, các ngân hàng chỉ có thể tiếp tục tái cơ cấu, miễn giảm lãi cho các khách hàng gặp khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch bệnh, theo như yêu cầu của Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Nhưng ngày 18-9, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính có ý kiến thống nhất với NHNN về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN theo hướng kéo dài sự hỗ trợ hơn và mở rộng đối tượng.

Tuy nhiên, cần biết rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời để giúp các ngân hàng tránh áp lực nợ xấu tăng vọt, có thể gây bất ổn cho nền kinh tế nói chung cũng như ngành ngân hàng nói riêng. Về dài hạn, không ít trong số những khoản vay này nếu không 

XỬ LÝ NỢ XẤU VẪN BẰNG DỰ PHÒNG RỦI RO LÀ CHỦ YẾU

ĐĂNG LINH/ TBKTSG 24-9-2020


(TBKTSG) - Xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống ngân hàng trong suốt 10 năm qua. Đặc biệt, với tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 kể từ đầu năm 2020 đến nay, vấn đề này đang dần nóng trở lại khi tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại có thể tăng nhanh trong thời gian tới.

 

Techcombank xử lý 1.746 tỉ đồng nợ xấu bằng dự phòng, gấp gần 20 lần so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh: THÀNH HOA

Nợ xấu là điều khó tránh

Về định nghĩa, hiểu một cách đơn giản, nợ xấu là khoản nợ mà quá thời hạn thanh toán một số ngày nhất định, người đi vay không có khả năng thực hiện ngay nghĩa vụ trả nợ của mình đối với ngân hàng cho vay. Nợ xấu vi phạm đặc trưng cơ bản của tín dụng là tính thời hạn và tính hoàn trả đầy đủ, kế đến là nó gây nên sự mất lòng tin của người cấp tín dụng đối với khách hàng nhận tín dụng.

Tại Việt Nam, việc xác định nợ xấu ngân hàng trước hết phải thông qua việc phân loại nợ. Theo điều 10, Thông tư 02/2013/TT-NHNN, nợ của các ngân hàng được phân thành 5 nhóm: nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn);  nhóm 2 (Nợ cần chú ý); nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn); nhóm 4 (Nợ nghi ngờ); (v) nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn). Nợ xấu là những khoản nợ được phân loại từ nợ nhóm 3 trở lên. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu được tính bằng tổng giá trị nợ xấu trên quy mô tổng dư nợ của ngân hàng.

Tỷ lệ nợ xấu tại Việt Nam có xu hướng tăng từ cuối năm 2007 và trở nên trầm trọng hơn từ cuối năm 2011. Với việc Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) của Quốc hội và Đề án 1058 phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” của Thủ tướng Chính phủ được ban hành và có hiệu lực, tính đến cuối quí 2-2018, nợ xấu của toàn hệ thống TCTD đã được xử lý đáng kể. Về cơ bản, việc xử lý nợ xấu được thực hiện thông qua các biện pháp chủ yếu như: sử dụng dự phòng rủi ro; bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC); phát mại tài sản bảo đảm; đốc thúc khách hàng trả nợ. Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2012 đến cuối quí 1-2018, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 753.000 tỉ đồng nợ xấu, trong đó: TCTD tự xử lý (sử dụng dự phòng rủi ro; bán, phát mại tài sản bảo đảm và do khách hàng tự trả) khoảng 455.000 tỉ đồng, chiếm trên 60%; còn lại nợ bán cho VAMC đạt khoảng 282.000 tỉ đồng, chiếm gần 40%.

Chủ yếu xử lý nợ xấu bằng dự phòng

Việc nợ xấu tăng trở lại do những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 đang mang đến những thách thức lớn cho các ngân hàng. Trước mắt, trong ngắn hạn, các ngân hàng vẫn đang tích cực tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để đối phó với nợ xấu. Tuy vậy, mức độ trích lập dự phòng rủi ro cũng có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng.

Cụ thể, ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước chi phối, chỉ có Vietcombank tăng chi phí dự phòng so với cùng kỳ năm 2019. Nửa đầu năm 2020, ngân hàng này chưa sử dụng khoản trích lập nào để xử lý nợ xấu, do vậy, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng nhẹ. Hay như tại BIDV và VietinBank, dù không tăng chi phí dự phòng so với cùng kỳ năm 2019 nhưng cả hai ngân hàng này đều đang mạnh tay tái cấu trúc và xử lý dần nợ xấu trong bảng cân đối. Nửa đầu năm 2020, BIDV đã xử lý gần 4.500 tỉ đồng nợ xấu, giảm 50% so với cùng kỳ. Trong khi đó, VietinBank bắt đầu tái cấu trúc từ cuối năm 2018, cũng tích cực xử lý 3.787 tỉ đồng nợ xấu trong sáu tháng đầu năm nay, thấp hơn một chút so với con số 4.047 tỉ đồng của cùng kỳ năm 2019.

Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, theo Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS), hầu hết các ngân hàng đều tăng chi phí dự phòng so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Techcombank, SHB và ACB ghi nhận mức tăng chi phí dự phòng đột biến nửa đầu năm (cao hơn 3-4 lần cùng kỳ năm 2019). Liên quan đến xử lý nợ xấu, VPBank và Techcombank là hai ngân hàng có động thái đáng chú ý nhất. VPBank đã sử dụng 6.284 tỉ đồng dự phòng để xử lý nợ xấu, giúp tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm từ 3,42% cuối năm 2019 còn 3,19% tại thời điểm cuối quí 2. Techcombank cũng xử lý 1.746 tỉ đồng nợ xấu bằng dự phòng, gấp gần 20 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Cũng theo IVS, thay vì sử dụng tỷ lệ bao phủ nợ xấu chung (dự phòng chung và dự phòng cụ thể) trên nợ xấu để so sánh giữa các ngân hàng, việc so sánh quy mô khoản mục dự phòng cụ thể/nợ xấu (có thể trích lập để xử lý nợ xấu ngay trong kỳ) phản ánh chính xác hơn khả năng xử lý nợ xấu. Trên thực tế, các ngân hàng trong hệ thống còn duy trì tỷ lệ này tương đối thấp, chủ yếu khoảng 20-30%. Vietcombank đứng đầu ngành và bỏ xa các ngân hàng còn lại. Ngay cả khi cộng dồn khoản 8.200 tỉ đồng dư nợ được giữ nguyên nhóm nợ (dư nợ tái cấu trúc theo Thông tư 01, theo dữ liệu ngân hàng công bố), tỷ lệ dự phòng cụ thể/(nợ xấu+nhóm nợ được tái cơ cấu) của ngân hàng vẫn duy trì trên 110%. Xếp sau Vietcombank là MB và TPBank có tỷ lệ dự phòng cụ thể/nợ xấu khoảng 60-70%. Còn với ACB, mức tăng dự phòng của ngân hàng này chủ yếu nằm ở trích lập dự phòng chung trong khi khoản dự phòng cụ thể lại khá thấp so với nợ xấu của ngân hàng (31%).

Như vậy, trong bối cảnh các ngân hàng sử dụng biện pháp chính là dự phòng rủi ro để trích lập và xử lý nợ xấu như hiện nay thì khả năng kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng mạnh trong thời gian tới khi nợ xấu tăng lên là điều khó tránh khỏi. Các biện pháp xử lý khác như phát mại tài sản bảo đảm, bán nợ sẽ mất thời gian cũng như vướng nhiều thủ tục hành chính nên việc xử lý thường có độ trễ và có thể sẽ được phản ánh vào khoản mục thu nhập khác ở các kỳ tiếp theo sau khi ngân hàng đã hoàn tất xử lý nợ xấu bằng dự phòng. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét